Saturday, March 31, 2012

CHÚA GIÊSU PHỤC SINH

 

«Nếu Ðức Ki-tô không phục sinh, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và đức tin của anh em cũng hư vô hão huyền» (1Cr 15, 14).

BIẾN CỐ PHỤC SINH

1. «Ðức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh»[1]
Chúa Giêsu phục sinh, hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus và Người giải thích Thánh Kinh cho hai ông (x. Lc 24, 25-27). “Thánh Kinh” trở thành tiêu chuẩn trường tồn trong việc nhận biết và hiểu về Chúa Giêsu Kitô.[2]

Cái chết của Đức Giêsu nằm trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa và hoàn thành những gì “Thánh Kinh” đã tiên báo về Người. Đó là nhiệm cục của tình yêu vô hạn Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và đã cử Con của Ngài đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta (1 Ga 4, 10).

Hoàn thành hy lễ trên thập giá,[3] Chúa Giêsu đã tự do chấp nhận chịu nạn và chịu chết vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến con người: «chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình» (Ga 10, 18). Hy tế của Người là duy nhất, hoàn tất và vượt trên mọi hy tế (x. Dt 10, 10) và là «nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu» (Dt 5, 9) cho con người.

2. «Người được mai táng, và ngày thứ ba chỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh»
Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, có ba lần Đức Giêsu tiên báo Người sẽ chịu chết rồi sẽ sống lại: Mt 16,21, 17,22 và 20,19.
“Thánh Kinh” đã tiên báo về biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô vào ngày thứ ba như “dấu chỉ tiên tri Giona” (ba ngày ba đêm trong bụng cá: x. Mt 12, 39; Lc 11, 29) hay như tiên tri Osea loan báo về “ngày thứ ba Thiên Chúa sẽ nâng dậy” (Os 6, 2); hay đã được nói đến trong Thánh Vịnh 16, 10 và tiên tri Isaia 53. Tất cả điều này đều dựa trên đức tin về sự cứu độ được loan truyền trong Thánh Kinh.

3. «Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi nhóm Mười Hai»
Phục Sinh của Chúa Giêsu là biến cố ngoại thường đến độ không thể nắm bắt được trong các chiều kích vượt ngoài khả năng hiểu biết và điều tra của con người. Nhưng cũng là một sự kiện ”lịch sử”, có thật, có chứng tá và tài liệu.

Trong biến cố phục sinh, yếu tố đầu tiên là ngôi mộ trống. Việc phát hiện mồ trống là bước đầu dẫn các môn đệ đến việc nhìn nhận chính sự kiện Chúa sống lại: «đã thấy và đã tin» (Ga 20, 8).

Chúa Giêsu đã hiện ra với các phụ nữ là những người đầu tiên được gặp Ðấng Phục Sinh[4] và với các tông đồ trước hết với Phê-rô, sau đó với nhóm Mười Hai (x. 1Cr 15, 5): «Chúa đã sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon» (Lc 24, 34. 36).

Các tông đồ là những chứng nhân của Chúa Kitô Phục Sinh. Các Ngài là nền tảng của Giáo Hội, qua đó, Phêrô là cột trụ mà chính Chúa Gie6su đã trao phó nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Người: «Thầy biết con yêu mến Thầy»; «Hãy chăm sóc chiên con của Thầy».

Ý NGHĨA SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh hoàn tất những lời hứa của Cựu Ước và của chính Người khi còn sống tại thế.[5] Phục Sinh xác nhận thiên tính thật của Ðức Giê-su. «Khi các ông đưa Con Người lên cao, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu» (Ga 8, 28).

Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh có những tương quan trực tiếp với các môn đệ của Người, qua tiếp xúc và việc chia sẻ bữa ăn.[6] Thân xác vinh hiển của Người không còn bị ràng buộc trong không gian và thời gian nữa. Thân xác này tham dự vào đời sống thần linh vinh hiển.

Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh là nguyên lý sự sống lại của chúng ta: ngay trong hiện tại, Người công chính hóa linh hồn chúng ta (x. Rm 6, 4), và sau này cho thân xác chúng ta được sống lại (x. Rm 8, 11).

Phục Sinh là tin vui tuyệt diệu, là Tin Mừng được loan báo và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đức tin của các kitô hữu dựa trên việc loan báo liên tục và trung thành Tin Mừng ấy.

«Mỗi một môn đệ của Chúa Kitô đều được mời gọi trở thành chứng nhân của Chúa phục sinh. Tin vui cuộc sống mới trong Chúa Kitô phải sáng ngời trong cuộc sống của kitô hữu, phải sinh động và hoạt động nơi người đem nó đến cho người khác, phải thực sự có khả năng thay đổi con tim, và toàn cuộc sống [...] Các kitô hữu sẽ là các chứng nhân của Chúa Giêsu phục sinh thực sự và đến cùng, khi họ để cho dấu lạ tình yêu của Người tỏ hiện; khi các lời nói và nhất là cử chỉ của họ hoàn toàn trung thực với Tin Mừng, khi đó mọi người sẽ nhận ra tiếng nói và bàn tay của chính Chúa Giêsu».[7]

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho các môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
Fx. Phạm Đình Phước SDB

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
Benedetto XVI, Gesù di Nazaret, Vol. 2, LEV, Città del Vaticano 2011, 269 – 307.
Altfrid Kassing, Sulla risurrezione di Cristo. Meditazioni teologiche, Queriniana, Brescia 1971.


[1] Xem Cv 3, 18; 7, 52; 13, 29; 26, 22-23.
[2] «Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô» (Thánh Jê-rôm)
[3] «Ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời» (Thánh Rô-sa thành Li-ma).
[4] Xem Mc 16, 1; Lc 24, 1; Mt 28, 9-10; Ga 20, 11-18.
[5] Xem Mt 28, 6; Mc 16, 7; Lc 24, 6-7.
[6] Xem Ga 21, 9. 13-15; Lc 24, 39.
[7] Benedetto XVI, Buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phê-rô 7.4.2010.

No comments:

Post a Comment