Saturday, March 31, 2012

CHÚA GIÊSU PHỤC SINH

 

«Nếu Ðức Ki-tô không phục sinh, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và đức tin của anh em cũng hư vô hão huyền» (1Cr 15, 14).

BIẾN CỐ PHỤC SINH

1. «Ðức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh»[1]
Chúa Giêsu phục sinh, hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus và Người giải thích Thánh Kinh cho hai ông (x. Lc 24, 25-27). “Thánh Kinh” trở thành tiêu chuẩn trường tồn trong việc nhận biết và hiểu về Chúa Giêsu Kitô.[2]

Cái chết của Đức Giêsu nằm trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa và hoàn thành những gì “Thánh Kinh” đã tiên báo về Người. Đó là nhiệm cục của tình yêu vô hạn Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và đã cử Con của Ngài đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta (1 Ga 4, 10).

Hoàn thành hy lễ trên thập giá,[3] Chúa Giêsu đã tự do chấp nhận chịu nạn và chịu chết vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến con người: «chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình» (Ga 10, 18). Hy tế của Người là duy nhất, hoàn tất và vượt trên mọi hy tế (x. Dt 10, 10) và là «nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu» (Dt 5, 9) cho con người.

2. «Người được mai táng, và ngày thứ ba chỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh»
Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, có ba lần Đức Giêsu tiên báo Người sẽ chịu chết rồi sẽ sống lại: Mt 16,21, 17,22 và 20,19.
“Thánh Kinh” đã tiên báo về biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô vào ngày thứ ba như “dấu chỉ tiên tri Giona” (ba ngày ba đêm trong bụng cá: x. Mt 12, 39; Lc 11, 29) hay như tiên tri Osea loan báo về “ngày thứ ba Thiên Chúa sẽ nâng dậy” (Os 6, 2); hay đã được nói đến trong Thánh Vịnh 16, 10 và tiên tri Isaia 53. Tất cả điều này đều dựa trên đức tin về sự cứu độ được loan truyền trong Thánh Kinh.

3. «Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi nhóm Mười Hai»
Phục Sinh của Chúa Giêsu là biến cố ngoại thường đến độ không thể nắm bắt được trong các chiều kích vượt ngoài khả năng hiểu biết và điều tra của con người. Nhưng cũng là một sự kiện ”lịch sử”, có thật, có chứng tá và tài liệu.

Trong biến cố phục sinh, yếu tố đầu tiên là ngôi mộ trống. Việc phát hiện mồ trống là bước đầu dẫn các môn đệ đến việc nhìn nhận chính sự kiện Chúa sống lại: «đã thấy và đã tin» (Ga 20, 8).

Chúa Giêsu đã hiện ra với các phụ nữ là những người đầu tiên được gặp Ðấng Phục Sinh[4] và với các tông đồ trước hết với Phê-rô, sau đó với nhóm Mười Hai (x. 1Cr 15, 5): «Chúa đã sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon» (Lc 24, 34. 36).

Các tông đồ là những chứng nhân của Chúa Kitô Phục Sinh. Các Ngài là nền tảng của Giáo Hội, qua đó, Phêrô là cột trụ mà chính Chúa Gie6su đã trao phó nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Người: «Thầy biết con yêu mến Thầy»; «Hãy chăm sóc chiên con của Thầy».

Ý NGHĨA SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh hoàn tất những lời hứa của Cựu Ước và của chính Người khi còn sống tại thế.[5] Phục Sinh xác nhận thiên tính thật của Ðức Giê-su. «Khi các ông đưa Con Người lên cao, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu» (Ga 8, 28).

Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh có những tương quan trực tiếp với các môn đệ của Người, qua tiếp xúc và việc chia sẻ bữa ăn.[6] Thân xác vinh hiển của Người không còn bị ràng buộc trong không gian và thời gian nữa. Thân xác này tham dự vào đời sống thần linh vinh hiển.

Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh là nguyên lý sự sống lại của chúng ta: ngay trong hiện tại, Người công chính hóa linh hồn chúng ta (x. Rm 6, 4), và sau này cho thân xác chúng ta được sống lại (x. Rm 8, 11).

Phục Sinh là tin vui tuyệt diệu, là Tin Mừng được loan báo và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đức tin của các kitô hữu dựa trên việc loan báo liên tục và trung thành Tin Mừng ấy.

«Mỗi một môn đệ của Chúa Kitô đều được mời gọi trở thành chứng nhân của Chúa phục sinh. Tin vui cuộc sống mới trong Chúa Kitô phải sáng ngời trong cuộc sống của kitô hữu, phải sinh động và hoạt động nơi người đem nó đến cho người khác, phải thực sự có khả năng thay đổi con tim, và toàn cuộc sống [...] Các kitô hữu sẽ là các chứng nhân của Chúa Giêsu phục sinh thực sự và đến cùng, khi họ để cho dấu lạ tình yêu của Người tỏ hiện; khi các lời nói và nhất là cử chỉ của họ hoàn toàn trung thực với Tin Mừng, khi đó mọi người sẽ nhận ra tiếng nói và bàn tay của chính Chúa Giêsu».[7]

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho các môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
Fx. Phạm Đình Phước SDB

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
Benedetto XVI, Gesù di Nazaret, Vol. 2, LEV, Città del Vaticano 2011, 269 – 307.
Altfrid Kassing, Sulla risurrezione di Cristo. Meditazioni teologiche, Queriniana, Brescia 1971.


[1] Xem Cv 3, 18; 7, 52; 13, 29; 26, 22-23.
[2] «Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô» (Thánh Jê-rôm)
[3] «Ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời» (Thánh Rô-sa thành Li-ma).
[4] Xem Mc 16, 1; Lc 24, 1; Mt 28, 9-10; Ga 20, 11-18.
[5] Xem Mt 28, 6; Mc 16, 7; Lc 24, 6-7.
[6] Xem Ga 21, 9. 13-15; Lc 24, 39.
[7] Benedetto XVI, Buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phê-rô 7.4.2010.

Friday, March 30, 2012

CHÚA NHẬT LỄ LÁ




Các Tin Mừng đều tường thuật biến cố Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem,[1] cách đặc biệt thánh sử Luca ghi lại rằng Chúa “lên” thành thánh Giê-ru-sa-lem (x. Lc 19, 28). Thánh Luca mô tả  đúng xét về mặt địa lý, vì đồng bằng Galilea thấp hơn 200m so với mặt nước biển, và như vậy Giê-ru-sa-lem cao hơn 760 m so với Galilea. Tuy nhiên, đó chỉ là tượng trưng cho một cuộc đi lên theo nghĩa tinh thần, dành cho những ai muốn đi theo Chúa Giêsu, đó là vươn lên đến chiều cao của ơn gọi làm người. Tin mừng cũng tường thuật rằng Chúa Giêsu đã tiên báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Mục đích chính của việc “lên đền thánh” Giê-ru-sa-lem là thập giá, là hy lễ và ơn cứu độ hiến tặng cho nhân loại: “yêu mến đến tận cùng” (Ga 13,1). [2]

Lên đền thánh Giê-ru-sa-lem để dự đại lễ vượt qua, Chúa Giêsu đi cùng các môn đệ và dòng người khách hành hương. Mác-cô và Mat-thêu tường thuật rằng từ Giêricô có một hàng ngủ đông đảo theo Ngài (x. Mt 20, 29 và Mc 10, 46). Trên đường đi Chúa Giêsu chữa lành cho anh mù từ lúc mới sinh là Bartimeo: “đức tin anh đã cứu chữa anh” (Mc 10, 47). Bartimeo được chữa lành và gia nhập đoàn người theo Chúa tiến vào đền thánh Giê-ru-sa-lem (x. Mt 20, 33).

Gần Giê-ru-sa-lem, nơi mọi người đón chờ Đấng Messia, con vua Đavit,[3] khi đến tại làng Betfage và Bêtania phía đông nam núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ và bảo hai ông: "Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay" (Mt 21, 2 -3). Thánh Mác-cô thêm một chi tiết thú vị là “con lừa chưa ai từng cỡi” (Mc 11,2). Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền.

Sự việc này xảy ra để ứng nghiệm lời tiên tri Da-ca-ri-a: “Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, Ngài hiền hậu ngồi trên lưng lừa” (Dcr 12, 15). Việc Chúa Giê-su tiến vào thành “trên lưng lừa” cho thấy Chúa Giêsu diễn tả vương quyền của Ngài ở trong sự nghèo khó, trong khiêm tốn và trong bình an của Thiên Chúa.[4]

Việc “mặc áo choàng” mang ý nghĩa vương đế trong truyền thống Israel (x. 2 V 9, 13). Các môn đệ đã biểu lộ hành động tôn vinh Chúa Giêsu “lên ngôi”. Đông đảo khách hành hương thấy nhiệt tâm của các môn đệ cũng trải áo choàng xuống trải xuống mặt đường, chặt nhành chặt lá mà rải trên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy và tung hô: “Osanna, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” (Mc 11, 9; Tv 118, 25).

“Osanna”[5] có nghĩa là “xin cứu giúp chúng con”, trong các thánh vịnh 113 đến 118 tôn vinh và tri ân Thiên Chúa. Vào các dịp lễ, dân chúng hành hương lên đền thờ Giê-ru-sa-lem, tay vừa phất các cành lá linh thánh vừa hát các câu tung hô, và các dịp lễ như thế biến thành những lễ hội của niềm vui. Trong bối cảnh này, khách hành hương diễn tả niềm vui đối với Chúa Giêsu khi Ngài tiến vào thành, với niềm hy vọng là Đấng Messia sẽ thiết lập vương quyền trên Israel. Tuy nhiên, con người cần biết rằng Đấng Messia sẽ mang đến cho loài người không phải là các của cải trần gian nhưng là các phúc lành của trời cao.

“Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” là lời chúc tụng của các thượng tế dành cho khách hành hương đến đền thành Giê-ru-sa-lem. Ở đây, áp dụng cho Chúa Giêsu để mô tả lời chào mừng Đấng ngự đến, Đấng được chờ đợi, và Đấng hoàn thành mọi lời hứa (x. Mt 21, 10).

Khi vào đền thánh, ngay sau việc thanh tẩy đền thờ, thánh sử Mat-thêu tường thuật thêm hai chi tiết nhỏ khác mang đặc tính tiên tri và đồng thời soi sáng cho biết ý định thực sự của Chúa Giêsu. Trước hết, Chúa Giêsu nói về đền thờ là ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc và “có những kẻ mù loà và què quặt đến với Ngài trong đền thờ. Ngài đã chữa họ lành”. Chúa Giêsu tỏ hiện như một Đấng yêu thương và quyền năng của Ngài là quyền năng tình yêu. Như thế, Ngài dạy các kitô hữu về sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực: chữa lành, phục vụ và thiện tâm săn sóc. Hơn nữa, Mat-thêu còn nói rằng các trẻ em reo hò trong đền thờ cùng với những lời tung hô của những người hành hương trong đền thờ: “Hoan hô Con Vua Đavít” (Mt 21, 15). Để vào Nước Thiên Chúa thì một trong những điều cốt yếu là phải trở nên như trẻ nhỏ. Chính Chúa Giêsu, Đấng ôm lấy trọn vẹn thế giới, đã làm cho mình trở nên bé nhỏ để đến giúp đỡ con người, đưa họ về với Thiên Chúa. Để nhận biết Thiên Chúa, thì cần thiết phải từ bỏ sự kiêu hãnh và để gặp Thiên Chúa thì cần phải nhìn bằng con tim, phải học để nhìn với một tâm hồn trẻ thơ và với một tâm hồn tươi trẻ.[6]

Mỗi kitô hữu hãy đón chào Chúa Giêsu ngự trong Thánh Thể như Đấng ngự đến trong lòng giáo hội, và đón chào Đấng hiện diện luôn mãi và Đấng sẽ ngự đến trong vinh quang. Như khách hành hương vào đến thánh Giê-ru-sa-lem, mỗi một kitô hữu được mời gọi gặp Chúa trong Thánh Thể.
Với lễ Lá, các kitô hữu đang bước vào tuần thánh, với cao điểm của phụng vụ Kitô giáo là Tam Nhật Thánh. Phụng vụ trong những ngày này thuật lại sự thương khó, khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, kể cả những người, cho dẫu không biết Thiên Chúa, sống với lòng ngay thẳng và chân thật.

Con người được dựng nên để sống và sống để yêu mến: yêu mến Chúa và để yêu thương nhau. Thiên Chúa là tình yêu, đã sáng tạo muôn loài, đã tạo dựng và cứu chuộc con người. Nhập Thể và Cứu Chuộc là mầu nhiệm của tình yêu. Chúa Giêsu đã chấp nhận đau thương để đem lại yêu thương cho con người. Thiên Chúa cho con người được thông phần cuộc sống của Đấng “là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”, để cho họ “được sống dồi dào” và sống viên mãn trong tình yêu.
Fx. Phạm Đình Phước SDB


Sự khiêm hạ (Kènosys)
            Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa
            mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
            địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
            nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
            mặc lấy thân nô lệ,
            trở nên giống phàm nhân
            sống như người trần thế.
            Người lại còn hạ mình,
            vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
            chết trên cây thập tự.

Vinh quang
            Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
            và tặng ban danh hiệu
            trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
            Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
            cả trên trời dưới đất
            và trong nơi âm phủ,
            muôn vật phải bái quỳ ;
            và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
            mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng :
            "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa" (Pl 2, 6-11)


[1] Xem Mt 21, 1-11; Mc 11, 1-11; Lc 19, 28-39 và Ga 12, 12-19. Giê-ru-sa-lem là kinh đô của miền Giudea, cũng là Sion, trung tâm tôn giáo của dân Do Thái, vì có Đền Thờ. Hơn thế nữa, nó ám chỉ đền thờ dâng kính Thiên Chúa duy nhất. Điều này muốn nói lên rằng chỉ có một Thiên Chúa, là chủ tể của mọi loài thọ sinh, và mọi loài đều mang trong thâm tâm lòng khắc khoải tìm kiếm Ngài.
[2] Xem thêm Joseph Ratzinger – Benedetto XVI, Gesù di Nazaret, Vol. 2, LEV, Città del Vaticano 2011, 10-12.
[3] Trong khi vào Giêrusalem, dân chúng tôn vinh Chúa Giêsu như là Con Vua Đavít, với những lời của những người hành hương trong Thánh vịnh 118: “Hoan hô Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!” (x. Mt 21, 9).
[4] Chúa Giêsu là đức vua của những người nghèo (anawým), hơn là vua của những người mạnh thế (ghibborým) vẫn chầu quanh vua Đavít (x. 2 Sm 1,19.21).
[5] Hạn từ tiếng Híp-ri hôsý‘ah-nna’, hay hôsha‘-na.
[6] Benedetto XVI, Omelia nella messa delle Palme, Vaticano 2008.

Thursday, March 22, 2012

"AI UỐNG NƯỚC TÔI CHO, SẼ KHÔNG BAO GIỜ KHÁT NỮA" (Ga 4, 13)

 
KHÁT VỌNG HƯỚNG TỚI VÔ BIÊN
Chủ nhật III Mùa Chay: Ga 4, 5-42
Ai cũng cần nước. Sau không khí, nước là yếu tố quan trọng của đời sống. Có nước mới có rau cỏ, mới có sự sống. Trước hết, nước tạo nên sức sống và sự tươi mát. Bất cứ nơi đâu, dù là sa mạc mà có nước chảy vào, tức thì có ngay mầu xanh của cây cối. Đứng trước một dòng nước, ai lại không muốn tâm hồn mình được tươi mới. Những ngày hè nóng bức, chúng ta uống nước đá, tắm nước sông hay gặp nước mưa thì quả thực là mát mẻ. Từ vạn vật cho đến lòng người,tất cả đều được đổi mới. Đối với người công giáo, dòng nước Rửa tội đổi mới cho đời sống thiêng liêng. Tiếp đến nước tinh luyện và tẩy sạch. Còn gì sạch bằng nước, người Do Thái xưa kia đã hiểu như vậy, cho nên họ đặt ra những luật lệ trong việc sử dụng nước: phải rửa tay trước khi ăn uống, phải tắm gội trước khi dâng của lễ, phải rửa chân khi đi đường xa mà trở về nhà.
Ông bà tổ tiên dạy: “Uống nước nhớ nguồn”. Nước có nguồn gốc từ đâu! Thales thành Milet (624-546 BC), triết gia trường phái Ionie và có thể gọi ông là người sáng lập ra triết học Hy Lạp, xác định chỉ có một vật chất duy nhất là “nước” làm nguồn gốc cho tất cả, nghĩa là nguyên lý khởi thủy (arché) của vũ trụ là nước. Ông cho rằng thế giới tự nhiên chỉ còn một yếu tố vật chất duy nhất là “nước”. “Những gì tồn tại” đều có ba hình thức: hơi, nước và đất, nhưng hơi và đất chỉ là những hình thái biến đổi của nước.
Theo Kinh Thánh, nước là tác phẩm do Thiên Chúa tạo dựng. Ngay từ buổi khai thiên lập địa, Thánh Thần Chúa đã bay lượn trên nước. Thiên Chúa đã cho mưa thuận gió hòa, đã dùng nước để tiêu diệt cả một thế hệ vô luân ngoại trừ Noe là người công chính. Nước ở biển Đỏ đã cứu thoát dân Do Thái và vùi dập đoàn quân của Pharaon. Suốt cuộc hành trình trong hoang địa, dân Do thái phải chịu cảnh khát nước. Thiên Chúa đã ban cho họ nước mát trong tuôn trào từ tảng đá. Qua đó, Thiên Chúa tỏ cho dân Ngài biết rằng Ngài vừa Đá Tảng vừa Nguồn Mạch luôn luôn tuôn trào sự sống và ơn cứu độ (Xh 17, 3-7).
Tin Mừng chủ nhật III mùa chay A tường thuật rằng Chúa Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, “Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng” và nơi đây xảy ra cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri ở bên bờ giếng Gia-cóp. Và chính nơi đây, Đức Giê-su đồng hóa mình với nguồn nước hằng sống đem lại sự sống đời đời. Ngài ban cho nhân loại nước ban sự sống đời đời, như Ngài nói: “Ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước chảy vọt mang lại sự sống đời đời”.
Con người sinh ra trong giới hạn, nhưng lại mang một khát vọng vô hạn. Con người là hữu thể khao khát hướng tới vô biên. Đây là đặc tính có ý nghĩa nhất của tinh thần con người, nó chứa đựng nhận thức và yêu thương những đối tượng hữu hạn, để biểu lộ tình yêu vô hạn. Đó là sự khao khát của tinh thần trước chân lý, trước thiện tính và cũng chính là khả năng yêu thương cái vô hạn trong bất cứ tình yêu hữu hạn nào.
Chỉ có Chúa Giêsu Kitô, phát xuất từ Thiên Chúa vô biên, mới có thể dạy chúng ta ý nghĩa khao khát đó. Ngài dạy chúng ta sống với vô biên và chỉ có Ngài mới có thể lấp đầy khát vọng vô biên của con người. Chính Đấng Vô Biên đã tạo ra trong lòng chúng ta cái khát vọng vô biên, không sao thỏa mãn, không sao lấp đầy đó. Chỉ khi nào gặp được Đấng Vô Biên trong Đức Kitô, lòng chúng ta mới được thỏa mãn mà thôi.
Thánh Augustinô, sau một khoảng đời đi tìm kiếm danh vọng, địa vị, tiền tài, tình yêu, hạnh phúc, cuối cùng đã ăn năn sám hối trở lại với Chúa và ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, thế mà bấy lâu nay con chỉ mải mê tìm kiếm cái gì khác ở ngoài Chúa. Vì vậy lòng con luôn băn khoăn thao thức mãi cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Augustino)
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)

Tuesday, March 20, 2012

TÌNH BẠN - CN 5A MÙA CHAY


   
1. Trong cuộc sống có nhiều hình thái bè bạn như bạn tu, bạn học, bạn đồng môn, bạn làm ăn, bạn đồng nghiệp, bạn nhậu … . Nhưng tình bạn đích thực phải được khởi đi từ việc chia sẻ của trái tim, một trái tim biết mến yêu và được yêu mến.

Trong lịch sử có nhiều tình bạn cao đẹp, tự nhiên, keo sơn trong thử thách và bền vững cho đến mãn đời như Đavit và Gionathan (1Sm 18, 1-4), như các thánh Têrêsa Avilla và Gioan Thánh Giá, Phanxicô và Clara, như Lưu Bình và Dương Lễ.

Tình bạn chân thành luôn đặt trên nền tảng của sự thật. Điểm khởi đầu cho một tình bạn thân luôn là lòng mến và ước muốn sự thiện hảo cho bạn của mình. Đó chính là thái độ yêu thương và tôn trọng. Tôn trọng có nghĩa là không bắt buộc người bạn phải giống mình. Hãy cho phép mình là mình và hãy cho phép người bạn thân là chính họ. “Có hoạn nạn mới biết thật bạn bè”: tình bạn thân thực sự vững bền nhờ có được những thử thách và gian khổ. Tất cả những điều đó sẽ làm tình bạn tồn tại cho dù có những hiểu lầm, và tình bạn thân sẽ được lớn lên, vững mạnh với sự tin tưởng, lắng nghe, cởi mở và trung thành.

Sự tin tưởng lẫn nhau giúp bộc lộ tất cả những suy nghĩ thầm kín, những ước mơ và cả những bất an trong cuộc sống của mình. Sự lắng nghe được diễn tả không chỉ băng đôi tai mà còn bằng cả con tim. Sự trung thành: “Không có gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người ấy, không cân nào lường được” (Thánh Vịnh 55,13-15). “Ai có được một người bạn tốt thì ví như được một kho tàng” (Hc 6,14). Tình bạn thân tự nó mang một ý nghĩa độc đáo và thánh thiện.

2. Tin Mừng chủ nhật V mùa chay A tường thuật chuyện Chúa Giêsu cho anh bạn Lazaro sống lại. Chúa Giêsu đã diễn tả tình bạn của mình và minh chứng rằng Ngài là sự sống đời đời: “Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

Chúa Giêsu đã thổn thức trong lòng và xao xuyến trước nỗi đau của người khác: “Thầy ơi, người mà thầy yêu mến đang bị bệnh” (Ga 11,2). Chúa Giêsu thật sự yêu thương Lazaro và gia đình của anh. Ngài đã khóc và để cho “nước mắt tuôn trào” (Ga 11,35). Ngài yêu mến Lazaro và yêu mến từng người chúng ta, từng bạn trẻ một: Ngài “nhìn anh và đem lòng thương mến” (Mt 10,21). Ngài đã minh chứng cho tình bạn và lòng yêu mến mỗi người chúng ta bằng chính cái chết của Ngài: “Không có tình yêu nào cao cả hơn bằng tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13), vì bạn hữu của mình.

Cái chết thể lý của anh Ladarô nhắc nhở con người chúng ta về bản chất ngắn ngủi và mong manh của đời sống con người trên dương thế. "Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong" (Tv 103, 15).
Đối với người có đức tin, chết không phải là hết. Chết là ngưỡng cửa đưa vào cuộc đời hay con đường đưa tới sự sống. Khi chết, người có đức tin cũng chết trong thân xác của mình. Chết là tan nát, rã rời, đứt đoạn, tiêu tán hình hài, không còn góp mặt trong trong các sinh họat đời thường. Nhưng họ lại sống trường sinh bất diệt ở một cõi đời khác. Người có đức tin thì dù có chết cũng sẽ sống. Nhưng sự sống đây không giống và cũng không còn là sự sống như ta đang sống hiện nay.
Chúng ta hãy sống trọn vẹn từng ngày ngay từ bây giờ. Những người đã chết một cách hạnh phúc là những người từng nỗ lực để sống. Sự chết nhắc nhở chúng ta đừng bỏ phí thời giờ. Nó dạy cho chúng ta biết yêu thương nhau và phải biết dâng hiến chính mình ngay từ bây giờ.
Ân ban của Thiên Chúa không phải là một cuộc sống trần thế được kéo dài mãi mãi, mà là cuộc sống trong sự hiệp thông vĩnh cửu với Ngài.
 Lm. Fx. Phạm Đình Phước SDB


 
 Tôi mong bạn có một bạn trai,
                   với anh, bạn có thể chia sẻ những suy nghĩ,
                   các tình cảm và các kinh nghiệm của mình.
          Tôi mong bạn có một người bạn gái
                   gần bên cô, bạn có cảm tưởng như bạn đang ở nhà mình,
                   gần bên cô, bạn cảm thấy được con người đích thực của bạn,
                   gần bên cô, lòng bạn dâng lên lòng biết ơn đã có được cho đời mình,
                   và… cho tình bằng hữu của mình.
(Anselm Grun, suy gẫm về huyền nhiệm của tình bạn)

Monday, March 19, 2012

ĐÔI MẮT LÀ CỬA SỔ TÂM HỒN - Ga 9, 1 - 41

 
Ga 9, 1 - 41
Thật là một hồng ân lớn khi “đôi mắt” chúng ta chiêm ngưỡng được vẻ đẹp chung quanh, chẳng hạn thấy được những người thân và những người mình yêu mến, chiêm ngắm ánh sáng lấp lánh của mặt trời lúc rạng đông, nếm hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, nhìn thấy vạn vật, bầu trời, tinh tú và chứng kiến muôn hình vạn trạng của cuộc sống. Tất cả vũ trụ như bừng sáng với với chúng ta.
Chúng ta thường nói: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nghĩa là đôi mắt phản ánh tâm hồn và tấm lòng con người. Tục ngữ dân gian có câu: “Người khôn con mắt dịu hiền”, “Trán cao mắt sáng phân minh, là người học rộng, công danh tuyệt vời”. Người có tâm hồn thánh thiện thì đôi mắt bao giờ cũng đẹp; nhìn vào đôi mắt của trẻ thơ đã nói lên điều này. Mắt là cửa sổ để qua đó con người chiêm ngắm vẻ đẹp của vũ trụ vạn vật; để nhìn thấy những tấm gương những ngọn đèn soi sáng trong cuộc lữ hành trần thế.
Như thế, khi đôi mắt của ai đó không còn nhìn được nữa, thì lúc đó cảnh vật hết lung linh, không nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, xung quanh họ tất cả chỉ còn lại một màu đen tối. Đó là nỗi bất hạnh của một con người với đôi mắt không nhìn thấy. Người mù về thể xác là người không thể nhận được các hình ảnh qua thần kinh thị giác và do đó không có ý niệm về mầu sắc. Chúng ta có thể liên tưởng đến sự “mù lòa” về tinh thần do cặp mắt đức tin đã bị che khuất, hay do tự cao tự đại, luôn cho mình là người thông suốt nhìn rõ mọi vấn đề, cho là thánh thiện đức độ hơn người, không nhìn thấy những sai sót của mình.
Tin mừng chủ nhật IV mùa chay năm A thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt cho anh mù từ lúc mới sinh (Ga 9, 1 41). Chữa lành đôi mắt thể xác là một hồng ân cao cả. Nhưng tuyệt vời hơn nữa, chính Đức Giêsu đã khai mở đôi mắt đức tin cho anh, để anh nhận ra Người là một ngôn sứ, là Thiên Chúa, là Ánh Sáng cho trần gian. Được chữa lành đôi mắt thể xác, đôi mắt đức tin của anh ngời sáng: “Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9, 33).
Chúa Giêsu khẳng định: “Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống” (Ga 1, 12). Nhận được ánh sáng của Chúa Giêsu qua bí tích thánh tẩy, chúng ta “sống như con cái của sự sáng” theo lời dạy của thánh Phaolô, vì “hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính, chân thật” (Ep 5,8).
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, câu thành ngữ đã diễn tả tầm quan trọng đặc biệt của đôi mắt. Như thế, cầu xin có được đôi mắt sáng là điều cần thiết, nhưng có được một tâm hồn đẹp và sáng ngời còn là điều cần thiết hơn. Xin cho mọi người biết mở mắt và mở lòng ra để thấy được nghĩa vụ mình phải làm cho người khác hạnh phúc, hơn là chỉ thấy quyền lợi và nhu cầu của mình. Mở mắt mở lòng để nhìn thấy cái đẹp, cái tốt nơi người khác; mở mắt mở lòng để sống yêu thương nhau.
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)

Ôi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt,
Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi
Con mù lòa, bên vệ đường hành khất.
Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài.
Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ,
Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà.
Họ khổ đau, họ kêu gào than thở,
Ðừng để con cứ giả điếc làm ngơ.
Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con,
Ðừng nắm lại giữ khư khư tất cả.
Trước cửa nhà có người nghèo đói lả,
Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng.
Cúi lạy Ngài, cho chân con vững chãi,
Ðể tiến lên dẫu đường sá hiểm nguy.
Nguyện theo Ngài, thập giá đâu quản ngại,
Chúa cầm tay mà dẫn bước con đi.
(Thánh thi Kinh Sách, thứ năm tuần II)

Thursday, March 8, 2012

NỮA THẾ GIỚI XINH ĐẸP


Lạy Chúa, nếu có một hình phạt dành cho thế giới tươi đẹp này, con xin Người đừng cất khỏi thế giới những người phụ nữ trong lòng con. Bởi lẽ, con sẽ chẳng còn bao giờ được thấy:
Tiếng ru ầu ơ của Mẹ trong mỗi đêm hè nóng bức, và ánh mắt trìu mến dõi theo bước chân con vào đời, vì Mẹ luôn biết rằng, cuộc sống này không chỉ tồn tại những điều bình dị như con vẫn hằng mơ.
Và con cũng chẳng còn được thấy, mái tóc bạc phơ của Bà cứ rơi rụng dần và tìm về nơi góc vắng. Một nụ cười hân hoan với hàm răng chông chênh, như đang thách đố thời gian. Nơi đó cũng chẳng còn những câu chuyện cổ tích con được nghe mỗi khi màn đêm trải dần cả xóm làng. Một bầu không khí tĩnh mịch nhưng huyền ảo như chính những câu chuyện của bà vẫn thường kể.
Chiếc lưng còng của mẹ đang từng ngày gánh lấy cả bầu trời, lom khom nơi cánh đồng giữa trưa hè oi ả, để mang lại những hạt thóc thơm ngon cho cả gia đình. Khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của mẹ cũng chỉ còn đọng lại nơi tâm trí con, nếu một ngày Người đưa Mẹ con ra khỏi thế giới này.
Nơi đó, hình bóng người chị tần tảo, vẫn nụ cười ấy, từng ngày vẫn bước trên chiếc cầu ván đóng đinh, hy sinh tất cả cho đàn em mình. Chị vẫn chưa muốn lấy chồng vì chị hiểu đàn em thơ ngây vẫn đang cần sự bao bọc từng ngày.
Hình ảnh những tà áo dài trắng thướt tha, trên những chiếc xe đạp tung tăng trên những con đường con thơm mùi mạ non. Những buổi chia ly ngậm ngùi của những ngày cuối cấp, và nơi đó còn những tiếng thầm yêu chỉ kịp trao vội nơi trang nhật ký đầy những dòng yêu thương…
Cũng không còn nữa những lúc bâng khuâng lạc lối, rồi ngây ngô không biết rằng vì sao khuôn mặt của người ấy đượm vẻ buồn, để con trên môi vẫn nói mãi lời xin lỗi…
Ôi, còn biết bao điều con muốn kể, muốn nói thật nhiều, vì lẽ, những người phụ nữ này đã ghi dấu ấn khó nhạt phai trong lòng con. Con chỉ thầm mong, ước nguyện của con được Ngài chấp nhận. Vì cuộc sống này, còn ý nghĩa gì khi chỉ còn lại những người đàn cha, người ông, người anh, thất thểu bước trên con đường vô định, sống những tháng ngày dài bất tận chỉ trong sự cô đơn…
Một vài dòng tâm tình nhỏ nhỏ con viết cho Ngài hôm nay, xin Ngài gửi đến tất cả những người phụ nữ trên toàn thế giới này. Và tất nhiên, kèm theo những lời chúc tốt đẹp nhất đến Nửa Thế Giới xinh đẹp mà Ngài đã tạo dựng. Amen.
(Sưu tầm)


 
MỘT LY SỮA
 Trưa hôm đó, có một cậu bé nghèo bán hàng rong ở các khu nhà để kiếm tiền đi học. Bụng đói cồn cào mà lục túi chỉ còn mấy đồng tiền ít ỏi, cậu liều xin một bữa ăn tại một căn nhà gần đó. Nhưng cậu giật mình xấu hổ khi thấy một cô bé ra mở cửa. Và thay vì xin gì đó để ăn, cậu đành xin một ly nước uống. Cô bé trông cậu có vẻ đang đói nên bưng ra một ly sữa lớn.
Cậu bé uống xong, hỏi "Tôi nợ bạn bao nhiêu?".
"Bạn không nợ tôi bao nhiêu cả. Mẹ dạy rằng chúng tôi không bao giờ nhận tiền khi làm một điều tốt."
Cậu bé cám ơn và đi khỏi. Lúc này, Howard Kelly thấy tự tin hơn nhiều, mạnh mẽ hơn nhiều.
Nhiều năm sau, cô gái đó bị căn bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ trong vùng bó tay và chuyển cô lên bệnh viện trung tâm thành phố để các chuyên gia chữa trị. Tiến sĩ Howard Kelly được mời khám. Khi nghe tên địa chỉ của bệnh nhân, một tia sáng loé lên trong mắt ông. Ông đứng bật dậy và đi đến phòng bệnh nhân và nhận ra cô bé ngày nào ngay lập tức. Ông đã gắng sức cứu được cô gái này. Sau thời gian dài, căn bệnh của cô gái cũng qua khỏi. Trước khi tờ hoá đơn thanh toán viện phí được chuyển đến cô gái, ông đã viết gì đó lên bên cạnh.
Cô gái lo sợ không dám mở ra, bởi vì cô chắc chắn rằng cho đến hết đời thì cô cũng khó mà thanh toán hết số tiền này.
Cuối cùng cô can đảm nhìn, và chú ý đến dòng chữ bên cạnh tờ hoá đơn...."Đã thanh toán đủ bằng một ly sữa." Ký tên. Tiến sĩ Howard Kelly.


Nước mắt vui mừng cứ thế dâng trào và lời từ trái tim cô gái thốt lên trong nước mắt: "Cảm ơn ông!." Đây là câu chuyện có thật. Dr. Howard Kelly là một nhà vât lý lỗi lạc, đã sáng lập ra Khoa Ung thư tại trường Đại học John Hopkins năm 1895.

(Sưu tầm)

Saturday, March 3, 2012

LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XII về Lời Chúa sẽ diễn ra ở Vatican từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 năm 2008 về chủ đề: “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”. Tài liệu Instrumentum Laboris[1], được TGM Nikola Eterović, tổng thư ký của Thượng Hội Đồng giới thiệu với báo chí ngày 12 tháng 06 năm 2008, bao gồm ba phần chính: trước hết giới thiệu Mầu Nhiệm Thiên Chúa được thông truyền cho con người; thứ đến Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội; và sau cùng, Lời Chúa trong sứ mệnh của Giáo Hội. 
 
Mầu Nhiệm Thiên Chúa được thông truyền cho con người
Khởi đi từ Dt 1,1-2: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”, Tài Liệu trình bày dung mạo Thiên Chúa là Đấng thông ban Lời của Ngài cho nhân loại và nhấn mạnh đến căn tính của Lời Chúa: có nguồn gốc từ Chúa Ba Ngôi, trong Chúa Kitô và qua Chúa Thánh Thần, “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Tài Liệu trình bày trọng tâm của Lời Chúa nơi Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Mầu Nhiệm Giáo Hội. Các Kitô hữu sống và nếm cảm tình yêu của Chúa Kitô qua sự mạc khải của Chúa Cha, nhờ đó sẽ được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. “Sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Giáo Hội, thân thể của Chúa Kitô, loan báo Ngôi Lời hằng hữu qua sứ mệnh và niềm hy vọng của mình. Giáo Hội không ngừng lắng nghe lời của vị hôn thê, Đức Giêsu Kitô: suy gẫm và học hỏi Lời Chúa, cử hành và cầu nguyện, sống và thực hành Lời Chúa.
Tài liệu nhấn mạnh Kinh Thánh là nền tảng của Giáo Hội qua đó Lời được mặc khải; đồng thời cũng nêu lên cách thế cho việc chú giải Kinh Thánh theo đức tin của Giáo Hội: chú giải Kinh Thánh phải gắn kết với cử hành các mầu nhiệm thánh; việc chú giải phải dựa trên ba nền tảng: bản văn Kinh Thánh, Mầu Nhiệm Phục Sinh và đời sống trong Chúa Thánh Thần; tham khảo tài liệu Chú Giải Kinh Thánh trong Giáo Hội của Uỷ Ban Toà Thánh về Thánh Kinh; sau cùng việc kín múc nguồn phong phú từ các giáo phụ. Đối với các tín hữu, Tài Liệu kêu mời họ hãy lắng nghe Lời Chúa trong đức tin và hãy noi gương Mẹ Maria, Đấng đã đón nhận và thực thi Lời Chúa.
Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội
Giáo Hội được khai sinh và sống trong Lời Chúa: sách Công Vụ Tông Đồ trường thuật lại sự kiện Phaolô và Barnaba ở Antiokia “hai ông tập hợp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14,27). Các hội thánh địa phương kinh nghiệm Lời Chúa qua việc cử hành Thánh Thể, trong việc suy gẫm Lời Chúa, qua các tuần tĩnh tâm, qua các cuộc hội thảo …. Vì thế, việc khao khát Lời Chúa thúc đẩy các mục tử trong giáo hội không ngừng tìm cách rao giảng và mang Lời Chúa đến cho mọi người. Bên cạnh đó Lời Chúa làm tăng sức mạnh, thấm nhập và sinh động đời sống của Giáo Hội.
Lời Chúa trong chiều kích phục vụ của Giáo Hội: Tài Liệu nêu bật lên vai trò của các Thừa Tác Viên của Lời Chúa, kinh nghiệm và tầm quan trọng của Lời Chúa trong phụng vụ và trong đời sống cầu nguyện, tương quan giữa Lời Chúa và Thánh Thể, giữa Lời Chúa và việc phục vụ bác ái trong Giáo Hội, Lời Chúa trong đời sống của các tín hữu.  “Kinh Thánh là một tác phẩm của dân Thiên Chúa viết cho chính mình, đó là một kho tàng, bởi vì con người có thể tìm thấy trong đó lý do hiện hữu, ơn gọi và căn tính của mình”.
Việc rao giảng Lời Chúa hệ tại và được nuôi dưỡng trong Thánh Kinh (x. DV 21). Thánh Augustino khẳng định: “lời cầu nguyện của anh chị em chính vang vọng đến Thiên Chúa. Mỗi khi anh chị em đọc Kinh Thánh, chính lúc đó Thiên Chúa nói với anh chị em; mỗi khi anh chị em cầu nguyện, chính là lúc anh chị em trò chuyện với Thiên Chúa”. Lời Chúa diễn tả tình yêu Thiên Chúa mời gọi con người đến với Ngài và tỏ lộ tình yêu vô bờ bến của Ngài qua mầu nhiệm Phục Sinh, ban tặng cho họ kế hoạch cứu độ.
Tinh thần nghèo khó và khiêm tốn là thái độ đón nhận Lời Chúa như được tổng hợp trong 2 Cor 8, 9: “Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. Chúa Giêsu đã lắng nghe Chúa Cha và rao giảng Nước Trời cho người nghèo khó. Mẫu gương của các bậc thầy trong đời sống thiêng liêng: nội tâm hoá Lời Chúa, kiên cường trong thử thách chính là động lực cho một đời sống thiêng liêng vững chắc có Lời Chúa là ánh sáng và là đường đi.
Lời Chúa trong sứ mệnh của Giáo Hội
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Người thánh hiến tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, […] loan báo năm hồng ân” (Lc 4, 16-21)
Sứ mệnh của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng: Thánh Tông Đồ Phaolô đã quả quyết  “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16) và chính Chúa Giêsu đã phán “lúa chín đầy đồng” (Mt 9,37) và đã sai các môn đệ ra đi “rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (Mc 16,15). Thực tế cho thấy còn rất nhiều người chưa có cơ hội lắng nghe Lời Chúa, đặc biệt ở Châu Phi và Châu Á. Lời Chúa sẽ biến đổi người nghe: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén, xuyên thấu vào chổ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ” (Dt 4,12) và mang lại bình an, hy vọng, tình huynh đệ, bởi vì Lời Chúa chính là tình yêu bất tận của Thiên Chúa thông truyền cho con người.
Lời Chúa trong việc đào luyện dân Chúa: nhiệm vụ căn bản trong việc đào luyện các tín hữu đón nhận và rao giảng Lời Chúa chính là giúp họ hiểu biết, yêu mến và thực hành Lời Chúa. Đó là nhiệm vụ của các Giám Mục, Linh Mục, phó tế và đời sống thánh hiến để Tin Mừng Nước Trời được loan truyền qua mọi thời đại.
Lời Chúa chính là một hồng ân được Thiên Chúa tặng ban cho Giáo Hội. Chúa Cha, trong tình yêu của Chúa Thánh Thần, tác tạo muôn loài thọ tạo nhờ Chúa Con (x. Col 1,16). Giáo Hội tiếp tục hoạt động của Chúa Con qua Lời hằng sống và hữu hiệu, nhờ đó tìm thấy ơn cứu độ (x. Ga 10,10). “Ước chi lời Chúa Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem tất cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm và hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Col 3, 16-17).
Fx. Phạm Đình Phước SDB
(tóm tắt từ Instrumentum Laboraris, LEV)