Saturday, March 28, 2020

XIN CHA CHO CHÚNG CON LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY


“Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”


1) “Lương thực” vật chất
Khi đọc những dòng chữ “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” của Kinh Lạy Cha, chúng ta thường nghĩ đến của ăn vật chất, nghĩa là cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta cơm ăn hằng ngày.
Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế của chúng ta, từ những lo lắng hằng ngày của con người. Vẫn còn đó những người cha, những người mẹ tối đến đi ngủ với nỗi đau không đủ lương thực cho con cái vào ngày mai; vẫn còn đó những con người sống trong những căn chòi tạm bợ thiếu những gì cần thiết cho cuộc sống, vẫn còn đó những con người kiếm sống hằng ngày tự nói với mình “rồi ngày mai không biết có cái gì để ăn?”.
“Lương thực” mà chúng ta cầu xin là đồ ăn thức uống, mà thông thường chúng ta nói “xin cho chúng con hằng ngày dùng đủ”, như vậy là “mãn nguyện” rồi, “chỉ cần như vậy thôi”. “Lương thực” còn là những điều khác nữa cho cuộc sống của con người, chẳng hạn thuốc men, nhà cửa, công việc. Lời cầu xin này cho thấy một điều là chúng ta không thể tự mình là đủ, mà mỗi ngày chúng ta cần được nuôi dưỡng, và chúng ta cần một Đấng trợ giúp và ban ơn.[1]

2) “Lương thực” thiêng liêng: Thánh Thể
“Lương thực” chúng ta cầu xin, trên hết, là lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta. Các Kitô hữu cần thần lương tuyệt vời là Bánh Hằng Sống, là Thánh Thể Chúa Kitô.
 Con người chúng ta không chỉ là thân xác được nuôi dưỡng bởi đồ ăn thức uống; chúng ta vẫn thường xuyên chăm sóc cho thân thể của mình. Con người chúng ta còn có một điều gì đó thiêng liêng và cao cả, là “linh hồn”. Con người khác biệt với tất cả các loài động vật khác, đặc biệt vì con người còn là linh hồn. Con người suy nghĩ, biện luận, ước muốn và yêu mến; biết điều gì tốt và điều gì xấu. Linh hồn con người không mất đi khi thân xác qua đời, nhưng bắt đầu một cuộc sống mới, không bao giờ kết thúc. Nếu con người làm điều tốt, linh hồn sẽ luôn được chúc phúc trên thiên đàng với Chúa; đó là nơi dành cho tất cả những người công chính.
Mỗi người chỉ có một linh hồn mà thôi, nhưng “được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích gì” (Mt 16,26). Don Bosco nói cho chúng ta: “Bạn có một linh hồn; nếu bạn mất nó, bạn sẽ mất tất cả. Nếu bạn có được cả thế giới mà mất linh hồn, thì bạn sẽ như thế nào? Nếu bạn trở thành một người giàu có, danh tiếng, khôn ngoan, thông suốt về nghệ thuật và khoa học, âm nhạc, nhưng bạn mất linh hồn, điều đó có ích lợi cho bạn không?”[2] Như thế, linh hồn phải là mục đích cho hành động của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần thiết cầu xin lương thực hằng ngày nuôi sống linh hồn chúng ta, giúp chúng ta nếm hưởng hạnh phúc đời đời và sự sống vĩnh cửu.[3]
Nhưng hiện nay, chúng ta lại không thể có lương thực đó, khi mà trong mùa đại dịch “coronavirus”, nhiều nơi trên thế giới tạm ngưng các Thánh Lễ có giáo dân tham dự. Tại Việt Nam, bắt đầu từ thứ năm ngày 26 tháng 3 năm 2020, sau đó vào thứ bảy trước Chúa Nhật V mùa Chay, các tín hữu sẽ không có cơ hội tham dự Thánh Lễ tại các ngôi nhà thờ thân thương. Đây là một quyết định đúng đắn và khôn ngoan, cho dẫu là một quyết định khó khăn và đau đớn cho các chủ chăn và cho các tín hữu. Nhiều người cảm thấy như là một cú sốc đến với mình: “không thể như thế”, “trong lúc khó khăn, khi chúng con cần nhất lại không có”. Cũng dễ hiểu thôi! Bởi lẽ, đây không phải vì tình trạng thiếu các linh mục như ở những vùng sâu vùng xa, hay ở các miền truyền giáo, hay vì khoảng cách địa lý xa xôi hoặc thiếu phương tiện đi lại, mà các tín hữu không thể đến nhà thờ. Nhưng thời gian này là một ngăn trở thực sự. Có linh mục và có nhà thờ, lại không có Thánh Lễ cho giáo dân, là để phòng ngừa bệnh tật cho chính mình và cho người khác, trong viễn cảnh bệnh dịch lây lan nhanh chóng, lây lan “cấp số nhân”, và nhiều quốc gia trên thế giới đang trở tay không kịp.
Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly thiết lập Bí tích Thánh Thể: “Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy”, “hiến tế vì các con”, vì ơn cứu độ của loài người (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22, 19-20). Vì thế, Thánh Thể là nguồn mạch của ơn cứu độ, là nguồn bình an và phúc lành cho con người, là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội (x. LG 11). Chính Đức Giêsu cũng trong bữa Tiệc Ly truyền cho các môn đệ “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,23-25).
Mỗi ngày linh mục dâng Thánh Lễ thông dự vào hiến tế của Chúa Giêsu, lập lại cử chỉ “bẻ bánh” của Ngài, trao hiến cho nhân loại, nuôi sống linh hồn con người. Khi linh mục đọc những lời truyền phép trên bánh và rượu, thì bánh biến đổi thành thịt của Chúa Giêsu Kitô và rượu biến đổi thành máu của Ngài. 
Khi Rước Lễ, chúng ta rước chính Chúa Giêsu làm của ăn thiêng liêng cho linh hồn chúng ta. “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời; và bánh Ta ban tặng chính là thịt Ta đây để cho thế gian được sống” (Ga 6,51) Khi chúng ta rước lễ, chúng ta rước chính Chúa Giêsu Kitô: thịt, máu, linh hồn và thiên tính của Ngài, đó là chính Chúa Giêsu Kitô được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria vô nhiễm và cũng chính là  Chúa Giêsu Kitô chết trên thánh giá vì chúng ta.
Như vậy, khi không tham dự Thánh Lễ và không được Rước Lễ, chúng ta đang bắt đầu “đói”, “khát” của ăn thiêng liêng cho linh hồn chúng ta. Và đây là ý nghĩa cao cả của những lời trong Kinh Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Chúng ta cầu xin cho dịch bệnh mau qua, chúng ta cầu xin có Thánh Lễ hàng ngày, được Rước Lễ mỗi ngày, rước “lương thực” tuyệt vời chính là Bánh Hằng Sống, là Thánh Thể Chúa Kitô, nuôi sống linh hồn chúng ta.

3) Kinh nguyện gia đình và Rước Lễ thiêng liêng
Chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy thiếu một điều gì đó quý giá khi không có Thánh Lễ hàng ngày. Vì vậy, chúng ta được mời gọi thực hành những việc đạo đức thiêng liêng khác: cầu nguyện riêng, cầu nguyện chung trong gia đình, suy niệm Lời Chúa, lần hạt Mân Côi và sốt sắng tham dự Thánh Lễ trực tuyến (online).
Nhiều năm trước, gia đình của một anh bạn ở vùng sâu vùng xa, không có nhà thờ và cũng không có phương tiện để đi một quãng đường mấy chục cây số để tham dự Thánh Lễ. Mỗi ngày Chúa Nhật cả gia đình anh quy tụ trong phòng khách, tham dự Thánh Lễ quanh chiếc “Radio” theo kênh Đài chân lý Á Châu. Điều này cũng giúp nuôi dưỡng đời sống đạo của cả gia đình anh. Vì thế, thời gian này cũng là dịp chúng ta lấy lại giá trị của giờ kinh chung trong gia đình, lấy lại giá trị của “phòng khách” nơi đặt bàn thờ Chúa, nghĩa cùng nhau lần hạt, cầu nguyện chung, cùng nhau đọc kinh sáng tối trong gia đình, và sốt sắng tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật online trước bàn thờ Chúa. [4]
Một việc cần thiết thực hiện trong thời gian này là Rước Lễ thiêng liêng. Đây là một việc sùng kính riêng tư để đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào linh hồn cách thiêng liêng khi việc Rước Lễ thực sự không thể thực hiện được vì bất cứ lý do nào đó, nghĩa là trong hoàn cảnh hiện nay khi chúng ta không thể tham dự Thánh Lễ. Thánh Josémaria Escrivá khuyến khích mỗi người chúng ta thường xuyên Rước Lễ thiêng liêng. “Thật là một ân sủng được tìm thấy qua việc Rước Lễ thiêng liêng. Thực hành điều này thường xuyên, bạn sẽ cảm nhận sự hiện diện lớn lao của Thiên Chúa và kết hợp chặt chẽ với Ngài hơn trong mọi hành động của mình”.
 Chúng ta có thể đọc lời nguyện của thánh Anphongsô Liguori cho việc Rước Lễ thiêng liêng: “Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật. Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ”.
Lm. Fx. Phạm Đình Phước SDB
Chúa Nhật V mùa Chay, 29/03/2020



[1] X. Phanxicô, Bài giáo lý chung về Kinh Lạy Cha, 27.03.2019 (www.vatican.va)
[2] Giovanni Bosco, Giovane provveduto, Torino 1847, 10.
[3] X. Augustinô, thư gửi cho Pơrôba về Kinh Lạy Cha: các bài đọc kinh sách thứ ba tuần 29 thường niên.
[4] Đây cũng là dịp nghĩ tới và mở ra (đăng ký chính thức) một kênh truyền hình (TV) hay một kênh Radio Công Giáo toàn quốc? Như thế, có thể giúp giáo dân tham dự Thánh Lễ trực tuyến và cầu nguyện sốt sắng hơn, vì lẽ đường truyền internet sẽ thiếu ổn định, hoặc muôn vàn hình thức “tin nhắn” và điện thoại có thể quấy rầy lúc dự lễ online. Đây là “lúc thuận tiện” chăng?