Monday, August 27, 2012

TUỔI TRẺ BĂN KHOĂN: NGHÈO VÀ CƠ HỘI THĂNG TIẾN

 
Tuổi trẻ là tuổi năng động, đáng yêu, nhạy bén và đầy sáng tạo. Trong cuộc sống và trong hành trình cuộc đời, họ cần những đặc tính đó để tìm kiếm chân lý, để hướng chính mình về Chân – Thiện – Mỹ và để đạt được một cuộc sống tươi đẹp, một cuộc sống hạnh phúc và tràn đầy niềm vui. Để đạt cuộc sống hạnh phúc, họ nhìn về phía trước với nhiều hy vọng, nhưng cũng đầy nỗi băn khoăn.
Băn khoăn vì tuổi trẻ đôi khi thiếu niềm tin: có thể vì không biết những gì xảy ra cho cuộc đời mình, có thể vì chưa chọn đúng lối đi, có thể vì đang ở trong nơi tăm tối, có thể vì với hoàn cảnh hiện tại mình không thể thăng tiến, cũng có thể vì những lý do ngoại tại khi thấy bên cạnh mình còn quá nhiều trở ngại, bất công, nghèo đói.
Hy vọng vì tuổi trẻ là tuổi của hy vọng, tuổi của lạc quan yêu đời, tuổi của niềm phấn khởi hân hoan, của những ước vọng và những giấc mơ đẹp cho tương lai cuộc đời. Đó là niềm hy vọng thăng tiến trong cuộc sống, đặc biệt trong nền văn mình tình yêu.
MỘT VÀI CON SỐ
Con số thống kê về trẻ nghèo trên thế giới thật đáng cho mọi người suy nghĩ: 600 triệu trẻ em sống trong cảnh nghèo khó, trong đó 160 triệu trẻ em thiếu ăn và 6 triệu trẻ em chết vì đói mỗi năm, nghĩa là khoảng 708 em trong một giờ đồng hồ. Họ là khoảng 100 triệu trẻ em đường phố, những băng nhóm thanh thiếu niên, bị gia đình bỏ rơi và rất gần với con đường dẫn đến phạm pháp. Họ là những “trẻ em cầm súng”, khoảng 300 ngàn; đó những “chiến sĩ nhỏ” trong các vùng có tranh chấp hay các nơi đang xảy ra chiến sự. Họ là những thanh thiếu niên bị bức hại về tinh thần lẫn thể xác hay là những “nô lệ lao động tuổi vị thành niên” với con số khoảng 250 triệu. Họ là 12 triệu trẻ em di dân sống trong các cống rãnh, nhà ổ chuột ở Châu Á, Nam Mỹ và cả Châu Âu, lang thang đây đó kiếm sống. Họ là 11 đến 13 triệu bạn trẻ ở Châu Phi và nhiều nơi khác đang bị bệnh tật nan y hành hạ, hay mồ côi (Pascual Chavez, Công Báo dòng Sa-lê-diêng số 411).
Giuseppe Palizza trong bài nghiên cứu về “giới trẻ và sự nghèo đói” trong tạp chí dimensioni nuovi cho thấy tại nước Ý có khoảng 600.000 giới trẻ nghèo từ độ tuổi 18 đến 24, và con số lên đến 1.500.000 trẻ nghèo dưới 18 tuổi. Vào giữa năm 2011 hàng loạt tờ báo của Ý trưng dẫn thống kê về tỉ lệ người nghèo tại đất nước này (24,7 % tổng dân số, nghĩa là cứ 4 người có 1 người nghèo), trong đó giới trẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất (ví dụ xem tờ Avvenire “Tương Lai”, 15.06.2011).
Tại Việt Nam, theo số liệu của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, vào những năm gần đây tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia của Việt Nam là 12.9%. Công bố mới nhất của tổng cục thống kê về kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, cho thấy chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam lên tới 9,2 lần.
Có nhiều nguyên nhân gây ra nghèo đói: khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế phát triển không bền vững, hiệu năng quản lý chính phủ thấp, cuộc sống khó khăn, thiếu việc làm, thất nghiệp, rủi ro trong cuộc sống, bất bình đẳng trong thu nhập, thiếu thiếu liên đới và lối sống cá nhân chủ nghĩa, chủ nghĩa tiêu thụ và loại trừ, việc bỏ học kéo theo việc thiếu bằng cấp để có được công việc ổn định.
Nghèo không chỉ đơn giản là nghèo về kinh tế và việc thiếu thốn trong việc tiếp cận dịch vụ như giáo dục, văn hóa nhưng điều đáng lưu tâm hơn chính là cái nghèo về tinh thần, nghĩa là nghèo ý chí và nghèo ước mơ,nghèo nàn trong việc thể hiện nhân cách, phẩm giá con người, dẫn đến thiếu lòng tin và lòng tự trọng. Có những bạn trẻ có trong tay 2 hay 3 chiếc điện thoại di động, hoặc có những chiếc xe chính hiệu “A Còng” - @, nhưng họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc.
ĐÂU LÀ CƠ HỘI THĂNG TIẾN?
Việc toàn cầu hóa và những biến đổi của khoa học kỹ thuật giúp cho giới trẻ ngày nay có nhiều thông tin, nhiều cơ hội phát triển và dễ dàng tiếp cận với thế giới tri thức.
Giới trẻ nghèo về kinh tế cách nào đó sẽ được tạo điều kiện tiếp cận với giáo dục: 1,5 triệu người được miễn giảm phí học nghề, 19 triệu lượt học sinh nghèo được miễn, giảm học phí, tiền xây dựng trường (Nguồn: Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tháng 9-2005: chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo 2006–2010).
Chiếc máy vi tính cho phép giới trẻ nối kết với thế giới đại đồng, đối thoại trực tiếp, công khai và bình đẳng với những người đồng lứa tuổi ở bất cứ góc bể chân trời nào. Sự “bình đẳng trên mạng” này gây ấn tượng tự tin, tự khẳng định và tạo nhiều ước mơ nơi người trẻ hôm nay (xem Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên).
Trong bối cảnh như thế, giới trẻ nghèo về vật chất và tinh thần có cơ hội để tìm cho mình một vị linh hướng, nghĩa là tìm đến những người có kinh nghiệm, hiểu biết và khôn ngoan, để có thể có được những trợ giúp khẩn thiết về mặt tinh thần và tìm ra được con đường để vượt qua ‘cái nghèo’ của mình. Việc ‘hướng dẫn’ này, nhất là về việc ‘hướng dẫn thiêng liêng’ sẽ giúp họ nhận biết và vượt qua sự mỏng dòn cá nhân khi phải đưa ra những quyết định trong đời sống của mình.
Chúa Giê-su tìm kiếm con chiên lạc, những linh mục - tu sĩ sẵn sàng trong việc phục vụ, đi đến với người nghèo để lắng nghe chia sẻ cuộc sống với họ, đồng thời giúp họ có cơ hội thăng tiến trong cuộc sống.
“Con gặp trăm ngàn thanh thiếu niên nghèo khổ, không lối thoát. Họ băn khoăn bất tận về mộng xây dựng cuộc đời […]. Họ cần con và họ kêu đến con […]. Đừng để thiên hạ xây dựng thế giới này mỗi ngày mà con không hay biết, không thao thức, không khám phá, không nhúng tay vào” (HY FX. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng).
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)

No comments:

Post a Comment