Tuesday, January 31, 2023

DON BOSCO, VỊ THÁNH GIÁO DỤC

 



1) DON BOSCO (1815-1888)

Don Bosco sinh năm 1815 tại Becchi, nước Ý, trong một gia đình nông dân nghèo. Ngài hấp thụ nền giáo dục công giáo từ trong chính gia đình của ngài, và được đào luyện tại Chủng viện Chieri (1835-1841). Ngài trở thành một linh mục (1841) hoàn toàn tận hiến cho giới trẻ, cho việc giáo dục Kitô giáo, cho hoạt động tông đồ và truyền giáo.

Năm 1841, Don Bosco bắt đầu thành lập Nguyện xá tại Tôrinô dành cho các thanh thiếu niên và trẻ em nghèo, cho các công nhân từ miền quê lên thành phố làm việc. Năm 1846, Nguyện xá thánh Phanxicô Salê chính thức có trụ sở tại Valdocco (Tôrinô, Italia), gọi là “Nguyện xá Valdocco”. Năm 1847, Don Bosco bắt đầu mở lưu xá, xưởng dạy nghề và các lớp học tại đây. Công cuộc của Nguyện xá Valdocco dần dần phát triển.

Để giáo dục giới trẻ và thăng tiến đời sống xã hội, Don Bosco thành lập Tu hội thánh Phanxicô Salê (dòng Salêdiêng Don Bosco) vào năm 1859. Nhà dòng bắt đầu triển nở ở miền Piemonte (nước Ý) và các nơi khác. Ngài cũng thành lập Hội Sùng kính Mẹ Phù Hộ năm 1869. Sau đó, ngài thành lập dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (các Sơ FMA) vào năm 1872 để chăm lo cho các trẻ nữ, và khơi lên một phong trào rộng lớn những con người phục vụ Giáo Hội vì lợi ích của người nghèo và những người bé nhỏ trong xã hội. Ngài cũng thành lập Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng vào năm 1876.

Don Bosco qua đời ngày 31 tháng 1 năm 1888, được Giáo Hội phong thánh vào lễ phục sinh năm 1934, và được trao tặng danh hiệu "Cha, thầy và bạn của giới trẻ" vào năm 1988.

 

2) PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA DON BOSCO

“Giáo dục dự phòng”

Phương pháp của Don Bosco tóm gọn trong Hệ thống giáo dục dự phòng, dựa trên tình yêu – lý trí – tôn giáo, với sự đồng hành (sự hiện diện năng động) đầy tình yêu thương và liên lỉ của nhà giáo dục hay giáo viên, – như những người cha, người mẹ hiện diện -, khuyên nhủ, hướng dẫn và trợ giúp những học sinh và các thanh thiếu niên.

“Dự phòng” là “phòng ngừa”, “đồng hành”, “trợ giúp”. Don Bosco nhận ra những phẩm tính tốt lành nơi thanh thiếu niên và hướng dẫn họ đi vào những dự phóng hấp dẫn và hữu ích. Ngài xác tín về sự tốt lành nơi tâm hồn giới trẻ, của từng người trẻ, mà thậm chí trong những thanh thiếu niên đáng thương nhất cũng có những hạt giống tốt lành, giúp cho họ nhận ra ý nghĩa cuộc đời và nếm cảm sự thiện.

Tình yêu dự phòng giúp ngăn ngừa những nguy hiểm cho thanh thiếu niên về thể lý và thiêng liêng, ngăn ngừa những điều cản trở họ thực hiện những việc tốt lành, giúp thăng tiến trong cuộc sống và đạt hạnh phúc vĩnh cửu.

Vì thế, hệ thống giáo dục dự phòng nại đến những tiềm năng của lý trí, của cõi lòng và của khát vọng Thiên Chúa (ba cột trụ lý trí – tình yêu – tôn giáo), mà mỗi người có trong tâm khảm mình.

Lý trí giải thích, giáo dục, hướng dẫn giới trẻ hành động dựa trên niềm xác tín cá nhân.

Chiều kích tôn giáo kiến tạo nơi thanh thiếu niên cảm thức sống trong sự hiện diện và trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Tình yêu giúp người trẻ lắng nghe, sẵn sàng sống hợp lý, vận dụng lý trí và chấp nhận những đề nghị đưa ra.

 

3) MỤC ĐÍCH GIÁO DỤC CỦA DON BOSCO

a) Công dân lương thiện và Kitô hữu tốt lành;

b) Hạnh phúc đời này và đời sau.

Khoa sư phạm của Don Bosco là một kế hoạch giáo dục người trẻ nhằm mang lại hạnh phúc cho chúng; hướng tới “niềm hạnh phúc đích thực ở đời này và đời sau”, đào tạo nên “những công dân lương thiện và những Kitô hữu tốt lành”. Mục đích này chính là năng động lực dẫn dắt Ngài khởi sự và phát triển vô số những sáng kiến tông đồ dành cho người trẻ.

Châm ngôn cho đời sống và hoạt động của Don Bosco là “Da mihi animas caetera tolle - Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác xin cứ lấy đi”, kín múc từ sách Sáng Thế, chương 14, câu 21 (St 14,21). Việc “cứu rỗi linh hồn” trở thành ưu tiên số một, như Don Bosco nói với các thanh thiếu niên của ngài trong một buổi huấn từ tối năm 1863: “Cha muốn nói với các con một vài điều hết sức quan trọng. Cha cần chúng con giúp đỡ vì công việc mà cha đã cưu mang trong lòng, đó là việc cứu rỗi linh hồn các con. Đây là mục đích cao cả nhất, là lý do duy nhất cho sự hiện hữu của cha và cho việc cha sống ở đây”.

 

4) DÒNG SALÊDIÊNG DON BOSCO: GIÁO DỤC VÀ RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO GIỚI TRẺ

Don Bosco thành lập dòng Salêdiêng Don Bosco năm 1859 với mục đích giáo dục giới trẻ, đặc biệt giới trẻ nghèo.

Hiện nay, dòng Don Bosco hiện diện ở 134 quốc gia khắp năm châu trên toàn thế giới, với 14 063 tu sĩ (90 tỉnh dòng) và 1802 cơ sở;

Nhà dòng có 94 đại học và cơ sở giáo dục bậc cao; 3693 trường học, 830 trường nghề và trung tâm huấn nghiệp;

Dòng Salêdiêng Don Bosco là mạng lưới giáo dục lớn nhất thế giới.

Tại Việt Nam, nhà Dòng hiện có 4 trường dạy nghề: Don Bosco Phước Lộc (Bà Rịa Vũng Tàu), Don Bosco Tân Tiến (Bảo Lộc, Lâm Đồng), Don Bosco Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Don Bosco Kỳ Anh (Hà Tĩnh), và 1 trường chuẩn bị chiêu sinh: Don Bosco Đà Nẵng; các trường phổ cập cho học sinh cấp I – II: Don Bosco Xuân Hiệp (Tp.HCM), Don Bosco Tam Hải (Tp.HCM), Don Bosco Ba Thôn (Q.12 Tp.HCM), Don Bosco Đà Lạt (Lâm Đồng), Don Bosco Vĩnh Hiệp (Rạch Giá, Kiên Giang).

Ngoài ra, nhà Dòng cũng hiện diện tại nhiều tỉnh thành khác nhau với mục đích giáo dục nhân bản và đức tin cho các tín hữu, cho giới trẻ và thanh thiếu niên: Sài Gòn (Don Bosco Bến Cát [Gò Vấp], Xuân Hiệp, Tam Hải, Ba Thôn, Bình Chánh, Hóc Môn, Tân Thịnh [Hóc Môn], Cần Giờ), Bình Dương (Tân Định), Đồng Nai (Tân Cang - Biên Hòa, Đức Huy – Gia Kiệm), Bà Rịa Vũng Tàu (Phước Lộc), Vĩnh Long (Mỹ Thuận), Cần Thơ (Cần Thơ, Tắc Vân), Kiên Giang (Vĩnh Hiệp - Rạch Giá), Lâm Đồng (Don Bosco Đà Lạt, Liên Khương, Nghĩa Lâm, Bắc Hội, K’Long, Định An, Bảo Lộc), Gia Lai (Don Bosco Plei Ngol Khóp, Plei Ngol Ba, Thanh Bình, Thanh Hà, Ia Pia, Ia Lâu), Đak Nông (Đak Mil), Đà Nẵng (tp. Đà Nẵng), Hà Nội (Vạn Phúc), Thái Bình (Cát Đàm, Trại Gạo, Đức Ninh), Nam Định (Dương A), Ninh Bình (Quảng Nạp), Bắc Ninh (Hòa An, Nông Vụ), Phú Thọ (Hương Tran), Lào Cai (Cốc Lếu, Sapa).

Bước theo Don Bosco, các tu sĩ Salêdiêng trở nên dấu chỉ và người mang tình yêu Thiên Chúa đến cho các thanh thiếu niên và giới trẻ. Các ngài thực hiện điều đó một cách cụ thể, hướng đến tương lai giới trẻ, quan tâm chăm sóc, sánh bước và đồng hành với họ trong cuộc đời.

Don Bosco đã không đi một bước, không nói một lời và không làm điều gì, mà không vì mục đích yêu mến và cứu vớt giới trẻ.

 

5) GIA ĐÌNH SALÊDIÊNG DON BOSCO

Don Bosco khơi lên một phong trào rộng lớn những con người phục vụ Giáo Hội vì lợi ích của người nghèo và những người bé nhỏ trong xã hội.

Phong trào rộng lớn này tập hợp thành gia đình salêdiêng của Don Bosco, thường được gọi tắt là gia đình Salêdiêng. Gia đình salêdiêng của Don Bosco là một đoàn sủng thiêng liêng bao gồm các nhóm khác nhau (linh mục, tu sĩ, giáo dân), kính múc tinh thần và phương pháp giáo dục của Don Bosco phục vụ Giáo Hội và xã hội, liên kết với nhau bằng mối tương quan thiêng liêng và tông đồ.

Gia đình salêdiêng của Don Bosco có trung tâm quy chiếu đoàn sủng thiêng liêng là cha Bề Trên Cả dòng Don Bosco.

Hiện nay có 32 nhóm chính thức thuộc gia đình Don Bosco, bao gồm:

1. Dòng Don Bosco (SDB)

2. Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA)

3. Cộng Tác Viên Salêdiêng (ASC)

4. Hiệp hội Đức Mẹ Phù Hộ (ADMA)

5. Hội cựu học sinh SDB (Ex.SDB)

6. Hội cựu học sinh FMA (Ex.FMA)

7. Nữ chí nguyện Don Bosco (VDB)

8. Dòng nữ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria (HHSSCC).

9. Dòng nữ hiến sĩ Thánh Tâm Chúa Giêsu (SOSC)

10. Dòng nữ tông đồ gia đình Thánh Gia (ASF)

11. Dòng nữ bác ái Chúa Giêsu (CSJ)

12. Dòng nữ truyền giáo Đức Mẹ Phù Hộ (MSMHC)

13. Dòng nữ Đấng Cứu Thế (HDS)

14. Dòng nữ tì Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria (SIHM)

15. Dòng nữ Đức Giêsu thiếu niên (IJA)

16. Hiệp hội tông đồ giáo dân Salêdiêng Damas (ADS)

17. Nam chí nguyện Don Bosco (CDB)

18. Dòng nữ giáo lý viên Đức Mẹ Vô Nhiễm Phù Hộ (SMI)

19. Nữ tu hội đời Nữ Vương Đức Maria Vô Nhiễm (DQM)

20. Chứng nhân Đức Kitô phục sinh (phong trào giáo dân TR)

21. Dòng nam Tổng lãnh thiên thần Micae (CSMA)

22. Dòng nữ Phục Sinh (HR)

23. Dòng nữ truyền tin Đức Kitô (SAL)

24. Nữ Tu hội đời môn đệ Don Bosco (DISC)

25. Cộng đoàn “Canção Nova” (CN)

26. Dòng nữ Tổng lãnh thiên thần Micae (CSSMA)

27. Dòng nữ Mẹ Phù Hộ (SMA)

28. Cộng đoàn truyền giáo Don Bosco (CMB)

29. Dòng nữ vương Mẹ Vô Nhiễm (DQMI)

30. Dòng nữ thăm viếng Don Bosco (VSDB)

31. Cộng đoàn chiêm niệm Đức Maria Nadarét (FCMN)

32. Dòng nữ trung gian hòa bình (MP)

 

 6) SỰ THÁNH THIỆN SALÊDIÊNG

Một trong những lá thư đầu tiên gửi cho các tu sĩ Salêdiêng, Don Bosco đã bày tỏ cảm xúc của mình: “Mục đích đầu tiên của nhà Dòng chúng ta là việc thánh hóa các Hội viên" (Giovanni Bosco, Epistolario. II, LAS Roma, 1996, 385).

Mục đích của việc giáo dục mục vụ là sự thánh thiện. Don Bosco nói rằng: “Hãy nói với các thanh thiếu niên của Cha rằng Cha đợi tất cả chúng trên Thiên Đàng”. Đó chính là lý do cho châm ngôn: “Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác xin lấy đi”.

Đoàn sủng Salêdiêng tính đến nay có tất cả 173 dung mạo thánh thiện (Pierluigi Cameroni, Dossier Postulazione 2022), trong đó bao gồm:

10 vị Thánh (Don Bosco, Giuse Cafasso, Maria Mazzarello, Đaminh Saviô, Leonardo Murialdo, Luigi Versiglia, Calisto Caravario, Luigi Orione, Luigi Guanella, Artemide Zatti);

117 Á Thánh (Micae Rua, Philip Rinaldi, Tito Zeman, Stefano Sandor, Maria Romero Meneses, Maria Troncati, Laura Vicugna, Alessandrina Maria da Costa, ...);

18 Đấng đáng kính (Giuseppe Quadrio, Vincent Cimatti, Luigi Oliveres, Stefano Ferrando, Andrea Beltrami, Ottavio Ortiz Arrieta, Augusto Hlond, …);

28 Tôi tớ Chúa (Andrej Majcen, Giuseppe Cognata, Antonio de Almeida Lustosa, Oreste Marengo, Vera Grita ...);

50 vị đang trong tiến trình.

“Sự thánh thiện là diện mạo xinh đẹp nhất của Giáo Hội” (Gaudete et Exsultate, 9) và thánh Ambrosiô từng khẳng định rằng “mỗi tuổi đời đều là tuổi để nên thánh” (Ambrogio, De Virginitate, 40), thì chắc chắn chúng ta cũng là thế! Chúng ta cũng được mời gọi sống thánh thiện.

 

Kinh “Thánh Gioan Bosco”

 

Lạy Thánh Gioan Bosco,

là Cha và Thầy của giới trẻ.

Cha đã chịu biết bao khó nhọc để cứu các linh hồn,

Xin Cha hướng dẫn chúng con

biết tìm lợi ích linh hồn chúng con

và phần rỗi anh chị em chúng con.

Xin giúp chúng con chiến thắng đam mê và tính vị nể.

Xin dạy chúng con biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể,

Mẹ Maria Phù Hộ và Đức Thánh Cha.

Xin cầu cho chúng con ơn chết lành

để chúng con được gặp gỡ cha trên Nước Trời. Amen.

 

Thánh Gioan Bosco, cầu cho chúng con!

 

Saturday, August 15, 2020

DON BOSCO

 


Don Bosco (thánh Gioan Bosco) sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815 tại Becchi, Castelnuovo d’Asti, nước Ý, trong một gia đình nông dân nghèo. Ngài hấp thụ nền giáo dục của gia đình Công Giáo, và được đào luyện tại Chủng viện Chieri (1835-1841), để sau đó trở thành một linh mục (1841) hoàn toàn tận hiến cho giới trẻ, cho việc giáo dục Kitô giáo, cho hoạt động tông đồ và truyền giáo.

Ngài thành lập Nguyện Xá thánh Phanxicô Salê tại Tôrinô năm 1844 dành cho các thanh thiếu niên và trẻ em nghèo, cho các công nhân từ miền quê lên thành phố làm việc. Năm 1846, Nguyện Xá chính thức có trụ sở tại Valdocco, gọi là “Nguyện Xá Valdocco”. Năm 1847, Don Bosco mở lưu xá và bắt đầu mở các xưởng cũng như các lớp học tại đây. Công cuộc của Nguyện Xá Valdocco dần dần phát triển.

Để giáo dục giới trẻ và thăng tiến xã hội, Don Bosco thành lập Tu hội thánh Phanxicô Salê (dòng Salêdiêng Don Bosco) vào năm 1859. Nhà dòng bắt đầu triển nở ở miền Piemonte (nước Ý) và các nơi khác. Ngài cũng thành lập dòng con Đức Mẹ Phù Hộ (các Sơ FMA) vào năm 1872 để chăm lo cho các trẻ nữ, và một phong trào rộng lớn những con người phục vụ Giáo Hội vì lợi ích của người nghèo và những người bé nhỏ trong xã hội, trong đó ngài thành lập Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng vào năm 1876.

Năm 1877, Don Bosco cho ra đời Tập san Salêdiêng, một tạp chí thông tin và hỗ trợ cho công việc giáo dục mục vụ Salêdiêng. Từ năm 1875 trở đi, công cuộc Salêdiêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ vượt ra ngoài Châu Âu, những bước đầu tiên đến Châu Mỹ, bắt đầu với Argentina. Don Bosco qua đời năm 1888 và được Đức Thánh Cha (ĐTC) Piô XI phong thánh vào năm 1934.

Châm ngôn cho đời sống và hoạt động của Don Bosco là: “Da mihi animas caetera tolle - Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác xin cứ lấy đi” kín múc từ sách Sáng Thế 14,21. Việc “cứu rỗi linh hồn” trở thành ưu tiên số một, như Don Bosco nói với các học sinh của ngài trong buổi huấn từ tối năm 1863: “Cha muốn nói với các con một vài điều hết sức quan trọng. Cha cần chúng con giúp đỡ vì công việc mà cha đã cưu mang trong lòng: đó là việc cứu rỗi linh hồn các con. Đây là mục đích cao cả nhất, là lý do duy nhất cho sự hiện hữu của cha và cho việc cha sống ở đây”.[1]

Phương pháp của ngài tóm gọn trong Hệ thống giáo dục dự phòng, dựa trên tình yêu – lý trí – tôn giáo, “mời gọi một sự đồng hành (việ hộ trực) đầy tình yêu thương và liên lỷ của nhà giáo dục hay giáo viên – như những người cha hay người mẹ hiện diện ở đó, khuyên nhủ, hướng dẫn và trợ giúp” những học sinh và các thanh thiếu niên.[2]

Khoa sư phạm của Don Bosco là một kế hoạch giáo dục người trẻ nhằm mang lại hạnh phúc cho chúng; hướng tới “niềm hạnh phúc đích thực ở đời này và đời sau”, đào tạo nên “Những công dân lương thiện và những Kitô hữu tốt lành”. Mục đích này chính là năng động lực dẫn dắt Ngài khởi sự và phát triển vô số những sáng kiến tông đồ dành cho người trẻ.

Fx. Phạm Đình Phước SDB

205 năm sinh nhật Don Bosco (16/08/2020)

 



[1] Pietro Braido, Il Sistema preventive di Don Bosco, Zurigo 1964, 126.

[2] Pietro Braido, Prevenire non Reprimere, LAS, Roma 1999, 8.

Sunday, May 31, 2020

PHỤNG VỤ LỄ MẸ MARIA, MẸ GIÁO HỘI



Bản văn phụng vụ
lễ Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh,
Lễ nhớ
(Thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)
***

Ca nhập lễ : x. Cv 1, 14
Các môn đệ đồng tâm kiên trì cầu nguyện cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa là Cha hay thương xót, khi chịu treo trên thập giá, Con Một Chúa đã trao ban Đức Trinh Nữ Maria, thân mẫu Người, làm Mẹ chúng con, nhờ có Đức Mẹ yêu thương trợ giúp, xin cho Hội Thánh Chúa đang ngày càng thêm đông số, được mừng vui vì sự thánh thiện của con cái, và dẫn đưa tất cả muôn dân nhập đoàn cùng Hội Thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. 


Bài đọc I: St 3,9-15.20
“Mẹ của toàn thể chúng sinh”
Bài trích sách Sáng thế
Sau khi Ađam ăn trái cấm, Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông và nói cùng ông rằng: “Ngươi ở đâu vậy?” Ông thưa: “Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con ẩn núp”. Chúa hỏi ông: “Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần truồng? Có phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi ăn không?” Ađam thưa: “Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với con, chính bà ấy đã cho con trái cây và con đã ăn”.
Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con, và con đã ăn”. Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi súc vật và thú hoang! Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi đất suốt đời mi. Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà, người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cắn gót chân người”. Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh.
Ðó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 86 (87) 1-2.3 và 5.6-7
Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành
1) Nền móng Sion được đặt trên núi thánh, Chúa yêu chuộng cửa thành hơn mọi nơi cư ngụ của nhà Giacob. Hỡi thành đô của Thiên Chúa. Mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành. – Đ
2) Nói đến Sion, thiên hạ bảo: “Tại đó, người người đã sinh ra, chính Ðấng Tối Cao củng cố thành”. – Ð.
3) Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đã sinh ra tại đó”, và họ múa nhảy hát ca: “Mọi nguồn mạch của tôi ở nơi thành”. – Ð.


ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! – Kính chào Ðức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Ðấng giữ gìn trong chúng con Thần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô. Alleluia!


PHÚC ÂM: Ga 19: 25-34
“Đây là mẹ của anh”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.
Đó là lời Chúa.


Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thương chấp nhận và biến đổi của lễ chúng con dâng thành bí tích cứu độ, xin cho lòng chúng con cũng cháy bừng lửa yêu mến, như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, và ước chi sức mạnh của bí tích này thúc đẩy chúng con cộng tác mật thiết hơn vào công trình cứu chuộc. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Kinh Tiền tụng: 
Đức Maria là khuôn mẫu và là Mẹ của Hội Thánh.
Chúa ở cùng anh chị em.
Đ. Và ở cùng cha.
Hãy nâng tâm hồn lên.
Đ. Chúng con đang hướng về Chúa.
Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Đ. Thật là chính đáng.
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Mỗi khi kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, chúng con dâng lời ngợi khen tung hô Chúa.
Khi đón nhận Lời Chúa với tâm hồn trong trắng, Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời trong cung lòng khiết trinh,và khi hạ sinh Đấng thiết lập Hội Thánh, Mẹ đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh.
Khi đứng bên thập giá, Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương của Con Chúa,và đã nhận tất cả mọi người làm con,những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên nhờ cái chết của Đức Kitô.
Khi cùng các Tông đồ trông đợi Đấng Chúa hứa ban, Mẹ đã hợp với các ngài tha thiết khẩn cầu, và nên mẫu gương cho một Hội Thánh không ngừng cầu nguyện.
Khi được đưa lên cõi vinh quang thiên quốc, Mẹ vẫn lấy lòng từ mẫu dõi theo Hội Thánh đang còn lữ hành, và ân cần phù trợ Hội Thánh trên đường về quê trời, cho tới ngày Chúa Kitô ngự đến trong vinh quang.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các Thánh,chúng con hợp tiếng ca ngợi Chúa và tung hô rằng:
Thánh, Thánh, Thánh,

Ca hiệp lễ : x. Ga 2, 1. 11
Có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa, và có mẹ Chúa Giêsu ở đó; bấy giờ Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên và đã tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ đã tin Người.

Hoặc : x. Ga 19, 26-27
Lúc bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu nói với môn đệ Người yêu: Này là Mẹ con.


Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa,
chúng con vừa lãnh nhận bảo chứng ơn cứu chuộc và sự sống,
xin cho Hội Thánh Chúa,
nhờ sự trợ giúp của Thánh mẫu Maria,
luôn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng
cho các dân tộc và làm cho địa cầu được đầy tràn Chúa Thánh Thần.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

*****
Bài đọc II Giờ Kinh Sách
Trích diễn từ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI
ngày bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II – 21.11.1964
Để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria và để chúng ta được hưởng nhờ ơn cứu giúp, sau khi cẩn thận luận xét các lý chứng liên hệ đến mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh, Chúng tôi tuyên nhận Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh, nghĩa là của toàn thể các Kitô hữu, giáo dân cũng như mục tử, những người vẫn gọi Đức Maria là Mẹ vô cùng nhân ái; và Chúng tôi xác lập rằng từ nay toàn thể đoàn dân Kitô giáo phải luôn gia tăng lòng tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa và kêu cầu Mẹ dưới tước hiệu vô cùng dịu ngọt ấy.
   Thưa chư huynh đáng kính, tước hiệu này không hề xa lạ đối với lòng đạo đức của các Kitô hữu; trái lại các tín hữu và toàn thể Hội Thánh vẫn luôn gọi Đức Maria là Mẹ. Danh hiệu này quả thật đã gắn liền với ý nghĩa đích thực của lòng sùng kính dành cho Đức Maria, dựa trên chính phẩm giá Mẹ đã nhận được trong tư cách là Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Thiên chức Thánh Mẫu đã làm cho Mẹ có những mối liên hệ đặc biệt với Chúa Kitô và hiện diện trong công trình cứu rỗi nhân loại do Chúa Giêsu Kitô thực hiện, cũng chính thiên chức đó tạo nên mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh; vì Đức Maria là Mẹ của Chúa Kitô, Đấng đã nhận lấy bản tính nhân loại trong cung lòng khiết trinh của Mẹ, Đấng là Đầu của Nhiệm thể là Hội Thánh. Vì thế Đức Maria, Mẹ của Chúa Kitô, cũng là Mẹ của tất cả các tín hữu và mục tử, nghĩa là của Hội Thánh.
   Đó là lý do tại sao chúng ta, dù bất xứng, dù yếu hèn, nhưng vẫn luôn ngước nhìn lên Mẹ với đôi mắt bừng sáng niềm tin tưởng và lòng yêu mến của những người con. Nếu xưa Mẹ đã trao cho chúng ta Đức Giêsu là nguồn mạch ân sủng bởi trời, thì nay Mẹ không thể không dành tấm lòng hiền mẫu của Mẹ cho Hội Thánh, đặc biệt trong thời điểm này, khi Hiền Thê của Chúa Kitô đang gia tăng nỗ lực để chu toàn sứ mạng thông ban ơn cứu độ.
   Để tiếp tục nuôi dưỡng và củng cố niềm tin này, Chúng tôi muốn trình bày những tương quan mật thiết giữa người Mẹ trên trời của chúng ta và nhân loại. Dù được Thiên Chúa ban tràn đầy ân huệ cao trọng để xứng đáng là Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, Đức Maria vẫn luôn thân cận với chúng ta. Như chúng ta, Mẹ là con cháu Evà, có chung bản tính nhân loại nên cũng là người Chị của chúng ta; được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ do hưởng trước công phúc cứu chuộc của Chúa Kitô, nhưng Mẹ đã lãnh nhận các ân huệ thần linh với đức tin trọn hảo, đến độ Mẹ đáng nhận được lời ngợi khen trong Tin Mừng :“Phúc cho bà là kẻ đã tin”.
   Trong cuộc sống trần thế, Mẹ đã thể hiện hình ảnh hoàn hảo của người môn đệ Chúa Kitô, nên mẫu gương của mọi nhân đức,và nếp sống của Mẹ phản ánh trọn vẹn các mối phúc thật được Chúa Giêsu Kitô rao giảng. Bởi đó, trong đời sống đa dạng và sinh hoạt đầy năng động của mình, toàn thể Hội Thánh phải noi theo mẫu gương của Đức Trinh nữ Mẹ Thiên Chúa, người đã trọn vẹn sống theo gương mẫu Chúa Kitô.
 Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích