Wednesday, August 29, 2012

FACEBOOK – SÂN CHƠI ONLINE CỦA GIỚI TRẺ

 
FACEBOOK – SÂN CHƠI ONLINE CỦA GIỚI TRẺ
 Internet là một tiềm năng cho con người và là nơi con người tìm kiếm sự hiểu biết cũng như có thể giao lưu, kết nối tương quan, chia sẻ và hiệp thông trong cuộc sống. Mạng lưới Net toàn cầu ngày càng gắn chặt và đi vào đời sống con người: Myspace, Flickr, Netblog, Hi5, Orkut, Frienster, Blogs, Twitter Facebook.
Hiện nay nhiều người tìm đến Facebook để chia sẻ thông tin và kết nối bạn bè từ khắp mọi nơi trên thế giới và nó trở thành một sân chơi mới trong thế giới người trẻ. Mạng xã hội lớn nhất thế giới này ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Nhiều bạn trẻ thậm chí xem Facebook là ‘cuộc sống của chính mình’. Các thành viên của Facebook ngày ngày luôn kết nối và cập nhật. Có thể nói rằng Facebook đã trở nên thân quen và không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như đang chiếm một chỗ đứng rất lớn trong dòng đời của cuộc sống giới trẻ
Facebook là gì?
Facebook được khai sinh vào tháng 2 năm 2006 khi Mark Zuckerberg, sinh viên khoa Tâm Lý Học của Đại Học Havard (USA), khởi xướng một chương trình online cho nhóm bạn của mình (Chris Hughes, Dustin Moskovitz và Eduardo Saverin) đăng ký dữ liệu cá nhân. Chỉ trong vòng một tháng, một nữa số sinh viên đại học Havard lúc đó đã đăng nhập vào trang của nhóm này, tiếp theo đó là các trường đại học khác trên nước Mỹ, và với sự tiến triển không ngừng, mạng Facebook vượt quá ngưỡng cửa các trường đại học để vươn rộng đến nhiều lãnh vực khác nhau.
Ý tưởng ban đầu của Facebook chỉ là nối kết các sinh viên, đáp lại ước muốn xã hội tính và nhu cầu hiểu biết trong thế giới của người trẻ và trong việc học tập. Ngày nay, Facebook mang nhiều mục đích khác nhau: kết bạn, chia sẻ, thông tin, hiểu biết lẫn nhau, cầu nguyện, hướng dẫn, quảng cáo.
Khả năng trương rộng của Facebook quả là vĩ đại và khả năng nối kết chính là điểm mạnh của Facebook. Một người có thể nối kết và tìm gặp bạn bè đã nhiều năm không có tin tức (bạn bè thời thơ ấu, bạn học thời tiểu học, những người biết đến qua một lần, những người cùng sở thích, những người cùng cảnh ngộ, cùng lý tưởng hay cùng linh đạo).
Đăng nhập Facebook thật đơn giản, chỉ cần đăng ký e-mail và password (mật khẩu). Một khi đăng nhập rồi, thì có thể kết bạn với mọi người. Mạng lưới này cho phép mô tả bạn là ai với một dung mạo chân thật. Đó là ý nghĩa chân thật của nó. Chấp nhận một người bạn trên Facebook có nghĩa là chấp nhận chia sẻ danh sách bạn bè của mình và vì thế có thể trao đổi và hiểu biết nhau về cuộc sống và về tương quan. Để những tương quan này đạt tính chân thật, thì cần thiết thêm vào đó những thông tin cá nhân, những ghi chú và hình ảnh của chính mình.
 Có thể chia sẻ điều gì với bạn bè trên Facebook?
Trên trang chủ bức tường (wall) của chính mình, mỗi cá nhân có thể chia sẻ mọi điều, về muôn hình vạn trạng trong cuộc sống chẳng hạn những gì mình đang làm, những tâm tư tình cảm, tâm sự, những lời cầu nguyện, những dự tính cho tương lai, những khó khăn trong cuộc sống, chia sẻ tâm trạng của mình như chán nản buồn vui hay hân hoan.
Cũng có thể chia sẻ tư tưởng của một học giả, một câu nói yêu thích của một ai đó, hay ngay cả một đoạn sách thú vị mà mình đọc được; cũng có thể chia sẻ những đường dẫn (link) về một bài hát, một videoclip yêu thích, những hình ảnh hay những bài viết ý nghĩa hoặc những kiến thức bổ ích trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày; cũng có thể trở thành cổ động viên (fans) cho thần tượng của mình hay cho một nhân vật nổi tiếng nào đó; cũng có thể tạo  một trang Facebook cho một nhóm để kết nối, thông tin và liên lạc dễ dàng hơn.
Trong thời gian gần đây nhờ những chức năng đa dạng Ipad hay điện thoại di động, một người có thể cập nhật trang chủ và bức tường (wall) của mình cách thường xuyên và dễ dàng.
Những bạn bè được kết nối có thể diễn tả tâm trạng của họ khi đọc những chia sẻ đó. Họ có thể thích, có thể bình luận với tâm trạng được viết trên bức tường (wall), hay có thể đưa ra một lời khuyên và chia sẻ những gì mình đang làm.
Đánh giá Facebook như thế nào?
Truyền đạt sự chân thật qua thế giới ảo là một thách đố kỳ diệu. Facebook cho phép con người tìm thấy tương quan trên mạng lưới Web toàn cầu và chỉ cần một cú click thì con người có thể chia sẻ về cuộc sống hằng ngày. Chỉ cần vào trang chủ (home) của mình, thì mỗi cá nhân có thể đọc được thông tin từ bạn bè, hay có thể online để “chat” trực tiếp với nhau. Hơn nữa, Facebook cũng giúp cho mỗi cá nhân phát triển tương quan và cho phép người khác hướng tương quan đến với mình, nghĩa là giúp cá nhân đi vào cuộc sống của người khác và để cho người khác đi vào cuộc sống của chính mình.
Với sự ảnh hưởng rộng rãi của mình, Facebook có mặt gần như ở bất kỳ nơi đâu trên mạng internet, cho phép người dùng chia sẻ và thậm chí sử dụng các dịch vụ, diễn đàn thông qua mạng xã hội này. Không những thế, các thông tin của người dùng cũng được sử dụng triệt để giúp tạo mối liên hệ trong cộng đồng Facebook. Chính vì sở hữu hàng loạt thông tin cá nhân từ tên thật, địa chỉ, số điện thoại đến sở thích, nhiều người lo ngại Facebook sẽ đưa chúng vào trong việc kinh doanh. Nguy cơ của Facebook và của Internet nói chung chính là tính chân thật của nó, nghĩa là có thể xảy ra rằng trang cá nhân của một người thiếu tính xác thực. Hơn nữa, vẫn còn có ở đó những nguy cơ giới hạn người trẻ vào chỗ chỉ vui chơi, lãng phí thì giờ, xa rời thực tế và sống hời hợt trên bề mặt của mọi sự việc.
Chiều kích tâm linh và tôn giáo trên Facebook?
Như tất cả mọi thực tại trên mạng lưới Web toàn cầu diễn tả cuộc sống, tâm tư, ước muốn, tương quan con người; Facebook cũng là nơi có thể diễn tả và bộc lộ niềm tin tôn giáo. Hình thức diễn tả và bộc lộ thật đa dạng qua sự hiện diện của vô số linh mục, tu sĩ, của các dòng tu, hay của những tâm hồn đạo đức sùng kính các thánh trên Facebook. Họ lập những trang cá nhân, trang về các dòng tu, về cộng đoàn hay các vị thánh để kết nối với những người thuộc cùng linh đạo, cùng đoàn sủng, cùng sứ mệnh; để chia sẻ, cầu nguyện hay để thông báo những sự kiện quan trọng, những đại hội mang tính tôn giáo.
Có thể kể ra đây hàng loạt các trang công giáo khác nhau trên Facebook chẳng hạn như trang của Đức Thánh Cha Bê-nê-đict XVI hay những trang của Dòng Đa-minh có I love Dominicans, Gioventù Domenicana (giới trẻ Đa-minh); Dòng Tên có Jesuits on Facebook, Dòng Tên Việt Nam; Dòng Don Bosco có Famiglia Salesiana (gia đình Sa-lê-diêng), Salesians of Don Bosco, Don Bosco Viet Nam, don Pascual Chàvez Villanueva; chẳng hạn như những trang Bible, Praybook lưu trữ và chia sẻ những tài liệu về kinh thánh, kinh phụng vụ và những lời kinh cho mọi người; những trang cầu nguyện như Prayers, Phút Cầu Nguyện, Phút Hồi Tâm, Kinh Nguyện Hằng Ngày, Sống Lời Chúa cho phép người công giáo cầu nguyện chung với nhau, hay có những ý chỉ cầu nguyện cho nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, vân vân và vân vân.
Các mục tử Sa-lê-diêng cần đến với người trẻ, hiểu biết và yêu mến chúng. Người trẻ có mặt ở đâu? Ở trong Internet, trong các chương trình như Facebook và các chỗ khác nữa. Như thế, các mục tử cần hiện diện và cũng cần người trẻ giúp họ hiện diện.
Sự hiện diện của các linh mục tu sĩ trên Facebook thật quan trọng cho người trẻ. Con người là một hữu thể tâm linh và người trẻ mang trong mình nhu cầu tâm linh hướng đến niềm tin và hy vọng: niềm tin vào cuộc sống, niềm tin lẫn nhau, niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Họ cần được đồng hành và hướng dẫn trong lối đi của cuộc đời. Các linh mục tu sĩ cần nhận thức tầm quan trọng về vai trò linh hướng của họ để giúp cho giới trẻ trong sự trưởng thành của con người biết sống tốt và có thể đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sam 3, 10). Đó chính là khao khát và tìm kiếm sự Thiện tuyệt hảo và vĩnh cửu, bởi lẽ chẳng có gì ở trần gian này dường như có thể làm thỏa mãn được con người.
Sử dụng cách khôn ngoan Facebook
Nhu cầu hiểu biết và làm cho chính mình được hiểu biết là một nhu cầu quan trọng của con người, đặc biệt là giới trẻ. Nhu cầu này chính là nhu cầu yêu và được yêu. Một người có nhiều bạn bè thì dường như muốn nói lên rằng ‘tôi được yêu mến nhiều’. Tuy nhiên, những mối tương quan được thiết lập qua mạng lưới Facebook cần mang tính chân thật, nghĩa là phải gắn liền với thực tại cuộc sống.
Cần sử dụng cách khôn ngoan các phương tiện internet, vì chúng “phục vụ con người” và như thế cần phải tuân thủ những chuẩn mực đo đức, đặc biệt là phải trung thực. Đức Giêsu chính là khuôn mẫu và chuẩn mực cho các tương quan của con người.
Đối với những ai tham gia vào mạng lưới Facebook, thì cũng cần thiết “dẹp bỏ sự gian dối, mỗi người hãy nói thật với tha nhân vì tất cả chúng ta là chi thể của nhau […]. Đừng để sự xấu xa nào thoát ra khỏi miệng anh em, mà chỉ nói những lời xây dựng, hầu sinh ơn ích cho người nghe” (Ep 4, 25-29). Như thế, con người có thể đạt đến một nền văn hóa của đối thoại, tôn trọng và thân hữu, cách đặc biệt là giữa những người trẻ.
Fx. Phạm Đình Phước SDB

Tuesday, August 28, 2012

TÌNH BẠN



                        Lễ quan thầy giới trẻ Giáo Xứ Vạn Phúc - Hà Nội


“Không có tình yêu nào cao cả hơn bằng tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13)

Tình bạn trong Kinh Thánh Cựu Ước
Sách Kinh Thánh Cựu Ước không chỉ nói đến “Tình yêu duy nhất dành cho Thiên Chúa” và “Tình yêu tha nhân như chính mình”, mà còn bàn đến tình bạn qua những mẫu gương sống động.
Tình bạn giữa hai người trẻ Gio-na-than và Đa-vit thật cảm động, xứng đáng là mẫu gương cho những người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Sách Sa-mu-en quyển thứ hai tường thuật vua Đa-vit đã khóc thương bạn mình như sau: Giô-na-than, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh! Tôi thương anh biết mấy! Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ” (II Sam 1, 26).
Các sách Châm Ngôn và Huấn Ca dạy cho chúng ta những bài học quí báu để sống tình bạn: “Dầu và hương thơm làm phấn khởi lòng người, tình bạn ngọt ngào giúp tinh thần thêm vững mạnh” (Cn 27, 9).
“Bạn của con hay bạn của cha con, đừng nỡ bỏ rơi họ. Gặp ngày khốn quẫn, đừng đến nhà anh em con, vì anh em xa không bằng láng giềng gần” (Cn 27, 10). “Có thứ bạn bè gây ra tai hoạ, có người thân hữu gắn bó hơn cả anh em” (Cn 18, 24).
“Bè bạn thương nhau mọi thời mọi lúc, vào ngày hoạn nạn chỉ có anh em” (Cn 17, 17).
“Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng. Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được. Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời, những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy” (Hc 6, 14-16)
“Hãy giữ lời và trung tín luôn luôn, thì bất cứ lúc nào cần điều chi, con cũng sẽ được” (Hc 29, 2).
“Con hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng. Hãy bỏ tiền ra giúp người anh em bạn hữu, đừng đem chôn dưới đá kẻo nó hư đi” (Hc 29, 9-10).
Chúa Giê-su và tình bạn
Chúa Giê-su đã dùng hạn từ “bạn” để nói về tình yêu bằng hữu giữa Ngài và các môn đệ, giữa Ngài và chúng ta: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu của Thầy”. Trong sứ vụ rao giảng, Chúa Giê-su đã có những người bạn đích thực: Gio-an, Mat-ta, Ma-ri-a, La-da-rô.
Đoạn Tin Mừng về việc Chúa Giê-su làm cho anh La-da-rô sống lại minh chứng cho sức mạnh của tình yêu và của tình bạn: “Thầy ơi, người mà thầy yêu mến đang bị bệnh” (Ga 11,3). Người bảo: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây” (Ga 11,11). Chúa Giê-su thật sự yêu thương La-da-rô và gia đình của anh. Ngài đã khóc và để cho “nước mắt tuôn trào” (Ga 11,35). Ngài yêu mến La-da-rô và yêu mến từng người chúng ta, từng bạn trẻ một: Ngài “nhìn anh và đem lòng thương mến” (Mt 10,21). Ngài đã minh chứng cho tình bạn và lòng yêu mến mỗi người chúng ta bằng chính cái chết của Ngài: “Không có tình yêu nào cao cả hơn bằng tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13), vì bạn hữu của mình.
Chúa Giê-su đã nuôi dưỡng tình bạn giữa Ngài và các môn đệ: “Người môn đệ Đức Giê-su thương mến là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su” (Ga 21,20). “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, [...] Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 33-35).
Tình bạn đích thực
Sẽ không có tình bạn đích thực nếu không có ý muốn chia sẻ tất cả cuộc sống với người bạn hữu của mình: niềm vui, nỗi buồn, những dự phóng kế hoạch, những ước mơ, những lo âu, sự sợ hãi, những ý tưởng và công việc. Con đường dẫn tới “tình bạn” là học biết “chia sẻ”, học biết “trao ban” và “đón nhận”; nghĩa là vươn ra khỏi chính mình, quan tâm đến người khác, sẵn sàng và dành thời gian cho nhau.
Tình bạn cần sự lắng nghe. Lắng nghe không chỉ băng đôi tai mà còn bằng cả con tim. Trong tình bạn, đôi khi sự “thinh lặng” còn có giá trị hơn vạn lời nói. Thinh lặng vì tôn trọng người bạn mình, vì chờ đợi hay để tạo sự dễ mến, nhất là thinh lặng để nói lên sự hiện hữu và hiện diện của mình: “Mình đang ở đây, sẵn sàng lắng nghe bạn. Vấn đề của bạn cũng chính là vấn đề của mình. Can đảm lên! Có mình ở đây, chia sẻ cùng bạn”.
Tình bạn đích thực dựa trên sự tin tưởng và trung thành. Sự tin tưởng lẫn nhau giúp bộc lộ tất cả những suy nghĩ thầm kín, những ước mơ và cả những bất an trong cuộc sống của mình. Sự trung thành sẽ giúp cho tình bạn vững bền: Không có gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người ấy, không cân nào lường được (Tv 55,13-15)
Tình bạn chân thành luôn đặt trên nền tảng của sự thật. Điểm khởi đầu cho một tình bạn thân luôn là lòng mến và ước muốn sự thiện hảo cho bạn của mình. Đó chính là thái độ yêu thương và tôn trọng. Tôn trọng có nghĩa là không bắt buộc người bạn phải giống mình. Hãy cho phép mình là mình và hãy cho phép người bạn thân là chính họ. “Có hoạn nạn mới biết thật bạn bè”: tình bạn thân thực sự vững bền nhờ có được những thử thách và gian khổ. Tất cả những điều đó sẽ làm tình bạn tồn tại cho dù có những hiểu lầm, và tình bạn thân sẽ được lớn lên, vững mạnh với sự tin tưởng, lắng nghe và trung thành.
Fx. Phạm Đình Phước SDB

Monday, August 27, 2012

TUỔI TRẺ BĂN KHOĂN: NGHÈO VÀ CƠ HỘI THĂNG TIẾN

 
Tuổi trẻ là tuổi năng động, đáng yêu, nhạy bén và đầy sáng tạo. Trong cuộc sống và trong hành trình cuộc đời, họ cần những đặc tính đó để tìm kiếm chân lý, để hướng chính mình về Chân – Thiện – Mỹ và để đạt được một cuộc sống tươi đẹp, một cuộc sống hạnh phúc và tràn đầy niềm vui. Để đạt cuộc sống hạnh phúc, họ nhìn về phía trước với nhiều hy vọng, nhưng cũng đầy nỗi băn khoăn.
Băn khoăn vì tuổi trẻ đôi khi thiếu niềm tin: có thể vì không biết những gì xảy ra cho cuộc đời mình, có thể vì chưa chọn đúng lối đi, có thể vì đang ở trong nơi tăm tối, có thể vì với hoàn cảnh hiện tại mình không thể thăng tiến, cũng có thể vì những lý do ngoại tại khi thấy bên cạnh mình còn quá nhiều trở ngại, bất công, nghèo đói.
Hy vọng vì tuổi trẻ là tuổi của hy vọng, tuổi của lạc quan yêu đời, tuổi của niềm phấn khởi hân hoan, của những ước vọng và những giấc mơ đẹp cho tương lai cuộc đời. Đó là niềm hy vọng thăng tiến trong cuộc sống, đặc biệt trong nền văn mình tình yêu.
MỘT VÀI CON SỐ
Con số thống kê về trẻ nghèo trên thế giới thật đáng cho mọi người suy nghĩ: 600 triệu trẻ em sống trong cảnh nghèo khó, trong đó 160 triệu trẻ em thiếu ăn và 6 triệu trẻ em chết vì đói mỗi năm, nghĩa là khoảng 708 em trong một giờ đồng hồ. Họ là khoảng 100 triệu trẻ em đường phố, những băng nhóm thanh thiếu niên, bị gia đình bỏ rơi và rất gần với con đường dẫn đến phạm pháp. Họ là những “trẻ em cầm súng”, khoảng 300 ngàn; đó những “chiến sĩ nhỏ” trong các vùng có tranh chấp hay các nơi đang xảy ra chiến sự. Họ là những thanh thiếu niên bị bức hại về tinh thần lẫn thể xác hay là những “nô lệ lao động tuổi vị thành niên” với con số khoảng 250 triệu. Họ là 12 triệu trẻ em di dân sống trong các cống rãnh, nhà ổ chuột ở Châu Á, Nam Mỹ và cả Châu Âu, lang thang đây đó kiếm sống. Họ là 11 đến 13 triệu bạn trẻ ở Châu Phi và nhiều nơi khác đang bị bệnh tật nan y hành hạ, hay mồ côi (Pascual Chavez, Công Báo dòng Sa-lê-diêng số 411).
Giuseppe Palizza trong bài nghiên cứu về “giới trẻ và sự nghèo đói” trong tạp chí dimensioni nuovi cho thấy tại nước Ý có khoảng 600.000 giới trẻ nghèo từ độ tuổi 18 đến 24, và con số lên đến 1.500.000 trẻ nghèo dưới 18 tuổi. Vào giữa năm 2011 hàng loạt tờ báo của Ý trưng dẫn thống kê về tỉ lệ người nghèo tại đất nước này (24,7 % tổng dân số, nghĩa là cứ 4 người có 1 người nghèo), trong đó giới trẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất (ví dụ xem tờ Avvenire “Tương Lai”, 15.06.2011).
Tại Việt Nam, theo số liệu của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, vào những năm gần đây tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia của Việt Nam là 12.9%. Công bố mới nhất của tổng cục thống kê về kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, cho thấy chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam lên tới 9,2 lần.
Có nhiều nguyên nhân gây ra nghèo đói: khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế phát triển không bền vững, hiệu năng quản lý chính phủ thấp, cuộc sống khó khăn, thiếu việc làm, thất nghiệp, rủi ro trong cuộc sống, bất bình đẳng trong thu nhập, thiếu thiếu liên đới và lối sống cá nhân chủ nghĩa, chủ nghĩa tiêu thụ và loại trừ, việc bỏ học kéo theo việc thiếu bằng cấp để có được công việc ổn định.
Nghèo không chỉ đơn giản là nghèo về kinh tế và việc thiếu thốn trong việc tiếp cận dịch vụ như giáo dục, văn hóa nhưng điều đáng lưu tâm hơn chính là cái nghèo về tinh thần, nghĩa là nghèo ý chí và nghèo ước mơ,nghèo nàn trong việc thể hiện nhân cách, phẩm giá con người, dẫn đến thiếu lòng tin và lòng tự trọng. Có những bạn trẻ có trong tay 2 hay 3 chiếc điện thoại di động, hoặc có những chiếc xe chính hiệu “A Còng” - @, nhưng họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc.
ĐÂU LÀ CƠ HỘI THĂNG TIẾN?
Việc toàn cầu hóa và những biến đổi của khoa học kỹ thuật giúp cho giới trẻ ngày nay có nhiều thông tin, nhiều cơ hội phát triển và dễ dàng tiếp cận với thế giới tri thức.
Giới trẻ nghèo về kinh tế cách nào đó sẽ được tạo điều kiện tiếp cận với giáo dục: 1,5 triệu người được miễn giảm phí học nghề, 19 triệu lượt học sinh nghèo được miễn, giảm học phí, tiền xây dựng trường (Nguồn: Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tháng 9-2005: chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo 2006–2010).
Chiếc máy vi tính cho phép giới trẻ nối kết với thế giới đại đồng, đối thoại trực tiếp, công khai và bình đẳng với những người đồng lứa tuổi ở bất cứ góc bể chân trời nào. Sự “bình đẳng trên mạng” này gây ấn tượng tự tin, tự khẳng định và tạo nhiều ước mơ nơi người trẻ hôm nay (xem Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên).
Trong bối cảnh như thế, giới trẻ nghèo về vật chất và tinh thần có cơ hội để tìm cho mình một vị linh hướng, nghĩa là tìm đến những người có kinh nghiệm, hiểu biết và khôn ngoan, để có thể có được những trợ giúp khẩn thiết về mặt tinh thần và tìm ra được con đường để vượt qua ‘cái nghèo’ của mình. Việc ‘hướng dẫn’ này, nhất là về việc ‘hướng dẫn thiêng liêng’ sẽ giúp họ nhận biết và vượt qua sự mỏng dòn cá nhân khi phải đưa ra những quyết định trong đời sống của mình.
Chúa Giê-su tìm kiếm con chiên lạc, những linh mục - tu sĩ sẵn sàng trong việc phục vụ, đi đến với người nghèo để lắng nghe chia sẻ cuộc sống với họ, đồng thời giúp họ có cơ hội thăng tiến trong cuộc sống.
“Con gặp trăm ngàn thanh thiếu niên nghèo khổ, không lối thoát. Họ băn khoăn bất tận về mộng xây dựng cuộc đời […]. Họ cần con và họ kêu đến con […]. Đừng để thiên hạ xây dựng thế giới này mỗi ngày mà con không hay biết, không thao thức, không khám phá, không nhúng tay vào” (HY FX. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng).
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)

Saturday, August 25, 2012

PHỤC VỤ CHO SỰ THIỆN

 
NIỀM VUI PHỤC VỤ
"Anh em đã được lãnh nhận nhưng không,thì hãy trao ban nhưng không" (Mt 10,8b)
Vào một buổi chiều nọ, trong khi người mẹ đang chuẩn bị bữa ăn chiều, cậu con trai mười tuổi của bà đi vào nhà bếp với một mảnh giấy trong tay. Nhìn thấy sự khác thường kỳ lạ của đứa bé khi trao mảnh giấy cho mình, người mẹ lau tay và cầm lấy đọc: “Giúp mẹ quét nhà: 10 ngàn đồng; giúp mẹ đi mua gạo: 5 ngàn; giúp mẹ trông em: 10 ngàn; giúp mẹ nấu cơm: 15 ngàn; giúp mẹ đổ rác: 5 ngàn; hai lần đạt điểm 10: 5 ngàn; tổng cộng: 50 ngàn đồng”. Người mẹ nhìn cậu con trai cách âu yếm, chợt bà nhớ lại những kỷ niệm chẳng thể nào quên, bà lật tờ giấy và viết vào mặt sau: “Cưu mang con chín tháng mười ngày: 0 đồng; Thức những đêm thâu khi con bệnh: 0 đồng; Lau khô những giọt nước mắt của con: 0 đồng; Ở bên con những khi con buồn bã thất vọng: 0 đồng; Nuôi nấng dạy dỗ con từng ngày: 0 đồng; Chuẩn bị những bữa ăn sáng tối cho con: 0 đồng; Trao tặng cuộc sống cho con: 0 đồng; tổng cộng: 0 đồng”. Bà mỉm cười trao mảnh giấy cho cậu bé; khi đọc xong, cậu bé cảm thấy ngượng ngùng, cầm lấy tờ giấy và viết: “đã thanh toán xong”, rồi ôm chầm lấy mẹ với hai giọt lệ trên gò má.
Hình ảnh người mẹ với tình yêu nhưng không nêu trên tỏ lộ sự phục vụ vô vị lợi: “Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ […] phục vụ vì Chúa Kitô” (Mi Trầm, Bài ca phục vụ). Phục vụ tha nhân chính là ơn gọi phổ quát mà Thiên Chúa kêu mời các tín hữu trong con đường trở nên thánh thiện.
Chúa Giê-su, Đấng đến để phục vụ (x. Mt 20, 28). Chúa Giê-su là “tôi tớ”, là Người Con yêu dấu của Chúa Cha, được tuyển chọn và được xức dầu để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Ngài là mẫu gương trọn hảo của sự phục vụ, đã tự hạ mình để mặc lấy thân phận của người tôi tớ và dấn thân cho sứ mệnh Chúa Cha trao phó (x. Lc 2, 49), bởi vì Ngài đến để phục vụ và hiến thân mình cho nhân loại (x. Mt, 20, 28). Mẫu gương rửa chân cho môn đệ trong ngày thứ năm tuần thánh và đỉnh điểm của việc hiến tế trên thập giá đã minh chứng cho tình yêu phục vụ của Ngài dành cho con người.
Chúa Giêsu là Chúa và là tôi tớ, cũng là Đấng kêu mời. Ngài kêu mời các ki-tô hữu, đặc biệt là người trẻ, dấn thân phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Chính vì vậy, mỗi người ki-tô hữu cũng được mời gọi phục vụ nước Trời. Đó là ơn gọi cao cả trong lòng Hội Thánh để diễn tả dung mạo Chúa Ki-tô trong thế giới.
Phục vụ trong Hội Thánh. Bản chất của Giáo Hội được thể hiện qua ba chiều kích: rao giảng Lời Chúa, cử hành các Bí tích và phục vụ bác ái. Toàn bộ hoạt động của Giáo Hội là biểu lộ của một tình yêu phục vụ muốn tìm kiếm sự thiện hảo toàn vẹn cho con người. Vì thế, yêu thương là công việc phục vụ mà Hội Thánh thực hiện để luôn đáp ứng trước những nỗi đau và nhu cầu của con người (x. Bê-nê-đic-tô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 19 và 21).
Ai yêu mến Chúa Kitô, thì cũng yêu Giáo Hội của Người và muốn rằng Giáo Hội phải luôn là cách biểu lộ và là cơ quan tình yêu của Người. Như vậy, để tỏ lộ điều này, các tín hữu có nhiệm vụ thông truyền tình yêu qua sự phục vụ, là một biểu hiện của sự tự do và trách nhiệm của chính mình hướng đến tha nhân. Một khi các mối tương quan liên nhân vị được cảm hứng từ sự phục vụ, thì có thể tạo ra một thế giới mới và như thế phát triển một nền văn hóa đích thực về ơn gọi (ĐTC Gio-an Phao-lô II, Sứ điệp ngày quốc tế ơn gọi năm 2002).
Phục vụ vì Nước Trời. Phục vụ là ơn gọi hoàn toàn tự nhiên, bởi vì con người theo bản tính tự nhiên là phục vụ, theo nghĩa rằng trong cuộc sống cần những sự phục vụ của người khác để kiện toàn nhu cầu sống của mình. Phục vụ là khả thể cho tất cả mọi người, từ những cử chỉ nho nhỏ đến những hành động lớn lao được kín múc và nuôi dưỡng trong tình yêu.
Người trẻ sẵn sàng cống hiến con tim mình, mở lòng ra với tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khổ. Phục vụ làm cho họ trở nên quảng đại, cảm thông, quên mình vì tha nhân. Đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su, ngày nay người trẻ có thể dấn thân mạnh mẽ vì nước Trời, phục vụ vô vị lợi trong nhiều lãnh vực khác nhau như: dạy giáo lý, sinh động phụng vụ, giáo dục trẻ em, phục vụ bác ái, viếng thăm, tương trợ những bạn có hoàn cảnh khó khăn … Đó chính là sự chọn lựa cho sự Thiện, một chọn lựa cao cả và cũng đầy khó khăn, bởi vì họ không chọn lựa hướng đến những quyến rũ và thú vui trần thế, mà sự chọn lựa dấn thân phục vụ như Chúa Ki-tô. Như thế họ biểu lộ cho thế giới biết rằng con người cần nhau, cần đến tình người và cần đến sự quan tâm của con tim.
Tinh thần phục vụ là một trong những điểm son của các Tu Sĩ nói chung và của người Sa-lê-diêng nói riêng. Hiến luật của người Sa-lê-diêng nhấn mạnh đến Đức Ái Mục Tử, chính là điều Thiên Chúa linh hứng cho Don Bosco, như một lối sống và sự phục vụ thanh thiếu niên. Đó là sự nhiệt tâm tông đồ thúc đẩy tìm kiếm các linh hồn và phụng sự một mình Thiên Chúa. Được Thiên Chúa sai đến với các thanh thiếu niên, người tu sĩ Sa-lê-diêng phục vụ bằng đời sống cởi mở và thân tình, sẵn sàng đi bước trước và luôn tiếp đón với lòng nhân hậu, kính trọng và kiên nhẫn (x. HL 1 và 15).
Đừng sợ dấn thân phục vụ. Cho dẫu chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn và hy sinh, nhưng chúng ta sẽ hạnh phúc qua sự phục vụ; chúng ta sẽ kín múc niềm vui mà thế giới không thể ban tặng. “Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy" (Ga 12, 26). Việc phục vụ chính là trường học cho cuộc sống, đào tạo tình liên đới và sự sẵn sàng và sự phục vụ không chỉ ban tặng một cái gì, nhưng là trao tặng chính bản thân mình.
“Lạy Chúa Giêsu, Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại. Biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự. Biết cho đi mà không tính toán. Biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành ý Chúa” (Thánh Ignaxio).
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)

Tuesday, August 21, 2012

GIA TÀI CỦA MẸ

Forum về gia đình trong web site của ngành tâm lý, có một bài của một em học sinh viết tặng ba mình, trong đó có đoạn viết: con yêu ba, người thầy vĩ đại nhất đã dạy cho con sống.
Gia đình là nhân tố đầu tiên và vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách mỗi cá nhân, cha mẹ không chỉ giáo dục con cái bằng tình yêu, sự chăm sóc, giáo dục về đạo đức, tri thức văn hoá, mà điều quan trọng hơn là dạy con cái sống cách sống làm người, dạy cho con thành ‘nhân’, điều mà xã hội và trường học không thể đảm nhận được. Đó chính là gia sản lớn nhất cha mẹ để lại làm nguồn vốn để con cái bước vào đời xây dựng tương lai. Trong 3 chức năng của gia đình (theo TS.Lê Ngọc Văn) thì chức năng giáo dục- xã hội hoá của gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách trẻ em.Theo thống kê tội phạm học những năm gần đây, cho thấy số thanh thiếu niên có nguồn gốc từ gia đình buôn bán, làm ăn bất hợp pháp chiếm 50.49%; gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 45.6%. Trẻ em hư có nguồn gốc từ gia đình không trong sạch, lành mạnh chiếm 86.6%…). Những đứa trẻ này chưa kịp bước vào đời đã thất bại vi thiếu ‘nguồn vốn căn bản và quan trọng’ ấy.
Nhưng giáo dục con bằng cách nào? Đó là một câu hỏi thật hóc búa đối với bậc làm cha mẹ ngày hôm nay, trong bối cảnh văn hóa, xã hội phức tạp như hiện nay. Người ta tìm đủ cách để cập nhật hóa các phương pháp giáo dục con cái cách tốt nhất, nhưng có một phương pháp rất đơn giản và tự nhiên, nằm trong bản chất của mỗi người làm cha mẹ mà chẳng ai quan tâm lắm đó là: giáo dục bằng tình yêu từ thuở nằm nôi. Tình yêu của cha mẹ đối với em bé từ lúc sinh ra cho đến lúc 3 tuổi là một tình yêu rất đẹp, rất tự nhiên, đơn giản vậy đó, nhưng lại hàm chứa một ý nghĩa sâu xa và một quyết định vô cùng quan trọng trong cuộc đời đứa trẻ này. Điều này được tâm lý học đề cập đến rất nhiều trong thuyết gắn bó của Bowlby.
Theo Bowlby (xem S. Paluzzi, Manuale di psicologia, Urbaniana University Press, Roma 2003, 178-192) tương quan đầu đời của một thai nhi với cha mẹ là một yếu tố mang tính quyết định trong việc hình thành nhân cách, căn tính cá nhân, quan niệm sống, và tương quan liên vị của một con người trong suốt cuộc đời của họ. Bình thường tương quan này bộc lộ rõ hơn trong sự gắn chặt giữa em bé và người mẹ, vì mẹ gần gũi và chăm sóc em nhiều hơn. Bất cứ đứa trẻ nào ban đầu cũng có những nhu cầu cơ bản: được ăn uống, vỗ về, chăm sóc, được gần gũi, âu yếm, được ngủ nghỉ, vui chơi. Mẹ là người đáp ứng những nhu cầu này, vì vậy, tương quan liên vị đầu tiên của một em bé sơ sinh là tương quan với người mẹ, mẹ là ‘thế giới khác’ đầu tiên em cảm nhận được và em thấy được ngoài thế giới riêng mình, là nơi có những tương tác qua lại qua giọng nói, anh mắt, là nơi em nhận được tình yêu thương, sự âu yếm, chăm sóc, là nơi em cảm nhận được sự che chở, sự an toàn giữa thế giới xung quanh đầy xa lạ. Những cảm nghiệm và những kinh nghiệm có được trong giai đoạn đầu đời này cho đến lúc ba tuổi sẽ dần dần định hình  trong đứa trẻ một mô hình về mối tương quan liên vị, từ đó, các mối tương quan khác sẽ được đứa trẻ sẽ xây dựng và phát triển theo mô hình nền tảng này (tương quan với những người chung quanh, bạn bè, xã hội, với người bạn đời của mình, hay những người sẽ có trách nhiệm về mình như bề trên chẳng hạn).
Nếu tương quan này lành mạnh và tròn đầy, khi lớn lên đứa trẻ sẽ bước vào cuộc sống dễ dàng hơn, sẽ có nhiều khả năng thành công trong công việc và trong cuộc sống, ngược lại, nếu tương quan ban đầu này không được suôn sẻ, sẽ có nhiều nguy cơ đổ vỡ và thất bại sau này. Như vậy mới có vấn đề tại sao có những người tự bản chất rất dạn dĩ, tự tin, cởi mở và dễ thành đạt, bên cạnh đó có những người rất mặc cảm, thiếu tự tin, sống những cảm xúc rất mâu thuẫn, sợ hãi, khép kín, thậm chí sống một cách cô lập, mặc dù khả năng họ không thua kém ai. Những người này họ không chỉ thất bại về mặt xã hội, nghề nghiệp, về giao tiếp mà con thất bại ngay trong tương quan tình yêu với người bạn đời của họ. Chẳng có gì là tự bản chất cả, mầm mống của nó nằm ở mô hình nền tảng vừa được đề câp ở trên.
Với tình yêu mẫu tử của người mẹ, chẳng ai mà không thương yêu chăm sóc con cái mình, nhưng đôi lúc vì hòan cảnh gia đình, vì công việc làm ăn, vì thiếu hiểu biết, người ta vô tình tạo cho đứa con của mình nhiều tiền đề ‘negative’, là mắt xích đầu tiên kéo theo những mắt xích kế tiếp đầy những khó khăn trong cuộc đời của nó.
Dĩ nhiên vì công việc làm ăn, vì con đông nhiều lúc người mẹ không đáp ứng được trọn vẹn những nhu cầu của đứa con trong tuổi ấu thơ này, cũng là điều dễ hiểu. Từ sáng sớm đã phải mang con đến vườn trẻ, hay giao cho ông bà, anh chị chăm sóc dùm. Mới mấy tháng tuổi, đứa trẻ đã phải trải qua kinh nghiệm bất an, sợ hãi, vì ngòai mẹ ra, mọi người đối với em đều là xa lạ, em mất đi điểm tựa, em cảm thấy không an tâm, vì không có mẹ bên cạnh. Tối về được gặp mẹ, hạnh phúc nhưng lại sợ hãi mẹ sẽ đi xa, những kinh nghiệm đó cứ thế dần dần hình thành trong đứa trẻ sự bất an, cảm giác bị bỏ rơi, và khi đã trưởng thành vẫn luôn cần và tìm kiến sự che chở một ai đó. Trong tình yêu những người này không bao giờ hạnh phúc, vì họ nơm nớp lo sợ bị bỏ rơi, sợ mất đi người mình yêu, vì họ đang mô phỏng lại tình yêu mà họ nhận được từ nơi mẹ mình lúc còn bé.
Hoặc có những người mẹ rất thương con và muốn con mình luôn phải cố gắng vươn lên, phải làm tốt hơn, nên hay so sánh nó với đứa trẻ khác: con không ngoan như thằng Bi của Dì Út, con không học giỏi bằng anh con…mỗi lần bé làm lỗi, thay vì ân cần sửa dạy, mẹ lại mắng xối xả… trong tâm trí của đứa bé còn trắng trong lúc ấy ghi nhận rằng: tôi thua kém người khác, tôi không làm được gì hết,,,, từ đó mặc cảm tự ti lớn dần, và vì thiếu tự tin mỗi lần bắt tay làm một việc gì quan trọng là bắt đầu nghĩ đến chuyện thất bại…
Không thiếu những người mẹ trẻ thường tự hào rằng: con tôi nó giỏi lắm, nó chẳng cần mẹ gì hết, tối nó ngủ với ai cũng được,,,,nhưng ai biết rằng, đứa bé ấy đang chịu đựng một sự cô lập khủng khiếp trong nội tâm, tỏ ra là ‘tôi bất cần vì mẹ đâu có ngó ngàng gì đến tôi’.
Sẽ còn nhiều và rất nhiều những cử chỉ thật nhỏ ấy trong đời sống thường nhật, họ đã không hòan thành vai trò của một người mẹ một cách công bằng đối với đứa con nhỏ dại của họ. Những ai đang chia sẻ trách nhiệm làm cha- mẹ, hãy yêu thương đứa con nhỏ nhất của mình bằng một tình yêu mang tính giáo dục, chứ không đơn thuần bằng cảm xúc, đừng coi thường những tín hiệu phát ra từ đứa bé của mình.
Những người làm con cũng nên ngẫm nghĩ lại một chút về cuộc đời mình: những gì chúng ta có ngày hôm nay phần lớn chúng ta được thừa hưởng từ nơi cha mẹ, có những điều mà ta tưởng là tự nhiên, là bản chất…không đâu, chẳng có gì là ngẫu nhiên cả.
Khi viết những dòng suy tư này tôi chợt hiểu thật thấu đáo lời của cha ông ta từng nói: ‘dạy con từ thuở năm nôi’. Đừng cho rằng đứa bé nằm nôi chưa đủ trí khôn để hiểu gì hết, trái lại nó hiểu và cảm nhận được những điều mà có khi người lớn chẳng hiểu được. Đó chính là giáo dục, một cách giáo dục tự nhiên đến từ tình mẫu tử, nhưng đó cũng chính là gia tài quý giá nhất mà đứa con sẽ mang theo suốt cuộc đời. Nhưng được bao nhiêu người mẹ đã để cho con mình gia tài ấy???
Fx. Đình Phước - Marie Lệ Thủy

Monday, August 20, 2012

CHA MẸ - NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC ĐẦU TIÊN

 
Thiên Chúa sáng tạo người nam và người nữ (x. St 1, 27-28) trong tình yêu của Ngài và kêu mời họ làm triển nở sự sống mà Thiên Chúa tặng ban. Hai người nam nữ kết hôn, hình thành gia đình, là cung thánh của Giáo Hội và là trường học đầu tiên cho con cái (ĐTC Phao-lô VI), nơi đó cha mẹ thông ban sự sống mới trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Như thế, cha mẹ cộng tác vào công trình sáng tạo và giáo dục của Thiên Chúa và là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu cho con cái.
Giáo dục được bắt nguồn từ ơn gọi của đôi vợ chồng khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, và vì thế cha mẹ cũng có bổn phận giúp cho con cái lớn lên và sống một đời sống nhân bản trọn vẹn, hòa nhập vào cuộc đời và hoàn thành cuộc đời cách tốt đẹp nhất.

Giáo dục những giá trị sống
Cha mẹ thể hiện trách nhiệm giáo dục qua việc xây dựng một mái ấm gia đình dựa trên tình yêu, lòng tha thứ, sự chung thủy và tinh thần phục vụ vô vị lợi. Nhiều gia đình quây quần bên bữa cơm trưa tối, nơi đó cha mẹ và con cái thông đạt cho nhau và chia sẻ cuộc sống niềm vui nỗi buồn, âu lo và hy vọng; bữa cơm đó còn là nơi cha mẹ giáo dục con cái. Ngày nay khi xã hội phát triển và đời sống cũng sung túc, nhiều hình thức giải trí đi vào trong cuộc sống, nhiều gia đình quây quần bên mâm cơn nhưng song song với nó là cái TV, và cái TV chiếm chổ lớn trong bữa ăn.
Trong cuộc sống hằng ngày, thiết nghĩ cha mẹ nên trở thành những người bạn tốt của những đứa con, gần gũi với chúng, lắng nghe, tâm sự, cảm thông, chia sẻ về cuộc sống, tương quan với bạn bè, những ước mơ và cả những ưu tư của con cái. Một cô bé chia sẻ rằng: “ba mẹ luôn đồng hành với con trong cuộc đời, dạy cho con những giá trị thiết yếu của cuộc sống, lòng yêu thương, sự công bằng và tôn trọng lẫn nhau, nhờ đó khi lớn lên con sống xứng đáng với ơn gọi làm người”.
Với gương sáng, cha mẹ hướng tình yêu trong gia đình đến tình yêu thương đồng loại, đến lòng bác ái đối với tha nhân, nhất là những người nghèo khổ. Khi thăm viếng mục vụ, có dịp chia sẻ với một gia đình trẻ có đời sống kinh tế vừa phải, hai vợ chồng và hai đứa con. Người mẹ trẻ, ngoài việc phục vụ và chăm sóc gia đình như một người vợ người mẹ trong gia đình, chị còn săn sóc cho một ông già neo đơn trong giáo xứ, không con cái và người thân. Hằng ngày, chị nấu cơm cho gia đình và mang một phần vào cho ông. Hàng tuần, chị vào giúp ông dọn dẹp nhà cửa, dĩ nhiên không quên mang theo hai đứa con nhỏ của mình, và lẽ đương nhiên người chồng cũng ủng hộ việc làm này. Chị săn sóc ông gần hai năm, cho đến khi ông qua đời. Hiện tại, chị tiếp tục săn sóc cho đôi vợ chồng già cũng không người thân trong giáo xứ, bà bị bệnh và ông bị cụt hai chân. Chị chia sẻ với tôi là chị rất hạnh phúc.
Cậu bé Gio-an Bos-co cũng đã học được nơi người mẹ của mình lòng bác ái như thế. Mẹ Ma-ghe-ri-ta được mọi người biết đến như người đàn bà tốt bụng đối với hết thảy những ai cần giúp đỡ, mẹ luôn sẵn sàng với bất cứ ai cần giúp đỡ. Lòng quảng đại với tha nhân và với người nghèo khổ sẽ dạy cho những đứa con nếm hưởng lòng yêu thương tha nhân.

Giáo dục đức tin
Khi đi thăm mục vụ, thì thấy nơi các gia đình có bàn thờ Thiên Chúa đặt nơi phòng khách. Không biết các gia đình hiện nay có quây quần bên bàn thờ Thiên Chúa để cầu nguyện, lần hạt mân côi, hay bàn thờ đó trở thành sự trang trí không thể thiếu trong một căn nhà? Con cái học hỏi nhiều nơi cha mẹ lòng đạo đức. Một cậu bé kể rằng: “Khi con còn nhỏ, gia đình con có thói quen đọc kinh sáng tối. Trong thời gian ở một nơi xa nhà thờ, ban sáng ba mẹ con thức anh em con dậy, lần hạt, dâng ngày mới lên cho Chúa và mẹ Maria. Nhiều lúc vừa đọc con vừa ngủ gật, nhưng việc đọc kinh sáng tối đã khơi dậy trong con một thói quen tốt trong cuộc đời của con”.
Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa. Tri ân và cảm tạ Ngài, vì những ân huệ Ngài ban trong cuộc đời. Một khi cha mẹ là những người siêng năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ, lần hạt mân côi, thì sẽ gieo vào lòng những đứa trẻ niềm ham thích những gì thuộc về Thiên Chúa. Chính Don Bos-co cũng học được nơi mẹ Ma-ghe-ri-ta lòng yêu mến Thiên Chúa, Đức Nữ Trinh Maria và niềm cây trông được hưởng thiên đàng.
Một bà mẹ vì bận rộn với việc mưu sinh mỗi ngày từ sáng sớm không thể tham dự thánh lễ mi-sa hằng ngày được, bà thường nói với đứa con của mình rằng: “mẹ không thể tham dự thánh lễ hằng ngày được, con cố gắng đi lễ và đại diện cho mẹ nữa nghe con”; và người con trai đó mỗi ngày đều tham dự thánh lễ với ý thức tham dự cho mẹ của mình, điều đó khiến cho anh ta yêu mến thánh lễ và sau này việc cử hành Thánh Thể gắn liền với cuộc đời linh mục của anh.

Giáo dục hướng đến một ơn gọi linh mục – tu sĩ
Trẻ em có một con đường và chúng cần có người đồng hành. Cha mẹ là những người đặt vào tâm hồn trẻ thơ khát khao một cuộc sống có ý nghĩa, giúp cho con cái bước vào đời sống, chu toàn trọn vẹn bổn phận của mình. Ngoài ra, với cuộc sống như thế, cha mẹ sẽ giúp con cái rộng mở đến các giá trị siêu việt, phục vụ tha nhân, sống quảng đại. Như thế, cha mẹ khiến cho “gia đình trở thành chủng viện đầu tiên và tuyệt hảo cho ơn gọi sống đời tận hiến vì Nước Thiên Chúa” (x. Tông Huấn về gia đình, Familiaris consortio, 53).
cha mẹ là những người giáo dục đầu tiên của con cái, thì chính cha mẹ là người đầu tiên giúp con cái nhận ra tiếng gọi và cố gắng đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Khi mặc áo giáo sĩ vào ngày 30 tháng 10 năm 1835, Don Bos-co nói với mẹ của mình rằng: Thưa mẹ, con xin hết lòng cám ơn mẹ về mọi sự mẹ đã dạy bảo con và về mọi điều mẹ đã làm cho con. Những lời của Mẹ không trở thành vô ích cho con đâu; con sẽ giữ nó như kho tàng quí hóa cho cả đời con”.

“Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng cả đến mạng sống mình" (Don Bosco).