Chuyện người đàn bà 2000 năm trước (Song Ngọc)
Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên
án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).
Bị bắt quả tang làm điều xấu là điều
đáng xấu hổ. Bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình thiết nghĩ còn đáng xấu hổ biết
bao. Tin Mừng Gio-an thuật lại cho chúng ta câu chuyện về Chúa Giê-su và người
đàn bà ngoại tình. Đức Giêsu đang ngồi giảng dạy cho đám đông, người đàn bà bị
bắt quả tang phạm tội ngoại tình bị các vị luật sĩ và pharisêu điệu ra trước mặt
Chúa Giê-su. Chúng ta có thể hình dung người phụ nữ ấy, xốc xếch, rối bù, bị
lôi đi, mắt cúi xuống tránh những cái nhìn khinh miệt. Các kinh sư và pha-ri-sêu
hí hửng với cái bẫy của mình. Người phụ nữ này thật là một cơ may hiếm có để họ
có bằng chứng tố cáo Người.
“Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang
ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng
đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8,4-5). Quả là một câu hỏi bất ngờ, lịch sự, nhưng cũng đầy cạm bẫy.
Thực ra họ không cần đến Chúa Giê-su để xét xử người phụ nữ này, vì họ có thể
căn cứ vào luật Mô-sê để thi hành. Họ đến hỏi ý kiến Chúa Giê-su không phải với
thiện ý, nhưng nhằm gài bẫy Người. Tha cho người phụ nữ là Người chống lại luật
Mô-sê. Kết án người phụ nữ là Người mâu thuẫn với chính mình vì Người vẫn giảng
dạy về lòng nhân từ thương xót. Cái bẫy thật hiểm độc. Đằng sau bản án của người
phụ nữ chính là bản án dành cho Chúa Giê-su.
Đức Giê-su
không thể nói ngược với luật Mô-sê, và cũng không thể nói ngược với trái tim của
mình. Người cúi xuống, lấy tay vẽ nguệch ngoạc trên đất. Có vẻ như Người thờ ơ,
không muốn can dự vào hay Người đang suy nghĩ cho ra câu trả lời thích hợp. Người im lặng để mọi người có thời gian
lắng đọng tâm hồn. Chỉ trong thinh lặng, con người mới có thể trở về với cõi lòng
và nghe được tiếng nói của Chúa trong lương tâm. Người không trả lời vì câu hỏi họ đặt chưa đúng chỗ. Người không
trả lời câu hỏi của họ để đưa ra cho họ một câu hỏi khác cơ bản hơn. Người cúi
xuống để người phụ nữ khỏi xấu hổ. Người cúi xuống để những Kinh sư và những
người Pharisêu biết nhìn vào tâm hồn mình. Người cúi xuống buồn phiền vì sự độc
ác của con người. Mọi người cứ chờ một lời nói của Người: các đối thủ thì rất
tự tin, các kẻ tố cáo sốt ruột, người phụ nữ thì cam chịu, dân chúng thì căng thẳng.
Trong quyển Ecce Homo (1866), John Seeley có một gợi ý rất hay: “Chúa cảm thấy
xấu hổ vô cùng, Ngài không thể nào chịu được cái nhìn của đám đông, của những
người buộc tội, và có lẽ ít hơn hết, của người đàn bà đó. Trong lúc bối rối và
xấu hổ cực độ đó, Ngài cúi xuống dường như giấu mặt đi và bắt đầu viết trên
đất. Rất có thể những cái liếc mắt đầy dục vọng của bọn Kinh sư và đạo sĩ Do
Thái, cái nhìn trừng trợn và tàn bạo của họ, sự tò mò dâm đãng của đám đông, sự
xấu hổ của người đàn bà, tất cả đã kết hợp lại giày vò tấm
lòng vừa đau đớn, vừa thương hại của Chúa Giêsu, cho nên Ngài che giấu đôi mắt
của Ngài”.
“Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá
trước đi”. Người trả lời, rồi lại cúi xuống viết trên đất. Câu trả lời của
Người bất ngờ vang trong tĩnh lặng, khiến người ta phải trở về đối diện với
lòng mình. Chúa Giê-su là Đấng đến để cứu vớt nhân loại. Người giúp cho lương
tâm những người hiện diện ở đó sống lại, bừng tỉnh khỏi mê muội, nhận biết mình
tội lỗi, nên họ đã lần lượt rút lui không dám kết án người phụ nữ nữa. Quả
thật, không một ai dám can đảm ném hòn đá đầu tiên, và cũng chẳng có hòn đá
cuối cùng. Có chăng chỉ là những bàn tay cách đây ít phút nắm chặt những viên
đá đầy sát khí chuẩn bị tấn công, giờ đây đang nới lỏng các cơ bắp để các viên
đá kia lặng lẽ kín đáo rơi nhẹ nhàng trên đất.
Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường,
kiên nhẫn và đợi chờ, cho đến khi chẳng còn một ai, mới ngẩng đầu lên và hỏi:
“Họ đâu cả rồi, không ai kết án chị sao? Tôi không lên án chị đâu. Chị hãy về
và từ nay đừng phạm tội nữa”. Người tha thứ cho người phụ nữ và chỉ cho thấy
trách nhiệm mới của chị. Hãy đổi đời, hãy tỉnh ngộ và hướng dẫn đời mình theo
một chiều hướng tích cực hơn. Tình thương và lòng thương xót của Người thật bao
la!
Fx. Phạm Đình Phước SDB
Lời nguyện trong RABBOUNI
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng
đại như Chúa: vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình
bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời
chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.
No comments:
Post a Comment