Tuesday, August 28, 2012

TÌNH BẠN



                        Lễ quan thầy giới trẻ Giáo Xứ Vạn Phúc - Hà Nội


“Không có tình yêu nào cao cả hơn bằng tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13)

Tình bạn trong Kinh Thánh Cựu Ước
Sách Kinh Thánh Cựu Ước không chỉ nói đến “Tình yêu duy nhất dành cho Thiên Chúa” và “Tình yêu tha nhân như chính mình”, mà còn bàn đến tình bạn qua những mẫu gương sống động.
Tình bạn giữa hai người trẻ Gio-na-than và Đa-vit thật cảm động, xứng đáng là mẫu gương cho những người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Sách Sa-mu-en quyển thứ hai tường thuật vua Đa-vit đã khóc thương bạn mình như sau: Giô-na-than, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh! Tôi thương anh biết mấy! Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ” (II Sam 1, 26).
Các sách Châm Ngôn và Huấn Ca dạy cho chúng ta những bài học quí báu để sống tình bạn: “Dầu và hương thơm làm phấn khởi lòng người, tình bạn ngọt ngào giúp tinh thần thêm vững mạnh” (Cn 27, 9).
“Bạn của con hay bạn của cha con, đừng nỡ bỏ rơi họ. Gặp ngày khốn quẫn, đừng đến nhà anh em con, vì anh em xa không bằng láng giềng gần” (Cn 27, 10). “Có thứ bạn bè gây ra tai hoạ, có người thân hữu gắn bó hơn cả anh em” (Cn 18, 24).
“Bè bạn thương nhau mọi thời mọi lúc, vào ngày hoạn nạn chỉ có anh em” (Cn 17, 17).
“Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng. Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được. Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời, những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy” (Hc 6, 14-16)
“Hãy giữ lời và trung tín luôn luôn, thì bất cứ lúc nào cần điều chi, con cũng sẽ được” (Hc 29, 2).
“Con hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng. Hãy bỏ tiền ra giúp người anh em bạn hữu, đừng đem chôn dưới đá kẻo nó hư đi” (Hc 29, 9-10).
Chúa Giê-su và tình bạn
Chúa Giê-su đã dùng hạn từ “bạn” để nói về tình yêu bằng hữu giữa Ngài và các môn đệ, giữa Ngài và chúng ta: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu của Thầy”. Trong sứ vụ rao giảng, Chúa Giê-su đã có những người bạn đích thực: Gio-an, Mat-ta, Ma-ri-a, La-da-rô.
Đoạn Tin Mừng về việc Chúa Giê-su làm cho anh La-da-rô sống lại minh chứng cho sức mạnh của tình yêu và của tình bạn: “Thầy ơi, người mà thầy yêu mến đang bị bệnh” (Ga 11,3). Người bảo: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây” (Ga 11,11). Chúa Giê-su thật sự yêu thương La-da-rô và gia đình của anh. Ngài đã khóc và để cho “nước mắt tuôn trào” (Ga 11,35). Ngài yêu mến La-da-rô và yêu mến từng người chúng ta, từng bạn trẻ một: Ngài “nhìn anh và đem lòng thương mến” (Mt 10,21). Ngài đã minh chứng cho tình bạn và lòng yêu mến mỗi người chúng ta bằng chính cái chết của Ngài: “Không có tình yêu nào cao cả hơn bằng tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13), vì bạn hữu của mình.
Chúa Giê-su đã nuôi dưỡng tình bạn giữa Ngài và các môn đệ: “Người môn đệ Đức Giê-su thương mến là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su” (Ga 21,20). “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, [...] Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 33-35).
Tình bạn đích thực
Sẽ không có tình bạn đích thực nếu không có ý muốn chia sẻ tất cả cuộc sống với người bạn hữu của mình: niềm vui, nỗi buồn, những dự phóng kế hoạch, những ước mơ, những lo âu, sự sợ hãi, những ý tưởng và công việc. Con đường dẫn tới “tình bạn” là học biết “chia sẻ”, học biết “trao ban” và “đón nhận”; nghĩa là vươn ra khỏi chính mình, quan tâm đến người khác, sẵn sàng và dành thời gian cho nhau.
Tình bạn cần sự lắng nghe. Lắng nghe không chỉ băng đôi tai mà còn bằng cả con tim. Trong tình bạn, đôi khi sự “thinh lặng” còn có giá trị hơn vạn lời nói. Thinh lặng vì tôn trọng người bạn mình, vì chờ đợi hay để tạo sự dễ mến, nhất là thinh lặng để nói lên sự hiện hữu và hiện diện của mình: “Mình đang ở đây, sẵn sàng lắng nghe bạn. Vấn đề của bạn cũng chính là vấn đề của mình. Can đảm lên! Có mình ở đây, chia sẻ cùng bạn”.
Tình bạn đích thực dựa trên sự tin tưởng và trung thành. Sự tin tưởng lẫn nhau giúp bộc lộ tất cả những suy nghĩ thầm kín, những ước mơ và cả những bất an trong cuộc sống của mình. Sự trung thành sẽ giúp cho tình bạn vững bền: Không có gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người ấy, không cân nào lường được (Tv 55,13-15)
Tình bạn chân thành luôn đặt trên nền tảng của sự thật. Điểm khởi đầu cho một tình bạn thân luôn là lòng mến và ước muốn sự thiện hảo cho bạn của mình. Đó chính là thái độ yêu thương và tôn trọng. Tôn trọng có nghĩa là không bắt buộc người bạn phải giống mình. Hãy cho phép mình là mình và hãy cho phép người bạn thân là chính họ. “Có hoạn nạn mới biết thật bạn bè”: tình bạn thân thực sự vững bền nhờ có được những thử thách và gian khổ. Tất cả những điều đó sẽ làm tình bạn tồn tại cho dù có những hiểu lầm, và tình bạn thân sẽ được lớn lên, vững mạnh với sự tin tưởng, lắng nghe và trung thành.
Fx. Phạm Đình Phước SDB

No comments:

Post a Comment