Wednesday, January 30, 2013

VÌ CÁC CON CHA HỌC HỎI


Sống trong xã hội đương đại với nhiều biến chuyển về công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật và văn hóa; với sự phong phú trong tương quan và trong đời sống. Giới trẻ đang chờ đón những người Sa-lê-diêng đồng hành với họ, đáp trả lại những thao thức, những ước mong của họ. Mặc khác, người Sa-lê-diêng cũng khát khao đưa tinh thần và sứ mạng Don Bosco vào môi trường mình sống và vào công việc, vào trong kế hoạch mục vụ và giáo dục. Tắt một lời đưa Don Bosco và Tin Mừng đến với người trẻ.
Đồng hành và thăng tiến người trẻ, giúp họ sống ý nghĩa, tạo tình liên đới và phục vụ, rao giảng Tin Mừng, giáo dục và huấn nghiệp ... tất cả những điều này đòi hỏi người Sa-lê-diêng kiện cường đời sống thiêng liêng, thăng tiến đời sống tri thức, chuẩn bị tốt về mục vụ và giáo dục, thủ đắc những tài năng về huấn giáo và nghề nghiệp.
 “Vì các con cha học hỏi”
Tông huấn Vita consecrata kêu mời các tu sĩ nam nữ không ngừng yêu mến và nhiệt tâm trong việc học tập và đào luyện để việc tông đồ trổ sinh hoa trái dồi dào. “Ngoài việc phục vụ tha nhân, đời sống thánh hiến cần canh tân và yêu mến việc học nhằm đạt được sự đào luyện toàn hảo trong bối cảnh văn hóa đa dạng và đang đổi thay. Không có lòng yêu mến và nhiệt tâm học hỏi thì dễ cảm thấy việc tông đồ nặng nề, thiếu sáng kiến và hời hợt trong mục vụ” (VC số 98).
Don Bosco, được thúc đẩy bởi cảm hứng Da mihi animas (Xin cho tôi các linh hồn), đã dành trọn cuộc đời của mình để phục vụ giới trẻ, phục vụ Giáo Hội và xã hội. Ngài lưu tâm đến những trạng huống của người trẻ và của xã hội để có những sáng kiến trong việc mục vụ và giáo dục (phục vụ trẻ bụi đời, hình thành nguyện xá, trung tâm trẻ, mở nhà in, lập các xưởng thợ, viết sách, quảng bá kiến thức …).
Việc học hành luôn có trong chương trình giáo dục và mục vụ của Don Bosco. Thật vậy, ngài thường nhắn nhủ các bạn trẻ 3 hạn từ: thánh thiện, học tập và đạo đức. Đối với tu sĩ Sa-lê-diêng, việc học hành khởi đi từ sự tận hiến hoàn toàn cho người trẻ, từ mối ưu tư để hiểu biết chúng, để thông truyền đức tin và kinh nghiệm cuộc sống.
Hơn nữa, việc học hành còn mang tính thiêng liêng. Đó là học tập từ cuộc sống, suy tư về kinh nghiệm cuộc đời, kinh nghiệm mục vụ và giáo dục, hướng về tương lai bằng sự lượng giá và lên kế hoạch cũng như có những chương trình cụ thể. Đó là ước muốn và nhiệt tâm để đạt đến sự “khôn ngoan” trong ân sủng, trong đời sống thiêng liêng, trong phục vụ, hầu có thể hướng dẫn và đồng hành với tha nhân.
Thật không dễ dàng để có sự quân bình giữa việc học hỏi và việc tông đồ, nghĩa là giữa sự phục vụ và việc nghiên cứu, tìm kiếm chất lượng giáo dục mục vụ. “Nhiều việc phải làm”, “không có thời gian”, sự khẩn thiết của sứ mệnh, việc thiếu người làm việc, những môi trường và kế hoạch mới luôn thúc đẩy nhiệt tâm Da mihi animas của người Sa-lê-diêng. Tuy nhiên, nếu chỉ có thiện ý và sự sẵn sàng thôi thì chưa đủ, mà cần có sự khôn ngoan và cần có năng lực. Sự chọn lựa việc học hỏi vẫn cần thiết, vì có thể đáp trả những nhu cầu của người trẻ, có thể thủ đắc năng lực thiết yếu trong công việc, có thể vun trồng kinh nghiệm cuộc sống, đặc biệt trong đời sống thiêng liêng, có thể có một cái nhìn đúng đắn và mở ra với những trạng huống mới, và tất cả điều đó sẽ mang lại hoa trái mục vụ dồi dào.
Như vậy, tình yêu và năng lực, học hành và làm việc, hoạt động và suy tư sẽ nhằm thiện ích của giới trẻ. Don Bosco đã nhắn nhủ một hội viên trẻ rằng: “Việc học hành và nhân đức sẽ làm cho thầy trở nên một Sa-lê-diêng đích thực” (Công báo ACS số 272), nghĩa là việc học hành và đời sống thiêng liêng sẽ khiến cho những tu sĩ Sa-lê-diêng trở nên những nhà giáo dục và những mục tử đích thực và tốt lành giữa người trẻ. Cho dẫu mang nhiều hình thái và diễn tả khác nhau theo khả năng và ơn riêng cho từng người, thì việc học hỏi vẫn là điều kiện để người Sa-lê-diêng tỏ lộ tình yêu dành cho người trẻ.

“Hãy học cho mình được yêu mến”
Các tu sĩ Sa-lê-diêng khấn trọn đời được trao “thánh giá Chúa Giê-su mục tử nhân lành”. Nghệ nhân Gio-an Đa minh Se-gio đã giúp diễn tả căn tính thánh hiến tông đồ của tu sĩ Sa-lê-diêng trong lòng Giáo Hội. 
 


Mặt trước của thánh giá ghi khắc hình ảnh Chúa Giê-su, mẫu gương cho các mục tử. Hình ảnh mô tả Chúa Giê-su vác con chiên lạc trên vai, và ở bên cạnh Ngài là hai con chiên khác dưới hai nhánh cây, cùng với biểu tượng chim bồ câu ngậm cành ô-liu. Theo truyền thống ki-tô giáo, hình ảnh này tỏ lộ lòng tín thác, sự tốt lành và của lễ dâng hiến trong bình an và hy vọng. Hình ảnh này cũng nhắc nhớ Lời Chúa trong tin mừng Gio-an: “Mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đàn chiên của mình” (Ga 10,11).
Mặt sau của thánh giá ghi lại những lời nhắn nhủ cùng với chữ ký của Don Bosco: “Hãy học cho mình được yêu mến” (tiếng Ý là Studia di farti amare), Linh Mục Gioan Bosco. Những lời nhắn nhủ này tỏ lộ tinh thần và phương pháp giáo dục mục vụ dành cho giới trẻ và thanh thiếu niên. Những lời này được Don Bosco viết cho cha Rua vào năm 1863 khi ngài bổ nhiệm cha Rua làm giám đốc ở Mirabello: “Cha không thể luôn luôn ở bên cạnh con được, vì thế cha nhắn nhủ con với cõi lòng của một người cha dành cho đứa con yêu dấu nhất”, và Don Bosco dành cho cha Rua nhiều lời khuyên trong đó có lời nhắn nhủ “hãy học cho được yêu mến” (MB VII, 524).
Lời nhắn nhủ này rất quan trọng trong tinh thần Sa-lê-diêng. Chính Don Bosco không ngừng lập lại cho Rua và đó cũng là những lời cuối cùng vào cuối đời ngài trao cho Rua (xem MB XVIII, 537). Trong lá thư nổi tiếng từ Ro-ma năm 1884 Don Bosco khẳng định rằng “chỉ yêu mến thôi, thì chưa đủ, nhưng còn phải biết làm cho mình được yêu mến” (MB XVII, 107). Chính phương pháp giáo dục dự phòng của người Sa-lê-diêng kín múc từ tình yêu để giúp người trẻ sống tốt và làm điều thiện: Thiên Chúa, là Tình Yêu, muốn tất cả sống và thực hành tình yêu.
Ơn gọi của tu sĩ Sa-lê-diêng đánh dấu một ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa: lòng yêu mến giới trẻ và thanh thiếu niên. “Chỉ cần các con là người trẻ cũng đủ để cha hết lòng thương mến các con” (Don Bosco). Chính tên gọi “Sa-lê-diêng” xuất phát từ lòng nhiệt thành và sự tốt lành của thánh Phan-xi-cô thành Sa-lê. Hơn nữa, tình yêu này sẽ dẫn đến niềm vui và lạc quan, là cách nhìn cần phải có trong xã hội ngày nay.
Như vậy, “hãy học cho mình được yêu mến” gợi hứng cho linh đạo, cho con đường thiêng liêng và cho phương pháp giáo dục mục vụ và tông đồ của đoàn sủng Sa-lê-diêng.
“Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống và vì các con cha sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của mình” (Don Bosco).
Fx. Phạm Đình Phước SDB

No comments:

Post a Comment