Saturday, February 2, 2013

ƠN GỌI THÁNH HIẾN TU SĨ




 
 1. ƠN GỌI
Ơn gọi không nảy sinh từ sáng kiến cá nhân, mà ơn gọi xuất phát từ lời mời gọi để hướng đến sứ mệnh cụ thể, xuất phát từ Đấng kêu gọi con người. Tin Mừng Mác-cô tường thuật việc Chúa Giê-su kêu gọi các tông đồ và sai các ông đi. “Người gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,13-15). Tin Mừng Gio-an cũng khẳng định rằng ơn gọi làm tông đồ do Thiên Chúa tuyển chọn, chứ không phải do con người: ơn gọi được thể hiện qua việc “không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16a) và sứ mệnh “ở lại trong tình yêu” (Ga 15,9b). Chỉ như vậy thì những người được tuyển chọn mới sống niềm vui trọn hảo: “Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11); mới có thể sống mật thiết với Người: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15,14); và mới có thể làm trổ sinh hoa trái dồi dào: “Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16b).
Chiều kích nhân thần học này của ơn gọi thật quyến rũ và cao cả. Có một ai đó đang nhìn bạn, đang yêu mến tìm kiếm và đang gọi bạn. Bạn có thể đón nhận hay chối bỏ lời mời gọi này. Con người có thể trả lời “có” hoặc “không” trước lời mọi gọi, đó là tự do của con người. Việc con người có thể trao ban trọn cuộc đời mình, cuộc đời duy nhất, toàn bộ cuộc sống của mình thể hiện mức độ cao cả nhất của ý thức con người. Trong Kinh Thánh chúng ta thấy các câu chuyện kể về những “người bạn của Thiên Chúa” (Áp-ra-ham, Mô-sê, Đa-vít, Ê-li, các tiên tri, thánh Giu-se, Mẹ Ma-ri-a, các tông đồ) đã từ bỏ mọi sự để cho Thiên Chúa chiếm hữu đời sống của họ, cùng với họ viết lên lịch sử cứu độ. Không hẳn những ai được Thiên Chúa mời gọi đều chấp nhận bước theo Ngài; chẳng hạn, câu chuyện giữa Chúa Giê-su và anh chàng thanh niên giàu có. Chàng thanh niên hỏi Người rằng: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Khi nghe lời của Chúa Giê-su: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”, anh ta “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” (Mc 10,17-22).
 Có lẽ trong quá khứ, đời sống thánh hiện được mô tả như một biến cố trong cuộc đời con người. Cho dẫu lời kêu gọi của Thiên Chúa cũng ghi khắc trong cuộc đời con người, ơn gọi phải được xem là một cuộc đối thoại liên lỉ giữa Thiên Chúa, Đấng kêu mời, và người môn đệ, đáp trả tiếng gọi của Chúa. Vì thế, ơn gọi đòi hỏi một sự tự do lớn lao để sẵn sàng trao hiến hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Chắc chắn rằng để từ bỏ mọi sự, kể cả mạng sống mình để theo Chúa thì cần phải yêu mến cách mãnh liệt. Do vậy, hình ảnh diễn tả tương quan tình yêu này chính là Giao Ước. Tất cả những điều này cho thấy rằng không thể trở nên một tu sĩ nếu không đồng thời trở nên một con người thần bí, say mê Thiên Chúa và say mê con người.


 
2. THÁNH HIẾN

Khi đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, ơn gọi thánh hiến tu sĩ hướng con người đến một quyết định tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, Đấng thánh hiến qua “lời khuyên phúc âm”, qui tụ lại trong đời sống cộng đoàn và sai đi cho một sứ mệnh. Đó chính là ba thành tố nền tảng của đời sống thánh hiến: lời khấn phúc âm, đời sống cộng đoàn và sứ mệnh. Ba yếu tố này chính là “thẻ căn cước” của chúng ta, là kho tàng và sự đóng góp của chúng ta cho Giáo Hội và cho xã hội. Đó cũng chính là lối sống tiên tri của chúng ta, bởi vì chúng thể hiện tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

Với ý nghĩa đó, các lời khấn diễn tả sự tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa với một trái tim không phân chia; dành ưu tiên cho Thiên Chúa và những giá trị Nước Trời, diễn tả sống động cách thức của Chúa Giê-su đã sống: vâng phục, nghèo khó và thanh khiết. Những lời khấn vâng phục, khó nghèo và thanh khiết diễn tả cho chúng ta thấy trước tiên là tình yêu, cho dẫu phải có một sự từ bỏ nhất định nào đó. Những lời khấn này phải được sống cách thiêng liêng và thần bí. Điều này lý giải tại sao các nam nữ tu sĩ sống những giá trị này như những chọn lựa chứ không phải như những điều bắt buộc. Họ sống những giá trị này với niềm vui, với sự xác tín và trung thành, đạt tới sự trưởng thành nhân cách phong phú, sống động, mạnh mẽ và đầy hấp dẫn. 
Fx. Phạm Đình Phước SDB
(Nguồn: Pascual Chavez, Testimoni del Dio vivente, LEV, Vatican 2012)

No comments:

Post a Comment