Tuesday, April 3, 2012

"ANH EM HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ NHỚ ĐẾN THẦY"

 
Gọi là Tam Nhật Thánh, vì chúng khiến cho chúng ta sống trở lại biến cố chính của ơn cứu độ, đưa vào trọng tâm của đức tin Kitô giáo: cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đó là những ngày mà chúng ta có thể coi như một ngày duy nhất, vì chúng là trọng tâm của toàn năm phụng vụ cũng như của đời sống Giáo Hội.[1]
Với thánh lễ tưởng niệm bữa tiệc ly, Giáo Hội bắt đầu Tam Nhật thánh. Trong thánh lễ này Giáo hội tưởng niệm ba sự việc: thiết lập bí thánh thể, chức linh mụcgiới răn yêu thương. Các bài đọc sách thánh nói lên ba yếu tố trên đây và gợi ý tới mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô (bài đọc 1: Xh 12,1-8.11-14), việc lập bí tích thánh thể và chức linh mục (bài đọc II: 1Cr 11,23-26) và ban giới răn mới và cử chỉ khiêm nhường nên gương cho tất cả, qua nghi thức rửa chân (bài phúc âm: Ga 13,1-15). Nghi thức rửa chân cũng cho thấy việc Con Thiên Chúa hạ mình cho đến chết để nên hiến tế cho nhân loại, nên gương cho các môn đệ đi theo Chúa Giêsu. 

THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ
THỜI GIAN
Tiệc thánh thể được cử hành trong tiệc vượt qua, đó là bữa tiệc ly của Chúa Giêsu.
Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật rằng: «Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” .... Chiều đến, Đức Giê-su và Nhóm Mười Hai cùng tới» (Mc 14, 12.17). Như vậy, ngày thứ nhất trong tuần ăn bánh không men là ngày sát tế chiên vượt qua thì bữa tiệc ly là tiệc vượt qua, và Chúa Giêsu mừng lễ Vượt Qua vào thứ Năm.
Còn theo thánh Gioan, Chúa Giêsu chết sau 12 giờ trưa ngày thứ Sáu, vào lúc chiên vượt qua bị sát tế tại đền thờ và sau đó các gia đình mới ăn lễ Vượt Qua. Như thế thì bữa tiệc ly không phải là bữa tiệc Vượt Qua, mà chỉ có khung cảnh hoặc hướng tới lễ Vượt Qua mà thôi. “Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha - đã mến yêu các kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian - thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng” (Ga 13,1).
CÁC BẢN VĂN
Thánh Kinh Tân Ước ghi lại cho chúng ta 4 bản văn tường thuật việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể:
Mt 26, 26 – 29
Mc 14, 22-25
Lc 22, 19-20
1 Cor 11, 22-25
26 Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói : "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy."
27 Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói : "Tất cả anh em hãy uống chén này, 28 vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội".
22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói : "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy."
23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. 24 Người bảo các ông : "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người".
19 Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói : "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy."
20 Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói : "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em“.
23 Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, 24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em ; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."
 25 Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói : "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."
Truyền thống ghi nhận rằng bản văn trong thư của Thánh Phaolô (1Cr 11,23-25) là bản văn thành hình sớm nhất. Bản văn này mang tính chất phụng vụ, có khuynh hướng giải thích Lời Đức Giêsu cho rõ hơn và cũng có suy tư thần học sâu xa nhất.
Những khác biệt trong các bản văn
Trước hết, Mat-thêu và Mác-cô tường thuật lời Chúa Giêsu: «Đây là mình Thầy», trong khi đó Lu-ca và thánh Phao-lô thêm chữ ‘hiến tế vì anh em’: «Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em». Hơn nữa, chỉ có Lu-ca và Phao-lô tường thuật lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu: «Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy», trong khi Mat-thêu và Mác-cô không đề cập đến.
Thứ đến, trong Mathêu và Mác-cô thì ‘Máu’ là chủ thể: «Đây là máu Thầy, máu Giao Ước», còn trong Lu-ca và Phao-lô thì nói đến “Giao Ước” trong máu Chúa Giêsu: «Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy». Mt và Mc nhấn mạnh đến “máu giao ước” (x. Xh 24, 8) qui chiếu về giao ước Si-nai khi Môsê lấy máu mà rảy trên dân; còn Lc và Phao-lô thì nói đến “giao ước mới” mà tiên tri Giê-rê-mi-a 31,31-34 đã công bố. Một điều cần lưu tâm nữa là Mt và Mc nhấn mạnh đến «đổ ra cho muôn người» liên hệ tới Is 53, 13; còn Lc và Phao-lô ám chỉ trực tiếp đến các môn đệ:  «máu đổ ra vì anh em».
Tóm lại, hai truyền thống Mt-Mc và Lc-Phaolô đều xác định những lời tuyên bố và hành động của Đức Giêsu, «Đây là Mình Thầy» (= Thịt của Chúa Giêsu) và «Đây là Máu Giao Ước của Thầy, đổ ra cho nhiều người» (=Giao Ước trong Máu Thầy) đã thật sự trở nên Bữa Tiệc Giao Ước, bữa tiệc Giao Ước mới, bữa tiệc Thánh Thể.

Ý NGHĨA THẦN HỌC
«Accépit panem et gratias» - «Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng»
Bí tích Thánh Thể được gọi là Lễ Tạ Ơn, vì đây chính là việc tạ ơn Thiên Chúa.  Hai hạn từ Hy Lạp eucharistein (x. Lc 22,19; 1Cr 11,24) và eulogein (x. Mt 26,26; Mc 14,22), xuất phát từ hạn từ Berakha là lời cầu nguyện tạ ơn và chúc tụng trong truyền thống Do Thái, đặc biệt trong bữa ăn, ca ngợi Thiên Chúa vì những kỳ công Người đã thực hiện: sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.
Không thể dùng bữa mà không tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa bởi những ân huệ Ngài ban. Chúng ta cũng thấy điều này trong 1 Tm 4, 4 và trong Ga 6 ,11 (hóa bánh ra nhiều). Trong lời truyền phép, niềm tri ân trở thành lời chúc tụng và biến đổi. Giáo hội dùng lời truyền phép như lời cầu nguyện cùng với Chúa Giêsu: đây là phần trong tâm của chúc tụng và tạ ơn, qua đó ân sủng được Thiên Chúa tiếp tục tặng ban trong Thịt và Máu của Chúa Kitô.
«Fregit et dedìtque discìpulis suis» - «Bẻ ra và trao cho các môn đệ»
Nghi thức bẻ bánh cho mọi người là chức năng của người cha trong gia đình theo truyền thống Do Thái. Hành động này muốn nói đến Thiên Chúa là người cha trao ban ân sủng cho con cái, trao ban những sản phẩm từ quả đất cho nhu cầu cuộc sống con người. Đó cũng là dấu hiệu của lòng hiếu khách khi khách viếng thăm và dùng bữa trong gia đình.
Bẻ bánh và chia sẻ tạo nên sự hiệp thông. Cử chỉ “bẻ bánh” mang ý nghĩa trao ban, là chia sẻ và hiệp nhất. Điều này khiến cho bữa tiệc của Chúa Giêsu có chiều kích đặc biệt và mới mẻ: Người trao hiến chính mình. Sự thiện hảo của Thiên Chúa được mô tả trong việc phân phát ân sủng, giờ đây mang một ý nghĩa trọn hảo nhất vì chính Con Thiên Chúa trao ban chính mình.[2]
Trong sách công vụ tông đồ và trong thời giáo hội sơ khai, việc bẻ bánh, “fractio panis”, diễn tả bí tích thánh thể. «Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng... ngày ngày siêng năng tới đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ» (Cv 2,42.46) .[3]
Trong Thánh Thể chúng ta đón chào Thiên Chúa, qua người con yêu dấu của Ngài, là Chúa Giêsu chịu đóng đinh và Phục Sinh, Đấng tặng ban chính mình cho nhân loại.
Bẻ bánh và trao ban diễn tả chiều kích “bác ái và yêu thương”, nối kết và hiệp nhất tương quan chiều dọc với Thiên Chúa và chiều ngang với tha nhân.
«Hoc est enim corpus meum» - «Đây là mình Thầy»
Khi Chúa Giêsu nói “mình Thầy”, thì không có nghĩa là nói đến thân thể phân biệt với linh hồn, với tinh thần, mà cách trọn vẹn toàn thể con người, như Chúa nói với các môn đệ: «chính Thầy đây» (Mt 14, 27; Ga 6, 20).
Nhờ lời của Ðức Ki-tô và quyền năng của Thánh Thần, những tặng phẩm của thiên nhiên là bánh và rượu trở nên Mình và Máu Ðức Ki-tô. Như thế, Ðức Ki-tô thực sự hiện diện và hiện diện một cách huyền nhiệm. «Qua lời truyền phép trên bánh rượu, trọn vẹn bản thể bánh biến thành bản thể Mình Thánh Chúa Ki-tô và trọn vẹn bản thể rượu biến thành bản thể Máu Thánh Người».[4] (DS)
Cách thức Ðức Ki-tô hiện diện dưới hai hình Thánh Thể là cách độc nhất vô nhị. Trong bí tích cực thánh, «có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Ðức Ki-tô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Ðức Ki-tô trọn vẹn».[5]
Con người không thể nhận biết sự hiện diện của Mình thật và Máu thật Ðức Ki-tô trong bí tích Thánh Thể bằng giác quan, nhưng chỉ bởi do đức tin mà thôi.[6] Thánh Sy-ri-lô khuyên rằng: «Bạn đừng thắc mắc xem có thật không, tốt hơn nên tin tưởng đón nhận lời của Chúa vì Người là Chân Lý, không bao giờ lừa dối».[7]
«Hoc fácite in meam commemoratione» - «Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy».
Những lời này của Chúa Giêsu đã được ghi lại cho chúng ta bởi Thánh Luca (22,19) và Thánh Phaolô (1 Cor 11,24). Với những người Kitô hữu, bí tích Thánh Thể cũng là một “lễ tưởng niệm”, nhưng là một lễ tưởng niệm độc đáo: không chỉ nhớ lại nhưng còn thể hiện cách bí tích ngay trên bàn thờ cái chết và sự phục sinh của Chúa.[8]
«Mysterium Fidei» - «Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin».
Mỗi lần linh mục tuyên xưng những lời này sau khi thánh hiến bánh và rượu, linh mục diễn đạt sự kỷ diệu luôn luôn được đổi mới của mình trước phép lạ phi thường xẩy ra do chính bàn tay của ngài thực hiện. Thực là một phép lạ mà chỉ có con mắt đức tin mới có thể cảm nghiệm được.
«Lạy Chúa,
Con thờ lạy Chúa Ðang náu thân trong hình bánh rượu.
Tâm hồn con thuộc trọn về Chúa,
Không mong gì hơn được chiêm ngưỡng Chúa.
Giác quan không cảm được Người,
Con chỉ biết tin vào lời Người dạy.
Con tin muôn lời từ Con Thiên Chúa;
Không gì xác thực hơn lời Chân Lý này».[9]


[1] Benedetto XVI, Bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần sáng thứ tư 19.3.2008
[2] Benedetto XVI, Gesù di Nazaret, Vol. 2, LEV, Città di Vaticano 2011, 146-147.
[3] Xem Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1381.
[4] Xem Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1376; Công Ðồng Trentô, Denz. 1642.
[5] Xem Công Ðồng Trentô, Denz. 1651. «Ðức Ki-tô hiện diện trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc truyền phép và kéo dài bao lâu hình bánh rượu còn tồn tại. Trong hình bánh cũng như trong hình rượu, Ðức Ki-tô hiện diện trọn vẹn. Và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Mình và Máu Chúa.Việc bẻ bánh không phân chia Ðức Ki-tô» (Denz. 1641).
[6] Xem Tommaso D’Aquino, Summa theologiae, III, q. 75, a. 1.
[7] San Cirillo di Alessandria, Commentarius in Lucam 22, 19: xem trong PG 72, 912.
[8] Gio-an Phao-lô II, Thư gới các linh mục vào ngày thứ năm tuần thánh, Vaticano 2005.
[9] Analecta hymnica Medii Aevi 50, 589: trích lại trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 1381.

No comments:

Post a Comment