Wednesday, August 31, 2011

THÔNG ĐIỆP REDEMTOR HOMINIS





 4.3.1979
Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II gửi các anh em trong hàng giám mục, các linh mục, các dòng tu, các tín hữu nam nữ trong Giáo hội cùng tất cả mọi người thiện chí vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ giáo chủ  của người.
Anh em đáng kính, các con thân mến, xin gửi đến anh em và các con lời chào và chúc lành Tòa thánh.

I. Di sản.
1. Vào cuối thiên niên kỷ thứ hai.
Đấng Cứu chuộc con người, Đức Giêsu Kitô, là trung tâm vũ trụ và lịch sử. Tư tưởng và tâm tình tôi hướng cả về Người trong ngày giờ trọng đại Giáo hội và toàn thể gia đình loài người hiện nay đang sống. Thật thế, thời buổi Thiên Chúa trong ý định nhiệm mầu của Ngài đã trao phó cho tôi trách nhiệm kế tiếp vị tiền nhiệm của tôi là Đức Gioan-Phaolô I, phục vụ mọi người trong cương vị Tòa thánh Phêrô tại Rôma, thời buổi này đã gần kề năm 2000 lắm rồi. Thật khó mà nói được ngay từ bây giờ là năm đó sẽ đánh dấu sự tiến triển của lịch sử nhân loại như thế nào, và năm đó sẽ ra sao đối với mỗi dân tộc, quốc gia, xứ sở và lục địa, mặc dù ngay từ bây giờ người ta cũng đang thử đoán trước một số biến cố. Đối với Giáo hội, đối với dân Thiên Chúa trải rộng đến tận cùng trái đất, đã hẳn là một cách không đồng đều, năm đó sẽ là một năm kỷ niệm lớn. Dẫu có phải tôn trọng tất cả những đính chính cần thiết cho đúng hẳn về thời gian, chúng ta từ nay vẫn khá gần thời điểm phải nhắc chúng ta nhớ và làm mới lại một cách đặc biệt ý thức về chân lý then chốt của Đức tin đã được Tin mừng theo thánh Gioan diễn tả ngay từ những dòng đầu: “Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi” [1], và chỗ khác nữa: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã thí ban Người Con một, ngõ hầu phàm ai tin vào Người thì khỏi phải hư đi, nhưng được sống đời đời”[2].
Cả chúng ta nữa, chúng ta đang sống một cách nào đó trong thời gian của một Mùa Vọng mới, một thời gian mong chờ. “Đã lắm phen cùng nhiều cách, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri. Vào thời sau hết, tức là những ngày này, Ngài đã nói với chúng ta nơi một Người Con..."[3], nơi Ngôi Lời, Đấng làm người và sinh bởi Đức Trinh nữ Maria. Ngay trong hành vi cứu chuộc này, lịch sử con người đã đạt tới đỉnh cao trong ý định yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi vào trong lịch sử nhân loại và với tư cách là người, Ngài đã trở nên thành phần của lịch sử, một trong hàng tỷ thành phần khác tuy vẫn là Đấng Duy Nhất. Nhờ sự Nhập Thể, Thiên Chúa đã ban cho đời sống con người cái kích thước mà Ngài vốn đã muốn ban cho con người ngay từ giây phút đầu tiên, và Ngài đã ban dứt khoát, theo cách mà chỉ một mình Ngài có thể làm, chiếu theo tình yêu muôn đời và lòng nhân từ của Ngài, với tất cả sự tự do của Thiên Chúa, Ngài cũng đã ban với tất cả lòng quảng đại khiến chúng ta, dù đứng trước tội nguyên tổ và tất cả lịch sử tội lỗi của loài người, đứng trước những sai lầm của trí khôn, của ý chí và trái tim con người, vẫn có thể thán phục lặp lại những lời Phụng vụ: “Ôi tội hồng phúc bởi đã đem lại cho chúng ta một Đấng Cứu Chuộc lớn lao như thế”[4].
2. Những lời đầu tiên của nhiệm kỳ giáo hoàng mới.
Tôi đã đưa tâm tình và tư tưởng tôi lên hướng về Đức Kitô cứu chuộc ngày 16.10 năm ngoái, sau cuộc bầu cử theo giáo luật, khi được hỏi: “Ngài có chấp nhận không?”. Lúc đó tôi đã trả lời: “Vì vâng phục Đức Kitô là Chúa tôi trong đức tin, vì trông cậy vào Thánh mẫu của Đức Kitô và của Giáo hội, và mặc dầu có những khó khăn lớn biết bao, tôi xin nhận”. Câu trả lời ấy, tôi muốn công bố cho tất cả mọi người không trừ ai được biết để chứng tỏ rằng sứ vụ đã trở nên nghĩa vụ đặc biệt của tôi tại Tòa Thánh Phêrô này khi tôi chấp nhận được chọn làm giám mục Rôma và kế vị thánh tông đồ, cũng là sứ vụ gắn liền với chân lý đầu tiên và căn bản của mầu nhiệm Nhập thể nhắc đến trên đây.
Tôi đã muốn mang chính những danh hiệu mà Đức Gioan-Phaolô I, vị tiền nhiệm rất được yêu mến của tôi đã chọn. Quả vậy, ngày 26.8.1978, khi Người tuyên bố với Đoàn Hồng Y là Người muốn danh xưng là Gioan Phaolô - một danh hiệu kép như thế chưa từng có trong lịch sử các giáo hoàng - thì ngay bấy giờ tôi đã coi đó là một tiếng hùng hồn kêu xin ơn xuống trên nhiệm kỳ giáo hoàng mới. Vì nhiệm kỳ giáo hoàng này chỉ kéo dài không tới 30 ngày, cho nên phần tôi không những là phải tiếp tục nó mà còn như phải bắt đầu lại từ cùng một khởi điểm. Đó chính là điều tôi muốn xác nhận bằng việc chọn danh hiệu kép kia. Làm như thế, theo gương vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, tôi muốn như Người, bày tỏ lòng yêu mến di sản đặc thù do hai đức Gioan XXIII và Phaolô VI để lại cho Giáo hội cũng như cho bản thân tôi sẵn sàng, nhờ ơn Chúa giúp, làm cho di sản ấy sinh hoa kết quả.
Qua hai tên gọi này và hai triều đại này, tôi liên kết với tất cả truyền thống của Tông Tòa, cùng với các vị tiền nhiệm của tôi ở thế kỷ XX và các thế kỷ trước và đi ngược dòng thời gian cho tới những thời xa xôi nhất, tôi cũng tự nối mình hơn mãi với kích thước của sứ mệnh và thừa tác vụ đã dành cho Tòa Thánh Phêrô một chỗ đứng hoàn toàn đặc biệt trong Giáo hội. Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI làm thành một giai đoạn mà tôi muốn trực tiếp tham chiếu như một khởi điểm để từ đó tôi muốn như cùng với Đức Gioan-Phaolô I tiếp tục tiến về tương lai. Với một lòng tin tưởng vô biên, tôi sẽ lấy sự tuân phục Chúa Thánh Thần làm chỉ đạo, Thánh Thần mà Đức Kitô đã hứa và đã gửi đến cho Giáo hội của Người. Quả vậy, Người đã phán với các tông đồ trước ngày thụ nạn: “Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho anh em, vì nếu Thầy không ra đi thì Đấng Bàu Chữa không đến với anh em”[5]. “Khi Đấng Bàu Chữa đến, Đấng Thầy sẽ gửi đến từ nơi Cha, Thần Khí sự thật từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Thầy. Và các anh em cũng làm chứng vì từ ban đầu anh em hằng ở với Thầy”[6]. “Khi nào Ngài đến, vì là Thần khí sự thật, Ngài sẽ đưa anh em vào tất cả sự thật; vì không phải tự mình mà Ngài nói, nhưng nghe gì Ngài sẽ nói ra và Ngài sẽ loan báo cho anh em những điều sẽ đến”[7].
3. Tin tưởng ở Thánh Thần chân lý và tình thương.
Vậy với lòng tin tưởng hoàn toàn ở Thánh Thần chân lý, tôi bước vào trong di sản phong phú của các nhiệm kỳ giáo hoàng vừa qua. Di sản này ăn rễ vững chắc vào ý thức Giáo hội, một cách hoàn toàn mới mẻ và chưa từng thấy từ trước đến nay, nhờ Công đồng Vat.II do Đức Gioan XXIII đã triệu tập và bắt đầu rồi do Đức Phaolô VI đã kết thúc một cách tốt đẹp và kiên trì đem ra thực hành. Tôi đã có thể quan đát thật gần hoạt động của Đức Phaolô VI. Tôi đã luôn luôn cảm phục sự khôn ngoan sâu sắc và lòng dũng cảm của Người, cũng như sự bền chí kiên tâm của Người trong thời Hậu Công đồng đầy khó khăn của nhiệm kỳ Người. Là kẻ cầm lái Giáo hội, con thuyền của Thánh Phêrô, Người đã biết giữ sự bình tĩnh và quân bình được Chúa sắp đặt cả trong những lúc gay go nhất, khi mà Giáo hội như bị lay chuyển từ bên trong, và Người đã luôn giữ vững một niềm cậy trông không thể giao động vào sự đồng tâm nhất trí của Giáo hội, Bởi vì điều mà Thánh Thần đã dùng Công đồng vừa rồi để nói với Giáo hội trong thời đại chúng ta, điều mà trong Giáo hội này, Thánh Thần đang nói với tất cả các Giáo hội[8], điều ấy chỉ có thể - mặc dù đôi lúc có những lo âu - làm cho dân Thiên Chúa ý thức về sứ mệnh cứu độ của mình mà đồng tâm nhất trí hơn nữa.
Đức Phaolô VI đã lấy ý thức hiện đại của Giáo hội làm đề tài đầu tiên cho Thông điệp căn bản của Người, Thông điệp mở đầu bằng mấy chữ Ecclesiam suam (Giáo hội của Đức Kitô ). Tôi xin được tham chiếu Thông điệp ấy trước hết và liên hệ với nó trong văn kiện đầu tiên cũng được kể là văn kiện khai mạc nhiệm kỳ giáo hoàng này. Nhờ Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ Giáo hội ngày càng có một ý thức sâu sắc hơn về mầu nhiệm thiên linh của mình, về sứ mệnh nhân gian và cả về những yếu đuối phàm nhân của mình: chính ý thức ấy là và phải còn là nguồn mạch đầu tiên cho lòng yêu thương Giáo hội, cũng như lòng yêu thương lại góp phần củng cố và đào sâu ý thức ấy. Đức Phaolô VI đã để lại cho chúng ta bằng chứng một ý thức hết sức sắc bén về Giáo hội. Qua nhiều hợp tố phức tạp lắm khi đầy day dứt của nhiệm kỳ Người, Người đã dạy cho chúng ta một tình yêu kiên cường đối với Giáo hội là “Bí tích, nghĩa là vừa là dấu chỉ vừa là phương thế cho sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và cho sự thống nhất toàn thể loài người”, như Công đồng đã nói[9].
4. Tham chiếu Thông điệp đầu tiên của Đức Phaolô VI.
Chính vì lý do trên mà ý thức Giáo hội phải đi đôi với một thái độ cởi mở đối với tất cả để mọi người tìm được nơi Giáo hội “sự phong phú khôn dò của Đức Kitô”[10] mà vị tông đồ các dân ngoại nói tới. Sự cởi mở này, nối kết một cách hữu cơ với ý thức về bản chất của Giáo hội, với xác tín về chân lý của Giáo hội như Đức Kitô đã dạy: “Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy”[11], chính sự cởi mở như thế quy định tính năng động tông đồ, nghĩa là tính năng động thừa sai của Giáo hội vẫn tuyên xưng và công bố toàn vẹn tất cả chân lý đã được Đức Kitô truyền đạt cho. Đồng thời Giáo hội cũng phải thiết lập cuộc “đối thoại” mà Đức Phaolô VI trong Thông điệp Giáo hội Đức Kitô đã gọi là “đối thoại cứu độ”, khi vạch rõ từng phạm vi một trong các phạm vi đối thoại[12]. Ngày nay khi tham chiếu văn kiện đó là văn kiện đã xác định chương trình nhiệm kỳ giáo hoàng của Đức Phaolô VI, tôi không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, bởi vì vị tiền nhiệm lớn này đồng thời cũng thật là người cha đối với tôi, đã biết bày tỏ cho bên ngoài, ad extra, khuôn mặt đích thực của Giáo hội, mặc dù đã có những yếu kém xảy ra trong Giáo hội thời hậu Công đồng. Nhờ vậy một phần lớn gia đình nhân loại, trong những môi trường khác nhau của cuộc sống phức tạp, theo như tôi nghĩ, đã ý thức hơn là mình tuyệt đối cần đến Giáo hội của Đức Kitô, cần đến sứ vụ và việc phục vụ của Giáo hội. Ý thức ấy đôi khi đã tỏ ra mạnh mẽ hơn những thái độ phê phán công kích Giáo hội từ bên trong, ab intra, công kích các thể chế và cơ cấu của Giáo hội, các thành phần của Giáo hội và hoạt động của họ. Việc phê phán ngày càng tăng thêm này dĩ nhiên đã có những nguyên nhân khác nhau, và chúng ta chắc chắn rằng không phải bao giờ nó cũng thiếu một lòng yêu mến đích thực đối với Giáo hội. Đã đành nó biểu lộ cùng với điều này điều nọ khuynh hướng muốn ra khỏi cái gọi là óc hiếu thắng đã hay được bàn đến trong thời gian Công đồng. Nhưng nếu quả thật Giáo hội, theo gương Thầy mình là Đấng “khiêm nhượng trong lòng”[13] cũng đặt nền tảng của mình trên đức khiêm tốn, có tinh thần phê phán đối với tất cả những gì làm nên tính cách và hoạt động phàm nhân của mình, luôn nghiêm khắc đối với chính mình, thì những kẻ phê phán Giáo hội, về phần họ, cũng phải giữ những giới hạn phải chăng. Bằng không việc phê phán không còn là xây dựng, không còn tỏ bày chân lý, lòng biết ơn đối với ân sủng mà chúng ta được chia sẻ một cách chính yếu và đầy đủ trong Giáo hội và nhờ Giáo hội. Ngoài ra, óc phê phán không nói lên thái độ phục vụ mà chỉ để lộ ý muốn điều khiển ý kiến kẻ khác theo ý kiến riêng của mình và ý kiến riêng này lắm khi lại được công bố một cách quá nhẹ dạ.
Chúng ta phải biết ơn Đức Phaolô VI vì người vừa tôn trọng từng mảnh chân lý trong các ý kiến khác nhau của loài người, vừa giữ được sự quân bình cần thiết của người lái tàu[14]. Giáo hội được giao phó cho tôi hầu như liền sau Người - thông qua Đức Gioan-Phaolô I - chắc hẳn không thiếu những khó khăn và căng thẳng bên trong. Nhưng đồng thời Giáo hội được phòng bị tốt hơn từ bên trong để chống lại những cái quá đáng của việc tự phê: nói được là Giáo hội sẵn tinh thần phê phán hơn đối với những thứ phê phán nhẹ dạ, có sức kháng cự hơn trước những cái “mới lạ”, chín chắn hơn trong sự cân nhắc, có khả năng hơn để rút ra từ kho tàng vĩnh cửu của mình “cái mới và cái cũ”[15], biết tập trung hơn vào chính mầu nhiệm mình, và nhờ tất cả những mặt tích cực đó, sẵn sàng hơn để thi hành sứ mệnh cứu độ mọi người: Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật”[16].
5. Tập đoàn tính và việc tông đồ.
Trái với mọi vẻ bề ngoài Giáo hội ngày nay hiệp nhất hơn trong sự hiệp thông phục vụ và trong ý thức tông đồ. Sự hiệp nhất này xuất phát từ nguyên tắc tập đoàn tính được Công đồng Vat.II nhắc lại và chính Đức Kitô đã ban cho Đoàn mười hai tông đồ, đứng đầu là thánh Phêrô, và Người ban lại liên tục cho Đoàn Giám mục. Đoàn giám mục này không ngừng gia tăng trên khắp thế giới mà vẫn hiệp nhất với Đấng kế vị Thánh Phêrô và do Người lãnh đạo. Công đồng không những đã nhắc lại nguyên tắc tập đoàn này của các giám mục, mà còn đem lại cho nó một sức sống mãnh liệt, như khi ước mong thành lập một cơ cấu thường trực, mà Đức Phaolô VI đã thực hiện, đó là thượng hội đồng các giám mục. Hoạt động của hội đồng này đã đem lại cho nhiệm kỳ Giáo hoàng của Người một kích thước mới và hơn nữa đã phản chiếu rõ ràng ngay từ những ngày đầu tiên trên nhiệm kỳ Đức Gioan-Phaolô I và trên nhiệm kỳ của kẻ kế vị bất xứng này.
Nguyên tắc tập đoàn đã chứng tỏ là rất hợp thời trong thời khó khăn hậu Công đồng: Lúc ấy giám mục đoàn đã bày tỏ sự hiệp nhất với Người kế vị thánh Phêrô, nhất là qua thượng hội đồng. Lập trường chung và nhất trí của các giám mục đã góp phần đánh tan những mối nghi ngờ và cũng vạch ra cho thấy con đường đúng để canh tân Giáo hội trên khắp thế giới. Quả thế, từ Thượng hội đồng đã phát sinh, bên cạnh những hoa trái khác, cái sức đẩy thiết yếu hướng về việc phúc âm hóa; sức đẩy này đã được diễn tả trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi[17] (rao giảng Tin mừng) mà người ta đã hân hoan đón tiếp như là chương trình canh tân có tính cách vừa tông đồ, vừa mục vụ. Cũng một đường hướng như thế đã được tiếp tục trong khóa họp thường lệ sau cùng của Thượng hội đồng một năm trước khi Đức Giáo hoàng Phaolô VI từ trần. Như mọi người biết, khóa họp đã bàn về việc huấn giáo. Hiện Tòa thánh còn đang phải tổng hợp những kết quả của khóa làm việc này và soạn thành những văn kiện chính thức.
Vì chúng ta đang nói tới sự phát triển hiển nhiên từ những hình thức biểu lộ tập đoàn tính của các giám mục, thì ít nữa cũng phải nhắc lại quá trình củng cố các hội đồng giám mục quốc gia trong toàn thể Giáo hội, và những cơ cấu tập đoàn khác có tính cách quốc tế hay lục địa. Chiếu theo truyền thống lâu đời của Giáo hội, cũng nên chú ý đến hoạt động của các hội đồng địa phương. Thật vậy, ý tưởng của Công đồng như Đức Phaolô VI đã đem ra thực hiện một cách mạch lạc, là những cơ cấu loại ấy, đã từng được Giáo hội thí nghiệm từ bao nhiêu thế kỷ, và cả những hình thức cộng tác tập đoàn khác giữa các giám mục, chẳng hạn như giáo tỉnh, chưa nói tới riêng mỗi giáo phận, đều hoạt động với ý thức đầy đủ về chân tính của mình và đồng thời về tính cách độc đáo của mình trong sự duy nhất của Giáo hội ở khắp thế giới. Cũng một tinh thần cộng tác và đồng trách nhiệm như thế đang lan ra giữa các linh mục nữa, bằng chứng là rất nhiều hội đồng linh mục đã ra đời sau Công đồng. Tinh thần này cũng đã lan rộng tới các giáo dân, không những xác nhận những tổ chức tông đồ giáo dân sẵn có mà còn tạo nên những cơ cấu mới lắm lúc mang một sắc thái khác và một sức bật phi thường. Ngoài ra, người giáo dân ý thức về trách nhiệm của họ trong Giáo hội, đã tự nguyện dấn thân cộng tác với các chủ chăn, với các đại diện các dòng tu, trong khuôn khổ những hội đồng giáo phận hoặc những hội đồng mục vụ của các giáo xứ và giáo phận.
Tôi phải nghĩ tới tất cả những điều ấy khi bắt đầu nhiệm kỳ giáo hoàng của tôi để cảm tạ Thiên Chúa, để thiết tha khuyến khích tất cả các anh em chị em tôi và cũng để nhắc lại với lòng biết ơn sâu đậm công trình của Công đồng  Vat.II và của các vị tiền nhiệm của tôi đã tạo nên đà tiến mới cho đời sống Giáo hội, một đà tiến mạnh mẽ hơn hẳn những triệu chứng ngờ vực, đổ vỡ, khủng hoảng.
6. Đường đưa tới sự hiệp nhất các Kitô hữu.
Và phải nói thế nào về tất cả những sáng kiến do chiều hướng đại kết mới đã dấy lên ? Đức Gioan XXIII, vị Giáo chủ không ai quên được, một cách sáng sủa như Tin mừng, đã đặt vấn đề hiệp nhất các Kitô hữu như một hậu quả tất nhiên của ý muốn của chính Chúa Giêsu Kitô, vị thầy chúng ta, đã khẳng định nhiều lần và diễn tả một cách đặc biệt trong lời cầu nguyện tại phòng tiệc ly, trước ngày Người chịu chết: “Lạy Cha... con cầu xin ... để tất cả nên một”[18]. Công đồng Vat.II đáp lại đòi hỏi này dưới một hình thức gọn ghẽ là sắc lệnh về Đại kết. Đức Giáo hoàng Phaolô VI dựa vào sinh hoạt của văn phòng hiệp nhất Kitô hữu đã đi những bước đầu khó khăn trên con đường thực hiện sự hiệp nhất ấy. Chúng ta đã đi khá xa chưa trên con đường này ? Không dám đưa ra một câu trả lời chi tiết, chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã có những bước tiến thực sự và những bước tiến quan trọng. Và một điều chắc chắn là chúng ta đã làm một cách kiên trì và mạch lạc, và còn có những đại diện của các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu khác cùng đi với chúng ta nữa. Chúng ta thành thật biết ơn họ. Một điều chắc chắn nữa là trong hoàn cảnh lịch sử hiện nay của Kitô giáo và của thế giới, không thấy có khả năng nào khác để hoàn thành sứ mạng phổ quát của Giáo hội trong những gì liên quan tới các vấn đề đại kết, ngoài khả năng tìm kiếm một cách ngay thẳng, bền chí, khiêm tốn và can đảm nữa, những con đường xích lại gần nhau và hiệp nhất, như Đức Phaolô VI đã đích thân nêu gương cho chúng ta. Vậy chúng ta đã tìm kiếm sự hiệp nhất mà không nản lòng trước những khó khăn có thể xẩy đến hoặc chồng chất dọc theo con đường này; bằng không, chúng ta sẽ không trung thành với Lời Đức Kitô, chúng ta sẽ không thi hành lời di chúc của Người. Có được phép liều lĩnh như vậy không ?
Có những kẻ vì gặp phải những khó khăn hay vì đánh giá các kết quả của những công việc đại kết đầu tiên là tiêu cực, có lẽ đã muồn trở gót. Có người còn nói ra cả ý kiến là những nỗ lực kia có hại cho sự nghiệp Tin mừng, dẫn tới một sự đổ vỡ mới trong Giáo hội, tạo nên tình trạng lù mù tư tưởng trong các vấn đề đức tin và đạo đức, cuối cùng đưa tới một chủ trương dửng dưng tiêu biểu. Các phát ngôn viên của những ý kiến như thế có nói ra những lo ngại âu cũng là điều hay, nhưng ở đây cũng thế, cần phải giữ những giới hạn đúng đắn. Hiển nhiên là giai đoạn mới này trong đời sống Giáo hội đòi hỏi chúng ta phải có một đức tin đặc biệt có ý thức, sâu sắc và có tinh thần trách nhiệm. Sinh hoạt đại kết đích thực có nghĩa là cởi mở, xích lại gần, sẵn sằng đối thoại, cùng nhau tìm kiếm chân lý theo nghĩa hoàn toàn Phúc âm và Kitô giáo; nhưng nó không hề có nghĩa và không thể có nghĩa là người ta từ bỏ hoặc làm phương hại cách nào tới những kho tàng chân lý của Thiên Chúa vẫn không ngừng được Giáo hội tuyên xưng và giảng dạy. Với tất cả những ai, bất kỳ vì lý do nào, muốn khuyên can Giáo hội đừng tìm đến một sự hiệp nhất tất cả mọi Kitô hữu, ta cần phải nhắc lại một lần nữa: chúng ta có được phép không làm việc đó chăng ? Mặc dù tất cả sự yếu đuối loài người, tất cả mọi thiếu sót chồng chất trong các thế kỷ qua - chúng ta có được phép không tin tưởng vào ơn sủng Chúa chúng ta, như thấy tỏ ra gần đây bằng lời Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nghe trong Công đồng chăng ? Làm như thế, chúng ta sẽ chối bỏ chân lý liên quan tới chính chúng ta và đã được Thánh Phaolô tông đồ diễn tả một cách hùng hồn biết bao: “Hiện tôi có là gì, là bởi ơn Thiên Chúa, và ơn Ngài ban cho tôi đã không ra vô ích”[19].
Cho dù theo cách nào khác và với những dị biệt cần thiết cũng cần áp dụng những suy nghĩ trên đây vào hoạt động nhằm xích lại các đại diện của các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Hoạt động này diễn ra trong các cuộc đối thoại, tiếp xúc, cầu nguyện chung, nghiên cứu các kho tàng linh đạo của loài người, vì chúng ta biết rõ là các thành phần của những tôn giáo đó không thiếu những kho tàng như thế. Phải chăng nhiều khi lòng tin vững chắc của các thành phần những tôn giáo ngoài Kitô giáo - vốn cũng là hiệu quả của Thánh Thần chân lý tác động xa hơn những biên giới hữu hình của Thân mình mầu nhiệm - lòng tin ấy đáng làm cho các Kitô hữu hổ thẹn vì quá nhiều khi họ đâm ra nghi ngờ những chân lý do Thiên Chúa mạc khải và Giáo hội rao giảng, vì họ quá dễ dàng buông lỏng các nguyên tắc luân lý và mở rộng cửa cho một thứ luân lý tùy tiện ? Sẵn sàng hiểu từng người, phân tách từng hệ thống, nhìn nhận những gì đúng, đều là thái độ cao quý, nhưng như thế không hề có nghĩa là bỏ mất xác tín về đức tin của mình[20] hoặc làm suy yếu các nguyên tắc luân lý. Nếu không có những nguyên tắc luân lý này thì người ta sẽ chóng cảm thấy ảnh hưởng trong đời sống của trọn cả nhiều xã hội vì những hậu quả tai hại do đó mà sinh ra, chưa kể nhiều chuyện khác.
II. Mầu Nhiệm Cứu Độ.
7. Trong mầu nhiệm Đức Kitô .
Những con đường mà Công đồng thế kỷ chúng ta đã đưa Giáo hội vào và Đức Cố Giáo hoàng Phaolô VI đã chỉ rõ cho chúng ta trong Thông điệp đầu tiên của Người, sẽ vẫn còn là con đường mà tất cả chúng ta đều phải theo. Nhưng đồng thời, trong chặng đường mới này, chúng ta có thể tự hỏi một cách chính đáng: phải tiến tới như thế nào, theo cách thức nào? Phải làm gì để cho Mùa Vọng mới này của Giáo hội, mùa vọng liên hệ tới những năm cuối thiên niên kỷ thứ hai, đưa chúng ta lại gần Đấng mà Kinh Thánh gọi là Cha muôn thuở “Pater Futuri Saeculi”[21]. Đó là câu hỏi căn bản mà vị tân Giáo hoàng phải đặt ra cho mình, khi lấy tinh thần vâng phục trong đức tin mà nhận lệnh Đức Kitô đã nhiều lần truyền trao cho Phêrô và nay trở nên tiếng gọi cho mình: “Hãy chăn giữ chiên của ta”[22], có nghĩa là: hãy làm kẻ chăn đàn chiên của ta, và sau nữa: ”...Phần anh, khi trở lại rồi, thì lo cho anh em được vững mạnh”[23].
Anh em và các con rất thân mến, chính ở đây đã sẵn một câu trả lời căn bản và cốt yếu, tức là : định hướng duy nhất cho tinh thần, hướng đi duy nhất cho trí tuệ, cho ý chí, cho lòng ta là Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc con người, Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc thế giới. Chúng ta muốn đưa mắt hướng về Người, bởi vì chỉ nơi Người, Con Thiên Chúa, mới có ơn cứu độ, và chúng ta lặp lại lời tuyên xưng  của Phêrô : “Lạy Thầy, chúng tôi sẽ đi đến cùng ai nữa ! Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”[24].
Nhờ Công đồng, Giáo hội đã phát triển thật tốt ý thức về chính mình. Nay ở mọi bình diện của ý thức ấy, trong mọi địa hạt sinh hoạt là chỗ Giáo hội tự diễn tả mình, tự gặp lại mình, tự khẳng định mình, chúng ta luôn luôn vươn tới Đấng “là đầu"[25], Đấng mà “mọi sự có tự Người, và chúng ta cũng có tự Người"[26], Đấng vừa “là đường, là sự thật”[27], vừa là “sự sống lại và là sự sống”[28], Đấng mà hễ chúng ta thấy Người là thấy Cha[29], Đấng phải lìa biệt chúng ta mà đi[30] - ta hãy hiểu là : Người phải chết trên thập giá và sau đó siêu thăng lên trời - để cho Đấng an ủi đến và tiếp tục đến mãi với chúng ta như thần khí của sự thật[31]. Nơi Người có “hết thảy mọi kho tàng khôn ngoan thông thái”[32] và Giáo hội là thân mình Người[33]. Giáo hội trong Chúa Kitô, là như bí tích, tức là dấu chỉ và phương thế cho sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”[34]. Và Người là nguồn! Chính Người, Người là Đấng cứu chuộc!
Giáo hội không ngừng lắng nghe, đọc đi đọc lại các lời của Người, và hết lòng mộ mến tìm lại tất cả mọi chi tiết đời Người. Những Lời ấy, cũng được cả những người ngoài Kitô giáo lắng nghe. Cuộc đời Đức Kitô đồng thời nói với nhiều người hiện chưa thể lặp lại như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô , Con Thiên Chúa hằng sống”[35]. Là Con Thiên Chúa hằng sống, Người còn nói với người ta với tư cách là người nữa: chính cuộc đời của Người, nhân tính của Người, sự trung thành của Người đối với chân lý, lòng yêu thương của Người lan rộng tới mọi người tất cả đều nói. Sự chết của Người trên thập giá tức là chiều sâu khôn dò của những thống khổ và cảnh bị bỏ rơi của Người cũng nói. Giáo hội không bao giờ thôi sống lại cái chết của Người trên thập giá và sự phục sinh của Người: đó là nội dung sự sống hằng ngày của Giáo hội. Quả thế, do sự uỷ thác của chính Đức Kitô, thầy của mình, Giáo hội không ngừng cử hành nhiệm tích Thánh Thể, tìm thấy ở đó “nguồn sống và nguồn thánh thiện”[36], dấu chỉ kiến hiệu của ân sủng và sự giao hòa với Thiên Chúa, bảo chứng cho sự sống đời đời. Giáo hội sống mầu nhiệm Đức Kitô, hưởng dùng mầu nhiệm ấy mà không hề mỏi mệt và liên tục tìm mọi cách để làm cho mầu nhiệm Thầy và Chúa mình gần gũi với loài người, với các dân tộc, các nước, các thế hệ nối tiếp nhau, với riêng từng người, như thế, Giáo hội theo gương thánh Tông đồ mà cứ lặp lại mãi: “Ở nơi anh em, tôi đã quyết chẳng muốn biết gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, và là Đức Giêsu Kitô đã bị đóng đinh”[37]. Giáo hội ở lại trong cõi mầu nhiệm cứu chuộc, và đích thị mầu nhiệm ấy đã trở nên nguyên lý căn bản cho sự sống và sứ mệnh của Giáo hội.
8. Cứu chuộc: tạo thành được đổi mới.
Đấng cứu chuộc thế gian ! nơi Ngài đã được mạc khải một cách mới mẻ và kỳ diệu hơn chân lý căn bản về thế giới thụ tạo, điều mà sách Sáng thế xác nhận khi lặp đi lặp lại nhiều lần: “Thiên Chúa thấy như thế là tốt lành”[38]. Sự thiện bắt nguồn từ sự khôn ngoan và từ tình thương yêu. Thế giới hữu hình Thiên Chúa đã dựng nên cho con người[39], thế giới đã phải lụy phục sự hư nát khi tội lỗi lọt vào[40], thế giới ấy nay tìm lại được trong Đức Giêsu Kitô mối tương quan nguyên thủy với ngọn nguồn khôn ngoan và yêu thương là Thiên Chúa. Thật thế, “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình”[41]. Mối tương quan kia đã bị đứt mất nơi con người - Ađam thế nào thì nay nơi con người - Đức Kitô đã được nối lại như thế[42]. Có lẽ chúng ta là người của thế kỷ 20, chúng ta không xác tín về những lời mà vị tông đồ của các dân tộc đã nói ra một cách hùng hồn lôi cuốn về “tạo thành, cùng nhau rên xiết, cùng nhau quằn quại như ở cữ cho đến bây giờ”[43] và đang “ngong ngóng trông chờ việc mặc khải con cái Thiên Chúa”[44], về “cõi tạo thành “đã phải chịu lâm cảnh hư luống” ? Nhưng chính sự tiến bộ bao la, trước đây không hề có, đã tỏ hiện đặc biệt vào thế kỷ chúng ta trong địa hạt con người làm chủ thế giới, lại chẳng cho thấy sự lâm vào cảnh “hư luống” đủ cách và tới mức độ chưa từng biết đó sao ? Ở đây chỉ cần nhắc lại một vài sự kiện như là nguy cơ ô nhiễm môi trường thiên nhiên ở những nơi được công nghiệp hóa nhanh chóng, hoặc những cuộc xung đột vũ trang cứ bùng nổ và tái diễn liên miên, hoặc là viễn tượng tự diệt bằng các vũ khí nguyên tử, khinh khí và trung hòa tử và những loại khác tương tự, sự thiếu tôn trọng đối với trẻ thơ còn trong lòng mẹ. Thế giới của thời đại mới, thế giới của những chuyến bay vũ trụ, thế giới của những chinh phục về khoa học và kỹ thuật chưa hề bao giờ đạt được, phải chăng đồng thời cũng là thế giới “rên xiết và quằn quại như ở cữ”[45] và “ngong ngóng mong chờ sự mặc khải con cái Thiên Chúa”?[46]
Công đồng Vat.II khi phân tích sâu sắc “thế giới hiện thời” đã đạt tới điểm quan trọng hơn cả của thế giới hữu hình, tức là con người, bằng cách như Đức Kitô đi vào tận chỗ thâm sâu nhất trong ý thức con người cho thấu tới mầu nhiệm bên trong của con người mà ngôn ngữ Kinh Thánh và cả Kinh Thánh diễn tả bằng chữ “lòng dạ”. Đức Kitô, Đấng cứu chuộc thế giới, là Đấng đã đi vào mầu nhiệm con người một cách độc nhất vô nhị và đã vào trong “lòng dạ” con người. Cho nên Công đồng Vat.II dạy một cách đích đáng rằng: “Thực vậy, mầu nhiệm con người chỉ thực sự sáng tỏ là trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Bởi vì Ađam, con người đầu tiên đã là hình bóng của Đấng sẽ đến (Rm 5,14), là Chúa Kitô. Là Ađam mới, Chúa Kitô, trong chính mặc khải về Chúa Cha và tình yêu thương của Ngài, đã tỏ cho con người biết rõ chính mình và thấy được thiên chức cao cả của họ. Và còn dạy : Là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), Người là con người hoàn hảo đã phục hồi trong dòng dõi Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã lu mờ vì tội nguyên tổ. Bởi vì nơi Người, bản tính nhân loại đã được đảm nhận chứ không bị nuốt mất, chính nhờ đó cả nơi chúng ta nữa, bản tính ấy cũng được nâng lên một phẩm giá vô song. Vì do mầu nhiệm Nhập thể, Con Thiên Chúa đã như tự kết hiệp chính mình với mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu thương với lòng dạ con người. Sinh bởi Đức Trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, “giống chúng ta về mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi”[47]. Người là Đấng cứu chuộc con người !
9. Kích thước Thiên Chúa của mầu nhiệm cứu chuộc.
Khi suy nghĩ lại về bản văn đáng phục trên của Công đồng, chúng ta không quên, cho dù trong khoảnh khắc, rằng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã trở nên mối giao hòa chúng ta với Chúa Cha[48], Chính Người và duy một mình Người đã đáp ứng đầy đủ lòng yêu mến đời đời của Chúa Cha, đáp ứng tình cha mà Thiên Chúa đã tỏ ra từ thuở ban đầu khi tạo dựng thế giới, khi ban cho con người tất cả sự phong phú của giới thọ tạo, khi tác thành con người “không thua kém các thiên thần bao nhiêu”[49] vì được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa”[50] Đức Kitô đã đáp ứng đầy đủ tình cha và lòng yêu mến đó của Thiên Chúa, khi mà con người đã từ chối lòng yêu mến đó bằng việc phá vỡ giao ước đầu tiên[51] và tất cả những giao ước mà về sau Thiên Chúa đã nhiều lần ban tặng cho loài người[52]. Việc cứu chuộc thế giới là mầu nhiệm kinh hồn của lòng yêu mến đã canh tân giới thụ tạo[53]. Từ những cội rễ sâu xa nhất, đó là sự đầy đủ công chính trong trái tim một con người, trong trái tim người Con đầu lòng, để có thể trở nên sự công chính trong lòng nhiều người, những ai từ đời đời đã được tiền định trong lòng người Con đầu lòng ấy, để trở nên con cái Thiên Chúa[54] và được kêu gọi đón nhận ân sủng và đến với lòng yêu mến. Thập giá núi sọ, trên đó Đức Giêsu Kitô - là người, là con Trinh nữ Maria, được coi là con của Giuse ở Nadaret - “lìa khỏi” thế gian này, thập giá ấy đồng thời cũng là một biểu lộ mới về tình Cha đời đời của Thiên Chúa là Đấng trong Đức Kitô lại trở nên gần gũi với nhân loại, với mọi người, khi ban cho họ “Thần khí sự thật” ba lần thánh[55].
Việc mặc khải Chúa Cha và đổ tràn Thánh Thần như thế in dấu khôn nhòa vào mầu nhiệm cứu chuộc, làm cho ta hiểu ý nghĩa của thập giá và sự chết của Đức Kitô . Thiên Chúa tạo thành tự mặc khải mình là Thiên Chúa cứu chuộc, Thiên Chúa “trung tín với chính mình”[56], trung tín với lòng Ngài thương yêu con người và thế giới, như Ngài đã từng tự mặc khải trong ngày tạo dựng. Và lòng yêu mến của Ngài là một lòng yêu mến không lùi bước trước bất cứ điều gì mà sự công chính của Ngài đòi hỏi. Vì thế cho nên Con của Ngài, “Đấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa đã làm cho thành sự tội vì ta”[57]. Nếu Ngài đã làm cho Đấng tuyệt đối vô tội “thành sự tội” thì chính là để mặc khải lòng yêu mến bao giờ cũng lớn lao hơn tất cả mọi thụ tạo, lòng yêu mến là chính mình Ngài, “vì Thiên Chúa là lòng yêu mến”[58] và nhất là lòng yêu mến lớn hơn tội lỗi, lớn hơn sự yếu đuối và sự hư luống của tạo vật[59], mạnh hơn sự chết; đó là một lòng yêu mến luôn luôn sẵn sàng đi đón đứa con hoang đàng[60], luôn luôn tìm kiếm “việc mặc khải con cái Thiên Chúa”[61], là những kẻ đã được gọi đến vinh quang[62]. Lòng yêu mến được mặc khải đây cũng là lòng nhân từ[63], và sự mặc khải lòng yêu mến và lòng nhân từ này trong lịch sử con người có một khuôn mặt và một tên gọi: đó là Đức Giêsu Kitô.
10. Kích thước con người của mầu nhiệm cứu chuộc.
Con người không thể sống mà không có tình yêu thương. Con người vẫn là một cái gì không thể hiểu được đối với chính mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mặc khải về tình yêu thương, nếu không gặp tình yêu thương và không chiếm tình yêu thương thành của mình, không dự phần vào đó cách mãnh liệt. Cho nên, như đã nói, Đức Kitô cứu chuộc mặc khải đầy đủ về con người cho chính con người. Có thể nói đó là kích thước con người của mầu nhiệm cứu chuộc. Trong kích thước này, con người tìm lại được sự cao cả, phẩm cách và giá trị đặc biệt của nhân tính mình. Trong mầu nhiệm cứu chuộc, con người thấy mình được “xác nhận” lại và kể như được tái tạo. Được tái tạo ! “Không còn Do thái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ vì anh em hết thảy chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô”[64]. Con người muốn hiểu mình đến nơi đến chốn thì không thể bằng lòng với những tiêu chuẩn và kích thước trước mắt, thiên lệch, nhiều khi hời hợt và thậm chí chỉ là bề ngoài, nhưng phải đến gần Đức Kitô với tất cả những xao xuyến và bấp bênh, thậm chí với cả những yếu đuối và tội lỗi của mình, với sự sống và sự chết của mình. Nói được là phải vào trong Chúa Kitô với toàn thân của mình, phải thu nhận và đồng hóa tất cả thực tại Nhập thể và cứu chuộc thì mới tìm lại được chính mình. Con người phải có giá trị biết bao trước mắt Đấng tạo hóa nếu đã “đáng được một Đấng cứu chuộc lớn lao dường ấy”[65], nếu “Thiên Chúa đã ban Con Ngài”, để cho mình, là người, “không phải hư đi, nhưng được sự sống muôn đời”![66]
Quả thật, sự thán phục sâu xa ấy trước giá trị và phẩm giá con người được diễn tả bằng chính hai chữ Tin Mừng. Nó cũng gắn liền với đạo Kitô. Sự thán phục ấy biện minh cho sứ mạng của Giáo hội trên thế giới, và có lẽ còn hơn nữa, “trong thế giới hiện thời”. Sự thán phục ấy đồng thời cũng là xác tín và biết chắc, cái biết chắc này trong cội rễ căn bản là cái biết chắc của đức tin nhưng vẫn không ngừng tạo sinh khí một cách kín ẩn và huyền nhiệm cho tất cả mọi mặt của nền nhân bản đích thực; sự thán phục ấy gắn liền với Chúa Kitô. Chính nó cũng xác định vị trí Đức Kitô và nói được là quyền có chỗ đứng của Người trong lịch sử con người và nhân loại. Vốn không ngừng chiêm niệm toàn bộ mầu nhiệm Đức Kitô, Giáo hội, với tất cả sự chắc chắn của lòng tin, biết rằng ơn cứu chuộc thực hiện bằng thập giá đã dứt khoát trả lại cho con người phẩm giá và ý nghĩa sự hiện hữu của con người trong thế giới, khi mà con người đã đánh mất phần lớn ý nghĩa ấy vì tội lỗi. Bởi vậy, ơn cứu chuộc đã được hoàn thành trong mầu nhiệm vượt qua là mầu nhiệm dẫn qua thập giá và sự chết đến Phục sinh.
Ở mọi thời đại, và đặc biệt hơn nữa, ở thời đại chúng ta, nhiệm vụ căn bản của Giáo hội là đưa tầm mắt con người hướng ý thức và kinh nghiệm của tất cả nhân loại về mầu nhiệm Chúa Kitô, giúp mọi người làm quen với chiều sâu của ơn cứu chuộc thực hiện trong Đức Giêsu Kitô. Làm như thế là đồng thời đạt tới cõi thâm sâu nhất của con người, tức là lòng dạ, ý thức và sự sống con người.
11. Mầu nhiệm Chúa Kitô ở nền tảng sứ mệnh của Giáo hội và của Kitô giáo.
Công đồng Vat.II đã hoàn thành một công trình bao la để đào tạo ý thức đầy đủ và phổ quát về Giáo hội mà Đức giáo hoàng Phaolô VI đã bàn đến trong Thông điệp đầu tiên của Người. Ý thức đó - hay đúng hơn là sự tự ý thức của Giáo hội - được đào luyện trong “đối thoại”. Việc đối thoại này, trước khi thành đàm thoại, phải làm ta hướng sự chú ý tới “người khác”, tới người ta muốn nói chuyện. Công đồng chung đã tạo một đà cơ bản để đào luyện sự tự ý thức của Giáo hội khi trình bày một cách đầy đủ và quán xuyến cái nhìn về toàn bộ thế giới như một “bản đồ” các tôn giáo khác nhau. Ngoài ra, trên bản đồ các tôn giáo của thế giới này, Công đồng đã cho thấy còn chồng lên theo từng lớp như thế nào - một điều chưa hề thấy trước kia mà lại là đặc điểm của thời đại chúng ta - hiện tượng vô thần dưới nhiều dạng khác nhau, bắt đầu từ chủ nghĩa vô thần có kế hoạch, có tổ chức và được cấu trúc hóa thành hệ thống chính trị.
Còn về tôn giáo, thì trước tiên đây là tôn giáo như là một hiện tượng phổ quát, thuộc lịch sử con người từ đầu; rồi đến các tôn giáo khác nhau ngoài Kitô giáo và sau hết là chính Kitô giáo. Đặc biệt văn kiện Công đồng dành cho các tôn giáo ngoài Kitô giáo thì tràn đầy một niềm quý trọng sâu sắc đối với những giá trị thiêng liêng trọng đại, và hơn nữa, đối với những quyền ưu tiên của những gì là thiêng liêng và trong cuộc sống nhân loại đã được biểu lộ nơi tôn giáo, rồi nơi đạo đức phản ảnh vào tất cả văn hóa. Các giáo phụ thật có lý khi coi các tôn giáo khác nhau đều như những phản ảnh của một chân lý duy nhất, đều như những “hạt giống Lời”[67]. Như thế, các ngài làm chứng rằng khát vọng sâu xa nhất của tinh thần con người, dầu cho đường lối có khác nhau, vẫn quy về một hướng duy nhất, khi nó được biểu lộ trong việc tìm kiếm Thiên Chúa, và đồng thời, qua nỗ lực tìm về Thiên Chúa này, cũng được biểu lộ trong sự tìm kiếm kích thước toàn diện của nhân tính, tức là ý nghĩa đầy đủ của cuộc sống con người. Công đồng đã chú ý đặc biệt đến Do thái giáo, khi nhắc lại gia sản thiêng liêng quan trọng chung cho các tín hữu Kitô giáo và Do thái giáo, và Công đồng đã bày tỏ lòng quý trọng đối với các tín hữu đạo Hồi mà đức tin cũng quy chiếu về Abraham[68].
Nhờ Công đồng Vat.II mở lối, Giáo hội và tất cả các Kitô hữu đã đạt được một ý thức đầy đủ hơn về mầu nhiệm Đức Kitô, “mầu nhiệm được dấu kín từ muôn thuở”[69] nơi Thiên Chúa, để được mặc khải trong thời gian - trong con người Giêsu Kitô - và để được mặc khải ra liên tục, trong mọi thời. Trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã mặc khải mình cách đầy đủ cho loài người và đã dứt khoát trở nên gần gũi loài người; đồng thời trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, con người đã có được một ý thức đầy đủ về phẩm giá của mình, về sự vinh thăng của mình, về cả giá trị siêu việt của loài người, về ý nghĩa của cuộc sống loài người.
Vậy tất cả chúng ta, đồ đệ của Đức Kitô, chúng ta phải gặp nhau và hiệp nhất với nhau chung quanh Người. Sự hiệp nhất này, trong các địa hạt của cuộc sống, của truyền thống, của các cơ cấu và kỷ luật của mỗi Giáo hội và cộng đồng Giáo hội, không thể thực hiện được nếu không có hành động nghiêm túc nhằm hiểu biết lẫn nhau và hủy bỏ những trở ngại vẫn còn trên con đường đi tới hiệp nhất hoàn toàn. Tuy vậy, ngay từ bây giờ chúng ta có thể và phải đạt tới hiệp nhất và bày tỏ nó ra: bằng cách loan báo mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ cho người ta thấy kích thước vừa thuộc Thiên Chúa vừa thuộc con người của ơn cứu chuộc, đấu tranh một cách bền bỉ không mệt mỏi cho phẩm giá mà mỗi người đã đạt tới và có thể đạt tới mãi trong Chúa Kitô, đó là phẩm giá được ơn Thiên Chúa nhận làm con và đồng thời cũng là phẩm giá của chân lý bên trong nhân tính. Nếu phẩm giá này đã thành nổi bật một cách thật căn bản trong ý thức chung của thế giới hiện thời, thì nó lại càng hiển nhiên hơn nữa đối với chúng ta, trong ánh sáng của thực tại kia là chính Đức Giêsu Kitô vậy.
Đức Giêsu Kitô là nguyên lý vững bền và trung tâm thường xuyên của sứ mệnh mà chính Thiên Chúa đã trao cho con người. Tất cả chúng ta đều phải tham gia vào sứ mệnh ấy, phải dồn tất cả sức lực mình vào đó, bởi vì sứ mệnh ấy cần cho nhân loại ngày nay hơn bao giờ hết.
Và nếu trong thời đại chúng ta sứ mệnh ấy có vẻ như gặp những sự chống đối hơn ở bất kỳ thời nào khác, thì điều đó cho thấy sứ mệnh ấy hiện nay lại còn cần thiết hơn nữa, và - mặc dù có những chống đối - lại còn được mong đợi hơn bao giờ. Ở đây chúng ta gián tiếp đụng tới mầu nhiệm của kế đồ Thiên Chúa đã kết hợp sự cứu độ và ân sủng với thập giá. Lời của Chúa Kitô đâu có phải là vô lối: “Nước trời chịu sự mạnh bạo, và những kẻ mạnh bạo đang chiếm đoạt lấy”[70], và cũng có lời: “Con cái thế gian này khôn hơn con cái sự sáng”[71]. Chúng ta sẵn lòng nhận lấy lời trách móc ấy để được giống như những người “mạnh bạo vì Thiên Chúa” mà chúng ta đã thấy biết bao nhiêu lần trong lịch sử Giáo hội và ngày nay vẫn còn đang thấy, để hiệp nhất với nhau một cách có ý thức trong sứ mệnh lớn lao là mặc khải Đức Kitô cho thế giới, là giúp mỗi người tìm lại chính mình nơi Người, là giúp các thế hệ hiện thời của anh chị em chúng ta, các dân tộc, các quốc gia, các chính phủ, nhân loại, các nước chưa phát triển và các nước giàu có, tắt một lời, là giúp cho tất cả mọi người được biết “sự phong phú khôn dò của Đức Kitô ”[72] bởi vì sự phong phú này được dành cho mọi người và làm nên cơ nghiệp của mỗi người.
12. Sứ mệnh của Giáo hội và tự do của con người.
Trong sự hiệp nhất trên bình diện sứ vụ đó, mà cốt yếu là do chính Chúa Kitô quyết định mọi Kitô hữu phải khám phá ra điều gì đã hiệp nhất họ với nhau, ngay cả trước khi sự hiệp thông đầy đủ được thực hiện. Đó là sự hiệp nhất tông đồ và truyền giáo, truyền giáo và tông đồ. Nhờ sự hiệp nhất này, chúng ta có thể cùng nhau tìm đến gần gia sản tuyệt diệu của tinh thần con người, đã thể hiện trong mọi tôn giáo, như Công đồng Vat.II đã nói trong tuyên ngôn Thời đại chúng ta[73]. Nhờ đó, chúng ta đồng thời đến với mọi văn hóa, mọi ý thức hệ, mọi người thiện chí. Chúng ta đến gần như thế với lòng quý chuộng, tôn trọng và biện biệt là những đặc điểm của thái độ truyền giáo và của người truyền giáo từ thời các tông đồ. Chỉ cần nhắc tới Thánh Phaolô và chẳng hạn bài Người nói trên đồi Are ở Athena[74]. Thái độ truyền giáo luôn bắt đầu bằng một tâm tình quý chuộng sâu sắc đối với những gì chính họ vẫn ấp ủ tự đáy lòng[75] về những vấn đề sâu xa và quan trọng nhất, đó là tôn trọng tất cả những gì Thần khí “muốn thổi đâu thì thổi”[76] đã tác động nơi họ. Truyền giáo không bao giờ là phá hủy, nhưng là đảm nhận những giá trị và xây dựng lại, cho dù trong thực hành không phải bao giờ người ta cũng đã đáp ứng đầy đủ một lý tưởng cao như thế. Còn sự trở lại vốn phải bắt rễ từ việc truyền giáo thì chúng ta biết rõ đó là công trình của ân sủng khiến con người tìm lại được đầy đủ chính mình.
Vì thế cho nên Giáo hội thời đại chúng ta đặt một tầm quan trọng rất lớn vào tất cả những gì Công đồng Vat.II đã trình bày trong tuyên ngôn về Tự do tôn giáo, cả trong phần thứ nhất lẫn phần thứ hai của văn kiện này[77]. Chúng ta cảm thấy một cách sâu sắc rằng chân lý do Thiên Chúa mặc khải đòi hỏi phải dấn thân. Đặc biệt chúng ta mang một ý thức trách nhiệm rất nhậy bén đối với chân lý ấy. Giáo hội được Đức Kitô thiết lập làm kẻ giữ gìn và giảng dạy chân lý ấy, chính vì thế mà đã được ban cho một ơn phù trợ đặc biệt của Thánh Thần, để có thể trung thành gìn giữ và giảng dạy nguyên vẹn chân lý ấy[78]. Trong khi chu toàn sứ mệnh này, chúng ta hãy nhìn chính Đức Kitô, Người là kẻ đầu tiên loan báo tin mừng[79], cũng hãy nhìn các Tông đồ, các vị tử đạo, các vị Tuyên tín của Người. Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo có sức thuyết phục cho thấy rằng, trong khi loan báo chân lý không từ loài người nhưng từ Thiên Chúa mà đến ("Đạo lý Ta dạy không phải là của Ta, mà là của Đấng đã sai Ta”[80], tức là của Chúa Cha), và tuy vẫn hành động với tất cả sức mạnh tinh thần mình, Đức Kitô , và sau đó các Tông đồ của Người, vẫn giữ sự quý chuộng sâu sắc đối với con người, đối với trí tuệ, ý chí, ý thức và tự do của con người[81]. Như thế, phẩm giá con người lại thuộc phần sự loan báo đó, dù không dùng tới lời nói, mà chỉ duy bằng cung cách đối xử với người ta. Thái độ đó xem ra tương ứng với những nhu cầu đặc biệt của thời đại chúng ta. Tự do thực sự của con người không phải ở tất cả những gì các hệ thống khác nhau và cả các cá nhân nữa coi là tự do và phổ biến như là tự do; thế nghĩa là Giáo hội, do sứ mệnh Thiên Chúa ban cho, lại càng trở nên người gìn giữ sự tự do kia và là điều kiện và nền tảng cho phẩm giá thật của con người...
Đức Giêsu Kitô tìm gặp con người mọi thời đại, kể cả thời đại chúng ta, trước sau cũng vẫn một lời: “Anh em sẽ được biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng anh em”[82]. Những lời này bao hàm một đòi hỏi căn bản và đồng thời một lời nhắn nhủ: đòi hỏi lương thiện trước sự thật là điều kiện để có tự do chân thực, và cũng nhắn nhủ hãy tránh mọi thứ tự do bề ngoài, mọi thứ tự do hời hợt và một chiều, mọi thứ tự do không đi cho tới cùng sự thật về con người và thế giới. Ngày nay, sau hai ngàn năm, Đức Kitô vẫn còn xuất hiện như Đấng đem đến cho con người sự tự do dựa trên chân lý, như Đấng giải phóng con người khỏi những gì giới hạn, giảm bớt và có thể nói là hủy diệt tận căn sự tự do đó trong tinh thần, trong lòng, trong ý thức con người. Về điều ấy, có bằng chứng tuyệt vời biết bao của những người, nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô, đã đạt tới tự do thực sự, và đã làm chứng ngay cả trong hoàn cảnh có cưỡng bức từ bên ngoài.
Và khi chính Đức Giêsu Kitô ra trước tòa Philatô như một người tù và bị ông này xét hỏi về điều các đại diện Công hội tố cáo Người, Người đã chẳng trả lời: “Tôi đã sinh ra và đã đến trong thế gian này để làm chứng cho sự thật”[83] đó sao ? Bằng những lời như thế nói trước vị thẩm phán vào một giây phút quyết định, Người như xác nhận thêm một lần nữa điều Người đã nói trước kia: “Anh em sẽ được biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng anh em”. Trải qua các thế kỷ và các thế hệ, bắt đầu từ thời các tông đồ, há chẳng phải chính Đức Giêsu Kitô đã bao lần ra tòa bên cạnh những người bị xét xử vì chân lý, và đã đi chịu chết với những người bị lên án vì chân lý đó sao ? Có khi nào Người lại thôi làm người phát ngôn và bào chữa cho con người sống “trong Thần Khí và sự thật”[84]? Không, Người không bao giờ thôi làm việc đó trước tôn nhan Chúa Cha, và cũng không thôi làm việc đó trước lịch sử con người. Đến lượt Giáo hội, mặc dù có những yếu đuối vốn thuộc về lịch sử nhân thế của mình, cũng không ngừng đi theo Đấng đã nói: “Giờ sẽ đến - và là ngay bây giờ - những kẻ thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Cha trong Thần khí và sự thật, vì Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Ngài như thế. Thiên Chúa là Thần khí, nên những kẻ thờ phượng cũng phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật”[85].
III. Con người được cứu chuộc
và hoàn cảnh con người trong thế giới ngày nay.
13. Chúa Kitô kết hợp với từng người.
Khi xuyên qua kinh nghiệm của gia đình nhân loại ngày càng nhanh chóng gia tăng liên tục, chúng ta vào sâu trong mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, chúng ta hiểu rõ hơn rằng, ở giữa tất cả những con đường mà Giáo hội thời đại chúng ta phải đi để tiếp tục cuộc hành trình của mình, đúng theo những hướng dẫn khôn ngoan của Đức Phaolô VI[86], có một con đường vô song: con đường đã được thử nghiệm từ nhiều thế kỷ mà đồng thời cũng là con đường cho tương lai. Chúa Kitô đã chỉ cho con đường ấy nhất là khi, như theo lời lẽ của Công đồng “nhờ việc Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã kết hợp một cách nào đó với mọi người”[87], Như vậy, Giáo hội nhìn nhận nghĩa vụ căn bản của mình khi hành động sao cho sự kết hợp kia không ngừng tiếp diễn trong hiện tại. Giáo hội muốn phục vụ mục tiêu duy nhất này là mọi người có thể gặp lại Đức Kitô, ngõ hầu Đức Kitô có thể đi con đường đời, bên cạnh mỗi người, với sức mạnh của chân lý về con người và về thế giới chứa sẵn trong mầu nhiệm Nhập thể và cứu chuộc và với sức mạnh của tình thương yêu tỏa ra từ đó. Trong bối cảnh những phát triển vẫn ngày càng lớn hơn theo dòng lịch sử và xem ra đang gia tăng đặc biệt ở thời đại chúng ta trong phạm vi những hệ thống, những quan niệm ý thức hệ về thế giới và những chế độ khác nhau. Đức Giêsu Kitô, một cách nào đó, lại có mặt, mặc dù bề ngoài có vẻ như Người vắng mặt, mặc dù sự có mặt và hoạt động thể chế của Giáo hội bị đủ thứ hạn chế. Đức Giêsu Kitô trở nên hiện diện với sức mạnh của chân lý và tình thương yêu đã được biểu lộ nơi Người một cách đầy đủ, độc nhất vô nhị và vô tiền khoáng hậu, tuy cuộc đời trần thế của Ngài đã thật ngắn ngủi và thời gian hoạt động công khai của Ngài còn ngắn ngủi hơn.
Đức Giêsu Kitô là con đường chính của Giáo hội. Chính Người là đường chúng ta đi về “nhà Cha”[88] và Người cũng là đường cho mọi người. Trên đường đưa từ Đức Kitô đến con người đó, trên con đường Đức Kitô kết hợp với từng người đó, Giáo hội không thể bị ai ngăn chận. Lợi ích trần thế và lợi ích đời đời của con người đòi hỏi như vậy. Vì lòng tôn trọng Đức Kitô và do bởi mầu nhiệm làm thành sự sống của chính mình, Giáo hội không thể thờ ơ đối với tất cả những gì phục vụ lợi ích thật của con người, cũng như không thể vô tình đối với những gì đe dọa lợi ích này. Nhiều chỗ trong các văn kiện Công đồng Vat.II đã nói lên mối quan tâm căn bản ấy của Giáo hội, là làm sao cho cuộc sống trên thế giới này “xứng hợp hơn với phẩm giá cao cả của con người”[89] về mọi phương diện, để cuộc sống đó thành “nhân đạo hơn mãi”[90]. Mối quan tâm đó cũng là mối quan tâm của chính Đức Kitô , Đấng chăn chiên tốt lành của tất cả mọi người. Nhân danh mối quan tâm đó, như chúng ta đọc được trong Hiến chế Mục vụ của Công đồng, “Giáo hội do bởi trách nhiệm và thẩm quyền riêng của mình không lẫn lộn được bất kỳ cách nào với cộng đồng chính trị và không bị ràng buộc với một hệ thống chính trị nào hết, nhưng Giáo hội vừa là dấu chỉ vừa là bảo đảm cho tính cách siêu việt của bản vị con người”[91].
Vậy đây là nói về con người trong tất cả sự thật, trong đầy đủ kích thước của con người. Không phải là con người “trừu tượng”, nhưng là con người hiện thực, “cụ thể”, “lịch sử”. Đây là từng người một, bởi vì mỗi người đã được bao hàm trong mầu nhiệm cứu chuộc, và Đức Giêsu Kitô đã kết hợp với từng người một, mãi mãi, qua mầu nhiệm này. Người nào cũng vậy, đến với cuộc đời khi thành thai trong lòng mẹ và từ lòng mẹ sinh ra, và chính do bởi mầu nhiệm cứu độ mà được trao phó cho Giáo hội chăm lo. Mối quan tâm này bao quát toàn diện con người và quy về con người một cách đặc biệt. Đối tượng của sự chú ý sâu xa này là con người trong thực tại làm người có một không hai, vô tiền khóng hậu, và còn giữ nguyên vẹn hình ảnh của chính Thiên Chúa[92]. Đó chính là điều Công đồng chỉ dẫn khi nói về hình ảnh Thiên Chúa mà nhắc lại rằng “con người là thụ tạo duy nhất trên mặt đất đã được Thiên Chúa tạo nên vì chính họ”[93]. Con người, như đã được Thiên Chúa “muốn” đã được Ngài “chọn” từ đời đời, được gọi, được tiền định để hưởng ân sủng và vinh quang: đó chính là “mọi” người, con người “cụ thể hơn cả”, “hiện thực hơn cả”. Chính như thế đó là con người trong tất cả sự đầy đủ của mầu nhiệm mà con người được tham dự nơi Đức Giêsu Kitô và mỗi người trong bốn tỷ người đang sống trên hành tinh chúng ta cũng được tham dự, ngay từ giây phút thành thai gần bên trái tim mẹ mình.
14. Tất cả mọi con đường của Giáo hội
đều đưa tới con người.
Giáo hội không thể bỏ rơi con người khi mà “định mệnh” con người tức là việc được chọn, được gọi, được sinh ra và được chết, được cứu độ hay hư mất đều liên hệ một cách chặt chẽ và dứt khoát với Đức Kitô . Và đây chính là mỗi con người sống trên hành tinh này, trên trái đất này mà Tạo hóa đã ban cho con người đầu tiên khi nói với người nam và người nữ: “Hãy khắc phục và thống trị nó”[94]. Đây chính là mọi con người trong tất cả thực tại tuyệt đối duy nhất của hữu thể và hành động, trí tuệ và ý chí, ý thức và lòng dạ của họ. con người, trong thực tại độc nhất vô nhị của mình (bởi vì là một “bản vị"), có một lịch sử riêng tư của linh hồn mình. Con người đúng theo sự cởi mở bên trong tinh thần và cũng theo biết bao nhiêu nhu cầu này nọ của thân xác và cuộc sống tại thế, vẫn viết nên lịch sử riêng tư kia qua rất nhiều liên hệ, tiếp xúc, hoàn cảnh,  cơ cấu xã hội nối kết mình với những người khác. Và con người làm điều ấy từ giây phút đầu tiên của hiện hữu trên trái đất, từ giây phút thành thai và sinh ra. Con người, trong chân lý đầy đủ của cuộc sống mình, của hữu thể riêng mình và đồng thời của hữu thể cộng đồng và xã hội của mình - trong vòng gia đình bên trong những xã hội và những khung cảnh rất khác nhau, trong khuôn khổ quốc gia hay dân tộc mình ( và có lẽ còn hơn nữa trong khuôn khổ bộ lạc hay sắc tộc của mình), ngay cả trong khuôn khổ toàn thể nhân loại, con người đó là con đường đầu tiên mà Giáo hội phải đi qua khi làm tròn sứ mệnh của mình: con người đó là con đường đầu tiên và con đường căn bản của Giáo hội, con đường do chính Đức Kitô vạch ra, con đường mãi mãi đi xuyên qua mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu chuộc.
Chính con người đó, trong tất cả sự thật của đời sống mình, trong ý thức mình, trong xu hướng luôn nghiêng theo tội lỗi và đồng thời trong niềm khát vọng không ngừng hướng về sự thật, điều tốt, cái đẹp, công lý, tình thương, chính con người đó là con người Công đồng Vat.II đã có trước mắt khi mô tả hoàn cảnh của họ trong thế giới ngày nay mà đã luôn luôn đi từ những yếu tố bề ngoài của hoàn cảnh ấy để thấu đạt chân lý bên trong của nhân tính: “Ngay chính trong con người có nhiều yếu tố xung khắc nhau. Một đàng, vì là tạo vật, con người kinh nghiệm mình bị giới hạn nhiều bề; đàng khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và được mời gọi sống một cuộc sống cao cả hơn. Giữa đủ thứ thôi thúc, con người không ngừng bị bắt buộc phải chọn lựa và từ bỏ. Tệ hơn nữa, vì yếu đuối và tội lỗi, con người hay làm điều mình không muốn và không làm được chút nào điều mình muốn. Rốt cuộc, con người phải chịu sự chia rẽ ngay trong bản thân mình và chính do đó mà sinh ra bao nhiêu bất hòa lớn lao giữa lòng xã hội”[95].
Con người như thế là con đường của Giáo hội, con đường mở ra, một cách nào đó, từ nền tảng mọi con đường Giáo hội phải đi, bởi vì con người - mọi người, không trừ một ai - đã được Đức Kitô cứu chuộc, bởi vì Đức Kitô kết hợp cách nào đó với con người, với từng người một không trừ ai, ngay cả khi họ không ý thức: “Đức Kitô , chết và sống lại cho tất cả, ban cho con người” - cho người nào cũng vậy và cho tất cả mọi người - “ánh sáng và sức lực để họ có thể đáp ứng với ơn kêu gọi cao cả của mình”[96].
Vì con người đó là con đường của Giáo hội, con đường cho cuộc sống và những kinh nghiệm hằng ngày, cho sứ mệnh và lao khổ của Giáo hội, nên Giáo hội thời đại chúng ta, phải ý thức và luôn canh tân ý thức về hoàn cảnh con người. Giáo hội như vậy phải ý thức về các khả năng của con người được biểu lộ qua việc luôn đi vào một phương hướng mới; Giáo hội đồng thời phải ý thức về các mối đe dọa xảy đến cho con người. Giáo hội cũng phải ý thức về tất cả những gì xem ra trái ngược với cố gắng làm cho “cuộc sống con người luôn nhân đạo hơn”[97], ngõ hầu tất cả những gì hợp thành cuộc sống đó tương ứng với phẩm giá thật của con người. Tóm lại, Giáo hội phải ý thức về tất cả những gì trái ngược với tiến trình đó.
15. Những gì con người ngày nay lo sợ.
Trong khi vẫn ghi nhớ một các sống động hình ảnh đã được Công đồng Vat.II vạch ra một cách sáng suốt và có thẩm quyền như thế, chúng ta một lần nữa sẽ thử thích nghi với những đòi hỏi của hoàn cảnh không ngừng thay đổi tuy vẫn diễn biến theo những chiều hướng nhất định.
Con người ngày nay xem như luôn bị đe dọa bởi cái mình làm ra, tức là kết quả của công lao bàn tay mình, và hơn nữa của lao công trí óc mình, của các xu hướng ý chí mình. Một cách quá nhanh chóng và thường bất ngờ, các kết quả của hoạt động đa dạng kia của con người không chỉ và không hẳn là đối tượng cho sự “tha hóa”, tức là đơn thuần bị cướp mất khỏi tay kẻ làm ra chúng, nhưng các kết quả ấy còn quay ra chống lại chính con người, ít nữa một phần nào và trong hiệu lực gián tiếp của chúng; chúng bị vận dụng hay có thể bị vận dụng theo chiều hường chống lại con người. Phần chính yếu trong bi kịch cuộc sống con người ngày nay, trong kích thước rộng rãi hơn cả và phổ biến hơn cả xem ra là ở chỗ đó. Bởi vậy, con người sống trong lo sợ hơn mãi. Con người sợ những sản phẩm của mình, dĩ nhiên không phải là tất cả, cũng không phải là phần lớn, nhưng một số nào đó, mà lại là chính những sản phẩm chứa đựng một phần đặc biệt của thiên tài và óc sáng tạo của mình, sợ những sản phẩm này có thể quay ra chống hẳn lại chính mình. Sợ chúng có thể trở thành những phương tiện và công cụ cho một họa tự diệt không tưởng tượng nổi, vì so với họa tự diệt này, mọi tai ương thảm họa trong lịch sử xem ra không đáng kể gì nữa. Như vậy, một câu hỏi phải được nêu lên : Vì sao cái quyền lực được ban cho con người từ thuở đầu và phải cho phép con người thống trị trái đất (98), thì quay ra chống lại chính con người, gây nên một tình trạng lo âu rất dễ hiểu, một tình trạng sợ hãi có ý thức hay vô ý thức và đầy đe dọa đang lan rộng cách này hay cách khác đến toàn thể gia đình nhân loại hiện thời và đang tỏ ra dưới mọi hình thức?
Tình trạng đầy đe dọa đối với con người xuất phát từ những sản phẩm của con người, được tỏ lộ theo những hướng khác nhau và gồm những cường độ khác nhau. Xem ra chúng ta ngày càng ý thức hơn về sự kiện là việc khai thác trái đất, hành tinh trên đó chúng ta sống, cần phải có kế hoạch hợp lý và đúng đắn. Đồng thời, việc khai thác ấy khi nhằm những mục đích không phải chỉ là kỹ nghệ mà còn là quân sự và việc phát triển kỹ thuật khi không được kiểm soát và tổ chức trên bình diện toàn cầu và một cách thật nhân bản, đều hay bao hàm một mối đe dọa cho môi trường tự nhiên của con người, tha hóa con người trong những quan hệ đối với thiên nhiên và khiến con người xa rời thiên nhiên. Con người nhiều khi làm như không nhận ra môi trường tự nhiên của mình có ý nghĩa nào khác ngoài những cái lợi cho việc sử dụng và tiêu thụ trước mắt. Trái lại, ý Tạo hóa là con người thông hiệp với thiên nhiên như người “làm chủ” và “bảo vệ” thiên nhiên một cách thông minh và cao quý[98], chứ không phải như kẻ khai thác và phá hoại thiên nhiên không nương tay.
Nhờ làm chủ kỹ thuật mà có, sự phát triển kỹ thuật và văn minh thời đại chúng ta đòi hỏi một sự phát triển tương xứng trong đời sống đạo đức. Nhưng tiếc thay, sự phát triển đạo đức này xem ra luôn ở lại phía sau. Đã đành tiến bộ kỹ thuật và văn minh kia là tuyệt diệu và khó mà không thấy ở đó những dấu hiệu đích thực về sự cao cả của con người với tính sáng tạo đã được mặc khải tiềm tàng trong những trang Sách Sáng thế, kể từ trình thuật về tạo dựng[99]. Tuy nhiên cũng chính tiến bộ đó không thể không sinh ra rất nhiều nỗi lo âu. Nỗi lo âu trước tiên nhằm vào vấn đề cốt yếu và căn bản: tiến bộ do con người làm ra và bảo vệ có khiến cho đời sống con người trên trái đất trở nên “nhân đạo hơn” về mọi phương diện chăng ? Không thể nghi ngờ là có như thế về một số mặt nào đó. Tuy vậy, câu hỏi kia vẫn cứ trở lại ở điểm cốt yếu: con người với tư cách là con người, trong khung cảnh tiến bộ, có thực sự khá hơn không, nghĩa là chín chắn hơn về mặt tinh thần, ý thức hơn về nhân phẩm mình, có trách nhiệm hơn, cởi mở hơn với kẻ khác, đặc biệt với những kẻ thiếu thốn và yếu kém nhất, sẵn sằng giúp đỡ mọi người hơn ?
Đó là câu hỏi mà các Kitô hữu phải tự nêu lên cho chính mình vì Đức Kitô đã làm cho họ nhạy cảm đối với mọi mặt vấn đề con người. Đó cũng là câu hỏi mà mọi người phải tự nêu lên cho mình, đặc biệt là những ai thuộc về những môi trường xã hội tích cực dành công sức cho sự phát triển và tiến bộ ở thời đại chúng ta. Khi theo dõi các tiến triển này và dự phần vào đó, chúng ta không thể để mình rơi vào cơn sảng khoái, và càng không thể để mình bốc lên theo niềm phấn khởi một chiều vì chinh phục của chúng ta: nhưng tất cả chúng ta đều phải hết sức ngay thẳng, khách quan và đem một ý thức về trách nhiệm tinh thần mà tự đặt cho mình những câu hỏi cốt yếu liên quan đến hoàn cảnh con người ngày nay và trong tương lai. Tất cả những chinh phục đã đạt được cho tới nay và những chinh phục mà kỹ thuật dự trù sẽ thực hiện trong tương lai, có đi đôi với tiến bộ đạo đức và tinh thần của con người không ? Trong khung cảnh đó, phải chăng con người, với tư cách là con người, được phát triển và tiến bộ, hay phải chăng con người đang thoái hóa và sa sút trong nhân tính mình ? Phải chăng nơi loài người, “trong thế giới con người” vốn tự nó là một thế giới của cái tốt và cái xấu tinh thần, cái tốt đang hơn cái xấu ! Phải chăng tình thương xã hội, lòng tôn trọng quyền lợi kẻ khác - mọi người, mọi quốc gia, mọi dân tộc - đang tăng lên thực sự trong loài người, giữa người với người, hay phải chăng ngược lại, chỉ có tăng thêm các mối ích kỷ ở những bình diện này nọ, các chủ nghĩa quốc gia quá đáng thay vì lòng yêu nước đích thực, chưa kể khuynh hướng vượt quá những quyền hạn riêng và những công lao chính đáng của mình mà thống trị kẻ khác, cũng như khuynh hướng khai thác tiến bộ vật chất, kỹ thuật và sản xuất cho mục đích độc nhất là thống trị kẻ khác hay làm lợi cho đế quốc này hay đế quốc nọ.
Đó là những câu hỏi cốt yếu mà Giáo hội không thể không tự nêu lên cho mình, khi mà hàng tỷ người hiện sống trên thế giới đang tự nêu lên cho họ những câu hỏi ấy một cách ít nhiều minh nhiên. Đề tài phát triển và tiến bộ ở trên môi mọi người và xuất hiện trên các cột báo chí và ấn phẩm, trong hầu hết mọi thứ tiếng của thế giới ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng, đề tài ấy không phải chỉ bao hàm những quả quyết và những cái chắc chắn, mà còn cả những câu hỏi và những lo âu ray rứt nữa. Những câu hỏi và những lo âu này không kém phần quan trọng. Chúng phù hợp với bản chất ý thức con người, và hơn nữa với nhu cầu căn bản của con người là quan tâm đến con người, đến nhân tính, đến tương lai loài người trên trái đất. Nhờ lòng tin hướng về cánh chung, Giáo hội coi mối quan tâm đến con người, đến nhân tính, đến tương lai loài người trên trái đất và vì vậy cũng là mối quan tâm đến phương hướng của toàn bộ sự phát triển và tiến bộ kia, như một yếu tố cốt yếu trong sứ mệnh của mình và không thể tách rời ra được. Và Giáo hội tìm được nguyên lý của mối quan tâm đó trong chính Đức Giêsu Kitô, như các Tin mừng làm chứng. Vì vậy trong Người, Giáo hội muốn thường xuyên tăng thêm mối quan tâm đó bằng cách nhìn lại hoàn cảnh con người trong thế giới ngày nay dưới ánh sáng những dấu hiệu quan trọng hơn cả của thời chúng ta.
16. Tiến bộ hay đe dọa ?
Như thế nếu thời chúng ta, thời thế hệ chúng ta, thời gần cuối thiên niên kỷ thứ hai của kỷ nguyên Kitô giáo, tỏ ra trước mắt chúng ta như một thời có những tiến bộ lớn thì nó cũng xuất hiện như một thời mang đủ thứ đe dọa đối với con người: Giáo hội phải nói và đối thoại với mọi người thiện chí về vấn đề này. Vì hoàn cảnh con người trong thế giới ngày nay xem ra ở xa những đòi hỏi khách quan của trật tự đạo đức, cũng như những đòi hỏi của công bình và, còn hơn nữa, của tình thương xã hội. Đây chỉ là những gì được bày tỏ trong sứ điệp đầu tiên mà Tạo hóa đã truyền cho con người, khi giao phó trái đất cho con người “khuất phục”[100]. Sứ điệp đầu tiên đó đã được Đức Kitô xác nhận trong mầu nhiệm cứu chuộc. Công đồng Vat.II nói lên điều này trong những chương thật hay về “Vương quyền” của con người, nghĩa là về việc con người được mời gọi dự phần vào việc phục vụ hoàng vương - munus regale - của chính Đức Kitô[101]. Ý nghĩa căn bản của “vương quyền” này và của việc trị vì trên thế giới hữu hình mà Tạo hóa đã giao cho con người như một nghĩa vụ, ý nghĩa đó là đạo đức có quyền ưu tiên đối với kỹ thuật, con người ở trên các đồ vật, và tinh thần cao quý hơn vật chất.
Chính vì thế cần phải chú ý theo dõi tất cả các giai đoạn của tiến bộ ngày nay: phải làm như thể “rọi điện” từ quan điểm kia vào từng giai đoạn một. Vấn đề là phát triển những con người chứ không phải chỉ là tăng số lượng những đồ vật mà con người có thể sử dụng. Như một triết gia hiện đại đã nói và như Công đồng cũng từng quả quyết, vấn đề không phải ở chỗ “có nhiều hơn” cho bằng ở chỗ “là gì hơn”[102]. Quả thế, đã có một nguy cơ thực sự và nhận ra được: trong khi sự thống trị của con người trên thế giới các đồ vật đang tiến bộ lớn lao, thì con người lại có thể đánh mất những mối dây chỉ đạo cho sự thống trị này. Có thể thấy nhân tính mình chịu khuất phục cách này cách nọ trước thế giới đồ vật và chính mình trở thành đồ vật cho người ta mặc tình sử dụng đủ kiểu - không phải luôn trực tiếp thấy rõ được - qua toàn thể tổ chức đời sống cộng đồng, qua hệ thống sản xuất, bằng áp lực của các phương tiện truyền thông xã hội. Con người không thể từ bỏ chính mình hay chỗ đứng đặc biệt của mình, không thể trở thành nô lệ cho các đồ vật, nô lệ cho các hệ thống kinh tế, cho việc sản xuất, cho chính các sản phẩm của mình. Một nền văn minh có dạng thuần vật chất bắt buộc con người phải nô lệ như thế, ngay cả khi, dĩ nhiên, điều ấy xảy ra trái ngược với các ý hướng và nguyên tắc của các kẻ đi đầu. Chắc hẳn vấn đề đó nằm ở nền tảng nỗi lo lắng hiện đại về con người. Ở đây không phải chỉ có việc đem lại một giải đáp trừu tượng cho câu hỏi : con người là ai ? nhưng đây là vấn đề liên quan đến tất cả động lực của đời sống và nền văn minh. Đây là vấn đề ý nghĩa của các khởi xướng này nọ trong cuộc sống hằng ngày, và đồng thời, của các khởi điểm cho nhiều chương trình văn minh, chương trình chính trị, kinh tế, xã hội, nhà nước và nhiều chương trình khác nữa.
Sở dĩ chúng ta dám đánh giá hoàn cảnh con người trong thế giới ngày nay là đang xa cách những đòi hòi khách quan của trật tự đạo đức, xa cách những đòi hỏi của công bằng và còn xa cách hơn nữa những đòi hỏi của tình yêu thương xã hội, chính vì đó là điều đã từng được xác nhận bằng những sự kiện và những ví dụ rất quen thuộc và đã nhiều lần có tiếng vang trong các văn kiện của các Đức Giáo hoàng, của Công đồng hay của Thượng hội đồng giám mục[103]. Hoàn cảnh con người trong thời đại chúng ta, chắc chắn không phải là đồng nhất nhưng trở nên khác biệt bằng nhiều cách. Những khác biệt này cũng có những nguyên nhân lịch sử của chúng, nhưng chúng cũng có âm hưởng luân lý mạnh mẽ, quả vậy, người ta thừa biết cái khung cảnh văn minh tiêu thụ là nhiều xã hội - thường là những xã hội giầu và rất phát triển - dư thừa những của cải cần cho con người, khi mà các xã hội khác, hay ít nữa là nhiều tầng lớp đông đảo trong các xã hội này, lại phải đói khổ và nhiều người vẫn chết hằng ngày vì không có ăn và thiếu dinh dưỡng. Song song với tình hình trên là việc có những kẻ lạm dụng sự tự do cách nào đó, chính vì ham mê tiêu thụ mà không chịu sự kiểm soát của đạo đức, và việc lạm dụng này lại giới hạn sự tự do của những kẻ khác, tức là của những kẻ đang chịu những thiếu thốn trầm trọng và bị đưa đẩy tới những tình cảnh cơ cực và túng thiếu còn nguy kịch hơn nữa.
Cái ví dụ ở đâu cũng thấy được đó là cảnh tương phản mà các giáo hoàng thế kỷ chúng ta, như gần đây Đức Gioan XXIII và Phaolô VI, đã chiếu theo trong các văn kiện của các ngài[104] đều như đang tiếp diễn bằng những kích thước khổng lồ câu chuyện dụ ngôn Kinh thánh về người nhà giàu tối ngày yến tiệc linh đình và người kẻ khó Ladarô[105].
Tầm rộng lớn của hiện tượng khiến phải thắc mắc về các cơ cấu và guồng máy tài chánh, tiền tệ, sản xuất và buôn bán đang dựa vào những áp lực chính trị này nọ mà chi phối nền kinh tế thế giới: chúng tỏ ra bất lực không thể tiêu trừ những bất công do quá khứ để lại và không thể đương đầu với những thách thức khẩn cấp và những đòi hỏi đạo đức trong hiện tại. Trong khi vẫn khiến con người phải chịu khuất phục trước những căng thẳng do chính mình tạo ra, vẫn phá tán theo một nhịp độ ngày càng nhanh chóng các tài nguyên vật chất và năng lượng, vẫn làm nguy hại cho môi trường địa - vật lý, các cơ cấu kia còn làm cho những vùng nghèo khổ không ngừng mở rộng và các nỗi khốn cùng, thất vọng, đắng cay cũng lan rộng theo[106].
Ở đây chúng ta đứng trước một thảm kịch có tầm rộng lớn không để ai có thể dửng dưng được. Đó là kẻ một đàng đang cố thu lợi tối đa, và kẻ đàng khác phải lãnh chịu những thiệt thòi và bất công, vẫn đều là con người, thảm kịch còn bi đát hơn vì lại xảy ra bên cạnh những tầng lớp xã hội được ưu đãi, những nước giàu có cứ chồng chất thêm của cải một cách quá đáng và chính vì quá đáng mà sự giàu có của họ rất thường trở thành nguyên nhân nhiều rối loạn. Thêm vào đó cơn sốt lạm phát và bệnh thất nghiệp dai dẳng là những triệu chứng khác của tình trạng hỗn loạn tinh thần thấy được trong hoàn cảnh thế giới và đòi hỏi những đổi mới bạo dạn và sáng tạo, phù hợp với phẩm giá đích thực của con người[107].
Công việc này không phải là không thể làm được. Nguyên tắc liên đới theo nghĩa rộng phải thúc đẩy việc tìm cho ra những cơ chế và guồng máy thích đáng. Đây vừa là trong phạm vi những trao đổi hàng hóa cần tuân theo những quy luật của sự thi đua lành mạnh, vừa là vấn đề phân phối lại của cải một cách rộng rãi và trực tiếp hơn và kiểm soát những của cải này, ngõ hầu các dân tộc trên đường phát triển kinh tế có thể không những thỏa mãn các nhu cầu cốt yếu của mình mà còn phát triển dần dần và hữu hiệu.
Người ta chỉ tiến tới trên con đường khó khăn đó, trên con đường cần thiết phải hoán cải các cơ cấu đời sống kinh tế, là nhờ trí tuệ, ý chí và lòng dạ có hối cải thực sự. Công việc đòi hỏi sự dấn thân quyết liệt của những con người và những dân tộc tự do và liên đới. Quá nhiều khi người ta nhầm lẫn sự tự do với bản năng bảo vệ lợi ích cá nhân hay tập thể, hay với cả bản năng tranh chấp và thống trị nữa. Dầu cho người ta có sơn phết các bản năng này bằng những mầu sắc ý thức hệ gì đi nữa. Điều chắc chắn là các bản năng này có thật và tác động, nhưng sẽ chỉ có thể có một nền kinh tế thật xứng với con người nếu những sức lực sâu xa nhất trong con người và có ảnh hưởng quyết định đối với văn hóa đích thực của các dân tộc lại cũng đảm nhận, định hướng và làm chủ các bản năng kia. Chính từ những nguồn đó phải nảy sinh nỗ lực nói lên sự tự do đích thực của con người và sẽ có sức bảo đảm cho sự tự do này cả trong lãnh vực kinh tế nữa. Sự phát triển kinh tế, cùng với tất cả những gì chỉ thuộc về cách thức hoạt động riêng và thích hợp của nó, phải thường xuyên được kế hoạch hóa và thực hiện bên trong một viễn cảnh phát triển toàn diện và liên đới giữa người với người và các dân tộc với nhau, như Đức Phaolô VI, vị tiền nhiệm của tôi đã từng mạnh mẽ nhắc lại trong Thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc), bằng không, chỉ riêng phạm trù “tiến bộ kinh tế” lại trở thành một phạm trù tối thượng khiến tất cả cuộc sống con người phải lệ thuộc vào những đòi hỏi thiên lệch của nó, bóp nghẹt con người, làm tan rã các xã hội và cuối cùng tự sa lầy trong những mâu thuẫn và thái quá của nó.
Nghĩa vụ trên có thể chu toàn được: bằng chứng là những sự kiện đã được xác nhận và những kết quả khó kể ra hết ở đây một cách phân tích hơn. Dẫu sao có một điều chắc chắn: ở nền tảng nỗ lực lớn lao đó phải đặt, phải nhận và đào sâu ý thức về trách nhiệm đạo đức mà con người cần đảm nhận. Lại vẫn con người. Một lần nữa chúng ta được đưa trở lại với vấn đề trách nhiệm đạo đức mà chủ thể không phải là ai khác ngoài con người. Đối với chúng ta là những người Kitô hữu, một trách nhiệm như thế trở thành đặc biệt hiển nhiên, khi chúng ta gợi lên - và vẫn phải luôn nhắc lại - cảnh tượng phán xét cuối cùng, như lời Đức Kitô trong Tin mừng theo Thánh Mt[108].
Cảnh tượng cánh chung đó phải luôn được áp dụng vào lịch sử con người, phải luôn được lấy làm một lược đồ cốt yếu cho mỗi người và mọi người tự vấn lương tâm” : “Xưa Ta đói mà các người không cho ta ăn... Ta mình trần mà các ngươi không cho mặc... Ta ở tù mà các ngươi đã không thăm viếng”[109]. Những lời như thế càng thêm giá trị cảnh cáo nếu chúng ta nghĩ tới tình trạng là thay vì đem cơm bánh và sự trợ giúp văn hóa đến cho các chính phủ và các nước mới độc lập, nhiều khi người ta lại chỉ cung cấp dồi dào những vũ khí hiện đại và những phương tiện phá hoại để phục vụ cho những xung đột vũ trang và những cuộc chiến tranh. Những xung đột và chiến tranh này lại không phải do nhu cầu bảo vệ các quyền lợi chính đáng và chủ quyền của các nước đó cho bằng là một hình thức chủ nghĩa Sô - vanh, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân mới đủ loại. Ai cũng thừa rõ là các khu vực nghèo đói trên trái đất chúng ta có thể được “cải tạo thành phì nhiêu” trong một thời gian ngắn, nếu các khoản đầu tư khổng lồ vẫn được dồn vào việc trang bị vũ khí phục vụ chiến tranh và hủy diệt lại được biến thành những khoản đầu tư vào việc sản xuất lương thực phục vụ sự sống.
Có lẽ nhận định trên đây vẫn còn là “trừu tượng” phần nào, có lẽ nó sẽ đem lại cơ hội cho “phe này” hay “phe kia” tố cáo lẫn nhau mà quên đi những lỗi lầm riêng của mình. Có lẽ nó sẽ còn gây nên những lời tố cáo mới nhằm vào Giáo hội. Tuy vậy, vì không sẵn khí cụ nào khác ngoài những khí cụ của tinh thần, lời nói và tình thương, Giáo hội không thể từ bỏ việc rao giảng “lời... lúc thuận cũng như lúc nghịch”[110]. Vì vậy, Giáo hội không ngừng nhân danh Chúa và nhân danh con người yêu cầu mỗi phe và yêu cầu mọi người: chớ giết người ! Xin đừng sửa soạn tàn phá và tiêu diệt loài người. Xin nghĩ đến những anh em của quý vị đang khốn khổ vì nghèo đói ! Xin hãy tôn trọng phẩm giá và sự tự do của mỗi người !.
17. Quyền lợi con người : “Chủ nghĩa” hay “tinh thần” ?
Thế kỷ chúng ta cho tới nay đã là một thế kỷ đầy những tai họa lớn cho con người, những tàn phá, không phải chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần, và có lẽ nhất là về mặt tinh thần. Đã hẳn là về mặt này không dễ gì so sánh các thời đại và các thế kỷ với nhau, bởi vì cũng tùy những tiêu chuẩn lịch sử vẫn thay đổi. Tuy nhiên, dẫu không so sánh như thế thì cũng phải nhận thấy rằng, cho đến nay, thế kỷ này đã là một thế kỷ mà loài người tự bày ra cho chính mình rất nhiều bất công, đau khổ. Diễn tiến đó phải chăng đã được hãm lại thực sự ? Dẫu sao đối với những tình cảm trọng vọng đối với quá khứ và hy vọng sâu sắc đối với tương lai, không thể không nhắc lại ở đây nỗ lực tuyệt vời đã được thực hiện để đem lại sự sống cho tổ chức Liên Hiệp Quốc, nỗ lực nhằm xác định và thiết lập các quyền khách quan và bất khả xâm phạm của con người, bắt buộc các nước thành viên tôn trọng nghiêm nhặt các quyền đó một cách có qua có lại. Sự cam kết này đã được hầu hết các nước ngày nay chấp nhận và phê chuẩn và điều đó đáng lý phải thành một bảo đảm để trên khắp thế giới các quyền con người trở nên một nguyên tắc căn bản cho các cố gắng được thực hiện vì lợi ích con người.
Giáo hội không cần khẳng định lại là vấn đề trên nối liền chặt chẽ đến đâu với sứ mệnh của mình trong thế giới ngày nay. Quả thế, nó nằm ngay không nền tảng hòa bình xã hội và quốc tế, như Đức Gioan XXIII, Công đồng Vat.II, rồi Đức Phaolô VI đã tuyên bố trong các văn kiện bàn đến nó một cách chi tiết. Rốt cuộc, hòa bình chỉ là sự tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm của con người - opus iustitiae pax, trong khi chiến tranh lại sinh ra từ sự vi phạm các quyền đó và kéo theo những vi phạm còn trầm trọng hơn nữa. Nếu các quyền con người bị vi phạm trong thời bình thì thành ra đặc biệt đau xót, xét theo quan điểm của tiến bộ, đó là một hiện tượng chống lại con người không sao hiểu nổi, và sự kiện này không cách gì có thể phù hợp với bất cứ chương trình nào tự cho là “nhân bản”. Thế mà có chương trình xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa nào có thể không tự nhận là nhân bản ? Chúng ta vốn giữ một niềm xác tín sâu sắc là ngày nay trên thế giới không có một chương trình nào, kể cả khi kèm theo những ý thức hệ đối chọi nhau về vũ trụ quan, mà lại không đặt con người lên hàng đầu.
Thế mà, mặc dù có những tiền đề như trên, nếu các quyền của con người bị vi phạm cách này cách khác, nếu, trong thực tế, chúng ta chứng kiến những trại tập trung, sự bạo hành, tra tấn, khủng bố và nhiều thứ kỳ thị, thì đó phải là hậu quả của những tiền đề khác đang ăn mòn hay nhiều khi còn như đang tiêu hủy hiệu năng của những tiền đề nhân bản trong các chương trình và hệ thống hiện đại kia. Khi đó nghĩa vụ cần thiết là phải thường xuyên dựa vào những quyền khách quan và bất khả xâm phạm của con người mà duyệt lại các chương trình kia.
Việc tuyên bố các quyền con người và cả việc thành lập tổ chức Liên hiệp quốc chắc chắn không tự giới hạn vào ý muốn đoạn tuyệt với những kinh nghiệm khủng khiếp của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng còn nhằm tạo nền tảng cho việc duyệt xét lại thường xuyên các chương trình, hệ thống, chế độ kia, chính từ quan điểm duy nhất và căn bản là lợi ích của con người - hãy nói là của bản vị trong cộng đồng - và quan điểm này, như một yếu tố căn bản cho công ích, phải làm thành tiêu chuẩn cốt yếu cho mọi chương trình, hệ thống và chế độ. Trong trường hợp ngược lại, cuộc sống con người, ngay cả trong thời bình, không sao tránh khỏi nhiều thứ khốn khổ, và đồng thời, kèm theo những nỗi khốn khổ này là sự phát triển đủ hình thức thống trị, độc tài và thực dân mới cũng đe dọa những quan hệ giữa các nước. Thật vậy, một sự kiện có ý nghĩa và đã nhiều lần được các kinh nghiệm lịch sử xác nhận, đó là việc xâm phạm các quyền con người vẫn đi đôi với việc xâm phạm các quyền của quốc gia vì con người được nối kết bằng những quan hệ hữu cơ với quốc gia như với một gia đình mở rộng.
Ngay từ nửa đầu thế kỷ này, trong thời kỳ nhiều quốc gia độc tài đã phát triển và, như người ta biết quá rõ, đã đưa tới tai họa khủng khiếp là chiến tranh, Giáo hội đã từng minh định rõ ràng lập trường của mình đối với các chế độ ấy. Bề ngoài, chúng xem ra hoạt động cho một lợi ích cao hơn, tức là lợi ích quốc gia, thế mà lịch sử về sau chứng minh ngược lại đó chỉ là lợi ích của một phe phái đã tự đồng hóa mình với quốc gia[111]. Thực ra, các chế độ ấy đã thu hẹp các quyền của người công dân bằng cách chối từ không chịu nhìn nhận cho họ những quyền bất khả xâm phạm của con người đã được minh định vào giữa thế kỷ này trên bình diện quốc tế. Chia sẻ niềm vui vì thành công ấy với tất cả những người thiện chí, với tất cả những người thực sự yêu chuộng công lý và hòa bình, nhưng vì ý thức rằng chữ nghĩa suông thì có thể giết chết, chỉ “tinh thần mới làm cho sống”[112], Giáo hội phải kết hợp với những người thiện chí kia để không ngừng hỏi xem Tuyên ngôn nhân quyền và việc chấp nhận nó về mặt “chữ nghĩa” phải chăng ở đâu cũng đồng thời có nghĩa là thực hiện “tinh thần” của nó. Thật vậy, đang nổi lên mối lo sợ có căn cứ rằng rất nhiều khi chúng ta còn ở xa việc thực hiện kia và đôi khi tinh thần đời sống xã hội và công cộng đang đối nghịch đau xót với “chữ nghĩa” các quyền con người như thấy được trong Tuyên ngôn. Tình trạng đó đầy hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều xã hội khác nhau, hẳn còn đặc biệt khiến những kẻ góp phần gây ra nó phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn đối với các xã hội này và lịch sử loài người.
Ý nghĩa căn bản của nhà nước với tư cách là cộng đồng chính trị, là ở chỗ xã hội làm nên nhà nước, tức là nhân dân làm chủ vận mệnh mình. Ý nghĩa đó không được thực hiện nếu, thay vì một quyền bính được thi hành với sự tham dự tinh thần của xã hội hay nhân dân, chúng ta lại chứng kiến một quyền lực do một nhóm nhất định áp đặt cho tất cả các thành phần khác của xã hội. Đó là những điều cốt yếu trong thời đại chúng ta khi mà ý thức xã hội của người ta tăng lên rất nhiều và đồng thời với ý thức đó là việc các công dân có nhu cầu được tham dự đúng đắn vào đời sống của cộng đồng chính trị, một khi đã xét tới hoàn cảnh thực tế của mỗi dân tộc và sự cần thiết có một công quyền đủ mạnh[113]. Đó là những vấn đề quan trọng hàng đầu trong những gì liên quan đến sự tiến bộ của chính con người và sự phát triển chung của nhân tính.
Giáo hội đã luôn dạy phải hành động cho lợi ích chung và làm như vậy cũng là đã giáo dục được những công dân tốt cho mỗi nước. Ngoài ra, Giáo hội đã luôn dạy rằng nghĩa vụ căn bản về phía quyền bính là quan tâm đến những lợi ích chung của xã hội: vì do đó mà có cơ sở cho những quyền căn bản của quyền bính. Nhân danh những tiền đề liên quan đến trật tự đạo đức khách quan, các quyền của quyền bính chỉ có thể được hiểu trên nền tảng tôn trọng các quyền khách quan và bất khả xâm phạm của con người. Lợi ích chung kia mà quyền hành nhà nước phải phục vụ, chỉ được thực hiện đầy đủ khi nào tất cả mọi công dân được bảo đảm về các quyền của họ. Bằng không là đi tới tình trạng xã hội tan rã, các công dân chống lại nhà cầm quyền, hay còn đi tới một hoàn cành đàn áp, đe dọa, bạo hành, khủng bố như các nền độc tài thế kỷ này đã cho chúng ta nhiều ví dụ. Chính như thế mà nguyên tắc các quyền con người liên hệ sâu sa tới lãnh vực công bình xã hội và thành mực thước để kiểm nghiệm một cách căn bản về công bình xã hội trong đời sống các cơ chế chính trị.
Trong số các quyền nói trên người ta kể tới một cách chính đáng quyền tự do tôn giáo bên cạnh quyền tự do lương tâm. Công đồng Vat.II đã cho là đặc biệt cần thiết phải soạn thảo một tuyên ngôn có tầm cỡ hơn về đề tài này. Đó là văn kiện mang tựa đề Dignitatis humanae (Phẩm giá con người)[114]: Văn kiện trình bày không những quan niệm thần học về vấn đề này mà còn là quan niệm xuất phát từ luật tự nhiên, tức là từ một góc nhìn “thuần túy con người”, trên căn bản những tiền đề do chính kinh nghiệm con người, lý trí con người và ý thức con người về phẩm giá của mình nói lên. Đã hẳn, sự giới hạn tự do tôn giáo của các cá nhân và cộng đồng không những là một kinh nghiệm đau xót cho họ, mà còn đụng chạm trước tiên đến chính phẩm giá con người, bất kỳ đạo mà các cá nhân và cộng đồng ấy tuyên xưng hay quan niệm về thế giới của họ là gì. Giới hạn và vi phạm tư do tôn giáo đều mâu thuẫn với phẩm giá và các quyền khách quan của con người. Văn kiện Công đồng nêu trên nói khá rõ thế nào là giới hạn và vi phạm tự do tôn giáo như vậy. Chắc chắn là trong trường hợp ấy chúng ta đứng trước một bất công triệt để phạm tới cái đặc biệt sâu xa trong con người, cái đích thật là người. Thực ra, ngay cả hiện tượng vô tín ngưỡng, có thái độ vô tôn giáo và vô thần, như là hiện tượng thuộc về con người, chỉ có thể hiểu được trong quan hệ với hiện tượng tôn giáo và đức tin. Bởi vậy, ngay cả từ một quan điểm “thuần túy con người”, khó mà chấp nhận được một lập trường chủ trương chỉ riêng thuyết vô thần là có quyền tồn tại trong đời sống công cộng và xã hội, còn những kẻ có tín ngưỡng, như thể là cứ theo nguyên tắc, chỉ được tạm dung mà thôi, hay còn bị đối xử như công dân “hạng dưới”, và cuối cùng bị mất hết các quyền công dân như đã từng xảy ra.
Phải bàn tới đề tài đó, dù chỉ vắn tắt, vì nó cũng nằm trong toàn bộ phức tạp những hoàn cảnh con người trong thế giới ngày nay, và nó cũng làm chứng là hoàn cảnh này mắc míu đủ thứ thành kiến và bất công đến đâu. Nếu chúng ta tránh đi vào chi tiết trong lãnh vực này - và chúng ta hẳn có quyền và nghĩa vụ đặc biệt để đi vào như thế - thì trước hết là do bởi vốn kết hợp với tất cả những ai phải chịu kỳ thị và bách hại vì danh Thiên Chúa, chúng ta được lòng tin vào sức mạnh cứu chuộc của thánh giá Đức Kitô hướng dẫn. Tuy nhiên, vì chức vụ của tôi, tôi muốn nhân danh tất cả mọi tín hữu trên toàn thế giới, ngỏ lời với những vị cách này hay cách khác có quyền định đoạt việc tổ chức đời sống xã hội và công cộng, để khẩn thiết yêu cầu họ tôn trọng các quyền của tôn giáo và của sinh hoạt Giáo hội. Đây không phải là yêu cầu một đặc ân nào cả mà là yêu cầu sự tôn trọng một quyền sơ đẳng. Việc thực hiện quyền này là một trong những trắc nghiệm căn bản để kiểm nghiệm xem con người có được tiến bộ đích thực hay không ở mọi chế độ, trong mọi xã hội, hệ thống hay môi trường.
IV. Sứ mệnh Giáo hội và vận mệnh con người.
18. Giáo hội quan tâm đến ơn gọi của con người
trong Đức Kitô .
Cái nhìn tất nhiên sơ sài về hoàn cảnh của con người trong thế giới ngày nay khiến chúng ta càng hướng tâm trí mình về Đức Giêsu Kitô, về mầu nhiệm cứu độ là nơi vấn đề con người được ghi với một sức chân lý và tình thương đặc biệt. Nếu Đức Kitô “một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người”[115], thì Giáo hội, khi đi vào bề thâm sâu của mầu nhiệm này, trong ngôn ngữ phong phú và phổ quát của nó, lại cũng sống sâu sắc hơn bản tính và sứ mệnh của mình. Không phải uổng công mà Tông đồ nói tới Thân mình Đức Kitô là Giáo hội[116]. Nếu nhiệm thể Đức Kitô là Dân Thiên Chúa - như Công đồng Vat.II sau này sẽ nói, căn cứ vào tất cả truyền thống Thánh Kinh và giáo phụ - điều đó có nghĩa là mọi người trong thân mình ấy được luồng sinh khí từ Đức Kitô tới thâm nhập. Cũng theo nghĩa này thì quay về con người, về những vấn đề đích thực, về những hy vọng và những đau khổ, về những chinh phục và những sa ngã của con người, đều làm cho chính Giáo hội trong tư cách là thân mình, là cơ chế, là đơn vị xã hội, nhận ra những thúc đẩy từ Thiên Chúa, những ánh sáng và sức lực của Thánh Thần phát xuất từ Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại - và đó chính là lý do sống còn của Giáo hội. Giáo hội không có sự sống nào khác ngoài sự sống mà phu quân và Chúa mình ban cho mình. Thật vậy, bởi vì Đức Kitô đã kết hợp với Giáo hội trong sứ vụ cứu độ của Người, nên Giáo hội cũng phải kết hợp chặt chẽ với từng người.
Đức Kitô kết hợp với con người như thế vốn là một mầu nhiệm , từ đó sinh ra “người mới”, được gọi tham dự đời sống Thiên Chúa[117], được tái tạo trong Đức Kitô và được nâng lên tới sung mãn ân sủng và chân lý[118]. Sự kết hợp với Đức Kitô là sức mạnh của con người, và là nguồn sức mạnh đó, theo cách nói sắc bén của thánh Gioan trong lời tựa Tin mừng Ngài soạn: “Lời đã ban cho quyền làm con Thiên Chúa”[119]. Đó là sức thay đổi bên trong con người, như nguyên lý một đời sống mới không biến mất cũng chẳng qua đi, nhưng tồn tại cho cuộc sống vĩnh cửu[120]. đời sống đó đã được Chúa Cha hứa và ban cho mỗi người trong Đức Giêsu Kitô là Con Một đời đời, đã thành xác phàm và sinh bởi Trinh nữ Maria, “khi thời viên mãn đến”[121], đời sống đó là sự thành tựu cuối cùng của sứ mệnh con người. Đó như là sự hoàn thành “vận mệnh” mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người từ muôn muôn thuở. “Vận mệnh thần linh” này diễn tiến ở bên kia mọi bí ẩn, bất ngờ, khúc khuỷu, quanh co của “vận mệnh nhân sinh” trong trần thế. Thật vậy, vì một tất yếu không thể tránh được, và tuy đời sống trần gian quả là phong phú nếu tất cả rồi cũng đưa tới biên giới sự chết và sự tiêu hủy thân xác con người, thì Đức Kitô lại xuất hiện với chúng ta ở bên kia biên giới ấy, “Ta là sự phục sinh và sự sống; ai tin vào Ta... sẽ không phải chết bao giờ”[122]. Nơi Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, an táng trong mồ và sau đó sống lại đã “bừng lên cho chúng ta một niềm hy vọng vững chắc là được sống lại hiển vinh... một lời hứa được phúc trường sinh bất diệt”[123]: hướng về đích đó con người tiến bước, xuyên qua cái chết của thân xác, chia sẻ với mọi tạo vật hữu hình cái điều tất yếu mà vật chất phải tuân theo. Chúng ta tìm cách đào sâu thêm mãi lời lẽ của chân lý mà Đấng Cứu chuộc con người đã đặt vào câu này: “Thần khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì”[124]. Những lời này, tuy không có vẻ, lại nói lên khẳng định cao nhất về con người: đó là khẳng định về thân xác mà Thần Khí làm cho sống !
Giáo hội sống thực tại ấy, sống bằng chân lý ấy về con người: nhờ nó, Giáo hội vượt được biên giới của thời-gian-tính và đồng thời lại có thể đem lòng ân cần và yêu thương đặc biệt mà nghĩ tời tất cả những gì - bên trong những kích thước của thời-gian-tính-đó - có ảnh hưởng trên đời sống con người, trên đời sống của tinh thần con người vẫn biểu lộ niềm khắc khoải như thánh Âu Tinh đã nói tới: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và lòng chúng con còn khắc khoải mãi cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”[125]. Tất cả những gì là bề sâu của con người đều phập phồng trong niềm khắc khoải sáng tạo ấy: tìm kiếm chân lý, khát khao sự thiện, thèm muốn tự do, hoài mộ cái đẹp, tiếng nói lương tâm. Giáo hội khi tìm cách nhìn con người như “với đôi mắt của chính Đức Kitô ” thì luôn ý thức hơn là mình đang giữ gìn một kho tàng lớn lao mà mình không được quyền phung phí, nhưng phải luôn làm tăng thêm. Quả vậy, Chúa Giêsu đã nói: “Ai không cùng Ta thu hợp, tức là làm phân tán”[126]. Kho tàng ấy của nhân loại thêm dồi dào nhờ mầu nhiệm khôn tả làm con Thiên Chúa[127], nhờ ơn thành “nghĩa tử” [128]trong Con Một Thiên Chúa khiến chúng ta được thưa với Thiên Chúa là Abba, Cha”[129]. Kho tàng ấy đồng thời lại là một sức mạnh lớn lao thống nhất Giáo hội nhất là từ bên trong, và làm cho tất cả sinh hoạt của Giáo hội có ý nghĩa. Nhờ sức mạnh này, Giáo hội kết hợp với Thần Khí Đức Kitô, với Thánh Thần mà Đấng Cứu Chuộc đã hứa, và luôn thông ban. Việc Thánh Thần đến, được tỏ ra trong ngày Ngũ Tuần, vẫn còn đó mãi mãi. Như thế, các sức lực của Thần Khí[130], các ân huệ Thần Khí[131], các hoa quả Thần Khí[132] tự mạc khải nơi loài người. Và Giáo hội thời đại chúng ta như lặp lại một cách ngày càng sốt sắng và tha thiết hơn: “Lạy Thánh Thần khấn xin ngự đến” Xin ngự đến ! Xin ngự đến ! “Hết những gì nhơ bẩn, xin rửa cho sạch trong, tưới gội nơi khô cạn, chữa lành mọi vết thương. Cứng cỏi uốn cho mềm, lạnh lùng xin sưởi cho ấm, những nẻo đường sai lầm, sửa sang cho ngay thẳng !”[133].
Lời khấn nài Thánh Thần như trên để được Thần khí, lại là câu trả lời cho mọi “chủ nghĩa duy vật” thời đại chúng ta. Chính những chủ nghĩa này làm nẩy sinh bao hình thức khao khát khôn nguôi của lòng người. Lời khấn nài trên được cảm thấy từ nhiều phía, và xem ra đem lại kết quả bằng rất nhiều cách. Có thể nói được chăng là Giáo hội không khẩn nài như vậy một mình ? Vâng, có thể nói được như thế, vì “nhu cầu” về thiêng liêng lại cũng được những người ở ngoài biên cương hữu hình của Giáo hội nói lên[134]. Điều ấy há chẳng được xác nhận bởi chân lý sau đây về Giáo hội, chân lý mà Công đồng vừa rồi đã làm rõ ra một cách sắc bén biết bao trong hiến chế tín lý “Ánh sáng muôn dân” sao ? Trong hiến chế này Công đồng dạy rằng Giáo hội là “bí tích, tức vừa là dấu hiệu vừa là phương thế kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại”[135]. Lời kêu cầu với Thần khí và nhờ Thần khí chẳng qua chỉ là một cách kiên trì đi vào kích thước đầy đủ của mầu nhiệm cứu chuộc. Theo mầu nhiệm này, Đức Kitô, kết hợp cùng Cha và với mọi người, thông truyền liên lỉ cho chúng ta  Thần Khí đó là Đấng đặt vào trong chúng ta những tâm tình của Chúa Con và hướng ta về Chúa Cha[136]. Chính vì lẽ đó mà Giáo hội thời đại chúng ta - một thời đại đặc biệt khát khao Thần khí bởi vì khát khao công lý, hòa bình, tình thương, nhân từ, sức lực, trách nhiệm, nhân phẩm - cần tập trung và họp lại chung quanh mầu nhiệm ấy, để tìm lại được ở đó ánh sáng và sức lực cần thiết cho chính sứ mệnh mình. Thật vậy, nếu như đã nói trước đây, con người là con đường đời sống thường ngày của Giáo hội thì chính Giáo hội cần phải luôn luôn ý thức về phẩm giá con người được nhìn nhận làm con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô, nhờ ân sủng Thánh Thần[137], và ý thức rằng con người được hướng về ân sủng và vinh quang[138]. Nhờ luôn suy nghĩ lại về tất cả những điều đó và đón nhận với một niềm tin ý thức hơn mãi và một lòng yêu thương vững vàng hơn mãi, Giáo hội càng được thêm khả năng phục vụ con người như Chúa Kitô đã kêu gọi Giáo hội làm việc ấy khi Người nói: “Con Người không đến để được hầu hạ, mà là để hầu hạ”[139]. Giáo hội thi hành sứ vụ ấy bằng cách tham gia vào “ba chức năng ” đặc biệt của Thầy và Đấng cứu chuộc mình. Giáo lý này căn cứ vào Thánh Kinh đã được Công đồng Vat.II làm sáng tỏ mà mưu ích nhiều cho đời sống Giáo hội. Là vì khi chúng ta ý thức về sự tham gia vào ba sứ mệnh Đức Kitô, vào ba chức năng của Người - tư tế, ngôn sứ và vương giả[140] - thì chúng ta đồng thời cũng ý thức hơn toàn thể Giáo hội, với tư cách xã hội và cộng đồng dân Thiên Chúa trên trần gian, là để làm gì, và chúng ta lại cũng hiểu mỗi người chúng ta phải tham gia thế nào vào sứ mệnh và việc phục vụ kia.
19. Giáo hội có trách nhiệm về chân lý.
Như thế, dưới ánh sáng giáo lý công đồng Vat.II, Giáo hội xuất hiện trước mắt chúng ta như chủ thể chịu trách nhiệm xã hội về chân lý của Thiên Chúa. Chúng ta rất xúc động khi nghe chính Đức Kitô tuyên bố: “Lời anh em nghe đây không phải là của tôi, mà là của Cha, Đấng đã sai tôi”[141]. Trong quả quyết này của Thầy chúng ta, há không phải thấy trách nhiệm kia về chân lý mặc khải là “sở hữu” của một mình Thiên Chúa, vì ngay cả Người là “Con Một”, sống “trong cung lòng Cha”[142], thế mà khi thông truyền chân lý đó với tư cách ngôn sứ và thầy, cũng cảm thấy cần nhấn mạnh là mình hành động hoàn toàn trung thành với nguồn chân lý là Thiên Chúa ? Cũng lòng trung thành ấy phải là một tính cách làm nên đức tin của Giáo hội, khi giảng dạy hoặc khi tuyên xưng đức tin này. Đức tin, vì là đức tính siêu nhiên đặc biệt được ban cho trí tuệ con người, làm cho ta được tham dự vào sự thông hiểu Thiên Chúa, đáp lại lời Ngài mặc khải. Cho nên, Giáo hội khi tuyên xưng và giảng dạy đức tin, cần bám chặt vào chân lý của Thiên Chúa[143] và điều đó phải được tỏ ra bằng một thái độ sống phục tùng hợp với lý trí[144]. Ngay Đức Kitô, để bảo đảm lòng trung thành với chân lý của Thiên Chúa cũng đã hứa cho Giáo hội được Thánh Thần chân lý giúp đỡ đặc biệt. Người đã ban ơn vô ngộ[145] cho những ai được Người trao nhiệm vụ thông truyền và giảng dạy chân lý đó[146] - như Công đồng Vat.I đã xác nhận rõ ràng[147] và như Công đồng Vat.II đã tái quả quyết theo[148] - và Người còn ban cho toàn thể dân Thiên Chúa một cảm quan đặc biệt về đức tin[149].
Hậu quả là chúng ta được tham dự vào sứ mệnh của Đức Kitô ngôn sứ và nhân danh chính sứ mệnh ấy, chúng ta cùng với Người phục vụ chân lý của Thiên Chúa trong Giáo hội. Trách nhiệm về chân lý này cũng có nghĩa là chúng ta phải yêu mến nó, tìm hiểu nó cho đúng. Làm sao cho chính mình và kẻ khác tới được với nó hơn trong tất cả sức cứu độ của nó, trong cái huy hoàng, cái sâu sắc và đồng thời trong cái đơn giản của nó. Lòng mộ mến và khát vọng tìm hiểu chân lý như thế phải đồng tiến, như lịch sử các thánh trong Giáo hội cho thấy. Các thánh được soi sáng hơn ai hết bởi ánh sáng đích thực phản chiếu chân lý của Thiên Chúa và gần với thực tại Thiên Chúa; vì họ đã đến gần chân lý với lòng kính trọng yêu mến: yêu mến trước hết Đức Kitô , Lời Hằng sống của Thiên Chúa, đồng thời yêu mến lối diễn tả chân lý ấy bằng ngôn ngữ loài người trong Tin mừng, trong truyền thống, trong thần học. Ngày nay cũng vậy, trước hết cần phải hiểu và giải thích Lời Chúa như thế, cần phải có một nền thần học như thế. Thần học bao giờ cũng đã có và vẫn tiếp tục có một tầm quan trọng lớn lao để Giáo hội, dân Thiên Chúa, có thể tham gia một cách sáng tạo và phong phú vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô. Cho nên các nhà thần học với tư cách là kẻ phục vụ chân lý của Thiên Chúa, dành công việc nghiên cứu và biên soạn của họ để tìm hiểu thấu đáo hơn nữa chân lý ấy và không bao giờ có thể quên ý nghĩa việc họ phục vụ Giáo hội, ý nghĩa được bao hàm trong khái niệm"intellectus fidei”. Khái niệm này hầu như có một chức năng hai chiều, đúng theo thành ngữ “intellege ut credas - crede ut intellegas” (hiểu để tin, tin để hiểu)[150] và nó được dùng đứng đắn khi mà nhà thần học tìm cách phục vụ Huấn quyền là quyền trong Giáo hội được trao cho các giám mục kết hợp bằng mối giây hiệp thông phẩm trật với Người kế vị Phêrô, và cả khi họ ra công phục vụ nỗi lo lắng giảng dạy và làm mục vụ của các giám mục cũng như những nỗ lực dấn thân Tông đồ của toàn thể dân Thiên Chúa.
Như các thời trước và có lẽ ngày nay còn hơn nữa, các nhà thần học và mọi nhà khoa học của Giáo hội đều được mời gọi kết hợp đức tin với khoa học và với hiền minh để góp phần giúp những thực tại đó thấu suốt lẫn nhau, như ta đọc trong lời cầu nguyện phụng vụ ngày lễ thánh Alberto, Tiến sĩ Giáo hội. Việc dấn thân này ngày nay phát triển rất mạnh vì mức tiến bộ trong tri thức loài người, trong các phương pháp và các chinh phục của tri thức để hiểu biết vũ trụ và con người. Điều này liên quan đến các khoa học chính xác cũng như các khoa học nhân văn, và cả đến triết học đã từng được Công đồng Vat.II nhắc lại[151].
Trong lãnh vực hiểu biết kia của loài người là lãnh vực không ngừng mở rộng và thêm chuyên biệt, đức tin cũng phải luôn đào sâu, bằng cách làm sáng tỏ tầm rộng của mầu nhiệm mặc khải và cố hướng tới sự am hiểu chân lý bắt nguồn duy nhất và tối cao từ nơi Thiên Chúa. Tuy công cuộc lớn lao phải thực hiện trong chiều hướng đó được phép chú trọng - và còn phải mong nó chú trọng nữa - tới một thứ đa dạng nào đó về mặt phương pháp luận, nhưng một công cuộc như thế vẫn không thể xa rời sự nhất trí căn bản trong việc giảng dạy đức tin và đạo đức, là cứu cánh riêng biệt của nó. Do đó một sự hợp tác chặt chẽ giữa thần học và Quyền giáo huấn là thiết yếu. Nhà thần học nào cũng phải đặc biệt ý thức điều chính Đức Kitô đã bày tỏ khi Người nói: “Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy mà là của Cha, Đấng đã sai Thầy”[152]. Thế thì, chẳng một ai được làm thần học như thể thần học chỉ là để trình bầy những ý kiến tư riêng của mình, nhưng mỗi người phải ý thức mình kết hợp chặt chẽ với sứ mệnh giảng dạy chân lý mà Giáo hội có trách nhiệm.
Có tham dự vào chức năng ngôn sứ của Đức Kitô toàn thể Giáo hội mới sống đúng theo kích thước căn bản của mình. Sự tham dự đặc biệt vào chức năng này là phần các chủ chăn trong Giáo hội, để giảng dạy và luôn bằng cách này hay cách khác loan báo, thông truyền giáo lý, đức tin và đạo đức Kitô giáo. Việc giảng dạy này, dưới hình thức truyền giáo hoặc dưới hình thức thông thường, đều giúp vào việc hợp nhất dân Thiên Chúa chung quanh Đức Kitô , sửa soạn cho việc tham dự vào nhiệm tích Thánh Thể, vạch đường cho đời sống bí tích. Thượng hội đồng giám mục năm 1977 đã đặc biệt quan tâm đến công cuộc huấn giáo trong thế giới ngày nay, và kết quả của những thảo luận, những kinh nghiệm, và những gợi ý sẽ sớm được nói lên trong một văn kiện tòa thánh, thể theo đề nghị của các thành viên Thượng hội đồng. Điều chắc chắn là ngành huấn giáo là một hình thức sinh hoạt Giáo hội vừa thường xuyên vừa căn bản và tỏ rõ đoàn sủng ngôn sứ của Giáo hội: làm chứng và giảng dạy đi đôi với nhau. Tuy ở đây trước tiên nói đến linh mục, nhưng cũng không thể không nhắc tới đông đảo các tu sĩ nam nữ chuyên lo công việc huấn giáo vì lòng yêu mến Thầy Chí Thánh. Và cũng khó mà không nói đến bao giáo dân vẫn làm công việc này để biểu lộ niềm tin và trách nhiệm tông đồ của mình.
Ngoài ra, bao giờ cũng phải nhằm sao cho các hình thức huấn giáo trong những lãnh vực khác nhau - bắt đầu từ hình thức căn bản, là “gia huấn”, tức là cha mẹ huấn giáo cho chính con cái mình - đều biểu lộ việc toàn dân Thiên Chúa cùng tham dự cả vào chức năng ngôn sứ của chính Đức Kitô . Muốn thế, thì trách nhiệm của Giáo hội đối với chân lý của Thiên Chúa phải được mọi người chia sẻ ngày càng nhiều hơn, và bằng rất nhiều cách. Và phải nói gì đây về các chuyên ga các nghành khác nhau, về các nhà khoa học, các nhà văn, các y sĩ, luật gia, nghệ sĩ và kỹ thuật viên, các nhà giáo dục mọi cấp và mọi môn ? Tất cả, với tư cách thành phần dân Thiên Chúa, đều có vai trò của mình trong sứ mệnh ngôn sứ của Đức Kitô, trong việc Người phục vụ chân lý của Thiên Chúa, kể cả khi họ chân thành tìm kiếm chân lý trong mọi lãnh vực, theo mức độ họ đào luyện tha nhân đến với chân lý, dạy dỗ tha nhân lớn lên trong yêu thương và công bình. Như vậy, ý thức trách nhiệm đối với chân lý là một trong những điểm căn bản để Giáo hội gặp gỡ mỗi người, và cũng là một trong những đòi hỏi căn bản ấn định sứ mệnh con người trong cộng đồng Giáo hội. Giáo hội thời chúng ta, nhờ ý thức trách nhiệm về chân lý hướng dẫn, phải bền lòng trung thành với bản chất riêng của mình vốn gồm cả sứ mệnh ngôn sứ đã được Đức Kitô giao cho: “Cũng như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em đi... Hãy nhận lấy Thánh Linh”[153].
20. Thánh thể và sám hối.
Trong mầu nhiệm cứu chuộc, nghĩa là trong công trình cứu độ do Đức Kitô hoàn thành, Giáo hội chẳng những tham dự vào Tin mừng của Thầy mình nhờ trung thành với Lời Người và phục vụ chân lý, mà còn nhờ lòng tuân phục đầy hy vọng và yêu thương, tham dự vào sức tác động cứu chuộc Người đã biểu lộ và đặt trong các nhiệm tích, nhất là trong Thánh Thể[154]. Thánh Thể là trung tâm và tuyệt đỉnh của toàn thể đời sống nhiệm tích vẫn đem sức cứu độ của ơn cứu chuộc đến cho mỗi Kitô hữu, bắt đầu từ mầu nhiệm Thánh tẩy, là nhiệm tích dìm chúng ta vào trong sự chết của Đức Kitô để chúng ta được dự phần vào sự Phục sinh của Người[155] như lời Thánh Phaolô dạy. Nhờ giáo lý này soi sáng, người ta còn thấy rõ hơn lý do tại sao tất cả đời sống nhiệm tích của Giáo hội và của mỗi Kitô hữu đạt tới tuyệt đỉnh và viên mãn trong nhiệm tích Thánh Thể. Quả vậy, trong nhiệm tích này, mầu nhiệm Đức Kitô dâng mình tế hiến cho Chúa Cha trên cây thập giá không ngừng là hiện tại cho chúng ta như ý Người muốn. Chúa Cha đã nhận cuộc tế hiến này: Ngài đáp lại việc Con Ngài tận hiến vì đã “vâng phục cho đến chết”[156], bằng việc chính Ngài ban ơn nặng tình Cha là ban cho sự sống mới và bất diệt trong phục sinh, bởi vì Chúa Cha là nguồn sống đầu tiên và là Đấng ban sự sống từ nguyên thủy. Sự sống mới ấy đã bao hàm việc tôn vinh thân xác Đức Kitô chịu đóng đinh, đã trở thành dấu chỉ hữu hiệu của ân huệ mới mẻ được ban cho loài người. Ân huệ này là Thánh Thần làm cho sự sống Thiên Chúa mà Chúa Cha vốn có nơi Ngài và ban cho Con Ngài[157] lại cùng được truyền tới tất cả những người kết hợp với Đức Kitô .
Thánh Thể là nhiệm tích hoàn hảo nhất của sự kết hợp này. Khi cử hành và tham dự Thánh Thể, chúng ta được kết hợp với Đức Kitô dưới đất và trên trời là Đấng can thiệp cho ta bên cạnh Cha[158], nhưng chúng ta chỉ được kết hợp với Người qua hành động cứu chuộc là việc Người đã tự hiến tế để chuộc lại chúng ta, mà “chuộc lại với giá cao”[159]. Cái “giá cao” để cứu chuộc chúng ta vừa cho thấy giá trị con người đối với chính Thiên Chúa, vừa cho thấy phẩm giá chúng ta trong Đức Kitô . Khi trở nên “con Thiên Chúa"[160], “nghĩa tử”[161], thì chúng ta đồng thời giống như Người, trở nên một “vương quốc tư tế” và lãnh nhận “chức tư tế hoàng vương”[162], nghĩa là chúng ta tham dự vào công trình hoàn lại con người và vũ trụ cho Chúa Cha, một công trình độc nhất và không thể xoay ngược lại do chính Người, vừa là Con vĩnh cửu[163] vừa là người thực sự, đã hoàn thành một lần dứt khoát. Thánh thể là nhiệm tích diễn tả đầy đủ nhất thực thể mới của chúng ta, và cũng là chỗ chính Đức Kitô một cách liên tiếp và luôn luôn mới mẻ, “làm chứng” trong Thánh thần với thần hồn chúng ta[164] rằng mỗi người chúng ta, vì tham dự vào mầu nhiệm cứu chuộc, nên được hưởng hiệu quả ơn hòa giải con cái với Thiên Chúa[165] do chính Người đã thực hiện và còn thực hiện luôn mãi giữa chúng ta bằng sứ vụ của Giáo hội.
Có một chân lý cốt yếu không những về mặt giáo lý mà còn về mặt hiện hữu, đó là nhiệm tích Thánh Thể xây dựng Giáo hội[166], và xây dựng thành cộng đồng đích thực của dân Thiên Chúa, thành cộng đoàn tín hữu mang dấu ấn tín hợp nhất đã có giữa các tông đồ và các môn đệ đầu tiên của Chúa. Thánh Thể luôn xây dựng lại cộng đồng và tính hợp nhất đó, xây dựng và phục hồi luôn mãi từ cuộc tế hiến của Đức Kitô, vì là nhiệm tích kính nhớ việc Người chết trên thập giá[167] làm giá cứu chuộc chúng ta. Bởi vậy nói được là trong nhiệm tích Thánh Thể chúng ta tiếp xúc với chính mầu nhiệm Mình và Máu Chúa, đúng như những lời đã được Chúa dùng để thiết lập nhiệm tích và đã vì sự thiết lập ấy mà trở nên những lời cử hành vĩnh viễn Thánh Thể cho những ai được gọi làm sứ vụ đó.
Giáo hội sống nhờ nhiệm tích Thánh Thể, nhờ sự viên mãn của bí tích này mà ý nghĩa và nội dung đáng khâm phục đã nhiều lần được Quyền giáo huấn của Giáo hội nói lên từ những thời xa xưa nhất cho đến ngày nay[168]. Dù vậy chúng ta có thể nói chắc chắn rằng giáo lý đó tuy được làm nổi bật giá trị bởi các nhà thần học, bởi những người tin sâu nguyện thành, bởi  các bậc khổ hạnh và thần bí hoàn toàn trung thành với mầu nhiệm Thánh Thể, nhưng vẫn đáng kể như còn ở ngưỡng cửa mầu nhiệm, bởi vì nó không thể nào thấu hiểu được và nói ra được nên lời thế nào là nhiệm tích Thánh Thể cho thật đầy đủ, những gì nhiệm tích này biểu lộ và thực hiện. Thánh Thể đúng là bí tích khôn tả ! Sự dấn thân chính thân chính yếu, và trên tất cả, ân sủng hữu hình và vọt tràn của sức siêu nhiên của Giáo hội với tư cách là dân Thiên Chúa, cốt ở chỗ kiên trì và luôn tiến tới trong đời sống Thánh Thể, trong lòng tôn sùng Thánh Thể, lớn lên về mặt thiêng liêng trong bầu khí Thánh Thể. Đã vậy thì trong cách chúng ta suy nghĩ, sống và hành động, càng không được phép làm cho nhiệm tích thật chí thánh này mất đi kích thước toàn diện và ý nghĩa thiết yếu của nó. Thánh Thể đồng thời là nhiệm tích và tế lễ, nhiệm tích và hiệp thông, nhiệm tích và hiện diện. Và tuy thực sự nhiệm tích Thánh thể đã luôn luôn và còn phải là cách mặc khải sâu sắc nhất, cách cử hành tốt đẹp nhất tình anh em giữa các môn đệ Đức Kitô và những ai làm chứng cho Người, nhưng không được coi nhiệm tích ấy như chỉ là một “cơ hội” để bày tỏ tình huynh đệ mà thôi. Trong việc cử hành nhiệm tích Mình và Máu Chúa, phải tôn trọng kích thước đầy đủ của mầu nhiệm Thiên Chúa, ý nghĩa trọn vẹn của dấu nhiệm tích này nơi chúng ta được rước Đức Kitô hiện diện thực sự, linh hồn được tràn trề ân sủng và chúng ta được nhận lãnh bảo đảm cho vinh quang sau này[169]. Do đó mà có nghĩa vụ phải tuân giữ nghiêm túc các quy tắc phụng vụ và tất cả những gì làm chứng cho việc tôn thờ cộng đồng dâng lên Thiên Chúa, nhất là vì trong dấu chỉ nhiệm tích nói đây, Chúa phú thác mình cho chúng ta với một lòng tín cẩn vô hạn, làm như Người không kể gì tới tình cảnh yếu đuối, bất xứng của chúng ta, tới thói quen nhờn, chiếu lệ hay ngay cả khả năng lăng nhục nữa. Mọi người trong Giáo hội, nhưng nhất là các giám mục, linh mục, phải lo sao cho nhiệm tích yêu thương này được ở trung tâm đời sống dân Thiên Chúa, ngõ hầu qua tất cả những biểu lộ sự tôn thờ phải dành cho nhiệm tích ấy, người ta làm thế nào để đem lòng yêu mến đáp lại lòng yêu mến của Đức Kitô , và Người thực sự trở nên “sự sống linh hồn chúng ta”[170]. Và mặt khác chúng ta sẽ không bao giờ quên được lời Thánh Phaolô: “Mỗi người hãy tự hạch xét chính mình, rồi sau đó mới ăn bánh và uống chén ấy”[171].
Khuyến cáo này của thánh tông đồ cho thấy ít nữa một cách gián tiếp là có một mối liên hệ chặt chẽ giữa Thánh Thể và sám hối. Và quả nhiên, nếu lời giảng dạy đầu tiên của Đức Kitô , nếu câu đầu tiên của Tin mừng là hãy hối cải và tin vào tin mừng (metanoia)[172], thì nhiệm tích của thụ nạn, của thập giá và của phục sinh xem như tăng cường và củng cố một cách rất đặc biệt lời kêu gọi đó trong tâm hồn chúng ta. Như vậy Thánh Thể và Sám hối trở nên, trong một nghĩa nào đó,hai kích thước liên quan chặt chẽ với nhau của đời sống đích thực theo tinh thần Tin mừng, của đời sống thật sự Kitô giáo. Đức Kitô, Đấng mời dự tiệc Thánh thể vẫn là Đức Kitô kêu gọi sám hối và nhắc bảo: “Hãy hối cải”[173]. Không có cố gắng bền bỉ và luôn luôn bắt đầu lại để hối cải, thì sự tham dự tiệc Thánh Thể hẳn sẽ thiếu đi hiệu năng cứu độ đầy đủ. Vì như thế trong nhiệm tích Thánh thể sẽ thiếu mất hay ít ra sẽ suy giảm sự đặc biệt sẵn sằng dâng lên Thiên Chúa lễ tế thiêng liêng[174] nhờ đó ta biểu lộ một cách thiết yếu và phổ quát việc ta tham dự vào chức vụ tư tế của Đức Kitô. Thật vậy, trong Đức Kitô, chức vụ tư tế kết hợp với chính lễ tế của Người cùng việc Người hiến chính mình cho Chúa Cha. Việc hiến dâng này chính là vì vô hạn - lại làm nảy ra nơi chúng ta, những kẻ lệ thuộc nhiều giới hạn, nhu cầu quay về với Thiên Chúa một cách chín chắn hơn mãi, nhờ một sự hối cải liên tục và sâu xa hơn mãi.
Trong những năm gần đây, người ta đã làm rất nhiều để làm nổi bật khía cạnh cộng đồng của sám hối, và nhất là của bí tích sám hối trong cách thực hành của Giáo hội, đó cũng chỉ là điều phù hợp với truyền thống cổ kính nhất của Giáo hội. Những sáng kiến này có ích và hẳn sẽ giúp cho việc thực hành sám hối của Giáo hội thời nay thêm phong phú. Tuy nhiên chúng ta không thể quên rằng hối cải là một việc trong lòng có bề sâu đặc biệt nên con người không thể để kẻ khác làm bù cho mình, không thể để cộng đồng “thay thế” mình. Đành rằng cộng đồng anh em tín hữu tham dự vào việc cử hành sám hối giúp nhiều cho việc hối cải của từng người, nhưng rốt cuộc thì việc đó vẫn phải là hành động của chính cá nhân, trong bề sâu nhất của lương tâm mình, với cảm thức trọn vẹn về tội trạng của mình và về lòng mình tin cậy vào Thiên Chúa, khi đến trước thánh nhan Ngài để thú nhận như trong Thánh vịnh: “Con đắc tội với Chúa”[175]. Cho nên Giáo hội trung thành giữ cách thực hành nhiệm tích sám hối đã có từ nhiều thế kỷ - tức là việc xưng tội cá nhân kết hợp với việc đích thân ăn năn, dốc lòng chừa cải và đền tội, vẫn bảo vệ quyền riêng của tâm hồn con người. Đó là quyền mỗi người được đích thân gặp gỡ Đức Kitô chịu đóng đinh mà tha thứ, gặp gỡ Đức Kitô là Đấng đã nói qua trung gian thừa tác viên nhiệm tích hòa giải: “Tội lỗi con được tha”[176]; “Đi đi và từ nay đừng phạm tội nữa”[177]. Rõ ràng đây đồng thời cũng là quyền của chính Đức Kitô đối với từng người đã được Chúa cứu chuộc. Đó là quyền gặp gỡ mỗi người chúng ta vào lúc quan trọng nhất này đời sống linh hồn tức là lúc hối cải và lúc được tha thứ. Khi bảo toàn nhiệm tích sám hối, Giáo hội minh nhiên khẳng định niềm tin của mình vào mầu nhiệm cứu chuộc như thực tại sống động và làm cho sống, tương ứng với chân lý bên trong của con người, với tình trạng đắc tội của con người và với những ước mong của lương tâm con người nữa. “Phúc cho kẻ đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no nê”[178]. Nhiệm tích sám hối là phương thế làm cho con người được no nê sự công chính phát xuất từ Đấng cứu chuộc.
Giáo hội, nhất là ở thời chúng ta, quen sum họp đặc biệt quanh Thánh Thể và mong muốn cộng đồng Thánh Thể đích thực trở nên dấu hiệu hợp nhất của mọi Kitô hữu, một sự hợp nhất dần dần chín muồi hơn. Trong hoàn cảnh như thế, người ta phải cảm thấy thấm thía nhu cầu sám hối, cả dưới khía cạnh nhiệm tích[179] lẫn dưới khía cạnh nhân đức. Khía cạnh thứ hai này đã được Đức Phaolô VI nói lên trong Hiến chế tông vụ Paenitemini[180]. Một trong những nghĩa vụ của Giáo hội là đem ra thực hiện lời Ngài chỉ dạy: đây là một chủ đề mà chắc chắn chúng ta sẽ phải đào sâu hơn trong một suy nghĩ chung, và sẽ là đối tượng của nhiều quyết định sau này, theo tinh thần tập đoàn trong mục vụ và vẫn phải chú ý đến những truyền thống khác nhau về vấn đề, chú ý đến cả những hoàn cảnh khác biệt của đời sống loài người thời chúng ta. Tuy nhiên chắc chắn là Giáo hội của Mùa vọng mới, Giáo hội đang luôn luôn chuẩn bị đón Chúa lại đến phải là Giáo hội của Thánh Thể và sám hối. Chỉ từ góc độ thiêng liêng này của sức sống và hoạt động của mình Giáo hội mới là Giáo hội của sứ mệnh Thiên Chúa ban cho, Giáo hội trong tư cách được sai đi - imastatu missionis - như Công đồng Vat.II đã tỏ cho thấy khuôn mặt của Giáo hội như thế.
21. Ơn gọi Kitô hữu: phục vụ và làm chủ.
Khi Công đồng Vat.II dựa vào các nền tảng của Giáo hội mà họa hình ảnh Giáo hội như Dân Thiên Chúa, bằng cách làm nổi rõ ba sứ mệnh của Đức Kitô và sự kiện chúng ta thực sự thành Dân Thiên Chúa nhờ được tham dự vào ba sứ mệnh của Người, Công đồng cũng đã làm nổi rõ đặc điểm này trong ơn gọi Kitô hữu là đặc điểm “hoàng vương”. Để trình bày tất cả giáo lý phong phú của Công đồng, có lẽ phải nhắc tới nhiều chương nhiều đoạn trong hiến chế LG và nhiều văn kiện khác nữa của Công đồng. Tuy nhiên, giữa tất cả sự phong phú ấy, một điểm có vẻ nổi bật, đó là việc tham dự vào sứ mệnh hoàng vương của Đức Kitô, nghĩa là việc khám phá lại nơi mình và nơi người khác phẩm tước đặc biệt của ơn gọi chúng ta, phẩm tước có thể được xác định trong thái độ sẵn sàng phục vụ theo gương Đức Kitô , Đấng “không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ”[181]. Như vậy, nếu chỉ có thể “làm vua” thực sự là bằng cách “hầu hạ” như trong thái độ Đức Kitô đã chứng tỏ, thì việc “hầu hạ” đồng thời lại đòi hỏi một sự chín chắn tinh thần tới mức nó thật đáng được xác định là một vương quyền. Để có thể phục vụ kẻ khác một cách xứng đáng và hữu hiệu, cần phải biết làm chủ chính mình, phải có những đức tính cần thiết để tự chủ được. Như thế, việc chúng ta tham dự vào sứ mệnh “hoàng vương”, và chính xác hơn vào “chức năng làm vua” (munus regale) của Đức Kitô gắn liền chặt chẽ với toàn thể lãnh vực đạo đức Kitô giáo và cả lãnh vực đạo đức nhân bản nữa.
Khi trình bày một cái nhìn đầy đủ về dân Thiên Chúa và khi nhắc lại vị trí không những của các linh mục mà còn của các giáo dân, không những của các vị đại diện cho giáo phẩm mà còn của các đại diện các dòng tu nam nữ, Công đồng Vat.II đã không chỉ rút hình ảnh đó ra từ những tiền đề xã hội học mà thôi. Xét như một xã hội loài người, hẳn Giáo hội cũng có thể được nghiên cứu và định nghĩa theo những tiêu chuẩn mà khoa học thường dùng đối với mọi xã hội loài người. Nhưng những phạm trù đó không đủ. Đối với toàn thể cộng đồng Dân Thiên Chúa và đối với mỗi phần tử trong cộng đồng này, vấn đề không phải chỉ là “thuộc về một xã hội” nhất định nào đó, nhưng điều cốt yếu đối với mỗi người và mọi người lại là một “ơn gọi” đặc biệt. Thậy vậy, Giáo hội, với tư cách là Dân Thiên Chúa, cũng là “nhiệm thể của Chúa Kitô”, theo lời dạy của Thánh Phaolô mà tôi đã trích dẫn và đã được Đức Piô XII nhắc lại một cách đáng khâm phục[182]. Việc thuộc về Giáo hội bắt nguồn từ một lời mời gọi đặc biệt nối liền với tác động cứu độ của ân sủng. Như vậy, nếu chúng ta muốn xét cộng đồng Dân Thiên Chúa, một cộng đồng rộng lớn và đa dạng biết bao, thì trước hết chúng ta phải nhìn lên Đức Kitô , Đấng một cách này hay cách khác đã kêu gọi mỗi phần tử trong cộng đồng đó: “Hãy theo Ta”[183]. Cộng đồng các môn đệ là thế đó, một cộng đồng mà mỗi thành phần theo Đức Kitô một cách, có khi rất ý thức và mạch lạc, nhưng cũng có khi không mấy ý thức và thiếu mạch lạc. Điểm này cũng cho thấy khía cạnh tôn trọng sâu xa bản vị mỗi người và cho thấy kích thước thật của cộng đồng Giáo hội : dù có tất cả những thiếu xót trên bình diện đời sống cộng đồng theo nghĩa loài người của chữ này, Giáo hội vẫn là một cộng đồng chính nhờ sự kiện là tất cả làm thành cộng đồng ấy cùng với Đức Kitô, ít nữa cũng bởi vì họ đều mang trong linh hồn mình dấu ấn không thể xóa bỏ được của người Kitô hữu.
Công đồng Vat.II đã đặc biệt chú trọng đến việc làm cho mọi người thấy cộng đồng có tính cách “hữu thể” là cộng đồng các môn đệ và chứng nhân của Đức Kitô phải ngày càng trở nên, cả trên bình diện “con người”, một cộng đồng ý thức hơn như thế nào về đời sống và những hoạt động riêng của mình. Những gì Công đồng đã khởi xướng trong lãnh vực này được tiếp tục trong nhiều khởi xướng về sau của Thượng hội đồng giám mục, của Tông tòa hay từ cơ sở. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ chân lý này là một khởi xướng chỉ giúp canh tân Giáo hội cách đích thực và góp phần đem lại ánh sáng thật là Đức Kitô[184] trong mức độ khởi xướng ấy dựa trên một ý thức đúng đắn về ơn gọi và về trách nhiệm đối với ân sủng đặc biệt, có một không hai và không tiền khoáng hậu, ân sủng làm cho mỗi Kitô hữu thuộc cộng đồng Dân Thiên Chúa xây dựng thân mình Đức Kitô . Là nguyên tắc then chốt của tất cả mọi hoạt động Kitô giáo - hoạt động tông đồ, mục vụ, các thực hành đời sống nội tâm và đời sống xã hội - nguyên tắc ấy phải được áp dụng cách đúng mức cho mọi người và cho mỗi người. Ngay cả Giáo hoàng, cũng như mỗi giám mục, cũng phải áp dụng nguyên tắc ấy cho chính mình. Các linh mục, các tu sĩ nam nữ đều phải trung thành với nguyên tắc tắc đó. Chính trên nền tảng ấy mà mọi người, vợ chồng, cha mẹ, nam nữ thuộc mọi thành phần xã hội và mọi nghề nghiệp, từ những người giữ trọng trách cao trọng nhất trong xã hội cho đến những người làm những công việc tầm thường nhất đều phải xây dựng đời sống mình. Đó đúng là nguyên tắc của “việc phục vụ hoàng vương”, nguyên tắc buộc mỗi người chúng ta, theo gương Đức Kitô , có bổn phận đòi hỏi chính mình phải làm đúng những gì chúng ta được kêu gọi để làm, những gì mỗi người chúng ta đích thân phải làm, nhờ ơn Thiên Chúa, để đáp ứng với ơn kêu gọi mình. Trung thành như thế với ơn kêu gọi, nhờ ơn Thiên Chúa qua trung gian Đức Kitô , cũng là dự phần vào trách nhiệm tập thể đối với Giáo hội, điều mà Công đồng Vat.II muốn dạy cho mọi Kitô hữu. Thật vậy, trong Giáo hội cũng như trong cộng đồng Dân Thiên Chúa do Thánh Thần hướng dẫn, mỗi người có “đặc sủng riêng”, như lời Thánh Phaolô[185]. Đặc sủng này, tuy vẫn là ơn gọi riêng của mỗi người vì là một cách tham dự vào công cuộc cứu độ của Giáo hội, nhưng cũng hữu ích cho kẻ khác, cũng góp phần xây dựng Giáo hội và các cộng đồng huynh đệ trong những lãnh vực này nọ của đời sống con người trên trái đất này.
Sự trung thành với ơn gọi, tức là bền chí sẵn sàng làm “công việc phục vụ hoàng vương”, có một ý nghĩa đặc biệt đối với việc xây dựng phức tạp kia, nhất là trong những gì liên quan tới những cam kết trọng đại có ảnh hưởng lớn trên đời sống của đồng loại và của toàn thể xã hội. Vợ chồng phải nổi bật bằng sự trung tín với ơn gọi riêng của mình, như bản tính bất khả phân ly của nhiệm tích hôn phối đòi hỏi. Các linh mục phải nổi bật bằng lòng trung tín tương tự đối với ơn gọi riêng của mình, vì nhiệm tích truyền chức đã in sâu vào linh hồn họ một dấu ấn không thể xóa được, khi lãnh nhận nhiệm tích này, chúng ta cam kết một cách ý thức và tự do, trong Giáo hội Latinh, là sẽ sống độc thân, và vì vậy mỗi người chúng ta phải làm hết sức mình với ơn Chúa, để tỏ lòng biết ơn về hồng ân ấy và để trung tín với lời cam kết vĩnh viễn ấy. Vợ chồng cũng thế, họ phải hết sức cố gắng sống thủy chung trong hôn nhân, lấy việc làm chứng bằng tình yêu như vậy mà xây dựng cộng đồng gia đình và giáo dục các thế hệ mới cho đủ khả năng hiến trọn cuộc đời mình cho ơn gọi riêng của họ, nghĩa là cho “việc phục vụ hoàng vương” mà Đức Kitô đã là gương mẫu đẹp đẽ nhất cho chúng ta. Giáo hội của Người, làm bằng tất cả chúng ta, là Giáo hội “cho con người” theo nghĩa này; nhờ dựa vào gương mẫu Đức Kitô[186] và cộng tác với ân sủng Người đã nhận được cho chúng ta, chúng ta có thể đạt tới “vương quyền” đó, nghĩa là thực hiện được trong mọi người chúng ta một nhân tính hoàn toàn nẩy nở có nghĩa là chúng ta tận dụng được quyền tự do mà tạo hóa đã ban cho chúng ta khi Ngài tạo thành con người “theo hình ảnh của Thiên Chúa”. Hồng ân tự do này được thực hiện đầy đủ khi con người hiến toàn thân mình không bớt xén, trong một tinh thần yêu thương như tình nghĩa trăm năm đối với Đức Kitô và, cùng với Đức Kitô, đối với mọi người. Đức Kitô vẫn phái đến với họ những tu sĩ nam nữ đã tận hiến cho Người theo các lời khuyên của Tin mừng. Đó là lý tưởng đời sống tu trì vẫn được các dòng cổ kính cũng như các dòng mới lập và các thế viện đảm nhận.
Trong thời đại chúng ta đang sống nhiều khi người ta quan niệm một cách lệch lạc rằng tự do là để tự do chứ chẳng có cứu cánh nào khác, rằng con người được tự do là khi được sử dụng tự do tùy thích và cần phải hướng tới mục tiêu ấy trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống các xã hội. Nhưng trái lại tự do chỉ là ơn huệ lớn lao khi chúng ta biết khôn ngoan dùng tự do để làm tất cả những gì thật tốt lành. Đức Kitô dạy chúng ta rằng cách sử dụng tự do tốt nhất là bác ái, mà bác ái thì được thực hiện bằng hiến tặng và phục vụ. “Đức Kitô đã giải phóng chúng ta chính là để chúng ta được tự do” như thế[187] và Người mãi mãi giải phóng chúng ta. Ở đây Giáo hội tìm thấy nguồn cảm hứng bất tận, lời mời gọi và đà để thi hành sứ mệnh và công việc phục vụ của mình giữa mọi người. Chân lý đầy đủ về tự do của con người được ghi sâu trong mầu nhiệm cứu chuộc. Giáo hội phục vụ nhân loại thực sự khi bảo toàn chân lý ấy với một mối quan tâm không biết mệt mỏi, với một lòng yêu thương nồng nhiệt, với một thế dấn thân chín chắn, và khi truyền lại và thực hiện chân lý ấy trong đời sống con người, giữa toàn thể cộng đồng Giáo hội và nhờ mỗi Kitô hữu biết trung thành với ơn gọi của mình.
22. Đức Maria, người mẹ làm cho chúng ta hy vọng.
Ở đầu nhiệm kỳ Giáo hoàng này, khi tôi hướng lòng trí tôi về Đấng Cứu thế là tôi muốn nhờ đó đi vào sâu trong nhịp sống sâu xa nhất của Giáo hội. Thật vậy, nếu Giáo hội sống sự sống đặc biệt của mình, thì đó là nhờ Giáo hội lấy sức sống này nơi Đức Kitô, Đấng lúc nào cũng chỉ có một ý nguyện là : chúng ta được sống và sống dồi dào[188]. Sự sống viên mãn ở nơi Người cũng được dành cho con người. Chính vì thế, nhờ chia sẻ tất cả sự phong phú của mầu nhiệm cứu chuộc, Giáo hội trở thành một Giáo hội những người sống, sống vì được “Thánh Thần chân lý”[189] làm cho sống bên trong, vì được thăm viếng bởi tình thương mà Thánh Thần tuôn vào lòng dạ chúng ta[190]. Mục đích của mọi phục vụ trong Giáo hội, dù là phục vụ trong tư cách tông đồ, chủ chăn, linh mục hay giám mục đều là duy trì tương quan sống động giữa mầu nhiệm cứu chuộc và mọi người.
Nếu chúng ta ý thức được nhiệm vụ đó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn theo nghĩa nào Giáo hội là mẹ[191] và cả theo nghĩa nào Giáo hội luôn luôn cần một người Mẹ, nhất là trong thời chúng ta. Chúng ta phải đặc biệt nhớ ơn các nghị phụ trong Công đồng Vat.II đã diễn tả chân lý ấy trong hiến chế LG và trong giáo lý phong phú về Đức Maria[192]. Vì Đức Phaolô VI đã dựa vào giáo lý ấy mà tuyên bố Thánh mẫu của Đức Kitô là “Mẹ của Giáo hội”[193] và vì tước hiệu này đã được hưởng ứng rộng rãi, cho nên, kẻ kế vị bất xứng này của Đức Phaolô VI cũng xin hướng về Đức Maria, Mẹ của Giáo hội, để kết thúc những nhận định đã đáng được khai triển ở đầu nhiệm kỳ giáo hoàng này. Đức Maria là mẹ của Giáo hội vì theo sự tuyển chọn khôn tả của chính Chúa Cha vĩnh cửu[194] và nhờ tác động đặc biệt của Thánh thần yêu thương[195], Đức Mẹ đã đem lại sự sống con người cho Con Thiên Chúa là Đấng “có vạn vật vì Người và do bởi Người”[196], Đấng ban cho toàn thể Dân Thiên Chúa ân sủng và phẩm cách làm dân được tuyển chọn. Chính Con của Đức Maria đã rõ ràng muốn mở rộng tình nghĩa mẫu tử của Đức Mẹ - và mở rộng một cách dễ hiểu cho mọi tâm hồn - khi trên thập giá Người đã trối môn đệ yêu quý của mình làm con Đức Mẹ[197]. Sau khi Chúa chúng ta lên trời, Thánh Thần đã dun dủi Đức Maria ở lại giữa các tông đồ để tĩnh tâm cầu nguyện và chờ đợi cùng với họ cho đến ngày Hiện xuống là ngày Giáo hội phải ra khỏi bóng tối mà phát sinh một cách hữu hình[198]. Rồi từ đó, mọi thế hệ môn đồ và tất cả những ai yêu thương Đức Kitô và làm chứng cho Người, đều như tông đồ Gioan, đón rước Đức Mẹ một cách thiêng liêng vào nhà mình[199]. Như vậy là từ khởi đầu, nghĩa là từ lúc được thiên sứ truyền tin, Đức Mẹ vẫn luôn có chỗ trong lịch sử cứu độ và trong sứ mệnh của Giáo hội. Vì thế tất cả chúng ta là thế hệ các đồ đệ hiện nay của Đức Kitô, chúng ta mong muốn kết hợp với Đức Mẹ một cách đặc biệt. Chúng ta làm như vậy với trọn niềm khăng khít đối với cổ truyền mà đồng thời vẫn rất mực kính trọng và yêu thương các thành phần thuộc mọi cộng đồng Kitô giáo.
Chúng ta làm như vậy là do nhu cầu sâu xa của đức tin, đức cậy và đức mến thúc đẩy. Thật vậy, nếu trong giai đoạn khó khăn và trọng yếu này của lịch sử Giáo hội và loài người, chúng ta cảm thấy cần phải đặc biệt hướng về Đức Kitô là Chúa của Giáo hội và Chúa của lịch sử loài người thể theo mầu nhiệm cứu chuộc, thì chúng ta tin rằng không ai như Đức Maria có thể đưa chúng ta vào kích thước Thiên Chúa và con người của mầu nhiệm này. Không ai đã được chính Thiên Chúa đưa vào đó như Đức Maria. Tính cách phi thường của ơn được là Mẹ Thiên Chúa chính là ở chỗ ấy. Không những phẩm giá tước vị Mẹ Thiên Chúa là có một không hai và tuyệt đối đặc thù trong lịch sử loài người, mà điều cũng độc nhất vô nhị do bởi có ảnh hưởng sâu rộng chính là Đức Maria, vì là Mẹ Thiên Chúa, được tham dự vào ý định của Thiên Chúa muốn cứu độ loài người, qua mầu nhiệm cứu chuộc.
Tình yêu thương muôn đời của Chúa Cha đã được tỏ ra trong lịch sử nhân loại nơi Chúa Con, Đấng mà Chúa Cha đã ban cho “ngõ hầu ai tin vào Người thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống đời đời”[200]. Tình thương yêu ấy nhờ Đức Mẹ lại được nên gần gũi mỗi người chúng ta và như vậy được tỏ bày một cách dễ hiểu và vừa tầm hơn cho mỗi người. Vì thế, Đức Maria phải có mặt trên mọi nẻo đường của đời sống thường ngày của Giáo hội. Nhờ Người hiện diện như một người Mẹ, Giáo hội biết chắc được rằng mình đang sống thực sự đời sống của Thầy và Chúa mình, và mình sống mầu nhiệm cứu chuộc trong tất cả chiều sâu và sức tác sinh đầy đủ của mầu nhiệm đó. Và khi ăn rễ vào nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống nhân loại ngày nay, cũng chính Giáo hội còn được biết chắc và kể như được cả kinh nghiệm là mình gần gũi với con người, với mỗi người, mình là Giáo hội của họ, Giáo hội của dân Thiên Chúa.
Trước những nhiệm vụ xuất hiện dọc theo những con đường Giáo hội đi, dọc theo các con đường Đức Phaolô VI đã chỉ cho chúng ta trong bức Thông điệp đầu tiên của Người, chính chúng ta vì ý thức cả sự cần thiết tuyệt đối của các con đường ấy lẫn các khó khăn đang dồn dập trên đó, chúng ta càng cảm thấy cần phải gắn bó sâu xa với Đức Kitô. Lời của Người vang lên trong chúng ta: “Ngoài Ta, anh em không thể làm được gì”[201]. Chúng ta cảm thấy toàn thể Giáo hội không những cần mà còn có bổn phận cấp bách phải cầu nguyện rộng rãi hơn, sốt sắng và nhiều hơn. Chỉ có cầu nguyện mới có thể làm cho tất cả các nhiệm vụ lớn lao trên và những khó khăn gắn liền với chúng không trở thành những nguồn khủng hoảng, mà lại thành cơ hội hay là những khởi điểm cho /dân Thiên Chúa luôn tiến sâu hơn trên con đường đưa về đất hứa, trong giai đoạn lịch sử đang dẫn chúng ta đến cuối thiên niên kỷ thứ hai này. Tuy vậy, khi tôi kết thúc cuộc suy niệm này bằng lời nguyện khiêm tốn và nhiệt thành kêu gọi Giáo Hội cầu nguyện, tôi cũng mong muốn mọi người bền lòng cầu nguyện như thế trong sự kết hợp với Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu[202], như xưa kia các tông đồ và các môn đệ của Chúa đã bền lòng cầu nguyện tại nhà Tiệc ly ở Giêrusalem, sau khi Chúa lên trời[203]. Tôi khẩn cầu đặc biệt Đức Maria, Mẹ trên trời của Giáo hội, xin Người luôn cùng với chúng ta cầu nguyện như thế trong Mùa Vọng mới của nhân loại, để chúng ta làm thành Giáo hội, Thân Mình huyền nhiệm của Con Một của Người. Tôi trông cậy rằng, nhờ lời cầu nguyện đó, chúng ta sẽ có thể lãnh nhận Thánh Thần xuống trên chúng ta[204] và nhờ thế, trở nên những chứng nhân của Đức Kitô “đến tận cùng trái đất”[205] như những người xưa kia đã ra khỏi nhà Tiệc ly tại Giêrusalem trong ngày hiện xuống.
Với phép lành Tòa Thánh của tôi.

Làm tại Rôma, gần đền thờ Thánh Phêrô, ngày 4.3.1979.
Chủ nhật thứ nhất Mùa Chay, năm đầu tiên tôi làm giáo hoàng.
Gioan - Phaolô II.



[1] Ga 1,14
[2] Ga 3,16
[3] Dt 1,1-2
[4] Bài mừng vui lên (Exultet) trong đêm phục sinh.
[5] Ga 16,7
[6] Ga 15,26-27
[7] Ga 16,13
[8] x. Kh 2,7
[9] LG 1; AAS 57, 1965,5.
[10] Ep 3,8
[11] Ga 14,24
[12] Thông điệp ES, AAS 56, 1964, 650 tt.
[13] Mt 11,29
[14] Ở đây phải lưu ý các văn kiện chính trong thời đại Đức Phaolô VI. Chính Ngài đã trích dẫn một số các văn kiện đó trong bài giảng ngày lễ mừng kính trọng thể Thánh Phêrô và Phaolô 1978. Tđ ES: AAS 56, 1964, 609-659; Tông thư investigabiles divitias Christi : AAS 57, 1965, 298-301; Tđ Mysterium fidei : AAS 57, 1965, 753-774; Tđ Sacerdotalis caelibatus : AAS 59, 1967, 657-696; Sollemnis Professie Fidei : AAS 60, 1968, 433-445; Tđ Humanae vitae : AAS 60,1968,481-503; Tông huấn Quinque iam anni : AAS 63, 1971, 97-106; Tông huấn Evangelica testificatio: AAS, 63, 1971, 487-535;  Tông huấn Paterna cum benevolentia: AAS 67, 1975, 5-23; Tông huấn Gaudete in Domini: AAS 67, 1975, 289-322; Tông huấn Evangelii nuntiandi: AAS 68, 1976, 5-76.
[15] Mt 13,52
[16] 1Tm 2,4
[17] Phaolô VI, EN : AAS 68, 1976, 5-76
[18] Ga 17,21; x. Ga 17,11.22-23; Ga 10,16; Lc 9,49-50.54
[19] 1Cr 15,10
[20] x. Vat.I Dei Filius, ch.III De Fide, s.6: Conciliorum Oecumenicorum Decreta, nxb Istituto per le Scienze Religiose, Bologna 1973. tr. 811.
[21] Is 9,6
[22] Ga 21,15
[23] Lc 22,32
[24] Ga 6,68; x Cv 4,8-12
[25] x. Ep 1,10.22; 4,25; Cl 1,18
[26] 1Cr 8,6 ;x. Cl 1,17
[27] Ga 14,6
[28] Ga 11,25
[29] x. Ga 14,9
[30] x. Ga 16,7
[31] x. Ga 16,7.13
[32] Cl 2,3
[33] x. Rm 12,5; 1Cr 6,15; 10,17; 12,12.27; Ep 1,23; 2,16; 4,4; Cl 1,24; 3,15
[34] Vat.II LG 1; AAS 57, 1965,5
[35] Mt 16,16
[36] x. Kinh cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
[37] 1Cr 2,2
[38] x. St 1, trong suốt chương 4 (passim)
[39] x. St 1,26-30
[40] x. Rm 8,20; hoặc 8,19-22; Vat.II GS 2.13
[41] Ga 3,16
[42] x. Rm 5,12-21
[43] Rm 8,22
[44] Rm 8,19
[45] Rm 8,22
[46] Rm 8,19
[47] GS 22
[48] x. Rm 5,11; Cl 1,20
[49] Tv 8,6
[50] x. St 1,26
[51] x. St 3,6-13
[52] x. Kinh nguyện thánh thể IV.
[53] x. GS 37; LG 48
[54] x. Rm 8,29-30; Ep 1,8
[55] x. Ga 16,13
[56] x. 1Tx 5,24
[57] 2Cr 5,21; x. Gl 3,13
[58] 1Ga 4,8.16
[59] x. Rm 8,20
[60] x. Lc 15,11-32
[61] Rm 8,19
[62] x. Rm 8,18
[63] x. Tôma Summa théologique III, q.46, a. I, ad 3.
[64] Gl 3,29
[65] Bài Mừng Vui Lên trong đêm phục sinh
[66] x. Ga 3,16
[67] x. Th. Justinô, I Apologia, 46, 1-4; II Apologia 7(8), 1-4; 10,1-3;13,3-4; Florilegium Patristicum II, Bonn 1911, tr.81,125,129,133; Clementê Alexandria, Stromata I, 19,91,94: Ch,117-118; 119-120; Ad Gentes II; LG 17.
[68] Vat.II NA 3-4
[69] Cl 1,26
[70] Mt 11,12
[71] Lc 16,8
[72] Ep 3,8
[73] Vat.II NA 1-2
[74] Cv 17,22-31
[75] Ga 2,25
[76] Ga 3,8
[77] x. AAS 58, 1966, 929-946
[78] x. Ga 14,26
[79]  Phaolô VI, EN 6.
[80] Ga 7,16
[81] x. AAS 58, 1966, 936-938
[82] Ga 8,32
[83] Ga 18,37
[84] x. Ga 4,23
[85] Ga 4,23-24
[86] Tđ “GH  Chúa Kitô” (ES).
[87] Vat.II GS 22
[88] x. Ga 14,1tt
[89] Vat.II GS 24
[90] sđd  số 38.
[91] Sđd số 76
[92] x. St 1,27
[93] Vat.II GS 24
[94] St 1,28
[95] GS 10.
[96] Sđd số 10
[97] Sđd số 38; Thông điệp  Populorum Progressio 21
[98] St 1,28
[99] St 1-2.
[100] St 1,28; Vat.II sắc lệnh IM 6; GS 74.78
[101] Vat.II LG 10. 36
[102] Vat.II GS 35; Phaolô VI diễn văn cho ngoại giao đoàn 7.1.1965 và th6ng điệp PP 14.
[103] x. Đức Piô XII, thông điệp truyền thanh kỷ niệm 50 năm thông điệp Rerum Novarum (1.6.1941); thông điệp truyền thanh đêm giáng sinh (24.12.1942), thông điệp truyền thanh đêm giáng sinh (24.12.1943); thông điệp truyền thanh đêm giáng sinh (24.12.1944); diễn từ gửi các hồng Y (24.12.1945); diễn từ gửi các hồng Y (24.12.1946); diễn từ gửi các hồng Y (24.12.1947); thông điệp truyền thanh đêm giáng sinh (24.12.1947); Đức Gioan XXIII Pacem in Teris; Phaolô VI ES; diễn văn đọc trước Hội nghị Liên Hiệp Quốc (4.10.1965); Populorum progressio; Diễn  từ gửi các nông dân ở Colombia (23.8.1968); Diễn văn đọc trước hội nghị của Tổ Chức Lương Nông quốc tế FAO (16.11.1970); Tông thư Octogesima adviens; Diễn từ gửi các hồng Y (23.6.1972) ;  J-P.II Diễn văn đọc tại hội nghị các Giám Mục Mỹ Châu La Tinh kỳ III (28.1.1979); Diễn từ gửi các người Da Đỏ ở Cuilapan (29.1.1979); Diễn văn gửi các thợ thuyền ở Monterrey (21.1.1979) ; Vat.II DH; GS; HỘi nghị các Giám mục thế giới , De iustitia sin mundo.
[104] Gioan XXIII MM; PI; Phaolô VI PP
[105] Lc 16,19-31
[106] J-P.II Bài giảng tại Saint Domingue (25.1.1979), s.3; Diễn văn gửi các người Da Đỏ và các nông dân ở Oaxaca (30.1.1979), s.2; Diễn văn gửi các thợ thuyền tại Monterrey (31.1.1979) , s.4.
[107] x. Phaolô VI OA, s.42
[108] x. Mt 25,31-46.
[109] Mt 25,42.43
[110] 2Tm 4,2
[111] Piô XI, QA; Tđ Non abbiamo bisogno; T9d Divini Redemtoris; Tđ Mit brennender Sorge; Piô XII Tđ Summi pontificatus.
[112] x. 2Cr 3,6
[113] Vat.II GS, 31
[114] x. AAS 58, 1966, 929-946
[115] GS, 22
[116] x. 1Cr 6,15; 11,3; 12,12-13; Ep 1,22-23; 2,15-16; 4,4-5; 5,30; Cl 1,18; 3,15; Rm 12,4-5.30; Gl 3,28
[117] 2Pr 1,4
[118] x. Ep 2,10; Ga 1,14-16
[119] Ga 1,12
[120] x. Ga 4,14
[121] Gl 4,4
[122] Ga 11,25-26
[123] Kinh tiền tụng I lễ cầu hồn.
[124] Ga 6,63
[125] Confessio I,I
[126] Mt 12,30
[127] x. Ga 1,12
[128] Gl 4,5
[129] Gl 4,6; Rm 8,15
[130] x. Rm 15,13; 1Cr 1,24
[131] x. Is 11,2tt; Cv 2,38
[132] x. Gl 5,22-23
[133] Ca tiếp liên lễ Hiện Xuống
[134] LG, 16
[135] Sđd,  số 1.
[136] x. Rm 8,15; Gl 4,6
[137] x. Rm 8,15
[138] x. Rm 8,30
[139] Mt 20,28
[140] LG, 31-36
[141] Ga 14,24
[142] Ga 1,18
[143] DV, 5.10.21
[144] Vat.II Dei Filius, ch.3
[145] Vat.II PA; LG, 25
[146] x. Mt 28,19
[147] Vat.II PA
[148] LG, 18-27
[149] Sđd, 12,35
[150] Th. Augustino, Sermo 43,7-9; PL 38, 257-258
[151] GS, 47,57,59,62; OT, 15
[152] Ga 14,24
[153] Ga 20,21-22
[154] SC, 10
[155] x. Rm 6,3-5
[156] Pl 2,8
[157] x. Ga 5,26; 1Ga 5,11
[158] Dt 9,24; 1Ga 2,1
[159] 1Cr 6,20
[160] Ga 1,12
[161] x. Rm 8,23
[162] Kh 5,10; 1Pr 2,9
[163] x. Ga 1,1-4.18; Mt 3,17; 11,27; 17,5; Mc 1,11; Lc 1,32-35; 3,22; Rm 1,4; 2Cr 1,19; 1Ga 5,5.20; 2Pr 1,17; Dt 1,2
[164] x. 1Ga 5,5-11
[165] x. Rm 5,10.11; 2Cr 5,18-19; Cl 1,20.22
[166] LG, 11; Phaolô VI, Diễn văn trong cuộc tiếp  kiến chung ngày 15.9.1965
[167] SC, 47
[168] Phaolô VI, Mysterium fidei
[169] SC, 47
[170] x. Ga 6, 52-58; 14,6; Gl 2,20
[171] 1Cr 11,28
[172] Mc 1,15
[173] Sđd.
[174] x. 1Pr 2,5
[175] Tv 50 (51),6
[176] Mc 2,5
[177] Ga 8,11
[178] Mt 5,6
[179] Thánh bộ giáo lý đức tin, Normae pastorales circa absolutionem sacramentalem generali modo impertiendam; Phaolô VI, bài nói chuyện với phái đoàn giám mục Hoa Kỳ đến viếng “ad limina” (20.4.1978); J‑P.II , bài nói chuyện với phái đoàn giám mục Gianãđại đến viếng “ad limina” (17.11.1978)
[180] x. AAS 58, 1966, 177-198
[181] Mt 20,28
[182] Piô XII, MS
[183] Ga 1,43
[184] LG, 1
[185] 1Cr 7,7; x. 12,7.27; Rm 12,6; Ep 4,7
[186] LG, 36
[187] Gl 5,1; x. 5,13
[188] x. Ga 10,10
[189] Ga 16,13
[190] x. Rm 5,5
[191] LG, 63-64
[192] x. Sđd, 52-69
[193] Phaolô VI, Diễn văn  bế mạc khóa III, Công Đồng Vat.II (21.11.1964)
[194] LG, 56
[195] Sđd.
[196] Dt 2,10
[197] x. Ga 19,26
[198] x. Cv 1,14; 2.
[199] x. Ga 19,27
[200] Ga 3,16
[201] Ga 15,5
[202] x. Cv 1,14
[203] x.Cv 1,13
[204] x. Cv 1,8
[205] Sđd.

1 comment: