Tuesday, December 25, 2012

CHÚA GIÊ-SU GIÁNG SINH



 
“Khi hai người (Giuse và Maria) đang ở đó, thì Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,6-7).
Chúng ta khởi đầu bài suy niệm của chúng ta với sự kiện là Giuse và Maria không tìm được chổ trong nhà trọ. Sự kiện này tương tự với những gì được ghi lại trong Tin Mừng Gioan: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Đấng Cứu Thế, nhờ Người, muôn vật được tạo thành (x. Cl 1,16) lại không tìm được chổ cho mình. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Đấng chịu đóng ngoài thành phố (x. Dt 13,12) cũng được sinh ra ngoài thành phố.
Điều này phải khiến chúng ta suy nghĩ về dung mạo và thông điệp Chúa Ki-tô. Ngay từ khi sinh ra, Người không lệ thuộc vào môi trường trần thế đầy quyền lực và vinh quang. Nhưng chính trong dung mạo bé nhỏ và khiêm tốn lại tỏ lộ vinh quang và quyền năng của Người, như là Đấng mà tất cả mọi thụ tạo đều lệ thuộc vào Người. Mỗi người Ki-tô hữu cũng được mời gọi thoát ra khỏi quan niệm về vinh quang và quyền lực để có thể đi vào ánh sáng của chân lý, của con người thật và với ánh sáng này họ sẽ bước đi đúng hướng.

Maria đặt Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,8). Chúa Giê-su được sinh trong hang đá, một nơi có thể gọi là không xứng đáng chút nào, tuy nhiên nơi này lại được dùng để làm nổi bật một sự kiện cao cả. Vào thời bấy giờ, người dân quanh vùng Bê-lem có thói quen trú ngụ trong những hang đá như vậy.
Ngay từ thời Thánh Giustin ( khoảng năm 165) và Origene ( khoảng năm 254) chúng ta đã thấy truyền thống cho rằng Chúa Giê-su được sinh ra trong một hang đá, được các giáo dân Palestine xác nhận. Sự kiện là vào thế kỷ II người Do Thái bị trục xuất khỏi đất thánh, thì chính quyền Rô-ma thời bấy giờ đã biến hang đá thành nơi tôn kính thần Tammuz-Adone với chủ đích là xóa bỏ ký ức của các tín hữu và xây dựng nơi đây nền văn hóa cổ đại Ro-ma mà thôi. Thông thường thì truyền thống địa phương cũng là một nguồn tài liệu đáng tin cậy hơn là những gì lưu lại trong sách vở; vì thế, cũng có thể ghi nhận một độ tin cậy nào đó trong truyền thống Bê-lem, ngay cả nơi có Thánh Đường Chúa Giáng Sinh.

Maria lấy tã bọc con. Chúng ta có thể tưởng tượng được tình yêu của Mẹ Maria và việc Mẹ chuẩn bị cho việc sinh con đầu lòng. Truyền thống các bức họa, dựa trên các giáo phụ, cắt nghĩa “máng cỏ” và “tả lót” theo chiều kích thần học. Hài Nhi mới sinh được đặt trong tả lót báo trước cái chết của Ngài. Cũng vậy, máng cỏ được cắt nghĩa như một bàn thờ.
Thánh Âu-tinh giải thích ý nghĩa “máng cỏ” hết sức độc đáo. Trước hết, máng cỏ là nơi thú vật tìm thấy thức ăn nuôi dưỡng chúng. Nhưng giờ đây, máng cỏ được dùng để đặt Đấng là Bánh từ trời, Bánh Hằng Sống, là thức ăn thiêng liêng nuôi dưỡng con người, là của ăn mang lại cho con người sự sống chân thật và sự sống vĩnh cữu. Theo nghĩa này, máng cỏ chính là Bàn Tiệc mà Thiên Chúa mời gọi con người đón nhận Bánh Hằng Sống. Đấng Cứu Thế sinh ra trong sự nghèo hèn tỏ lộ một thực tại lớn lao của mầu nhiệm cứu độ nhân loại.
[…]
Mẹ Maria sinh con trai đầu lòng. Điều này có nghĩa là gì? Con đầu lòng không có nghĩa là con thứ nhất trong một chuỗi những đứa con sau này. Hạn từ “đầu lòng” không mang ý nghĩa về con số, mà mang ý nghĩa thần học trong truyền thống và lề luật Ít-ra-en. Trong việc mô tả lễ Vượt Qua chúng ta nhận thấy rằng “Đức Chúa phán với ông Mô-sê: Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ít-ra-en, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13,1). “Còn mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi, thì ngươi sẽ chuộc lại” (Xh 13,13). Như vậy, hạn từ “con đầu lòng” cũng báo trước tường thuật dâng Chúa Giê-su vào đền thánh. Nói tóm lại, hạn từ này muốn ám chỉ đến sự “thuộc về” Thiên Chúa.
Thần học thánh Phao-lô diễn giải ý nghĩa Chúa Giê-su là con đầu lòng. Trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh nhân gọi Chúa Giê-su là “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29): là Đấng Phục Sinh, Chúa Giê-su là trưởng tử và là khởi đầu cho vô vàn anh em. Trong sự Phục Sinh, Chúa Giê-su không chỉ là trưởng tử theo phẩm giá, mà là Đấng khởi đầu cho nhân loại mới. Sau khi chiến thắng sự chết, Ngài đã mở cửa sự sống cho tất cả mọi người: tất cả những ai đón nhận Phép Rửa đều chịu chết và sống lại cùng với Ngài. Trong thư gởi các tín hữu Cô-lô-xê, ý nghĩa này còn được mở rộng hơn. Chúa Giê-su là “trưởng tử của mọi loài thụ tạo” (Cl 1,15) và là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (Cl 1,18), “trong Người, muôn vật được tạo thành” (Cl 1,16). “Người là khởi nguyên” (Cl 1,18). Như vậy, khái niệm “trưởng tử” mang chiều kích vũ trụ. Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa nhập thể là Lời Vĩnh Hằng của Thiên Chúa sinh ra trước mọi loài thụ tạo, trong Người, muôn vật được tạo thành và muôn vật qui chiếu về Người. Người là Khởi Nguyên và là Cùng Đích của sự sáng tạo mới, khởi đầu với sự Phục Sinh.
Thánh sử Lu-ca không bàn về những vấn đề này, mà các độc giả sau này, nhất là đối với chúng ta, nơi máng cỏ nghèo hèn trong hang đá Betlem đã tỏ hiện vinh quang vũ trụ này: ở đây, trưởng tử đích thật của vũ trụ đã xuất hiện giữa chúng ta.
“Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh” (Lc 2,8). Những chứng nhân đầu tiên của sự kiện vĩ đại này là các mục đồng thức đêm canh giữ đàn chiên. Rất nhiều suy tư về việc các mục đồng là những người đầu tiên đón nhận thông điệp giáng sinh. Có lẽ không cần thiết bàn về vấn đề này nhiều. Chúa Giê-su giáng sinh ngoài thành phố, ở nơi cánh đồng là địa điểm các mục đồng thường xuyên chăn dắt đàn vật. Bởi vì đang ở gần nhất, thì không có gì lạ khi họ là những người đầu tiên được mời gọi đến bên máng cỏ hang đá.
Chúng ta có thể diễn giải cách sâu xa hơn suy tư này không chỉ theo khía cạnh bên ngoài, mà trong chiều kích nội tâm sâu xa: những mục đồng là những người ở gần biến cố giáng sinh nhất, chứ không phải những người dân đang chìm trong giấc ngủ thanh bình. Họ không ở xa Thiên Chúa, Đấng xuống thế làm người. Biến cố giáng sinh thuộc về dân nghèo, thuộc về những tâm hồn đơn sơ, là những người được Chúa Giê-su chúc phúc, nhất là bởi vì họ là những người được mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa (x. Lc 10,21). Họ là những người đại diện cho những người nghèo Ít-ra-en, những người nghèo khổ nói chung: những đối tượng ưu tiên của tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Một ý nghĩa khác liên hệ đến đời sống đan tu: các đan sĩ là những người thức ban đêm cầu nguyện. Họ là những người tỉnh thức trong thế giới này qua việc cầu nguyện vào ban đêm, nhưng nhất là sự tỉnh thức nội tâm, nghĩa là họ mở lòng cho tiếng gọi của Thiên Chúa qua những dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài.
Sau cùng, chúng ta suy tư đến tường thuật việc chọn gọi vua Đa-vít. Thời bấy giờ, vua Sa-un làm mất lòng Chúa. Tiên tri Sa-mu-en được Thiên Chúa sai đến thành Bê-lem, đến với gia đình Giê-sê, để xức dầu tấn phong vua cho một trong những đứa con của Giê-sê mà Thiên Chúa chỉ định. Giê-sê giới thiệu cho Sa-mu-en tất cả những đứa con ở nhà lúc đó, nhưng chẳng ai trong số những đứa con ở nhà được Thiên Chúa tuyển chọn. Giê-sê nói rằng vẫn còn đứa con út, đang chăn chiên ngoài đồng. Sa-mu-en cho gọi cậu bé về nhà và theo chỉ dẫn của Thiên Chúa, Sa-mu-en xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en “trước mặt các anh em” (1 Sm 16,1-13). Từ người chăn chiên, Đa-vít trở thành mục tử của Ít-ra-en (x. 2 Sm 5,2). Tiên tri Mi-kha đã tiên báo rằng từ thành Bê-lem sẽ xuất hiện Đấng chăn dắt toàn thể Ít-ra-en (x. Mk 5,1-3; Mt 2,6). Chúa Giê-su sinh ra giữa các mục đồng, chính Người là Mục Tử của nhân loại (x. 1 Pt 2,25; Dt 13,20).

Trở lại bản văn Tin Mừng lễ Giáng Sinh: sứ Thần xuất hiện bên các mục đồng và vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa chung quanh, “họ kinh khiếp hãi hùng” (Lc 2,9). Nhưng sứ thần trấn an và bảo các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Sứ thần cũng loan báo một dấu chỉ, là họ sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.
“Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,12-14). Thánh sử Lu-ca tường thuật rằng các thiên thần “cất tiếng”, nhưng các tín hữu ngay từ thời sơ khai đã xác tín rằng các thiên thần “ca hát” trong niềm vui và vinh quang bất tận. Từ đó, bài ca của các thiên thần được Hội Thánh tiếp nối. Trong dòng lịch sử, bài ca này luôn được cất lên với những cung điệu khác nhau trong ngày lễ Giáng Sinh. Chúng ta có thể hiểu được rằng những tín hữu đơn sơ nhiệt thành cũng lắng nghe được những lời ca tiếng hát của các mục đồng, và ngay cả hôm nay trong đêm thánh Chúa Giáng Sinh, chúng ta cùng hòa nhịp với họ, cất lời ca tiếng hát với niềm vui khôn tả, là niềm vui được trao ban cho chúng ta từ ngàn đời cho đến tận cùng thế giới.


Fx. Phạm Đình Phước SDB
(Benedetto XVI, L’infanzia di Gesù, Città del Vaticano, Rizzoli – LEV, 2012, 79 - 85)

Thursday, December 20, 2012

3 PHÚT LỜI CHÚA - MÙA VỌNG

 
NGÀY 20 THÁNG 12
"Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38)

1. Dung mạo Mẹ Maria
Có thể nói trong suốt mùa vọng Mẹ Maria đồng hành với chúng ta. Một trong ý nghĩa của mùa vọng là “chờ mong”, và Mẹ Maria là mẫu gương cho sự chờ mong, cách đặc biệt mong chờ đứa con, Đấng Cứu Thế, do chính Mẹ sinh ra.
Thời gian mang thai là một thời gian khá dài và quan trọng. Trong bộ phim Hàn Quốc “Mãi mãi yêu em”, người mẹ trẻ mong chờ đứa con sắp ra đời từng giây từng phút, mẹ viết nhật ký tâm sự với con, khi vui khi buồn, và cảm thấy sướng vui vì đứa con trong bụng ngày càng lớn.
“Các bà mẹ mang thai thấy mình như mang một mầu nhiệm, mầu nhiệm sự sống đang lớn lên mỗi ngày trong lòng dạ mình. Dần dần mỗi chuyển động của thai nhi và cả nhịp tim cũng được người mẹ cảm nhận. Thai nhi trở thành người trọn vẹn nhờ được dưỡng nuôi trong cái nôi êm ấm của lòng mẹ. Con Thiên Chúa làm người cũng trải qua một tiến trình như thế (Lm. Nguyễn Cao Siêu SJ).
Dung mạo của Đức Maria được Tin Mừng hôm nay tường thuật rõ nét hơn: Maria là một thiếu nữ bề ngoài bình thường như mọi thiếu nữ khác, nhưng đặc biệt hơn mọi thiếu nữ vì “đầy ơn sủng” và được “Đức Chúa ở cùng”. Maria được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đấng là Con Thiên Chúa. Maria vẫn sẵn sàng cho Chúa dùng mình để làm công việc của Chúa.
2. Xin Vâng, một sự sẵn sàng trao hiến
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Ngay sau tiếng Xin Vâng này, Đức Maria được Thánh Thần ngự xuống, và Con Thiên Chúa bắt đầu tiến trình làm người ở đời.
Tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria đạt tới mức tuyệt đối. Mẹ Maria xin vâng không điều kiện, không mặc cả. Mẹ đã trao bản thân mình thuộc về Thiên Chúa. Vì thuộc về Thiên Chúa nên Ngài có thể làm bất kì điều gì nơi chính Mẹ Maria. Mẹ Teresa Calcuta nói rằng “Nếu có gì thuộc về tôi, tôi sẽ có toàn quyền sử dụng nó như ý muốn tôi. Nhưng tôi thuộc về Chúa Giêsu, vì thế Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn”.
Maria thưa “xin vâng” , đặt mình trong sự quan phòng của  Thiên Chúa, để Ngài dẫn lối, yên tâm vì tin rằng tương lai của mình nằm trong bàn tay Chúa.

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác (RABBOUNI).


NGÀY 19 THÁNG 12
“Chúa đã thương tôi” (Lc 1,25)
 1. Cầu nguyện là sức mạnh của mỗi Ki-tô hữu
Trong thời cổ đại cũng như trong thời Chúa Giêsu dựng vợ gả chồng mà không có con là một điều bất hạnh. Ông bà Dacaria và Elisabeth sống với nhau đã lâu, hai ông bà đã cao niên, mà không có một mụn con.
Ông Dacaria trúng thăm vào đền thờ dâng hương, ông cầu nguyện với Chúa, hiệp với toàn dân chúng đang cầu nguyện với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin.
“Có một cậu bé lên 6 lên 7 tìm cách di chuyển chậu hoa, nó loay hoay mãi, bên trái bên phải, cúi xuống đứng lên, nhưng cũng không làm sao nhấc chậu hoa lên được. Ba của cậu bé, đứng quan sát sự cố gắng của cậu con trai, và hỏi ‘con đã tìm hết cách chưa?’, cậu bé trả lời ‘hết rồi, ba ạ’, ‘chưa đâu con!, con còn chưa nhờ ba giúp con”.
Hằng ngày có lẽ chúng ta bận rộn với nhiều công việc trong cuộc sống, đến nổi dường như chúng ta không có thời gian để cầu nguyện với Thiên Chúa, dường như không có nhiều thời gian để “hướng lòng lên Chúa” và cầu xin Chúa giúp đỡ, như hình ảnh cậu bé trên, cứ loay hoay mãi, trong khi có một sức mạnh bên cạnh luôn đỡ nâng, mà em không nhận biết.
Tuy nhiên, cầu nguyện không chỉ là xin ơn, mà bao gồm tất cả 5 hình thức khác nhau, là: thờ lạy, cầu xin, cầu bầu, cảm tạ, và ngợi khen.
Hãy cầu nguyện liên lỉ, Don Bosco dạy chúng ta dùng những lời nguyện tắt, là những lời cầu nguyện đơn sơ xuất phát từ cõi lòng, từ những tâm tình cuộc sống.
“Cầu nguyện, đó là sự hy sinh để cho ta đầy sức mạnh; đó là những vũ khí ma quỉ không thể thắng được mà Chúa Giêsu ban cho tôi" (Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu).
2. Chúa đã đoái thương chúng ta
Việc cưu mang và sinh hạ Gioan Tẩy Giả bởi một người mẹ vô sinh và tuổi đã cao niên là do có sự can thiệp của chính Thiên Chúa, nhằm thực thi kế hoạch của Ngài là dọn đường cho Con của Ngài đến. Con trẻ “sẽ đi trước mặt Chúa [...] và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1, 17).
Ngay từ khi tôi chưa hiện hữu trong lòng mẹ, Thiên Chúa đã nghĩ đến tôi, và biết tên tôi. Chúa có một sứ mạng rất riêng cho tôi hôm nay.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Amen!
“Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện;
“Hoa trái của cầu nguyện là đức tin;
“Hoa trái của đức tin là yêu thương;
“Hoa trái của yêu thương là phục vụ;
“Hoa trái của phục vụ là bình an” (Mẹ Têrêsa Cacutta)

THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG
(Mt 11,16-19)
Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông rằng: "Tôi phải ví thế hệ này với ai ? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: «Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than».
Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám." Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi." Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động" (Mt 11,16-19).

1. Không thờ ơ lãnh đạm với ơn cứu độ
Con người ta thường đánh giá người khác theo thiên kiến của mình, chẳng hạn như người cao to có thể chê bai rằng “Nhất lé, nhì lùn tam hô, tứ sún”; còn những người lùn thì có thể buột miệng nói: “Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”.
Cũng vậy, nhiều người Do Thái thấy ông Gioan Tẩy Giả không ăn uống, thì nói: “Ông ta bị quỷ ám!” (Mt 11,18), chứ họ không nhận ra đó là dấu chỉ Gioan kêu gọi mọi người hãy ăn chay, hãm mình, sám hối tội lỗi và chia sẻ của cải cho đồng loại để đón Đấng Cứu Thế đến.
Còn Đức Giêsu đến ăn uống như mọi người, thì họ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với phường tội lỗi” (Mt 11,19), chứ họ không nhận ra đó là dấu chỉ của Tin Mừng cứu độ: Chúa Giê-su được sai đến với muôn dân, ở giữa mọi người; là dấu chỉ Ngài đang thực hiện cuộc giao hòa giữa phàm nhân tội lỗi với Thiên Chúa Tình Yêu.
Vì thế, hãy quan tâm đến ơn cứu độ của chính mình, chứ không nên thờ ơ lãnh đạm với Nước Trời: «Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than».
Hãy làm một cuộc hoán cải, hãy nhìn người khác bằng con mắt tình yêu, hãy đón nhận và yêu mến ơn cứu độ, hãy đón nhận Chúa Giê-su trong cuộc sống hằng ngày.

2. Đón nhận ơn cứu độ bằng lòng yêu mến
Chúa Giê-su nói rằng “Ai yêu mến Thầy, thì giữ Lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người đó” (Ga 14,23).
Thánh Âu-tinh chia sẻ rằng: “Hãy cho tôi một người biết yêu mến, người ấy sẽ cảm nhận được điều tôi nói.
Hãy cho tôi một người đang khao khát, hãy cho tôi một người đang đói, hãy cho tôi một người đang dẫn bước trong cuộc lữ hành cô đơn và đang mong mỏi khao khát tới nguồn suối quê hương vĩnh cửu. Hãy cho tôi một người như thế, người ấy sẽ hiểu được tôi muốn nói gì. Còn nếu tôi nói với một kẻ lạnh lùng, người ấy sẽ không hiểu được điều tôi nói, họ chỉ chép miệng: “Nói gì vậy?”
Con người được lôi kéo đến cùng Đức Kitô khi lấy làm vui sướng, vì yêu mến sự thật, vui sướng vì được hạnh phúc, vui sướng vì đức công chính, vui sướng vì sự sống đời đời: Tất cả là Đức Kitô.
Chỉ có Đức Giêsu mới làm thỏa lòng khao khát đối với những ai yêu mến đến với Ngài, để “Đức Khôn Ngoan đã được chứng minh bằng hành động” (Mt 11,19).
Ai yêu mến Đức Giêsu, thì hãy lắng nghe Lời của Ngài, đó là “khởi điểm đích thực của Đức Khôn Ngoan” (Kn 6,17).


THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA VỌNG
(Mt 17,9-13)
Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước ?" Người đáp : "Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết : ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế." Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

1. Từ thập giá đến vinh quang
Câu chuyện trong đoạn Tin Mừng trên xảy ra sau khi ba môn đệ thân tín (Gioan, Phê-rô và Giacôbê) chứng kiến Chúa Giê-su biến hình trên núi Tabor (x. Mt 17,1-8). Các ông ngây ngất và ngỡ ngàng với viễn cảnh vinh quang mà Chúa Giê-su tỏ hiện, đến nỗi Phê-rô phải thốt lên: «Thưa Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm! Con xin dựng ba lều». Tuy nhiên Chúa Giê-su dặn dò ba ông: «Đừng nói cho ai hay những gì chúng con vừa thấy, cho đến khi Con Người từ trong cõi chết trỗi dậy». Mới tận hưởng niềm vui ngây ngất trong vinh quang của Thầy mình, bây giờ Thầy lại nói đến cái chết ngay. Thật khó hiểu quá, và quả thật các môn đệ không hiểu được, nên các ông hỏi một câu hỏi liên quan đến tiên tri Êlia, và cũng liên hệ đến Gioan Tẩy Giả.
Tiên tri Êlia đến rao giảng và loan báo cho dân chúng, «Bấy giờ Êlia như lửa hồng xuất hiện. Lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng» (Hc 48,1). Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ.
Gioan Tẩy Giả cũng đã đến để trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế, và Gioan làm chứng cho Chúa bằng chính cái chết của mình.
Chúa Giê-su cũng đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài đã phục sinh đem lại cho chúng ta sự sống và sự sống đời đời.
Vì thế, chúng ta cũng cần có những hy sinh, cần đi qua con đường hẹp, cần chết đi cho tội lỗi, khuyết điểm, yếu đuối của mình, để sống hoàn thiện hơn.

2. Làm chứng cho Chúa Hài Nhi
Chúng ta đang trong hành trình dọn đường cho Chúa Hài Nhi đến trong đại lễ Giáng Sinh, cách đặc biệt trong cuộc đời chúng ta hằng ngày. Có nhiều người đang chuẩn bị, đang dọn đường cho Chúa đến bằng nhiều cách khác nhau.
Tôi có đang dọn đường cho Ngài đến như thế nào?
Các biến cố trong ngày sống của tôi có là một dấu chỉ cho việc chuẩn bị tâm hồn đón Hài Nhi Giê-su không?
Xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ chúng con (Mẹ Têrêxa Calcutta)


NGÀY 17 THÁNG 2
Gia phả Đức Giê-su Ki-tô (Mt 1,1-17)
1. Mầu nhiệm của ơn gọi từng Ki-tô hữu
Mỗi khi lắng nghe đoạn Tin Mừng này, có lẽ chúng ta dễ dàng cảm thấy nhàm chán, vì một chuỗi rất nhiều cái tên khác nhau, dường như chúng ta chẳng biết họ là ai. Tuy nhiên, Giáo Hội ít nhất hai lần trong năm (trong mùa vọng và trong lễ sinh nhật Đức Mẹ) cho chúng ta lắng nghe những cái tên của những con người góp phần vào trong lịch sử dân Thiên Chúa và trong mầu nhiệm cứu độ.
Những cái tên trong gia phả Đức Giê-su cho thấy mầu nhiệm của ơn gọi từng người chúng ta, cho thấy tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người. Abraham chọn Isaac, đứa con của lời hứa (con của vợ ông là Sara), thay vì người con trưởng Ismael (con trai của người hầu Agar). Đến lượt Isaac chúc lành cho người con thứ là Gia-cóp, thay vì người con trưởng Esau. Gia-cop lại chọn Giu-đa là người con thứ tư, thay vì người con cả Ruben, hay người con ông yêu thương nhất là Giu-se, người đã bị các anh em bán sai Ai-cập, đã tha thứ và cứu sống cả gia đình. Tình thương của Chúa thật bao la và tình yêu của Chúa vượt trên mọi lý lẽ con người, «Không phải anh em đã chọn thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em» (Ga 15,16).

2. Mầu nhiệm tội lỗi và mầu nhiệm ân sủng
Trong các vị vua được đề cập đến trong gia phả, thì chỉ có 2 vua Ezechia và Giosia là trung thành với Thiên Chúa. Sau thời lưu đày cũng chỉ có vị là Salatiel và Zorobabele trung thành với Thiên Chúa, còn những người khác thì không; trong những vị vua bất trung người được biết đến nhiều nhất là vua Đa-vit.
Những phụ nữ được đề cập đến trong gia phả đều là những người ngoại giáo và thuộc những trạng huống xã hội khác nhau. Bà Tamar là một người tội lỗi.[1] Racab là một gái điếm, nhưng cô đã bảo vệ người của Thiên Chúa.[2] Rut là một người ngoại giáo, khi người chồng qua đời thì bà vẫn sống tốt lành và trung thành với mẹ chồng.[3] Người thứ tư tác giả Tin Mừng không ghi tên, nhưng đó là Betsabea (vợ của ông Uria), người mà vua Đavit đã ngoại tình, sau này nhà vua tỏ lòng thống hối với thánh vịnh 50.[4]
Trong dòng lịch sử giữa tội lỗi như thế vọt lên một suối nguồn tinh tuyền là Mẹ Maria, và qua Mẹ là Đức Giê-su, ân sủng cho con người, vì «muôn ngàn đời chúa vẫn trọn tình thương».

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vũ trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen (Rabbouni).



NGÀY 18 THÁNG 2
Emmanuel - «Thiên Chúa ở cùng chúng ta»

1. Giuse, người công chính
Tin Mừng hôm nay nêu gương Thánh Giuse, người đã đính hôn với trinh nữ Maria. Nhưng trước khi về chung sống với nhau, Maria đã thụ thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Có lẽ Giuse đã đau khổ khi thấy vị hôn thê mang thai, dù Maria chưa về chung sống với ngài, dù chưa làm đám cưới. Giuse không muốn tố cáo Maria, nhưng cũng không thể lấy Maria làm vợ,  vì thai nhi trong bụng không phải của ông. Cuối cùng Giuse chọn giải pháp là chia tay Maria một cách kín đáo. Làm như thế Giuse hy vọng sẽ bảo vệ được danh dự và an toàn cho Maria.
Thiên thần tiên báo cho Giuse rằng hài nhi được mang thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần và Giuse đón Maria về làm vợ, và Giuse được gọi là “người công chính” (x. Mt 1,19), theo nghĩa là Giuse đã dâng hiến Maria, người yêu của mình, cho Thiên Chúa.
Sự dâng hiến của Giuse giống như của lễ của ông Abel dâng con chiên cho Thiên Chúa và được Thiên Chúa chấp nhận (x. St 4,4), bởi lẽ hình ảnh con chiên mà ngôn sứ Nathan đã dùng để ám chỉ về một người vợ (x. 2Sm 12). Nói cách khác, Giuse dâng hiến người vợ cho Thiên Chúa, báo trước Hy Tế của Chúa Giêsu, Ngài chính là Con Chiên, làn Của Lễ trong Hy Tế mới được Chúa Cha chấp nhận.
Tiếng Xin Vâng của Giuse quá quan trọng cho kế hoạch cứu độ, nhờ đó Con Thiên Chúa đàng hoàng bước vào cuộc đời, có một mái nhà, có mẹ, có cha, có tên, có tuổi.

2. Emmanuel – “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”
Maria sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en. Đấng Cứu Thế là Emmanuel, viết tắt là Noel, nghĩa là Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta(Mt 1,23),  báo trước sự Phục Sinh của Ngài. Vì chỉ khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài mới nói với các Tông Đồ: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,20), đồng nghĩa với “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Văn hào Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có viết một cuốn sách tiểu thuyết nổi tiếng tựa đề “Hoàng tử và cậu bé nghèo”. Chuyện kể lại tình bạn của hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là sinh đôi. Một trong hai cậu bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom Canty, người bạn của vị hoàng tử, lại là một cậu bé con nhà nghèo.
Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là thay đổi địa vị xã hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong triều đình, còn Edward thì khoác lên mình một mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Cậu lang thang đầu đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất trong xã hội.
Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu cũng cảm thấy mệt mỏi với trò chơi đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh về ngôi vị hoàng tử của mình. Trong bộ áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình là hoàng tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã không tin, thế là hoàng tử Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.
Giữa lúc Tom cậu bé nghèo sắp sửa được tấn phong làm vua, thì hoàng tử Edward xuất hiện. Không mấy chốc cậu đã được phục hồi trong ngôi vị hoàng tử của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày làm người ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward đã trở thành một vị vua đạo đức và giầu lòng thương người (Lẽ sống, 447).
Cũng giống như câu chuyện trên đây, Thiên Chúa đã đến giữa loài người để hoán đổi vị thế với chúng ta. Người mặc lấy thân xác nghèo hèn của chúng ta để chúng ta được mang lấy tước hiệu làm con Thiên Chúa. Nhờ ân sủng của Ngài, Ngài chia sẻ với chúng ta sự sống thần linh và đón nhận trong thân xác Ngài tất cả những hệ lụy của kiếp sống khổ đau của con người.
 Fx. Phạm Đình Phước SDB


[1] Bà Thamar, chỉ muốn ông Giuđa là bố chồng phải giữ Luật Do Thái, tức là người con cả của ông Giuđa lấy bà Thamar đã chết, thì ông Giuđa phải bắt cậu em lấy người chị dâu. Nhưng ông Giuđa dối gạt bà Thamar bày mưu tính kế cho Thamar về quê ngoại, biết âm mưu đó, bà đã giả vờ làm cô gái điếm ăn ở với ông Giuđa để sinh con nối dòng cho ông, và  như vậy bà cũng được thuộc về dân của Chúa (x. St 38).
[2] Rahab, là cô gái điếm, nhưng đã có công bảo vệ người của Thiên Chúa, khi ba thám tử của Thiên Chúa đến dò thám thành Giêricô, bà đã che mắt bọn lính thành để cho các thám tử thoát mạng, vì bà tin rằng dân của Chúa sẽ chiến thắng thành Giêricô và bà xin các thám tử cứu bà (x. Gs 2.3.6).
[3] Bà Rut, dù là người ngoại giáo, chồng bà là người Do Thái đã chết, mẹ chồng không còn người con trai nào để chắp nối với bà theo Luật. Trong lúc còn tuổi xuân, bà không về quê ngoại để tái giá theo đề nghị của mẹ chồng, nhưng quyết ở lại đi mót lúa nuôi mẹ chồng, vì bà chỉ ước ao được mẹ chồng coi là dân của mẹ (x. sách Rut).
[4] Bà Batsêbea, vợ của Uria, đã ăn ở bất chính với vua Đavid, cũng chỉ vì áp lực của vua Đavid mà bà phải chiều theo (x. 2Sm 11).

Sunday, December 16, 2012

CHÚA NHẬT III – MÙA VỌNG C

 
Bài đọc 1 (Xp 3,14-18a), Bài đọc 2 (Pl 4,4-7), Tin Mừng    (Lc 3,10-18)

1. Loan báo “niềm vui”
Vào Chúa Nhật III Mùa Vọng này, Phụng Vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy vui lên, bởi vì lễ Giáng Sinh sắp đến rồi.
Lời kêu gọi "hãy vui lên" được lặp đi lặp lại trong các bài đọc. Đây là niềm vui trong Chúa, niềm vui có Chúa. Cuộc sống sẽ vui tươi hạnh phúc khi chúng ta có Chúa trong cuộc đời của mình.
Ngôn sứ Xôphônia mời gọi: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Ítraen hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi!” (Xp 3:14).
Thánh Phaolô cũng chẳng giấu được nên phải lặp đi lặp lại lời động viên: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4:4). Nhưng phải thể hiện niềm vui đó qua cách sống “sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi” (Pl 4:5), vì Chúa đã gần đến.
 Là con người, ai cũng mơ ước và đi tìm niềm vui sống. Ngày nay, có nhiều người mải miết tìm kiếm những thú vui xác thịt, thú vui thụ hưởng vật chất. Có những niềm vui mà sau đó người ta cảm thấy trống rỗng buồn phiền và chán nản. Có những niềm vui mà sau đó người ta mệt mỏi và thất vọng. Có những niềm vui mà sau đó người ta lo âu hối hận.
Còn người Kitô hữu đi tìm niềm vui trong Chúa. Niềm vui này là dấu hiệu của bình an nội tâm, của sự hài lòng, của tự tín, là dấu hiệu cho thấy rằng người ta đang cảm thấy được an toàn, được đón nhận, được yêu mến. Một người Kitô hữu mà sống bi quan chán chường, thất vọng buông xuôi, ấy là dấu hiệu có điều gì đó không ổn về đức tin.
Niềm vui là dấu hiệu của hạnh phúc. Đối với những người sống lạc quan, tin tưởng và phó thác thì cuộc sống mỗi ngày là một niềm vui, bởi vì cuộc sống tự nó là một ân ban và là một khám phá không ngừng về chính mình, về Thiên Chúa, về tha nhân và vũ trụ vạn vật. Biết rằng, bước theo Chúa là từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà đi theo, nhưng đó là con đường đi lên và triển nở của một nhân cách làm người và làm con Thiên Chúa không thể thiếu.
Mỗi một sự từ bỏ và vượt qua chính mình lại phát sinh một niềm vui sâu lắng; đau khổ giúp con người lớn lên và mỗi chặng đường thập giá lại phát hiện một cảm nghiệm tâm linh và hạnh phúc thâm trầm. Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ là để thông chia cho con người niềm vui và hạnh phúc của Ngài.
"Tin Mừng có nghĩa là tin mang đến niềm vui.Tin Mừng luôn là một lời mời gọi con người sống vui tươi. Tin Mừng là một lời xác nhận cao cả cho giá trị của thế giới và giá trị của con người. Bởi vì Tin Mừng là chính sự mạc khải sự thật về Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch nguyên thủy của niềm vui và hy vọng cho con người” (Gioan Phaolo II, Bước qua ngưỡng cửa hy vọng).

2. Gioan Tẩy Giả loan báo ơn cứu độ
“Tất cả bốn Phúc Âm đặt để gương mặt của Gioan Tẩy Giả vào đầu sinh hoạt của Đức Giêsu và giới thiệu ông như là vị tiền hô. Trong việc thụ thai và sinh ra, Đức Giêsu và Gioan đã được đặt trong tương quan với nhau” (ĐTC Bê-nê-đict XVI, L’infanzia di Gesù Nazareth, 23).
 Thánh Gioan Tẩy Giả tự định nghĩa mình như là “tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường cho Chúa, hãy uốn thẳng các lối đi của Người” (Lc 3,4).
Tiếng loan báo lời, nhưng trong trường hợp này, Lời của Thiên Chúa đi trước, trong nghĩa chính nó xuống trên Gioan, con của Dacaria, trong sa mạc (x. Lc 3,2). Như thế, ông có một vai trò lớn, nhưng luôn luôn để phục vụ Chúa Kitô.
«Thánh Âu-tinh chú giải rằng: “Gioan là tiếng. Nhưng về Chúa trái lại người ta nói: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). Gioan là tiếng nói qua đi, Chúa Kitô là Lời vĩnh cửu đã có từ ban đầu. Nếu lấy đi lời khỏi tiếng, thì còn lại cái gì? Một tiếng mơ hồ. Tiếng không lời đánh động thính giác, nhưng không xây dựng con tim” (sermones 293,3; PL 38,1328). Chúng ta có bổn phận lắng nghe tiếng nói ấy để dành chỗ trong con tim cho Chúa Giêsu và đón tiếp Người là Lời cứu rỗi chúng ta.
 Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy chuẩn bị để nhìn thấy, với con mắt đức tin, ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Hang Đá nghèo hèn Bê-lem (x. Lc 3,6). Trong xã hội tiêu thụ, trong đó người ta thử tìm niềm vui trong các sự vật, vị Tẩy Giả dạy cho chúng ta biết sống một cách nòng cốt, để Giáng Sinh không chỉ là một lễ bề ngoài, nhưng như lễ của Con Thiên Chúa đến để đem tới cho nhân loại an bình, sự sống và niềm vui đích thực». (ĐTC Bê-nê-đict XVI, Kinh truyền tin 9.12.2012).

3. Chúng tôi phải làm gì đây ?
Dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì?". Gioan còn là người có khả năng giải đáp những vấn đề mà chính ông đã gợi mở cho con người.
Với đám đông ông kêu mời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy" (Lc 3, 11).
Với người thu thuế, ông mời gọi: hãy công bằng. "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh" (Lc 3, 13).
Với những người lính, ông nhắc nhở: hãy chấp nhận mình và anh em. "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình. " (Lc 3, 14).
Câu trả lời của Gioan không mời gọi họ đi ra khỏi cuộc sống mình nhưng mời gọi họ làm cho cuộc sống mình tốt hơn.
Câu trả lời của Gioan còn là câu trả lời của một tâm hồn ngay chính, ý thức rõ sứ vụ của mình.
Vui vì tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, do đó chẳng có gì phải lo lắng cả. Chính ở nơi niềm tin tưởng này mà lời khẩn nguyện và tâm tình tạ ơn có thể được liên kết mật thiết với nhau.
Chúng ta hãy phó thác con đường đến gặp Chúa của chúng ta cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria, Đức Nữ Trinh của Mùa Vọng, để sẵn sàng đón tiếp trong tim và trong toàn cuộc sống Đấng Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Fx. Phạm Đình Phước SDB

Saturday, December 8, 2012

MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

“Hãy tin tưởng vào Mẹ Maria, bạn sẽ thấy phép lạ là gì!” (Don Bosco)
 
Maria, tên gọi mà mỗi người công giáo đều quen thuộc và nhắc đến hằng ngày. Mẹ là Mẹ của từng người chúng ta, là người nữ đẹp nhất, là Đấng trinh khiết vẹn toàn, kiều diễm, trung kiên, nhân ái, thánh thiện và tâm hồn trong sáng. Ngôn ngữ trần gian có lẽ không thể diễn tả hết những đức tính, cũng như biết bao ơn lành Mẹ đã chuyển cầu cho từng người chúng ta. Chỉ cần nhớ đến kinh cầu Đức Bà cũng đủ cho chúng ta cảm nghiệm điều này: Mẹ Maria là Đấng “chỉ bảo đàng lành,
có lòng khoan nhân, trung tín thật thà, là gương nhân đức, là Toà Đấng khôn ngoan”, Mẹ là Đấng “cứu kẻ liệt kẻ khốn, bầu chữa kẻ có tội, yên ủi kẻ âu lo, phù hộ các giáo hữu”, […].
Biến cố “truyền tin” được Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel loan báo cho Mẹ Maria mà Tin Mừng ngày lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội thuật lại (Lc 1, 26-38), được thi sĩ Hàn Mặc Tử diễn tả hết sức sống động. Maria, cả triều thần thiên quốc cùng ca tụng, bàn tay Thiên Chúa đã tài tình sáng tạo nên Mẹ. Maria, “tên gọi” đẹp nhất của nhân loại có thể dâng lên cho Thiên Chúa, trong “tên gọi” đó cả nhân loại như đang được hơi thở Thần Linh chuyển đến nơi Chúa Cha, bởi Mẹ cưu mang Người Con Duy Nhất bởi Thánh Thần Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa đã trở thành xác phàm: Tin Mừng ấy làm rung động cả cõi trời cao thẳm, làm xao động muôn ngàn trăng sao và lòng nhân thế.

Như sóng lộc triều nguyên ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể

và Tổng Lãnh Thiên Thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa.
Hương xông lên lời ca ngợi sum hoà.
Trí miêu duệ muôn vì rất thánh

Maria, linh hồn tôi ớn lạnh.
Run như run tử thần thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thắm nhuần ơn trìu mến

Lạy Bà là Ðấng tinh tuyền thánh vẹn,
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi.
Cho tôi dân lời cảm tạ phò nguy
Cơm lâm lụy vừa trải qua dưới thế,
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ.

Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh ?
(Hàn Mạc Tử)
Trong ngày lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria là Đấng được tuyển chọn, là Đấng thánh thiện và tinh tuyền. Phụng vụ ngày lễ ca tụng Mẹ rằng “Chúa chỉ cho chúng con thấy nơi Mẹ là khởi điểm Hội Thánh xinh đẹp, không vết nhăn, là bạn Con Chúa [...]. Chúa đã chọn Mẹ trong muôn loài tạo vật làm Đấng cầu bầu ân sủng và nên gương thánh thiện cho dân Chúa”
Là Đấng thánh thiện, Mẹ là kiểu mẫu sự thánh thiện cho từng người chúng ta, bởi vì “Trong Đức Giêsu Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người ta trỏ nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4). Do đó, chúng ta được kêu gọi trở nên tinh tuyền thánh thiện, và chúng ta tin rằng “không có việc gì Thiên Chúa không làm được”.
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)

Tuesday, September 18, 2012

LỄ CƯỚI TRUNG - THU

 
 Lễ thành hôn của Đình Trung - Kiều Thu,
ngày 18 tháng 9 năm 2012, giáo xứ Vinh An, Dakmil, Ban Mê Thuột
Mt 2, 13-23
Để giới thiệu gia đình hạnh phúc, người ta thường vẽ các bức tranh có hình hai vợ chồng, với một hai đứa con, trước căn nhà xinh xắn, cao rộng, đẹp đẽ. Đó là điều mà lẽ thường tình ai cũng mong muốn, và chúng ta cũng muốn cầu chúc cho đôi bạn đây, được sống êm ấm, hòa thuận thương yêu nhau, cuộc sống thành đạt, con cái khôn lớn, ngoan ngoãn và hiếu thảo.
Hôm nay, để giới thiệu gia đình hạnh phúc, Tin Mừng trình bày cho chúng ta gia đình Thánh Gia, sinh con trong máng cỏ khó nghèo, và đang đêm phải trốn chạy sang Ai-Cập. Khi trình bày hoàn cảnh của Thánh Gia như thế, Tin Mừng muốn nói với chúng ta rằng cuộc sống của các gia đình cũng lắm gian nan và khó khăn, đầy thử thách. Muốn đạt hạnh phúc phải có bí quyết.
Trung và Thu thương mến,
Để xây dựng một tình yêu đẹp và một gia đình hạnh phúc, hai em hãy noi gương và sống bí quyết của gia đình Thánh Gia: đó là mở lòng đón nhận.
Trước hết, mở lòng đón nhận nhau. Thánh Giu-se đón nhận Đức Mẹ về nhà mình, dù chưa hiểu gì nhiều về mầu nhiệm cao cả trong cuộc đời Đức Mẹ. Đức Mẹ đón nhận lời Thiên Thần truyền tin, dù muốn giữ mình trinh trắng. Chúa Giê-su sẵn sàng đón nhận và vâng lời Thánh Cả Giu-se và Mẹ Maria. Gia đình Thánh Gia đã đón nhận nhau trong tình yêu.
Cũng vậy, hai em hãy đón nhận nhau trong tình yêu, và với tất cả tâm tình. Trước đây, hai em là hai thế giới khác biệt, giời đây hai em là một. Hai thế giới được hòa quyện vào nhau, thành một xương một thịt, một tâm hồn, chia sẻ một cuộc sống, một gia đình. Hãy đón nhận những khác biệt của nhau, cả ưu điểm và khuyết điểm, từ tính tình cho đến lối suy nghĩ, đón nhận và yêu thương, yêu thương và trung thành cho đến suốt đời.
Thứ đến, mở lòng đón nhận mọi người. Tình yêu của gia đình Thánh Gia không đóng khung trong gia đình nhỏ bé, nhưng mở ra đến với mọi người. Mở rộng tới gia đình tiệc cưới Ca-na, mở rộng vươn đến toàn thể nhân loại, nên chúng ta là con cái Thiên Chúa trong đại gia đình những người theo Chúa Giê-su. Mở rộng đến tận cùng trái đất, khi Đức Mẹ đón nhận Gio-an dưới chân Thánh Giá, và khi Gio-an đón nhận Đức Mẹ là mẹ của mình.
Cũng vậy, hai em cũng hãy đón nhận mọi người. Khi cưới nhau, hai em không chỉ đón nhận nhau, mà còn đón nhận đại gia đình hai họ, và mọi người trong dòng tộc. Việc của dòng tộc cũng là việc của gia đình hai em, và hai em cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng dòng họ. Hơn nữa, hai em cũng đón nhận đại gia đình các Ki-tô và xóm giềng. Đón nhận để sống hòa thuận và bác ái. Lời kinh của Thánh Phan-xi-cô Assisi giúp hai em sống điều này: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm […]. Đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, và đem niềm vui vào chốn u sầu”.
Sau cùng, là mở lòng đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Gia đình Thánh Gia đã sống điều này cách trọn hảo. Hãy nhìn cảnh thánh Giu-se đang đêm thức giấc dắt lừa đưa Chúa Giê-su và mẹ Maria trốn sang Ai-Cập. Hãy nhìn cảnh Đức Mẹ, dưới chân thánh giá, đau đớn nhìn đứa con mình cưu mang nuôi nấng, chết trên thánh giá. Hãy nhìn cảnh Chúa Giê-su đón nhận thánh ý Chúa Cha, vâng lời hiến thân mạng sống mình để chúng ta được ơn cứu rỗi. Vì mở lòng đón nhận thánh ý, nên các ngài được Thiên Chúa hướng dẫn từng bước đi trong cuộc đời, và tạo thành một gia đình hạnh phúc, thánh thiện và gương mẫu cho mọi gia đình.
Cũng vậy, hai em hãy đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời hai em: khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi đau yếu cũng như lúc mạnh khỏe. Đón nhận mọi công việc dù khó khăn vất vả. Đón nhận mọi hoàn cảnh dù thuận lợi hay không thuận lợi. Để đạt được điều ấy, hai em phải có một tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, qua đời sống cầu nguyện. Như thế, những chuyện vui, chuyện buồn, những niềm hy vọng hay sầu khổ, ngày sinh ngày cưới, những biến cố trong đời sống … đều có sự hiện diện của Thiên Chúa. Những biến cố đó phải là dịp để hai em biết tạ ơn, khấn nguyện và tin tưởng tín thác vào Thiên Chúa.
Trung – Thu thương mến,
Chúc mừng hai em trong ngày thành hôn, một gia đình hạnh phúc đang chờ đón hai em. Hãy đón nhận nhau, đón nhận mọi người, và đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Ba của chúng ta ở trên trời đang mỉm cười và giang tay chúc lành cho hai em.
Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria chúc phúc cho hai em và gia đình hai em luôn mãi. Amen!
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)