Friday, August 12, 2011

TUYÊN NGÔN DOMINUS JESUS



 
Bộ Giáo lý Đức tin
Tuyên Ngôn “DOMINUS JESUS” (Chúa Giêsu) về độc nhất tính và phổ quát tính cứu độ của
Đức Giêsu Kitô và của Giáo Hội
Nhập đề
            1. Chúa Giêsu, trước khi lên trời, đã ra lệnh cho các môn đệ rao giảng Tin Mừng khắp thế giới và rửa tội muôn dân: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16). “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, ban phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20; x. Lc 24,46-48; Ga 17,18-20; Cv 1,8).
            Sứ vụ phổ quát của Giáo Hội phát sinh từ mệnh lệnh của Đức Giêsu Kitô và hoàn thành theo dòng các thế kỷ qua việc loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa Cha, Con, Thánh Thần, và mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con như là biến cố cứu độ cho toàn thể nhân loại. Những nội dung cơ bản của việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo được diễn tả như sau: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha. Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Philatô. Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh; Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Người sẽ không bao giờ cùng. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy. Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tôi tuyên xưng có một phép Rửa để tha tội. Tôi trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau” (1).
            2. Qua các thế kỷ, Giáo Hội đã công bố và trung thành minh chứng cho Tin Mừng của Đức Giêsu. Dầu vậy, khi kết thúc ngàn năm thứ hai, sứ vụ này còn lâu mới hoàn thành (2). Vì lẽ đó, lời Thánh Phaolô nay thích đáng hơn bao giờ hết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Điều này giải thích việc Huấn quyền đặc biệt chú ý nêu lên những lý do để cổ võ và yểm trợ sứ vụ Phúc âm hóa của Giáo Hội, nhất là đối với với các truyền thống tôn giáo thế giới (3).
            Khi xem xét những giá trị mà các tôn giáo đó làm chứng và cống hiến cho nhân loại, với một cách tiếp cận cởi mở và và tích cực, Tuyên ngôn Công đồng Vaticanô II về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo có khẳng định: “Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân lý chiếu soi mọi người” (4). Tiếp tục chiều hướng suy nghĩ này, việc Giáo Hội công bố Đức Giêsu Kitô là “Đường, Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6) ngày nay vẫn còn mượn đường lối đối thoại liên tôn. Cuộc đối thoại như thế chắc chắn không thay thế, nhưng đúng hơn đi kèm sứ vụ truyền giáo cho muôn dân (ad gentes), hướng đến “mầu nhiệm hiệp nhất”, theo đó “tất cả những ai được cứu chuộc đều thông phần, dù cách khác nhau, vào cùng mầu nhiệm cứu độ trong Đức Giêsu Kitô nhờ Thần Khí của Người” (5). Cuộc đối thoại liên tôn, thành phần trong sứ vụ Phúc âm hóa của Giáo Hội (6), đòi buộc một thái độ thông cảm cũng như một mối quan hệ biểu biết lẫn nhau và làm giàu cho nhau, trong niềm vâng phục chân lý và tôn trọng tự do (7).
            3. Trong khi thực hiện đối thoại giữa đức tin Kitô giáo với các truyền thống tôn giáo khác, cũng như khi tìm cách thấu hiểu sâu xa hơn nền tảng lý thuyết của việc này, nảy sinh nhiều vấn đề mới cần được xử lý bằng cách theo đuổi những con đường tìm kiếm mới, đưa ra những đề nghị, và gợi ý những cách hành động đòi hỏi sự phân định kỹ lưỡng. Trong nhiệm vụ ấy, Tuyên ngôn này cố gắng nhắc lại cho các Giám Mục, các nhà thần học, và mọi tín hữu Công giáo một vài yếu tố không thể thiếu được của giáo lý Kitô, những yếu tố có thể giúp cho suy tư thần học trong việc khai triển những giải pháp nhất quán với các nội dung đức tin và đáp ứng các nhu cầu cấp bách của nền văn hoá hiện đại.
            Ngôn ngữ có tính trình bày của Tuyên ngôn phù hợp với mục đích của nó, đó là không phải bàn luận cách có hệ thống vấn đề độc nhất tính và phổ quát tính cứu độ của mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội, cũng chẳng phải đề nghị những giải pháp cho các vấn đề đang được thần học tự do tranh cãi, nhưng đúng hơn là nêu lại giáo lý đức tin Công Giáo trong các lãnh vực đó, chỉ rõ một số vấn đề cơ bản còn mở ngỏ để được phát triển sâu rộng hơn, và bác bỏ những lập trường cụ thể lầm lạc hay mơ hồ. Vì lẽ đó, Tuyên ngôn đề cập đến những gì đã được dạy bảo trong các văn kiện trước đây của Huấn quyền, để nhắc lại một số chân lý làm nên đức tin của Giáo Hội.
            4. Việc kiên trì công bố rao giảng của Giáo Hội ngày nay gặp nguy hiểm do các thuyết duy tương đối đang tìm cách biện minh cho chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo, không những trên thực tế mà còn trên nguyên tắc nữa. Hậu quả là thấy có một số chân lý đã bị thay thế; ví dụ tính cách chung quyết và hoàn bị của mạc khải của Đức Giêsu Kitô, bản chất đức tin Kitô giáo sánh với bản chất niềm tin trong các tôn giáo khác, tính chất linh hứng của Thánh Kinh, sự hiệp nhất ngôi vị giữa Lời Vĩnh cửu và Đức Giêsu Nadarét, sự thống nhất trong nhiệm cục của Lời Nhập thể và của Chúa Thánh Thần, độc nhất tính và phổ quát tính cứu độ của mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, vai trò trung gian cứu độ phổ quát của Giáo Hội, sự bất khả phân ly -đang khi vẫn thừa nhận sự cách biệt-  của Vương quốc Thiên Chúa, Vương quốc Đức Kitô và Giáo Hội, và sự tồn tại của Giáo Hội độc nhất của Đức Kitô trong Giáo Hội Công giáo.
            Phải tìm gốc rễ của các vấn đề này trong một vài giả định vừa mang tính triết học vừa mang tính thần học, vốn ngăn cản sự hiểu biết và chấp nhận chân lý mặc khải. Có thể nêu lên một số giả định như sau: niềm xác tín chân lý thần linh là không thể nắm bắt và diễn đạt, dù qua mặc khải Kitô giáo; những thái độ duy tương đối đối với chính chân lý, cho rằng cái là đúng đối với người này, thì lại không đúng đối với kẻ kia; tính đối lập triệt để giữa não trạng luận lý Tây phương và não trạng biểu tượng Đông phương; thái độ chủ quan, xem lý trí như nguồn mạch độc nhất của tri thức, nên không có khả năng nâng “cái nhìn của mình lên cao, chẳng dám tiến tới chân lý của hữu thể” (8); nỗi khó khăn trong việc hiểu biết và chấp nhận sự hiện diện của những biến cố quyết định và cánh chung trong lịch sử; sự tước bỏ chiều kích siêu hình nơi việc nhập thể lịch sử của Lời Vĩnh cửu, coi đó chỉ như một cuộc hiện ra của Thiên Chúa trong lịch sử; thuyết chiết trung của những người, khi nghiên cứu thần học, đã hấp thụ thiếu phê phán các ý tưởng từ đủ thứ bối cảnh triết học và thần học, mà không đếm xỉa gì tới sự nhất quán, liên quan hệ thống, hay tương hợp với chân lý Kitô; sau hết là khuynh hướng đọc và giải thích Kinh Thánh bên ngoài Truyền thống và Huấn quyền của Giáo Hội.
            Trên nền tảng những giả định như thế, vốn có thể biểu lộ nhiều sắc thái khác nhau, đã phát triển một số đề xuất thần học -được trình bày có lúc như những khẳng định, có lúc như những giả thuyết- trong đó mặc khải Kitô giáo và mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô cũng như của Giáo Hội mất đi đặc tính chân lý tuyệt đối và mất đi phổ quát tính cứu độ, hay ít ra cũng bị bao phủ bởi những bóng tối nghi ngại và ngập ngừng.
I. Tính trọn vẹn và chung quyết của mạc khải Đức Giêsu Kitô
            5. Muốn sửa chữa não trạng duy tương đối này, vốn ngày càng lan rộng, đặc biệt cần tái khẳng định tính chất chung quyết và trọn vẹn của mặc khải Đức Giêsu Kitô. Thật thế, phải tin chắc rằng: trong mầu nhiệm Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa Nhập Thể, “con đường, sự thật, sự sống” (Ga 14,6), mặc khải trọn vẹn về chân lý thần linh đã được trao ban: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27); “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18); "Thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể" (Cl 2,9-10).
            Trung thành với Lời Chúa, Công đồng Vaticanô II dạy: “Nhờ mặc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người được sáng tỏ nơi Đức Kitô, Đấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mặc khải” (9). Hơn nữa, “Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, được sai ‘như một con người tới với loài người’, ‘đã nói tiếng nói của Thiên Chúa’ (Ga 3,34), và hoàn thành công trình cứu rỗi Chúa Cha đã giao phó cho Người thực hiện (x. Ga 3,36;17,4). Vì thế, Đức Giêsu, Đấng mà ai thấy là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9), đã đến bổ túc và hoàn tất mặc khải, bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói và việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ cõi chết, sau cùng qua việc sai Thần Chân lý đến; Người đã bổ túc, hoàn thành và củng cố mặc khải bằng chứng tích thần linh... Do đó nhiệm cục Kitô giáo, vì là giao ước mới và vĩnh viễn, sẽ chẳng bao giờ mai một, và chúng ta không phải chờ đợi một mặc khải công khai nào khác nữa trước khi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta hiện đến trong vinh quang (x. 1Tm 6,14; Tt 2,13)” (10).
            Vì vậy, Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu thế” (Redemptoris Missio) lại kêu gọi Giáo Hội thi hành trách nhiệm loan báo Tin Mừng như chân lý viên mãn: “Trong Lời mạc khải chung quyết này, Thiên Chúa đã tỏ mình theo cách thế đầy đủ nhất. Người đã bộc lộ cho nhân loại biết Người là ai. Việc Thiên Chúa tự mặc khải cách chung quyết như vậy là lý do cơ bản tại sao Giáo Hội tự bản tính là truyền giáo. Giáo Hội không thể làm gì khác hơn là công bố Tin Mừng, nghĩa là trọn vẹn chân lý mà Thiên Chúa đã ban để chúng ta biết về Người” (11). Do đó, chỉ mặc khải của Đức Giêsu Kitô mới “mang vào trong lịch sử chúng ta một chân lý phổ quát và tối hậu thúc giục trí khôn nhân loại cố gắng không ngừng” (12).
            6. Bởi đó, trái nghịch với đức tin Giáo Hội cái lý thuyết cho rằng mạc khải của Đức Giêsu Kitô mang tính giới hạn, bất túc hay bất toàn và chỉ bổ sung cho mặc khải tìm thấy trong các tôn giáo khác. Một lập trường như thế dựa trên khái niệm cho rằng chân lý về Thiên Chúa không thể được nắm bắt hay bày tỏ toàn bộ và đầy đủ bởi bất cứ tôn giáo lịch sử nào, kể cả Kitô giáo lẫn Đức Giêsu Kitô.
            Một lập trường như thế trái ngược hẳn với những tuyên bố nói trên của đức tin Công giáo, theo đó mặc khải đầy đủ và trọn vẹn về mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa đã được ban cho nơi Đức Giêsu Kitô. Bởi vậy, lời nói, việc làm và toàn bộ biến cố lịch sử của Đức Giêsu, tuy hạn chế như những thực tại con người, vẫn có Ngôi vị thần linh của Lời Nhập Thể, “Chúa thật và người thật” (13), làm chủ thể. Vì lẽ đó, chúng mang trong mình tính chung quyết và trọn vẹn của mặc khải về các đường lối cứu độ của Thiên Chúa, cho dẫu chiều sâu của mầu nhiệm thần linh tự nó vẫn mãi siêu việt và vô tận. Chân lý về Thiên Chúa không bị hủy bỏ hay giảm thiểu vì được nói qua ngôn ngữ loài người; đúng hơn, chân lý đó là độc nhất, đầy đủ và hoàn thành, bởi lẽ kẻ nói và làm chính là Con Thiên Chúa nhập thể. Như thế, đức tin đòi hỏi chúng ta tuyên xưng rằng Ngôi Lời làm người, trong toàn bộ mầu nhiệm của Người, kể từ nhập thể tới tôn vinh, là nguồn mạch, được chia sẻ nhưng có thật, cũng như là sự hoàn thành mọi mặc khải cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại (14); đức tin cũng đòi hỏi chúng ta tuyên xưng rằng Thánh Thần, Thần Khí của Đức Kitô, dạy “sự thật toàn vẹn” này (Ga 16,13) cho các Tông đồ và, qua các ngài, cho toàn thể Giáo Hội.
            7. Cách đáp trả xứng hợp đối với mạc khải Thiên Chúa là “tin mà vâng phục” (Rm 6,26; x. Rm 1,5; 2Cr 10,5-6), qua hành vi đó con người tự do phó thác toàn thân cho Thiên Chúa, “dâng lên Thiên Chúa Đấng mặc khải sự quy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí, đồng thời sẵn lòng chấp nhận mặc khải Người ban cho” (15). Đức tin là một quà tặng của ân sủng: “để được đức tin này, cần có ân sủng của Thiên Chúa đi trước nâng đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và ban cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý” (16).
            Sự vâng phục của đức tin bao hàm việc chấp nhận chân lý nơi mặc khải của Đức Kitô, chân lý được Thiên Chúa là chính Chân lý bảo đảm (17): “Tin trước hết là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải” (18). Do đó đức tin, xét như “hồng ân của Thiên Chúa” và như “nhân đức siêu nhiên do Người phú bẩm” (19), bao hàm hai sự gắn bó: với Thiên Chúa mặc khải và với chân lý mặc khải bởi Người, khác hẳn lòng tín nhiệm ta đặt vào kẻ nói với ta. Như vậy, “chúng ta không được tin ai khác ngoài Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần” (20).
            Vì lẽ đó, phải nắm vững sự phân biệt giữa đức tin đối thần và niềm tin trong các tôn giáo khác. Nếu đức tin là việc chấp nhận trong ân sủng chân lý mặc khải, là “khả năng xâm nhập mầu nhiệm đến nỗi cho phép chúng ta hiểu mầu nhiệm cách mạch lạc” (21), thì niềm tin, trong các tôn giáo khác, là tổng số kinh nghiệm và tư tưởng làm nên kho tàng khôn ngoan và khát vọng tôn giáo của nhân loại, là cái mà khi tìm kiếm sự thật, con người đã hình thành và hành động theo trong quan hệ với Thiên Chúa và Tuyệt đối thể (22).
            Lối phân biệt ấy không luôn có nơi tâm trí trong suy tư thần học hiện thời. Vì thế, đức tin đối thần (việc chấp nhận chân lý được Thiên Chúa độc nhất và ba ngôi mặc khải) thường bị đồng hoá với niềm tin trong các tôn giáo khác, vốn chỉ là kinh nghiệm tôn giáo đang đi tìm chân lý tuyệt đối và còn thiếu lòng tín phục vị Thiên Chúa tự mạc khải chính mình. Đây là một trong các lý do khiến những khác biệt giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác có xu hướng bị giảm thiểu đôi khi đến độ mất hẳn.
            8. Người ta cũng đưa ra giả thuyết cho rằng sách thiêng của các tôn giáo khác cũng có giá trị linh hứng. Chắc chắn phải thừa nhận rằng có vài yếu tố trong các văn bản đó thật sự là những công cụ giúp vô số người, trải bao thế kỷ, đã và đang còn có thể nuôi dưỡng lẫn duy trì tương quan-sự sống của mình với Thiên Chúa. Vì vậy, như đã lưu ý trên, khi xem xét những tập quán, giới luật và học thuyết của các tôn giáo khác, Công đồng Vaticanô II, đã dạy rằng “tuy có nhiều điểm khác với những gì Giáo Hội duy trì và đề nghị, những tập quán, giới luật và học thuyết đó thường cũng thường đem lại một tia sáng của Chân lý chiếu soi mọi người” (23).
            Dầu vậy, truyền thống Giáo Hội vẫn dành danh xưng “bản văn linh hứng” cho những sách chính lục của Cựu và Tân Ước, bởi lẽ chúng đã được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần (24). Tiếp tục truyền thống này, Hiến chế tín lý Mặc khải của Công đồng Vaticanô II tuyên bố: “Giáo Hội Mẹ Thánh, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ sách Cựu Ước cũng như Tân Ước, với tất cả các thành phần, đều là sách thánh và được ghi vào bản chính lục Thánh Kinh; bởi đã được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần (x. Ga 20,31; 2Tm 3,16; 2Pr 1,19-21;3,15-16), các sách ấy có Thiên Chúa làm tác giả và đã được lưu truyền cho Giáo Hội với tình trạng như vậy” (25). Chúng “dạy cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Kinh Thánh ghi lại vì phần rỗi chúng ta” (26).
            Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng muốn kêu gọi mọi người đến với mình trong Đức Kitô cũng như thông ban cho họ mặc khải và tình yêu viên mãn của Người, “đã không nhãng bỏ việc tỏ mình bằng nhiều cách, chẳng những đối với các cá nhân, mà còn đối với toàn thể các dân tộc qua những kho tàng thiêng liêng của họ, những kho tàng mà các tôn giáo của họ là biểu thức chính yếu và chủ chốt, ngay cả khi chứa đựng ‘nhiều thiếu sót, khuyết điểm và sai lầm’” (27). Do đó, các sách thiêng của những tôn giáo khác, mà trên thực tế đang hướng dẫn và nuôi dưỡng cuộc sống của tín đồ, đều nhận lãnh từ mầu nhiệm Chúa Kitô những yếu tố thiện hảo và ân sủng mà chúng chứa đựng.
II. Ngôi Lời nhập thể và Chúa Thánh Thần
trong công trình cứu độ
            9. Trong suy tư thần học hiện đại thường xuất hiện một lối tiếp cận Đức Giêsu Nadarét mà xem Người như một nhân vật lịch sử, giới hạn, cá biệt, mặc khải Thần linh chẳng phải cách độc chiếm, nhưng cách bổ sung, cùng với các nhân vật mạc khải và cứu độ khác nữa. Vô biên thể, Tuyệt đối thể, Mầu nhiệm tối hậu của Thiên Chúa như thế tự bày tỏ cho nhân loại bằng nhiều cách thức và trong nhiều nhân vật lịch sử: Đức Giêsu Nadarét là một trong những nhân vật đó. Cụ thể hơn, đối với vài người, Đức Giêsu là một trong nhiều khuôn mặt khác nhau mà Ngôi Lời đã khoác lấy trong dòng thời gian để giao tiếp với nhân loại bằng phương thức cứu rỗi.
            Hơn nữa, để giải thích phổ quát tính của ơn cứu độ Kitô lẫn sự kiện đa nguyên tôn giáo, người ta đã đề xuất ý kiến cho rằng có một nhiệm cục của Ngôi Lời vĩnh cửu, hữu hiệu cả bên ngoài Giáo Hội và chẳng liên can gì tới Giáo Hội, bổ sung cho nhiệm cục của Ngôi Lời nhập thể. Nhiệm cục thứ nhất có giá trị phổ quát lớn hơn nhiệm cục thứ hai, là nhiệm cục chỉ giới hạn vào các Kitô hữu, cho dẫu sự hiện diện của Thiên Chúa tràn đầy hơn trong nhiệm cục thứ hai này.
            10. Những luận đề này đối chọi sâu xa với đức tin Kitô giáo. Phải tin vững giáo lý công bố rằng Đức Giêsu Nadarét, con bà Maria, và chỉ mình Người, là Con và là Lời của Chúa Cha. Ngôi Lời, Đấng “lúc khởi đầu vẫn ở nơi Thiên Chúa” (Ga 1,2), cũng là một với Đấng “đã thành xác phàm” (Ga 1,14). Trong Đức Giêsu, “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), “tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9). Người là “Con Một Chúa Cha, là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18), là “Con chí ái Chúa Cha, trong đó ta được ơn cứu chuộc... Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,13-14;19-20).
            Trung thành với Kinh Thánh và bác bỏ những giải thích sai lạc và giảm thiểu, Công đồng Nixêa thứ nhất đã long trọng xác định lòng tin của mình vào “Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, con một sinh bởi Chúa Cha, nghĩa là bởi bản thể của Chúa Cha, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra chớ không phải tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, vật trên trời lẫn vật dưới đất. Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã xuống thế và đã nhập thể, làm người, chịu khổ hình và sống lại ngày thứ ba. Người lên trời và sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết” (28). Tiếp nối giáo huấn của các Giáo phụ, Công đồng Canxêđônia cũng đã tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Con Một và là chính Chúa Con, vừa trọn hảo trong thần tính vừa trọn hảo trong nhân tính, vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật..., đồng bản thể với Chúa Cha theo thần tính và đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính..., được sinh ra theo thần tính bởi Chúa Cha trước mọi thời đại và, trong những ngày sau hết này, vì chúng ta và vì phần rỗi chúng ta, được sinh ra theo nhân tính bởi Đức Maria, Mẹ Đồng Trinh của Thiên Chúa” (29).
            Vì lẽ đó, Công đồng Vaticanô II phát biểu rằng Đức Kitô “Ađam mới... ‘hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’ (Cl 1,15), chính là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch... Là Chiên vô tội, Người đã tự ý đổ máu ra để chúng ta được sống, và chính trong Người, Thiên Chúa đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa và hoà giải chúng ta với nhau, cũng như đem chúng ta ra khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi; do đó mỗi người chúng ta có thể nói như Thánh Tông đồ rằng: Con Thiên Chúa ‘đã yêu thương tôi, lại hiến thân cho tôi nữa’ (Gl 2,20)” (30).
            Về điều này, Đức Gioan Phaolô II đã công khai tuyên bố: “Đưa bất cứ một kiểu phân cách nào vào giữa Ngôi Lời với Đức Giêsu Kitô là trái ngược với đức tin Kitô giáo... Đức Giêsu là Lời Nhập Thể -một ngôi vị duy nhất và bất khả phân... Đấng Kitô không là ai khác hơn Đức Giêsu Nadarét; Người là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để cứu rỗi tất cả... Trong quá trình khám phá và lượng giá nhiều hồng ân đa dạng -đặc biệt những kho tàng thiêng liêng- mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi dân tộc, chúng ta không thể tách biệt những hồng ân này khỏi Đức Giêsu Kitô, Đấng nằm ở trung tâm chương trình cứu độ của Thiên Chúa” (31).
            Cũng trái ngược với đức tin Công Giáo khi tách biệt hành động cứu rỗi của Ngôi Lời xét như Ngôi Lời với hành động cứu rỗi của Ngôi Lời nhập thể. Với việc nhập thể, mọi hành động cứu rỗi của Ngôi Lời Thiên Chúa luôn luôn được thực hiện trong sự hiệp nhất với nhân tính mà Người đã nhận lấy vì phần rỗi muôn dân. Chủ thể độc nhất hoạt động trong hai bản tính, nhân tính và thần tính, là chính ngôi vị của Ngôi Lời (32).
            Do đó, lý thuyết muốn gán, dẫu sau khi có việc nhập thể, một hoạt động cứu rỗi cho Ngôi Lời xét như Ngôi Lời trong thần tính của Người, một hoạt động “bổ sung” hay “vượt quá” nhân tính Đức Kitô, lý thuyết đó không phù hợp với đức tin Công giáo (33).
            11. Cũng thế, phải tin vững giáo lý đức tin dạy rằng Thiên Chúa độc nhất và ba ngôi đã chỉ muốn có một nhiệm cục cứu rỗi độc nhất. Tại nguồn mạch và trung tâm của nhiệm cục ấy là mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, Trung gian ân sủng thần linh trên bình diện sáng tạo và cứu chuộc (x. Cl 1,15-20). Người là Đấng quy tụ muôn loài (x. Ep 1,10), là “Đấng đã được Thiên Chúa biến thành sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh hoá và sự cứu chuộc của chúng ta” (1Cl 1,30). Thực thế, mầu nhiệm Đức Kitô có tính thống nhất nội tại, kéo dài từ việc tuyển chọn đời đời trong Thiên Chúa cho tới cuộc quang lâm: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4); “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho ta được thừa hưởng cơ nghiệp theo kế hoạch của Người” (Ep 1,11); “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,29-30).
            Trung thành với mặc khải Thiên Chúa, Huấn quyền Giáo Hội tái khẳng định rằng Đức Giêsu Kitô là Trung gian và là Đấng Cứu chuộc phổ quát: “Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ đó mà muôn vật được tạo thành, đã nhập thể, để vì là con người hoàn hảo, Người cứu rỗi mọi người và kết thâu vạn vật nơi bản thân. Chúa... là Đấng Chúa Cha đã phục sinh từ kẻ chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết” (34). Sự trung gian cứu rỗi này cũng bao hàm tính độc nhất của hy tế cứu chuộc của Đức Kitô, Thượng Tế đời đời (x. Dt 6,20;9,11;10,12-14).
            12. Cũng có những người nêu lên giả thuyết có một nhiệm cục của Chúa Thánh Thần, với một bề rộng phổ quát hơn nhiệm cục của Ngôi Lời nhập thể, chịu đóng đinh và sống lại. Lập trường này cũng đối nghịch với đức tin Công Giáo, vốn ngược lại coi việc nhập thể cứu rỗi của Ngôi Lời như một biến cố có chiều kích ba ngôi. Trong Tân Ước, mầu nhiệm Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, làm nên nơi chốn cho Thánh Thần hiện diện cũng như làm nguyên lý tuôn đổ Thần Khí xuống trên nhân loại, chẳng những trong thời cứu độ (x. Cv 2,32-36; Ga 7,39;20,22; 1Cr 15,45) mà còn trước khi Ngôi Lời đến trong lịch sử (x. 1Cr 10,4; 1Pr 1,10-12).
            Công đồng Vaticanô II đã nhắc lại chân lý cơ bản này cho ý thức đức tin của Giáo Hội. Khi trình bày chương trình cứu rỗi của Chúa Cha đối với toàn thể nhân loại, Công đồng liên kết chặt chẽ mầu nhiệm Đức Kitô từ những bước khởi đầu với mầu nhiệm của Thần Khí (35). Toàn bộ công trình xây dựng Giáo Hội suốt bao thế kỷ do bởi Đức Giêsu Kitô Đầu, được coi như một hành động Người thực hiện trong sự hiệp thông với Thần Khí của Người (36).
            Hơn nữa, hành động cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô, với và qua Thần Khí của Người, vượt quá biên giới hữu hình của Giáo Hội, mà thấu đến toàn thể nhân loại. Bàn về mầu nhiệm Vượt Qua, trong đó Đức Kitô, ngay cả bây giờ, vẫn liên kết tín hữu với chính mình một cách sống động trong Thần Khí và ban cho họ niềm hy vọng sống lại, Công đồng phát biểu: “Điều nói trên không phải chỉ có giá trị cho các tín hữu, nhưng còn cho tất cả những ai có thiện chí được ơn thánh hoạt động một cách vô hình trong tâm hồn. Thực vậy, vì Đức Kitô đã chết cho mọi người, và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua ấy, cách nào đó chỉ Thiên Chúa biết thôi” (37).
            Như vậy, rõ ràng có sự liên kết giữa mầu nhiệm cứu rỗi của Ngôi Lời Nhập Thể và mầu nhiệm của Thần Khí, Đấng hiện thực hóa hiệu quả cứu độ của Chúa Con làm người trong cuộc sống của mọi người, vốn được Thiên Chúa kêu gọi tới cùng một mục đích, cả những ai sống trước khi Ngôi Lời làm người cũng như những ai sống sau khi Người đến trong lịch sử: Thần Khí Chúa Cha, được Chúa Con ban vô ngần vô hạn, là Đấng sinh động mọi người (x. Ga 3,34).
            Vì thế, Huấn quyền mới đây của Giáo Hội đã mạnh mẽ và rõ ràng nhắc lại chân lý chỉ có một nhiệm cục thần linh độc nhất: “Sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí ảnh hưởng đến không những các cá nhân mà còn cả xã hội và lịch sử, các dân tộc, các nền văn hoá và các tôn giáo... Đức Kitô Phục Sinh ‘nay hành động trong tâm hồn thế nhân nhờ sức mạnh của Thần Khí Người’... Lại nữa, ‘những hạt giống của Ngôi Lời’ đang có trong các phong tục và văn hoá khác nhau đều đã được chính Thần Khí gieo vào và chờ được chín muồi trong Đức Kitô” (38). Đang khi nhìn nhận chức năng cứu rỗi-lịch sử của Thần Khí trong toàn thể vũ trụ và trong toàn bộ lịch sử nhân loại (39), Huấn quyền vẫn tuyên bố: “Chính Thần Khí ấy đã hành động trong việc nhập thể, trong cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu cũng như đang hành động trong Giáo Hội. Do đó, Người không thay thế Đức Kitô cũng chẳng lấp đầy một loại lỗ trống mà thỉnh thoảng được ám chỉ như hiện hữu giữa Đức Kitô với Ngôi Lời. Bất cứ những gì Thần Khí tạo nên trong tâm hồn con người và trong lịch sử các dân tộc, trong các nền văn hoá và trong các tôn giáo, đều nhắm chuẩn bị cho Tin Mừng, và chỉ có thể hiểu được khi quy chiếu về Đức Kitô, Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm do quyền năng của Thần Khí ‘ngõ hầu với tư cách là con người hoàn hảo, Người có thể cứu chuộc mọi người và quy tụ mọi sự’” (40).
            Nói tóm lại, hành động của Thần Khí không ở bên ngoài hay song song với hành động của Đức Kitô. Chỉ có một nhiệm cục cứu rỗi duy nhất của Thiên Chúa độc nhất ba ngôi, được thực hiện trong mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa, được hiện thực hóa nhờ sự hợp tác của Chúa Thánh Thần, và được trải dài trong giá trị cứu rỗi của nó tới toàn thể nhân loại và toàn bộ vũ trụ: “Vì vậy, không ai có thể đi vào hiệp thông với Thiên Chúa nếu chẳng qua Đức Kitô, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần” (41).
III. Độc nhất tính và phổ quát tính của
mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu Kitô
            13. Luận đề chối bỏ độc nhất tính và phổ quát tính cứu độ của mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô cũng được nêu ra. Một lập trường như vậy không có cơ sở Kinh Thánh. Thực thế, chân lý cho rằng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa và là vị Cứu tinh độc nhất, Đấng qua biến cố nhập thể, tử nạn và phục sinh của mình, đã đưa lịch sử cứu độ tới chỗ hoàn thành cũng như làm trung tâm và là sự viên mãn của lịch sử đó, chân lý ấy phải được tin vững vàng như một yếu tố thường hằng của đức tin Giáo Hội.
            Tân Ước chứng thực rõ ràng sự kiện này: “Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian” (1Ga 4,14), “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Trong diễn từ của mình trước Thượng Hội đồng, để giải thích việc chữa lành một người què từ thuở mới sinh nhờ nhân danh Đức Giêsu (x. Cv 3,1-8), thánh Phêrô công bố: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, chẳng một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Thánh Phêrô còn nói thêm rằng Đức Giêsu Kitô “là Chúa của mọi người”, “là thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết”, và như thế, “phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội” (Cv 10,36.42.43).
            Ngỏ lời với cộng đoàn Côrintô, thánh Phaolô viết: “Thật thế, mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất -quả thực thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều-, nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1Cr 8,5-6). Thánh Gioan Tông đồ cũng tuyên bố: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Trong Tân Ước, ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa liên kết chặt chẽ với vai trò trung gian độc nhất của Đức Kitô: “[Thiên Chúa] muốn cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1Tm 2,4-6).
            Chính vì ý thức có một ơn cứu độ phổ quát độc nhất do Chúa Cha ban qua Đức Giêsu Kitô trong Thần Khí (x. Ep 1,3-14) mà các Kitô hữu đầu tiên đã hướng đến dân Do Thái để tỏ cho dân này thấy ơn cứu độ đã được hoàn thành vượt quá Lề luật; và cũng trong ý thức đó, họ đã đương đầu với thế giới ngoại giáo của thời họ, một thế giới khát mong ơn cứu rỗi qua nhiều vị cứu tinh. Mới đây, Huấn quyền Giáo Hội đã nhắc lại di sản đức tin này: “Giáo Hội tin rằng Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại cho mọi người (x. 2Cr 5,15), có thể qua Thần Khí của mình, ban cho con người ánh sáng và sức mạnh, để con người có thể đáp lại thiên chức cao cả nhất của họ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để nhân loại phải nhờ đó mà được cứu rỗi (x. Cv 4,12). Giáo Hội cũng tin rằng đầu mối, trung tâm, và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Chúa và là Thầy của Giáo Hội” (42).
            14. Do đó, phải vững tin như một chân lý đức tin Công giáo, rằng ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa độc nhất ba ngôi đã được ban tặng và hoàn tất một lần dứt khoát trong mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa.
            Mang trong tâm trí tín điều này, và đang khi suy tư về sự hiện hữu của các kinh nghiệm tôn giáo khác cũng như về ý nghĩa của chúng trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, thần học ngày nay được mời gọi khảo sát xem các nhân vật lịch sử và các yếu tố tích cực của những tôn giáo đó có nằm trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa không và theo cách nào. Trong suy tư này, việc nghiên cứu thần học có được một trường hoạt động rộng rãi dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền Giáo Hội. Thực thế, Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố: “Vai trò trung gian độc nhất của Đấng Cứu Thế chẳng những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch độc nhất” (43). Nội dung của vai trò trung gian tùy thuộc này nên được khảo sát sâu hơn, nhưng phải luôn nhất quán với nguyên lý là vai trò trung gian độc nhất của Đức Kitô: “Cho dẫu các hình thức trung gian tùy thuộc với nhiều kiểu loại và cấp bậc khác nhau không bị loại trừ, chúng chỉ đạt được ý nghĩa và giá trị nhờ chính sự trung gian của Đức Kitô thôi, và chúng không được hiểu như là song song hay bổ túc cho sự trung gian của Người” (44). Vì vậy, những giải pháp nào nêu lên một hành động cứu rỗi của Thiên Chúa vượt ra ngoài sự trung gian độc nhất của Đức Kitô, đều trái ngược với đức tin Kitô giáo và Công giáo.
            15. Người ta cũng thường đề nghị thần học nên tránh dùng các thuật ngữ như “độc nhất tính”, “phổ quát tính” và “tuyệt đối tính” là những thuật ngữ gây cảm tưởng nhấn mạnh thái quá ý nghĩa và giá trị của biến cố cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô, so với các tôn giáo khác. Dầu sao, trên thực tế, ngôn ngữ đó chỉ trung thành với mặc khải, vì nó diễn tả một sự khai triển chính các nguồn mạch của đức tin. Từ ban đầu, cộng đoàn các tín hữu đã nhận thấy nơi Đức Giêsu có một giá trị cứu rỗi đến độ chỉ duy mình Người, Con Thiên Chúa làm người, chịu đóng đinh và sống lại, do sứ mạng lãnh nhận từ Chúa Cha và trong quyền lực của Chúa Thánh Thần, mới thông ban mặc khải (x. Mt 11,27) và sự sống thần linh (x. Ga 1,12;5,25-26;17,2) cho toàn thể nhân loại và cho mỗi một người.
            Theo nghĩa đó, ta có thể và phải nói rằng đối với nhân loại và lịch sử nhân loại, Đức Giêsu Kitô có một ý nghĩa và một giá trị độc nhất, đặc biệt, thuộc riêng mình Người, độc hữu, phổ quát và tuyệt đối. Thực thế, Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người để cứu rỗi tất cả. Diễn tả ý thức đức tin này, Công đồng Vaticanô II dạy: “Quả thực, Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ đó mà muôn vật được tạo thành, đã nhập thể; là con người hoàn hảo, Người cứu rỗi mọi người và kết thâu vạn vật nơi Người. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm quy tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của mọi tâm hồn và đáp ứng mọi niềm khao khát. Chính Người là Đấng Chúa Cha đã phục sinh từ kẻ chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết” (45). “Chính tính độc nhất vô nhị này của Đức Kitô mang lại cho Người một ý nghĩa tuyệt đối và phổ quát, nhờ đó, đang khi thuộc về lịch sử, Người vẫn là trung tâm và cùng đích lịch sử: ‘Ta là Anpha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng’ (Kh 22,13)” (46).
IV. Độc nhất tính và hiệp nhất tính của Giáo Hội
            16. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế độc nhất, đã không chỉ thành lập một cộng đoàn môn đệ đơn giản, nhưng đã tạo nên Giáo Hội như một mầu nhiệm cứu rỗi: chính Người ở trong Giáo Hội và Giáo Hội ở trong Người (x. Ga 15,1tt; Ga 3,28; Ep 4,15-16; Cv 9,5). Do đó, sự viên mãn của mầu nhiệm cứu rỗi nơi Đức Kitô cũng thuộc về Giáo Hội, vốn liên kết bất khả phân với Chúa của mình. Thật thế, Đức Giêsu Kitô tiếp tục hiện diện và hoạt động cứu rỗi trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội (x. Cl 1,24-27) (47) là thân thể của Người (x. 1Cr 12,12-13.27; Cl 1,18) (48). Và vì thế, như đầu và các chi thể của một thân thể sống, tuy không đồng hóa nhưng cũng chẳng tách biệt nhau, thì cũng vậy, Đức Kitô và Giáo Hội không thể lẫn lộn cũng chẳng tách biệt nhau, và làm nên một “Đức Kitô toàn thể” (49). Cũng tính bất khả phân này được diễn tả trong Tân Ước qua lối so sánh Giáo Hội như Hiền thê của Đức Kitô (x. 2Cr 11,2; Ep 5,25-29; Kh 21,9) (50).
            Do đó, vì liên quan với độc nhất tính và phổ quát tính của sứ mạng cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô, độc nhất tính của Giáo Hội do Người thiết lập phải được tin vững vàng như một chân lý đức tin Công giáo. Như chỉ có một Đức Kitô, thì cũng chỉ có một thân thể của Đức Kitô, một Hiền thê của Đức Kitô: “một Giáo Hội độc nhất, công giáo và tông truyền” (51). Hơn nữa, những lời Chúa hứa sẽ không từ bỏ Giáo Hội Người (x. Mt 16,18;28,20) mà sẽ hướng dẫn Giáo Hội nhờ Thần Khí Người (x. Ga 16,13), cho thấy, theo đức tin Công Giáo, rằng độc nhất tính và hiệp nhất tính của Giáo Hội -cũng như mọi cái thuộc toàn thể Giáo Hội- sẽ chẳng bao giờ thiếu mất (52).
            Các tín hữu Công giáo buộc phải tuyên xưng rằng có một liên tục tính lịch sử -bám rễ trong việc kế nhiệm tông đồ (53)- giữa Giáo Hội do Đức Kitô thành lập và Giáo Hội Công giáo: “Đây là Giáo Hội độc nhất của Đức Kitô…. Giáo Hội mà Đấng Cứu Chuộc chúng ta, sau khi sống lại đã trao phó cho Phêrô chăn dắt (x. Ga 21,17), đã ủy cho ngài và các Tông đồ khác nhiệm vụ mở rộng và cai quản trị (x. Mt 28,18tt), một Giáo Hội được thiết lập như ‘cột trụ và điểm tựa của chân lý’ đến muôn đời (1Tm 3,15). Được cấu tạo và tổ chức như một xã hội trong thế giới hiện thời, Giáo Hội này tồn tại trong [subsistit in] Giáo Hội Công giáo, do Đấng kế vị Phêrô và các Giám mục hiệp thông với ngài điều khiển” (54). Với kiểu nói “subsistit in”, Công đồng Vaticanô II tìm cách dung hoà hai quan điểm giáo lý: một đàng, bất chấp những chia rẽ giữa các Kitô hữu, Giáo Hội Đức Kitô vẫn tiếp tục hiện hữu tròn đầy chỉ trong Giáo Hội Công giáo, và đàng khác, “bên ngoài cơ cấu Giáo Hội Công giáo, vẫn có thể tìm thấy nhiều yếu tố thánh hoá và yếu tố sự thật” (55), nghĩa là trong những Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội chưa hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công giáo (56). Nhưng về các Giáo Hội này, cần phải tuyên bố rằng “năng lực của họ phát xuất từ chính sự sung mãn của ơn thánh và chân lý đã được uỷ thác cho Giáo Hội Công giáo” (57).
            17. Vì thế, có một Giáo Hội độc nhất của Đức Kitô, tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, được Đấng kế vị thánh Phêrô và các Giám mục hiệp thông với ngài cai quản (58). Những Giáo Hội nào không sống hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công giáo nhưng vẫn liên kết với Giáo Hội Công giáo bằng những mối dây chặt chẽ nhất, nghĩa là bằng sự kế nhiệm tông truyền và bằng bí tích Thánh Thể thành sự, đều là những Giáo Hội địa phương đích thật (59). Vì thế, Giáo Hội của Đức Kitô vẫn hiện diện và hoạt động trong các Giáo Hội đó, cho dẫu họ thiếu hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công giáo, vì không chấp nhận giáo lý Công giáo về Tối thượng quyền, mà theo ý Thiên Chúa, Giám mục Rôma đang khách quan nắm giữ và thực thi trên toàn thể Giáo Hội (60).
            Mặt khác, những cộng đoàn giáo hội nào đã không bảo toàn chức Giám mục hợp thức cũng như bản chất đích thực và toàn vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể (61) thì không phải là các Giáo Hội đúng nghĩa; tuy nhiên, những ai chịu thanh tẩy trong các cộng đoàn này, thì nhờ phép Rửa, vẫn được tháp nhập vào Đức Kitô và như vậy được ở trong một sự hiệp thông nào đó, dẫu chưa hoàn hảo, với Giáo Hội (62). Thật thế, phép Rửa tự bản tính hướng đến sự sung mãn cuộc sống trong Đức Kitô, nhờ việc trọn vẹn tuyên xưng đức tin, nhờ phép Thánh Thể và nhờ sự hiệp thông đầy đủ trong Giáo Hội (63).
            “Các Kitô hữu do đó không được phép tưởng rằng Giáo Hội của Đức Kitô chẳng là gì khác ngoài một tập hợp -chia rẽ đấy, nhưng cách nào đó vẫn hiệp nhất- gồm nhiều Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội; họ cũng không được tự do chủ trương rằng ngày nay Giáo Hội của Đức Kitô thực sự chẳng hiện hữu nơi nào hết, và chỉ phải được xem như một mục tiêu mà mọi Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội phải ra sức đạt tới” (64). Thật thế, “các yếu tố của Giáo Hội ban sẵn này đều hiện hữu, liên kết với nhau dưới dạng đầy đủ trong Giáo Hội Công Giáo, và không dưới dạng đầy đủ trong các cộng đoàn khác” (65). “Do đó, dầu chúng ta tin là họ còn khiếm khuyết, nhưng chính các Giáo hội và cộng đoàn ly khai ấy vẫn chưa trở thành vô nghĩa và vô giá trị trong mầu nhiệm cứu rỗi. Vì Thần Khí của Đức Kitô không khước từ sử dụng họ như những phương tiện cứu rỗi mà năng lực xuất phát từ chính sự sung mãn của ơn thánh và của chân lý đã được uỷ thác cho Giáo Hội Công giáo” (66).
            Sự thiếu hiệp nhất giữa các Kitô hữu chắc chắn là một vết thương cho Giáo Hội, không phải theo nghĩa Giáo Hội bị tước đoạt sự hiệp nhất của mình, nhưng “theo nghĩa nó ngăn cản sự hoàn thành trọn vẹn phổ quát tính của Giáo Hội trong lịch sử” (67).
V. Giáo Hội: Vương quốc của Thiên Chúa và Vương quốc của Đức Kitô
            18. Sứ mạng của Giáo Hội là “rao truyền và thiết lập Nước Đức Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; và Giáo hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian” (68). Một đàng, Giáo Hội là “một bí tích, tức là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (69). Do đó, Giáo Hội là dấu chỉ và khí cụ của Vương quốc; Giáo Hội được kêu gọi loan báo và thiết lập Vương quốc. Đàng khác, Giáo Hội là “dân được qui tụ do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (70); nên Giáo Hội là “Nước Đức Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm” (71) và cấu tạo nên hạt giống cũng như khởi điểm của Nước này. Thật thế, Nước Thiên Chúa có một chiều kích cánh chung: nó là một thực tại hiện diện trong thời gian, nhưng chỉ được thể hiện đầy đủ với việc chấm dứt hay hoàn thành lịch sử (72).
            Những kiểu nói Nước Trời, Nước Thiên Chúa và Nước Đức Kitô trong Kinh Thánh, nơi các Giáo phụ cũng như trong các văn kiện của Huấn quyền, không luôn luôn có cùng một nghĩa; cũng chẳng như nhau mối liên hệ của chúng đối với Giáo Hội, là một mầu nhiệm không thể chứa đựng trọn vẹn trong một ý niệm của loài người. Do đó, có thể có những giải thích thần học khác nhau về những thuật ngữ ấy. Tuy nhiên, không một giải thích nào trong những giải thích khả dĩ này có thể phủ nhận hay làm rỗng cách nào đó mối liên hệ chặt chẽ giữa Đức Kitô, Vương Quốc và Giáo Hội. Thật thế, Vương quốc Thiên Chúa mà chúng ta biết nhờ mặc khải, “không thể bị tách rời khỏi Đức Kitô cũng như khỏi Giáo Hội... Nếu Vương quốc này bị tách khỏi Đức Giêsu, nó chẳng còn là Vương quốc Thiên Chúa mà Người đã mặc khải. Hậu quả là bóp méo ý nghĩa của Vương quốc, khiến nó gặp nguy cơ biến thành một mục tiêu thuần nhân loại hay của một hệ tư tưởng, cũng như bóp méo căn tính của Đức Kitô, khiến Người chẳng còn xuất hiện như Chúa tể mà mọi vật một ngày kia phải thần phục (x. 1Cr 15,27). Cũng thế, ta không thể phân cách Vương quốc khỏi Giáo Hội. Vẫn biết Giáo Hội chẳng phải là một cùng đích cho chính mình, vì Giáo Hội được xếp đặt hướng về Vương quốc Thiên Chúa mà Giáo Hội là hạt giống, dấu chỉ và là khí cụ. Nhưng dẫu phân biệt với Đức Kitô và Vương Quốc, Giáo Hội vẫn hiệp nhất với cả hai cách vững bền” (73)
            19. Tuyên bố giữa Đức Kitô với Vương quốc có mối liên hệ bất khả phân, không phải là bỏ qua sự kiện Nước Thiên Chúa -dù xét trong giai đoạn lịch sử của nó- chẳng đồng hoá với Giáo Hội trong thực tại hữu hình và xã hội của Giáo Hội. Thật thế, “hành động của Đức Kitô và Thần Khí bên ngoài ranh giới hữu hình của Giáo Hội” không nên bị loại trừ (74). Do đó, ta cũng phải ghi nhớ “Vương quốc quan hệ đến mọi người: cá nhân, xã hội và thế giới. Làm việc cho Vương quốc có nghĩa là thừa nhận và cổ vũ hoạt động của Thiên Chúa, vốn đang có mặt trong lịch sử nhân loại và biến đổi lịch sử nầy. Xây dựng Vương quốc có nghĩa là làm việc để giải phóng khỏi sự dữ dưới mọi hình thức của nó. Tắt một lời, Vương quốc Thiên Chúa là việc bày tỏ và thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa cách đầy đủ trọn vẹn” (75)
            Khi xem xét mối liên hệ giữa Nước Thiên Chúa, Nước Đức Kitô và Giáo Hội, cần tránh những kiểu nhấn mạnh một chiều, như trường hợp “các quan niệm chủ ý nêu bật Vương Quốc và diễn tả Vương quốc như trung tâm. Các quan niệm này nhấn mạnh hình ảnh một Giáo Hội chẳng bận tâm gì đến chính mình, nhưng hoàn toàn lo làm chứng và phục vụ Vương quốc. Đó là ‘một Giáo Hội cho kẻ khác’, y như Đức Kitô là ‘người cho kẻ khác’ vậy... Cùng với nhiều khía cạnh tích cực, các quan niệm này cũng thường bộc lộ nhiều khía cạnh tiêu cực. Trước hết, chúng im lặng về Đức Kitô: Vương quốc mà chúng nói tới có căn bản ‘quy thần’, vì theo chúng, Đức Kitô không thể được hiểu bởi những người thiếu đức tin Kitô giáo, đang khi nhiều dân tộc, nhiều văn hoá và nhiều tôn giáo khác có khả năng tìm được mảnh đất chung trong thực tại thần linh độc nhất, dẫu thực tại này được gọi bằng tên gì đi nữa. Cũng vì lẽ đó, các quan niệm ấy nhấn mạnh mầu nhiệm sáng tạo, vốn phản chiếu trong các nền văn hoá và tín ngưỡng đa dạng, nhưng lại làm thinh về mầu nhiệm cứu chuộc. Hơn nữa, Vương quốc, như chúng hiểu, kết thúc hoặc bằng cách để lại ít chỗ cho Giáo Hội hoặc hạ giá Giáo Hội do phản ứng với cái gọi là ‘Qui Giáo Hội thuyết’ của ngày xưa, và vì chúng xem chính Giáo Hội chỉ như một dấu chỉ, một dấu chỉ vả lại không kém phần mơ hồ” (76). Những luận đề này trái ngược với đức tin Công giáo vì chúng chối bỏ tính độc nhất của mối tương quan mà Đức Kitô và Giáo Hội có với Nước Thiên Chúa.
VI. Giáo Hội và các tôn giáo khác
trong tương quan với ơn cứu độ
            20. Từ những gì đã phát biểu trên đây, phát xuất một số điểm cần cho suy tư thần học khi muốn khảo sát mối liên hệ của Giáo Hội và các tôn giáo khác với ơn cứu độ.
            Trên hết, phải vững tin rằng “Giáo Hội đang lữ hành trần gian cần thiết cho phần rỗi. Thực vậy, chỉ mình Đức Kitô là trung gian và là con đường cứu độ; Người hiện diện với chúng ta trong thân thể Người là Giáo Hội. Chính Người đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và phép rửa (x. Mc 16,16; Ga 3,5), đồng thời Người đã xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa phép rửa” (77). Không được đặt giáo lý này đối nghịch với ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa (x. 1Tm 2,4); “cần phải giữ cho hai chân lý đó đi với nhau, ấy là, toàn thể nhân loại có thể thật sự được cứu rỗi trong Đức Kitô và Giáo Hội là cần thiết cho việc cứu rỗi này” (78).
            Giáo Hội là “bí tích cứu rỗi phổ quát” (79), bởi lẽ, nhờ luôn hiệp nhất cách mầu nhiệm với Đức Giêsu Kitô Cứu Thế là Đầu của mình và lệ thuộc Người, Giáo Hội, theo chương trình Thiên Chúa, có mối quan hệ thiết yếu với việc cứu rỗi toàn thể nhân loại (80) Đối với những ai không là thành viên của Giáo Hội cách chính thức và hữu hình, “phần rỗi trong Đức Kitô có thể đạt được nhờ một ân sủng; ân sủng này, dẫu có tương quan nhiệm mầu với Giáo Hội, vẫn không chính thức làm cho họ trở nên thành phần của Giáo Hội, nhưng soi sáng họ theo một cách phù hợp với trạng huống tinh thần và thể chất của họ. Ân sủng này đến từ Đức Kitô; nó là kết quả của hy tế Người và được Chúa Thánh Thần thông ban” (81); nó liên quan tới Giáo Hội, vì “chính Giáo Hội, theo ý định của Thiên Chúa Cha, bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và sứ mạng của Chúa Thánh Thần” (82).
            21. Đối với đường lối mà ân sủng cứu độ của Thiên Chúa -ân sủng luôn được ban nhờ Đức Kitô trong Thần Khí và có một tương quan nhiệm mầu với Giáo Hội- dùng để đến với các cá nhân phi-Kitô hữu, Công đồng Vaticanô II chỉ phát biểu rằng Thiên Chúa ban ân sủng này “theo những đường lối duy mình Người biết” (83). Các thần học gia đang tìm cách hiểu vấn đề này đầy đủ hơn. Công việc của họ phải được khuyến khích, vì chắc chắn nó hữu ích để giúp hiểu hơn chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa và những đường lối hoàn tất chương trình này. Dầu vậy, từ những gì đã được phát biểu ở trên về vai trò trung gian của Đức Giêsu Kitô và về “tương quan độc nhất và đặc biệt” (84)  Giáo Hội có với Vương quốc Thiên Chúa giữa loài người -mà trong bản chất là Vương quốc phổ quát của Đức Kitô Cứu Thế-, rõ ràng là nghịch với đức tin khi xem Giáo Hội như một con đường cứu rỗi bên cạnh những con đường được các tôn giáo khác thiết lập, khi xem những tôn giáo này như bổ sung cho Giáo Hội hay có bản chất tương đương với Giáo Hội, cho dẫu có bảo các tôn giáo nầy cùng với Giáo Hội qui hướng về Vương quốc cánh chung của Thiên Chúa.
            Chắc chắn, các truyền thống tôn giáo khác nhau có chứa đựng và cống hiến nhiều yếu tố tôn giáo xuất phát từ Thiên Chúa (85) cũng như thuộc số những gì “Thần Khí tạo nên trong tâm hồn con người và lịch sử các dân tộc, trong các nền văn hoá và các tôn giáo” (86). Thật vậy, một số kinh nguyện và nghi thức của các tôn giáo khác có thể đảm nhận một vai trò chuẩn bị cho Tin Mừng, theo nghĩa chúng là những cơ hội hay những giáo huấn khuyến khích trái tim loài người mở ra cho hành động của Thiên Chúa (87). Tuy nhiên, người ta không thể gán cho chúng một nguồn gốc thần linh hay một hiệu năng cứu rỗi do sự (ex opere operato) vốn chỉ thuộc về các bí tích Kitô giáo (88). Hơn nữa, không thể bỏ qua điều này là nhiều nghi thức khác, do phát sinh từ những mê tín hay sai lầm (x. 1Cr 10,20-21), đang tạo nên một ngăn trở cho ơn cứu độ (89).
            22. Với việc Đức Giêsu Kitô Cứu Thế đến, Thiên Chúa đã muốn rằng Giáo Hội do Người thiết lập phải trở nên khí cụ cứu rỗi cho toàn thể nhân loại (x. Cv 17,30-31) (90). Chân lý đức tin này không giảm bớt lòng kính trọng chân thành của Giáo Hội đối với các tôn giáo trên thế giới, nhưng cùng lúc, nó triệt để bác bỏ não trạng thờ ơ “bị tiêm nhiễm quan niệm duy tương đối về tôn giáo, vốn đưa tới chỗ tin rằng ‘đạo nào cũng tốt cả’” (91). Nếu quả thật tín đồ các tôn giáo khác có thể lãnh nhận ân sủng thần linh, thì cũng chắc chắn rằng nói cách khách quan, họ ở trong một hoàn cảnh thiếu thốn trầm trọng sánh với những ai, trong Giáo Hội, có đầy đủ các phương tiện cứu rỗi (92). Dầu thế, “các con cái Giáo Hội phải nhớ rằng địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng mình, nhưng do đặc ân của Đức Kitô; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ chẳng được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn” (93). Như vậy ta hiểu rằng, theo lệnh truyền của Chúa (x. Mt 28,19-20) và như một đòi hỏi của tình yêu đối với mọi người, Giáo Hội “rao giảng và và có bổn phận kiên trì rao giảng Đức Kitô, Đấng là ‘đường, sự thật và sự sống’ (Ga 14, 6). Nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình (x. 2Cr 5,18-19)” (94).
            Cũng trong công cuộc đối thoại liên tôn, việc truyền giáo cho muôn dân “ngày nay và luôn mãi vẫn còn giữ vẹn hiệu lực và cần thiết” (95). “Thật vậy, Thiên Chúa ‘muốn mọi người được cứu độ và đạt tới chỗ nhận biết chân lý’ (1Tm 2,4); nghĩa là Thiên Chúa muốn mọi người nhờ nhận biết chân lý mà được cứu độ. Ơn cứu độ nằm trong chân lý. Những ai để cho Thần chân lý thúc đẩy thì đã ở trên đường cứu độ. Vì đã được ủy thác chân lý, Hội Thánh phải nắm bắt khát vọng của con người để mang chân lý đến cho họ. Vì tin vào chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, nên Hội Thánh phải truyền giáo” (96). Do đó, xét như là thành phần nhiệm vụ Phúc âm hóa của mình, đối thoại liên tôn đúng là một trong những hoạt động của Giáo Hội trong sứ mệnh truyền giáo cho muôn dân (97). Sự bình đẳng, vốn là một điều kiện của đối thoại liên tôn, liên quan tới sự bình đẳng nhân phẩm của các bên đối thoại, chứ không phải tới nội dung giáo lý, càng không phải tới vị trí của Đức Giêsu Kitô -vốn là chính Thiên Chúa làm người- so với những vị giáo tổ khác. Thật thế, được đức bác ái và lòng tôn trọng tự do hướng dẫn (98), Giáo Hội trước hết phải dấn thân rao giảng cho muôn dân chân lý Chúa đã dứt khoát mặc khải, và loan báo việc cần phải trở về với Đức Giêsu Kitô và gắn bó với Giáo Hội qua phép Rửa và các bí tích khác, ngõ hầu tham gia đầy đủ vào sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Như thế, niềm xác tín về ý định cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa không giảm thiểu, nhưng đúng hơn gia tăng trách nhiệm và sự khẩn thiết phải rao giảng ơn cứu độ và việc trở về với Chúa Giêsu Kitô.
Kết luận
            23. Khi lặp lại và làm sáng tỏ một số chân lý đức tin, Tuyên ngôn này chỉ muốn theo gương Tông đồ Phaolô, người đã viết cho tín hữu Côrintô: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận” (1Cr 15,3). Đứng trước một số mệnh đề mơ hồ và thậm chí sai lạc, suy tư thần học được kêu mời tái khẳng định đức tin của Giáo Hội và đưa ra những lý lẽ cho niềm hy vọng của Giáo Hội cách thuyết phục và hữu hiệu.
            Khi bàn đến vấn đề tôn giáo chân thật, các Nghị phụ Công đồng Vaticanô II đã dạy: “Chúng tôi tin rằng tôn giáo chân thật, duy nhất này tồn tại trong Giáo Hội Công giáo và Tông truyền, Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã ủy thác nhiệm vụ truyền bá cho mọi người, khi Người phán cùng các Tông đồ: ‘Vậy anh em đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em’ (Mt 28,19-20). Vậy mọi người đều có nhiệm vụ tìm kiếm chân lý, nhất là những chân lý có liên quan tới Thiên Chúa và Giáo Hội Người, và khi đã nhận biết rồi, họ phải tin theo và tuân giữ” (99).
            Mặc khải của Đức Kitô sẽ tiếp tục là “Sao Bắc đẩu thật sự” (100) trong lịch sử cho toàn thể nhân loại: “Chân lý, là Đức Kitô, tự áp đặt mình như một uy quyền bao trùm tất cả” (101). Thật thế, mầu nhiệm Kitô giáo vượt mọi hàng rào không gian lẫn thời gian, và hoàn tất việc hiệp nhất gia đình nhân loại: “Từ các vị trí và truyền thống khác nhau của họ, tất cả đều được kêu gọi trong Đức Kitô để thông phần vào sự hiệp nhất của gia đình con cái Thiên Chúa... Đức Giêsu phá hủy những bức tường chia rẽ và tạo dựng sự hiệp nhất bằng một đường lối mới mẻ và không thể vượt qua, nhờ việc chúng ta thông phần vào mầu nhiệm của Người. Sự hiệp nhất này sâu xa đến nỗi Giáo Hội có thể nói cùng với Thánh Phaolô: ‘Vậy anh em không còn phải là xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa’ (Ep 2,19)” (102).
            Trong cuộc tiếp kiến ngày 18/6/2000 dành riêng cho Hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin ký tên dưới đây, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, với sự am hiểu chắc chắn và với quyền bính tông truyền của ngài, đã phê chuẩn, xác nhận và ra lệnh công bố bản Tuyên ngôn đã chấp thuận trong phiên họp khoáng đại này.
            Làm tại Rôma, văn phòng Bộ Giáo lý Đức tin, ngày 6 tháng 8 năm 2000, lễ Chúa Hiển Dung.
            Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng,
            Tarcisio Bertone, S.D.B. Tổng giám mục hiệu toà Vercelli, Thư ký.

            Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi dịch từ bản tiếng Anh, có đối chiếu với bản tiếng Pháp
           
            Chú thích:
(1) Công đồng Côngtăngtinôpôli I, Symbolum Constantinopolitanum (Tín biểu): DS 150.
(2) X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (Sứ vụ Đấng Cứu Thế), 1: AAS 83 (1991), 249-340.
(3) X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes (về Truyền giáo) và Tuyên Ngôn Nostra aetate (về Liên lạc ngoài Kitô giáo); x. thêm Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii nuntiandi (về Rao giảng TM): AAS 68 (1976), 5-76; Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio.
(4) Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn Nostra aetate, 2.
(5) Hội đồng Giáo hoàng Đối thoại Liên tôn và Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, Huấn thị Đối thoại và Rao truyền, 29: AAS 84 (1992), 424; x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes (về GH trong thế giới ngày nay), 22.
(6) X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 55: AAS 83 (1991), 302-304.
(7) X. Hội đồng Giáo hoàng Đối thoại Liên tôn và Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, Huấn thị Đối thoại và Rao truyền, 9: AAS 84 (1992), 417tt.
(8) Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et ratio (Đức tin và Lý trí), 5: AAS 91 (1999), 5-88.
(9) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei verbum (về Mạc Khải), 2.
(10) Như trên 4.
(11) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 5.
(12) Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et ratio, 14.
(13) Công đồng Canxêđônia, Symbolum Chalcedonense (Tín biểu CĐ): DS 301; x. Thánh Athanasiô, De Incarnatione (về Nhập thể), 54,3: SC 199,458.
(14) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín Lý Dei verbum, 4.
(15) Như trên 5.
(16) Như trên.
(17) X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 144.
(18) Như trên 150.
(19) Như trên 153.
(20) Như trên 178.
(21) Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et ratio, 13.
(22) X. Như trên 31-32.
(23) Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn Nostra aetate, 2; x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes, 9, chỗ nói về những yếu tố sự thiện hiện diện "trong các phong tục và các nền văn hoá đặc thù của các dân tộc"; Hiến chế tín lý Lumen gentium (về Giáo Hội), 16, nói những yếu tố sự thiện và sự thật hiện diện giữa những người ngoài Kitô giáo có thể được xem như một sự chuẩn bị đón nhận Tin Mừng.
(24) X. Công đồng Triđentinô, Sắc lệnh De libris sacris et de traditionibus recipiendis (về Thánh Kinh và Thánh Truyền): DS 1501; Công đồng Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius (Con Thiên Chúa), chương 2: DS 3006.
(25) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Tín Lý Dei verbum, 11.
(26) Như trên.
(27) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 55; x. 56 và Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 53.
(28) Công đồng Nixêa I, Symbolum Nicaenum (Tín biểu CĐ): DS 125.
(29) Công đồng Canxêđônia, Symbolum Chalcedonense: DS 301.
(30) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 22.
(31) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 6.
(32) X. Thánh Lêô Cả, Tomus ad Flavianum (Thư gởi Flavianô): DS 294.
(33) X. Thánh Lêô Cả, Thư gởi Hoàng đế Lêô I “Promisisse me memini”: DS 318: "...in tantam unitatem ab ipso conceptu Virginis deitate et humanitate conserta, ut nec sine homine divina, nec sine Deo agerentur humana".Cũng x. như trên DS 317.
(34) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 45; cũng x. Công đồng Triđentinô, Sắc lệnh De peccato originali (về Nguyên tội), 3: DS 1513.
(35) X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 3-4.
(36) X. như trên, 7; X. Thánh Irênê, ngài đã viết rằng chính trong Giáo Hội "mà ơn hiệp thông với Đức Kitô, tức là Thánh Thần, đã được ban xuống" (Adversus haereses [Chống lạc giáo] III, 24,1: SC 211,472).
(37) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 22.
(38) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 28. Về các “hạt giống của Ngôi Lời", cũng x. Thánh tử đạo Giustinô, Hộ giáo thứ hai 8,1-2;10,1-3;13,3-6:  E.J. Goodspeed xb, 84; 85;88-89.
(39) X. Gioan Phaolô II, Thông điệp, Redemptoris missio, 28-29.
(40) Như trên 29.
(41) Như trên 5.
 (42) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 10. X. Thánh Augustinô, ngài đã viết rằng Đức Kitô là con đường "không bao giờ thiếu cho nhân loại… và tách xa khỏi con đường này thì không ai đã, đang và sẽ được giải thoát". De civitate Dei [Đô thành Thiên Chúa] 10,32,2: CCSL 47, 312.
(43) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 62.
(44) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 5.
(45) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 45. Tính chất đặc thù chủ yếu và tuyệt đối của Đức Kitô trong lịch sử loài người được thánh Irênê diễn đạt rất hay khi ngài chiêm ngưỡng sự trổi vượt của Đức Giêsu như Con đầu lòng: "Trên trời, với tư cách Con đầu lòng do ý định Chúa Cha, Ngôi Lời hoàn hảo cai trị và lập luật cho mọi loài; dưới đất, với tư cách Con đầu lòng của Đức Trinh Nữ, một người công chính và thánh thiện, kính tôn và làm hài lòng Thiên Chúa, tốt lành và hoàn hảo mọi đàng, Người cứu khỏi hoả ngục tất cả những ai theo Người, vì Người là Trưởng tử từ trong cõi chết và là Tác giả sự sống của Thiên Chúa" (Demonstratio apostolica, 39: SC 406, 138).
(46) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 6.
(47) X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 14.
(48) X. Như trên 7.
(49) X. Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmos (Chú giải Thánh vịnh), Tv 90, Bài giảng 2,1: CCSL 39, 1266; Thánh Grêgôriô Cả, Moralia in Iob (Luân lý trong sách Gióp), Lời tựa 6, 14: PL 75, 525; Thánh Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học, III, q.48, a.2 ad 1.
(50) X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 6.
(51) Symbolum maius Ecclesiae Armeniacae (Tín biểu của Giáo Hội Armênia): DS 48. X. Bôniphaxiô VIII, Trọng sắc Unam sanctam (Duy nhất thánh thiện) DS 870-872; Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 8.
(52) X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio (về Hiệp nhất), 4; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ut unum sint (về Hiệp nhất), 11: AAS 87 (1995), 927.
(53) X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 20; Cũng x. Thánh Irênê, Adversus haereses, III, 3,1-3: SC 211, 20-44; Thánh Xyprianô, Thư 33,1: CCSL 3B, 164-165; Thánh Augustinô, Contra adver. legis et prophet. (Chống lại các đối thủ của lề luật và ngôn sứ), 1, 20,39: CCSL 49, 70.
(54) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 8.
(55) Như trên; X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ut unum sint, 13. Xem thêm Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 15 và Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3.
(56) Lối giải thích của những người, từ công thức “subsistit in”, rút ra luận đề cho rằng Giáo Hội độc nhất của Đức Kitô có thể tồn tại cả trong các Giáo Hội không Công giáo và trong những cộng đồng giáo hội, lối giải thích đó ngược lại với ý nghĩa đích thực của Lumen gentium. "Công đồng thật ra đã chọn từ subsistit chính để minh xác rằng chỉ tồn tại một ‘bản thể lập hữu’ (subsistence) của Giáo Hội đích thực, trong khi bên ngoài cơ cấu hữu hình của Giáo Hội chỉ tồn tại các ‘elementa Ecclesiae’ (nghĩa là các yếu tố của cùng Giáo Hội đó). Các yếu tố này hướng về và dẫn đến Giáo Hội Công Giáo" (Bộ Giáo lý Đức tin, Thông báo về cuốn sách "Giáo Hội: Đoàn sủng và Quyền lực" của Cha Leonardo Boff: AAS 77 [1985], 756-762).
(57) Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3.
(58) X. Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn Mysterium Ecclesiae (Mầu nhiệm Giáo Hội), 1: AAS 65 (1973), 396-398.
(59) X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 14 và 15; Bộ Giáo lý Đức tin, Thư Communionis notio (Khái niệm Hiệp thông), 17: AAS 85 (1993), 848.
(60) X. Công đồng Vaticanô I, Hiến chế Pastor aeternus (Mục tử đời đời): DS 3053-3064; Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 22.
(61) X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 22.
(62) X. như trên 3.
(63) X. như trên 22.
(64) Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn Mysterium Ecclesiae, 1.
(65) Gioan Phaolô II, Thông điệp Ut unum sint, 14.
(66) Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3.
(67) Bộ Giáo lý Đức tin, Thư Communionis notio, 17; X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 4.
(68) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 5.
(69) Như trên 1.
(70) Như trên 4. X. Thánh Xyprianô, De Dominica oratione (Về lời cầu nguyện của Chúa) 23: CCSL 3A, 105.
(71) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 3.
(72) X. như trên 9; xem thêm lời nguyện dâng lên Thiên Chúa tìm thấy trong sách Điđakê 9,4: SC 248,176: "Xin cho Giáo Hội được thu họp từ khắp cùng cõi đất về trong Vương Quốc của Ngài" và như trên 10, 5: SC 248,180: "Lạy Chúa, xin nhớ đến Giáo Hội Ngài... và, sau khi đã thánh hoá, thì xin thu họp Giáo Hội từ khắp bốn phương trời vào trong Vương quốc mà Ngài đã dọn sẵn cho Giáo Hội".
(73) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 18; X. Tông huấn Ecclesia in Asia [Giáo Hội tại Á châu], 17: Osservatore Romano (7/11/1999). Vương quốc không thể tách rời khỏi Đức Kitô, đến nỗi, trong một nghĩa nào đó, được đồng hoá với Người (X. Origênô, Commentaria in Matthaeum [Chú giải Mátthêu], 14,7: PG 13, 1197; Tertulianô, Adversus Marcionem [Chống Marcion], IV, 33,8: CCSL 1, 634.)
(74) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 18.
(75) Như trên 15.
(76) Như trên 17.
(77) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 14; X. Sắc lệnh Ad gentes, 7; Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3.
(78) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 9; X. Giáo Lý HTCG, 846-847.
(79) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 48.
(80) X. Thánh Xyprianô, De catholicae ecclesiae unitate (Về sự hiệp nhất Giáo Hội Công giáo), 6: CCSL 3, 253-254; Thánh Irênê, Adversus haereses, III, 24, 1: SC 211, 472-474.
(81) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 10.
(82) Công đồng Vaticanô II, Ad gentes, 2. Công thức thời danh “Extra Ecclesiam nullus omnino salvatur”(Ngoài Giáo Hội không ai được cứu rỗi) phải được giải thích theo nghĩa này (X. Công đồng Lateranô IV, Cap. 1. De fide catholica [Về đức tin Công giáo]: DS 802). Cũng xem Thư của Bộ Thánh vụ gởi Đức TGM địa phận Boston: DS 3866-3872.
(83) Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes, 7.
(84) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 18.
(85) Đây là những hạt giống Ngôi Lời Thiên Chúa (semina Verbi) mà Giáo Hội vui mừng và trân trọng thừa nhận (X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes, 11; Tuyên ngôn Nostra aetate, 2).
(86) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 29.
(87) X. như trên; Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 843.
(88) X. CĐ Triđentinô, Sắc lệnh De sacramentis (Về các bí tích), can. 8, de sacramentis in genere: DS 1608.
(89) X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 55.
(90) X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 17; Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 11.
(91) Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 36.
(92) X. Piô XII, Thông điệp Mystici corporis (Nhiệm thể): DS 3821.
(93) Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 14.
(94) Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn Nostra aetate, 2.
(95) Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes, 7.
(96) Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 851; Cũng xem 849-856.
(97) X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 55; Tông huấn Ecclesia in Asia, 31.
(98) X. Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 1.
(99) Như trên.
(100) Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et ratio, 15.
(101) Như trên 92.
(102) Như trên 70.

No comments:

Post a Comment