FACEBOOK
– SÂN CHƠI ONLINE CỦA GIỚI TRẺ
Internet là một tiềm năng cho con
người và là nơi con người tìm kiếm sự hiểu biết cũng như có thể giao lưu, kết nối
tương quan, chia sẻ và hiệp thông trong cuộc sống. Mạng lưới Net toàn cầu ngày
càng gắn chặt và đi vào đời sống con người: Myspace,
Flickr, Netblog, Hi5, Orkut, Frienster, Blogs, Twitter và Facebook.
Hiện nay nhiều người tìm đến Facebook
để chia sẻ
thông tin và kết nối bạn bè từ khắp mọi nơi trên thế giới và nó trở thành một sân chơi mới trong thế giới người
trẻ. Mạng xã hội lớn nhất thế giới này
ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Nhiều bạn trẻ thậm chí xem Facebook là
‘cuộc sống của chính mình’. Các thành viên của Facebook ngày ngày luôn kết nối
và cập nhật. Có thể nói rằng Facebook đã trở nên thân quen và không thể thiếu
trong sinh hoạt hàng ngày cũng như đang chiếm một chỗ đứng rất lớn trong dòng
đời của cuộc sống giới trẻ
Facebook là gì?
Facebook được khai sinh vào tháng 2 năm 2006 khi Mark Zuckerberg,
sinh viên khoa Tâm Lý Học của Đại Học Havard (USA), khởi xướng một chương trình
online cho nhóm bạn của mình (Chris
Hughes, Dustin Moskovitz và Eduardo Saverin) đăng ký dữ liệu cá nhân. Chỉ trong
vòng một tháng, một nữa số sinh viên đại học Havard lúc đó đã đăng nhập vào
trang của nhóm này, tiếp theo đó là các trường đại học khác trên nước Mỹ, và với
sự tiến triển không ngừng, mạng Facebook vượt
quá ngưỡng cửa các trường đại học để vươn rộng đến nhiều lãnh vực khác nhau.
Ý tưởng ban đầu của Facebook chỉ
là nối kết các sinh viên, đáp lại ước muốn xã hội tính và nhu cầu hiểu biết
trong thế giới của người trẻ và trong việc học tập. Ngày nay, Facebook mang
nhiều mục đích khác nhau: kết bạn, chia sẻ, thông tin, hiểu biết lẫn nhau,
cầu nguyện, hướng dẫn, quảng cáo.
Khả năng trương rộng của Facebook quả
là vĩ đại và khả năng nối kết chính là điểm mạnh của Facebook. Một người có thể
nối kết và tìm gặp bạn bè đã nhiều năm không có tin tức (bạn bè thời thơ ấu, bạn
học thời tiểu học, những người biết đến qua một lần, những người cùng sở thích,
những người cùng cảnh ngộ, cùng lý tưởng hay cùng linh đạo).
Đăng nhập Facebook thật đơn giản, chỉ cần đăng ký e-mail và password (mật
khẩu). Một khi đăng nhập rồi, thì có thể kết bạn với mọi người. Mạng lưới này
cho phép mô tả bạn là ai với một dung mạo chân thật. Đó là ý nghĩa chân thật của
nó. Chấp nhận một người bạn trên Facebook có nghĩa là chấp nhận chia sẻ danh
sách bạn bè của mình và vì thế có thể trao đổi và hiểu biết nhau về cuộc sống
và về tương quan. Để những tương quan này đạt tính chân thật, thì cần thiết
thêm vào đó những thông tin cá nhân, những ghi chú và hình ảnh của chính mình.
Có
thể chia sẻ điều gì với bạn bè trên Facebook?
Trên trang chủ bức tường (wall) của
chính mình, mỗi cá nhân có thể chia sẻ mọi điều, về muôn hình vạn trạng trong
cuộc sống chẳng hạn những gì mình đang làm, những tâm tư tình cảm, tâm sự, những
lời cầu nguyện, những dự tính cho tương lai, những khó khăn trong cuộc sống,
chia sẻ tâm trạng của mình như chán nản buồn vui hay hân hoan.
Cũng có thể chia sẻ tư tưởng
của một học giả, một câu nói yêu thích của một ai đó, hay ngay cả một đoạn sách
thú vị mà mình đọc được; cũng có thể chia sẻ những đường dẫn (link) về một bài hát, một videoclip yêu
thích, những hình ảnh hay những bài viết ý nghĩa hoặc những kiến thức bổ ích
trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày; cũng có thể trở thành cổ động viên (fans) cho thần tượng của mình hay cho
một nhân vật nổi tiếng nào đó; cũng có thể tạo
một trang Facebook cho một nhóm để kết nối, thông tin và liên lạc dễ
dàng hơn.
Trong thời gian gần đây nhờ những chức năng đa dạng Ipad hay điện thoại di động, một người có thể cập nhật trang chủ và
bức tường (wall) của mình cách thường
xuyên và dễ dàng.
Những bạn bè được kết nối có thể diễn tả tâm trạng của họ khi đọc những
chia sẻ đó. Họ có thể thích, có thể bình luận với tâm trạng được viết trên bức
tường (wall), hay có thể đưa ra một lời
khuyên và chia sẻ những gì mình đang làm.
Đánh giá Facebook như thế nào?
Truyền đạt sự chân thật qua thế giới ảo là một thách đố kỳ diệu. Facebook
cho phép con người tìm thấy tương quan trên mạng lưới Web toàn cầu và chỉ cần một
cú click thì con người có thể chia sẻ
về cuộc sống hằng ngày. Chỉ cần vào trang chủ (home) của mình, thì mỗi cá nhân có thể đọc được thông tin từ bạn
bè, hay có thể online để “chat” trực
tiếp với nhau. Hơn nữa, Facebook cũng giúp cho mỗi cá nhân phát triển tương
quan và cho phép người khác hướng tương quan đến với mình, nghĩa là giúp cá
nhân đi vào cuộc sống của người khác và để cho người khác đi vào cuộc sống của
chính mình.
Với sự ảnh hưởng rộng rãi của mình, Facebook có mặt gần như ở bất kỳ nơi
đâu trên mạng internet, cho phép người dùng chia sẻ và thậm chí sử dụng các dịch
vụ, diễn đàn thông qua mạng xã hội này. Không những thế, các thông tin của người
dùng cũng được sử dụng triệt để giúp tạo mối liên hệ trong cộng đồng Facebook.
Chính vì sở hữu hàng loạt thông tin cá nhân từ tên thật, địa chỉ, số điện thoại
đến sở thích, nhiều người lo ngại Facebook sẽ đưa chúng vào trong việc kinh
doanh. Nguy cơ của Facebook và của Internet nói chung chính là tính chân thật
của nó, nghĩa là có thể xảy ra rằng trang cá nhân của một người thiếu tính xác
thực. Hơn nữa, vẫn còn có ở đó những nguy cơ giới hạn người trẻ vào chỗ chỉ vui
chơi, lãng phí thì giờ, xa rời thực tế và sống hời hợt trên bề mặt của mọi sự
việc.
Chiều kích tâm linh và tôn giáo trên
Facebook?
Như tất cả mọi thực tại trên mạng lưới Web toàn cầu diễn tả cuộc sống, tâm
tư, ước muốn, tương quan con người; Facebook cũng là nơi có thể diễn tả và bộc
lộ niềm tin tôn giáo. Hình thức diễn tả và bộc lộ thật đa dạng qua sự hiện diện
của vô số linh mục, tu sĩ, của các dòng tu, hay của những tâm hồn đạo đức sùng
kính các thánh trên Facebook. Họ lập những trang cá nhân, trang về các dòng tu,
về cộng đoàn hay các vị thánh để kết nối với những người thuộc cùng linh đạo,
cùng đoàn sủng, cùng sứ mệnh; để chia sẻ, cầu nguyện hay để thông báo những sự
kiện quan trọng, những đại hội mang tính tôn giáo.
Có thể kể ra đây hàng loạt các trang công giáo khác nhau trên Facebook chẳng
hạn như trang của Đức Thánh Cha Bê-nê-đict XVI hay những trang của Dòng Đa-minh
có I love Dominicans, Gioventù Domenicana
(giới trẻ Đa-minh); Dòng Tên có Jesuits
on Facebook, Dòng Tên Việt Nam; Dòng Don Bosco có Famiglia Salesiana (gia đình Sa-lê-diêng), Salesians of Don Bosco, Don Bosco Viet Nam, don Pascual Chàvez
Villanueva; chẳng hạn như những trang Bible, Praybook lưu trữ và chia sẻ những
tài liệu về kinh thánh, kinh phụng vụ và những lời kinh cho mọi người; những
trang cầu nguyện như Prayers, Phút Cầu Nguyện, Phút Hồi Tâm, Kinh Nguyện Hằng
Ngày, Sống Lời Chúa cho phép người công giáo cầu nguyện chung với nhau, hay
có những ý chỉ cầu nguyện cho nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, vân vân và vân
vân.
Các mục tử Sa-lê-diêng cần đến với người trẻ, hiểu biết và yêu mến chúng.
Người trẻ có mặt ở đâu? Ở trong Internet, trong các chương trình như Facebook
và các chỗ khác nữa. Như thế, các mục tử cần hiện diện và cũng cần người trẻ
giúp họ hiện diện.
Sự hiện diện của các linh mục tu sĩ trên Facebook thật quan trọng cho người
trẻ. Con người là một hữu thể tâm linh và người trẻ mang trong mình nhu cầu tâm
linh hướng đến niềm tin và hy vọng: niềm tin vào cuộc sống, niềm tin lẫn nhau,
niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Họ cần được đồng hành và hướng dẫn
trong lối đi của cuộc đời. Các linh mục tu sĩ cần nhận thức tầm quan trọng về
vai trò linh hướng của họ để giúp cho giới trẻ trong sự trưởng thành của con
người biết sống tốt và có thể đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa: “Lạy Chúa,
xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sam 3, 10). Đó chính là
khao khát và tìm kiếm sự Thiện tuyệt hảo và vĩnh cửu, bởi lẽ chẳng có gì ở trần
gian này dường như có thể làm thỏa mãn được con người.
Sử dụng cách khôn ngoan Facebook
Nhu
cầu hiểu biết và làm cho chính mình được hiểu biết là một nhu cầu quan trọng của
con người, đặc biệt là giới trẻ. Nhu cầu này chính là nhu cầu yêu và được yêu.
Một người có nhiều bạn bè thì dường như muốn nói lên rằng ‘tôi được yêu mến nhiều’.
Tuy nhiên, những mối tương quan được thiết lập qua mạng lưới Facebook cần mang
tính chân thật, nghĩa là phải gắn liền với thực tại cuộc sống.
Cần
sử dụng cách khôn ngoan các phương tiện internet, vì chúng “phục vụ con người” và như thế cần phải tuân thủ
những chuẩn mực đạo đức, đặc biệt là phải trung thực. Đức Giêsu
chính là khuôn mẫu và chuẩn mực cho các tương quan của con người.
Đối với những ai tham gia vào mạng lưới Facebook, thì cũng cần thiết “dẹp bỏ
sự gian dối, mỗi người hãy nói thật với tha nhân vì tất cả chúng ta là chi thể
của nhau […]. Đừng để sự xấu xa nào thoát ra khỏi miệng anh em, mà chỉ nói những
lời xây dựng, hầu sinh ơn ích cho người nghe” (Ep 4, 25-29). Như thế, con người
có thể đạt đến một nền văn hóa của đối thoại, tôn trọng và thân hữu, cách đặc
biệt là giữa những người trẻ.
Fx. Phạm Đình Phước SDB