Tuesday, January 15, 2013

TÔI YÊU, TÔI HIỆN HỮU và HIỆN HỮU NGƯỜI TÔI YÊU

1. Tình yêu là gì? 
Tình yêu là gì? Câu này không dễ dàng trả lời, vì cảm nghiệm và sống tình yêu thì dễ dàng hơn là định nghĩa và phân tích nó. Có phải đơn giản như nhà thơ Xuân Diệu mô tả “Yêu là chết trong lòng một ít” hay “Đố ai định nghĩa được chữ yêu, có khó gì đâu một buổi chiều, anh cùng với em đi dạo phố, người ta nhìn thấy bảo là yêu”. Hoặc như văn hào Voltaire cho rằng “Chân lý cuối cùng trên cõi đời vẫn chỉ là tình yêu. Yêu là sống và còn sống là còn yêu”, hay như Saint Exupery quan niệm: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng”.
Hạn từ “tình yêu” mang nhiều ý nghĩa khác nhau: lòng yêu nước, yêu nghề, tình yêu bè bạn, sự yêu thích công việc, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, tình yêu giữa các thành viên trong gia đình, tình yêu người và lòng mến Chúa. Giữa những ý nghĩa này nổi bật lên tình yêu giữa một người nam và một người nữ, trong đó cả hai kết hiệp bất khả phân ly và mở ra cho nhân loại thấy sự hạnh phúc vô biên.
Hai người yêu nhau thì khám phá ra nhau, tìm thấy những khả thể đầy thú vị ẩn dấu nơi người bạn mình và mỗi người được mời gọi thám hiểm cõi huyền bí trong tâm hồn và nhân cách của họ. Khẳng định người yêu hiện hữu và thăng tiến người yêu là ý nghĩa chân thật của tình yêu: “Yêu mến là ước muốn thăng tiến. Tôi yêu, nghĩa là trước hết tôi muốn anh hiện hữu, và anh thăng tiến trong toàn thể con người anh” (Maurice Nedoncelle). Con người không chỉ trao ban điều mình , mà còn trao ban điều mình . Khi sự trao ban trùng hợp với hành vi cho đi và tình yêu là một sự trao tặng chính bản thân mình, thì đó chính là tình yêu.
2. Tình yêu hướng đến chân lý và và hướng đến tuyệt đối
Các triết gia Hy Lạp bàn đến tình yêu trong chiều kích cốt yếu của nó. Theo Plato, tình yêu (eros) của con người bị Vẻ Đẹp chinh phục. Con người, chiêm ngắm những đối tượng và vẻ đẹp thực tại, bị thu hút trong một trạng thái say đắm và ngây ngất. Sự say đắm này hướng đến nguồn gốc của vẻ đẹp. Vẻ đẹp này chính là niềm hạnh phúc hoàn hảo và là cùng đích của tình yêu eros. Như vậy, tình yêu tìm kiếm sự thiện và hướng tới chân lý tuyệt đối. Còn Aristotle cho rằng tình yêu phổ quát là việc hướng vũ trụ đến sự toàn hảo tuyệt đối, xét như là nguồn năng lực của vũ trụ. Động Cơ Bất Động là đối tượng của tình yêu theo đó tất cả mọi thực tại qui chiếu về.
Với Ki-tô giáo, con người là hình ảnh Thiên Chúa, Tình Yêu Ba Ngôi. Đây chính là biểu tượng của sự hiệp nhất, hiệp thông và trao ban. Theo đó, tình yêu mặc lấy chiều kích cao cả của nó là agape, nghĩa là không chỉ có chiều kích eros chiêm ngưỡng và tìm kiếm vẻ đẹp, niềm hạnh phúc và sự hoàn hảo, mà còn là tình yêu trao ban agape, thông dự vào tình yêu vĩnh cửu.
Agape diễn tả tình yêu với sự khám phá đích thực lẫn nhau, vượt qua tính chất ích kỷ bao trùm theo quan niệm của Hy Lạp cổ đại. Tình yêu giờ đây trở thành mối quan tâm và lo lắng cho người khác. Nó không còn là tìm kiếm chính mình, hay một mê say hạnh phúc; thay vào đó nó tìm kiếm điều thiện cho người mình yêu: nó trở thành sự từ bỏ chính mình và sẵn sàng chấp nhận cả hy sinh nếu cần (Benedetto XVI, Thông Điệp Deus caritas est, số  6).
Tình yêu chân thật, tự bản tính, hướng tới tuyệt đối. Tuyệt đối chính là đối tượng duy nhất của tình yêu, tất cả những đối tượng khác sẽ không làm nó thỏa mãn. Người nào càng yêu nhiều bao nhiêu thì càng cảm thấy nhỏ bé nghèo hèn và thấp kém giữa hai người. Mọi sự cho đi của mình đều cảm thấy bất toàn so với nét đáng yêu của người mình yêu. Điều này không chỉ liên hệ trong tương quan với Thiên Chúa, mà còn trong tương quan với tha nhân. Tình yêu đích thật chính là hoa trái của lòng khiêm nhường. Sự trao ban chính mình được biến mất trong niềm vui đón nhận. Bởi vì đón nhận xảy ra trong niềm vui cá nhân sung mãn nhất, nên đến lượt nó, nó cũng chứa đựng sự cho đi bản thân người kia, chứa đựng sự hướng chiều cốt yếu và căn bản về người mà qua đó đón nhận tình yêu.
Tình yêu agape Kitô giáo được diễn đạt cụ thể nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng yêu thương đến cùng và hy sinh tính mạng vì người yêu. Mặc lấy tâm tình của Đức Ki-tô, tình yêu của con người đạt tới sự hoàn hảo như Đức Ki-tô, Đấng đã sống và yêu trọn vẹn trong cuộc đời dương thế. 
3. Tình yêu trong lý trí
Quan niệm tình yêu con người trong xã hội ngày nay mang dáng dấp của đam mê và đầy tính cảm xúc. Đó chính là lối tôn sùng thân xác thời nay. Tình yêu bị giản lược thành ‘tính dục’ thuần tuý, trở nên một thứ hàng hóa, đơn giản là ‘đồ vật’mua bán, hay hơn thế nữa chính con người trở thành một thứ hàng hóa.
Tình yêu chỉ hệ tại ở thân xác có mang lại cho con người hạnh phúc hay không? Con người hiện đại nghĩ rằng ban đầu nghĩ đơn giản là quan hệ với người yêu thôi. Sau đó thì ‘phóng lao phải theo lao’, đã một lần lên giường là có lần sau, vì còn gì để mất đâu. Còn trong việc sống chung thì chuyện ban trai chu cấp tiền, mua sắm, tặng quà là chuyện thường. Rồi cũng có quyết tâm làm lại từ đầu nhưng ‘lực bất tòng tâm’, muốn có một tình yêu bình thường trở lại cũng khó.
Dựa trên cảm xúc, con người cho rằng tình yêu sẽ giúp họ vượt qua được những khó khăn, là nguồn động viên tinh thần, là sức mạnh tuyệt vời để khám phá và cảm nhận cuộc sống. Nhưng tình yêu không phải chỉ là cảm xúc. Cảm xúc đến rồi đi. Cảm xúc có thể là một tia sáng khai mở diệu kỳ, nhưng tổng thể của tình yêu không phải như thế. Tình cảm chỉ là một nguồn phong phú và là một nguồn sức mạnh khi có được sự hướng dẫn bởi lý trí.
Con người là một hữu thể tinh thần và thân xác. Con người thật sự là chính mình khi thân xác và tinh thần được kết hiệp mật thiết. Vì vậy, khi yêu thương không chỉ có hồn yêu hay xác yêu mà thôi, nhưng chính là con người, một nhân vị, một tạo vật hiệp nhất gồm cả thể xác và linh hồn. Chỉ khi nào cả hai chiều kích thật sự được kết hiệp, lúc đó con người mới đạt đến tầm vóc đúng mức của mình. Max Scheler trong tác phẩm Tình yêu và hiểu biết cho rằng hai chiều kích lý trí và tình yêu – logos eros, song hành với nhau. Lý trí là phương tiện cho tình yêu, tình yêu này thông dự vào tình yêu Thiên Chúa, là tình yêu agape, tình yêu trao ban nhưng không.  “Con người là một thụ tạo được phú ban cho lý trí với phẩm giá cao cả nhất là trí năng, […] nhưng sự hoàn hảo nhất hệ tại ở tình yêu” (Jacque Maritain).
4. Tình yêu đích thực dẫn đến hạnh phúc
Sự hiện hữu của người yêu đem lại niềm vui, làm cho con người ý thức mình là chủ thể tình yêu và cũng là đối tượng của tình yêu. Một người có lẽ trước đây chẳng quan tâm đến thế giới xung quanh, thì với tình yêu, thế giới mới đẹp biết bao và lãng mạn dường nào, con người mặc cho khung cảnh xung quanh mình tính chất thiêng liêng và tuyệt diệu. Thế giới xung quanh trở thành không gian tình yêu với những con đường thơ mộng, công viên trữ tình, bãi biển lãng mạn …, là những nơi gặp gỡ của hai tâm hồn yêu nhau.
Khi con người yêu nhau thì con người hạnh phúc, khi con người hạnh phúc thì con người tỏ lộ niềm vui. Cho dẫu con người kín múc niềm vui từ tình yêu, thì con người vẫn lý giải cho niềm vui này. Đó không chỉ là niềm vui chóng qua, mà là hạnh phúc lâu bền. Hạnh phúc này chỉ có thể đến từ một tình yêu chân thật, một tình yêu làm hấp dẫn con người và ước ao cho người yêu được thịnh đạt và hạnh phúc.
Vì vậy, sự hài lòng và thỏa mãn thì không đủ cho hạnh phúc bền vững. Mỗi kinh nghiệm về sự hài lòng và thỏa mãn cho thấy cần một điều gì vượt hơn nữa; chẳng hạn như một mũi tên bắn đi phải đến đích, thì sự thỏa mãn phải vươn đến cùng đích cuối cùng là hạnh phúc. Vì thế, trong tình yêu, nếu chỉ dừng lại ở sự chiếm hữu hay ở sự thỏa mãn, thì khó có thể đạt đến hạnh phúc đích thực, vì thiếu đi sự trọn hảo của con người.
Yêu mến là muốn người yêu hiện hữu và hiện hữu cách tròn đầy. Đó chính là niềm hạnh phúc, vì được hiện diện, yêu và được yêu. Tình yêu chính là tột đỉnh trong cấu trúc nền tảng của con người. Nó xác định tính chân thực của một con người trong tương quan với tha nhân: “Tình yêu là hoạt động hoàn hảo nhất của con người” (ĐTC Gioan Phaolo II).
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)

No comments:

Post a Comment