Friday, March 30, 2012

CHÚA NHẬT LỄ LÁ




Các Tin Mừng đều tường thuật biến cố Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem,[1] cách đặc biệt thánh sử Luca ghi lại rằng Chúa “lên” thành thánh Giê-ru-sa-lem (x. Lc 19, 28). Thánh Luca mô tả  đúng xét về mặt địa lý, vì đồng bằng Galilea thấp hơn 200m so với mặt nước biển, và như vậy Giê-ru-sa-lem cao hơn 760 m so với Galilea. Tuy nhiên, đó chỉ là tượng trưng cho một cuộc đi lên theo nghĩa tinh thần, dành cho những ai muốn đi theo Chúa Giêsu, đó là vươn lên đến chiều cao của ơn gọi làm người. Tin mừng cũng tường thuật rằng Chúa Giêsu đã tiên báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Mục đích chính của việc “lên đền thánh” Giê-ru-sa-lem là thập giá, là hy lễ và ơn cứu độ hiến tặng cho nhân loại: “yêu mến đến tận cùng” (Ga 13,1). [2]

Lên đền thánh Giê-ru-sa-lem để dự đại lễ vượt qua, Chúa Giêsu đi cùng các môn đệ và dòng người khách hành hương. Mác-cô và Mat-thêu tường thuật rằng từ Giêricô có một hàng ngủ đông đảo theo Ngài (x. Mt 20, 29 và Mc 10, 46). Trên đường đi Chúa Giêsu chữa lành cho anh mù từ lúc mới sinh là Bartimeo: “đức tin anh đã cứu chữa anh” (Mc 10, 47). Bartimeo được chữa lành và gia nhập đoàn người theo Chúa tiến vào đền thánh Giê-ru-sa-lem (x. Mt 20, 33).

Gần Giê-ru-sa-lem, nơi mọi người đón chờ Đấng Messia, con vua Đavit,[3] khi đến tại làng Betfage và Bêtania phía đông nam núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ và bảo hai ông: "Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay" (Mt 21, 2 -3). Thánh Mác-cô thêm một chi tiết thú vị là “con lừa chưa ai từng cỡi” (Mc 11,2). Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền.

Sự việc này xảy ra để ứng nghiệm lời tiên tri Da-ca-ri-a: “Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, Ngài hiền hậu ngồi trên lưng lừa” (Dcr 12, 15). Việc Chúa Giê-su tiến vào thành “trên lưng lừa” cho thấy Chúa Giêsu diễn tả vương quyền của Ngài ở trong sự nghèo khó, trong khiêm tốn và trong bình an của Thiên Chúa.[4]

Việc “mặc áo choàng” mang ý nghĩa vương đế trong truyền thống Israel (x. 2 V 9, 13). Các môn đệ đã biểu lộ hành động tôn vinh Chúa Giêsu “lên ngôi”. Đông đảo khách hành hương thấy nhiệt tâm của các môn đệ cũng trải áo choàng xuống trải xuống mặt đường, chặt nhành chặt lá mà rải trên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy và tung hô: “Osanna, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” (Mc 11, 9; Tv 118, 25).

“Osanna”[5] có nghĩa là “xin cứu giúp chúng con”, trong các thánh vịnh 113 đến 118 tôn vinh và tri ân Thiên Chúa. Vào các dịp lễ, dân chúng hành hương lên đền thờ Giê-ru-sa-lem, tay vừa phất các cành lá linh thánh vừa hát các câu tung hô, và các dịp lễ như thế biến thành những lễ hội của niềm vui. Trong bối cảnh này, khách hành hương diễn tả niềm vui đối với Chúa Giêsu khi Ngài tiến vào thành, với niềm hy vọng là Đấng Messia sẽ thiết lập vương quyền trên Israel. Tuy nhiên, con người cần biết rằng Đấng Messia sẽ mang đến cho loài người không phải là các của cải trần gian nhưng là các phúc lành của trời cao.

“Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến” là lời chúc tụng của các thượng tế dành cho khách hành hương đến đền thành Giê-ru-sa-lem. Ở đây, áp dụng cho Chúa Giêsu để mô tả lời chào mừng Đấng ngự đến, Đấng được chờ đợi, và Đấng hoàn thành mọi lời hứa (x. Mt 21, 10).

Khi vào đền thánh, ngay sau việc thanh tẩy đền thờ, thánh sử Mat-thêu tường thuật thêm hai chi tiết nhỏ khác mang đặc tính tiên tri và đồng thời soi sáng cho biết ý định thực sự của Chúa Giêsu. Trước hết, Chúa Giêsu nói về đền thờ là ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc và “có những kẻ mù loà và què quặt đến với Ngài trong đền thờ. Ngài đã chữa họ lành”. Chúa Giêsu tỏ hiện như một Đấng yêu thương và quyền năng của Ngài là quyền năng tình yêu. Như thế, Ngài dạy các kitô hữu về sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực: chữa lành, phục vụ và thiện tâm săn sóc. Hơn nữa, Mat-thêu còn nói rằng các trẻ em reo hò trong đền thờ cùng với những lời tung hô của những người hành hương trong đền thờ: “Hoan hô Con Vua Đavít” (Mt 21, 15). Để vào Nước Thiên Chúa thì một trong những điều cốt yếu là phải trở nên như trẻ nhỏ. Chính Chúa Giêsu, Đấng ôm lấy trọn vẹn thế giới, đã làm cho mình trở nên bé nhỏ để đến giúp đỡ con người, đưa họ về với Thiên Chúa. Để nhận biết Thiên Chúa, thì cần thiết phải từ bỏ sự kiêu hãnh và để gặp Thiên Chúa thì cần phải nhìn bằng con tim, phải học để nhìn với một tâm hồn trẻ thơ và với một tâm hồn tươi trẻ.[6]

Mỗi kitô hữu hãy đón chào Chúa Giêsu ngự trong Thánh Thể như Đấng ngự đến trong lòng giáo hội, và đón chào Đấng hiện diện luôn mãi và Đấng sẽ ngự đến trong vinh quang. Như khách hành hương vào đến thánh Giê-ru-sa-lem, mỗi một kitô hữu được mời gọi gặp Chúa trong Thánh Thể.
Với lễ Lá, các kitô hữu đang bước vào tuần thánh, với cao điểm của phụng vụ Kitô giáo là Tam Nhật Thánh. Phụng vụ trong những ngày này thuật lại sự thương khó, khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, kể cả những người, cho dẫu không biết Thiên Chúa, sống với lòng ngay thẳng và chân thật.

Con người được dựng nên để sống và sống để yêu mến: yêu mến Chúa và để yêu thương nhau. Thiên Chúa là tình yêu, đã sáng tạo muôn loài, đã tạo dựng và cứu chuộc con người. Nhập Thể và Cứu Chuộc là mầu nhiệm của tình yêu. Chúa Giêsu đã chấp nhận đau thương để đem lại yêu thương cho con người. Thiên Chúa cho con người được thông phần cuộc sống của Đấng “là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”, để cho họ “được sống dồi dào” và sống viên mãn trong tình yêu.
Fx. Phạm Đình Phước SDB


Sự khiêm hạ (Kènosys)
            Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa
            mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
            địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
            nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
            mặc lấy thân nô lệ,
            trở nên giống phàm nhân
            sống như người trần thế.
            Người lại còn hạ mình,
            vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
            chết trên cây thập tự.

Vinh quang
            Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
            và tặng ban danh hiệu
            trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
            Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
            cả trên trời dưới đất
            và trong nơi âm phủ,
            muôn vật phải bái quỳ ;
            và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
            mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng :
            "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa" (Pl 2, 6-11)


[1] Xem Mt 21, 1-11; Mc 11, 1-11; Lc 19, 28-39 và Ga 12, 12-19. Giê-ru-sa-lem là kinh đô của miền Giudea, cũng là Sion, trung tâm tôn giáo của dân Do Thái, vì có Đền Thờ. Hơn thế nữa, nó ám chỉ đền thờ dâng kính Thiên Chúa duy nhất. Điều này muốn nói lên rằng chỉ có một Thiên Chúa, là chủ tể của mọi loài thọ sinh, và mọi loài đều mang trong thâm tâm lòng khắc khoải tìm kiếm Ngài.
[2] Xem thêm Joseph Ratzinger – Benedetto XVI, Gesù di Nazaret, Vol. 2, LEV, Città del Vaticano 2011, 10-12.
[3] Trong khi vào Giêrusalem, dân chúng tôn vinh Chúa Giêsu như là Con Vua Đavít, với những lời của những người hành hương trong Thánh vịnh 118: “Hoan hô Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!” (x. Mt 21, 9).
[4] Chúa Giêsu là đức vua của những người nghèo (anawým), hơn là vua của những người mạnh thế (ghibborým) vẫn chầu quanh vua Đavít (x. 2 Sm 1,19.21).
[5] Hạn từ tiếng Híp-ri hôsý‘ah-nna’, hay hôsha‘-na.
[6] Benedetto XVI, Omelia nella messa delle Palme, Vaticano 2008.

No comments:

Post a Comment