Tuesday, December 25, 2012

CHÚA GIÊ-SU GIÁNG SINH



 
“Khi hai người (Giuse và Maria) đang ở đó, thì Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,6-7).
Chúng ta khởi đầu bài suy niệm của chúng ta với sự kiện là Giuse và Maria không tìm được chổ trong nhà trọ. Sự kiện này tương tự với những gì được ghi lại trong Tin Mừng Gioan: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Đấng Cứu Thế, nhờ Người, muôn vật được tạo thành (x. Cl 1,16) lại không tìm được chổ cho mình. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Đấng chịu đóng ngoài thành phố (x. Dt 13,12) cũng được sinh ra ngoài thành phố.
Điều này phải khiến chúng ta suy nghĩ về dung mạo và thông điệp Chúa Ki-tô. Ngay từ khi sinh ra, Người không lệ thuộc vào môi trường trần thế đầy quyền lực và vinh quang. Nhưng chính trong dung mạo bé nhỏ và khiêm tốn lại tỏ lộ vinh quang và quyền năng của Người, như là Đấng mà tất cả mọi thụ tạo đều lệ thuộc vào Người. Mỗi người Ki-tô hữu cũng được mời gọi thoát ra khỏi quan niệm về vinh quang và quyền lực để có thể đi vào ánh sáng của chân lý, của con người thật và với ánh sáng này họ sẽ bước đi đúng hướng.

Maria đặt Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,8). Chúa Giê-su được sinh trong hang đá, một nơi có thể gọi là không xứng đáng chút nào, tuy nhiên nơi này lại được dùng để làm nổi bật một sự kiện cao cả. Vào thời bấy giờ, người dân quanh vùng Bê-lem có thói quen trú ngụ trong những hang đá như vậy.
Ngay từ thời Thánh Giustin ( khoảng năm 165) và Origene ( khoảng năm 254) chúng ta đã thấy truyền thống cho rằng Chúa Giê-su được sinh ra trong một hang đá, được các giáo dân Palestine xác nhận. Sự kiện là vào thế kỷ II người Do Thái bị trục xuất khỏi đất thánh, thì chính quyền Rô-ma thời bấy giờ đã biến hang đá thành nơi tôn kính thần Tammuz-Adone với chủ đích là xóa bỏ ký ức của các tín hữu và xây dựng nơi đây nền văn hóa cổ đại Ro-ma mà thôi. Thông thường thì truyền thống địa phương cũng là một nguồn tài liệu đáng tin cậy hơn là những gì lưu lại trong sách vở; vì thế, cũng có thể ghi nhận một độ tin cậy nào đó trong truyền thống Bê-lem, ngay cả nơi có Thánh Đường Chúa Giáng Sinh.

Maria lấy tã bọc con. Chúng ta có thể tưởng tượng được tình yêu của Mẹ Maria và việc Mẹ chuẩn bị cho việc sinh con đầu lòng. Truyền thống các bức họa, dựa trên các giáo phụ, cắt nghĩa “máng cỏ” và “tả lót” theo chiều kích thần học. Hài Nhi mới sinh được đặt trong tả lót báo trước cái chết của Ngài. Cũng vậy, máng cỏ được cắt nghĩa như một bàn thờ.
Thánh Âu-tinh giải thích ý nghĩa “máng cỏ” hết sức độc đáo. Trước hết, máng cỏ là nơi thú vật tìm thấy thức ăn nuôi dưỡng chúng. Nhưng giờ đây, máng cỏ được dùng để đặt Đấng là Bánh từ trời, Bánh Hằng Sống, là thức ăn thiêng liêng nuôi dưỡng con người, là của ăn mang lại cho con người sự sống chân thật và sự sống vĩnh cữu. Theo nghĩa này, máng cỏ chính là Bàn Tiệc mà Thiên Chúa mời gọi con người đón nhận Bánh Hằng Sống. Đấng Cứu Thế sinh ra trong sự nghèo hèn tỏ lộ một thực tại lớn lao của mầu nhiệm cứu độ nhân loại.
[…]
Mẹ Maria sinh con trai đầu lòng. Điều này có nghĩa là gì? Con đầu lòng không có nghĩa là con thứ nhất trong một chuỗi những đứa con sau này. Hạn từ “đầu lòng” không mang ý nghĩa về con số, mà mang ý nghĩa thần học trong truyền thống và lề luật Ít-ra-en. Trong việc mô tả lễ Vượt Qua chúng ta nhận thấy rằng “Đức Chúa phán với ông Mô-sê: Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ít-ra-en, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13,1). “Còn mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi, thì ngươi sẽ chuộc lại” (Xh 13,13). Như vậy, hạn từ “con đầu lòng” cũng báo trước tường thuật dâng Chúa Giê-su vào đền thánh. Nói tóm lại, hạn từ này muốn ám chỉ đến sự “thuộc về” Thiên Chúa.
Thần học thánh Phao-lô diễn giải ý nghĩa Chúa Giê-su là con đầu lòng. Trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh nhân gọi Chúa Giê-su là “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29): là Đấng Phục Sinh, Chúa Giê-su là trưởng tử và là khởi đầu cho vô vàn anh em. Trong sự Phục Sinh, Chúa Giê-su không chỉ là trưởng tử theo phẩm giá, mà là Đấng khởi đầu cho nhân loại mới. Sau khi chiến thắng sự chết, Ngài đã mở cửa sự sống cho tất cả mọi người: tất cả những ai đón nhận Phép Rửa đều chịu chết và sống lại cùng với Ngài. Trong thư gởi các tín hữu Cô-lô-xê, ý nghĩa này còn được mở rộng hơn. Chúa Giê-su là “trưởng tử của mọi loài thụ tạo” (Cl 1,15) và là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (Cl 1,18), “trong Người, muôn vật được tạo thành” (Cl 1,16). “Người là khởi nguyên” (Cl 1,18). Như vậy, khái niệm “trưởng tử” mang chiều kích vũ trụ. Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa nhập thể là Lời Vĩnh Hằng của Thiên Chúa sinh ra trước mọi loài thụ tạo, trong Người, muôn vật được tạo thành và muôn vật qui chiếu về Người. Người là Khởi Nguyên và là Cùng Đích của sự sáng tạo mới, khởi đầu với sự Phục Sinh.
Thánh sử Lu-ca không bàn về những vấn đề này, mà các độc giả sau này, nhất là đối với chúng ta, nơi máng cỏ nghèo hèn trong hang đá Betlem đã tỏ hiện vinh quang vũ trụ này: ở đây, trưởng tử đích thật của vũ trụ đã xuất hiện giữa chúng ta.
“Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh” (Lc 2,8). Những chứng nhân đầu tiên của sự kiện vĩ đại này là các mục đồng thức đêm canh giữ đàn chiên. Rất nhiều suy tư về việc các mục đồng là những người đầu tiên đón nhận thông điệp giáng sinh. Có lẽ không cần thiết bàn về vấn đề này nhiều. Chúa Giê-su giáng sinh ngoài thành phố, ở nơi cánh đồng là địa điểm các mục đồng thường xuyên chăn dắt đàn vật. Bởi vì đang ở gần nhất, thì không có gì lạ khi họ là những người đầu tiên được mời gọi đến bên máng cỏ hang đá.
Chúng ta có thể diễn giải cách sâu xa hơn suy tư này không chỉ theo khía cạnh bên ngoài, mà trong chiều kích nội tâm sâu xa: những mục đồng là những người ở gần biến cố giáng sinh nhất, chứ không phải những người dân đang chìm trong giấc ngủ thanh bình. Họ không ở xa Thiên Chúa, Đấng xuống thế làm người. Biến cố giáng sinh thuộc về dân nghèo, thuộc về những tâm hồn đơn sơ, là những người được Chúa Giê-su chúc phúc, nhất là bởi vì họ là những người được mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa (x. Lc 10,21). Họ là những người đại diện cho những người nghèo Ít-ra-en, những người nghèo khổ nói chung: những đối tượng ưu tiên của tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Một ý nghĩa khác liên hệ đến đời sống đan tu: các đan sĩ là những người thức ban đêm cầu nguyện. Họ là những người tỉnh thức trong thế giới này qua việc cầu nguyện vào ban đêm, nhưng nhất là sự tỉnh thức nội tâm, nghĩa là họ mở lòng cho tiếng gọi của Thiên Chúa qua những dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài.
Sau cùng, chúng ta suy tư đến tường thuật việc chọn gọi vua Đa-vít. Thời bấy giờ, vua Sa-un làm mất lòng Chúa. Tiên tri Sa-mu-en được Thiên Chúa sai đến thành Bê-lem, đến với gia đình Giê-sê, để xức dầu tấn phong vua cho một trong những đứa con của Giê-sê mà Thiên Chúa chỉ định. Giê-sê giới thiệu cho Sa-mu-en tất cả những đứa con ở nhà lúc đó, nhưng chẳng ai trong số những đứa con ở nhà được Thiên Chúa tuyển chọn. Giê-sê nói rằng vẫn còn đứa con út, đang chăn chiên ngoài đồng. Sa-mu-en cho gọi cậu bé về nhà và theo chỉ dẫn của Thiên Chúa, Sa-mu-en xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en “trước mặt các anh em” (1 Sm 16,1-13). Từ người chăn chiên, Đa-vít trở thành mục tử của Ít-ra-en (x. 2 Sm 5,2). Tiên tri Mi-kha đã tiên báo rằng từ thành Bê-lem sẽ xuất hiện Đấng chăn dắt toàn thể Ít-ra-en (x. Mk 5,1-3; Mt 2,6). Chúa Giê-su sinh ra giữa các mục đồng, chính Người là Mục Tử của nhân loại (x. 1 Pt 2,25; Dt 13,20).

Trở lại bản văn Tin Mừng lễ Giáng Sinh: sứ Thần xuất hiện bên các mục đồng và vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa chung quanh, “họ kinh khiếp hãi hùng” (Lc 2,9). Nhưng sứ thần trấn an và bảo các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Sứ thần cũng loan báo một dấu chỉ, là họ sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.
“Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,12-14). Thánh sử Lu-ca tường thuật rằng các thiên thần “cất tiếng”, nhưng các tín hữu ngay từ thời sơ khai đã xác tín rằng các thiên thần “ca hát” trong niềm vui và vinh quang bất tận. Từ đó, bài ca của các thiên thần được Hội Thánh tiếp nối. Trong dòng lịch sử, bài ca này luôn được cất lên với những cung điệu khác nhau trong ngày lễ Giáng Sinh. Chúng ta có thể hiểu được rằng những tín hữu đơn sơ nhiệt thành cũng lắng nghe được những lời ca tiếng hát của các mục đồng, và ngay cả hôm nay trong đêm thánh Chúa Giáng Sinh, chúng ta cùng hòa nhịp với họ, cất lời ca tiếng hát với niềm vui khôn tả, là niềm vui được trao ban cho chúng ta từ ngàn đời cho đến tận cùng thế giới.


Fx. Phạm Đình Phước SDB
(Benedetto XVI, L’infanzia di Gesù, Città del Vaticano, Rizzoli – LEV, 2012, 79 - 85)

No comments:

Post a Comment