Wednesday, July 24, 2013

VUI SỐNG ĐỨC TIN


 

DẪN NHẬP

Với tự sắc “Porta Fidei” - “Cánh cửa Đức Tin”, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI kêu mời toàn thể Giáo Hội sống Năm Đức Tin, một thời gian ân sủng và là lời mời gọi trở về với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ duy nhất, Đấng biểu lộ tình yêu cho con người. Ngài cũng mời gọi cho các tín hữu tuyên xưng đức tin của mình được chất chứa trong Kinh Tin Kính với niềm tín thác và hy vọng (Porta fidei, số 8-9). Bên cạnh đó, những hướng dẫn của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin khích lệ chúng ta suy tư những giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI;[1] những bài giáo lý, các bài giảng và những diễn từ của ngài là một kho tàng quý giá cho đời sống đức tin của các Ki-tô hữu.

Là con người, đặc biệt là những Ki-tô hữu, chúng ta ai cũng mơ ước và đi tìm niềm vui sống. Niềm vui xuất phát từ một tâm hồn có đức tin mạnh mẽ, bởi vì niềm vui này xuất phát từ Đức Ki-tô, là Tin Mừng được loan báo cho chúng ta. Tin Mừng luôn là một lời mời gọi con người sống vui tươi. “Những điều này, chúng tôi viết ra, để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1Ga 1,4). Đức tin làm cho cuộc sống của chúng ta tươi trẻ,[2] mở ra cho chúng ta niềm hy vọng. Niềm hy vọng cao cả và thật sự vững vàng của con người, ngay cả trong mọi nỗi tuyệt vọng, chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta đến cùng (x. Ga 13,1).

Niềm vui đức tin khởi sự từ tình yêu và chân lý, là đức tin vào Thiên Chúa, Đấng là Cha toàn năng, tạo thành trời đất muôn vật; Đấng là nguồn mạch của mọi chân lý con người, là Đấng mà con người đón nhận ý nghĩa cuộc sống và là cùng đích của con người, cũng như là niềm hy vọng của họ trong cuộc đời. Chỉ một mình Thiên Chúa mới khiến cho con người hạnh phúc.[3] Tất cả thụ tạo, kể cả con người, phải quy hướng về Ngài, là Thiên  Chúa duy nhất, Đấng tạo thành mọi sự. “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn” (Tv 37,4), có như thế “Anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang” (1Pr 1,8).

Thiên Chúa không ai thấy bao giờ (x. Ga 1,18), nhưng Ngài trở nên hữu hình trong Người Con duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mạc khải và tỏ lộ Tình Yêu, Đấng đã đến để đưa con người trở về với Chúa. Niềm vui của chúng ta thể hiện trong đức tin vào Đức Giê-su, là Tình Yêu. Vì yêu thương Người đã tự hạ mình, chia sẻ thân phận con người của chúng ta; Người giảng dạy, chữa lành, nâng đỡ, chạnh lòng thương xót và mang ơn cứu cho nhân loại. Chúng ta cũng hân hoan vui sướng bởi vì chúng ta ý thức rằng chỉ có Chúa Ki-tô mới có thể làm thỏa mãn hoàn toàn những khát vọng sâu xa của con người và chỉ có Người mới có thể đáp ứng những vấn nạn nhức nhối nhất về đau khổ, về bất công, về sự dữ, về sự chết và sự sống đời sau.[4] Vì thế, cần nỗ lực mạnh mẽ để mỗi một Ki-tô hữu trở nên chứng nhân, có khả năng và sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình (x. 1 Pt 3,15). Để thực hiện điều này, chúng ta cần phải hân hoan loan truyền biến cố tử nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô, tâm điểm của Ki-tô giáo và là vẽ đẹp của đức tin, là điểm qui chiếu cho niềm xác tín và cho đức tin của chúng ta.

Niềm vui của chúng ta còn thể hiện nơi đức tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng là Sự Sống và là Tình Yêu. Đấng sáng tạo và “thổi sinh khí” mang lại cho chúng ta sự sống. Chúa Thánh Thần là hồng ân cao cả nhất của Thiên Chúa dành cho con người, và như thế là lời chứng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta, một tình yêu được diễn tả cách cụ thể qua “lời thưa vâng đón nhận sự sống”[5] mà Thiên Chúa muốn cho mỗi tạo vật của Ngài. Chúa Thánh Thần canh tân nội tâm và ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta dũng cảm rao giảng Chúa Ki-tô và Tin Mừng của Người. Chúa Thánh Thần là “Ðấng an ủi” sẽ đến và sứ mạng của Ngài là làm chứng và trợ giúp cho những kẻ tin, vừa dạy họ và hướng dẫn họ đến Sự Thật toàn vẹn (x. Ga 14,16-17). Chúng ta sẽ thăng tiến đời sống đức tin, “được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9,31).

Các Ki-tô hữu sẽ cảm nghiệm được niềm vui khi tuyên xưng cùng một đức tin duy nhất trong Giáo Hội, Thân Thể nhiệm mầu của Đức Ki-tô. Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền là một dân mới, dân Thiên Chúa và dân này trở thành một dân tộc phổ quát, là Giáo Hội của Đức Ki-tô. Chúng ta trở thành anh chị em với nhau trong đại gia đình Giáo Hội. Niềm vui sẽ lan tỏa trong Giáo Hội, vì trong Giáo Hội chúng ta biểu lộ sự hiệp thông, phục vụ và yêu thương mọi người. Ai sống yêu thương, thì người đó quên mình và phục vụ tha nhân. Thế giới sống trong sự đa biệt, nhưng trong Giáo Hội chúng ta diễn tả một tâm hồn, cùng một lời rao giảng, cùng một giáo huấn, cùng một truyền thống, dường như thể phát xuất từ cùng một môi miệng.[6] Ngôn ngữ trên thế giới thật khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và một đức tin duy nhất.

Đức tin sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, vì chúng ta có một người mẹ trong đức tin: Mẹ Ma-ri-a. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ Ma-ri-a kết hiệp với Chúa Giê-su. Là “Ðấng được Thiên Chúa yêu thương”, Mẹ tín thác vào Thiên Chúa, vào Người Con. Trong biến cố Truyền Tin, sứ thần gọi Đức Ma-ri-a là “Đấng đầy ân sủng”; trong tiếng Hy Lạp hạn từ “charis - ân sủng” có cùng một căn ngữ với từ “niềm vui”.[7] Như thế, nguồn gốc niềm vui của Mẹ Ma-ri-a cũng được làm sáng tỏ thêm: niềm vui đến từ ân sủng, nghĩa là, từ sự hiệp thông với Thiên Chúa. Với tiếng “xin vâng”, Mẹ đã mở cửa thế giới chúng ta cho chính Thiên Chúa. Mẹ là “ngôi sao của niềm hy vọng”, soi chiếu và đồng hành với chúng ta. Mẹ nói chúng ta: “Hãy can đảm trao hiến cho Thiên Chúa! Hãy cố gắng! Đừng sợ hãi! Hãy can đảm liều mình sống đức tin! Hãy can đảm liều mình sống tốt lành! Hãy can đảm liều mình sống bằng một con tim tinh tuyền, trong sạch! Hãy dấn thân cho Thiên Chúa, và các con sẽ thấy rằng chính nhờ làm thế mà cuộc sống của các con mới trở nên phong phú và nhẹ nhàng, không tẻ nhạt, nhưng tràn đầy niềm hân hoan, bởi vì lòng tốt vô biên Thiên Chúa không bao giờ cạn kiệt”.[8]

Niềm vui của chúng ta còn tỏ hiện rõ rệt hơn qua ân sủng của các bí tích, là cánh cửa của đức tin. Các bí tích nuôi dưỡng linh hồn và đời sống thiêng liêng của chúng ta, đời sống không bao giờ hư mất, đời sống vĩnh cửu. Qua các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và bí tích Thánh Thể, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa, trở thành anh chị em của Chúa Giê-su, là thành viên của Giáo Hội, có khả năng trở thành những chứng nhân đích thực của Tin Mừng, và có thể nếm hưởng niềm vui và niềm hân hoan trong đức tin.[9] Khi thường xuyên tham dự Thánh Lễ, khi dành thời gian để tôn sùng bí tích Thánh Thể, thì chúng ta sẽ hân hoan dâng hiến cuộc sống cho các giá trị Tin Mừng. Đồng thời, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được rằng khi sức lực của chúng ta không đủ, thì Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi chúng ta, sẽ lấp đầy chúng ta bằng sức mạnh của Ngài và làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân đầy nhiệt huyết của Đức Ki-tô Phục sinh.

Đức tin mang lại cho chúng ta niềm vui, vì chúng ta mang một niềm hy vọng, niềm hy vọng về đời sống vĩnh cửu cùng với Thiên Chúa. Thánh Âu-tinh cho rằng tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta chỉ muốn một điều duy nhất: “cuộc sống đầy ơn phúc”, ước muốn “hạnh phúc”.[10] Đó là điều mà chúng ta xin Chúa ban trong những lời kinh nguyện của chúng ta. Cuộc lữ hành trần thế của chúng ta không có mục tiêu nào khác, tất cả chỉ nhằm mục đích đó. Sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu là niềm hy vọng phổ quát, chung cho tất cả mọi người, mọi nơi mọi lúc. Một sự sống và niềm vui trọn vẹn: đây là điều mà chúng ta hy vọng và chờ đợi từ sự hiện hữu của chúng ta với Chúa Ki-tô.[11] Đức Giê-su dẫn chúng ta bước qua biển Chết của thời đại này và dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu, sự sống công chính và đích thật. Chúng ta hãy nắm chặt lấy bàn tay của Người! Cho dẫu bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta cũng không lìa bỏ đôi bàn tay này! Chúng ta hãy tiến bước trên con đường dẫn tới sự sống.[12]

Ước chi Mẹ Ma-ri-a, Đấng diễm phúc vì đã tin (x. Lc 1,45) đồng hành và giúp mỗi người chúng ta cảm nghiệm được rằng “niềm vui đời con là Chúa” (Tv 104,34) và giúp chúng ta khám phá niềm vui đức tin và hăng say thông truyền đức tin.

 

Ngày 11 tháng 02 năm 2013, lễ Đức Mẹ Lộ Đức

FX. Phạm Đình Phước SDB

 




[1] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Những hướng dẫn mục vụ trong năm Đức Tin, phần I, số 7, 06.01.2012.
[2] Triết gia Soren Kierkergaard trong tác phẩm Sợ hãi và tôn kính ca ngợi đức tin của Áp-ra-ham, khẳng định rằng đức tin chính là niềm vui và sự tươi trẻ thiêng liêng: “Áp-ra-ham đã tin, vì thế ông có một tâm hồn trẻ trung, tràn đầy hy vọng [...]; người tín thác và tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ gìn giữ con người mình tươi trẻ luôn mãi” (Soren Kierkegaard, Timore e tremore, Bur, Milano 1998, tr. 40)
[3] X. Raniero Cantalamessa (Giảng viên Phủ Giáo Hoàng), Bài giảng Chúa Nhật, 16.12.2007.
[4] X. ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giảng tại sân vận động Bentegodi thành phố Verona (Ý), 19.10.2006.
[5] ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Sứ điệp ngày quốc tế giới trẻ, 20.07.2007.
[6] X. I-rê-nê thành Ly-on,  Adv. haereses, I, 10,2: ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giảng trong thánh lễ Phê-rô và Phao-lô tông đồ, 29.06.2005.
[7] X. ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giáo lý trong buổi tiếp kiến thứ tư hàng tuần, 19.12.2012.
[8] X. ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giảng trong thánh lễ Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội, 08.12.2005.
[9] X. ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Sứ điệp ngày quốc tế giới trẻ, 20.07.2007.
[10] X. Thánh Âu-tinh, Ep. 130 Ad Probam 14,25-15,28: ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Kinh truyền tin, 02.11.2008.
[11] X. ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Spe Salvi, số 12.
[12] X. ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giảng trong đêm canh thức Phục Sinh, 22.03.2008.

Sunday, July 7, 2013

MERCY AND HOPE OF THE SEED

Because his goodness is infinite, the king of heaven is most eager to enrich us with his graces. On our part, we must have confidence. To increase this confidence, God has given us his own Mother as our Mother and advocate, and has supplied her with the power to help us. Therefore he wants us to place our hope of salvation and of every blessing in her.

To hope in Mary, the Mother of God, who can really obtain grace and eternal life for people, is to do something very pleasing to the heart of God. For God desires to see Mary honored in this way, that same Mary whom in this world he loved and who loved and honored him more than all angels and all people together.

That is why we justly and reasonably call Mary our hope, trusting, as Saint Robert Bellarmine says, to obtain through her intercession what we cannot obtain b our prayers alone. Saint Anselm says that we pray to her so that her dignity as intercessory may supply for our unworthiness. And he adds that when we invoke the Blessed Virgin with this kind of hope, it does not mean that we lack hope in God’s mercy, but rather that we fear our own lack of the proper dispositions.

She is the Mother who gives birth to holy hope in our hearts. Not the hope of the transitory goods of this life, but the hope of boundless joys and the eternal goods of heaven. Saint Ephrem greets Mary by saying: “Hail, hope of my soul! Hail, sure salvation of Christians! Hail, helper of sinners! Hail, defense of the faithful and salvation of the world.” Saint Basil, too, is right in reminding us that after God we have no other hope than Mary.

Reflecting on the present arrangement of Providence by which, as Saint Bernard says, God has disposed that all who are to be saved must be saved through Mary, Saint Ephrem says to her: “Lady, never stop guarding and protecting us, because, next to God, we have no other hope but you.” Saint Thomas of Villanova says the same thing: “You are our only refuge, our only hope.” Saint Bernard gives the reason for this when he says: “Behold, O man, God’s merciful plan. About to redeem the human race, he places the price in Mary’s hands.” He places the price in Mary’s hands so that she can dispense it at will.

(Saint Alphonsus Liguori)

Friday, June 28, 2013

NHƯ CON LỪA TÔI TIẾN BƯỚC



Cuộc sống hằng ngày đem lại cho hắn niềm vui và sự bình an trong tâm hồn, như bài hát mà hắn chế lời trong buổi tối sinh hoạt cộng đoàn: “Thật hạnh phúc mỗi khi cha con ở gần, lòng con như muốn nói lên trong tim muôn lời tri ân. Và mỗi lúc sống bên anh em của mình, là chính lúc thấy an vui, yêu thương và trao ban”.
Hắn bước đi theo Chúa, hắn tiến bước, từng bước, như con lừa Chúa Giê-su cỡi lên Giêrusalem ngày lễ lá.[1] Hắn bước đi, dáng điệu ung dung, an bình. Hắn chẳng biết những chuyện lớn lao. Hắn chỉ biết rằng mình được mang Chúa trên lưng, và như thế hắn thật hãnh diện rồi, còn hãnh diện hơn cả mọi thứ khác.
Hắn mang Chúa Giê-su trên lưng, nhưng chính Người lại soi đường dẫn lối cho Hắn. Hắn tin rằng Người sẽ dẫn hắn vào vương quốc của Người, vương quốc của tình yêu, ở đó hắn tha hồ nghỉ ngơi bên đồng cỏ xanh tươi.
Hắn tiến bước, từng bước nhỏ, trên những con đường dốc đá quanh co, xa hẳn những đại lộ dập dìu xe cộ với tốc độ kinh hoàng. Hắn vấp phải đá, chắc hẳn Chúa Giê-su cũng bị xóc, nhưng chẳng bao giờ Người trách mắng hắn. Quả kỳ diệu! Lòng Người nhân hậu và nhẫn nại với hắn. Người còn cho hắn có giờ chào thăm cô bạn bé nhỏ xinh xinh, có giờ mộng mơ trước cảnh thiên nhiên, đến quên cả cảnh đang chở Người trên lưng.
Hắn tiến bước, trong thinh lặng. Thật là điên rồ khi biết mà không nói, đàng khác lắm lúc Người hét vào tai hắn, mà hắn nghễnh ngãng chẳng nghe ra. Chỉ có lời này, như thể Người nói cho riêng hắn, hắn hiểu rõ và hắn làm chứng là thật: “Ách của Ta êm ái, gánh Ta nhẹ nhàng” (Mt 11,30).
Hắn lặng lẽ và sung sướng chở Mẹ của Người tiến về Betlem chiều ngày Noel: “Mẹ thật nhẹ nhàng, dù lòng Mẹ cưu mang cả tương lai trần thế” (Jules Supervielle).
Hắn tiến bước trong sướng vui. Khi hắn muốn hát bài ca ngợi, hắn cất giọng ồ ồ, làm ma chê quỉ hờn, nhưng Chúa chỉ cười rộng lượng. Tiếng cười ấy làm con đường mòn thành sân khấu cho những vũ điệu nhạc hay, làm đôi chân hắn vững bước, làm tai hắn nghe rõ lời Người, nghe cả tiếng tha nhân cầu khẩn, và những lúc như thế đã hình thành đường hắn đi.
Hắn tiến bước, tiến bước, như con lừa mang Chúa Ki-tô trên lưng.

Fx. Phạm Đình Phước SDB
(Dựa theo tâm tình của HY Roger Etchegaray, Tiro avanti come un asino, San Paolo, Roma 2007)


[1] “Giống lừa đất Palestine rất mạnh mẽ, chịu nắng khá tốt, ăn đủ mọi thứ gai góc; chúng có một loại móng chân đặc biệt giúp bước đi vững chắc. Việc nuôi nấng chúng cũng không tốn kém bao nhiêu. Tật xấu duy nhất của chúng là cứng đầu và lười biếng”.

Thursday, June 6, 2013

CAO QUÍ THAY THIÊN CHỨC LINH MỤC

 
Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, ngày thánh hóa các Linh Mục
Trích "suy niệm" của Thánh Gioan Maria Vianney

Chúng ta cùng nhau suy niệm về Bí Tích Truyền Chức Thánh. Bí tích này mới nghe tưởng chừng như không liên hệ gì đến giáo dân, nhưng lại là bí tích liên hệ đến hết mọi người.

Bí tích  này nâng người ta lên đến Thiên Chúa. Với bí tích này, Linh Mục được giữ vai trò của Thiên Chúa, được nắm giữ mọi quyền phép của Thiên Chúa. “Hãy đi”, Chúa Giê-su nói với các Linh Mục: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Tất cả mọi quyền lực trên trời dưới đất đã được trao cho Thầy. Hãy đi, giảng dạy cho mọi người trên khắp cùng cõi trái đất. Ai nghe các con là nghe Ta, ai coi thường các con là coi thường Ta”. Khi Linh Mục tha tội, ngài không nói: “Thiên Chúa tha tội cho con”, mà ngài nói: “Ta tha tội cho con”. Nơi nghi thức Thánh Thể, ngài không nói: “Này là Mình Chúa”, mà ngài nói: “Này là Mình Ta”. Ôi cao cả thay chức vụ Linh Mục.

Thánh Bernard nói rằng tất cả mọi sự đều đến với chúng ta qua Mẹ Maria, và chúng ta cũng có thể nói rằng tất cả mọi sự: hạnh phúc, ân sủng, và những quà tặng từ trời đều đến với chúng ta qua Linh Mục. Nếu chúng ta không có bí tích Truyền Chức Thánh, chúng ta sẽ không có Chúa Giê-su Thánh Thể. Ai đặt Chúa trong Nhà Tạm? Linh Mục. Ai đón nhận linh hồn chúng ta vào đời sống đức tin? Linh Mục. Ai nuôi dưỡng tăng sức mạnh cho linh hồn trên con đường đời lữ thứ này? Linh Mục. Ai chuân bị linh hồn trong giờ lâm tử trước khi ra trước tòa Chúa? Linh Mục. và nếu linh hồn chết trong tội, mất đi sự sống thần linh của Thiên Chúa, ai sẽ làm cho nó sống lại, ai đem lại bình an và niềm vui lại cho nó? Linh Mục, luôn luôn là Linh Mục. Các con không thể nào nhận được phúc lành nào mà không cần đến Linh Mục.

Giả như các con đến xưng tội với Đức Mẹ hay với một Thiên Thần, liệu các ngài sẽ giải tội cho các con hay không? Không! Các ngài sẽ trao ban cho con Mình Máu Thánh Chúa không? Không! Đức Mẹ không thể khiến Con Chí Thánh của mình ngự xuống trong Thánh Thể. Hay có trăm ngàn ngàn Thiên Thần ở đó, nhưng các ngài không tha tội cho các con được. Nhưng đơn giản chỉ có một Linh Mục thì lại khác, ngài có thể làm được các điều đó; ngài có thể nói với con: “Hãy đi bình an, cha tha tội cho con!” Ôi cao quí thay Thánh Chức Linh Mục! Linh Mục sẽ không thể hiểu được Thánh Chức của mình cho đến khi lên Thiên Đàng. Nếu Linh Mục có thể hiểu được khi ở thế gian, ngài sẽ chết mất; không phải vì sợ hãi, nhưng chết vì tình yêu. Còn có rất nhiều ơn lành khác ích lợi cho chúng ta mà Thiên Chúa muốn ban qua tay các Linh Mục. Đứng trước ngôi nhà chứa đầy vàng bạc châu báu  mà không ai mở cửa thì nào có ích gì? Linh Mục có trong tay chìa khóa mở các kho tàng trên trời; chính ngài là người mở cửa, là người quản gia cai quản, là người phân phát kho tàng của Thiên Chúa. Không có Linh Mục, cái chết và cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su sẽ trở nên vô ích. Hãy nhìn xem những anh chị em lương dân, cái chết của Chúa có đem lại ích lợi gì cho họ không? Tiếc thay! Họ chẳng được dự phần vào ơn phúc cứu rỗi, họ chẳng có Linh Mục đem Mình Thánh đến cho linh hồn họ.

Chức vụ Linh Mục không phải do bản thân mình, vì ngài không thể tha tội cho mình, ngài không thể ban phát các Bí Tích cho mình. Linh Mục không phải cho bản thân, mà là cho mọi người. Sau Thiên Chúa, Linh Mục là cao cả nhất. Cứ bỏ một giáo xứ hai mươi năm vắng bóng Linh Mục mà xem, người ta sẽ thờ lạy các tà thần ngay. Sẽ không có thánh lễ, không có Chúa trong nhà Tạm, vậy người ta sẽ làm gì ở nhà thờ? Lúc đó người ta sẽ nói: thôi, ở nhà cầu nguyện vậy. Khi người ta muốn hủy diệt đạo thánh Chúa, họ chỉ cần tấn công các Linh Mục, vì họ biết rằng không có Linh Mục, thì không có đạo giáo.

Khi chuông nhà thờ gọi con đến, nếu có ai hỏi: “Bạn đi đâu vậy?” Các con có thể trả lời: “Tôi đi nuôi linh hồn tôi”. Nếu ai chỉ vào nhà Tạm và hỏi: “Cái cửa bằng vàng kia là gì vậy?” Các con có thể trả lời: “Đó là kho chứa lương thực nuôi dưỡng linh hồn tôi”. “Thế ai có chìa khóa?” “Linh Mục”, “và lương thực ấy là gì vậy?” “Mình và Máu cao quí của Thiên Chúa”. “Ôi Thiên Chúa, Chúa yêu thương chúng con nhiều quá! Các con đã thấy uy quyền của Linh Mục chưa? Lời nói của Linh Mục làm cho bánh trở nên Chúa thật. Điều đó còn vĩ đại hơn cả việc tạo dựng nên thế giới này nữa. Có người hỏi rằng: “Có phải thánh nữ Philomena vâng lời Cha Xứ họ Ars không?” Thực tế, thánh nữ có vâng lời ngài, và Thiên Chúa cũng vâng lời ngài.

Nếu cha gặp một Linh Mục và một Thiên Thần, cha sẽ chào vị Linh Mục trước Thiên Thần. Vì Thiên Thần là bạn hữu của Thiên Chúa, còn Linh Mục là hiện thân của Thiên Chúa. Thánh Tê-rê-sa đã hôn lên những dấu chân của Linh Mục đi qua. Các tông đồ vui sướng biết bao sau khi Chúa phục sinh, khi nhìn thấy vị Thầy mà họ rất mực yêu thương. Các Linh Mục cũng phải vui mừng như vậy, khi nhìn thấy Thiên Chúa trong đôi tay của mình trong Thánh Lễ. Khi các con nhìn thấy Linh Mục, các con hãy nói: “Đây là người làm cho tôi trở nên con cái Thiên Chúa, là người mở cửa Thiên Đàng cho tôi qua bí tích Rửa Tội; là người tha thứ cho tôi sau khi tôi phạm tội, là người đem thức ăn đến bồi dưỡng linh hồn tôi”. Khi đến nhà thờ các con có thể nói: “Có gì ở trong đó?” “Thánh Thể Chúa”. “Tại sao Người ngự ở đó?” “Bởi vì Linh Mục đang ở đó dâng lễ tế tạ ơn”.

Các Thánh Tông Đồ vui mừng biết bao về những gì cảm nghiệm được sau biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu, lúc nhìn thấy vị Thầy mà họ hằng thương mến! Linh Mục cũng phải có cảm nghiệm vui mừng ấy lúc nhìn thấy Chúa, Đấng mà ngài đang nắm trong tay. Những vật nào chạm đến ly uống nước của Đức Mẹ và Chúa Giêsu dùng xưa kia, người ta còn coi đó là một bảo vật, nhưng các ngón tay của Linh Mục đã đụng đến Thân Thể đáng kính của Chúa Giêsu, đã nhúng sâu vào trong chén Thánh chứa đựng Máu Thánh Chúa thì còn quí trọng biết bao nhiêu? Mỗi khi các con gặp Linh Mục, các con hãy nghỉ đến Chúa Giêsu, vì Linh Mục chính là hiện thân của Chúa Giêsu.

Linh Mục Gioan Maria Vianney

Wednesday, May 29, 2013

3 NĂM LINH MỤC


 
Bài giảng của Đức TGM Mario Toso, SDB
Tổng Thư Ký Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình
trong thánh lễ truyền chức Linh Mục ngày 29/05/2010



Thầy Phước, thầy Tú và thầy Justin thương mến,
Thật là một niềm vui cho Tu Hội Salêdiêng, cho Giáo Hội tại Việt Nam và tại Ấn Độ với việc anh em được truyền chức linh mục và phó tế. Qua anh em, Giáo Hội, được thành lập trong Chúa Thánh Thần, nhận ra chính mình là “dấu chỉ” và “bí tích”  sự hiệp thông của Chúa Giêsu Kitô và với nhân loại. Trong anh em, Giáo Hội cử hành cuộc sống là tất cả cho Chúa Kitô, cho nhân loại, cho thế giới, biến họ thành dân mới và là dân duy nhất: dân Thiên Chúa, và là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Thầy Phước và thầy Tú thương mến, hôm nay hai thầy sẽ trở thành linh mục. Thầy Justin, thầy sẽ trở thành phó tế. Thiên chức anh em đón nhận là để phục vụ Chúa Giêsu Kitô giữa giới trẻ. Không phải cho chính anh em, nhưng là để hướng tới một sự hiện hữu liên tục và vững bền trong tương quan với Chúa Kitô, là thủ lãnh và linh mục tối thượng. Trong Người, anh em cử hành những dấu chỉ mang ơn cứu độ cho con người. Trong anh em, chính Chúa Kitô phục sinh sẽ hiện diện và hoạt động, giảng dạy, thánh hóa hướng dẫn. Vì thế, anh em là những hiện hữu cho Chúa Giêsu, cho tha nhân và cách đặc biệt cho người trẻ: phục vụ Chúa Kitô giữa giới trẻ và vì lợi ích của người trẻ.
Ngày nay, đặc biệt là trong một xã hội muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi trái tim của con người, thì anh em được mời gọi là để phục vụ giới trẻ bằng cách loan báo và làm chứng cho Chúa Giêsu, là Chân LýTình Yêu. Nhiệm vụ của anh em là làm cho mọi người hiểu rằng nếu không ở lại trong Chúa Giêsu, thì sẽ không bao giờ tìm thấy ý nghĩa đầy đủ về sự hiện hữu của mình, bởi vì họ không cảm nhận được phẩm cao quý là trở nên con cái của Thiên Chúa, là người Cha duy nhất, và trở nên anh em với nhau. Nếu không có kinh nghiệm của tình Cha trao ban và đong đầy trong tâm hồn, thì cảm giác của sự cô đơn và bị bỏ rơi ngày càng tăng. Với cảm giác bồn chồn, luôn luôn tìm kiếm, nhưng không bao giờ tìm gặp, tâm hồn sẽ không bình an và không hạnh phúc. Sự bất ổn định này sẽ làm cho con người mồ côi về tinh thần và tình cảm.
Anh em thương mến, hãy ban tặng Chúa Giêsu cho những người anh em gặp gỡ trong suốt hành trình của anh em. Nhân loại cần chính Chúa Giêsu, vì họ là những người đang trong cuộc lữ hành tìm về Đấng Tuyệt Đối. Họ tìm kiếm và khát khao Người trong tâm hồn của họ, cho dẫu nhiều lúc cách vô thức. Anh em hãy làm cho họ gặp gỡ Chúa Giêsu. Sẽ là giả dối, nếu anh em chỉ trao ban chính mình, như thể anh em là “tất cả”, trong khi nhân loại cần Tình Yêu bất diệt, là “TẤT CẢ”, nghĩa là Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu này mới có thể trợ giúp họ trong cuộc sống, trong những khó khăn và trong việc trở thành món quà cho Thiên Chúa Cha và cho tha nhân cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc sống, ngay cả với hồng ân tử đạo.
Ở lại trong sự Khôn Ngoan mà bải đọc I nhắc đến (Châm ngôn 8, 22-31), - sự Khôn Ngoan là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Ánh Sáng thật đi vào thế giới –sẽ kiện cường sự khôn ngoan và trí thông minh. Như vậy, nhân loại có thể lựa chọn một tình yêu hướng tới Thiên Chúa, là Đấng Chân Thật và Thiện Hảo Tuyệt Đối. Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa được con người đón nhận sẽ trở thành đời sống luân lý của họ trước những khủng hoảng về tư tưởng, luân lý, chính trị và kinh tế, sẽ cho phép họ vượt qua những hình thái của trào lưu tục hóa nhào nặn ra một tổng hợp thống nhất về luân lý, chia rẽ giữa luân lý cuộc sống và luân lý xã hội, giữa công bình xã hội và kinh tế, giữa đời sống cá nhân và cộng đồng, giữa công việc và sự giàu có, giữa luân lý và khoa học kỹ thuật.
Anh em thương mến, nhiệm vụ tiên quyết (in primis) của anh em là cử hành các bí tích để thánh hóa dân Thiên Chúa, làm cho họ thông dự vào Chúa Kitô, thông dự vào ý nghĩa “TẤT CẢ cho tất cả”, vào việc chiến thắng sự dữ bằng điều thiện, vào việc tha thứ của Người ngay cả khi con người xúc phạm và giết chết Người. Không phải anh em là những người cứu vớt nhân loại hay cứu vớt giới trẻ, mà anh em chỉ đơn giản là những công cụ trong bàn tay của Thiên Chúa, những công cụ cần thiết cho cuộc gặp gỡ với Đấng Cứu Độ, với Đấng thanh tẩy, giải thoát và nhân loại hóa vì thần hóa. Nhận thức này phải làm cho anh em trở nên những con người khiêm tốn, đồng thời quảng đại, nhiệt tâm và có khả năng thông truyền với tha nhân, vì các tín hữu hiểu được tầm quan trọng của sự thân mật với Con Người Mới, vì giới trẻ học cách kết hiệp cuộc sống của họ với Chúa Giêsu, để trở thành như Người, là linh mục, trở thành những con người có khả năng không chỉ tôn thờ cách hình thức, nhưng trong nội tâm, nghĩa là có khả năng trở nên thánh thiện và vô tì vết, để làm cho cuộc sống của họ trở nên “thánh thiêng”, đẹp lòng Chúa Cha và theo thánh ý của Ngài.
Để thực hiện được điều này trong mục vụ bí tích, anh em có một sự trợ giúp tuyệt vời là Don Bosco, là Cha, Thầy và Đấng sáng lập của chúng ta. Với mọi người, đặc biệt với những giới trẻ, cần thiết có sự gần gũi, đồng cảm. Đó chính là một tình thân làm cho giới trẻ cảm nghiệm được ngài yêu thương và chăm sóc họ như họ là, mong muốn những điều tốt đẹp cho họ trong Thiên Chúa.
Anh em thân mến, nhiệm vụ cao cả này đòi hỏi tâm hồn anh em hướng đến Chúa Giêsu, đòi hỏi tính kỷ luật liên tục và sự hướng thượng của các cảm xúc cũng như ý định của anh em. Không chỉ giới  trẻ, mà bản thân chúng ta cần thanh tẩy, tha thứ, đền tội, cầu nguyện liên lỉ. Trong việc mục vụ của anh em, hãy quan tâm đặc biệt đến chiều kích  truyền giáo của đời sống Kitô hữu. Với tình yêu nồng cháy đối với Chúa Giêsu, say mê  Người để có thể sống và trao ban với lòng nhiệt tâm, để vun trồng ơn gọi vững chắc trong Giáo Hội, anh em hãy giới thiệu Thiên Chúa trong nhân loại và cho dân Chúa: đó chính là luật nền tảng của linh đạo linh mục của anh em. Phương tiện ưu tiên của anh em, đồng thời là phương pháp sư phạm tiên quyết trong mục vụ là Bí Tích Hòa Giải. Qua bí tích này, giới trẻ có thể được tái sinh và tái tạo trong ước muốn của họ về điều thiện hảo và ân sủng, trong lòng nhiệt tâm tông đồ giữa các bạn trẻ và trong giáo hội và trong xã hội.
Anh em thương mến trong Don Bosco, anh em được truyền chức vào đại lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Một sự trùng hợp ý nghĩa. Anh em có lý do cao cả để trở thành linh mục và phó tế được của Agape, tình yêu trao ban, của sự Hiệp Thông Vô Hạn và của tương quan tinh tuyền giữa thanh thiếu niên và giới trẻ, trong lòng dân Chúa nơi anh em trở về và làm việc sau khi kết thúc giai đoạn đào luyện và học tập tại Roma. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc nhớ cách đặc biệt cho các sinh viên của các trường Đại Học Giáo Hoàng, một khi trải qua thời gian học tập tại “Kinh Thành Muôn Thuở”, nghĩa là tại trung tâm của Giáo Hội công giáo, có nghĩa là học cách sống của Roma trong những chiều kích của nó: đức tin, của lòng đất nhuộm máu các thánh tử đạo, đặc biệt là của thánh Phêrô và Phaolô. Roma, ngôi nhà của thánh Phêrô, nơi hít thở sự phổ quát của đức tin, nơi cảm nghiệm được sự phong phú của các nền văn hóa và các dân tộc trong Chúa Giêsu Kitô. Sống ở Roma, anh em được diễm phúc trở thành chứng nhân với sự kiên cường và gương anh hùng của Đức Giáo hoàng Benedict XVI, để loan báo tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, là nguồn của sự khôn ngoan của cuộc sống con người trong thời hậu hiện đại. Các thông điệp của ngài - Deus Caritas Est, Spe Salvi, Caritas in Veritate - là những bài tán dương tình yêu đó, chính là nguyên lý cho “tất cả” và cho toàn bộ cấu trúc “tình bạn” trong sự hiện hữu và trong tinh thần của chúng ta,  vì vậy, “tôi” trở thành “chúng tôi” trong cuộc gặp gỡ cộng đoàn, Thiên Chúa và con người, và sự hiện hữu của chúng ta luôn là tiếng kêu khôn tả: lạy Cha, Abba!
Nhân loại sẽ ở trong hoặc là không ở trong tương quan của tình yêu này. Trong các thông điệp của Đức Thánh Cha Benedict XVI, anh em sẽ tìm gặp những hướng dẫn cho việc canh tân Phúc Âm trong thiên niên kỷ thứ ba. Anh em sẽ tìm thấy món ăn tâm linh cho anh em, và cho việc giáo dục đức tin. Anh em sẽ gặp sự Khôn Ngoan của sự sống, của tình yêu, của sự sinh ra và chết đi, và của chính bản thân anh em cũng như của tha nhân: đó là sự Khôn Ngoan mà không ai có thể ban cho anh em.  Anh em hãy đọc và suy niệm các thông điệp đó, như thế anh em có thể hướng tới nhân loại với niềm hy vọng; đồng thời tâm hồn của anh em sẽ vui mừng, hăng nồng trong tình yêu và niềm hy vọng, vì các thông điệp đó sẽ giúp anh em nhận ra sự hiện diện tích cực và tỏa sáng của Thiên Chúa là Tình Yêu ngay cả trong lịch sử khó khăn của nhân loại.  
Sự hiệp thông tình yêu chính là ở trong Thiên Chúa. Chính nhờ Ngôi Lời đã thành xác phàm, trong chính nhân loại chúng ta. Ngài đã ban Thánh Thần và Thánh Thần nhắc nhớ chúng ta. Chúng ta không cô đơn, chúng ta không tách biệt giữa chúng ta. Sự Khôn Ngoan và sự hiệp thông trong tình yêu này đã đượcThiên Chúa vun trồng và đang hoạt động trong tâm hồn mọi người. Anh em là những khí cụ của Thiên Chúa, hãy làm cho tâm hồn anh em và trái tim của giới trẻ hài hòa với trái tim của Chúa Kitô.Hãy cử hành sống động Bí Tích Thánh Thể, như việc tưởng niệm sự biến hình của chính anh em và cộng đoàn dân Chúa, để trở nên những chứng nhân tình yêu của Chúa Cha, là Đấng làm cho nhân loại trở thành một gia đình duy nhất trong Chúa Con. Chính Bí Tích Thánh Thể, bí tích tình yêu của Chúa Kitô, sẽ làm cho anh em chiêm ngắm và gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi, như thánh Augustine quan niệm. Chúng ta sống giữa giới trẻ như một sự phản ánh của vinh quang của Thiên Chúa trên trái đất này.