Sunday, April 29, 2012

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: ĐAM MÊ THIÊN CHÚA VÀ PHỤC VỤ THA NHÂN


 

Giống như người phụ nữ Sa-ma-ri, mỗi tu sĩ cũng được mời gọi gặp gỡ Chúa Giê-su để khám ra ý nghĩa cuộc sống, tìm kiếm hạnh phúc trong đời tu và trong sự phục vụ, trở thành chứng nhân và người loan báo sứ điệp Tin Mừng.
Người tu sĩ: tìm kiếm vẻ đẹp và chân lý
Tông Huấn Vita consecrata chọn đoạn Tin Mừng Chúa Hiển Dung (x. Mt 17, 1- 9) làm biểu tượng cho đời sống thánh hiến[1] và nêu bật lên rằng đời tu ngày nay cần thiết phải cùng đồng hành với Chúa Giêsu để kinh nghiệm về Thiên Chúa và tìm kiếm cái đẹp (Pulchrum). Người tu sĩ trải qua kinh nghiệm của ngôn sứ Giêrêmia: “Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20, 7).
Người tu sĩ được thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa, say mê chiêm ngưỡng Chúa, ở kề bên Chúa, đàm đạo với Ngài, để rồi phản chiếu dung nhan rạng ngời của Ngài (x. VC 27). Với vẻ đẹp trong khung cảnh biến hình trên núi và với việc chiêm ngắm dung mạo Chúa Kitô biến hình, người tu sĩ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, tìm cách diễn lại nơi chính mình, “nếp sống Con Thiên Chúa đã chọn khi Ngài xuống thế”, để mọi người có thể nhận thấy Chúa Kitô nơi khuôn mặt, nơi cuộc sống và sự phục vụ của họ.
Biểu tượng “người Sa-ma-ri”
Hội nghị quốc tế về đời sống thánh hiến năm 2004 thổi một luồng khí mới vào đời sống thánh hiến và thêm vào hai biểu tượng: người phụ nữ Sa-ma-ri (x. Ga 4) và người Sa-ma-ri nhân hậu (x. Lc 10) để diễn tả niềm đam mê (cơn khát) về Thiên Chúa và sự phục vụ tha nhân của người tu sĩ.[2] Thông điệp ở đây mang chiều kích yêu thương cụ thể: nhìn thấy Thiên Chúa trong tha nhân, loan báo Thiên Chúa và hướng đến người anh em đang đau khổ, bệnh tật, hay bị bỏ rơi. Với hành trình thiêng liêng của người phụ nữ Sa-ma-ri và người Sa-ma-ri nhân hậu, chúng ta hãy cùng nhau đưa các biểu tượng này vào đời sống cụ thể trong mỗi trạng huống của đời sống tu sĩ thánh hiến.
Tại Do Thái thời Chúa Giêsu, người sa-ma-ri được xem là người ngoại, không có quyền lợi đặc biệt trong đời sống xã hội và tôn giáo. Điều này đều được nhắc đến trong hai đoạn tin mừng về người phụ nữ Sa-ma-ri (x. Ga 4) và người Sa-ma-ri nhân hậu (x. Lc 10). Người phụ nữ ngạc nhiên vì Chúa Giêsu khởi đầu câu chuyện bên giếng nước và các môn đệ không hài lòng về việc làm của Chúa Giêsu. Cũng vậy, thái độ của người Sa-ma-ri nhân hậu săn sóc người anh em bị hại là một ‘scandal’ cho nhà thông luật và vị tư tế.
Trở thành người Sa-ma-ri, theo hai dung mạo này, nghĩa là chấp nhận sự từ bỏ, chấp nhận sự ruồng bỏ của thế giới và của xã hội. Thánh Phao-lô diễn tả điều này trong cuối lá thư viết gởi tín hữu Ga-lát: “Tôi chịu đóng đinh vì thế giới” (Gl 6, 14). Thánh Gio-an cũng nêu lên rằng: “thế gian sẽ ghét bỏ anh em” (Ga 15, 18). Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta từ bỏ những thú vui và những niềm thụ hưởng trong thế giới này, nghĩa là chúng ta sống cách nghèo khó (về kinh tế và về quyền lực), sống khiêm tốn và có thể là đối tượng của những thành kiến.
Cần thiết trở lại nguồn gốc và nền tảng của đời sống thánh hiến là Chúa Giêsu, để không ngừng bước theo Ngài, bắt chước và sống như Ngài đã sống và đã hiến trọn tình yêu cho Thiên Chúa và cho tha nhân.[3]
“Cơn khát” Thiên Chúa (Ga 4, 1-42)
Tường thuật của thánh Gio-an kể rằng Chúa Giêsu đi đường mệt và khát nước. Người đến bên giếng nước Gia-cob, gần núi Ga-ri-zim và làng Si-car. Tại đó, có người phụ nữ Sa-ma-ri đến gánh nước và Người xin chị nước uống. Chúa Giêsu khởi đầu câu chuyện và Người tiếp tục cuộc đối thoại (x. Ga 4, 10). Người tỏ mình là “ân sủng của Thiên Chúa” và là “nguồn nước trường sinh”.
Người phụ nữ không hiểu ý nghĩa những gì Chúa Giêsu đang nói, bởi vì nhiệm vụ của chị chỉ là múc nước ra khỏi giếng và đem về nhà. Nhưng Chúa Giê-su nói với chị rằng ai uống nước này, sẽ lại khát. “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 13-14).
Chúa Giêsu là món quà đời sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Người. Từ đây nảy sinh sự quan tâm về sự thiện hảo và về những nhu cầu sâu xa của người phụ nữ Sa-ma-ri: cơn khát về ý nghĩa cuộc sống, về hạnh phúc và về sự cứu độ. Cách tiệm tiến, Chúa Giêsu đã khơi lên nơi người phụ nữ Sa-ma-ri ‘ước muốn’ sống hạnh phúc và tìm thấy chính Ngài là đấng Phu Quân vĩnh cửu.
Giống như người phụ nữ Sa-ma-ri, người tu sĩ cũng được mời gọi gặp gỡ Chúa Giêsu, nguồn mạch nước hằng sống, để khám phá ý nghĩa cuộc sống, tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống và sự phục vụ, trở thành người đáng tin cậy và nhà loan báo nước Chúa. Thế giới này cần những chứng nhân (Phao-lô VI) là những người không chỉ nói về Thiên Chúa, mà còn là những người kinh nghiệm về Thiên Chúa, đã gặp gỡ Ngài và vì thế khao khát loan báo Ngài cho thế giới.
Như người phụ nữ Sa-ma-ri, đời sống thánh hiến nhiều khi bị rơi vào sự trống rỗng, rơi vào “đêm tối” của đời sống thiêng liêng và không hài lòng với chính đời tu. Như người phụ nữ Sa-ma-ri, việc gặp gỡ Chúa Giêsu đem lại cho đời sống thánh hiến niềm vui, nhiệt tâm và đam mê trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Cuộc gặp gỡ bên giếng nước Gia-cóp đã làm biến đổi người phụ nữ Sa-ma-ri, khiến chị ta tràn đầy ơn sủng Thánh Thần, khai lòng mở trí, hâm nóng tâm hồn và khiến chị trở thành môn đệ loan báo nước Chúa. Đó cũng là điều cần thiết cho đời sống thánh hiến! Chỉ Chúa Giêsu là nền tảng, chỉ có Chúa Giêsu xứng đáng với tình yêu, và chỉ có Ngài là lý do cho sự hiện hữu và hoạt động của người tu sĩ.
Phục vụ tha nhân (Lc 10, 25-37)
Thánh Lu-ca tường thuật dung mạo người Sa-ma-ri nhân hậu trong khung cảnh của một dụ ngôn khi Ngài trả lời câu hỏi của vị thông luật về điều răn cao trọng nhất. Chúa Giêsu, nhà sư phạm vĩ đại, lý giải vấn nạn nhà thông luật nêu ra, đồng thời hướng ông ta đến đời sống vĩnh cửu bằng tình yêu, chứ không phải dựa trên những hoạt động của lý trí.[4] Quả vậy, Chúa Giêsu nói với ông rằng: “hãy đi và làm như vậy”.
Cũng có thể xảy ra như vậy đời sống thánh hiến, nghĩa là những tu sĩ có một tri thức nhất định về Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu, và họ nghĩ rằng như vậy là đủ để đạt được ơn cứu độ. Cần thiết phải xác định rằng ơn cứu độ là một ân ban của Thiên Chúa, và được thực hiện trong tình yêu: tình yêu hiến tế của Chúa Giêsu trên thánh giá.
Trong dụ ngôn này, “tha nhân”, “người thân cận” là mục đích chính. Quả vậy, người Sa-ma-ri nhân hậu nhìn thấy người bị nạn và chạnh lòng thương. Anh ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Anh lấy tiền ra, trao cho chủ quán và nhờ săn sóc cho chu đáo, nếu có tốn kém thêm bao nhiêu thì anh sẽ trang trải hết. Anh trở thành người thân cận và thực hành điều Thiên Chúa dạy: “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình" (Mt 22,37-39; Lc 10,27).
Người tu sĩ được kêu mời trở thành “người thân cận” của bất cứ ai trong những trạng huống cần giúp đỡ và những ai dấn thân trong lãnh vực bác ái hướng đến tha nhân trở thành người thân cận của họ.
Tinh thần phục vụ là một trong những món quà đẹp nhất mà các tu sĩ gửi tặng thế giới và gởi tặng con người. Sự phục vụ thể hiện tình yêu vị tha của họ, noi gương Chúa Kitô, đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Đó cũng là cách thể hiện một tình yêu “không tìm lợi ích cho riêng mình nhưng tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2, 4) cho đi mà không đợi được đáp lại.
Đối với tu sĩ Sa-lê-diêng, niềm đam mê “Da mihi animas” của Don Bosco chính là niềm đam mê về Chúa Giêsu và niềm đam mê về sự phục vụ giới trẻ. Như vậy, họ trở thành một “dấu chỉ và người mang tình yêu” của Thiên Chúa cho thanh thiếu niên, cách đặc biệt những em nghèo khổ: một tình yêu nhập thế, tình yêu dành cho con người: “yêu mến đến cùng” (Ga 13,1).
“Cha nguyện hứa với Chúa rằng cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời, cha sẽ dành cho thanh thiếu niên của Cha” (Don Bosco).

No comments:

Post a Comment