Wednesday, February 27, 2013

BUỔI TIẾP KIẾN CUỐI CÙNG CỦA ĐTC BÊ-NÊ-ĐÍC-TÔ XVI






Thứ tư 27 tháng 02 năm 2013

“Anh em trong hàng Giám Mục và Linh Mục,
Các vị chức sắc và toàn thể anh chị em thân mến!
Cha cám ơn tất cả anh chị em đã hiện diện đông đảo ở buổi tiếp kiến cuối cùng trong triều đại Giáo Hoàng của Cha. Cha cám ơn anh chị em! cha cảm động và cha thấy rằng Giáo Hội sống động. Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, vì bầu trời tươi đẹp Ngài ban cho hôm nay trong mùa đông này. Như thánh tông đồ Phao-lô trong bài đọc sách thánh chúng ta vừa nghe, cha tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn và làm cho Giáo Hội không ngừng phát triển, Đấng gieo Lời Ngài và nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu. Trong giây phút này, cha vươn rộng vòng tay đến toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, và cha tạ ơn Thiên Chúa vì trong những năm thi hành sứ vụ thánh Phê-rô, cha đã đón nhận điều đó trong đức tin của Chúa Giê-su Ki-tô, trong đức ái lan tỏa khắp Giáo Hội và trong niềm hy vọng mở ra và hướng chúng ta đến sự sống trọn hảo, hướng đến quê Trời.
Click to open image!Click to open image!Click to open image!Cha nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện, trong sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng tiếp nhận mọi cuộc gặp gỡ, mọi hành trình và mọi cuộc thăm viếng mục vụ. Tất cả được đón nhận trong lời cầu nguyện tín thác vào Thiên Chúa, bởi vì chúng ta ý thức trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa, với sự khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng, và bởi vì chúng ta có thể sống xứng đáng, sống đẹp lòng Thiên Chúa về mọi phương diện, sống xứng đáng với tình yêu của Ngài, và sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành (x. Cl 1,9-10).
Vào giây phút này, trong con người cha có một niềm tín thác lớn lao, bởi vì cha ý thức rằng và tất cả chúng ta cũng biết rằng Lời Chân Lý của Tin Mừng là sức mạnh của Giáo Hội, là sức sống của Giáo Hội. Tin Mừng thanh tẩy và canh tân, làm trổ sinh hoa trái ở bất cứ nơi đâu các cộng đoàn tín hữu lắng nghe và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa trong chân lý và sống tình bác ái. Đây là niềm tín thác của cha, đây là niềm vui của cha.
Ngày 19 tháng 04 năm 2005 khi cha đón nhận sứ vụ thánh Phê-rô, cha luôn tin rằng Thiên Chúa luôn đồng hành với Cha. Như cha đã nhiều lần nhắc đến, giờ đây vẫn còn vang vọng trong tim cha những lời này: Lạy Thiên Chúa, tại sao Ngài lại mời gọi cho con thực hiện điều này và Ngài mời gọi con làm gì? Đó là một gánh nặng trên đôi vai con, nhưng Lạy Chúa, nếu Ngài mời gọi con, thì vâng lời Ngài, con thả lưới. Con xác tín rằng Ngài sẽ hướng dẫn con cho dẫu thân con bất toàn và mỏng dòn. Tám năm sau, cha có thể nói rằng Thiên Chúa thực sự đã hướng dẫn và ở bên cạnh cha, và cha cảm nghiệm được sự hiện diện liên lỉ hàng ngày của Ngài. Tám năm này là một hành trình Giáo Hội mà cha cảm nghiệm được niềm vui và ánh sáng, cảm nghiệm được cả những giây phút khó khăn. Cha cảm thấy như thánh Phê-rô và các tông đồ trên thuyền ở biển hồ Ga-li-lê: Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta những ngày tháng rực rỡ, huy hoàng với những cơn gió nhẹ nhàng; Người ban cho những ngày tươi sáng với những mẻ lưới đầy cá; nhưng cũng có những ngày tháng đầy khó khăn khi mà sóng nước nổi lên, biển động, cùng với những cơn gió ngược chiều, như đã từng xảy ra trong lịch sử Hội Thánh và đang khi đó dường như Chúa đang ngủ say. Cha ý thức rằng trong con thuyền đó vẫn có Chúa hiện diện và cha luôn biết rằng con thuyền Giáo Hội không phải là con thuyền của cha, cũng không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho con thuyền này chìm xuống. Chính Chúa là thuyền trưởng, là Đấng dẫn dắt, chắc chắn qua những con người được Người tuyển chọn theo thánh ý Người. Đó là sự chắc chắn và không thể mơ hồ được. Do đó, tâm hồn cha đầy lòng tri ân và tán tụng Thiên Chúa, bởi vì Ngài luôn ban cho Giáo hội và ban cho cha, lòng thương xót, tình yêu và ánh sáng của Ngài.
Chúng ta đang ở trong năm đức tin, là thời gian cha mong ước đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa được kiện cường trong một thời đại muốn đặt đức tin xuống hàng thứ yếu. Cha mời gọi tất cả anh chị em canh tân niềm tin sắt son và Thiên Chúa và tín thác vào Ngài như trẻ thơ dựa vào đôi tay diệu hiền của Thiên Chúa, với niềm xác tín rằng đôi tay của Ngài luôn nâng đỡ chúng ta và giúp chúng ta bước đi mỗi ngày, cho dẫu chúng ta có đối diện với gian nan  khó nhọc. Cha mong ước rằng mỗi một người chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta Người Con duy nhất của Ngài và là Đấng tỏ lộ một tình yêu vô biên. Cha cũng mong rằng mỗi một người chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì mình là Ki-tô hữu. Một lời cầu nguyện hằng ngày phải được cất lên mỗi buổi sáng là: “Lạy Thiên Chúa của con, con tôn thờ Ngài. Con yêu mến Chúa hết lòng và hết sức lực con. Con cám ơn Chúa vì đã tác tạo nên con, đã cho con làm người Ki-tô hữu …”. Vâng, chúng ta hạnh phúc vì hồng ân đức tin; đó là một sự thiện tuyệt hảo nhất, không ai có thể lấy mất! Chúng ta tri ân Thiên Chúa mỗi ngày vì hồng ân đức tin bằng đời sống cầu nguyện và bằng đời sống ki-tô hữu đích thực. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài cũng chờ đợi chúng ta yêu mến Ngài.
Chỉ một mình Đức Giáo Hoàng thì không thể lèo lái con thuyền của thánh Phê-rô, cho dẫu ngài có trách nhiệm trên hết; và cha không bao giờ cảm thấy cô đơn một mình khi mang niềm vui và sức nặng trong sứ vụ thánh Phê-rô; Thiên Chúa đã ban nhiều người ở bên cạnh cha, họ là những người quảng đại và yêu mến Thiên Chúa và yêu mến Giáo Hội, họ đã trợ giúp cha và ở bên cạnh cha. Các Hồng Y thân mến! sự khôn ngoan, những lời khuyên, tình thân hữu của anh em là những món quà quý giá cho cha; Các cộng sự viên yêu mến của cha, đặc biệt là ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đồng hành và trung thành với cha trong những năm qua; các thành viên trong phủ Quốc Vụ Khanh và trong giáo triều Rô-ma, cũng như các cộng sự viên trong Tòa Thánh: nhiều người âm thầm, nhưng chính sự âm thầm trong cuộc sống hằng ngày với tinh thần phục vụ trong đức tin, trong sự khiêm tốn, lại là một sự nâng đỡ chắc chắc và đầy tín thác cho cha. Cha đặc biệt hướng đến giáo phận Rô-ma, giáo phận thân yêu của cha. Cha không thể quên hàng giám mục và linh mục, những tu sĩ và toàn thể anh chị em giáo dân mà qua những cuộc thăm viếng mục vụ, qua những cuộc gặp gỡ, tiếp kiến, cha luôn dành tình cảm nồng hậu và sâu xa; cha yêu mến tất cả anh chị em, từng người một, không phân biệt một ai; cha yêu mến anh chị em bằng tình yêu mục tử của mọi Mục Tử tốt lành, nhất là của Giám Mục Rô-ma, của đấng kế vị thánh Phê-rô. Với tấm lòng của một người cha, Cha nhớ đến anh chị em trong kinh nguyện hằng ngày của Cha.
Cha ước mong lời chào chia tay và lời cám ơn của cha đến với tất cả mọi người: con tim của Đức Giáo Hoàng mở rộng cho toàn thế giới. Cha cám ơn Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, đại diện cho tất cả các quốc gia. Cha cũng cám ơn những con người đang hoạt động trong lãnh vực truyền thông vì sự phục vụ của họ.
Cha cám ơn mọi người trên khắp thế giới trong những tuần qua đã quan tâm và chia sẻ với cha trong kinh nguyện và trong tình thân hữu. Vâng, Đức Giáo Hoàng không đơn côi một mình, ngay giây phút này đây, cha có thể cảm nghiệm rõ ràng nhất. Đức Giáo Hoàng thuộc về tất cả mọi người và rất nhiều người gần gũi ở bên cạnh ngài. Cha đã nhận được nhiều bức thư, điện tín từ các lãnh tụ quốc gia, các vị chức sắc trong các tôn giáo và những con người tiếng tăm. Nhưng cha cũng nhận được nhiều lá thư từ những con người đơn sơ thành tín, những người viết cho cha bằng cả tấm lòng và giúp cha nhận ra tình cảm của họ dành cho cha, một tình cảm nảy sinh trong Đức Ki-tô, trong Giáo Hội. Những con người này không viết cho cha như họ đang viết cho một đức vua, hay một hoàng tử, hoặc một con người nổi tiếng nào đó mà họ không quen biết. Họ viết cho cha như những anh chị em, như những người con trong tương quan gia đình rất thân thương. Ở đây, cha cảm  nghiệm được Giáo Hội là gì; Giáo Hội không phải là một cơ quan, không phải là một tổ chức vì lợi ích con người, vì lợi ích tôn giáo, nhưng Giáo Hội là một thân thể sống động, một sự hiệp thông trong tình huynh đệ của các anh chị em trong Thân Thể huyền nhiệm của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng hiệp nhất tất cả chúng ta với nhau. Cảm nghiệm Giáo Hội như thế và có thể nếm hưởng được sức mạnh của chân lý và tình yêu, sẽ là động lực cho niềm vui, niềm hạnh phúc, trong một thời đại mà con người bàn quá nhiều đến sự suy thoái của Giáo Hội; nhưng ngày nay chúng ta thấy Giáo Hội sống động biết bao”.
Trong những tháng gần đây, cha thấy sức khỏe của cha đã suy giảm đáng kể, và trong kinh nguyện cha đã cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho cha để cha có thể quyết định đúng đắn, không phải cho cha, những vì lợi ích của Giáo Hội. Cha đã ý thức trọn vẹn về hệ quả và cũng như tính chất mới mẻ của quyết định này, nhưng tâm hồn cha cũng tràn đầy thanh thản. Yêu mến Giáo Hội cũng có nghĩa là can đảm để có những chọn lựa khó khăn, đau khổ, vì lợi ích của Giáo Hội, chứ không phải vì lợi ích riêng tư.
Cho phép cha nhớ lại ngày 19 tháng 4 năm 2005. Tính chất quan trọng của quyết định thời bấy giờ hệ tại ở việc cha sẽ phục vụ Thiên Chúa mãi mãi. Mãi mãi – những ai phục vụ trong sứ vụ thánh Phê-rô thì không dành riêng gì cho mình. Hoàn toàn và mãi mãi tận hiến cho mọi người, cho Giáo Hội. Chúng ta có thể nói đời sống của ngài hoàn toàn tước bỏ chiều kích riêng tư. Cha cũng đã cảm nghiệm như thế, và cha đang cảm nghiệm trong giây phút này đây, rằng những ai trao ban sự sống sẽ đón nhân sự sống. Cha đã từng nói rằng nhiều người yêu mến Thiên Chúa cũng yêu mến đấng kế vị thánh Phê-rô. Đức Giáo Hoàng thật sự có những người anh, người chị, có những người con trên thế giới này, và ngài cảm nghiệm được vòng tay yêu thương và hiệp thông của anh chị em. Bởi vì ngài không thuộc về chính mình, nhưng thuộc về mọi người, và mọi người thuộc về ngài.
Tính chất “mãi mãi” cũng mang ý nghĩa “vĩnh viễn”, nghĩa là không dành cho chính mình. Quyết định từ chức của cha khỏi sứ vụ mục tử thánh Phê-rô, không thu hồi điều này. Cha không sống cuộc sống hàng ngày của mình với những cuộc viếng thăm mục vụ, với những buổi tiếp kiến, với những bài nói chuyện, với những diễn văn, vân vân. Cha không rời bỏ thánh giá, nhưng cha tiếp cận Chúa Giê-su chịu đóng đinh với một cách thức mới. Cha không còn quyền năng cai quản Giáo Hội, nhưng phục vụ Giáo hội bằng đời sống cầu nguyện của mình, có thể nói rằng, để bảo vệ Giáo Hội. Thánh Biển Đức, vị thánh mà cha lấy niên hiệu, sẽ là mẫu gương tuyệt vời cho cha. Thánh nhân đã cho chúng ta thấy con đường dẫn đến sự sống, thụ động hay hoạt động, là một đời sống hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa.
Cha cám ơn tất cả anh chị em, từng người một; anh chị em đã đón nhân quyết định quan trọng này của cha. Cha vẫn tiếp tục đồng hành với Giáo hội với lời cầu nguyện và suy tư, bằng việc tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho Hội Thánh, hiền thê của Ngài, mà cha đã sống và tận hiến cho đến ngày hôm nay và cha vẫn muốn sống cho Giáo Hội luôn mãi. Anh chị em cũng hãy nhớ đến cha khi cầu nguyện với Chúa, cách đặc biệt anh chị em hãy cầu nguyện cho các vị Hồng Y, là những người được trao phó một nhiệm vụ quan trọng, và hãy cầu nguyện cho vị Giáo Hoàng tương lai, đấng sẽ kế vị thánh Phê-rô: Ước gì Thiên Chúa đồng hành với ngài với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Mẹ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của Giáo Hội, để Mẹ đồng hành với từng người chúng ta và đồng hành với toàn thể Giáo Hội; với lòng tin tưởng chúng ta hãy phó dâng cho Mẹ.
Anh chị em và các bạn hữu thân mến, Thiên Chúa hướng dẫn Hội Thánh, Ngài nâng đỡ Hội Thánh ngay cả trong những lúc khó khăn thử thách. Chúng ta không được đánh mất viễn cảnh đức tin như thế, là viễn cảnh duy nhất và đích thực cho hành trình của Giáo Hội và của thế giới. Ước gì xác tín niềm vui và hân hoan rằng Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta, rằng Ngài không từ bỏ chúng ta bao giờ, rằng Ngài luôn gần gũi chúng ta và trao ban tình yêu của Ngài, luôn hiện diện trong tâm hồn chúng ta, trong con tìm từng người một”.
ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI

© Copyright 2013 - Libreria Editrice Vaticana
Bản dịch từ tiếng Ý của FX. Phạm Đình Phước SDB

Wednesday, February 20, 2013

TẶNG NHAU NỤ CƯỜI



                  


Mẹ Têrêsa thành Calcutta kể lại như sau:

“Nhiều người đến thăm tôi tại Calcutta và trước khi ra về thường ngỏ ý với tôi: Xin cho chúng tôi một lời khuyên để chúng tôi sống tốt đẹp hơn.”

Tôi liền bảo họ: “Quí vị hãy về và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ của ông. Một nụ cười cho chồng của bà. Một nụ cười cho con cái của ông bà. Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai. Với những nụ cười tươi như thế quí vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương”.

Thánh Phao-lô khích lệ chúng ta: “Hãy vui luôn, hãy cầu nguyện luôn, hãy cảm tạ mọi lúc, vì Thiên Chúa muốn cho tất cả anh chị em làm như vậy trong Ðức Giêsu Kitô” (1Tx 5,16-18).

Truyền thống phương tây nhắc chúng ta: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”; và tác giả thánh vịnh gợi cho chúng ta nhớ rằng: “Chúa là hoan lạc tuổi xuân con”.

Cuộc sống mỗi ngày có những niềm vui. Chúng ta được mời gọi để đón nhận những niềm vui được trao ban từ tấm lòng, từ bàn tay, từ nụ cười của Thiên Chúa yêu thương.
Fx. Phạm Đình Phước SDB

Friday, February 15, 2013

LINH ĐẠO SA-LÊ-DIÊNG: LỐI ĐƯỜNG NÊN THÁNH



 
1. Nên thánh: quà tặng Thiên Chúa dành cho con người
Thiên Chúa là Đấng Thánh, như Ngài tỏ lộ trong Thánh Kinh: “Ta là Đấng Thánh”  (Lv 19,2 và 20, 26). Sự thánh thiện chính là kế hoặch Thiên Chúa dành cho con người: “Người đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện” (Ef 1,4). Chúa Ki-tô, con Thiên Chúa, Đấng được ca tụng là “Đấng Thánh duy nhất”, đã yêu Hội Thánh như hiền thê của mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội Thánh. Vì thế, Hội Thánh là “dân thánh của Thiên Chúa” (x. LG 12) và các thành viên của Hội Thánh được gọi là thánh (x. Cv 9,13). Tất cả các công việc của Hội Thánh đều hướng về cứu cánh là thánh hóa loài người trong Đức Ki-tô và tôn vinh Thiên Chúa. Như vậy, chính trong Hội Thánh, chúng ta đạt đến sự thánh thiện nhờ ơn Thiên Chúa (x. LG 48).
2. Linh đạo Sa-lê-diêng
Linh Đạo có nghĩa là con đường thiêng liêng, phương pháp tâm linh, dẫn con người tới Thiên Chúa, tới sự thánh thiện. Hạn từ «linh đạo» muốn nhấn mạnh và đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc nên thánh và trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu.
Vào mùa xuân năm 1855, Đa-minh Sa-vi-ô được thu hút bởi bài giảng tuần đại phúc của Don Bosco nhấn mạnh vào ba điểm chính yếu: “1. Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh; 2. nên thánh không phải là một điều quá khó; 3. nên thánh là phần thưởng của Thiên Chúa dành cho con người” (Don Bosco, Vita del giovanetto Savio Domenico, Torino 1859, 50). Đa-minh Sa-vi-ô mang trong mình khao khát mãnh liệt trở nên thánh thiện. Dưới mái trường của Don Bosco, Đa-minh Sa-vi-ô được tuyên phong hiển thánh năm 1954 và trở thành vị thánh hiển tu trẻ nhất trong lịch sử giáo hội.
Don Bosco đã vạch ra cho giới trẻ và cho những ai sống theo đoàn sủng của ngài một linh đạo, một con đường nên thánh, để trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng Thiện Hảo” (Mt 5,48).
2.1. Một linh đạo về tình yêu
Don Bosco đã sống một kinh nghiệm thiêng liêng và giáo dục gọi là “phương pháp giáo dục dự phòng”. Đó chính là tình yêu tự hiến mình và thực thi đức ái. Đó là việc đón nhận mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên nghèo khổ, để họ cảm nghiệm tinh thần gia đình, sự thân ái và đối thoại, sống lạc quan và vui tươi. Đồng thời đó cũng là lối sống cởi mở và thân tình, sẵn sàng đi bước trước và luôn tiếp đón với lòng nhân hậu, kính trọng và kiên nhẫn (x. Juan E. Vecchi, Spiritualità salesiana, Elledici, Torino 2001, 52 -55).
Giới trẻ không những chỉ được yêu, nhưng còn phải ý thức được rằng họ đang được yêu thương. Đó là thái độ điềm tĩnh quân bình của nhà giáo dục biết đồng hành với giới trẻ, như một người bạn trưởng thành và có trách nhiệm. Đó đích thực là một đức ái, đó là tin mừng đầy nhân ái và nhẫn nại có thể chịu đựng mọi sự và loại trừ mọi phiền toái trong cuộc đời.
Linh đạo về tình yêu này được diễn tả qua lòng ưu ái đối với thanh thiếu niên mà Don Bosco để lại cho các sa-lê-diêng: “Chỉ cần các con còn trẻ là đủ để cha hết lòng thương yêu các con” (Don Bosco, Il Giovane Provveduto, Torino 1847, 7). Vì lợi ích của các em, những người tu sĩ sa-lê-diêng không ngừng quảng đại cống hiến thời giờ, tài năng và sức khỏe cho chúng: “Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng cả đến mạng sống”.
2.2. Một linh đạo cho giới trẻ
Don Bosco được trao tặng danh hiệu “cha, thầy và bạn” của giới trẻ và linh đạo của ngài hướng tới giới trẻ. Tuy nhiên, không chỉ dành cho “giới trẻ” theo tuổi tác, nhưng cho bất cứ những ai sống tinh thần trẻ trung, vì Nước Trời thuộc về những ai có tâm hồn như họ (x. Mt 19, 14).
Theo tinh thần của Don Bosco, nhiều bạn trẻ đã sống sung mãn sự phục vụ của mình giữa các bạn đồng trang lứa và với con tim của Don Bosco, họ dấn thân hết mình vì “vinh danh Thiên Chúa, và phần rỗi các linh hồn”. 
Người trẻ mang trong mình con tim hăng nồng và niềm say mê: đó là “tấm lòng” của họ. Đó là sự ham thích, nhiệt tình, ước muốn, tìm thấy hứng thú trong các công việc, sự sẵn sàng, cảm thấy được lôi kéo đến với những người có nhu cầu hơn, không bỏ cuộc, chấp nhận các rủi ro và phục vụ cách vui vẻ (x. Juan E. Vecchi, Spiritualità salesiana, Elledici, Torino 2001, 100-102). Chính ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI cũng mời gọi các bạn trẻ rằng: “Trong lộ trình tiến về Đức Kitô, các con hãy thu hút bạn bè của các con, những người bạn trong trường học, trong nơi làm việc, làm sao để cho họ cũng nhận biết Đức Kitô và tuyên xưng niềm tin vào Ngài như Đấng là chủ sự sống của họ”.
 2.3. Một linh đạo của niềm vui và lạc quan
Niềm vui và lạc quan rất cần thiết cho giới trẻ. Don Bosco ý thức rằng đời sống của một đứa trẻ được thêu dệt bằng những trò chơi, niềm vui và tự do, và vì thế cần tôn trọng niềm vui nơi chúng. Đó cũng là linh đạo của các ki-tô hữu, luôn sống trong an vui, vì có Chúa ở cùng: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi” (Pl 4, 4).
Người tu sĩ sa-lê-diêng lạc quan và tin tưởng nơi năng lực của người trẻ. Họ không nản lòng trước những khó khăn, bởi hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa là Cha (x. MB VII, 524). Họ luôn sống vui tươi, vì là người loan báo Tin Mừng (x. Pl 3,1). Hơn nữa, họ làm lan tỏa niềm vui này và biết giáo dục con người sống niềm vui đời Kitô hữu và sống tinh thần ngày lễ: "Chúng ta hãy phụng sự Chúa trong niềm vui thánh" (Tv 99, 2; Don Bosco, Il Giovane Provveduto, Torino 1847, 6).
Con người cần sống một cuộc đời tràn ngập niềm vui như lòng tri ân Thiên Chúa vì ân huệ Ngài ban cho. Truyền thống sa-lê-diêng nêu lên rằng: “hãy can đảm và hãy sống trong niềm vui, vì đó chính là dấu chỉ của một con người yêu mến Thiên Chúa thật nhiều” (Thánh Maria Domenica Mazzarello).
3. Linh đạo Sa-lê-diêng: lối đường nên thánh
Châm ngôn tóm tắt linh đạo Sa-lê-diêng chính là “Da mihi animas”, xin cho tôi các linh hồn, và theo như thánh Âu-tinh thì việc tìm kiếm các linh hồn chính là điều thiêng liêng nhất. Khoa sư phạm của Don Bosco và của người Sa-lê-diêng chính là khoa sư phạm của linh hồn, của sự siêu nhiên. Don Bosco nói rõ điều này trong tiểu sử Micae Magone. Cậu bé từ đường phố đến sống tại nguyện xá. Cậu thấy hài lòng, và về nhân bản là một đứa bé tốt: hồn nhiên và thành thật, chơi đùa, học tập, có nhiều bạn bè. Dần dần cậu hiểu biết đời sống ân sủng, tương quan với Thiên Chúa và sống tương quan ấy (x. Francis Desramaut, Spiritualità salesiana. Cento parole chiave, LAS, Roma 2001, 556 -557).  
Lối đường nên thánh của Sa-lê-diêng có thể tóm gọn trong những chiều kích sau: phục vụ Chúa trong niềm hân hoan, nghĩa là chu toàn bổn phận trong niềm vui; biết làm cho mình được yêu mến; và sống mật thiết với Thiên Chúa, đặc biệt với Chúa Giê-su trong đời sống hằng ngày (x. E. Viganò, thư gởi các tu sĩ Sa-lê-diêng 24.09.1983, ACS 310, 8-19).
Sự thánh thiện không chỉ hệ tại ở những việc làm phi thường, nhưng còn biểu lộ trong đời sống hằng ngày bằng cách sống chiều kích thần linh những việc làm đơn sơ. Thiên Chúa ở bên cạnh chúng ta trong cuộc sống thường nhật. Là học sinh - sinh viên, là những người thợ, là người buôn bán, hay những người đang bương chải với cuộc sống, một khi chúng ta làm tốt công việc của mình, theo ý ngay lành, hướng tới sự phục vụ bác ái, thì chúng ta sống gần Chúa. Đó chính là sự thánh thiện hằng ngày: tương quan mật thiết với Thiên Chúa.
Khi làm việc, khi học tập, khi ở nhà hay khi dạo phố cùng bạn bè, người trẻ có thể tìm những giây phút ngắn ngủi để sống tương quan với Thiên Chúa. Như vậy, ngày sống của người trẻ trở nên hữu ích, tốt đẹp và ý nghĩa, đồng thời diễn tả một sự dấn thân mạnh mẽ vào những trách nhiệm mà họ đảm nhận. Từ đây sẽ nảy sinh những thao thức để sống tốt hơn đối với tha nhân và với những gì họ đang thực hiện, ví dụ kiên nhẫn hơn, cẩn thận hơn, trung tín hơn, hiền lành hơn, nhân đức hơn. Sống ý nghĩa cuộc sống của mình sẽ làm nảy sinh trong người trẻ thao thức làm tông đồ trong môi trường sống. Nên thánh là trở nên những nhân chứng vĩ đại cho phẩm giá con người, chứng nhân cho Chúa Giê-su chết và phục sinh, chứng nhân cho ơn gọi của con người trong Chúa Giê-su.
Sự thánh thiện là quà tặng quí báu nhất mà mỗi một tu sĩ Sa-lê-diêng có thể trao ban cho thanh thiếu niên. Đó là một lý tưởng sống không quá xa vời, nhưng nằm trong tầm tay của họ. Quả thật, sự thánh thiện là điểm tới của cuộc hành trình mà mỗi chúng ta đang tiến bước (x. Lumen Gentium, chương V).

Fx. Phạm Đình Phước SDB