“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11).
Các hội viên Salêdiêng, các nữ tu Con Đức Mẹ Phù Hộ, tất cả những thành viên của Gia đình Salêdiêng, và các bạn trẻ thân mến,
Chỉ mới đây ít lâu, chúng ta đã bắt đầu thời kỳ ba năm chuẩn bị cho Đệ Nhị Bách chu niên sinh nhật của Don Bosco. Năm thứ nhất này cho chúng ta cơ hội tiếp cận ngài gần hơn, hầu biết ngài cận cảnh hơn và ngày một rõ hơn. Nếu không biết và học hỏi Don Bosco, chúng ta không thể hiểu hành trình thiêng liêng của ngài cùng những quyết định mục vụ của ngài; chúng ta không thể yêu mến, bắt chước và khẩn cầu ngài; nhất là, chúng ta sẽ khó hội nhập đoàn sủng của ngài vào thời đại này trong những bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau trong đó chúng ta đang sống. Chỉ bằng cách kiện cường căn tính đoàn sủng của mình, chúng ta mới có thể cống hiến cho Giáo hội và xã hội một sự phục vụ giới trẻ thật hữu hiệu và ý nghĩa. Căn tính của chúng ta liên kết trực tiếp với diện mạo Don Bosco; nơi ngài căn tính đó đã trở thành khả tin và hữu hình. Vì lẽ này, bước đầu tiên chúng ta được mời gọi để làm trong ba năm chuẩn bị này chính là biết lịch sử của Don Bosco.
1. Biết Don Bosco và một cam kết vì giới trẻ
Chúng ta được mời gọi học hỏi Don Bosco, và qua những biến cố đời sống ngài, biết ngài như một nhà giáo dục và mục tử, đấng sáng lập, hướng đạo và lập luật. Đây là vấn đề của hiểu biết dẫn tới yêu mến, bắt chước và cầu khẩn.
Đối với chúng ta, các thành viên trong Gia đình Salêdiêng, Don Bosco phải là điều mà thánh Phanxicô Assisi là và tiếp tục là cho các tu sĩ Phan sinh, hay thánh Ignatio thành Loyola cho các anh em tu sĩ dòng Tên; nghĩa là, Don Bosco phải là Đấng Sáng Lập, là vị Thầy thiêng liêng, là khuôn mẫu cho việc giáo dục và tân phúc âm hóa, nhất là người đã khởi xướng một Phong Trào rộng khắp thế giới, có khả năng làm Giáo hội và xã hội chú ý đến những nhu cầu, những hoàn cảnh và tương lai của giới trẻ, với một tiếng hô rất lớn. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể hiện thực điều này mà không quay về lịch sử? Lịch sử đâu phải là người canh giữ một quá khứ đã bị chôn vùi trong thời gian, nhưng đúng hơn là người canh giữ một ký ức sống động vốn ở trong chúng ta và kêu mời chúng ta trong hiện tại.
Khi dùng những phương thế thích hợp để khảo cứu lịch sử, một lối tiếp cận với Don Bosco đưa chúng ta đến hiểu biết và trân trọng hơn nữa sự vĩ đại của ngài như một con người và như một Kitô hữu; nó làm ta hiểu biết và trân trọng hơn nữa những tài năng thực tiễn và những tài khéo của ngài như một nhà giáo dục; nó khiến ta trân trọng hơn khoa linh đạo, và công cuộc của ngài, vốn chỉ được hiểu đầy đủ với điều kiện là được đâm rễ sâu xa trong lịch sử của xã hội ngài sống. Đồng thời, thậm chí với một kiến thức đầy đủ hơn về câu chuyện cuộc đời ngài, chúng ta luôn ý thức rằng Thiên Chúa quan phòng can thiệp trong cuộc đời ngài. Trong việc học hỏi lịch sử này ta không tiên thiên, a priori, loại bỏ hình ảnh Don Bosco mà các thế hệ Salêdiêng, nữ tu Salêdiêng, cộng tác viên Salêdiêng và các thành viên của Gia đình Salêdiêng đã vững vàng có được với niềm kính trọng; họ đã biết và yêu mến Don Bosco. Thế nhưng, ta phải trình bày cũng như tút lại (làm mới lại) hình ảnh Don Bosco cho ngày nay; một hình ảnh mà ta có thể nói cho thế giới hôm nay, bằng cách vận dụng một ngôn ngữ mới.
Hình ảnh và hoạt động của Don Bosco phải được nghiêm chỉnh kiến tạo lại, bắt đầu từ những chân trời văn hóa của chúng ta: đời sống phức tạp hôm nay, sự toàn cầu hóa, văn hóa hậu thời mới, và việc tông đồ đầy dẫy khó khăn, ơn gọi suy thoái, việc "tra vấn" đời sống thánh hiến. Như vị tiền nhiệm của cha, cha Egidio Vigano, đã gọi chúng là những thay đổi triệt để hay mang tầm vóc thế kỷ; chúng buộc chúng ta phải nghĩ lại và duyệt lại hình ảnh Don Bosco trong một ánh sáng khác, nhắm đến một sự trung thành mà không phải là sự lập lại suông những công thức hay sự gắn bó theo hình thức đối với truyền thống. Ta cũng phải khám phá lại ý nghĩa lịch sử của Don Bosco, vượt qua "những công cuộc" của ngài; ta phải khám phá lại một số những yếu tố sư phạm tương đối nguyên thủy (độc đáo), nhưng nhất là trong sự tri nhận mang tính thực tiễn và cảm tính của ngài về vấn đề giới trẻ "bị bảo rơi" trên bình diện phổ quát, thần học và xã hội cũng như khả năng vĩ đại của ngài để thông truyền điều này cho đám người đông đảo gồm những cộng sự viên, ân nhân và những người ngưỡng mộ.
Trung thành với Don Bosco có nghĩa là biết ngài qua câu chuyện cuộc đời ngài trong lịch sử thời đại của ngài, là làm cho những khởi hứng của ngài thành của chính chúng ta, là để cho những động cơ và chọn lựa của ngài trở thành của chúng ta. Trung thành với Don Bosco và sứ mệnh của ngài có nghĩa là vun trồng trong chúng ta một tình yêu đối với giới trẻ, cách riêng những em nghèo nhất; tình yêu ấy thật liên lỷ và mạnh mẽ. Loại tình yêu này khiến chúng ta đáp ứng những nhu cầu sâu xa nhất và khẩn cấp nhất của chúng. Như Don Bosco, chúng ta cảm thấy những khó khăn chúng đối diện đánh động chúng ta: nghèo khổ, lao động trẻ em, khai thác tình dục, thiếu giáo dục và huấn nghệ, cố gắng tìm được chỗ đứng của chúng trong nơi chốn làm việc, thiếu tự tin, sợ hãi về tương lai, thiếu vắng ý nghĩa đời sống.
Với một tình cảm sâu xa và tình yêu vô vị lợi, chúng ta cố gắng hiện diện giữa chúng, giản dị nhưng tín nhiệm, cống hiến những đề xướng lành mạnh cho chúng theo đuổi trong cuộc lữ hành khi chúng làm những lựa chọn trong cuộc đời, và kinh nghiệm niềm hạnh phúc bây giờ và tương lai. Trong mọi sự, chúng ta trở thành những người bạn đồng hành và những người hướng đạo uy tín của chúng trong cuộc hành trình. Cách riêng, chúng ta cố gắng hiểu biết cách sống mới mẻ của chúng; qua những kỹ thuật mới, nhiều em là "những cư dân kỹ thuật số", đang tìm kiếm những cơ hội để chuyển động xã hội; chúng đang tìm cách để có thể phát triển trí tuệ, để có thể tiến lên về mặt kinh tế; chúng đi tìm sự thông giao tức thời, cơ hội để lãnh đạo. Trong lãnh vực này chúng ta cũng muốn chia sẻ đời sống và quan tâm của chúng; được sinh động bởi tinh thần sáng tạo của Don Bosco, chúng ta, những nhà giáo dục, tiếp cận chúng như "những di dân kỹ thuật số", giúp chúng vượt thắng hố ngăn cách thế hệ với cha mẹ chúng và thế giới của người lớn.
Chúng ta chăm sóc chúng suốt hành trình tăng trưởng; khi chúng chín muồi, chúng ta cống hiến cho chúng thời giờ và năng lực của mình; chúng ta ở với chúng khi chúng tăng trưởng qua thời niên thiếu đến khi trở thành những người trẻ trưởng thành.
Chúng ta chăm sóc chúng khi những tình cảnh khó khăn như chiến tranh, đói kém, thiếu những cơ hội tương lai, khiến chúng thoát ly tổ ấm gia đình, và chúng thấy mình cô đơn đối diện cuộc đời.
Chúng ta chăm sóc chúng khi chúng âu lo bắt đầu tìm việc làm, sau khi học xong và có bằng cấp, và rồi chúng bắt đầu thích ứng vào xã hội, mà đôi khi không có nhiều hy vọng hay triển vọng thành công.
Chúng ta chăm sóc chúng khi chúng xây dựng thế giới tình cảm của chúng, gia đình của chúng; chúng ta đồng hành với chúng, cách riêng khi chúng đính hôn, rồi trong những năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân, và khi có con cái (x. GC26, 98.99.104).
Chúng ta đặc biệt lo lắng để lấp đầy sự trống rỗng sâu thẳm nhất trong tâm hồn chúng, giúp chúng tìm kiếm và cống hiến ý nghĩa cho cuộc đời chúng, và trên hết cống hiến một cách thức lớn lên trong sự hiểu biết và tình bạn với Chúa Giêsu, trong kinh nghiệm về một Giáo hội sống động, trong sự cam kết thật sự và kinh nghiệm cuộc đời của mình như ơn gọi.
Vậy, chương trình thiêng liêng và mục vụ cho năm 2012 là: “Chúng ta hãy làm cho giới trẻ thành sứ mệnh của cuộc đời chúng ta, bằng cách hiểu biết và bắt chước Don Bosco”.
Nhiều nhóm trong Gia đình Salêdiêng đã hoàn toàn cam kết cho trách vụ này; điều ấy sẽ minh chứng là rất hữu ích cho tất cả chúng ta khi cùng nhau nhìn vào cha Bosco thân yêu của mình. Vì vậy, như một Gia đình, chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục tiến lên phía trước nhiều hơn nữa.
2. Tái khám phá câu chuyện Don Bosco
Hơn một thế kỷ sau khi qua đời, Don Bosco tiếp tục được nhiều người ưa thích nơi nhiều quốc gia. Ngoài phạm vi Salêdiêng, ngài cũng được coi là một nhân vật có ý nghĩa (quan trọng). Don Bosco vẫn còn là một nhân vật rất được kính trọng và nổi tiếng, bất chấp sự kiện rằng một cách không thể né tránh, những phóng đại được gán cho ngài và thu hút sự chú ý của công chúng suốt nhiều thập niên, đã bị lấy đi. Một chuỗi các Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục và linh mục, học giả, công giáo và ngoài công giáo, các chính trị gia thuộc nhiều giới khác nhau, tại Ý, bên Âu châu và trên thế giới đã nhìn nhận và vẫn nhìn nhận ngài là một người có một sứ điệp - một sứ điệp tân thời, ngôn sứ, bị điều kiện hóa do lịch sử, nhưng lại rộng mở cho nhiều khả thể tính đương thời, có tiềm năng thích đáng trong những thời đại và nơi chốn khác nhau rất nhiều.
Một trăm năm kỷ niệm cái chết của ngài, 150 năm kỷ niệm thành lập Tu hội Salêdiêng, và nay, việc chuẩn bị đệ nhị bách chu niên ngày ngài sinh, cũng như những dịp đặc biệt khác nữa, đã khiến bùng nổ các sách báo và bài viết. Cũng như những dự phóng khảo cứu và những nghiên cứu mang tính học thuật có chất lượng cao, đã xuất hiện những dự phóng khảo cứu khác, khiêm tốn hơn. Chúng để ngỏ cho những dè dặt về những giải thích của chúng, bởi vì những tiền đề phê bình vô căn cứ trong một số giải thích và những phân tích lịch sử không đầy đủ nơi những giải thích khác.
Thực thế, nhân cách của Don Bosco là một nhân cách phát triển tròn đầy; nó không thể bị giản lược vào những công thức suông hay những tít lớn trên báo chí; nhân cách của ngài là một nhân cách phức tạp được nắn hình do những hoàn cảnh cùng một lúc vừa bình thường và vừa lạ thường; nó được hình thành do những dự phóng cụ thể, lý tưởng và giả thuyết, với một phong thái sống và hoạt động hằng ngày, nhưng đồng thời cũng với một mối tương quan đặc biệt với cõi siêu nhiên. Ta chỉ có thể hiểu thích đáng một người như thế bằng cách xem xét nhân cách đa diện và đa chiều kích của ngài; bằng không, ta liều cống hiến một bức tranh sai lạc, khi ý thức hay vô thức, có lẽ ta trình bày một trong những khía cạnh này nọ, thay vì là một diện mạo đầy đủ.
Đôi khi người ta có thể vẫn còn lúng túng đối diện với những cuốn sách trong đó ta dành cho khoa hộ giáo và những miêu tả đậm mùi duy tâm về Don Bosco một khoảng không gian quá mức; trong đó sự tâng bốc ký ức về ngài ưu thắng song làm phương hại đến nhân cách thực sự của ngài, đôi khi bị giới hạn vào một vài bản đúc sẵn mà Don Bosco có thể không bao giờ bị giản lược vào. Điều này áp dụng cách riêng cho thời này khi nhiều cuộc đời của các thánh được viết theo một lối tiếp cận mang tính phê bình mới đang tăng bội lên; một loại mới về hạnh sử các thánh thực sự nổi lên, dựa vào những giải thích lịch sử có nền tảng tốt đẹp và vào một sự giải thích được canh tân trong thần học về kinh nghiệm thiêng liêng của các vị thánh. Vì lẽ này, cha hy vọng rằng một "hạnh sử" tân thời về Don Bosco sẽ được chuẩn bị. Đang khi "hạnh sử" này phải dựa trên những nghiên cứu lịch sử mới đây, nó phải gợi lên tình yêu đối với ngài, bắt chước cuộc đời ngài, muốn theo ngài trên hành trình thiêng liêng của ngài; và ta có thể nói cùng điều ấy cho một hạnh sử mới được nhắm cho giới trẻ.
3. Những lý do phải học hỏi Don Bosco
Hẳn nhiên có nhiều lý do khiến chúng ta phải học hỏi Don Bosco. Chúng ta cần phải biết ngài như Đấng Sáng Lập, vì sự trung thành đối với Tu hội mà chúng ta thuộc về đòi hỏi điều ấy. Chúng ta cần biết ngài như vị Lập Luật, theo mức độ chúng ta bị buộc phải tuân giữ Hiến luật và Qui chế mà ngài trực tiếp, hay những người kế vị ngài, trao ban cho chúng ta. Chúng ta cần biết ngài như nhà Giáo Dục, để chúng ta có thể sống Hệ Thống Dự Phòng, gia sản quí báu nhất ngài để lại cho chúng ta. Nhất là, chúng ta cần biết ngài như vị Thầy đời sống thiêng liêng, vì lẽ, là con cái và môn đệ của ngài, chúng ta nhờ đến lối thiêng của ngài; thực sự, ngài đã ban cho chúng ta một chìa khóa để hiểu Tin Mừng; đối với chúng ta, cuộc đời Don Bosco là tiêu chuẩn cho việc chúng ta theo Chúa Giêsu một cách đặc thù; về điều này cha đã viết một lá thư cho các hội viên Salêdiêng vào tháng giêng 2004 "Chiêm ngắm Đức Kitô qua nhãn quan của Don Bosco" (AGC 384).
Ngày nay chúng ta trở nên ý thức mình thật là liều mạng nếu không kiện cường những mối liên hệ vốn giữ chúng ta kết hiệp với Don Bosco. Sự hiểu biết lịch sử, có nền tảng chắc chắn và trìu mến, giúp giữ cho những mối liên kết này thật sống động; đào luyện ban đầu và liên tục phải cổ xúy những môn học Salêdiêng. Hơn một thế kỷ đã qua rồi từ khi Don Bosco qua đời; tất cả những thế hệ đã tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với ngài, cũng như với những người đã biết ngài cách cá nhân đã qua đi rồi. Như khoảng cách về niên biểu, địa dư và văn hóa giữa chúng ta và ngài gia tăng, thì cũng vậy, bầu khí tình cảm còn hơn thế nữa, [tức là] sự thân quen, ngay cả về tâm lý học, vốn làm cho Don Bosco và tinh thần của ngài, thành một cái gì tự phát và quen thuộc với chúng ta, chỉ bằng cách nhìn ảnh của ngài. Điều đã được chuyển giao cho chúng ta có thể bị mất; mối liên hệ sinh tử với Don Bosco có thể bị vỡ vụn. Nếu chúng ta không còn nhìn các sự vật dưới diện của người Cha chung chúng ta, dưới diện tinh thần của ngài, lối hành động (praxis) của ngài, dưới diện những tiêu chuẩn vốn khởi hứng ngài, thì chúng ta, như Gia đình Salêdiêng, sẽ không còn có quyền công dân trong Giáo hội và trong xã hội nữa, vì chúng ta bị mất cội rễ và căn tính của mình rồi.
Hơn nữa, giữ cho ký ức về chính lịch sử của ta thật sống động mới đảm bảo có được một văn hóa lành mạnh; không có cội rễ, sẽ không có tương lai. Vì thế, làm việc trên ký ức lịch sử và lợi dụng nó, như một lời nhắc nhớ chúng ta có cội rễ chung, cũng như thúc bách chúng ta phải suy nghĩ lại những vấn đề của thời đại chúng ta với một ý thức trưởng thành hơn về quá khứ của mình, điều đó quả thật quan trọng. Điều ấy đảm bảo rằng Gia đình chúng ta sẽ tiếp tục là người mang đoàn sủng của những lai lịch (nguồn gốc), và làm chính mình thành người canh giữ tỉnh thức và sáng tạo của một truyền thống phong phú, đang khi để ý đến những biến đổi lịch sử và những đổi thay không thể né tránh.
Hiển nhiên sự hiểu biết (kiến thức) về quá khứ không được trở thành một hình thức của điều kiện hóa. Một cách phê bình, biết làm thế nào phân biệt giữa ý nghĩa cốt yếu theo lịch sử và những phóng đại vô cớ với những giải thích chủ quan không nền tảng, đó quả là cần thiết. Bằng cách này, ta phải tránh xa việc gán chân lý đoàn sủng theo lịch sử vào những tái thiết mà ít liên hệ với "lịch sử thực sự". Đôi khi ta dùng một cách tiếp cận lịch sử tương tự để tránh vấn đề nghiêm trọng là sự tái thiết bối cảnh lịch sử. Ta cần một tiến trình phân định lành mạnh khi giải thích lịch sử của Don Bosco. Lời cảnh cáo của Đức Giáo hoàng Lêô XIII luôn có giá trị cho chúng ta: sử gia không được bao giờ nói điều gì không thật hay im lặng về sự thật. Nếu một vị thánh có một điểm yếu, ta phải ngay thẳng nhìn nhận. Nhận biết những bất toàn của các thánh có ba công trạng là kính trọng sự chính xác lịch sử, là nhấn mạnh đến bản tính tuyệt đối của Thiên Chúa, cũng như khích lệ chúng ta là những bình sành lọ đất nghèo nàn, đang khi tỏ cho chúng ta rằng nơi người môn sinh anh dũng của Đức Kitô, máu đào đâu phải là nước lã.
Những tài liệu chính thức và những minh xác có thẩm quyền của hai vị tiền nhiệm của cha, trong những thập niên qua, nhấn mạnh đến cần phải cấp thiết hiểu biết Don Bosco cách sâu xa hơn và hệ thống hơn. Đây là cách thức cha diễn đạt nhu cầu ấy trong một lá thư vào cuối năm 2003 (AGC 383, p. 14-17):
"Nhưng Don Bosco thành công trong việc vẫn trẻ trung và vì thế trong việc hài hòa với tương lai qua việc ngài luôn ở với thanh thiếu niên... Trong kinh nghiệm Valdocco rõ ràng có một việc làm chín muồi sứ mệnh và vì vậy một sự chuyển biến từ niềm vui "ở với Don Bosco" sang "ở với Don Bosco vì giới trẻ"; từ "ở lại với Don Bosco vì giới trẻ một cách vững bền" sang "ở với Don Bosco về giới trẻ cách vững bền với lời khấn." Ở lại với Don Bosco không tiên thiên, a priori, loại trừ việc học hỏi thời đại vốn đắp khuôn hay điều kiện hóa ngài, nhưng nó đòi buộc chúng ta phải sống với sự cam kết của ngài, những chọn lựa, sự tận hiến của ngài, tinh thần trong sự nghiệp của ngài và đẩy lên phía trước [...] Tất cả điều này làm Don Bosco thành một nhân vật thu hút, và trong trường hợp chúng ta, thành một người cha để yêu mến, một khuôn mẫu để bắt chước, nhưng còn là một vị thánh để khẩn cầu... Chúng ta biết rõ ràng thời gian chia tách chúng ta với Đấng Sáng Lập của chúng ta càng gia tăng, thì mối nguy hiểm là việc nói về Don Bosco chỉ dựa trên nền tảng những việc xảy ra và những giai thoại nổi tiếng mà không có chút hiểu biết thật sự về đoàn sủng chúng ta càng trở nên thực. Vì thế cần phải biết ngài qua trung gian nghiên cứu và học hỏi; cần phải yêu mến ngài cách thiết tha và hiệu quả như người cha và vị thầy của chúng ta qua gia sản thiêng liêng ngài để lại cho chúng ta; cần phải bắt chước ngài và cố gắng mô phỏng ngài trong chính chúng ta, khi làm cho Luật đời sống thành kế hoạch đời sống chúng ta. Đây là điều mà việc trở lại với Don Bosco muốn nói tới, và cha mời gọi toàn Tu hội đi tới đó - gồm cả cha - từ buổi "huấn từ tối" đầu tiên của cha nhờ một tiến trình học hỏi và yêu mến; tiến trình này cố gắng hiểu biết, cố gắng tỏa chiếu ánh sáng trên đời sống chúng ta và những thách đố hiện hành cách tốt đẹp hơn. Cùng với Tin Mừng, Don Bosco là tiêu chuẩn phân định của chúng ta và là mục đích cho sự đồng nhất hóa của chúng ta."
Điều cha có trong đầu không khác gì với suy tư của cha Francis Bodrato, vị Giám tỉnh đầu tiên ở Achentina; vào 5 tháng Ba 1877, ngài viết trong một lá thư cho các tập sinh:
Don Bosco là ai? cha có thể nói gì về ngài cho anh em? Cha có thể nói thật cho anh em như cha biết và nghe từ những kẻ khác. Don Bosco là người cha yêu mến và thân yêu nhất của chúng ta. Chúng ta là con cái của ngài đều có thể nói điều này. Don Bosco là một người của Chúa Quan Phòng cho thời đại này. Đây là điều mà những người học thức nói. Don Bosco là một người nhân đạo (philanthropist). Đây là điều mà các triết gia nói. Và đang khi tự nhiên đồng ý với điều những người này nói cho chúng ta, cha nói rằng Don Bosco thật sự là người bạn mà Kinh Thánh miêu tả là một kho tàng lớn lao. Đúng thế, chúng ta đã tìm thấy được người bạn chân thật này, kho tàng chân thật này. Mẹ Maria rất thánh đã cho chúng ta ánh sáng nhờ đó chúng ta nhận biết ngài và Chúa cho phép chúng ta có ngài. Vì vậy, khốn cho bất kỳ ai đánh mất ngài. Nếu anh em chỉ biết những anh em thân mến của cha thì có biết bao người ghen với phần số chúng ta [...] và nếu anh em tin tưởng với cha rằng Don Bosco là người bạn chân thật của Kinh thánh, thì anh em sẽ lo liệu để giữ ngài mãi mãi và chăm lo bắt chước ngài nơi chính anh em." (F. Bodrato, Letters, ed. By B. Casali, Rome, LAS 1995, p. 131-132).
Lời nói đầu, cũng như những khoản HL 21, 97, 196 hiện hành của Tu hội Salêdiêng trình bày Don Bosco là "người hướng đạo" và "khuôn mẫu", và chính Hiến luật được miêu tả là "chúc thư sống động" của ngài đối với chúng ta; điều đó không phải hão huyền đâu. Những diễn đạt tương tự cũng được tìm thấy trong Luật đời sống của những nhóm khác thuộc Gia đình Salêdiêng. Chúng ta hết thảy nhìn Don Bosco là điểm qui chiếu của chúng ta; ngài tiếp tục là Đấng sáng lập, là vị Thầy của tinh thần, là khuôn mẫu cho giáo dục, là người khởi xướng một Phong Trào có tầm vóc rộng lớn thế giới có khả năng làm cho Giáo hội và xã hội chú ý đến những nhu cầu của giới trẻ, đến tình trạng của chúng và tương lai của chúng một cách rất hiệu quả. Chúng ta không thể không tự hỏi xem ngày nay Gia đình chúng ta còn là một lực lượng như đã là thế hay không; xem chúng ta vẫn còn có can đảm và trí tưởng mà Don Bosco đã có hay không; xem vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba chúng ta vẫn có thể tiếp tục lập trường ngôn sứ của Don Bosco trong việc bảo vệ những quyền lợi của con người và của Thiên Chúa hay không.
Ta đã chỉ ra Gia đình Salêdiêng, từng nhóm, từng cộng thể, từng hiệp hội và từng cá nhân cấp bách cần phải hiểu biết và học hỏi Don Bosco; ta vẫn phải theo đuổi lối đường đó; lối đường được chỉ ra chưa là lối đường được theo. Từng người một có bổn phận nhận diện những bước phải lấy, ta phải làm sao và bằng cách thức nào tạo được những cơ hội hầu ta thực thi được trách vụ này suốt năm nay. Chúng ta không thể đi tới việc cử hành Đệ Nhị Bách chu niên mà không biết Don Bosco tốt đẹp hơn.
4. Chức năng của lịch sử trong việc làm cho sự việc được hợp thời
Để đạt được mục đích này, ý thức về sự vĩ đại của Don Bosco trong từng người chúng ta quả là không đủ. Điều kiện bất khả thế là biết ngài thật rõ, thêm vào những giai thoại rất hấp dẫn vốn vây quanh người cha thân mến của chúng ta và cả nền văn chương xây dựng mà trên đó toàn bộ những thế hệ đã được đào tạo/nuôi dưỡng. Đây không phải là một vấn đề về việc đi tìm những phương dược rẻ tiền để đối diện với "cuộc khủng hoảng" hiện hành trong Giáo hội và trong xã hội, như một Gia đình; đây là chuyện biết ngài thật sâu xa hầu ta có thể làm cho ngài "thành thích đáng" vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba này, trong một bầu khí văn hóa dịu dàng (hòa nhã) chúng ta đang sống, trong những quốc gia khác nhau nơi đó chúng ta làm việc. Điều ta cần là hiểu biết về Don Bosco, một sự hiểu biết mà ta phải đạt được nhờ liên tục làm thăng bằng giữa việc chúng ta tự hỏi những vấn nạn của hiện tại, và việc chúng ta tìm ra những câu trả lời đến từ quá khứ; chỉ bằng cách này, một lần nữa, chúng ta ngày nay mới có thể hội nhập đoàn sủng Salêdiêng vào văn hóa.
Ta phải chú ý đến sự kiện rằng vào thời khắc của "việc thay đổi thời đại lịch sử" một Phong Trào đoàn sủng có thể tăng trưởng và phát triển chỉ với điều kiện rằng đoàn sủng sáng lập được "giải thích lại một cách sinh động" và không còn là một "vật hóa thạch quí báu". Những Đấng Sáng Lập kinh nghiệm Thánh Thần trong một bối cảnh lịch sử xác đáng. Vì lý do này, nhất thiết phải nhận diện những yếu tố bất tất trong kinh nghiệm của họ, trong chừng mực sự đáp ứng một tình trạng lịch sử được xác định có giá trị bao lâu tính bất tất đó tồn tại. Nói cách khác, "những câu hỏi" được cộng đoàn giáo hội ngày nay đặt ra và những câu hỏi của tình trạng xã hội-văn hóa hiện hành không thể được coi là một cái gì "xa lạ" với cuộc khảo cứu lịch sử của chúng ta; điều này phải xác định cái gì là tạm bợ (mau qua), và cái gì là vĩnh viễn trong đoàn sủng, đâu là điều cần phải để ra một bên, và đâu là điều cần phải được gánh vác (tiếp tục), cái gì ở một khoảng xa cách với những hoàn cảnh hiện tại và cái gì là gần gũi với chúng.
Không thể nào bắt đầu thực hành điều này mà không nhìn vào lịch sử. Như cha đã nói, lịch sử không phải là một người canh giữ một quá khứ đã bị chôn vùi trong thời gian, nhưng đúng hơn là một ký ức sống động vốn ở trong chúng ta, và thách đố chúng ta quanh hiện tại. Bất kỳ việc đổi mới hợp thời nào được ta đảm nhận mà lại làm ngơ bước tiến của những khảo cứu lịch sử, sẽ có ít giá trị thật sự. Tương tự, khảo cứu và viết lách, được đảm nhận theo cách tài tử hời hợt, không có những lý thuyết rõ ràng, những phương pháp thích đáng và những dụng cụ làm việc lành mạnh, và không có lối tiếp cận sinh động và hợp thời với bút tích lịch sử, sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp từ nhãn quan lịch sử cũng như hợp thời. Viết về lịch sử hàm ẩn một tiến trình duyệt xét liên lỷ và có phê phán về những phán đoán đi trước; một sự duyệt xét vốn cần thiết vì chúng ta phải nhận biết rằng quá khứ không thể được thiết lập như một thứ tượng đài chỉ để ngắm xem, chính bởi vì nó được liên kết với con người mà ta muốn hiểu biết.
Chúng ta cũng không nên coi thường sự kiện rằng câu chuyện cuộc đời Don Bosco không chỉ "thuộc về chúng ta" nhưng thuộc về Giáo hội và gia đình nhân loại; vì thế, nó không được bỏ quên khỏi lịch sử giáo hội và dân sự của từng các quốc gia, thậm chí còn hơn như thế, vì lịch sử Salêdiêng là một lịch sử mà cốt ở sự tương tác năng động, ở những tương quan lệ thuộc và cộng tác và đôi khi ở những tương quan xung đột với thế giới trên bình diện xã hội, chính trị, kinh tế, giáo hội và tôn giáo, giáo dục và văn hóa. Nay chúng ta không thể kỳ vọng "những thế giới khác ấy" xem xét "lịch sử" chúng ta, "khoa sư phạm", "lối thiêng" của chúng ta nếu chúng ta không cống hiến cho họ những dụng cụ tri thức tân tiến. Đối thoại với những người khác chỉ có thể xẩy ra nếu chúng ta có cùng bộ mã ngữ học, cùng những phương pháp về khái niệm, cùng những tài khéo và lối tiếp cận chuyên nghiệp; bằng không, chúng ta sẽ ở bên lề xã hội, xa cách khỏi cuộc tranh cãi văn hóa, vắng bóng khỏi những nơi chốn mà trong đó ta tìm những giải đáp cho những vấn đề hiện hành. Sự loại trừ khỏi cuộc tranh cãi văn hóa xẩy ra trong mọi quốc gia cũng sẽ là một dấu hiệu (chỉ số, indication) về sự vô nghĩa của những người Salêdiêng trong lịch sử, cho thấy họ bị đẩy ra ngoài xã hội, và họ vắng bóng trong đóng góp vào giáo dục. Vì lẽ này cha mong mỏi phải canh tân sự cam kết trong việc chuẩn bị những người có phẩm chất (bằng cấp) để học hỏi và khảo cứu lãnh vực lịch sử Salêdiêng.
Văn chương Salêdiêng, những xuất bản Salêdiêng, việc giảng dạy về Salêdiêng, những thư luân lưu của những người trong những vai trò trách nhiệm ở những bình diện khác nhau, sự thông giao trong Gia đình Salêdiêng, tất tất cần phải biết rõ hiện tình. Tính chất phổ thông truyền thống của văn chương Salêdiêng, sự phổ biến rộng khắp của nó, không được có nghĩa là nội dung hời hợt, thông tin giả hiệu, sự lập lại một quá khứ không đáng tin. Bất cứ ai có tài hay có dịp để viết lách, để đào tạo, để giáo dục người khác cần phải đảm bảo rằng họ liên lỷ được cập nhật về đề tài họ nói hay viết. Những sản phẩm thông tin đại chúng cần phải có phẩm chất cao và có tính khả tín khả dĩ lớn lao nhất.
Học hỏi Don Bosco là một điều kiện cần thiết để có thể thông giao đoàn sủng của ngài và để đề xướng sự thích đáng của nó. Không hiểu biết không thể yêu mến, bắt chước hay cầu khẩn; rồi chỉ tình yêu mới thúc đẩy chúng ta phải hiểu biết. Vì vậy, đây là vấn đề của một tri thức xuất phát từ tình yêu và dẫn tới tình yêu: một tri thức tình yêu.
5. Trên một trăm năm của việc viết lách về lịch sử "phục vụ đoàn sủng"
Việc viết lách về lịch sử của Salêdiêng suốt trên 150 năm đã làm nên một bước tiến đáng kể, từ những cuốn tiểu sử khiêm tốn về Don Bosco trong những thập niên 70 và 80 của thế kỷ XIX, đến những cuốn tiểu sử có tính tán tụng; chúng được khởi hứng do lối cắt nghĩa đời sống và công cuộc của ngài theo tính thần học và dựa vào các giai thoại và quan tâm đến việc lạ lùng; những cuốn tiểu sử đó được phân phát rộng rãi từ thập niên 80 sang đến thế kỷ XX. Những dịp long trọng như việc phong chân phước và tuyên thánh của Don Bosco tự nhiên là những dịp cho một loạt các bút tích và tác phẩm có tính chất thiêng liêng và xây dựng. Tương tự, trong lãnh vực sư phạm, người ta có thể nhắc đến loạt bút tích và thảo luận có giá trị về Don Bosco nhà giáo dục, đi theo lời giới thiệu về phương pháp giáo dục dự phòng của Don Bosco trong những chương trình học vụ tại các trường cao đẳng sư phạm (đào tạo thầy giáo) ở Ý.
Trong một thời kỳ ngay sau chiến tranh và trong những thập niên 50 của thế kỷ qua, những thế hệ mới của những người Salêdiêng bắt đầu diễn tả một cảm thức không thoải mái với nền văn chương hạnh sử các thánh của quá khứ. Họ thấy cần phải có một hạnh sử về Đấng Sáng Lập mà được nhắm không chỉ ở việc xây dựng hay là một thứ hộ giáo, apologia, nhưng đúng hơn nhắm đến sự thật về ngài nói chung trong nhiều khía cạnh: nói cách khác, một hạnh sử mà sẽ đặt ngài trong bối cảnh lịch sử của ngài, và như thế sẽ tuân giữ tất cả những đòi hỏi phê bình cần thiết. Một cách nào đó, điều này có nghĩa là thoát ra khỏi cái phạm vi đã vững chắc cho đến bây giờ, hầu khuyến khích đảm nhận một cái nhìn mới vào lịch sử của Don Bosco, được thông tri một cách ngữ văn và với những nguồn liệu được khảo sát kỹ càng, được hướng dẫn theo những phương pháp lịch sử hợp thời. Nhất thiết phải đi xa hơn nhãn quan của các Salêdiêng đầu tiên; hẳn nhiên nhãn quan này là nhãn quan về một người làm những điều lạ lùng, được Chúa Quan phòng khởi hứng, mang tính cách thần học; theo nhãn quan này, những hoàn cảnh cụ thể và những lực lượng hoạt động vào lúc đó có khuynh hướng biến mất.
Lời mời gọi của công đồng Vatican II là phải trở về với những hoàn cảnh nhân loại và thiêng liêng chân chính của những cội nguồn và của Đấng Sáng Lập nhằm thiết yếu canh tân đời thánh hiến (x. Perfectae caritatis, Ecclesiae sanctae) đã trao ban một sức thúc đẩy mạnh mẽ cho những tiếp cận tương tự đối với việc học hỏi và hiểu biết sâu rộng hơn về Don Bosco; điều ấy, ta đã đoan hứa suốt một thời gian nào đó. Điều này đòi phải hiểu biết những sự kiện lịch sử, như một yêu cầu bất khả thế. Thực thế, không đi trở lại cội rễ, việc cập nhật liều trở thành sự suy lý phi lý và không chắc chắn. Và như vậy, trong bầu khí văn hóa mới của thập niên 70, đang khi lợi dụng những giả định, những chiều hướng (trào lưu), những dụng cụ khảo cứu tân tiến, như được dùng trong hầu hết những dự phòng khảo cứu lịch sử nghiêm chỉnh, ta đã đảm nhận việc nghiên cứu sâu xa hơn thành một hiểu biết về gia sản và di sản của Don Bosco, đầy những biến cố và hướng dẫn. Ta đã nhận diện được ý nghĩa lịch sử của sứ điệp, ta đã miêu tả những giới hạn bất khả tránh né về thể chế, văn hóa và cá nhân; một cách nghịch lý điều này hầu như đã chỉ đến những lý lẽ, rồi như nay chúng chỉ tới, vì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hiện tại cũng như trong tương lai.
6. Hướng tới một việc đọc mang tính giải thích về lịch sử Salêdiêng
Như một yêu cầu đầu tiên của sự canh tân, Công đồng Vatican II đòi phải trở về nguồn. Về việc này Tu hội xuất bản hàng tá những bộ sách gồm "những tác phẩm đã được xuất bản" và những tác phẩm không được xuất bản của Don Bosco; Trung tâm nghiên cứu Don Bosco tại UPS và Viện Lịch sử Salêdiêng đã chịu trách nhiệm về các tác phẩm đó. Nhờ công việc của họ, hàng ngàn trang bút tích của Don Bosco nên sẵn đấy cho chúng ta, trong những ấn bản đã được phát hành và hiệu đính một cách học thuật, hầu làm cho những phân tích cần thiết về ngữ văn thành có thể được. Thực thế, làm thế nào có thể hiểu "lá thư nổi tiếng từ Roma" mà Don Lemoyne soạn vì Don Bosco, nếu không biết đầy đủ tình hình khó khăn về kỷ luật tại Valdocco thời đấy, và trong cùng những năm đó đưa ra "lá thư luân lưu về hình phạt"? Một lá thư được chính tay Don Bosco viết, không thanh thoát, đầy những sửa chữa, thêm thắt và tái bút, có cùng giá trị như nhau với một thư luân lưu, có lẽ được một cộng sự viên của ngài viết, và rồi đơn giản được Don Bosco ký nhận hay không? Ý nghĩa nào ta phải dành cho những giao kèo về công cuộc được Don Bosco ký, nếu chúng ta so sánh với những giao kèo sớm hơn hay đương thời được những người khác ở Turin soạn thảo?
Cần phải thêm vào sự phân tích ngữ văn sự phân tích phê bình-lịch sử vốn để ý đến cả nội dung minh nhiên của các nguồn liệu cũng như điều mà một việc đọc chúng cách hời hợt không thể tỏ lộ, nhưng lại là điều chúng hàm ý. Ta không thể giải thích một bản văn nào, thậm chí càng ít hơn những bản văn của Don Bosco, một con người nổi tiếng "nhập thể" trong lịch sử, mà lại không qui chiếu tới thời gian trong đó nó được viết ra, trong một bối cảnh nào đó, trong sự qui chiếu tới một vài người đặc thù nào đó, vì một mục đích nào đó. Như cha đã nói, những bút tích do Don Bosco và về Don Bosco chứa đựng một lời giải thích về tin mừng chịu ảnh hưởng do thời kỳ, những ý tưởng của nó, những cấu trúc trí tuệ, những viễn cảnh, ngôn ngữ và giá trị.
Hai công việc đi trước dẫn tới công việc thứ ba và quan trọng hơn: sự phân tích sinh động và hợp thời, có thể diễn đạt lại, suy nghĩ lại, trình bày lại những nội dung của các nguồn liệu. Về việc này nhất thiết phải thừa nhận một số tiêu chuẩn chú giải, mà không có chúng, sự giải thích về những diễn đạt của Don Bosco, những lập trường lý thuyết và thực hành của ngài, những cách sống thực tiễn mối liên hệ với Thiên Chúa và với xã hội, có thể minh chứng là phản tác dụng. Thực thế, việc lập lại suông những câu nói của Don Bosco có thể dẫn chúng ta tới phản bội căn tính Salêdiêng. Thực vậy, nó là một câu hỏi về các bản văn và các chứng từ của một "văn hóa" rất nhiều của quá khứ, của một truyền thống và của một thần học mà chắc chắn không còn là của chúng ta nữa, và như vậy không lập tức khả tri cho chúng ta.
Trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ vừa qua, Tu hội Salêdiêng đã nỗ lực nhiều để canh tân, và Hiến luật được canh tân là hoa trái chín muồi của điều này. Những người Salêdiêng đã đưa ra một suy tư có tính chất lịch sử-thiêng liêng mà tự thân là một sự học hỏi mang tính giải thích về các nguồn liệu Salêdiêng, và đồng thời về các "dấu chỉ thời đại." Nếu chúng ta lướt qua mục lục phân tích của Hiến Luật, chúng ta phải lấy làm ngạc nhiên nhiều: tên của Don Bosco xuất hiện khoảng 40 lần. Trong 17 khoản đầu tiên, nó hiện diện tới 13 lần; nhưng ngay cả ở đâu tên gọi đó không được minh nhiên sử dụng, thì vẫn không dứt qui chiếu tới tư tưởng của ngài, tới sự thực hành của ngài, tới các bút tích của ngài. Chỉ cần nghĩ rằng trong thế kỷ XIX, Tòa Thánh nhấn mạnh là không được nhắc nhớ trong Hiến luật tên và bút tích của Đấng Sáng Lập [là đủ]! Cùng điều đó áp dụng cho những Hiến luật khác, Qui chế khác, và những kế hoạch đời sống của những nhóm khác thuộc Gia đình Salêdiêng.
Bốn mươi năm sau Công Đồng, nhất thiết ta phải nhìn nhận rằng cuộc khảo cứu lịch sử về đời sống và công cuộc mà kinh nghiệm nhân bản và thiêng liêng của Don Bosco đã làm nên sự tiến bộ đáng chú ý nhờ vào những nghiên cứu (học hỏi); những nghiên cứu học hỏi này đã thừa nhận (adopt) những khung qui chiếu được thay đổi; nó đã chiếu cố thích đáng đến những cách tìm tòi mới và những phạm trù lượng giá tân thời; nó đã nại đến những viễn cảnh mới, khởi từ phân tích những tài liệu không được xuất bản hay những giải thích mới về những tài liệu đã nổi tiếng. Hạnh sử mới mang tính phê bình đã ít nhất có hai hiệu quả tích cực: tiên vàn, hiệu quả là tỏ cho chúng ta bộ mặt thật sự của Don Bosco và sự vĩ đại chân thật của cha chúng ta; thứ đến, hiệu quả là để ý Don Bosco trong lịch sử thế tục.
Thực vậy, cho đến một ít thập niên trước, bút tích lịch sử của thế tục tỏ bày một dị ứng nào đó đối với Don Bosco và đã không dành chỗ cho ngài, có lẽ vì những cung giọng ngọt ngào, chủ thuyết duy cảm kỳ lạ, vốn làm đầy những hạnh sử xây dựng, quá mê đến điều kỳ lạ. Trái lại, ngày nay Don Bosco được nghiêm chỉnh hiểu biết. Cách tự nhiên con người đó được trình bày trong những trường hợp này không thể không phản chiếu những tiêu chuẩn lịch sử của những tác giả khác nhau, não trạng của họ, những tiền giả định mang tính ý thức hệ của họ, mục đích của họ, số lượng và phẩm chất của những nguồn liệu sẵn đấy, cách thức những cái này được khảo sát và rồi được giải thích khác nhau, bầu khí văn hóa của thời đại.
Tất cả điều này tương ứng với tính nhạy bén mới trong Gia đình chúng ta vốn yêu mến nhiều hơn ơn gọi và sứ mệnh của mình. Như cha đã chỉ ra trước kia, lối tiếp cận với Don Bosco, đang khi dùng những phương pháp thích hợp cho khảo cứu lịch sử, đã khiến chúng ta trân trọng hơn nữa sự vĩ đại, những tài năng thực tiễn và những ân điển của ngài như một nhà giáo dục, [trân trọng hơn nữa] lối thiêng và công cuộc của ngài, vốn chỉ được hiểu đầy đủ với điều kiện được đâm rễ trong lịch sử của xã hội trong đó ngài sống. Chúng ta không tiên thiên bác bỏ điều có giá trị nơi điều chúng ta đã nhận liên quan đến hình ảnh của Don Bosco, được chuyển giao xuống qua những thế hệ của những người Salêdiêng và những thành viên của Gia đình Salêdiêng. Ngày nay chúng ta cần suy nghĩ lại và suy tư hơn nữa; điều này cống hiến cho chúng ta một hình ảnh thích đáng về Don Bosco vốn nói cho thế giới hôm nay theo một ngôn ngữ mới. Giá trị của hình ảnh được ta cống hiến ấy thực sự tùy vào mức độ người ta chấp nhận và chia sẻ nó.
7. Hình ảnh nào của Don Bosco ngày nay
Đối diện với văn chương Salêdiêng này, vốn nhất thiết vẫn tiến triển, rõ ràng ngày nay chúng ta cũng phải trả lời một loạt câu hỏi.
Don Bosco là ai? Ngài đã nói, làm hay viết gì? Ngài đã thành công trong việc trải rộng những công cuộc bác ái của ngài bằng phong thái sống và hành động nào? Những ý tưởng của ngài từ đâu mà đến? Chúng phát triển ra sao và đâu là điều mới mẻ quanh chúng? Ngài hiểu biết gì về chính mình và về sứ điệp của ngài lúc khởi đầu công cuộc, và ngài dần dần thủ đắc được tri nhận nào khi năm tháng qua đi? Những cộng sự viên đời và giáo hội đầu tiên của ngài, tức là, các Salêdiêng đầu tiên, các FMA, Cộng tác viên, học sinh và cựu học sinh, có tri nhận gì về ngài, về công cuộc và sứ điệp của ngài? Những người đương thời đã hiểu và phán đoán ngài ra sao: Giáo hoàng, các Giám mục, linh mục, tu sĩ, những vị thẩm quyền trong chính trị và dân sự, những người thi hành quyền lực kinh tế và tài chánh, các tín hữu và vô tín, và quần chúng?
Đâu là hình ảnh về Don Bosco mà "truyền thống lịch sử", những nhà sử biên niên và viết tiểu sử đương thời, những chứng nhân ở những tiến trình [phong thánh], những tưởng niệm và những tán tụng của những ngày kỷ niệm và những ngày tháng quan trọng (1915, 1929, 1934, 1988, 2009) kiến tạo và chuyển giao lại? Những giải thích nào được dành cho "sứ mệnh" lịch sử của ngài? Có phải là một sự đáp trả của Chúa Quan phòng cho những nhu cầu của một Giáo hội bị bách hại? Một lời đáp trả của Công giáo cho điều mà thời đại đòi hỏi chăng? Một giải đáp cho "vấn đề của những trẻ nghèo và bị bỏ rơi", cho vấn đề xã hội, cho sự cộng tác giữa các giai cấp? Sự thăng tiến của đám đông bình dân, đang khi kính trọng trật tự thiết lập sẵn? Một hoạt động truyền giáo và văn minh hóa?
Đâu là đặc biệt về Don Bosco? Có phải ngài là người sáng tác ra một "khoa sư phạm" thích hợp để cư xử với những trẻ "gặp nguy hiểm và nguy hiểm"? ngài là một bậc thầy của lối thiêng dành cho giới trẻ gặp nguy hiểm, cho những giai cấp thấp hơn, cho những dân tộc đang phát triển? Ngài là một vị thánh của niềm vui, của những giá trị nhân bản, của việc gặp gỡ mọi người không phân biệt kỳ thị? Hay có lẽ tất cả những thứ này và hơn nữa?
Ngày nay ta cần phải kiến trúc lại hình ảnh Don Bosco này; nhất thiết phải nhìn ngài trong một ánh sáng khác, vì sự trung thành không phải là sự lập lại, được đánh giá vì những công thức được thiết lập hay sự ly thoát cá nhân. Giới hạn mình vào việc đọc sách thiêng liêng nào đó hay bài viết nào đó của một học giả thì không đủ. Nhất thiết tất cả chúng ta phải cùng nhau khảo sát khoa học Salêdiêng sâu xa hơn hầu đạt tới việc chia sẻ một nhãn quan thật sự là uyên bác, chuyên môn, sâu xa; nhãn quan này biết cách đánh giá đúng gia sản lịch sử, sư phạm, thiêng liêng được thừa hưởng từ Don Bosco; ở một chiều sâu nào đó, nó phải thật quen thuộc với tình trạng giới trẻ, hiểu biết rõ ràng về những đặc tính của người Kitô hữu trong xã hội hôm nay và ngày mai, với những cam kết thích đáng "theo những nhu cầu của thời đại." Nói cách khác, nó là vấn đề khảo sát lại những thể chế và những cơ cấu của những đoàn thể và giáo dục, giải thích lại Hệ Thống Dự Phòng trong những hạn từ đương thời, trình bày cho thế giới và Giáo hội phong thái đặc thù của nhà giáo dục Salêdiêng.
Ngày nay, có lẽ đây là một vấn đề khủng hoảng về tính khả tín, hơn là một khủng hoảng về căn tính. Chúng ta dường như bị kìm giữ dưới ách bạo tàn của status quo, nguyên trạng, một sự kháng cự vô thức hơn là cố ý. Đang khi thâm tín về chân lý của những giá trị thần học mà đời sống Kitô hữu và thánh hiến của chúng ta đã thấm nhuần, chúng ta kinh nghiệm khó mà chạm tới (đạt tới) trái tim của những người chúng ta được sai tới; cho họ, chúng ta phải là những dấu chỉ của hy vọng; chúng có một đức tin không thích đáng khi xây dựng cuộc đời, điều ấy khiến chúng ta rúng động; chúng ta biết rằng chúng ta không tiếp chạm với thế giới của chúng; chúng ta ý thức một sự xa lạ, nếu không nói là sự loại trừ, khỏi những kế hoạch của chúng; chúng ta thấy rằng những dấu chỉ, cử chỉ và ngôn ngữ của chúng ta dường như chẳng tác động mảy may nào trên đời chúng.
Có lẽ chúng ta thiếu rõ ràng về vai trò của chính mình trong sứ mệnh mà chúng ta hiến mình cho; có lẽ một số không thâm tín rằng sứ mệnh của chúng ta là hữu ích; có lẽ họ không có thể tìm thấy việc làm hợp với những khát khao của họ, bởi vì chúng ta không biết làm cách nào để mang lại sự canh tân; có lẽ họ cảm thấy bị những tình trạng khẩn cấp ngày một thúc bách hơn cầm tù; có lẽ thiếu một sự kính trọng ad intra hơn là ad extra. Lịch sử có thể giúp chúng ta trong tiến trình làm cho đoàn sủng nên hợp thời; cha giới hạn mình vào việc chỉ ra một vài khía cạnh, cách riêng dành chú ý hơn đến cái thứ nhất.
7.1 Sự tiến hóa của những công cuộc và của những người mà vì họ những công cuộc được nhắm tới. Đối với Don Bosco, những đòi hỏi của hiện trạng mới quyết định việc mở những công cuộc mới. Sự chuẩn bị nghèo nàn của những thiếu niên dưới khía cạnh văn hóa dẫn tới việc mở một trường sơ cấp vào Chúa nhất tại Valdocco, và rồi vào buổi tối, sau đó vào ban ngày, cách riêng cho những em không thể đến trường công; rồi những trường khác, những xưởng thợ khác nhau, và bằng cách này tới thể phức hợp của "nhà được gắn" với Nguyện Xá thánh Phanxicô Salê. Công cuộc đầu tiên này, từ việc đơn giản là một chỗ cho các thiếu niên tụ lại với nhau trong những ngày lễ để học giáo lý và chơi đùa, trở thành một nơi để đào tạo toàn diện; đối với một số lớn các thiếu niên vốn không có được những phương tiện trợ giúp hữu hình, nó trở thành một mái nhà, một nơi sinh sống. Những cấu trúc khác đã được thêm vào sân chơi và nhà thờ trong đó một chương trình đã khai triển với khả thể tính của các bí tích, sự dạy dỗ đạo giáo cơ bản, chơi đùa, những hoạt động thú vị, cử hành tôn giáo và dân sự. Chúng nhằm cống hiến cơ hội học nghề nghiệp, và vì thế tránh phải đi vào những xưởng thợ trong thành phố, rất thường là vô luân và nguy hiểm cho những thiếu niên đã bị đè nặng bởi quá khứ khó khăn trước kia. Rồi sau đó những nhà Salêdiêng khác được thành lập, những trường cao đẳng khác - những trường nội trú, và những tiểu chủng viện khác được giao cho Tu hội Salêdiêng vốn đã bắt đầu.
Những thiếu niên cải tạo, những di dân trẻ, và nói chung những thiếu niên không có bất kỳ liên hệ chặt chẽ nào với các giáo xứ của chúng sống chung với nhau tại Nguyện xá đầu tiên. Rồi nâng cấp lên một chút, những học sinh và trẻ học nghề xa "gia đình" được chấp nhận vào Nguyện xá và ký túc xá; chúng vào thành phố để học nghề, hay để học hành; điều này chuẩn bị chúng để lao động. Người ta cống hiến cho một số thiếu niên nào đó thuộc về phạm trù này và những người gặp khó khăn đặc thù, hay các em khác với phương tiện kinh tế lớn hơn, cái khả thể học nghề trong những xưởng thợ được tổ chức, hay việc học hành [văn hóa] trong những trường học và trường cao đẳng. Nhóm này thông thường bao gồm hai phạm trù xã hội khác nhau: "dân lao động nghèo" và "trung lưu". Rồi những nhu cầu đặc thù dẫn tới việc thiết lập những trường học: sơ cấp, kỹ thuật, trung học phổ thông, huấn nghệ, trường canh nông, trường ban ngày, những trường cao đẳng, cũng như cho giai cấp trung lưu, ở đó là một vấn đề về việc cung cấp một cơ sở khác (alternative) cho những cơ sở của người đời và tin lành, hay đảm bảo một nền giáo dục Công giáo đầy đủ theo hệ thống dự phòng.
Don Bosco xét rằng sự chọn lựa những người nghèo nhất có thể tương hợp với sự cung cấp các trường học và cao đẳng cho "giai cấp trung lưu" trên phạm vi lớn. Ngài không chống đối bất kỳ ai, nhưng ngài ưa chuộng để chú ý tới giới trung lưu và lao động, như những người cần được giúp đỡ và hỗ trợ nhất. Tuy nhiên, cách thức mà tiến trình trả [học] "phí" thực thi, không dành nhiều chỗ cho những người cực kỳ nghèo hay những người nghèo vừa phải, trừ ra trong trường hợp của những con số rất hạn chế của các thiếu niên được hội từ thiện công hoặc tư nâng đỡ. Rồi một phạm trù tách biệt cốt tại những người trẻ đó, giữa những kẻ nghèo nhất và gặp nguy hiểm nhất được tìm thấy trong những mảnh đất truyền giáo, thiếu ánh sáng đức tin. Một cách tự nhiên, hoạt động truyền giáo không dừng ở giới trẻ, nhưng cố gắng làm mọi người can dự trong vùng lân cận, nó cũng không chỉ giới hạn vào hoạt động mục vụ minh bạch, nhưng trải rộng tới mọi khía cạnh của đời sống dân sự, văn hóa và xã hội, theo điều mà chính Don Bosco nói trong lá thư tháng Mười Một, 1886: mang "tôn giáo và văn minh cho những dân tộc và quốc gia mà cho đến giờ không có." Không tính đến giai cấp, người ta cũng xem xét đặc biệt đến các thiếu niên tỏ ra một hướng chiều đến đời giáo sĩ hoặc tu sĩ; đây là tặng phẩm quí giá nhất được ban cho Giáo hội và xã hội dân sự.
Cuối cùng ta cũng phải để ý đến những lãnh vực rộng lớn mà "giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi" "bị đẩy ra ngoài lề xã hội" trong những tình trạng đặc biệt nghiêm trọng, đôi khi bi thương, song vẫn còn ở ngoài các hoạt động của Don Bosco: nhóm giới trẻ trồi hiện ngày một hơn bị buộc trong những hoạt động kỹ nghệ mới, ta cần phải giúp đỡ, che chở, huấn luyện chúng một cách xã hội và trong bối cảnh của những công đoàn; thế giới của thiếu niên phạm pháp có ở Turin; những công cuộc để chăm sóc các em vị thành niên đã hay đang trên đường trở thành phạm pháp, mà ngài đã tiếp xúc một mức nào đó; lục địa mênh mông của nghèo khổ và bần cùng, không chỉ trong thành phố đó nhưng thường tệ hại hơn, cả trong miền quê; thế giới rộng khắp của thất học và của tiến bộ qua việc làm nghề nghiệp; thế giới của thất nghiệp và di cư; và thế giới của khuyết tật tâm trí và thể lý.
Nay trang lịch sử này buộc chúng ta suy nghĩ từ viễn cảnh hiện hành. Ngày nay ai là những người mà công cuộc chúng ta tiên vàn nhắm tới? Những công cuộc nào thích hợp với nhu cầu của chúng? Có phải trong Hiến luật Salêdiêng được canh tân, có lẽ sự biến mất bản liệt kê những công cuộc tiêu biểu của Salêdiêng trong đó Nguyện xá chiếm chỗ đầu tiên, góp phần vào việc giảm thiểu số nguyện xá cổ điển của chúng ta, thậm chí được thay bằng các trường trung học và đại học phải không?
7.2 Giới trẻ bị bỏ rơi. Như cha nói lúc đầu, ta cần phải nghiên cứu tầm quan trọng lịch sử của Don Bosco, thêm vào những công cuộc, và một vài cách thức làm việc tương đối nguyên thủy (độc đáo), tri nhận mang tính lý trí và cảm xúc về ý nghĩa phổ quát, thần học và xã hội của vấn đề "trẻ bị bỏ rơi", và khả năng lớn lao của ngài trong việc thông giao tri nhận này cho số lớn các cộng tác viên, ân nhân và những người hâm mộ.
Rồi, chúng ta hãy tự hỏi: ngày nay, chúng ta có phải là những môn đệ trung thành của ngài không? Như Don Bosco, có phải chúng ta vẫn kinh nghiệm sự xung đột bên trong đó giữa lý tưởng và sự hoàn thành, giữa trực giác và việc đưa trực giác đó ra thực hành trong những hoàn cảnh xã hội mà ngài thấy mình đang làm việc không?
7.3 Đáp ứng những nhu cầu của giới trẻ. Đang khi xem xét sự kiện rằng những hoạt động của Don Bosco khi giúp đỡ và giáo dục giới trẻ được phát triển trên bình diện thực tiễn với một mức độ nào đó của "chủ nghĩa cơ hội", ta cũng cần phải nói rằng việc ngài "đáp ứng" trước những vấn đề không được đặt nền trên một "kế hoạch" đặc thù có tác dụng trên nền tảng của một khóe nhìn tổng quát được nhận thức trước về tình trạng xã hội và tôn giáo vào thập niên 1800. Khi gặp những vấn đề đặc biệt, ngài tức thời đáp ứng theo một cách địa phương hóa, cho tới khi dần dần những tình trạng đa dạng của giới trẻ dẫn ngài nhìn vào "vấn đề giới trẻ toàn diện" ở khắp nơi. Trong đời sống anh hùng của Don Bosco không có những kế hoạch hay chiến lược dài hạn được làm ra ở bàn giấy - tất cả mọi sự mà ngày nay được xét chính đáng là không thể thiếu được - nhưng là những giải đáp hữu hiệu được trồi hiện cho những vấn đề tức thời, thường là không được nhìn thấy trước.
Tất cả điều này có nghĩa gì với chúng ta ngày nay khi chúng ta đang sống trong "ngôi làng hoàn cầu" ở đó mọi sự được biết vào thời gian thực, ở đó chúng ta có sẵn đấy toàn bộ sự khác biệt (đa dạng) của những khoa học được chuyên sâu? Làm thế nào ta đi từ một chính sách cấp thời tới một chính sách được hoạch định? Trên nền tảng của những tiêu chuẩn chính xác nào chúng ta làm những quyết định cụ thể của chúng ta trong lịch sử khi nó diễn ra, chứ không phải từ bên ngoài? Làm thế nào chúng ta có thể tránh mối hiểm nguy lưỡng diện là mất tính duy nhất và căn tính, bằng cách muốn làm mọi sự, bằng cách bỏ những công cuộc ổn định và tiếp tục đi tới những công cuộc khác vốn tạm thời và không được suy nghĩ cẩn thận, đang khi dùng những nguồn lực trên những dự phóng ngắn hạn; và mối nguy là trao ban một giá trị tuyệt đối, và làm thành vĩnh viễn (thường hằng) những nét của Đấng Sáng lập vốn là bất tất, kết tận bằng việc được mãn nguyện với điều chúng ta đã có, đã biết, với một truyền thống bị hóa thạch, được bảo vệ như là sự trung thành với quá khứ, với tất cả thiện ý phải không?
7.4. Tính uyển chuyển khi đáp ứng những nhu cầu. Từ sự phân tích lịch sử chúng ta khám phá thiên tài và khả năng của Don Bosco, trong việc theo đuổi ơn gọi của mình là "cứu" giới trẻ, trong việc điều phối những công cuộc giáo dục được nhắm đến các thiếu niên của lớp dân chúng lao động trong thành phố với những hoạt động đa dạng hơn nữa theo những mục tiêu khác nhau. Quanh Nguyện xá bé nhỏ tại Valdocco, Don Bosco thành công trong việc qui tụ hàng ngàn thiếu niên lại, trong việc chiếm được sự thỏa thuận và hỗ trợ của những vị thẩm quyền trong Giáo hội tới một mức độ ngày một lớn hơn, hầu như là tất cả. Và việc đóng cửa một vài công cuộc như Nguyện xá Thiên Thần Hộ thủ ở Turin, một vài nhà Salêdiêng đơn độc như Cherasco, Trinità, không phải là dấu hiệu của rút lui nhưng là tổ chức lại và bắt đầu lại. Bằng chứng của điều này là ngài bành trướng sứ mệnh với những công cuộc được nhắm đến đào tạo giới trẻ: thành lập FMA, công cuộc truyền giáo, Cộng tác viên, Tập san Salêdiêng. Những sáng kiến khác nhau này nêu bật bước tiến liên lỷ là tổ chức lại, bắt đầu lại, và phát triển thêm nữa.
Như vậy, bây giờ, liệu không rõ rằng trong tất cả điều chúng ta làm, điều phải được xét là quan trọng thì không chỉ hoặc không chính yếu là cái dáng vẻ, nhưng là thực tại của điều được bắt đầu lại và phát triển trong một sự tái tổ chức khôn ngoan hay sao? Có lẽ có nguy hiểm rằng thông thường việc bó buộc đóng lại quá nhiều công cuộc của chúng ta tỏ ra đơn giản là một vấn đề cắt bớt, hơn là một quyết định được lấy nhằm phát triển hơn nữa phải không?
7.5. Đời sống nghèo khó và làm việc không mỏi mệt. Trong những ghi nhận mà truyền thống đã gọi là "Chúc Thư Thiêng Liêng", Don Bosco viết: "Lúc mà tìm kiếm an nhàn xuất hiện nơi cá nhân, trong phòng ở, và trong các nhà, thì sự suy thoái của Tu hội sẽ bắt đầu [...] Khi ước muốn an nhàn và tiện nghi lớn lên giữa chúng ta, Tu hội đạo đức của chúng ta sẽ đến hồi kết thúc" (P. Braido ed. "DonBosco educatore, scritti e testinonianze", Rome, LAS 1992, pp. 409, 437).
Ngày nay, khi rút lấy khởi hứng của chúng ta từ Don Bosco, liệu chúng ta không phải có can đảm nói rằng khi cộng thể tu sĩ miệt mài với TV, và báo chí cho hàng giờ liên tục, nó là một dấu rằng ít nhất trong một nơi chốn đặc thù, chúng ta đang đến hồi kết thúc sao? Ta có thể nói gì khi một trung tâm Salêdiêng bị giảm thiểu xuống còn bốn trẻ nhỏ với một trái banh và một TV, và không thể tìm ra thời giờ để qui tụ các thiếu niên với nhau để làm chúng can dự vào công việc được làm, nhưng có thể làm thế để tiếp tục những cuộc dã ngoại văn hóa? Có lẽ công cuộc đó cũng đã đến hồi kết thúc, căn cứ rằng số giới trẻ trong công cuộc Salediêng địa phương đó không phải là mọi sự nhưng nó vẫn là nhiệt kế chỉ ra lý lẽ cho việc có một nhà ở nơi chốn đặc thù đó.
8. Những đề xướng để đem Hoa thiêng ra ứng dụng
Khởi từ kiến thức về lịch sử của Don Bosco, những tiêu điểm chính và trách vụ nảy sinh từ Hoa thiêng 2012 có thể là như sau. Mỗi nhóm của Gia đình Salêdiêng có thể làm những ứng dụng cụ thể hơn nữa.
8.1. Đức ái mục tử là nét đặc thù của toàn thể câu chuyện cuộc đời của Don Bosco và là động lực hướng dẫn tất cả hoạt động của ngài. Chúng ta có thể nói rằng nó là viễn cảnh lịch sử súc tích qua đó đọc toàn thể đời sống ngài. Vị Mục Tử Nhân Lành biết chiên của mình và gọi chúng đích danh, ông giãn khát chúng bằng nước mát trong lành và cho chúng gặm cỏ trong những cánh đồng xanh tươi; ông trở thành cửa qua đó con chiên đi vào chuồng chiên, và trao ban chính đời sống của ông hầu chiên được sống dồi dào (x. Ga 10:11tt). Sức mạnh lớn nhất của đoàn sủng của Don Bosco là tình yêu được rút tỉa trực tiếp từ Chúa Giêsu, bắt chước Ngài và ở lại trong Ngài. Tình yêu này hệ tại ở "việc trao ban mọi sự." Từ đây bắt nguồn lời khấn tông đồ: "Cha nguyện hứa với Chúa rằng cho đến hơi thở cuối cùng cha muốn tận hiến mình hoàn toàn cho các thiếu niên nghèo của cha." (BM XVIII, 216; x. HL SDB 1). Đây là nhãn hiệu và tính khả tín của chúng ta với giới trẻ!
8.2. Trong câu chuyện của Don Bosco, chúng ta biết về ngài đã chịu nhiều mệt nhọc, hy sinh, thiếu thốn, đau khổ và nhiều hy sinh khác. Vị Mục Tử Nhân Lành thí mạng sống mình vì chiên. Qua những nhu cầu và yêu cầu (đòi hỏi) của giới trẻ, Thiên Chúa đang xin mỗi phần tử của Gia đình Salêdiêng hy sinh chính mình cho chúng. Như vậy, sống sứ mệnh không phải là một hoạt động hão vì hoạt động mà thôi, nhưng đúng hơn làm cho trái tim chúng ta đồng hình đồng dạng với trái tim của Vị Mục Tử Nhân Lành; ngài không muốn cho bất kỳ một con chiên của mình bị hư mất. Đó là một sứ mệnh, mang tính nhân bản rất sâu xa và thiêng liêng rất sâu xa. Nó là một lối đường tu đức, vì không có một hiện diện sinh động nào giữa giới trẻ mà không có tu đức và hy sinh. Mất một cái gì, hay đúng hơn, mất mọi sự để làm giầu cho cuộc đời của giới trẻ là điều trao ban sự hỗ trợ cho sự tận hiến và cam kết của chúng ta.
8.3 Qua những biên bản của việc thành lập Tu hội Salêdiêng, và cách riêng qua sự phát triển công cuộc đa diện của Don Bosco trong lịch sử, chúng ta có thể biết mục đích của Gia đình Salêdiêng, khi mục đích này được chi tiết dần dần. Chúng ta được gọi là tông đồ của giới trẻ, của những khung cảnh bình dân, của những khu vực nghèo khổ và truyền giáo. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cam kết để hiểu biết có phê phán về văn hóa đa phương tiện (truyền thông) và chúng ta sử dụng các phương tiện [truyền thông], cách riêng những kỹ thuật mới, như những cách thức nhân bội đầy tiềm lực của hoạt động chúng ta trong việc gần gũi và giúp đỡ giới trẻ. Như Don Bosco cha chúng ta đã làm, chúng ta làm cho chúng can dự vào như những người cộng sự đầu tiên của chúng ta, đang khi chúng ta ở giữa chúng như những nhà giáo dục. Chúng ta trao cho chúng trách nhiệm, giúp chúng sáng kiến, làm chúng có thể nên những tông đồ giữa các bạn bè cùng trang lứa. Bằng cách này chúng ta mở tâm hồn vĩ đại của Don Bosco hơn nữa; ngài muốn đạt tới và phục vụ giới trẻ khắp thế giới.
8.4. Những ý định tốt lành của chúng ta không thể vẫn còn là những tuyên bố rỗng. Kiến thức của chúng ta về Don Bosco cần phải được chuyển dịch thành một sự cam kết với và cho giới trẻ. Như với Don Bosco, Thiên Chúa đợi chờ chúng ta nơi giới trẻ ngày nay! Vì thế, chúng ta cần phải gặp chúng, ở lại với chúng trong các nơi chốn, hoàn cảnh và biên cương ở đó chúng đợi ta. Chính vì thế chúng ta cần phải đi ra gặp chúng, luôn luôn lấy bước đầu, bước đi với chúng. Thật phấn khích khi thấy Gia đình Salêdiêng khắp thế giới đang nỗ lực tối đa cho giới trẻ nghèo nhất ra sao: trẻ hè phố, những trẻ em bị loại bỏ, những người thợ trẻ, những người lính trẻ, những em tập nghề trẻ, những em mồ côi bị bỏ quên, những em bị khai thác; nhưng một cõi lòng yêu mến thì luôn là một cõi lòng tự hỏi một số câu hỏi. Tổ chức hoạt động, sáng kiến, cơ sở cho giới trẻ thì không đủ. Điều ta cần là một sự hiện diện được đảm bảo, sự giao tiếp, sự tương quan với chúng: đó là vấn đề một lần nữa đảm nhận việc hộ trực, và tái khám phá sự hiện diện đó trên sân chơi.
8.5. Ngay cả hôm nay, Don Bosco hỏi các câu hỏi. Bằng cách biết câu chuyện của ngài, chúng ta phải lắng nghe những câu hỏi mà Don Bosco ngỏ cho chúng ta. Chúng ta có thể làm gì hơn cho giới trẻ nghèo đây? Đâu là những biên cương mới trong những lãnh vực mà chúng ta đang làm việc, trong đất nước mà chúng ta đang sống? Ngoài sự nghèo khổ được nói ở trên, bao nhiêu loại nghèo khổ khác đè nặng giới trẻ ngày nay khi chúng phấn đấu trên đường của mình? Cái gì là biên cương mới ở đó chúng ta phải trở nên can dự vào ngày nay? Chúng ta phải nghĩ về thực tại của gia đình, về sự báo động giáo dục, sự lẫn lộn trong việc giáo dục tình cảm và phái tính, thiếu sự can dự xã hội và chính trị, rút lui vào đời sống riêng của mỗi người, sự yếu đuối thiêng liêng, sự bất hạnh của quá nhiều người trẻ. Chúng ta nghe tiếng kêu của giới trẻ và cống hiến những câu trả lời cho những nhu cầu sâu xa nhất và thúc bách nhất, những nhu cầu thực tiễn và thiêng liêng của chúng.
8.6. Từ kinh nghiệm của đời sống cá nhân ngài, chúng ta có thể biết những đáp ứng mà Don Bosco ban cho những nhu cầu của giới trẻ. Bằng cách này chúng ta có thể xem xét tốt hơn nữa những đáp ứng mà chúng ta đã thiết lập và những đáp ứng khác vẫn cần được tạo nên. Dĩ nhiên có những khó khăn. Chúng ta phải "đối điện với những con sói" muốn cắn xé đàn chiên: sự dửng dưng, chủ thuyết tương đối luân lý, chủ nghĩa tiêu thụ vốn phá hủy giá trị của các sự vật và những kinh nghiệm, những ý thức hệ sai lạc. Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta, và Don Bosco khuyến khích chúng ta để là những mục tử tốt lành theo hình ảnh của vị Mục Tử Nhân Lành, để giới trẻ vẫn tìm được những người cha, người mẹ, bạn hữu; và trên hết có thể tìm ra Sự Sống, Sự Sống Chân Thật, sự sống phong phú mà Đức Giêsu trao ban.
8.7. Hồi ký Nguyện xá của thánh Phanxicô Salê được viết do Đức Pio IX rõ ràng yêu cầu, là một điểm qui chiếu để biết hành trình thiêng liêng và mục vụ của Don Bosco. Chúng được viết để chúng ta có thể biết những khởi đầu kỳ diệu của ơn gọi và công cuộc của Don Bosco, nhưng nhất là, để khi đảm trách những động cơ và chọn lựa của Don Bosco, chúng ta như những cá nhân và như mỗi nhóm của Gia đình Salêdiêng, có thể tiếp tục theo cùng một hành trình thiêng liêng và tông đồ. Chúng được coi như "những ký ức về tương lai". Vì thế suốt năm nay, chúng ta hãy cam kết để biết đến bản văn này, thông truyền nội dung của nó, gieo rắc nó, và nhất là đặt nó vào trong tay của giới trẻ: nó phải trở thành một cuốn sách truyền cảm hứng khi chúng làm những quyết định về ơn gọi của chúng.
9. Kết luận
Thông thường cha muốn kết thúc bài trình bày Hoa Thiêng với một giai thoại rất ấn tượng. Tuy nhiên, trước khi làm điều này, cha muốn gợi nhắc ở đây "giấc mơ 9 tuổi". Thực sự, dường như đối với cha, trang tự thuật này cung cấp một trình bày đơn sơ, nhưng đồng thời có tính ngôn sứ về tinh thần và sứ mệnh của Don Bosco. Trong đó, miêu tả cánh đồng công cuộc được trao cho ngài: giới trẻ; nơi đó chỉ ra mục đích của công việc tông đồ: làm chúng tăng trưởng như những cá nhân qua giáo dục; trong đó ban cho ngài một phương pháp giáo dục hiệu quả: Hệ Thống Dự Phòng; ở đấy trình bày bối cảnh trong đó mọi điều ngài làm và ngày nay mọi điều ta làm: kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa, đấng trước tiên và hơn bất kỳ cái gì khác, yêu mến giới trẻ. Chính Ngài làm chúng nên giàu có với mọi loại tặng phẩm và làm chúng trách nhiệm đối với sự phát triển của chúng, hầu chúng chiếm được chỗ đúng đắn trong xã hội. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, chúng không chỉ được đảm bảo thành công ở đời này, nhưng cũng được hạnh phúc vĩnh cửu. Vì thế, chúng ta hãy lắng nghe Don Bosco, và chúng ta sẽ nghe "giấc mơ của đời ngài."
«Đứa trẻ của giấc mơ"
Chính
vào tuổi đó cha đã có một giấc mơ. Suốt đời giấc mơ này vẫn tác động
sâu xa đến tâm trí của cha. Trong giấc mơ cha hình như đang ở gần nhà
trong một cái sân khá rộng. Nơi đó một đám trẻ em đang chơi đùa. Một số
cười đùa, số khác chơi trò chơi, và số khác nữa văng tục chửi thề. Khi
nghe được những lời này, cha lập tức nhảy vào giữa chúng và cố gắng dùng
quát tháo và nắm đấm để bắt chúng im ngay.Ngay lúc ấy một người quí phái xuất hiện; ông ăn vận rất quí phái. Ông mang một áo choàng trắng. Khuôn mặt ông rạng sáng đến nỗi cha không thể nhìn thẳng mặt ông. Ông gọi cha đích danh, bảo tôi đảm trách những trẻ em này. Ông nói thêm những lời này: "Con những phải chiến thắng các bạn của con không phải bằng đấm đá, nhưng bằng hiền dịu và tình yêu. Hãy lập tức bắt đầu dạy chúng tội lỗi thật xấu xa còn nhân đức thật giá trị."
Bối rối và sợ hãi, cha trả lời rằng mình là một đứa trẻ nghèo khổ và dốt nát. Cha không thể dạy giáo lý cho các thiếu niên này. Vào lúc đó, các trẻ ngưng đánh nhau, la hét và thề thốt; chúng vây quanh người quí phái đang nói đó.
Không biết mình nói gì, cha hỏi: "Ông là ai, mà ra lệnh cho con làm điều không thể được ấy?"
"Chính vì dường như không thể được đối với con mà con phải làm cho nó thành có thể được nhờ vâng phục và thủ đắc tri thức."
"Ở đâu, bằng phương tiện nào, con có thể thủ đắc kiến thức?"
"Ta sẽ cho con một bà giáo. Theo bà hướng dẫn, con có thể trở nên khôn ngoan. Không có bà, mọi khôn ngoan đều là ngu dốt."
"Nhưng ông là ai mà nói thế?"
"Ta là con của người phụ nữ mà mẹ con đã dạy con phải chào hỏi ba lần một ngày."
"Mẹ con bảo con không được nhập bọn với những người mà con không biết trừ phi bà cho phép. Vì vậy, xin hãy nói cho con tên của ông đi."
"Con hãy hỏi mẹ ta tên của ta là gì.
Lúc đó, tôi thấy một bà có dáng vẻ oai nghiêm đứng bên cạnh ông. Người nữ ấy mang một áo dài lấp lánh như thể được bao phủ bằng muôn tinh tú sao trời. Khi thấy từ những câu hỏi và trả lời cha còn lúng túng hơn bao giờ hết, bà ra hiệu cho cha đến gần. Bà dịu dàng cầm tay cha mà nói: "Xem này". Nhìn quanh, cha ý thức rằng tất cả thiếu niên đã biến sạch. Thế vào đó là cả một đám thú vật chó, dê, mèo và những thú vật khác.
"Đây là cánh đồng con làm việc. Con hãy làm cho mình nên khiêm tốn, mạnh mẽ và nghị lực. Điều con thấy đang xảy ra cho những thú vật này trong chốc lát là điều con phải làm cho con cái của Ta." Cha lại nhìn quanh lần nữa, và ở chỗ mà cha đã thấy những thú hoang, nay cha thấy toàn những con chiên hiền. Chúng tung tăng nhảy nhót và kêu be be như thể đón chào người đàn ông quí phái và bà sang trọng.
Lúc đó, vẫn mơ màng, cha bắt đầu khóc. Cha xin bà giải thích hầu có thể hiểu bà, bởi vì cha không biết tất cả điều này có nghĩa gì. Bà đặt tay trên đầu cha mà bảo: "Vào lúc thuận tiện, con sẽ hiểu mọi sự."
Với điều ấy, một tiếng động đánh thức cha dậy. Mọi sự biến mất. Cha hoàn toàn hoang mang. Tay cha dường như ê ẩm do cha đã đấm đá; mặt cha râm râm do những gì tôi nhận được. Ký ức về người quí phái và phụ nữ sang trọng đó, và những gì đã nói và đã nghe, xâm chiếm tâm trí tôi đến nỗi đêm ấy cha không thể thiếp ngủ được nữa (Hồi Ký Nguyện Xá thánh Phanxicô Salê, critical edition by Antonio da Silva Ferreira, LAS Rome 1991).
Don Bosco viết trong "Hồi Ký Nguyện xá" rằng giấc mơ này "vẫn còn ấn tượng sâu xa trên tâm trí cha suốt đời," hầu ngày nay ta có thể nói rằng ngài sống để biến giấc mơ thành hiện thực.
Và rồi, điều mà Cha thân yêu của chúng ta dùng làm kế hoạch đời sống của mình, khi làm cho các thiếu niên thành mục đích của ngài trong cuộc đời, và hiến tất cả năng lực của ngài mãi cho tới hơi thở cuối cùng vì chúng, là điều chúng ta hết thảy cũng đều được kêu gọi để làm như thế.
Giai thoại mà lần này cha lấy từ lịch sử, minh họa rất hùng hồn ước muốn của Don Bosco là nên dấu chỉ tình yêu không bao giờ thất vọng. Lần đầu tiên cha nghe giai thoại này do một hội viên từ Tỉnh Dòng Úc, cha Lawrie Moate, trong một diễn từ giới thiệu vào dịp cử hành kim khánh (50 năm) đời sống Salêdiêng, tại Lysterfield vào 9 tháng Bảy, 2011:
“Bản nhạc chúng ta tiếp tục”
"Bạn
hãy tưởng tượng một sân trong của một nhà tù vào thế kỷ 18 thời thực
dân Âu châu. Đó là buổi bình minh. Đang khi mặt trời bắt đầu lấp đầy
khung trời phía đông với sắc vàng óng ánh, một tù nhân được mang ra sân
đó để bị hành quyết. Đó là một linh mục; ông bị kết án tử vì chống lại
sự tàn ác mà những người dân bản xứ trong thời thực dân từng phải chịu.
Ông đứng trước bức tường và nhìn vào tiểu đội hành quyết, những người
anh em cùng quê hương mình. Trước khi bịt mắt ông, viên sĩ quan hỏi ông
câu hỏi truyền thống về những ước nguyện cuối cùng của ông. Câu trả lời
khiến mọi người ngạc nhiên: ông xin có thể thổi sáo lần cuối cùng. Những
người lính được đặt vào "tình trạng thoải mái" khi họ chờ đợi người tù
thổi sáo. Khi những nốt nhạc bắt đầu trổi lên làm đầy không khí im lặng
buổi sáng, toàn trại tù tràn ngập với âm nhạc; ngọt ngào và quyến rũ, âm
nhạc làm đầy chốn tù đầy đó với sự bình an một chứng từ hằng ngày trước
sự bạo tàn và buồn thảm. Viên sĩ quan lo lắng bởi vì bản nhạc càng kéo
dài, thì trách vụ ông thi hành dường như càng phi lý. Vì vậy ông ra lệnh
quân lính phải khai hỏa. Vị linh mục chết ngay, nhưng mọi người hiện
diện đều kinh ngạc bản nhạc tiếp tục vũ điệu của sự sống; cái chết bị
thách thức."Âm nhạc dịu ngọt của sự sống từ đâu đến?
Trong một xã hội hoàn toàn cam kết để làm cho sứ điệp của Đức Kitô phải lặng câm, cha nghĩ ơn gọi của chúng ta là ở giữa những người tiếp tục làm cho bản nhạc Sự Sống được nghe thấy. Trong một thế giới làm mọi sự có thể để ngăn cản giới trẻ nghe lời mời gọi tha thiết của Đức Kitô "hãy đến mà xem", thì đặc ân của chúng ta là được lôi kéo tới Don Bosco và được khích lệ để chơi bản nhạc của cõi lòng, để làm chứng cho đấng siêu việt, để thi hành tình cha thiêng liêng, để dẫn thanh thiếu niên vào một hướng vốn tương ứng với phẩm giá của chúng và với những ước muốn chân chính của Chúa.
Đây là vũ điệu của Thần khí! Đây là âm nhạc của Thiên Chúa!
Các hội viên, các nữ tu cùng tất cả các thành viên của Gia đình Salêdiêng, những bạn hữu xa gần của Don Bosco, tất cả giới trẻ mến yêu, cha cầu chúc cho tất cả năm mới 2012 hạnh phúc, đầy tràn phúc lành của Thiên Chúa, và với một sự cam kết được canh tân để tiếp tục làm cho bản nhạc của chúng ta được nghe thấy, bản nhạc làm đầy cuộc đời của giới trẻ bằng ý nghĩa, và làm chúng khám phá nguồn mạch của niềm vui.
Cầu chúc mọi người được khỏe mạnh và cha nhớ đến mọi người trong kinh nguyện.
Roma, 31 tháng Mười Hai 2011.
Lm. Pascual Chávez Villanueva
Bề Trên Cả dòng Salêdiêng Don Bosco
No comments:
Post a Comment