Tuesday, January 31, 2012

DON BOSCO LINH MỤC

 
TÔI MUỐN TRỞ THÀNH LINH MỤC VÀ SỐNG PHÙ HỢP VỚI CÁCH SỐNG CỦA MỘT LINH MỤC
Ơn gọi và động cơ ơn gọi của Don Bosco[1]
Trong giấc mơ khi lên chín tuổi, người Nữ (Mẹ Maria) đã nói với cậu bé Gioan Bosco: “Đó là cánh đồng làm việc của con! Hãy trở nên khiêm tốn, can trường và dũng mãnh; con sẽ biến cho bầy thú ấy trở thành hiện thực với các con cái của ta”. Sau khi nghe Gioan kể lại giấc mơ, Mẹ Magarita đã phát biểu: “Biết đâu con lại chẳng trở thành linh mục”.
Trong thời gian đi học, cậu bé Gioan Bosco kể lại rằng cậu thường gặp cha xứ hay cha phó. Cậu thường chào các ngài từ xa, và cúi đầu chào khi các ngài đi qua. Nhưng các ngài dáng nghiêm nghị và lễ phép chào đáp lại, rồi tiếp tục đi đường của các ngài. Nhiều lần Gioan Bosco đã khóc và nói với mình hay với những người khác: “Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ làm khác; tôi muốn lại gần cùng các trẻ em và thanh thiếu niên, tôi muốn nói chuyện với chúng những lời tốt lành, trao cho chúng những lời khuyên bảo”.[2]
Với Cha Gioan Calosso, cậu bé Gioan Bosco đã khẳng định mục tiêu của việc đi học của mình: “Thưa cha, con muốn đi học để trở nên linh mục”. Sau đó, cậu cũng xác định việc làm tương lai của mình: “Con muốn làm linh mục để gần gũi, nói chuyện, dạy dỗ biết bao nhiêu bạn trẻ về đạo giáo. Họ không xấu, nhưng đã trở nên như vậy, vì chẳng có ai chăm lo cho họ”.
Để đi học, Gioan Bosco vất vả rất nhiều: vì gia đình nghèo, ngài phải đi bộ hằng chục cây số, ngài phải đi xin bố thí, đi làm thuê, đi ở đợ, cố gắng học giỏi để có học bổng, v.v.
Từ quyết tâm học để làm linh mục, Don Bosco đã quyết tâm học vì giới trẻ: “Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng cả đến mạng sống”.[3]
Ngày 25-10-1835, Gioan Bosco được mặc áo chùng thâm. Lúc bấy giờ, ngài xác quyết rằng: “Tôi đang nuôi ý định làm linh mục và sống phù hợp với cách sống của một linh mục”.
Mẹ Magarita đã khuyên nhủ Thầy Gioan Bosco: “Mẹ cảm thấy hoàn toàn vui mừng như một người mẹ có thể vui mừng vì sự thành công của một người con. Tuy nhiên con hãy nhớ rằng không phải chiếc áo con mặc trên người con đem lại cho con vinh dự, nhưng là sự nghiêm túc theo đó con sống sự cam kết con đã lãnh lấy. Nếu một ngày nào đó con nghi ngờ về ơn gọi của con, mẹ xin con đừng làm ô danh chiếc áo này, nhưng tốt hơn con hãy cởi bỏ nó ngay. Mẹ thích con là một nông dân nghèo hơn là một linh mục thất bại. Khi con sinh ra, mẹ đã dâng con cho Đức Mẹ, con hãy yêu mến những người bạn yêu mến Đức Mẹ và khi nào trở nên linh mục, con hãy thông truyền chung quanh con lòng yêu mến Đức Mẹ”.
Lúc bấy giờ Gioan Bosco đã thưa với Mẹ Magarita :  Mẹ, con xin cảm ơn mẹ vì tất cả những gì mẹ đã làm cho con. Con sẽ không bao giờ quên những gì mẹ vừa nói với con”.
Cậu bắt đầu dùng các thời gian rảnh rỗi để phục vụ các bạn trẻ: “Nhiều em trong số chúng không biết gì về đức tin cả. Tôi cảm thấy một niềm vui lớn khi được dạy giáo lý cho các em. Tôi dạy cho những đứa trẻ này đọc và viết; dạy hết mọi em, bất kể tuổi tác. Các lớp học luôn miễn phí, nhưng tôi có đặt một điều kiện: phải chăm chỉ, bền bỉ, chú tâm và hằng tháng đi xưng tội”.
Linh Mục của Thiên Chúa[4]
Ngày 05-06-1841, trong Nhà Nguyện Tòa Tổng Giám mục Tôrinô, Don Bosco được truyền chức Linh mục. Nhân dịp trọng đại này, Don Bosco đã lấy một số quyết định (ngày nay được gọi là Kế hoạch Đời sống Cá nhân):
1.  Không bao giờ đi dạo, trừ phi vì các lý do quan trọng như đi thăm kẻ liệt, v.v.
2.  Sẽ rất nghiêm nhặt trong việc sử dụng thời giờ của mình.
3.  Chịu đau đớn, làm việc, hạ mình trong mọi sự, khi đó là vấn đề cứu các linh hồn.
4.  Đức ái và sự dịu dàng của Thánh Phanxicô Salê phải hướng dẫn tôi.
5.  Tôi sẽ bằng lòng với bất cứ của ăn nào được dọn, miễn là không nguy hại cho sức khỏe.
6.  Tôi sẽ chỉ uống rượu pha nước lã và chỉ trong mức nó có lợi cho sức khỏe.
7.  Làm việc là một vũ khí mạnh mẽ chống lại các kẻ thù của linh hồn. Do đó tôi sẽ ngủ không hơn 5 tới 6 giờ. Ban ngày tôi sẽ không ngủ, nhất là sau bữa ăn trưa. Chỉ khi nào bệnh tật, tôi mới áp dụng luật trừ cho điều luật này.
8.  Tôi sẽ dành thời giờ mỗi ngày để suy gẫm và đọc sách thiêng liêng. Trong ngày tôi sẽ đi viếng Thánh Thể trong một lúc ngắn, hay ít nhất nâng lòng tôi lên trong kinh nguyện. Tôi sẽ qua ít nhất một khắc chuẩn bị cho Thánh Lễ, và một khắc nữa để cám ơn sau Thánh Lễ.
9.  Tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn mình trong chuyện vãn với phụ nữ, trừ khi để nghe xưng tội, hay khi vì cần thiết cho lợi ích thiêng liêng của họ.
Nhân dịp này Mẹ Magarita cũng đã khuyên dạy ngài (như đã khuyên dạy ngài khi ngài rước lễ lần đầu, chọn ơn gọi và mặc áo giáo sĩ): “Con bây giờ là Linh mục và con cử hành Thánh Lễ. Cho nên con gần Chúa Giêsu Kitô. Nhưng con hãy nhớ, bắt đầu cử hành Thánh Lễ là bắt đầu chịu đau khổ. Con không nhận ra điều này ngay bây giờ, nhưng dần dần con sẽ hiểu là mẹ con nói đúng. Mẹ chắc chắn rằng con sẽ luôn cầu nguyện cho mẹ mỗi ngày, dù là khi mẹ sống hay chết, và điều đó là đủ cho mẹ. Từ nay trở đi, con phải nghĩ duy về một điều là cứu rỗi các linh hồn; đừng bao giờ con phải lo lắng cho mẹ”.
“Don Bosco là một linh mục nơi bàn thờ, là một linh mục trong tòa giải tội, là một linh mục giữa thanh thiếu niên, là một linh mục trên bục giảng hay giữa sân chơi với giới trẻ” (Don Bosco, MB VIII, 534)
 Ơn gọi của tu sĩ Sa-lê-diêng được đánh dấu bằng một đặc ân của Thiên Chúa. Đặc ân đó là lòng ưu ái đối với thanh thiếu niên: “Chỉ cần các con là người trẻ là đủ để cha hết lòng thương yêu các con” (Don Bosco). Tình yêu này, biểu hiện của đức ái mục tử, làm cho cả cuộc sống của tu sĩ Sa-lê-diêng có ý nghĩa.
Vì lợi ích của các em, người tu sĩ Sa-lê-diêng sẵn sàng quảng đại cống hiến thời giờ, tài năng và sức khỏe: “Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng cả đến mạng sống” (Don Bosco).
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)


[1] Xem Giovanni Bosco, Memorie dell’Oratorio, LAS, Roma 2011, 62-116.
[2] Giovanni Bosco, Memorie dell’Oratorio, LAS, Roma 2011, 75.
[3] Don Ruffino, Cronaca dell' Oratorio, ASC 110, tập 5, trang 10.
[4] Xem Giovanni Bosco, Memorie dell’Oratorio, LAS, Roma 2011, 119-134.

No comments:

Post a Comment