Forum về gia đình trong web site của ngành tâm lý, có một bài của một em học sinh viết tặng ba mình, trong đó có đoạn viết: con yêu ba, người thầy vĩ đại nhất đã dạy cho con sống.
Gia đình là
nhân tố đầu tiên và vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển và
hoàn thiện nhân cách mỗi cá nhân, cha mẹ không chỉ giáo dục con cái bằng
tình yêu, sự chăm sóc, giáo dục về đạo đức, tri thức văn hoá, mà điều
quan trọng hơn là dạy con cái sống cách sống làm người, dạy cho con
thành ‘nhân’, điều mà xã hội và trường học không thể đảm nhận được. Đó
chính là gia sản lớn nhất cha mẹ để lại làm nguồn vốn để con cái bước
vào đời xây dựng tương lai. Trong 3 chức năng của gia đình (theo TS.Lê
Ngọc Văn) thì chức năng giáo dục- xã hội hoá của gia đình có vai trò
quan trọng trong việc hình thành nhân cách trẻ em.Theo thống kê tội phạm
học những năm gần đây, cho thấy số thanh thiếu niên có nguồn gốc từ gia
đình buôn bán, làm ăn bất hợp pháp chiếm 50.49%; gia đình có người phạm
tội hình sự chiếm 45.6%. Trẻ em hư có nguồn gốc từ gia đình không trong
sạch, lành mạnh chiếm 86.6%…). Những đứa trẻ này chưa kịp bước vào đời đã thất bại vi thiếu ‘nguồn vốn căn bản và quan trọng’ ấy.
Nhưng giáo
dục con bằng cách nào? Đó là một câu hỏi thật hóc búa đối với bậc làm
cha mẹ ngày hôm nay, trong bối cảnh văn hóa, xã hội phức tạp như hiện
nay. Người ta tìm đủ cách để cập nhật hóa các phương pháp giáo dục con
cái cách tốt nhất, nhưng có một phương pháp rất đơn giản và tự nhiên,
nằm trong bản chất của mỗi người làm cha mẹ mà chẳng ai quan tâm lắm đó
là: giáo dục bằng tình yêu từ thuở nằm nôi. Tình yêu của cha mẹ đối với
em bé từ lúc sinh ra cho đến lúc 3 tuổi là một tình yêu rất đẹp, rất tự
nhiên, đơn giản vậy đó, nhưng lại hàm chứa một ý nghĩa sâu xa và một
quyết định vô cùng quan trọng trong cuộc đời đứa trẻ này. Điều này được
tâm lý học đề cập đến rất nhiều trong thuyết gắn bó của Bowlby.
Theo Bowlby (xem S. Paluzzi, Manuale di psicologia,
Urbaniana University Press, Roma 2003, 178-192) tương quan đầu đời của
một thai nhi với cha mẹ là một yếu tố mang tính quyết định trong việc
hình thành nhân cách, căn tính cá nhân, quan niệm sống, và tương quan
liên vị của một con người trong suốt cuộc đời của họ. Bình thường tương
quan này bộc lộ rõ hơn trong sự gắn chặt giữa em bé và người mẹ, vì mẹ
gần gũi và chăm sóc em nhiều hơn. Bất cứ đứa trẻ nào ban đầu cũng có
những nhu cầu cơ bản: được ăn uống, vỗ về, chăm sóc, được gần gũi, âu
yếm, được ngủ nghỉ, vui chơi. Mẹ là người đáp ứng những nhu cầu này, vì
vậy, tương quan liên vị đầu tiên của một em bé sơ sinh là tương quan với
người mẹ, mẹ là ‘thế giới khác’ đầu tiên em cảm nhận được và
em thấy được ngoài thế giới riêng mình, là nơi có những tương tác qua
lại qua giọng nói, anh mắt, là nơi em nhận được tình yêu thương, sự âu
yếm, chăm sóc, là nơi em cảm nhận được sự che chở, sự an toàn giữa thế
giới xung quanh đầy xa lạ. Những cảm nghiệm và những kinh nghiệm có được
trong giai đoạn đầu đời này cho đến lúc ba tuổi sẽ dần dần định hình trong
đứa trẻ một mô hình về mối tương quan liên vị, từ đó, các mối tương
quan khác sẽ được đứa trẻ sẽ xây dựng và phát triển theo mô hình nền
tảng này (tương quan với những người chung quanh, bạn bè, xã hội, với
người bạn đời của mình, hay những người sẽ có trách nhiệm về mình như bề
trên chẳng hạn).
Nếu tương
quan này lành mạnh và tròn đầy, khi lớn lên đứa trẻ sẽ bước vào cuộc
sống dễ dàng hơn, sẽ có nhiều khả năng thành công trong công việc và
trong cuộc sống, ngược lại, nếu tương quan ban đầu này không được suôn
sẻ, sẽ có nhiều nguy cơ đổ vỡ và thất bại sau này. Như vậy mới có vấn đề
tại sao có những người tự bản chất rất dạn dĩ, tự tin, cởi mở và dễ
thành đạt, bên cạnh đó có những người rất mặc cảm, thiếu tự tin, sống
những cảm xúc rất mâu thuẫn, sợ hãi, khép kín, thậm chí sống một cách cô
lập, mặc dù khả năng họ không thua kém ai. Những người này họ không chỉ
thất bại về mặt xã hội, nghề nghiệp, về giao tiếp mà con thất bại ngay
trong tương quan tình yêu với người bạn đời của họ. Chẳng có gì là tự
bản chất cả, mầm mống của nó nằm ở mô hình nền tảng vừa được đề câp ở
trên.
Với tình
yêu mẫu tử của người mẹ, chẳng ai mà không thương yêu chăm sóc con cái
mình, nhưng đôi lúc vì hòan cảnh gia đình, vì công việc làm ăn, vì thiếu
hiểu biết, người ta vô tình tạo cho đứa con của mình nhiều tiền đề
‘negative’, là mắt xích đầu tiên kéo theo những mắt xích kế tiếp đầy
những khó khăn trong cuộc đời của nó.
Dĩ nhiên vì
công việc làm ăn, vì con đông nhiều lúc người mẹ không đáp ứng được
trọn vẹn những nhu cầu của đứa con trong tuổi ấu thơ này, cũng là điều
dễ hiểu. Từ sáng sớm đã phải mang con đến vườn trẻ, hay giao cho ông bà,
anh chị chăm sóc dùm. Mới mấy tháng tuổi, đứa trẻ đã phải trải qua kinh
nghiệm bất an, sợ hãi, vì ngòai mẹ ra, mọi người đối với em đều là xa
lạ, em mất đi điểm tựa, em cảm thấy không an tâm, vì không có mẹ bên
cạnh. Tối về được gặp mẹ, hạnh phúc nhưng lại sợ hãi mẹ sẽ đi xa, những
kinh nghiệm đó cứ thế dần dần hình thành trong đứa trẻ sự bất an, cảm
giác bị bỏ rơi, và khi đã trưởng thành vẫn luôn cần và tìm kiến sự che
chở một ai đó. Trong tình yêu những người này không bao giờ hạnh phúc,
vì họ nơm nớp lo sợ bị bỏ rơi, sợ mất đi người mình yêu, vì họ đang mô
phỏng lại tình yêu mà họ nhận được từ nơi mẹ mình lúc còn bé.
Hoặc có
những người mẹ rất thương con và muốn con mình luôn phải cố gắng vươn
lên, phải làm tốt hơn, nên hay so sánh nó với đứa trẻ khác: con không
ngoan như thằng Bi của Dì Út, con không học giỏi bằng anh con…mỗi lần bé
làm lỗi, thay vì ân cần sửa dạy, mẹ lại mắng xối xả… trong tâm trí của
đứa bé còn trắng trong lúc ấy ghi nhận rằng: tôi thua kém người khác,
tôi không làm được gì hết,,,, từ đó mặc cảm tự ti lớn dần, và vì thiếu
tự tin mỗi lần bắt tay làm một việc gì quan trọng là bắt đầu nghĩ đến
chuyện thất bại…
Không thiếu
những người mẹ trẻ thường tự hào rằng: con tôi nó giỏi lắm, nó chẳng
cần mẹ gì hết, tối nó ngủ với ai cũng được,,,,nhưng ai biết rằng, đứa bé
ấy đang chịu đựng một sự cô lập khủng khiếp trong nội tâm, tỏ ra là
‘tôi bất cần vì mẹ đâu có ngó ngàng gì đến tôi’.
Sẽ còn
nhiều và rất nhiều những cử chỉ thật nhỏ ấy trong đời sống thường nhật,
họ đã không hòan thành vai trò của một người mẹ một cách công bằng đối
với đứa con nhỏ dại của họ. Những ai đang chia sẻ trách nhiệm làm cha-
mẹ, hãy yêu thương đứa con nhỏ nhất của mình bằng một tình yêu mang tính
giáo dục, chứ không đơn thuần bằng cảm xúc, đừng coi thường những tín
hiệu phát ra từ đứa bé của mình.
Những người
làm con cũng nên ngẫm nghĩ lại một chút về cuộc đời mình: những gì
chúng ta có ngày hôm nay phần lớn chúng ta được thừa hưởng từ nơi cha
mẹ, có những điều mà ta tưởng là tự nhiên, là bản chất…không đâu, chẳng
có gì là ngẫu nhiên cả.
Khi viết những dòng suy tư này tôi chợt hiểu thật thấu đáo lời của cha ông ta từng nói: ‘dạy con từ thuở năm nôi’.
Đừng cho rằng đứa bé nằm nôi chưa đủ trí khôn để hiểu gì hết, trái lại
nó hiểu và cảm nhận được những điều mà có khi người lớn chẳng hiểu được.
Đó chính là giáo dục, một cách giáo dục tự nhiên đến từ tình mẫu tử,
nhưng đó cũng chính là gia tài quý giá nhất mà đứa con sẽ mang theo suốt
cuộc đời. Nhưng được bao nhiêu người mẹ đã để cho con mình gia tài
ấy???
Fx. Đình Phước - Marie Lệ Thủy
No comments:
Post a Comment