Monday, August 20, 2012

CHA MẸ - NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC ĐẦU TIÊN

 
Thiên Chúa sáng tạo người nam và người nữ (x. St 1, 27-28) trong tình yêu của Ngài và kêu mời họ làm triển nở sự sống mà Thiên Chúa tặng ban. Hai người nam nữ kết hôn, hình thành gia đình, là cung thánh của Giáo Hội và là trường học đầu tiên cho con cái (ĐTC Phao-lô VI), nơi đó cha mẹ thông ban sự sống mới trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Như thế, cha mẹ cộng tác vào công trình sáng tạo và giáo dục của Thiên Chúa và là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu cho con cái.
Giáo dục được bắt nguồn từ ơn gọi của đôi vợ chồng khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, và vì thế cha mẹ cũng có bổn phận giúp cho con cái lớn lên và sống một đời sống nhân bản trọn vẹn, hòa nhập vào cuộc đời và hoàn thành cuộc đời cách tốt đẹp nhất.

Giáo dục những giá trị sống
Cha mẹ thể hiện trách nhiệm giáo dục qua việc xây dựng một mái ấm gia đình dựa trên tình yêu, lòng tha thứ, sự chung thủy và tinh thần phục vụ vô vị lợi. Nhiều gia đình quây quần bên bữa cơm trưa tối, nơi đó cha mẹ và con cái thông đạt cho nhau và chia sẻ cuộc sống niềm vui nỗi buồn, âu lo và hy vọng; bữa cơm đó còn là nơi cha mẹ giáo dục con cái. Ngày nay khi xã hội phát triển và đời sống cũng sung túc, nhiều hình thức giải trí đi vào trong cuộc sống, nhiều gia đình quây quần bên mâm cơn nhưng song song với nó là cái TV, và cái TV chiếm chổ lớn trong bữa ăn.
Trong cuộc sống hằng ngày, thiết nghĩ cha mẹ nên trở thành những người bạn tốt của những đứa con, gần gũi với chúng, lắng nghe, tâm sự, cảm thông, chia sẻ về cuộc sống, tương quan với bạn bè, những ước mơ và cả những ưu tư của con cái. Một cô bé chia sẻ rằng: “ba mẹ luôn đồng hành với con trong cuộc đời, dạy cho con những giá trị thiết yếu của cuộc sống, lòng yêu thương, sự công bằng và tôn trọng lẫn nhau, nhờ đó khi lớn lên con sống xứng đáng với ơn gọi làm người”.
Với gương sáng, cha mẹ hướng tình yêu trong gia đình đến tình yêu thương đồng loại, đến lòng bác ái đối với tha nhân, nhất là những người nghèo khổ. Khi thăm viếng mục vụ, có dịp chia sẻ với một gia đình trẻ có đời sống kinh tế vừa phải, hai vợ chồng và hai đứa con. Người mẹ trẻ, ngoài việc phục vụ và chăm sóc gia đình như một người vợ người mẹ trong gia đình, chị còn săn sóc cho một ông già neo đơn trong giáo xứ, không con cái và người thân. Hằng ngày, chị nấu cơm cho gia đình và mang một phần vào cho ông. Hàng tuần, chị vào giúp ông dọn dẹp nhà cửa, dĩ nhiên không quên mang theo hai đứa con nhỏ của mình, và lẽ đương nhiên người chồng cũng ủng hộ việc làm này. Chị săn sóc ông gần hai năm, cho đến khi ông qua đời. Hiện tại, chị tiếp tục săn sóc cho đôi vợ chồng già cũng không người thân trong giáo xứ, bà bị bệnh và ông bị cụt hai chân. Chị chia sẻ với tôi là chị rất hạnh phúc.
Cậu bé Gio-an Bos-co cũng đã học được nơi người mẹ của mình lòng bác ái như thế. Mẹ Ma-ghe-ri-ta được mọi người biết đến như người đàn bà tốt bụng đối với hết thảy những ai cần giúp đỡ, mẹ luôn sẵn sàng với bất cứ ai cần giúp đỡ. Lòng quảng đại với tha nhân và với người nghèo khổ sẽ dạy cho những đứa con nếm hưởng lòng yêu thương tha nhân.

Giáo dục đức tin
Khi đi thăm mục vụ, thì thấy nơi các gia đình có bàn thờ Thiên Chúa đặt nơi phòng khách. Không biết các gia đình hiện nay có quây quần bên bàn thờ Thiên Chúa để cầu nguyện, lần hạt mân côi, hay bàn thờ đó trở thành sự trang trí không thể thiếu trong một căn nhà? Con cái học hỏi nhiều nơi cha mẹ lòng đạo đức. Một cậu bé kể rằng: “Khi con còn nhỏ, gia đình con có thói quen đọc kinh sáng tối. Trong thời gian ở một nơi xa nhà thờ, ban sáng ba mẹ con thức anh em con dậy, lần hạt, dâng ngày mới lên cho Chúa và mẹ Maria. Nhiều lúc vừa đọc con vừa ngủ gật, nhưng việc đọc kinh sáng tối đã khơi dậy trong con một thói quen tốt trong cuộc đời của con”.
Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa. Tri ân và cảm tạ Ngài, vì những ân huệ Ngài ban trong cuộc đời. Một khi cha mẹ là những người siêng năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ, lần hạt mân côi, thì sẽ gieo vào lòng những đứa trẻ niềm ham thích những gì thuộc về Thiên Chúa. Chính Don Bos-co cũng học được nơi mẹ Ma-ghe-ri-ta lòng yêu mến Thiên Chúa, Đức Nữ Trinh Maria và niềm cây trông được hưởng thiên đàng.
Một bà mẹ vì bận rộn với việc mưu sinh mỗi ngày từ sáng sớm không thể tham dự thánh lễ mi-sa hằng ngày được, bà thường nói với đứa con của mình rằng: “mẹ không thể tham dự thánh lễ hằng ngày được, con cố gắng đi lễ và đại diện cho mẹ nữa nghe con”; và người con trai đó mỗi ngày đều tham dự thánh lễ với ý thức tham dự cho mẹ của mình, điều đó khiến cho anh ta yêu mến thánh lễ và sau này việc cử hành Thánh Thể gắn liền với cuộc đời linh mục của anh.

Giáo dục hướng đến một ơn gọi linh mục – tu sĩ
Trẻ em có một con đường và chúng cần có người đồng hành. Cha mẹ là những người đặt vào tâm hồn trẻ thơ khát khao một cuộc sống có ý nghĩa, giúp cho con cái bước vào đời sống, chu toàn trọn vẹn bổn phận của mình. Ngoài ra, với cuộc sống như thế, cha mẹ sẽ giúp con cái rộng mở đến các giá trị siêu việt, phục vụ tha nhân, sống quảng đại. Như thế, cha mẹ khiến cho “gia đình trở thành chủng viện đầu tiên và tuyệt hảo cho ơn gọi sống đời tận hiến vì Nước Thiên Chúa” (x. Tông Huấn về gia đình, Familiaris consortio, 53).
cha mẹ là những người giáo dục đầu tiên của con cái, thì chính cha mẹ là người đầu tiên giúp con cái nhận ra tiếng gọi và cố gắng đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Khi mặc áo giáo sĩ vào ngày 30 tháng 10 năm 1835, Don Bos-co nói với mẹ của mình rằng: Thưa mẹ, con xin hết lòng cám ơn mẹ về mọi sự mẹ đã dạy bảo con và về mọi điều mẹ đã làm cho con. Những lời của Mẹ không trở thành vô ích cho con đâu; con sẽ giữ nó như kho tàng quí hóa cho cả đời con”.

“Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng cả đến mạng sống mình" (Don Bosco).

No comments:

Post a Comment