Sunday, December 16, 2012

CHÚA NHẬT III – MÙA VỌNG C

 
Bài đọc 1 (Xp 3,14-18a), Bài đọc 2 (Pl 4,4-7), Tin Mừng    (Lc 3,10-18)

1. Loan báo “niềm vui”
Vào Chúa Nhật III Mùa Vọng này, Phụng Vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy vui lên, bởi vì lễ Giáng Sinh sắp đến rồi.
Lời kêu gọi "hãy vui lên" được lặp đi lặp lại trong các bài đọc. Đây là niềm vui trong Chúa, niềm vui có Chúa. Cuộc sống sẽ vui tươi hạnh phúc khi chúng ta có Chúa trong cuộc đời của mình.
Ngôn sứ Xôphônia mời gọi: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Ítraen hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi!” (Xp 3:14).
Thánh Phaolô cũng chẳng giấu được nên phải lặp đi lặp lại lời động viên: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4:4). Nhưng phải thể hiện niềm vui đó qua cách sống “sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi” (Pl 4:5), vì Chúa đã gần đến.
 Là con người, ai cũng mơ ước và đi tìm niềm vui sống. Ngày nay, có nhiều người mải miết tìm kiếm những thú vui xác thịt, thú vui thụ hưởng vật chất. Có những niềm vui mà sau đó người ta cảm thấy trống rỗng buồn phiền và chán nản. Có những niềm vui mà sau đó người ta mệt mỏi và thất vọng. Có những niềm vui mà sau đó người ta lo âu hối hận.
Còn người Kitô hữu đi tìm niềm vui trong Chúa. Niềm vui này là dấu hiệu của bình an nội tâm, của sự hài lòng, của tự tín, là dấu hiệu cho thấy rằng người ta đang cảm thấy được an toàn, được đón nhận, được yêu mến. Một người Kitô hữu mà sống bi quan chán chường, thất vọng buông xuôi, ấy là dấu hiệu có điều gì đó không ổn về đức tin.
Niềm vui là dấu hiệu của hạnh phúc. Đối với những người sống lạc quan, tin tưởng và phó thác thì cuộc sống mỗi ngày là một niềm vui, bởi vì cuộc sống tự nó là một ân ban và là một khám phá không ngừng về chính mình, về Thiên Chúa, về tha nhân và vũ trụ vạn vật. Biết rằng, bước theo Chúa là từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà đi theo, nhưng đó là con đường đi lên và triển nở của một nhân cách làm người và làm con Thiên Chúa không thể thiếu.
Mỗi một sự từ bỏ và vượt qua chính mình lại phát sinh một niềm vui sâu lắng; đau khổ giúp con người lớn lên và mỗi chặng đường thập giá lại phát hiện một cảm nghiệm tâm linh và hạnh phúc thâm trầm. Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ là để thông chia cho con người niềm vui và hạnh phúc của Ngài.
"Tin Mừng có nghĩa là tin mang đến niềm vui.Tin Mừng luôn là một lời mời gọi con người sống vui tươi. Tin Mừng là một lời xác nhận cao cả cho giá trị của thế giới và giá trị của con người. Bởi vì Tin Mừng là chính sự mạc khải sự thật về Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch nguyên thủy của niềm vui và hy vọng cho con người” (Gioan Phaolo II, Bước qua ngưỡng cửa hy vọng).

2. Gioan Tẩy Giả loan báo ơn cứu độ
“Tất cả bốn Phúc Âm đặt để gương mặt của Gioan Tẩy Giả vào đầu sinh hoạt của Đức Giêsu và giới thiệu ông như là vị tiền hô. Trong việc thụ thai và sinh ra, Đức Giêsu và Gioan đã được đặt trong tương quan với nhau” (ĐTC Bê-nê-đict XVI, L’infanzia di Gesù Nazareth, 23).
 Thánh Gioan Tẩy Giả tự định nghĩa mình như là “tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường cho Chúa, hãy uốn thẳng các lối đi của Người” (Lc 3,4).
Tiếng loan báo lời, nhưng trong trường hợp này, Lời của Thiên Chúa đi trước, trong nghĩa chính nó xuống trên Gioan, con của Dacaria, trong sa mạc (x. Lc 3,2). Như thế, ông có một vai trò lớn, nhưng luôn luôn để phục vụ Chúa Kitô.
«Thánh Âu-tinh chú giải rằng: “Gioan là tiếng. Nhưng về Chúa trái lại người ta nói: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). Gioan là tiếng nói qua đi, Chúa Kitô là Lời vĩnh cửu đã có từ ban đầu. Nếu lấy đi lời khỏi tiếng, thì còn lại cái gì? Một tiếng mơ hồ. Tiếng không lời đánh động thính giác, nhưng không xây dựng con tim” (sermones 293,3; PL 38,1328). Chúng ta có bổn phận lắng nghe tiếng nói ấy để dành chỗ trong con tim cho Chúa Giêsu và đón tiếp Người là Lời cứu rỗi chúng ta.
 Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy chuẩn bị để nhìn thấy, với con mắt đức tin, ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Hang Đá nghèo hèn Bê-lem (x. Lc 3,6). Trong xã hội tiêu thụ, trong đó người ta thử tìm niềm vui trong các sự vật, vị Tẩy Giả dạy cho chúng ta biết sống một cách nòng cốt, để Giáng Sinh không chỉ là một lễ bề ngoài, nhưng như lễ của Con Thiên Chúa đến để đem tới cho nhân loại an bình, sự sống và niềm vui đích thực». (ĐTC Bê-nê-đict XVI, Kinh truyền tin 9.12.2012).

3. Chúng tôi phải làm gì đây ?
Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì?". Gioan còn là người có khả năng giải đáp những vấn đề mà chính ông đã gợi mở cho con người.
Với đám đông ông kêu mời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy" (Lc 3, 11).
Với người thu thuế, ông mời gọi: hãy công bằng. "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh" (Lc 3, 13).
Với những người lính, ông nhắc nhở: hãy chấp nhận mình và anh em. "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình. " (Lc 3, 14).
Câu trả lời của Gioan không mời gọi họ đi ra khỏi cuộc sống mình nhưng mời gọi họ làm cho cuộc sống mình tốt hơn.
Câu trả lời của Gioan còn là câu trả lời của một tâm hồn ngay chính, ý thức rõ sứ vụ của mình.
Vui vì tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, do đó chẳng có gì phải lo lắng cả. Chính ở nơi niềm tin tưởng này mà lời khẩn nguyện và tâm tình tạ ơn có thể được liên kết mật thiết với nhau.
Chúng ta hãy phó thác con đường đến gặp Chúa của chúng ta cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria, Đức Nữ Trinh của Mùa Vọng, để sẵn sàng đón tiếp trong tim và trong toàn cuộc sống Đấng Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Fx. Phạm Đình Phước SDB

No comments:

Post a Comment