Saturday, March 3, 2012

LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XII về Lời Chúa sẽ diễn ra ở Vatican từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 năm 2008 về chủ đề: “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”. Tài liệu Instrumentum Laboris[1], được TGM Nikola Eterović, tổng thư ký của Thượng Hội Đồng giới thiệu với báo chí ngày 12 tháng 06 năm 2008, bao gồm ba phần chính: trước hết giới thiệu Mầu Nhiệm Thiên Chúa được thông truyền cho con người; thứ đến Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội; và sau cùng, Lời Chúa trong sứ mệnh của Giáo Hội. 
 
Mầu Nhiệm Thiên Chúa được thông truyền cho con người
Khởi đi từ Dt 1,1-2: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”, Tài Liệu trình bày dung mạo Thiên Chúa là Đấng thông ban Lời của Ngài cho nhân loại và nhấn mạnh đến căn tính của Lời Chúa: có nguồn gốc từ Chúa Ba Ngôi, trong Chúa Kitô và qua Chúa Thánh Thần, “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Tài Liệu trình bày trọng tâm của Lời Chúa nơi Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Mầu Nhiệm Giáo Hội. Các Kitô hữu sống và nếm cảm tình yêu của Chúa Kitô qua sự mạc khải của Chúa Cha, nhờ đó sẽ được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. “Sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Giáo Hội, thân thể của Chúa Kitô, loan báo Ngôi Lời hằng hữu qua sứ mệnh và niềm hy vọng của mình. Giáo Hội không ngừng lắng nghe lời của vị hôn thê, Đức Giêsu Kitô: suy gẫm và học hỏi Lời Chúa, cử hành và cầu nguyện, sống và thực hành Lời Chúa.
Tài liệu nhấn mạnh Kinh Thánh là nền tảng của Giáo Hội qua đó Lời được mặc khải; đồng thời cũng nêu lên cách thế cho việc chú giải Kinh Thánh theo đức tin của Giáo Hội: chú giải Kinh Thánh phải gắn kết với cử hành các mầu nhiệm thánh; việc chú giải phải dựa trên ba nền tảng: bản văn Kinh Thánh, Mầu Nhiệm Phục Sinh và đời sống trong Chúa Thánh Thần; tham khảo tài liệu Chú Giải Kinh Thánh trong Giáo Hội của Uỷ Ban Toà Thánh về Thánh Kinh; sau cùng việc kín múc nguồn phong phú từ các giáo phụ. Đối với các tín hữu, Tài Liệu kêu mời họ hãy lắng nghe Lời Chúa trong đức tin và hãy noi gương Mẹ Maria, Đấng đã đón nhận và thực thi Lời Chúa.
Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội
Giáo Hội được khai sinh và sống trong Lời Chúa: sách Công Vụ Tông Đồ trường thuật lại sự kiện Phaolô và Barnaba ở Antiokia “hai ông tập hợp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14,27). Các hội thánh địa phương kinh nghiệm Lời Chúa qua việc cử hành Thánh Thể, trong việc suy gẫm Lời Chúa, qua các tuần tĩnh tâm, qua các cuộc hội thảo …. Vì thế, việc khao khát Lời Chúa thúc đẩy các mục tử trong giáo hội không ngừng tìm cách rao giảng và mang Lời Chúa đến cho mọi người. Bên cạnh đó Lời Chúa làm tăng sức mạnh, thấm nhập và sinh động đời sống của Giáo Hội.
Lời Chúa trong chiều kích phục vụ của Giáo Hội: Tài Liệu nêu bật lên vai trò của các Thừa Tác Viên của Lời Chúa, kinh nghiệm và tầm quan trọng của Lời Chúa trong phụng vụ và trong đời sống cầu nguyện, tương quan giữa Lời Chúa và Thánh Thể, giữa Lời Chúa và việc phục vụ bác ái trong Giáo Hội, Lời Chúa trong đời sống của các tín hữu.  “Kinh Thánh là một tác phẩm của dân Thiên Chúa viết cho chính mình, đó là một kho tàng, bởi vì con người có thể tìm thấy trong đó lý do hiện hữu, ơn gọi và căn tính của mình”.
Việc rao giảng Lời Chúa hệ tại và được nuôi dưỡng trong Thánh Kinh (x. DV 21). Thánh Augustino khẳng định: “lời cầu nguyện của anh chị em chính vang vọng đến Thiên Chúa. Mỗi khi anh chị em đọc Kinh Thánh, chính lúc đó Thiên Chúa nói với anh chị em; mỗi khi anh chị em cầu nguyện, chính là lúc anh chị em trò chuyện với Thiên Chúa”. Lời Chúa diễn tả tình yêu Thiên Chúa mời gọi con người đến với Ngài và tỏ lộ tình yêu vô bờ bến của Ngài qua mầu nhiệm Phục Sinh, ban tặng cho họ kế hoạch cứu độ.
Tinh thần nghèo khó và khiêm tốn là thái độ đón nhận Lời Chúa như được tổng hợp trong 2 Cor 8, 9: “Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. Chúa Giêsu đã lắng nghe Chúa Cha và rao giảng Nước Trời cho người nghèo khó. Mẫu gương của các bậc thầy trong đời sống thiêng liêng: nội tâm hoá Lời Chúa, kiên cường trong thử thách chính là động lực cho một đời sống thiêng liêng vững chắc có Lời Chúa là ánh sáng và là đường đi.
Lời Chúa trong sứ mệnh của Giáo Hội
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Người thánh hiến tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, […] loan báo năm hồng ân” (Lc 4, 16-21)
Sứ mệnh của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng: Thánh Tông Đồ Phaolô đã quả quyết  “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16) và chính Chúa Giêsu đã phán “lúa chín đầy đồng” (Mt 9,37) và đã sai các môn đệ ra đi “rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (Mc 16,15). Thực tế cho thấy còn rất nhiều người chưa có cơ hội lắng nghe Lời Chúa, đặc biệt ở Châu Phi và Châu Á. Lời Chúa sẽ biến đổi người nghe: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén, xuyên thấu vào chổ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ” (Dt 4,12) và mang lại bình an, hy vọng, tình huynh đệ, bởi vì Lời Chúa chính là tình yêu bất tận của Thiên Chúa thông truyền cho con người.
Lời Chúa trong việc đào luyện dân Chúa: nhiệm vụ căn bản trong việc đào luyện các tín hữu đón nhận và rao giảng Lời Chúa chính là giúp họ hiểu biết, yêu mến và thực hành Lời Chúa. Đó là nhiệm vụ của các Giám Mục, Linh Mục, phó tế và đời sống thánh hiến để Tin Mừng Nước Trời được loan truyền qua mọi thời đại.
Lời Chúa chính là một hồng ân được Thiên Chúa tặng ban cho Giáo Hội. Chúa Cha, trong tình yêu của Chúa Thánh Thần, tác tạo muôn loài thọ tạo nhờ Chúa Con (x. Col 1,16). Giáo Hội tiếp tục hoạt động của Chúa Con qua Lời hằng sống và hữu hiệu, nhờ đó tìm thấy ơn cứu độ (x. Ga 10,10). “Ước chi lời Chúa Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem tất cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm và hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Col 3, 16-17).
Fx. Phạm Đình Phước SDB
(tóm tắt từ Instrumentum Laboraris, LEV)

1 comment:

  1. 2Cor 8:9 Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.

    ReplyDelete