Thursday, December 20, 2012

3 PHÚT LỜI CHÚA - MÙA VỌNG

 
NGÀY 20 THÁNG 12
"Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38)

1. Dung mạo Mẹ Maria
Có thể nói trong suốt mùa vọng Mẹ Maria đồng hành với chúng ta. Một trong ý nghĩa của mùa vọng là “chờ mong”, và Mẹ Maria là mẫu gương cho sự chờ mong, cách đặc biệt mong chờ đứa con, Đấng Cứu Thế, do chính Mẹ sinh ra.
Thời gian mang thai là một thời gian khá dài và quan trọng. Trong bộ phim Hàn Quốc “Mãi mãi yêu em”, người mẹ trẻ mong chờ đứa con sắp ra đời từng giây từng phút, mẹ viết nhật ký tâm sự với con, khi vui khi buồn, và cảm thấy sướng vui vì đứa con trong bụng ngày càng lớn.
“Các bà mẹ mang thai thấy mình như mang một mầu nhiệm, mầu nhiệm sự sống đang lớn lên mỗi ngày trong lòng dạ mình. Dần dần mỗi chuyển động của thai nhi và cả nhịp tim cũng được người mẹ cảm nhận. Thai nhi trở thành người trọn vẹn nhờ được dưỡng nuôi trong cái nôi êm ấm của lòng mẹ. Con Thiên Chúa làm người cũng trải qua một tiến trình như thế (Lm. Nguyễn Cao Siêu SJ).
Dung mạo của Đức Maria được Tin Mừng hôm nay tường thuật rõ nét hơn: Maria là một thiếu nữ bề ngoài bình thường như mọi thiếu nữ khác, nhưng đặc biệt hơn mọi thiếu nữ vì “đầy ơn sủng” và được “Đức Chúa ở cùng”. Maria được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đấng là Con Thiên Chúa. Maria vẫn sẵn sàng cho Chúa dùng mình để làm công việc của Chúa.
2. Xin Vâng, một sự sẵn sàng trao hiến
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Ngay sau tiếng Xin Vâng này, Đức Maria được Thánh Thần ngự xuống, và Con Thiên Chúa bắt đầu tiến trình làm người ở đời.
Tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria đạt tới mức tuyệt đối. Mẹ Maria xin vâng không điều kiện, không mặc cả. Mẹ đã trao bản thân mình thuộc về Thiên Chúa. Vì thuộc về Thiên Chúa nên Ngài có thể làm bất kì điều gì nơi chính Mẹ Maria. Mẹ Teresa Calcuta nói rằng “Nếu có gì thuộc về tôi, tôi sẽ có toàn quyền sử dụng nó như ý muốn tôi. Nhưng tôi thuộc về Chúa Giêsu, vì thế Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn”.
Maria thưa “xin vâng” , đặt mình trong sự quan phòng của  Thiên Chúa, để Ngài dẫn lối, yên tâm vì tin rằng tương lai của mình nằm trong bàn tay Chúa.

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác (RABBOUNI).


NGÀY 19 THÁNG 12
“Chúa đã thương tôi” (Lc 1,25)
 1. Cầu nguyện là sức mạnh của mỗi Ki-tô hữu
Trong thời cổ đại cũng như trong thời Chúa Giêsu dựng vợ gả chồng mà không có con là một điều bất hạnh. Ông bà Dacaria và Elisabeth sống với nhau đã lâu, hai ông bà đã cao niên, mà không có một mụn con.
Ông Dacaria trúng thăm vào đền thờ dâng hương, ông cầu nguyện với Chúa, hiệp với toàn dân chúng đang cầu nguyện với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin.
“Có một cậu bé lên 6 lên 7 tìm cách di chuyển chậu hoa, nó loay hoay mãi, bên trái bên phải, cúi xuống đứng lên, nhưng cũng không làm sao nhấc chậu hoa lên được. Ba của cậu bé, đứng quan sát sự cố gắng của cậu con trai, và hỏi ‘con đã tìm hết cách chưa?’, cậu bé trả lời ‘hết rồi, ba ạ’, ‘chưa đâu con!, con còn chưa nhờ ba giúp con”.
Hằng ngày có lẽ chúng ta bận rộn với nhiều công việc trong cuộc sống, đến nổi dường như chúng ta không có thời gian để cầu nguyện với Thiên Chúa, dường như không có nhiều thời gian để “hướng lòng lên Chúa” và cầu xin Chúa giúp đỡ, như hình ảnh cậu bé trên, cứ loay hoay mãi, trong khi có một sức mạnh bên cạnh luôn đỡ nâng, mà em không nhận biết.
Tuy nhiên, cầu nguyện không chỉ là xin ơn, mà bao gồm tất cả 5 hình thức khác nhau, là: thờ lạy, cầu xin, cầu bầu, cảm tạ, và ngợi khen.
Hãy cầu nguyện liên lỉ, Don Bosco dạy chúng ta dùng những lời nguyện tắt, là những lời cầu nguyện đơn sơ xuất phát từ cõi lòng, từ những tâm tình cuộc sống.
“Cầu nguyện, đó là sự hy sinh để cho ta đầy sức mạnh; đó là những vũ khí ma quỉ không thể thắng được mà Chúa Giêsu ban cho tôi" (Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu).
2. Chúa đã đoái thương chúng ta
Việc cưu mang và sinh hạ Gioan Tẩy Giả bởi một người mẹ vô sinh và tuổi đã cao niên là do có sự can thiệp của chính Thiên Chúa, nhằm thực thi kế hoạch của Ngài là dọn đường cho Con của Ngài đến. Con trẻ “sẽ đi trước mặt Chúa [...] và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1, 17).
Ngay từ khi tôi chưa hiện hữu trong lòng mẹ, Thiên Chúa đã nghĩ đến tôi, và biết tên tôi. Chúa có một sứ mạng rất riêng cho tôi hôm nay.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Amen!
“Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện;
“Hoa trái của cầu nguyện là đức tin;
“Hoa trái của đức tin là yêu thương;
“Hoa trái của yêu thương là phục vụ;
“Hoa trái của phục vụ là bình an” (Mẹ Têrêsa Cacutta)

THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG
(Mt 11,16-19)
Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông rằng: "Tôi phải ví thế hệ này với ai ? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: «Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than».
Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám." Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi." Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động" (Mt 11,16-19).

1. Không thờ ơ lãnh đạm với ơn cứu độ
Con người ta thường đánh giá người khác theo thiên kiến của mình, chẳng hạn như người cao to có thể chê bai rằng “Nhất lé, nhì lùn tam hô, tứ sún”; còn những người lùn thì có thể buột miệng nói: “Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”.
Cũng vậy, nhiều người Do Thái thấy ông Gioan Tẩy Giả không ăn uống, thì nói: “Ông ta bị quỷ ám!” (Mt 11,18), chứ họ không nhận ra đó là dấu chỉ Gioan kêu gọi mọi người hãy ăn chay, hãm mình, sám hối tội lỗi và chia sẻ của cải cho đồng loại để đón Đấng Cứu Thế đến.
Còn Đức Giêsu đến ăn uống như mọi người, thì họ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với phường tội lỗi” (Mt 11,19), chứ họ không nhận ra đó là dấu chỉ của Tin Mừng cứu độ: Chúa Giê-su được sai đến với muôn dân, ở giữa mọi người; là dấu chỉ Ngài đang thực hiện cuộc giao hòa giữa phàm nhân tội lỗi với Thiên Chúa Tình Yêu.
Vì thế, hãy quan tâm đến ơn cứu độ của chính mình, chứ không nên thờ ơ lãnh đạm với Nước Trời: «Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than».
Hãy làm một cuộc hoán cải, hãy nhìn người khác bằng con mắt tình yêu, hãy đón nhận và yêu mến ơn cứu độ, hãy đón nhận Chúa Giê-su trong cuộc sống hằng ngày.

2. Đón nhận ơn cứu độ bằng lòng yêu mến
Chúa Giê-su nói rằng “Ai yêu mến Thầy, thì giữ Lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người đó” (Ga 14,23).
Thánh Âu-tinh chia sẻ rằng: “Hãy cho tôi một người biết yêu mến, người ấy sẽ cảm nhận được điều tôi nói.
Hãy cho tôi một người đang khao khát, hãy cho tôi một người đang đói, hãy cho tôi một người đang dẫn bước trong cuộc lữ hành cô đơn và đang mong mỏi khao khát tới nguồn suối quê hương vĩnh cửu. Hãy cho tôi một người như thế, người ấy sẽ hiểu được tôi muốn nói gì. Còn nếu tôi nói với một kẻ lạnh lùng, người ấy sẽ không hiểu được điều tôi nói, họ chỉ chép miệng: “Nói gì vậy?”
Con người được lôi kéo đến cùng Đức Kitô khi lấy làm vui sướng, vì yêu mến sự thật, vui sướng vì được hạnh phúc, vui sướng vì đức công chính, vui sướng vì sự sống đời đời: Tất cả là Đức Kitô.
Chỉ có Đức Giêsu mới làm thỏa lòng khao khát đối với những ai yêu mến đến với Ngài, để “Đức Khôn Ngoan đã được chứng minh bằng hành động” (Mt 11,19).
Ai yêu mến Đức Giêsu, thì hãy lắng nghe Lời của Ngài, đó là “khởi điểm đích thực của Đức Khôn Ngoan” (Kn 6,17).


THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA VỌNG
(Mt 17,9-13)
Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước ?" Người đáp : "Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết : ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế." Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

1. Từ thập giá đến vinh quang
Câu chuyện trong đoạn Tin Mừng trên xảy ra sau khi ba môn đệ thân tín (Gioan, Phê-rô và Giacôbê) chứng kiến Chúa Giê-su biến hình trên núi Tabor (x. Mt 17,1-8). Các ông ngây ngất và ngỡ ngàng với viễn cảnh vinh quang mà Chúa Giê-su tỏ hiện, đến nỗi Phê-rô phải thốt lên: «Thưa Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm! Con xin dựng ba lều». Tuy nhiên Chúa Giê-su dặn dò ba ông: «Đừng nói cho ai hay những gì chúng con vừa thấy, cho đến khi Con Người từ trong cõi chết trỗi dậy». Mới tận hưởng niềm vui ngây ngất trong vinh quang của Thầy mình, bây giờ Thầy lại nói đến cái chết ngay. Thật khó hiểu quá, và quả thật các môn đệ không hiểu được, nên các ông hỏi một câu hỏi liên quan đến tiên tri Êlia, và cũng liên hệ đến Gioan Tẩy Giả.
Tiên tri Êlia đến rao giảng và loan báo cho dân chúng, «Bấy giờ Êlia như lửa hồng xuất hiện. Lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng» (Hc 48,1). Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ.
Gioan Tẩy Giả cũng đã đến để trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế, và Gioan làm chứng cho Chúa bằng chính cái chết của mình.
Chúa Giê-su cũng đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài đã phục sinh đem lại cho chúng ta sự sống và sự sống đời đời.
Vì thế, chúng ta cũng cần có những hy sinh, cần đi qua con đường hẹp, cần chết đi cho tội lỗi, khuyết điểm, yếu đuối của mình, để sống hoàn thiện hơn.

2. Làm chứng cho Chúa Hài Nhi
Chúng ta đang trong hành trình dọn đường cho Chúa Hài Nhi đến trong đại lễ Giáng Sinh, cách đặc biệt trong cuộc đời chúng ta hằng ngày. Có nhiều người đang chuẩn bị, đang dọn đường cho Chúa đến bằng nhiều cách khác nhau.
Tôi có đang dọn đường cho Ngài đến như thế nào?
Các biến cố trong ngày sống của tôi có là một dấu chỉ cho việc chuẩn bị tâm hồn đón Hài Nhi Giê-su không?
Xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ chúng con (Mẹ Têrêxa Calcutta)


NGÀY 17 THÁNG 2
Gia phả Đức Giê-su Ki-tô (Mt 1,1-17)
1. Mầu nhiệm của ơn gọi từng Ki-tô hữu
Mỗi khi lắng nghe đoạn Tin Mừng này, có lẽ chúng ta dễ dàng cảm thấy nhàm chán, vì một chuỗi rất nhiều cái tên khác nhau, dường như chúng ta chẳng biết họ là ai. Tuy nhiên, Giáo Hội ít nhất hai lần trong năm (trong mùa vọng và trong lễ sinh nhật Đức Mẹ) cho chúng ta lắng nghe những cái tên của những con người góp phần vào trong lịch sử dân Thiên Chúa và trong mầu nhiệm cứu độ.
Những cái tên trong gia phả Đức Giê-su cho thấy mầu nhiệm của ơn gọi từng người chúng ta, cho thấy tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người. Abraham chọn Isaac, đứa con của lời hứa (con của vợ ông là Sara), thay vì người con trưởng Ismael (con trai của người hầu Agar). Đến lượt Isaac chúc lành cho người con thứ là Gia-cóp, thay vì người con trưởng Esau. Gia-cop lại chọn Giu-đa là người con thứ tư, thay vì người con cả Ruben, hay người con ông yêu thương nhất là Giu-se, người đã bị các anh em bán sai Ai-cập, đã tha thứ và cứu sống cả gia đình. Tình thương của Chúa thật bao la và tình yêu của Chúa vượt trên mọi lý lẽ con người, «Không phải anh em đã chọn thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em» (Ga 15,16).

2. Mầu nhiệm tội lỗi và mầu nhiệm ân sủng
Trong các vị vua được đề cập đến trong gia phả, thì chỉ có 2 vua Ezechia và Giosia là trung thành với Thiên Chúa. Sau thời lưu đày cũng chỉ có vị là Salatiel và Zorobabele trung thành với Thiên Chúa, còn những người khác thì không; trong những vị vua bất trung người được biết đến nhiều nhất là vua Đa-vit.
Những phụ nữ được đề cập đến trong gia phả đều là những người ngoại giáo và thuộc những trạng huống xã hội khác nhau. Bà Tamar là một người tội lỗi.[1] Racab là một gái điếm, nhưng cô đã bảo vệ người của Thiên Chúa.[2] Rut là một người ngoại giáo, khi người chồng qua đời thì bà vẫn sống tốt lành và trung thành với mẹ chồng.[3] Người thứ tư tác giả Tin Mừng không ghi tên, nhưng đó là Betsabea (vợ của ông Uria), người mà vua Đavit đã ngoại tình, sau này nhà vua tỏ lòng thống hối với thánh vịnh 50.[4]
Trong dòng lịch sử giữa tội lỗi như thế vọt lên một suối nguồn tinh tuyền là Mẹ Maria, và qua Mẹ là Đức Giê-su, ân sủng cho con người, vì «muôn ngàn đời chúa vẫn trọn tình thương».

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vũ trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen (Rabbouni).



NGÀY 18 THÁNG 2
Emmanuel - «Thiên Chúa ở cùng chúng ta»

1. Giuse, người công chính
Tin Mừng hôm nay nêu gương Thánh Giuse, người đã đính hôn với trinh nữ Maria. Nhưng trước khi về chung sống với nhau, Maria đã thụ thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Có lẽ Giuse đã đau khổ khi thấy vị hôn thê mang thai, dù Maria chưa về chung sống với ngài, dù chưa làm đám cưới. Giuse không muốn tố cáo Maria, nhưng cũng không thể lấy Maria làm vợ,  vì thai nhi trong bụng không phải của ông. Cuối cùng Giuse chọn giải pháp là chia tay Maria một cách kín đáo. Làm như thế Giuse hy vọng sẽ bảo vệ được danh dự và an toàn cho Maria.
Thiên thần tiên báo cho Giuse rằng hài nhi được mang thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần và Giuse đón Maria về làm vợ, và Giuse được gọi là “người công chính” (x. Mt 1,19), theo nghĩa là Giuse đã dâng hiến Maria, người yêu của mình, cho Thiên Chúa.
Sự dâng hiến của Giuse giống như của lễ của ông Abel dâng con chiên cho Thiên Chúa và được Thiên Chúa chấp nhận (x. St 4,4), bởi lẽ hình ảnh con chiên mà ngôn sứ Nathan đã dùng để ám chỉ về một người vợ (x. 2Sm 12). Nói cách khác, Giuse dâng hiến người vợ cho Thiên Chúa, báo trước Hy Tế của Chúa Giêsu, Ngài chính là Con Chiên, làn Của Lễ trong Hy Tế mới được Chúa Cha chấp nhận.
Tiếng Xin Vâng của Giuse quá quan trọng cho kế hoạch cứu độ, nhờ đó Con Thiên Chúa đàng hoàng bước vào cuộc đời, có một mái nhà, có mẹ, có cha, có tên, có tuổi.

2. Emmanuel – “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”
Maria sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en. Đấng Cứu Thế là Emmanuel, viết tắt là Noel, nghĩa là Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta(Mt 1,23),  báo trước sự Phục Sinh của Ngài. Vì chỉ khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài mới nói với các Tông Đồ: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,20), đồng nghĩa với “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Văn hào Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có viết một cuốn sách tiểu thuyết nổi tiếng tựa đề “Hoàng tử và cậu bé nghèo”. Chuyện kể lại tình bạn của hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là sinh đôi. Một trong hai cậu bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom Canty, người bạn của vị hoàng tử, lại là một cậu bé con nhà nghèo.
Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là thay đổi địa vị xã hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong triều đình, còn Edward thì khoác lên mình một mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Cậu lang thang đầu đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất trong xã hội.
Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu cũng cảm thấy mệt mỏi với trò chơi đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh về ngôi vị hoàng tử của mình. Trong bộ áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình là hoàng tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã không tin, thế là hoàng tử Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.
Giữa lúc Tom cậu bé nghèo sắp sửa được tấn phong làm vua, thì hoàng tử Edward xuất hiện. Không mấy chốc cậu đã được phục hồi trong ngôi vị hoàng tử của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày làm người ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward đã trở thành một vị vua đạo đức và giầu lòng thương người (Lẽ sống, 447).
Cũng giống như câu chuyện trên đây, Thiên Chúa đã đến giữa loài người để hoán đổi vị thế với chúng ta. Người mặc lấy thân xác nghèo hèn của chúng ta để chúng ta được mang lấy tước hiệu làm con Thiên Chúa. Nhờ ân sủng của Ngài, Ngài chia sẻ với chúng ta sự sống thần linh và đón nhận trong thân xác Ngài tất cả những hệ lụy của kiếp sống khổ đau của con người.
 Fx. Phạm Đình Phước SDB


[1] Bà Thamar, chỉ muốn ông Giuđa là bố chồng phải giữ Luật Do Thái, tức là người con cả của ông Giuđa lấy bà Thamar đã chết, thì ông Giuđa phải bắt cậu em lấy người chị dâu. Nhưng ông Giuđa dối gạt bà Thamar bày mưu tính kế cho Thamar về quê ngoại, biết âm mưu đó, bà đã giả vờ làm cô gái điếm ăn ở với ông Giuđa để sinh con nối dòng cho ông, và  như vậy bà cũng được thuộc về dân của Chúa (x. St 38).
[2] Rahab, là cô gái điếm, nhưng đã có công bảo vệ người của Thiên Chúa, khi ba thám tử của Thiên Chúa đến dò thám thành Giêricô, bà đã che mắt bọn lính thành để cho các thám tử thoát mạng, vì bà tin rằng dân của Chúa sẽ chiến thắng thành Giêricô và bà xin các thám tử cứu bà (x. Gs 2.3.6).
[3] Bà Rut, dù là người ngoại giáo, chồng bà là người Do Thái đã chết, mẹ chồng không còn người con trai nào để chắp nối với bà theo Luật. Trong lúc còn tuổi xuân, bà không về quê ngoại để tái giá theo đề nghị của mẹ chồng, nhưng quyết ở lại đi mót lúa nuôi mẹ chồng, vì bà chỉ ước ao được mẹ chồng coi là dân của mẹ (x. sách Rut).
[4] Bà Batsêbea, vợ của Uria, đã ăn ở bất chính với vua Đavid, cũng chỉ vì áp lực của vua Đavid mà bà phải chiều theo (x. 2Sm 11).

No comments:

Post a Comment