Friday, February 15, 2013

LINH ĐẠO SA-LÊ-DIÊNG: LỐI ĐƯỜNG NÊN THÁNH



 
1. Nên thánh: quà tặng Thiên Chúa dành cho con người
Thiên Chúa là Đấng Thánh, như Ngài tỏ lộ trong Thánh Kinh: “Ta là Đấng Thánh”  (Lv 19,2 và 20, 26). Sự thánh thiện chính là kế hoặch Thiên Chúa dành cho con người: “Người đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện” (Ef 1,4). Chúa Ki-tô, con Thiên Chúa, Đấng được ca tụng là “Đấng Thánh duy nhất”, đã yêu Hội Thánh như hiền thê của mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội Thánh. Vì thế, Hội Thánh là “dân thánh của Thiên Chúa” (x. LG 12) và các thành viên của Hội Thánh được gọi là thánh (x. Cv 9,13). Tất cả các công việc của Hội Thánh đều hướng về cứu cánh là thánh hóa loài người trong Đức Ki-tô và tôn vinh Thiên Chúa. Như vậy, chính trong Hội Thánh, chúng ta đạt đến sự thánh thiện nhờ ơn Thiên Chúa (x. LG 48).
2. Linh đạo Sa-lê-diêng
Linh Đạo có nghĩa là con đường thiêng liêng, phương pháp tâm linh, dẫn con người tới Thiên Chúa, tới sự thánh thiện. Hạn từ «linh đạo» muốn nhấn mạnh và đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc nên thánh và trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu.
Vào mùa xuân năm 1855, Đa-minh Sa-vi-ô được thu hút bởi bài giảng tuần đại phúc của Don Bosco nhấn mạnh vào ba điểm chính yếu: “1. Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh; 2. nên thánh không phải là một điều quá khó; 3. nên thánh là phần thưởng của Thiên Chúa dành cho con người” (Don Bosco, Vita del giovanetto Savio Domenico, Torino 1859, 50). Đa-minh Sa-vi-ô mang trong mình khao khát mãnh liệt trở nên thánh thiện. Dưới mái trường của Don Bosco, Đa-minh Sa-vi-ô được tuyên phong hiển thánh năm 1954 và trở thành vị thánh hiển tu trẻ nhất trong lịch sử giáo hội.
Don Bosco đã vạch ra cho giới trẻ và cho những ai sống theo đoàn sủng của ngài một linh đạo, một con đường nên thánh, để trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng Thiện Hảo” (Mt 5,48).
2.1. Một linh đạo về tình yêu
Don Bosco đã sống một kinh nghiệm thiêng liêng và giáo dục gọi là “phương pháp giáo dục dự phòng”. Đó chính là tình yêu tự hiến mình và thực thi đức ái. Đó là việc đón nhận mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên nghèo khổ, để họ cảm nghiệm tinh thần gia đình, sự thân ái và đối thoại, sống lạc quan và vui tươi. Đồng thời đó cũng là lối sống cởi mở và thân tình, sẵn sàng đi bước trước và luôn tiếp đón với lòng nhân hậu, kính trọng và kiên nhẫn (x. Juan E. Vecchi, Spiritualità salesiana, Elledici, Torino 2001, 52 -55).
Giới trẻ không những chỉ được yêu, nhưng còn phải ý thức được rằng họ đang được yêu thương. Đó là thái độ điềm tĩnh quân bình của nhà giáo dục biết đồng hành với giới trẻ, như một người bạn trưởng thành và có trách nhiệm. Đó đích thực là một đức ái, đó là tin mừng đầy nhân ái và nhẫn nại có thể chịu đựng mọi sự và loại trừ mọi phiền toái trong cuộc đời.
Linh đạo về tình yêu này được diễn tả qua lòng ưu ái đối với thanh thiếu niên mà Don Bosco để lại cho các sa-lê-diêng: “Chỉ cần các con còn trẻ là đủ để cha hết lòng thương yêu các con” (Don Bosco, Il Giovane Provveduto, Torino 1847, 7). Vì lợi ích của các em, những người tu sĩ sa-lê-diêng không ngừng quảng đại cống hiến thời giờ, tài năng và sức khỏe cho chúng: “Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng cả đến mạng sống”.
2.2. Một linh đạo cho giới trẻ
Don Bosco được trao tặng danh hiệu “cha, thầy và bạn” của giới trẻ và linh đạo của ngài hướng tới giới trẻ. Tuy nhiên, không chỉ dành cho “giới trẻ” theo tuổi tác, nhưng cho bất cứ những ai sống tinh thần trẻ trung, vì Nước Trời thuộc về những ai có tâm hồn như họ (x. Mt 19, 14).
Theo tinh thần của Don Bosco, nhiều bạn trẻ đã sống sung mãn sự phục vụ của mình giữa các bạn đồng trang lứa và với con tim của Don Bosco, họ dấn thân hết mình vì “vinh danh Thiên Chúa, và phần rỗi các linh hồn”. 
Người trẻ mang trong mình con tim hăng nồng và niềm say mê: đó là “tấm lòng” của họ. Đó là sự ham thích, nhiệt tình, ước muốn, tìm thấy hứng thú trong các công việc, sự sẵn sàng, cảm thấy được lôi kéo đến với những người có nhu cầu hơn, không bỏ cuộc, chấp nhận các rủi ro và phục vụ cách vui vẻ (x. Juan E. Vecchi, Spiritualità salesiana, Elledici, Torino 2001, 100-102). Chính ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI cũng mời gọi các bạn trẻ rằng: “Trong lộ trình tiến về Đức Kitô, các con hãy thu hút bạn bè của các con, những người bạn trong trường học, trong nơi làm việc, làm sao để cho họ cũng nhận biết Đức Kitô và tuyên xưng niềm tin vào Ngài như Đấng là chủ sự sống của họ”.
 2.3. Một linh đạo của niềm vui và lạc quan
Niềm vui và lạc quan rất cần thiết cho giới trẻ. Don Bosco ý thức rằng đời sống của một đứa trẻ được thêu dệt bằng những trò chơi, niềm vui và tự do, và vì thế cần tôn trọng niềm vui nơi chúng. Đó cũng là linh đạo của các ki-tô hữu, luôn sống trong an vui, vì có Chúa ở cùng: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi” (Pl 4, 4).
Người tu sĩ sa-lê-diêng lạc quan và tin tưởng nơi năng lực của người trẻ. Họ không nản lòng trước những khó khăn, bởi hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa là Cha (x. MB VII, 524). Họ luôn sống vui tươi, vì là người loan báo Tin Mừng (x. Pl 3,1). Hơn nữa, họ làm lan tỏa niềm vui này và biết giáo dục con người sống niềm vui đời Kitô hữu và sống tinh thần ngày lễ: "Chúng ta hãy phụng sự Chúa trong niềm vui thánh" (Tv 99, 2; Don Bosco, Il Giovane Provveduto, Torino 1847, 6).
Con người cần sống một cuộc đời tràn ngập niềm vui như lòng tri ân Thiên Chúa vì ân huệ Ngài ban cho. Truyền thống sa-lê-diêng nêu lên rằng: “hãy can đảm và hãy sống trong niềm vui, vì đó chính là dấu chỉ của một con người yêu mến Thiên Chúa thật nhiều” (Thánh Maria Domenica Mazzarello).
3. Linh đạo Sa-lê-diêng: lối đường nên thánh
Châm ngôn tóm tắt linh đạo Sa-lê-diêng chính là “Da mihi animas”, xin cho tôi các linh hồn, và theo như thánh Âu-tinh thì việc tìm kiếm các linh hồn chính là điều thiêng liêng nhất. Khoa sư phạm của Don Bosco và của người Sa-lê-diêng chính là khoa sư phạm của linh hồn, của sự siêu nhiên. Don Bosco nói rõ điều này trong tiểu sử Micae Magone. Cậu bé từ đường phố đến sống tại nguyện xá. Cậu thấy hài lòng, và về nhân bản là một đứa bé tốt: hồn nhiên và thành thật, chơi đùa, học tập, có nhiều bạn bè. Dần dần cậu hiểu biết đời sống ân sủng, tương quan với Thiên Chúa và sống tương quan ấy (x. Francis Desramaut, Spiritualità salesiana. Cento parole chiave, LAS, Roma 2001, 556 -557).  
Lối đường nên thánh của Sa-lê-diêng có thể tóm gọn trong những chiều kích sau: phục vụ Chúa trong niềm hân hoan, nghĩa là chu toàn bổn phận trong niềm vui; biết làm cho mình được yêu mến; và sống mật thiết với Thiên Chúa, đặc biệt với Chúa Giê-su trong đời sống hằng ngày (x. E. Viganò, thư gởi các tu sĩ Sa-lê-diêng 24.09.1983, ACS 310, 8-19).
Sự thánh thiện không chỉ hệ tại ở những việc làm phi thường, nhưng còn biểu lộ trong đời sống hằng ngày bằng cách sống chiều kích thần linh những việc làm đơn sơ. Thiên Chúa ở bên cạnh chúng ta trong cuộc sống thường nhật. Là học sinh - sinh viên, là những người thợ, là người buôn bán, hay những người đang bương chải với cuộc sống, một khi chúng ta làm tốt công việc của mình, theo ý ngay lành, hướng tới sự phục vụ bác ái, thì chúng ta sống gần Chúa. Đó chính là sự thánh thiện hằng ngày: tương quan mật thiết với Thiên Chúa.
Khi làm việc, khi học tập, khi ở nhà hay khi dạo phố cùng bạn bè, người trẻ có thể tìm những giây phút ngắn ngủi để sống tương quan với Thiên Chúa. Như vậy, ngày sống của người trẻ trở nên hữu ích, tốt đẹp và ý nghĩa, đồng thời diễn tả một sự dấn thân mạnh mẽ vào những trách nhiệm mà họ đảm nhận. Từ đây sẽ nảy sinh những thao thức để sống tốt hơn đối với tha nhân và với những gì họ đang thực hiện, ví dụ kiên nhẫn hơn, cẩn thận hơn, trung tín hơn, hiền lành hơn, nhân đức hơn. Sống ý nghĩa cuộc sống của mình sẽ làm nảy sinh trong người trẻ thao thức làm tông đồ trong môi trường sống. Nên thánh là trở nên những nhân chứng vĩ đại cho phẩm giá con người, chứng nhân cho Chúa Giê-su chết và phục sinh, chứng nhân cho ơn gọi của con người trong Chúa Giê-su.
Sự thánh thiện là quà tặng quí báu nhất mà mỗi một tu sĩ Sa-lê-diêng có thể trao ban cho thanh thiếu niên. Đó là một lý tưởng sống không quá xa vời, nhưng nằm trong tầm tay của họ. Quả thật, sự thánh thiện là điểm tới của cuộc hành trình mà mỗi chúng ta đang tiến bước (x. Lumen Gentium, chương V).

Fx. Phạm Đình Phước SDB

No comments:

Post a Comment