“Giáo
dục là chuyện của con tim” (Don Bosco)
Giáo dục là khả năng hướng dẫn và giúp
con người thăng tiến và phát triển trong cuộc sống, giúp cho con người nhận ra
chân lý. Chúng ta có thể hiểu giáo dục như là tiến trình của con người hướng đến
sự trưởng thành chính mình trong đời sống: trưởng thành trí tuệ, trưởng thành
tình cảm và trưởng thành trong các mối tương quan.
Chúng ta cũng cần phân biệt sự khác nhau
của hai hạn từ “người lớn” và “người trưởng thành”. Quả vậy, đời sống sinh lý
và tâm lý của con người không đồng nhất với nhau. Đời sống sinh lý của con người
là một tiến trình phát triển theo thời gian và chúng ta có thể quan sát được:
sinh ra, lớn lên, già nua. Còn đời sống tâm lý của con người là kết quả của một
tiến trình lâu dài, đôi khi phải đối diện với những khó khăn; đây là một tiến
trình ý thức, tâm lý và thiêng liêng.
Sự
trưởng thành trí tuệ
Tầm quan trọng của việc giáo dục có thể
biểu hiện trong chiều kích trí tuệ và sự hiểu biết của con người. Quả vậy, sự
hiểu biết giúp cho con người có được những chọn lựa thích hợp, bởi vì sự khôn
ngoan và trí khôn con người mang tính chọn lựa, là khả năng đọc được những điều
trọng tâm và biết rút ra những điều thiết yếu cho chính mình, chẳng hạn biết đọc
được ý chính của một thông tin, của một bản văn hay một câu chuyện. Bên cạnh đó,
con người còn có khả năng học biết và đối diện trước tính da dạng và phức hợp của
những chọn lựa. Có nhiều điều xảy ra trước mắt chúng ta, có nhiều thông tin đến
với chúng ta, chúng ta thích điều này hơn điều kia; và sự hiểu biết sẽ giúp
chúng ta có những lựa chọn thích hợp và hướng đến chân lý.
Điều quan trọng là cần nhận biết những
khao khát, ước mơ của con người chúng ta; ước mơ hình thành đời sống của chúng
ta. Chúa Giê-su trong Tin Mừng Gio-an đã nêu ra một câu hỏi nền tảng về niềm
khao khát của con người: “Các anh tìm kiếm điều gì thế?” (Ga 1,38). Có thể nói
rằng đây là câu hỏi khiến cho chúng ta phải có quyết định và lựa chọn, và đó
cũng là điều mà mỗi một con người phải học biết và đưa ra tên gọi cho điều mình
đang tìm kiếm, cho điều mình đang khát khao, cho điều mình đang hướng tới.
Thanh thiếu niên và giới trẻ ngày nay
đang sống trong thế giới hiện đại, khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng,
tương quan rộng mở và thông tin đa dạng phong phú. Trong một thế giới đang biến
chuyển và cung cấp một lượng thông tin nhiều vô kể như thế, người trẻ dường như
không biết đâu là giá trị đích thực, đâu là bậc thang giá trị, đâu là điều quan
trọng nhất trong cuộc sống mà họ phải theo đuổi, để rồi họ phải có những chọn lựa
thích hợp. Khi một nền văn hóa không cỗ võ những giá trị nhân bản và tâm linh,
thì con người cũng dần dần cảm thấy hòa mình vào trong dòng chảy đó; sống hời hợt,
thiếu niềm tin, đánh mất niềm hy vọng rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhờ những nỗ
lực của chính mình. Vì thế, người trẻ cần trau dồi khả năng tổng hợp thông tin và khả
năng lập kế hoạch cho cuộc đời, để họ có thể sống bình an, hăng say và hướng
đến một tương lai rạng ngời đang chào đón họ.
Người trẻ cần được đồng hành, cách đặc
biệt đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, để họ có được những lựa chọn đúng đắn
trong cuộc sống: lựa chọn về nghề nghiệp, về tình cảm và về kế hoạch đời sống.
Người trẻ cần được đồng hành để có khả năng biết nhận định và giải quyết vấn đề;
để biết cách nhìn nhận những khó khăn trong cuộc sống thực tế và được hướng dẫn
tìm ra những giải quyết thích hợp hữu hiệu hơn.
Trưởng
thành tình cảm
Một trong những chiều kích nền tảng của
việc giáo dục là giáo dục về đời sống tình cảm. Thanh thiếu niên và giới trẻ
ngày nay rất nhạy bén về đời sống tình cảm, về giới tính, về tình dục; nhưng lại
thiếu mất khả năng sống tình yêu và nuôi dưỡng tình cảm cách bền lâu và vững chắc.
Dường như họ chỉ đánh giá và hành xử dựa trên những cảm xúc chóng qua. Tình yêu
không phải chỉ là cảm xúc. Cảm xúc đến rồi đi; cảm xúc có thể là một tia sáng khai mở diệu kỳ,
nhưng tổng thể của tình yêu không phải như thế. Tình cảm chỉ là một nguồn phong
phú và là một nguồn sức mạnh khi có được sự hướng dẫn bởi lý trí.
Trước hết, trưởng thành về tình cảm có nghĩa là vượt qua được “sự khoái lạc”. Sự khoái lạc này không chỉ liên quan
đến đời sống tính dục, mà còn liên hệ đến nhiều lãnh vực khác trong đời sống,
chẳng hạn như quyền lực, sự hưởng thụ, ích kỷ hay coi thường người khác, vân
vân. Một khi rơi vào cuộc sống hưởng thụ khoái lạc, con người có thể bị chai sạn
dần, đánh mất khả năng cảm nhận lạc thú, thậm chí biến nó thành niềm đau. Ăn
mãi một món ăn hợp khẩu vị nào đó sẽ sinh ra cảm giác ngán sợ, chưa kể đến những
tác hại khác đối với sức khoẻ. Vì thế, tiết độ cần được xem là biểu hiện của sự
khôn ngoan khi một cá nhân đối mặt với cám dỗ của lạc thú.
Thứ đến, việc giáo dục giới tính rất
quan trọng trong thời đại ngày nay. Giáo dục giới tính không chỉ có nghĩa là
cung cấp một lượng thông tin về vấn đề giới tính, về đời sống tình dục, nhưng
hơn hết là giúp cho người trẻ ý thức và có những quyết định bền vững về đời sống
tình cảm. Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng đời sống tình cảm không nhất thiết phải
có tình dục, dẫu biết rằng tình dục là một biểu hiện tuyệt diệu của tình cảm
con người. Vì thế, con người cần sống thanh
khiết. Hạn từ “thanh khiết” dễ dàng làm cho mọi người nghĩ rằng nó chỉ dành
cho những ai sống đời thánh hiến. Chắc chắn rằng những tu sĩ sống chứng tá của
mình qua lối sống thanh khiết, nhưng mọi người cũng được mời gọi sống nhân đức
này. Sự thanh khiết hệ tại ở khả năng vun trồng đời sống tình cảm như một ân huệ.
Đây cũng chính là nét đẹp của tương quan, không xem người khác như là sở hữu của
mình.
Trưởng
thành trong các mối tương quan
Con
người đón nhận sự sống, và điều này thể hiện rõ nơi gia đình, khi đứa con được
sinh ra đón nhận sự sống mình qua người cha người mẹ. Dần dần đứa trẻ học biết
và tương quan với mọi người qua đời sống tình cảm và phát triển trí khôn của
mình. Tương quan của đứa trẻ với cha mẹ và những thành viên trong gia đình sẽ
là một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời con người. Theo đó, bậc cha mẹ, những
nhà giáo dục đầu tiên, nên tỏ hiện những tương quan tốt đẹp của tình cha tình mẹ
để tạo ra một môi trường thật tốt cho con trẻ phát triển cách tốt nhất.
Người trẻ ngày nay đang sống trong một
thế giới rộng mở với các mối tương quan, chẳng hạn như các nhóm bạn, những nhóm
đồng hương, các phong trào, các tổ chức xã hội, tình nguyện, và những tương
quan “từ xa” trên internet, vân vân. Những mối tương quan tốt sẽ giúp duy trì và
phát triển những tương giao mang lại niềm vui hỗ tương. Người trẻ đã có những
đóng góp tích cực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, lứa tuổi này vẫn đang đứng
trước những sự chọn lựa của cuộc đời, nên cũng có nhiều lo lắng cho chính mình,
chẳng hạn như học hành, công việc, đời sống lứa đôi.
Các mối tương quan đều đòi hỏi niềm tin, nghĩa là khả năng tin tưởng
người khác và làm cho người khác tin tưởng vào mình. Điều này đòi hỏi một kinh
nhiệm đích thực về niềm tin và về tình yêu. Trong tất cả các mối tương quan thì
tương quan với thần linh rất quan trọng, làm nền tảng cho mọi tương quan. Một
khi tương quan hướng thượng bị xem thường, thì các tương quan liên nhân vị cũng
có nguy cơ bị đổ vỡ. Sách Kinh Dịch đặc
biệt chú ý đến tương quan giữa con người với trời và đất. Tương quan này làm
thành một bộ tam tài: Thiên, Địa, Nhân. Con người không những có giá trị hơn
mọi tạo vật khác ở ý thức, mà vượt qua ý thức, còn một điều cao hơn, đó là giá
trị tâm linh. Đây cũng chính là sự sâu thẳm và cao vượt của đời sống làm người,
tạo nên ý nghĩa và giá trị của mọi hoạt động nhân sinh, làm cho con người đúng
là con người.
Kinh nghiệm Ki-tô giáo mô tả tương quan giữa Thiên Chúa
và con người. Con người được giáo dục để gặp gỡ Thiên Chúa. Chắc chắn rằng khởi
đầu cuộc sống ki-tô hữu không phải là một chọn lựa về luân lý hay một ý tưởng,
mà chính là sự chọn lựa một Chúa Giê-su, Đấng trao ban sự sống (x. ĐTC
Bê-nê-đic-tô XVI, thông điệp Deus caritas
est, số 1). Đích điểm của tiến trình này chính là sự hoàn hảo trong tình
yêu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như cha anh em là Đấng ngự trên trời” (Mt
5,48). Trong tiến trình hướng đến cuộc sống tròn đầy và hoàn hảo này, Chúa
Giê-su mời gọi con người bước theo các mối phúc, bước theo con đường của niềm
vui và bước theo thập giá, chính là hành động tình yêu cao cả nhất đến nỗi hy
sinh tính mạng vì người mình yêu.
Fx. Phạm Đình Phước SDB
No comments:
Post a Comment