Tuesday, March 19, 2013

ĐTC PHAN-XI-CÔ: KHAI MẠC SỨ VỤ PHÊ-RÔ


 



ĐTC Phan-xi-cô, Bài giảng trong thánh lễ khai mạc sứ vụ Phê-rô, Vatican, thứ ba ngày 19 tháng 3 năm 2013
Anh chị em thân mến,
Cha cảm tạ Thiên Chúa vì được cử hành Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phê-rô trong đại lễ kính thánh Giu-se, bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, và là bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ: đây là một dịp trùng hợp đầy ý nghĩa và cũng là lễ bổn mạng của vị Tiền Nhiệm đáng kính của cha: với lòng quí mến và biết ơn, chúng ta gần gũi ngài trong kinh nguyện.
Cha thân ái chào các anh em Hồng Y và Giám Mục, các linh mục, phó tế, các tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em giáo dân. Cha cám ơn các vị đại diện các giáo hội và cộng đoàn giáo hội khác nhau hiện diện nơi đây cũng như các đại diện của cộng đồng Do Thái và các cộng đồng tôn giáo khác. Cha gửi lời chào nồng nhiệt đến các vị Quốc trưởng và vị thủ tướng chính phủ, các phái đoàn chính thức của nhiều nước trên thế giới và ngoại giao đoàn.
Chúng ta vừa lắng nghe trong Tin Mừng: “Thánh Giu-se đã làm như lời sứ thần dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24). Những lời này chứa đựng toàn bộ sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó cho thánh Giu-se, sứ mệnh trở nên custos, người gìn giữ. Gìn giữ ai? Gìn giữ mẹ Ma-ri-a và Chúa Giê-su; nhưng việc gìn giữ này ôm trọn toàn thể Giáo Hội, như chân phước Gio-an Phao-lô II đã nhấn mạnh: “Thánh Giu-se đã yêu thương chăm sóc Mẹ Ma-ri-a và vui tươi giáo dục Chúa Giê-su Ki-tô, thánh nhân cũng gìn giữ và bảo vệ nhiệm thể của Đức Ki-tô là Giáo Hội, có Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là hiện thân và khuôn mẫu ” (x. Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).
Thánh Giu-se thực hiện sứ mệnh gìn giữ này như thế nào? Một cách kín đáo, khiêm tốn, trong thinh lặng, và với sự hiện diện liên lỉ và trung tín hoàn toàn, ngay cả những khi thánh nhân không hiểu được. Từ khi đính hôn với Ma-ri-a cho đến khi Chúa Giê-su trong Đền Thờ lúc 12 tuổi, thánh nhân đã yêu thương đồng hành trong mọi giây phút cuộc đời. Thánh nhân ở bên cạnh Hiền Thê Ma-ri-a trong những lúc thanh thản, bình an và trong những giây phút khó khăn đau khổ của cuộc đời: trong hành trình về Bê-lem để kiểm tra dân số và trong những phút giây hồi hộp và vui mừng khi Ma-ri-a hạ sinh con trai đầu lòng; trong thảm kịch chạy trốn sang Ai-Cập và trong việc vất vả tìm kiếm con trẻ trong Đền Thờ; và trong đời sống thường nhật tại Na-da-rét, trong xưởng mộc nơi thánh nhân truyền nghề lại cho Chúa Giê-su.
Thánh Giu-se sống ơn gọi che chở và giữ gìn Mẹ Ma-ri-a, Chúa Giê-su và Hội Thánh như thế nào? Trong tương quan mật thiết và liên lỉ với Thiên Chúa, mở lòng ra cho các dấu chỉ của Chúa, luôn sẵn sàng sống theo kế hoạch của Chúa, chứ không theo ý riêng của mình. Đó cũng chính là điều Thiên Chúa đòi hỏi Đa-vít như trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe: Thiên Chúa không muốn con người xây dựng cho Ngài một căn nhà, nhưng mong muốn con người trung tín với Lời Chúa, với kế hoạch của Chúa. Chính Thiên Chúa sẽ tạo cho con người một căn ngôi nhà, một ngôi nhà được xây dựng trên đá tảng vững chắc là Chúa Thánh Thần. Thánh Giu-se là người “bảo vệ”, “giữ gìn”, bởi vì thánh nhân biết lắng nghe Thiên chúa, biết để cho mình được thánh ý Thiên Chúa hướng dẫn, và chính điều này làm cho thánh nhân có tâm hồn nhạy cảm đối với những người được Thiên Chúa ủy thác; thánh nhân biết đọc những sự kiện cách thực tế, biết chú ý đến những gì đang xảy ra và biết quyết định cách khôn ngoan. Anh chị em thân mến, chúng ta thấy thánh nhân đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa như thế nào: bằng sự sẵn sàng và mau mắn, nhưng chúng ta cũng thấy đâu là trung tâm của ơn gọi Ki-tô hữu; trung tâm của đời sống Ki-tô hữu chính là Chúa Ki-tô. Chúng ta hãy gìn giữ Chúa Ki-tô trong đời sống chúng ta để có thể bảo vệ và giữ gìn tha nhân, bảo vệ và gìn giữ công trình sáng tạo!
Ơn gọi của người bảo vệ và giữ gìn không chỉ liên hệ đến những Ki-tô hữu, nhưng còn đi trước và mang chiều kích nhân bản, nghĩa là liên hệ đến tất cả mọi người. Đó là ơn gọi gìn giữ toàn thể công trình sáng tạo, gìn giữ vẻ đẹp của thiên nhiên, như sách Sáng Thế thuật lại cho chúng ta và như thánh Phan-xi-cô Át-xi-di đã thực hiện: tôn trọng mọi loài thụ tạo của Thiên Chúa và tôn trọng môi trường chúng ta đang sống. Đó là việc gìn giữ con người, chăm sóc tha nhân, chăm sóc mỗi một con người với tình yêu, cách đặc biệt chăm sóc trẻ em, người già và những con người nhỏ bé, yếu đuối là những con người thường chúng ta để sang một bên. Đó là việc chăm sóc lẫn nhau trong gia đình: vợ chồng yêu thương và săn sóc cho nhau, cha mẹ chăm sóc và nuôi nấng con cái, đồng thời con cái cũng chăm sóc và hiếu thảo với cha mẹ. Đó là sống tình bạn cách chân thành, nghĩa là gìn giữ và bảo vệ nhau trong niềm tin, trong sự tôn trọng và trong sự thiện. Xét cho cùng, mọi thứ được trao phó cho con người và đó là trách nhiệm của mọi người. Anh chị em hãy trở nên những người bảo vệ và gìn giữ ân huệ của Thiên Chúa!
Khi con người sống thiếu trách nhiệm đó, khi chúng ta không chăm sóc công trình sáng tạo và không chăm sóc anh chị em mình, thì khi đó xảy ra sự tàn phá và con tim trở nên chai đá. Rất tiếc là trong mọi thời đại đều có những “Hê-rô-đê” đề ra những mưu đồ chết chóc, hủy hoại và làm dơ bẩn khuôn mặt của những con người nam nữ.
Cha muốn xin tất cả những ai có trách nhiệm trong lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, và tất cả những người nam người nữ thiện chí: Chúng ta hãy trở nên những con người gìn giữ và bảo vệ công trình sáng tạo, gìn giữ kế hoạch của Thiên Chúa khắc ghi trong thiên nhiên, chăm sóc nhau và bảo vệ môi trường; chúng ta đừng để những dấu chỉ của việc hủy hoại và sự chết đi vào trong thế giới chúng ta đang sống. Nhưng để “bảo vệ và gìn giữ”, thì chúng ta cũng phải chăm sóc chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng sự ghen ghét, thù hằn và kiêu ngạo làm vẩn đục cuộc sống của chúng ta. Bảo về và gìn giữ có nghĩa là thức tỉnh tâm tình của chúng ta, thức tỉnh con tim, bởi vì nơi con tim xuất phát những ý hướng tốt lành hay xấu xa: những ý hướng xây dựng hay những ý hướng hủy hoại! Chúng ta đừng bao giờ sợ hãi lòng tốt, nhất là đừng bao giờ sợ hãi sự dịu dàng.
Cha muốn ghi nhận thêm điều này: chăm sóc và gìn giữ đòi hỏi sự tốt lành, đòi hỏi sự dịu dàng. Trong Tin Mừng, thánh Giu-se xuất hiện như một con người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần, nhưng tâm hồn thánh nhân đầy tình dịu dàng và hiền lành. Sự dịu dàng và hiền lành không phải là đức tính của kẻ yếu, nhưng mô tả một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng quan tâm, có lòng thương cảm, mở rộng tâm hồn và yêu thương tha nhân. Chúng ta đừng sợ sự tốt lành và tâm hồn dịu dàng!
Hôm nay, cùng với đại lễ thánh Giu-se, chúng ta cử hành ngày khai mạc sứ vụ của Tân Giám Mục Rô-ma, Đấng kế vị thánh Phê-rô; sứ vụ này cũng bao gồm một quyền bính. Chắc chắn rằng Chúa Ki-tô đã trao ban quyền bính cho Phê-rô, nhưng quyền bính ở đây là gì? Với ba câu hỏi của Chúa Giê-su về tình yêu cũng có ba lời mời gọi: hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy, hãy chăm sóc chúng. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng quyền bính đích thực là sự phục vụ; và Đức Giáo Hoàng khi thực hiện quyền bính này cũng phải đi vào chân lý của sự phục vụ có đỉnh điểm nơi Thập Giá của Ki-tô. Đức Giáo Hoàng phải phục vụ trong sự khiêm tốn, phục vụ cách cụ thể, tràn đầy đức tin; phải biết noi gương thánh Giu-se và giống như thánh nhân mở rộng vòng tay để gìn giữ và bảo vệ đoàn dân Thiên Chúa và đón nhận toàn thể nhân loại với lòng trìu mến, cách đặc biệt những người nghèo, những con người yếu đuối, bé nhỏ, là những con người được thánh sử Mát-thêu mô tả trong cuộc phán xét chung về tình bác ái: những con người đói khát, những kẻ xa lạ, những người đau yếu bệnh tật và những ai bị tù đày (x. Mt 25,31-46). Chỉ những ai biết phục vụ bằng tình yêu thì mới biết gìn giữ!
Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô nhắc đến Áp-ra-ham “trông cậy và vững tin, cho dẫu không còn gì để trông cậy” (Rm 4,18). Kiên vững trong niềm trông cậy, bấp chấp mọi nghịch cảnh! Ngày nay khi đối diện với bầu trời đen tối, chúng ta cần nhìn thấy ánh sáng của niềm hy vọng và trao ban niềm hy vọng cho tha nhân. Mỗi người nam và người nữ, bảo vệ và gìn giữ công trình sáng tạo bằng cái nhìn yêu thương trìu mến chính là mở rộng cõi lòng, mở rộng niềm hy vọng, chiếu sáng giữa đám mây mù và đem sức nóng của niềm hy vọng. Đối với chúng ta là những Ki-tô hữu, noi gương Áp-ra-ham, noi gương thánh Giu-se, niềm hy vọng mà chúng ta trao ban cho thế giới là niềm hy vọng của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô, là niềm hy vọng đặt nền trên chính Thiên Chúa.
Giữ gìn Chúa Giê-su với Mẹ Ma-ri-a, bảo vệ toàn thể công trình sáng tạo, chăm sóc con người, đặc biệt những ai nghèo khổ, chăm sóc chính chúng ta: đó chính là sự phục vụ của Giám Mục Rô-ma, nhưng đó cũng chính là sự phục vụ mà mỗi người chúng ta được kêu mời để chiếu sáng ngôi sao của niềm hy vọng. Chúng ta hãy gìn giữ bằng tình yêu những gì Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta.
Cha khấn nguyện sự chuyển cầu Trinh Nữ Ma-ri-a rất thánh, thánh cả Giu-se, các thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, thánh Phan-xi-cô, để ước chi Chúa Thánh Thần đồng hành với sứ vụ mục tử của cha, và cha xin anh chị em: hãy cầu nguyện cho cha. Amen!

Bản dịch từ tiếng Ý của Fx. Đình Phước SDB

(Từ www.vatican.va)

Chú thích:
Nghi thức khai mạc sứ vụ Phê-rô gồm phần trao dây Pallium Giáo Hoàng và trao nhẫn Ngư Phủ.
Dây Pallium nhắc nhớ vị Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,11), vác trên vai con chiên lạc (x. Lc 15,4-7), và 3 câu trả lời yêu mến đáp lại 3 câu Chúa Giê-su Phục Sinh hỏi thánh Phê-rô, và Chúa dạy thánh nhân hãy chăn các con chiên con và chiên mẹ của Ngài (x. Ga 21,15-17).


Nhẫn là biểu hiệu riêng của Giám Mục. Chiếc nhẫn Ngư Phủ được trao cho ĐTC Phan-xi-cô bằng bạc có hình thánh Phê-rô đang cầm chìa khóa, có nghĩa đó là nhẫn chứng thực đức tin và nói lên nghĩa vụ được ủy thác cho thánh Phê-rô là củng cố các anh em mình (x. Lc 22,32). Nhẫn này được gọi là Nhẫn Ngư Phủ vì thánh Phê-rô là Tông Đồ Ngư Phủ (x. Mt 4,18-19). Sau khi tin vào lời Chúa Giê-su (x. Lc  5,5), thánh nhân đã thả lưới và kéo vào bờ mẻ cá lạ lùng (x. Ga 21,3-14).
Trong thánh lễ, ngồi bên trái bàn thờ khoảng 200 Hồng Y và Tổng Giám Mục, cùng với 33 phái đoàn của các Giáo Hội Kitô anh em, đứng đầu là Đức Thượng Phụ Bartolomeo I, Giáo Chủ Chính Thống Constantino bên Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng được coi là vị thủ lãnh danh dự chung của toàn Chính Thống giáo. Các vị lãnh đạo các Giáo Hội Tin Lành, Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, và cả thầy Alois Loeser, tu viện trưởng tu viện Đại kết Taizé bên Pháp. Ở bên trái phía trước bàn thờ là phái đoàn của các tôn giáo bạn, từ Do thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo, đạo Sikh, Jaina và Ấn Giáo, các Linh Mục và chủng sinh.
Bên hông phải bàn thờ là chỗ dành cho 132 phái đoàn chính thức của các nước, bao gồm ông tổng thống Giorgio Napolitano của cộng hòa Italia, Bà tổng thống Cristina Fernández de Kirchner của Argentina, 6 vị vua, 32 vị tổng thống, 3 thái tử, phần còn lại là các thủ tướng chính phủ, phu nhân Tổng thống, hoặc Phó tổng thống, trong đó có Ông Joseph Biden của Hoa Kỳ.
“Xin Thiên Chúa chúc lành và củng cố ơn Thánh Linh để sứ vụ của Đức tân Giáo Hoàng tương ứng với sự cao cả của đoàn sủng mà Chúa đã ban cho ngài”.

No comments:

Post a Comment