Tuesday, May 29, 2012

KỶ NIỆM HAI NĂM LINH MỤC

“Ngày hạnh phúc, Chúa ơi! cuộc giao duyên Đất-Trời, đưa con vào tình sử, để hiến dâng muôn đời”. Lời của bài hát Giao Ước đưa tâm trí con quay về với ngày con được thánh hiến Linh Mục hai năm trước. Con cảm nhận niềm vui được Thiên Chúa ở cùng, được Thiên Chúa cứu độ, được Thiên Chúa yêu thương và yêu thương một cách nhưng không. Con nằm phủ phục dưới đất với cảm thức sâu xa về “cái bình sành dễ vở” nơi con người của mình, với thân phận mỏng dòn và yếu đuối của bản thân, nhưng nhờ lời chuyển cầu của các Thánh, nhờ lời cầu nguyện của mọi người và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, con đón nhận Thiên Chức Linh Mục, đón nhận hồng ân tuyệt diệu Thiên Chúa trao ban. 
 
Hạnh phúc đó luôn đồng hành với con trong hai năm vừa qua. Hạnh phúc vì con được cử hành thánh lễ mỗi ngày, qua Chúa Giêsu thực hiện phép lạ vĩ đại qua đôi tay và lời truyền phép khiêm hèn của con: bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô. Con cảm nghiệm được sức mạnh của Thiên Chúa trao ban cho con khi con cử hành các bí tích và khi sống giữa mọi người. Quả vậy, con đang sống thời gian tuyệt vời và ý nghĩa như một linh mục trẻ. Với đời sống Sa-lê-diêng, con có cộng đoàn và anh em kề bên; với sứ vụ Linh Mục con môi trường giáo xứ và nguyện xá lý tưởng ở Livorno (Ý). Nhờ đó con có thể sống và triển nở phong phú hồng ân Linh Mục Sa-lê-diêng đặc biệt qua việc cử hành Thánh Thể, Bí Tích Hòa Giải, đồng hành với giới trẻ, hiện diện với thanh thiếu niên trên sân chơi, gặp gỡ tha nhân, chúc lành cho mọi người và các gia đình, thăm viếng bệnh nhân, là nơi nương tựa cho nhiều người.

Xin cho con bước theo “Mục Tử Nhân Lành” (Ga 10,11) để trở thành “mục tử như lòng Chúa mong ước” (Gr 3,15). Như thế, cuộc đời linh mục của con là cuộc hành trình mục tử gồm hai khía cạnh: được Chúa dìu dắt để dắt dìu người khác, được Chúa yêu thương để yêu thương tha nhân, được Chúa thứ tha để tha thứ cho mọi người, được Chúa nâng đở để đở nâng con người. Xin cho con sẽ trở thành một khí cụ của tình yêu Thiên Chúa, khí cụ bình an để “con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu“ (Kinh Hòa Bình).

 
 
Nhiệm vụ tiên quyết của con là cử hành các bí tích để thánh hóa dân Thiên Chúa, làm cho họ thông dự vào Chúa Kitô. Không phải con cứu vớt nhân loại hay cứu vớt giới trẻ, nhưng con chỉ đơn giản là công cụ nhỏ bé trong bàn tay của Thiên Chúa, công cụ cần thiết cho cuộc gặp gỡ với Đấng Cứu Độ. Xin cho con biết sống khiêm tốn, quảng đại, nhiệt tâm và có khả năng thông truyền với tha nhân, vì các tín hữu và vì giới trẻ, sẽ học cách kết hiệp cuộc sống của họ với Chúa Giêsu, trở nên thánh thiện và đẹp lòng Chúa Cha.
Xin cho con tìm thấy nơi Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, là khuôn mẫu duy nhất để noi theo, là hình ảnh duy nhất và sáng chói trên mọi thứ ánh vàng lấp lánh của thế gian, nhờ đó con sống cách hăng say, nhiệt tâm, hy sinh và tín thác; sống cùng, cho và với mọi người, trao ban chính mình như Chúa Giêsu đã làm. “Trước thánh nhan, ôi  vui sướng tràn trề, ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi” (Tv 15).
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)

GIEO BƯỚC (Thơ Hải Hồ, Nhạc Trần Định)
Ngày hạnh phúc Chúa ơi! cuộc giao duyên Đất-Trời, đưa con vào tình sử, để hiến dâng muôn đời!
Đường lên cung thánh Chúa huyền linh, dịu dàng lời thánh ca an bình! Hoa dâng ngát hương cho lòng mến đầy, Nến cháy lung linh thêm niềm tin cậy. Đẹp ôi! cung thánh Chúa hồn say!
Vì đây lạy Chúa đã gọi con. Từ ngày nhỏ bé trong mọn hèn. Qua bao tháng năm trên đường lắng trầm. Chúa vẫn yêu thương tuôn tràn phước lành. Đời con chan chứa suối hồng ân.
Từ nay Thiên Chúa đã chọn con. Tình bằng nghĩa thiết của Chúa Trời. Đem tin rắc gieo cho người thế trần. Ánh sáng siêu nhiên cho đời lỗi lầm. Niềm vui thanh khiết chốn khổ đau.
Dịu êm nghe tiếng Chúa vọng ngân. Ngỡ ngàng màu áo trinh thiên thần. Tâm tư ngất ngây gieo trọn bước rồi. Hiến Chúa hôm nay vẹn toàn cuộc đời. Thuyền con vừa ghé bến trường sinh.
Đời con nên hiến tế toàn thiêu. Hương trầm tựa khói lễ dâng chiều. Hy sinh ngút bay lên tòa Chúa Trời. Phước đức bao dung chan hòa cõi đời. Nguyện xin cứu rỗi Chúa tràn lan.
Nguyện xin ơn thánh Chúa rộng ban. Dắt dìu thành tâm đến muôn vàn. Qua bao đớn đau tâm hồn vững vàng. Nguy khó gian truân đá vàng rỡ ràng. Ngàn năm nhân chứng Chúa tình yêu.

Thursday, May 24, 2012

MẸ MARIA PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU

 
1. 150 năm giấc mơ về cột trụ “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu”
Một buổi tối ấm áp tháng 5 năm 1862, Don Bosco kể lại giấc mơ của mình như sau: “Các con hãy tưởng tượng rằng các con đang đi dạo trên bãi biển với cha, hay đúng hơn là trên một tảng đá giữa lòng biển và như thế các con chỉ nhìn thấy xung quanh không có gì ngoài nước biển. Các con cũng hãy tưởng tượng rằng trên mặt biển bao la như thế có vô số những con tàu đang di chuyển chuẩn bị cho một trận chiến. Những con tàu này được trang bị với các loại vũ khí khác nhau, nào là pháo, đại bác và súng ống. Chúng ồ ạt tấn công một con tàu lớn nhất và cao nhất, cố gắng dùng tất cả sức mạnh hỏa lực để đánh bại chiếc tàu lớn nhất này. Một cơn bão lớn nổi lên, và trong tình trạng như thế chiếc tàu hùng vĩ tự bảo vệ mình bằng nhiều cách khác nhau, nhưng chiều gió dường như ủng hộ kẻ thù.
Cùng với những ngọn sóng biển dâng cao, thì xuất hiện hai cột trụ to lớn, không cách nhau xa lắm. Trên cột trụ thứ nhất có tượng Đức Mẹ, dưới chân cột trụ có hàng chữ: “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu”. Trên đỉnh cột trụ kia, lớn và cao hơn, người ta thấy sáng chói một Bánh Lễ rất lớn, cùng với dòng chữ “ơn cứu rỗi của người tín hữu” (Salus credentium).
Mặc dù bị quân thù hết sức đánh phá, chiếc tàu vĩ đại này do Đức thánh Cha hướng dẫn, khắc phục mọi trở ngại và bước đi giữa hai cột trụ kia. Kết cục thay đổi:  các tàu của đối phương bỏ chạy, phân tán, va chạm vào nhau”. 
 
Hai cột trụ của ơn cứu độ là lòng sùng kính Mẹ Phù Hộ các giáo hữu và sùng kính Chúa Giêsu Thánh thể. Đó là hai lòng sùng kính mà người Sa-lê-diêng thực hành và truyền bá cho mọi người. 

2. Ngôi thánh đường mang tên “Mẹ Maria Phù Hộ các giáo hữu”
Cha Albera kể lại rằng vào chính một buổi tối trong tháng mười hai năm đó, sau khi Don Bosco giải tội đến 23 giờ khuya, ngài đi ăn tối. Sau một lúc suy nghĩ, bỗng nhiên Don Bosco nói rằng “Cha đã giải tội suốt ngày và thú thật là cha không rõ mình đã khuyên bảo và đã làm những gì, trong tâm trí cha lo lắng về một ý tưởng. Cha nghĩ rằng nhà thờ của chúng ta quá nhỏ và chật hẹp, các trẻ phải dựa vào nhau. Vì vậy, chúng ta sẽ xây dựng một ngôi thánh đường lớn hơn, đẹp hơn và vĩ đại hơn. Chúng ta sẽ dâng kính ngôi thánh đường này cho Mẹ Maria với tước hiệu: Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu. Trong túi cha không có một xu, cha cũng không biết kiếm đâu ra tiền, nhưng điều đó không quan trọng. Nếu Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ thực hiện” (MB 7, 333-334).
Don Bosco cũng chia sẻ ý tưởng này với cha Cagliero: “Cho đến nay chúng ta đã long trọng cử hành lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Tuy nhiên, Đức Mẹ cũng muốn chúng ta tôn kính ngài với tước hiệu ‘Mẹ Maria Phù Hộ các giáo hữu’. Thời đại chúng ta cần sự trợ giúp của Mẹ, để Mẹ giữ gìn chúng ta và bảo vệ đức tin Kitô giáo” (MB 7, 334).
Vào đầu năm 1863, Don Bosco tiến hành mọi việc để có được giấy phép; vào năm 1865 lễ đặt viên đá đầu tiên và vào năm 1868 ngôi thánh đường được hoàn thành.

Yếu tố quyết định cho lòng sùng kính của Don Bosco đối với Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu có điểm qui chiếu tại ngôi thánh đường ở Valdocco. Cha Edigio Viganò viết “Điều này sẽ vẫn là sự lựa chọn dứt khoát. Đức Trinh Nữ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu là điểm qui chiếu cho sự cổ võ và phát triển ơn gọi, cũng như là trung tâm quảng bá đặc sủng của Đấng Sáng Lập. Don Bosco đón nhận dung mạo của Mẹ Maria với tước hiệu Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, là Đấng đã khởi sự ơn gọi của mình và là Bà Giáo hướng dẫn cuộc đời Don Bosco”.
Vương Cung Thánh Đường Mẹ Phù Hộ ở Valdocco trở thành biểu tượng hữu hình của sự hiện diện của Đức Maria trong đời sống của Don Bosco và của Tu Hội Sa-lê-diêng. Đây là nhà thờ ‘Mẹ’ của Gia đình Sa-lê-diêng.

3. Lòng sùng kính Đức Maria nơi Don Bosco
Lòng sùng kính Đức Maria biểu lộ tâm tình con thảo và mật thiết của Don Bosco. Tầm nhìn về lịch sử cứu độ làm cho Don Bosco đặt Giáo Hội ở trung tâm của thế giới, và trong lòng Giáo Hội, Don Bosco chiêm ngắm Mẹ Maria Phù Hộ các giáo hữu, Đấng quyền năng và chiến thắng sự dữ.
Đức Mẹ luôn hiện diện trong đời sống của Don Bosco. Trong giấc mơ chính tuổi, Chúa Giêsu nói với Don Bosco: “Ta là Con của Đấng mà mẹ của con đã dạy con chào ba lần trong ngày”. Có một sự tương quan tuyệt vời giữa Don Bosco và Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu: Mẹ mãi mãi là “Mẹ của Don Bosco” và Don Bosco là “Vị Thánh của Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Cách khiêm tốn, Don Bosco nhìn nhận rằng “Không phải cha là tác giả của những công trình tuyệt diệu mà các con nhìn thấy. Tác giả chính là Thiên Chúa; là Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã tỏ mình cho vị  linh mục nghèo hèn này. Chính Mẹ Maria đã thực hiện tất cả”.
 
Ngày 16 tháng 5 năm 1887, Don Bosco dâng thánh lễ tại nhà thờ Thánh Tâm Rôma, Ngài dâng Thánh Lễ này tại bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Phù Hộ, có linh mục thư ký của ngài là cha Vìglietti giúp lễ. Hơn mười lăm lần trong Thánh Lễ, cảm xúc và nước mắt đã làm cho Don Bosco ngừng lại, không đọc tiếp kinh lễ được: “Cha đã nhìn lại, đã gợi ra trước mắt Cha giấc chiêm bao 9 tuổi. Các con biết, ai đã quyết định cả đời cha; nhất là cha vẫn nghe văng vẳng bên tai cha lời nói của Bà Giáo, khi cha năn nỉ Bà cho cha biết ý nghĩa của giấc mơ kỳ lạ đó. Bà nói: ‘Một ngày kia, khi tới thời gian đó, con sẽ hiểu tất cả’. Từ đó đến nay, đã qua sáu mươi năm. Bây giờ cha đã hiểu. Cha thấy tất cả là Đức Mẹ cùng Don Bosco thực hiện, nhất là Đức Mẹ đã thực hiện”. Tất cả những gì Don Bosco đã làm, ngài đã làm được với sự trợ giúp và ơn soi sáng của Nữ Vương Trên Trời. 

4. Lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu
Có ba sự kiện chính đã khiến giáo hội công khai tuyên xưng đức Mẹ là Đấng Phù Hộ các giáo hữu: “Auxilium Christianorum”.
Trước hết là trận hải chiến lừng danh ở Lê-pan-tê (Rôma), xảy ra ngày 7 tháng 10 năm 1571. hồi đó, quân Thổ đã tiến sâu vào lãnh thổ Hungari, chúng đã làm chủ đảo Rhodes và một phần bờ biển nước Ý, và chúng đang đe dọa cả phương Tây. Vua của nước Áo, đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Piô V, đã tiến đánh chúng trong vùng biển Hy-lạp, binh sĩ đã xuất trận sau khi rước lễ, và tấn công vào quân địch với tiếng hò la “vạn tuế Mẹ Maria”. Quân Thổ đã bị thua một cách thảm hại, với 40000 quân địch bị chết chìm và 224 chiếc thuyền bị đắm. Để ghi nhớ ơn trọng đại này, Đức Piô V đã truyền thêm câu “Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu” vào kinh cầu Đức Bà. Từ đấy đến nay, chúng ta vẫn đọc “Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con”.
Một thế kỷ sau, năm 1683 quân Thổ lại xâm chiếm Châu Âu, và chúng đã đóng quân trước thủ đô Vienna của nước Áo. Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng lúc bấy giờ là Innocentê XI đã đặt vận mệnh thế giới Kitô giáo vào trong tay Đức Mẹ Phù Hộ, bởi vì để chống lại quân Thổ, người công giáo chỉ còn cậy dựa vào đạo quân nhỏ bé của vua Gioan Sobieski nước Ba Lan. Nhờ ơn trên phù hộ, vua Sobieski đã đại thắng quân Thổ. Một trong những tướng lãnh của vua là quận công xứ Baviere đã xin và được phép thành lập tại Munich một hội đạo Đức, lấy tên là hội Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Hội này rất được các tín hữu quý trọng và đã được ban nhiều đặc ân.
Sau này, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã lập nên lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu và ghi vào lịch của Giáo Hội, sau những năm bị cầm cố tại Fontainebleau (Pháp). Để tạ ơn Đức Mẹ đã ban ơn cho Ngài tìm thấy tự do, Ngài ấn định kính lễ này vào ngày 24 tháng 5, kỷ niệm ngày Ngài được trở về Rôma (24-5-1814). Sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng được ban hành vào ngày 15 tháng 9 năm 1815, một tháng trước đó, bé Gioan Bosco đã ra đời trong một làng nhỏ bé xứ Piemont.
Chính Don Bosco đã được Chúa quan phòng chọn để trở thành vị tông đồ nhiệt thành của lòng sùng kính vẫn chưa được mấy người hiểu biết. Don Bosco sẽ nhận lấy trách nhiệm làm cho mọi người yêu mến lòng sùng kính này, bằng cách tỏ cho thấy vẻ tốt đẹp của lòng sùng kính đó. Tuy nhiên, chỉ tới nửa đời của Ngài, Don Bosco mới nỗ lực hoạt động công việc này. Tất cả các ơn lạ đã làm cho mọi người chạy theo thánh nhân, thánh nhân đều nói là do Đức Mẹ Phù Hộ thực hiện. Don Bosco luôn nhắc cho mọi người rằng “anh chị em hãy kêu cầu Đức Mẹ phù hộ, Ngài sẽ không bao giờ bỏ anh chị em” 
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)