Saturday, August 15, 2020

DON BOSCO

 


Don Bosco (thánh Gioan Bosco) sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815 tại Becchi, Castelnuovo d’Asti, nước Ý, trong một gia đình nông dân nghèo. Ngài hấp thụ nền giáo dục của gia đình Công Giáo, và được đào luyện tại Chủng viện Chieri (1835-1841), để sau đó trở thành một linh mục (1841) hoàn toàn tận hiến cho giới trẻ, cho việc giáo dục Kitô giáo, cho hoạt động tông đồ và truyền giáo.

Ngài thành lập Nguyện Xá thánh Phanxicô Salê tại Tôrinô năm 1844 dành cho các thanh thiếu niên và trẻ em nghèo, cho các công nhân từ miền quê lên thành phố làm việc. Năm 1846, Nguyện Xá chính thức có trụ sở tại Valdocco, gọi là “Nguyện Xá Valdocco”. Năm 1847, Don Bosco mở lưu xá và bắt đầu mở các xưởng cũng như các lớp học tại đây. Công cuộc của Nguyện Xá Valdocco dần dần phát triển.

Để giáo dục giới trẻ và thăng tiến xã hội, Don Bosco thành lập Tu hội thánh Phanxicô Salê (dòng Salêdiêng Don Bosco) vào năm 1859. Nhà dòng bắt đầu triển nở ở miền Piemonte (nước Ý) và các nơi khác. Ngài cũng thành lập dòng con Đức Mẹ Phù Hộ (các Sơ FMA) vào năm 1872 để chăm lo cho các trẻ nữ, và một phong trào rộng lớn những con người phục vụ Giáo Hội vì lợi ích của người nghèo và những người bé nhỏ trong xã hội, trong đó ngài thành lập Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng vào năm 1876.

Năm 1877, Don Bosco cho ra đời Tập san Salêdiêng, một tạp chí thông tin và hỗ trợ cho công việc giáo dục mục vụ Salêdiêng. Từ năm 1875 trở đi, công cuộc Salêdiêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ vượt ra ngoài Châu Âu, những bước đầu tiên đến Châu Mỹ, bắt đầu với Argentina. Don Bosco qua đời năm 1888 và được Đức Thánh Cha (ĐTC) Piô XI phong thánh vào năm 1934.

Châm ngôn cho đời sống và hoạt động của Don Bosco là: “Da mihi animas caetera tolle - Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác xin cứ lấy đi” kín múc từ sách Sáng Thế 14,21. Việc “cứu rỗi linh hồn” trở thành ưu tiên số một, như Don Bosco nói với các học sinh của ngài trong buổi huấn từ tối năm 1863: “Cha muốn nói với các con một vài điều hết sức quan trọng. Cha cần chúng con giúp đỡ vì công việc mà cha đã cưu mang trong lòng: đó là việc cứu rỗi linh hồn các con. Đây là mục đích cao cả nhất, là lý do duy nhất cho sự hiện hữu của cha và cho việc cha sống ở đây”.[1]

Phương pháp của ngài tóm gọn trong Hệ thống giáo dục dự phòng, dựa trên tình yêu – lý trí – tôn giáo, “mời gọi một sự đồng hành (việ hộ trực) đầy tình yêu thương và liên lỷ của nhà giáo dục hay giáo viên – như những người cha hay người mẹ hiện diện ở đó, khuyên nhủ, hướng dẫn và trợ giúp” những học sinh và các thanh thiếu niên.[2]

Khoa sư phạm của Don Bosco là một kế hoạch giáo dục người trẻ nhằm mang lại hạnh phúc cho chúng; hướng tới “niềm hạnh phúc đích thực ở đời này và đời sau”, đào tạo nên “Những công dân lương thiện và những Kitô hữu tốt lành”. Mục đích này chính là năng động lực dẫn dắt Ngài khởi sự và phát triển vô số những sáng kiến tông đồ dành cho người trẻ.

Fx. Phạm Đình Phước SDB

205 năm sinh nhật Don Bosco (16/08/2020)

 



[1] Pietro Braido, Il Sistema preventive di Don Bosco, Zurigo 1964, 126.

[2] Pietro Braido, Prevenire non Reprimere, LAS, Roma 1999, 8.