NIỀM VUI PHỤC VỤ
"Anh em đã được lãnh nhận nhưng không,thì hãy trao ban nhưng không" (Mt 10,8b)
Vào một buổi chiều nọ, trong khi người mẹ đang chuẩn bị bữa ăn chiều, cậu con trai mười tuổi của bà đi vào nhà bếp với một mảnh giấy trong tay. Nhìn thấy sự khác thường kỳ lạ của đứa bé khi trao mảnh giấy cho mình, người mẹ lau tay và cầm lấy đọc: “Giúp mẹ quét nhà: 10 ngàn đồng; giúp mẹ đi mua gạo: 5 ngàn; giúp mẹ trông em: 10 ngàn; giúp mẹ nấu cơm: 15 ngàn; giúp mẹ đổ rác: 5 ngàn; hai lần đạt điểm 10: 5 ngàn; tổng cộng: 50 ngàn đồng”. Người mẹ nhìn cậu con trai cách âu yếm, chợt bà nhớ lại những kỷ niệm chẳng thể nào quên, bà lật tờ giấy và viết vào mặt sau: “Cưu mang con chín tháng mười ngày: 0 đồng; Thức những đêm thâu khi con bệnh: 0 đồng; Lau khô những giọt nước mắt của con: 0 đồng; Ở bên con những khi con buồn bã thất vọng: 0 đồng; Nuôi nấng dạy dỗ con từng ngày: 0 đồng; Chuẩn bị những bữa ăn sáng tối cho con: 0 đồng; Trao tặng cuộc sống cho con: 0 đồng; tổng cộng: 0 đồng”. Bà mỉm cười trao mảnh giấy cho cậu bé; khi đọc xong, cậu bé cảm thấy ngượng ngùng, cầm lấy tờ giấy và viết: “đã thanh toán xong”, rồi ôm chầm lấy mẹ với hai giọt lệ trên gò má.
Hình ảnh người mẹ với tình yêu nhưng không nêu trên tỏ lộ sự phục vụ vô vị lợi: “Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ […] phục vụ vì Chúa Kitô” (Mi Trầm, Bài ca phục vụ). Phục vụ tha nhân chính là ơn gọi phổ quát mà Thiên Chúa kêu mời các tín hữu trong con đường trở nên thánh thiện.
Chúa Giê-su, Đấng đến để phục vụ (x. Mt 20, 28). Chúa Giê-su là “tôi tớ”, là Người Con yêu dấu của Chúa Cha, được tuyển chọn và được xức dầu để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Ngài là mẫu gương trọn hảo của sự phục vụ, đã tự hạ mình để mặc lấy thân phận của người tôi tớ và dấn thân cho sứ mệnh Chúa Cha trao phó (x. Lc 2, 49), bởi vì Ngài đến để phục vụ và hiến thân mình cho nhân loại (x. Mt, 20, 28). Mẫu gương rửa chân cho môn đệ trong ngày thứ năm tuần thánh và đỉnh điểm của việc hiến tế trên thập giá đã minh chứng cho tình yêu phục vụ của Ngài dành cho con người.
Chúa Giêsu là Chúa và là tôi tớ, cũng là Đấng kêu mời. Ngài kêu mời các ki-tô hữu, đặc biệt là người trẻ, dấn thân phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Chính vì vậy, mỗi người ki-tô hữu cũng được mời gọi phục vụ nước Trời. Đó là ơn gọi cao cả trong lòng Hội Thánh để diễn tả dung mạo Chúa Ki-tô trong thế giới.
Phục vụ trong Hội Thánh. Bản chất của Giáo Hội được thể hiện qua ba chiều kích: rao giảng Lời Chúa, cử hành các Bí tích và phục vụ bác ái. Toàn bộ hoạt động của Giáo Hội là biểu lộ của một tình yêu phục vụ muốn tìm kiếm sự thiện hảo toàn vẹn cho con người. Vì thế, yêu thương là công việc phục vụ mà Hội Thánh thực hiện để luôn đáp ứng trước những nỗi đau và nhu cầu của con người (x. Bê-nê-đic-tô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 19 và 21).
Ai yêu mến Chúa Kitô, thì cũng yêu Giáo Hội của Người và muốn rằng Giáo Hội phải luôn là cách biểu lộ và là cơ quan tình yêu của Người. Như vậy, để tỏ lộ điều này, các tín hữu có nhiệm vụ thông truyền tình yêu qua sự phục vụ, là một biểu hiện của sự tự do và trách nhiệm của chính mình hướng đến tha nhân. Một khi các mối tương quan liên nhân vị được cảm hứng từ sự phục vụ, thì có thể tạo ra một thế giới mới và như thế phát triển một nền văn hóa đích thực về ơn gọi (ĐTC Gio-an Phao-lô II, Sứ điệp ngày quốc tế ơn gọi năm 2002).
Phục vụ vì Nước Trời. Phục vụ là ơn gọi hoàn toàn tự nhiên, bởi vì con người theo bản tính tự nhiên là phục vụ, theo nghĩa rằng trong cuộc sống cần những sự phục vụ của người khác để kiện toàn nhu cầu sống của mình. Phục vụ là khả thể cho tất cả mọi người, từ những cử chỉ nho nhỏ đến những hành động lớn lao được kín múc và nuôi dưỡng trong tình yêu.
Người trẻ sẵn sàng cống hiến con tim mình, mở lòng ra với tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khổ. Phục vụ làm cho họ trở nên quảng đại, cảm thông, quên mình vì tha nhân. Đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su, ngày nay người trẻ có thể dấn thân mạnh mẽ vì nước Trời, phục vụ vô vị lợi trong nhiều lãnh vực khác nhau như: dạy giáo lý, sinh động phụng vụ, giáo dục trẻ em, phục vụ bác ái, viếng thăm, tương trợ những bạn có hoàn cảnh khó khăn … Đó chính là sự chọn lựa cho sự Thiện, một chọn lựa cao cả và cũng đầy khó khăn, bởi vì họ không chọn lựa hướng đến những quyến rũ và thú vui trần thế, mà sự chọn lựa dấn thân phục vụ như Chúa Ki-tô. Như thế họ biểu lộ cho thế giới biết rằng con người cần nhau, cần đến tình người và cần đến sự quan tâm của con tim.
Tinh thần phục vụ là một trong những điểm son của các Tu Sĩ nói chung và của người Sa-lê-diêng nói riêng. Hiến luật của người Sa-lê-diêng nhấn mạnh đến Đức Ái Mục Tử, chính là điều Thiên Chúa linh hứng cho Don Bosco, như một lối sống và sự phục vụ thanh thiếu niên. Đó là sự nhiệt tâm tông đồ thúc đẩy tìm kiếm các linh hồn và phụng sự một mình Thiên Chúa. Được Thiên Chúa sai đến với các thanh thiếu niên, người tu sĩ Sa-lê-diêng phục vụ bằng đời sống cởi mở và thân tình, sẵn sàng đi bước trước và luôn tiếp đón với lòng nhân hậu, kính trọng và kiên nhẫn (x. HL 1 và 15).
Đừng sợ dấn thân phục vụ. Cho dẫu chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn và hy sinh, nhưng chúng ta sẽ hạnh phúc qua sự phục vụ; chúng ta sẽ kín múc niềm vui mà thế giới không thể ban tặng. “Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy" (Ga 12, 26). Việc phục vụ chính là trường học cho cuộc sống, đào tạo tình liên đới và sự sẵn sàng và sự phục vụ không chỉ ban tặng một cái gì, nhưng là trao tặng chính bản thân mình.
“Lạy Chúa Giêsu, Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại. Biết phụng sự
Chúa như Chúa đáng được phụng sự. Biết cho đi mà không tính toán. Biết hiến
thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành ý
Chúa” (Thánh Ignaxio).
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)
No comments:
Post a Comment