Hắn
khuyên những người hắn gặp gỡ rằng “hãy làm một điều tốt đẹp cho Chúa” như Mẹ
Tê-rê-sa thành Calcutta đã nhắn nhủ; và hắn vẫn thường nghĩ “giữa hai điều, nên
chọn thực hiện điều tốt hơn”. Trong những ngày này, hắn cảm nghiệm và sống điều
đó cách sâu xa.
Hắn
ra trung tâm thành phố thăm một Linh Mục cùng Dòng từ Việt Nam sang Châu Âu du
lịch cùng với đoàn hành hương rất đông. Lâu ngày gặp nhau, anh em tay bắt mặt mừng,
chia sẻ nhiều điều. Đến lúc ăn trưa, một sự kiện bất ngờ xảy ra: một linh mục
trong đoàn bị “tai biến”, “đột quỵ”. Mọi người hoảng hốt vì cảnh tượng xảy ra:
tay chân của vị linh mục bại liệt, miệng méo xệch. Các cha trong đoàn đã nghĩ đến
việc xức dầu bệnh nhân.
Xe
cấp cứu đến, các y tá khám tổng quát. Mọi người ú ớ, vì vấn đề ngôn ngữ. Với vốn
tiếng Ý khiêm tốn, hắn đi vào một cuộc mạo hiểm. Phiên dịch chính xác, gãy gọn
và nhanh chóng, để các y tá và nhân viên cấp cứu có thể nắm bắt được triệu chứng
và hiện trạng của bệnh nhân.
Phải
đến bệnh viện thôi! Đó là giải pháp tốt nhất trong thời điểm này. Thế là hắn
cùng đưa bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu. Tại đây, có hai, ba cuộc kiểm tra
khác nhau và một lần nữa hắn phải vận dụng hết khả năng để giúp bệnh nhân thực
hiện những gì các bác sĩ yêu cầu, và giúp các bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng
của bệnh nhân, cũng như bắt đầu chuẩn bị giấy tờ hồ sơ cá nhân của vị linh mục bệnh
nhân để nhập viện.
Sau
khi thực hiện “risonanza magnetica” (chụp C.T!) các bác sĩ bảo rằng tình trạng của bệnh
nhân rất nguy hiểm, nghĩa là mạch máu lên não bị ngẽn, nên phải “khai thông” mạch
máu cho kịp thời, nếu không tình trạng có thể nguy hiểm hơn. Những hạn từ kỹ
thuật về y tế cũng khiến hắn vã mồ hôi, vì nếu không phiên dịch chính xác và nếu
không hiểu rõ vấn đề, nguy cơ sẽ lớn hơn. Hắn nói rõ tình trạng thực sự cho bệnh
nhân và cùng với vị linh mục cùng Dòng, cho bệnh nhân biết nên làm theo lời
khuyên của các bác sĩ. Lúc này, tay chân bênh phải của bệnh nhân vẫn “xụi lơ”
và dần dần đi vào hôn mê. Một điều nữa các bác sĩ cho biết rằng, vì bệnh nhân
cũng có bệnh “tiểu đường”, nên khi thực hiện việc “khai thông” mạch máu sẽ có một
chút rủi ro, cho dẫu rủi ro này rất nhỏ. Sau khi quyết định thực hiện việc “khai
thông” mạch máu, bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật, và phải thực hiện hơn
một tiếng đồng hồ. Lúc đó, hắn trở về nhà, vì có ở lại cũng phải ở ngoài cho đến
chiều mai. Bệnh nhân ở lại bệnh viện một mình, không người thân, nơi đất khách
quê người, và thiếu phương tiện truyền thông về ngôn ngữ. Đoàn hành hương vẫn
tiếp tục hành trình thăm viếng đây đó, và thông tin bắt đầu loan đi nhanh chóng
tại giáo xứ và một số nơi vị linh mục bệnh nhân từng phục vụ tại Việt Nam.
Sáng
sớm hôm sau, hắn vội vã đến bệnh viện hỏi thăm thông tin và sau đó về lên giảng
đường học bình thường. Các bác sĩ đã thực hiện tốt và tận tâm. Tuy nhiên họ
cũng cho biết, máu loãng có loang ra một chút trên não, vì thế một tí tí của bộ
não cũng bị ảnh hưởng và bệnh nhân phải ở lại điều trị khoảng 4 - 5 ngày. Ban
chiều hắn cũng đến bệnh viện thăm vị linh mục bệnh nhân, ngài đã tỉnh táo và
trông khỏe khoắn, tay chân cử động bình thường. Hắn nói chuyện với các bác sĩ
và họ cho biết rằng ngài phải ở lại điều trị vài ngày. Vị linh mục này cũng có
một nữ tu, hình như là “con tinh thần” đang học tại Rome, và một nữ tu khác gần
gần như con tinh thần vậy; cả hai nữ tu thường xuyên đến thăm ngài và chăm sóc
cho ngài những gì cần thiết. Trong những ngày này, Đức Giám Mục của vị linh mục
bệnh nhân này đến Rome du lịch và theo suy nghĩ của một vài anh em linh mục, thật
đẹp biết bao nếu Đức Giám Mục đến thăm ngài: 2 ngày, 3 ngày, …vẫn chưa thấy đâu
hết; và ngày cuối cùng, ngài xuất hiện 10 phút.
Vị
linh mục bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh và muốn ra viện càng sớm càng tốt. Cũng
phải thôi! Ngài đâu có biết được các bác sĩ đã thực hiện khá tốt việc “khai
thông” mạch máu. Hơn nữa, nằm ở phòng hồi sức cấp cứu thì chán lắm, chỉ một
mình, không ai được vào thăm, mỗi ngày các thân nhân chỉ được vào thăm 1 tiếng
đồng hồ từ 16g00 đến 17g00. Điều này khác hẳn tại Việt Nam, ở bệnh viện luôn có
người thân bênh cạnh.
Một
tối nọ, bệnh viện gọi điện thoại cho hắn và bảo rằng vị linh mục bệnh nhân sẽ được
chuyển qua khoa Thần Kinh, và vì thế, họ nhờ hắn nói với bệnh nhân để cho ngài
yên tâm. Sau đó, hắn gọi điện thoại cho bệnh nhân xem có cần gì không và nói
chuyện với các bác sĩ xem tình hình hình thế nào. Vì không còn ở phòng chăm sóc
đặc biệt, nên người thân phải lo cung cấp đồ dùng. Do vậy, sáng sớm hôm sau, hắn
lại vội vã đến bệnh viện mang theo một ít đồ dùng cá nhân và quần áo của hắn để
cho ngài sử dụng tạm thời. Vị linh mục bệnh nhân khỏe mạnh hơn, và muốn xuất viện
sớm bao có thể. Hắn cũng muốn giúp bệnh nhân xuất viện sớm, nhưng hắn phải làm
theo lời khuyên của các bác sĩ, để bảo toàn sức khỏe của vị linh mục bệnh nhân.
Mỗi
ngày hắn vẫn thường xuyên tới thăm vị linh mục bệnh nhân này, vào giờ ban trưa
để có thể nói chuyện với bác sĩ về bệnh tình của bệnh nhân, và vào ban chiều
trong giờ thăm viếng chính thức. Hắn chia sẻ với bề trên và một số anh em trong
cộng đoàn; hắn cũng nhận được sự khích lệ, vì thế hắn tiếp tục hành trình mạo
hiểm của mình.
Viết
những dòng chữ này trong ngày lễ Chúa Chiên Lành, hắn suy nghĩ về dung mạo của
Chúa Giê-su Mục Tử tốt lành: biết con chiên của mình, yêu thương và trao ban mạng
sống vì đoàn chiên. Hắn rùng mình và sợ hãi! Sợ hãi vì dung mạo cao cả và vĩ đại
của vị Mục Tử tối cao; sợ hãi vì sức lực con người yếu hèn của hắn.
Vị
Mục Tử biết từng con chiên, tìm kiếm và nâng niu; vị Mục Tử tốt lành, yêu
thương và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Don Bosco cũng đã từng nói: “Cha nguyện
hứa với Chúa, cho đến hơi thở cuối cùng, cha sẽ sống cho thanh thiếu niên của
Cha”.
Người
mục tử sống cho đoàn chiên của mình phải nghĩ đến điều này: tiêu hao chính mình
để làm phong phú cho người khác; chết đi cho chính mình để người khác được sống.
Hắn
có một điều chắc chắn: Thiên Chúa luôn tốt lành, Ngài nhân hậu; muôn ngàn đời
Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ Ngài vẫn một niềm trung tín (Tv
99,5). Hắn cầu xin Chúa ban cho hắn sống tốt lành và ơn trung thành.
Fx.
Phạm Đình Phước SDB
(Lễ
Chúa Chiên Lành 2013)
Em đã làm một điều rất đúng, cố lên nhé. Sống trên đời này cần một tấm lòng, nhất là trong những lúc người ta gặp cảnh ngặt nghèo. Ai dám tự cho rằng, trong đời mình không bao giờ cần đến sự giúp đỡ của ai không?
ReplyDeleteXin Chúa đồng hành với em trong mọi hoàn cảnh.