Monday, September 17, 2012

LỄ CƯỚI TRINH - TRÂM

 Lễ thành hôn của Trinh - Trâm,
ngày 22 tháng 9 năm 2012, giáo xứ Vinh An, Dakmil, Ban Mê Thuột.
 
Ga 5, 46-54
Khi còn nhỏ ở làng quê, mỗi lần có đám cưới thì đám con nít chúng tôi, thường hay lân la những tiệc cưới, khi rước dâu, đưa dâu, chủ yếu là xem xem cô dâu có đẹp không. Lớn hơn một chút, mỗi khi tham dự tiệc cưới, thì cũng giống như mọi người, tôi cũng chia vui và nâng chén rượu, chúc mừng cho hai họ, đặc biệt cho cô dâu chú rể.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Thánh Gioan cho chúng ta biết Đức Giêsu và các môn đệ Người được mời đến dự tiệc cưới ở Cana, cả Mẹ Maria cũng được mời đi dự. Có lẽ tiệc cưới này là người bà con của Chúa Giêsu. Chỗ họ hàng, bà con nên Đức Maria phục vu ở dưới bếp, gọi là đi giúp đám, và với sự quan tâm và cõi lòng của một người Mẹ, Mẹ Maria biết những việc gì xảy ra: hết rượu rồi.
Trình thuật tiệc cưới Cana tuy ngắn gọn với phép lạ đầu tiên Chúa thực hiện trong tiệc cưới “nước hóa thành rượu” nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria, nhưng lại là một minh họa cả một cuộc đời hôn nhân, một đời vợ chồng. Chén rượu giao ước ngày tân hôn nồng nàn lắm, ý vị vô cùng, và cũng ngất ngây hạnh phúc. Đôi bạn đắm mình trong một thế giới mới, thế giới của hòa tan, tinh thần và thể xác; thế giới của mầu nhiệm sáng tạo mà Thiên Chúa đã dọn sẵn trong mỗi tạo vật của Ngài, để nối dài công trình mà Ngài cho là “thật tốt đẹp”.
Trinh và Trâm thân mến,
Chum đầy rượu ngon là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu mặn nồng giữa đôi vợ chồng. Ai cũng mong giữ được mãi cho chum đầy rượu hạnh phúc.
Tuy nhiên, chum rượu hạnh phúc có thể cạn, chum rượu hạnh phúc có thể trở nên nhạt nhẽo, chén rượu ân tình có thể phai nhạt theo thời gian. Hạnh phúc vơi dần theo tuổi đời, theo năm tháng. Sự nồng nàn vì hương sắc cũng không còn nữa. Và tình yêu sôi nổi của một thưở ban đầu nhường chổ cho một chuỗi ngày trách nhiệm đầy nhàm chán.
Tôi có nhớ một bài hát, của Nhạc Sĩ Phạm Duy “Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu”. Rồi khi đã “lấy được người mình yêu”, thì nên cầu nguyện như thế này, “Con quì lạy Chúa trên trời, sao cho con yêu được người con đã lấy”. “Lấy được người mình yêu” đã khó, nhưng “yêu được người mình đã lấy” thì càng khó hơn. Ai đã sống trong đời sống hôn nhân đều hiểu rõ điều nầy.
Điều quan trọng là đôi vợ chồng có biết “biến nước lã thành rượu nồng khi cần thiết”, để sống bền vững và trung thành, sống  nhiệt tình, khao khát hạnh phúc ban đầu, khám phá ra được sự hiện diện kỳ diệu của nhau.
Khi con người yêu nhau thì con người hạnh phúc, khi con người hạnh phúc thì con người tỏ lộ niềm vui. Đó không chỉ là niềm vui chóng qua, mà là hạnh phúc lâu bền. Hạnh phúc này chỉ có thể đến từ một tình yêu chân thật, một tình yêu làm hấp dẫn con người và ước ao cho người yêu được thịnh đạt và hạnh phúc.
Không có tình yêu nào được mua bằng sự dễ dãi mà phải mua được bằng hy sinh, càng hy sinh nhiều thì thình yêu càng bền chặt, và tình yêu cao cả nhất là chết cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Hãy đổi mới tình yêu như một danh nhân nói: “Hãy rửa tội cho tình yêu mỗi buổi sáng và hãy cưới lại nhau mỗi ngày”.
Thứ đến, để đạt đến hạnh phúc thì vợ chồng phải “đối xử tốt” với nhau. Trong tiệc cưới Cana, đôi hôn phối đang nhởn nhơ vui say, không biết rượu sắp hết. May sao có Mẹ Maria là người tinh tế, khám phá kịp thời và tận tâm giúp đỡ. Mẹ Maria là một cố vấn kỳ diệu, vừa tinh tế, vừa khôn ngoan, vừa đảm đang, khéo léo, vừa mau mắn, vừa kín đáo hữu hiệu, vừa quan tâm và chăm lo cho người khác.
Hai cháu hãy bắt chước Mẹ Maria như thế trong cuộc sống. Người ta thường nói: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”, nếu chồng biết xử tốt với vợ, thì ngược lại, vợ cũng phải xử tốt với chồng. Cả hai biết cư xử tốt với nhau thì gia đình sẽ hạnh phúc.
Có anh nông dân kia đã lập gia đình hơn 10 năm nay, nhưng hầu như ngày nào cũng phải gặp cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vợ chồng anh cứ cãi lộn với nhau hoài. Một hôm, quá buồn lòng, anh nông dân tìm đến một người bạn thân gần đó và xin anh ta góp ý kiến:
- Làm thế nào để tôi không những ly dị được con mụ vợ ưa gây sự này mà còn làm cho mụ ta phải khổ tâm suốt đời.
Người bạn của anh ta hiến kế như sau:
- Nếu anh quả tình muốn bỏ đi và muốn làm cho chị ta phải khổ tâm, thì bây giờ anh hãy về và cố gắng cư xử với chị ta như với bà hoàng hậu. Chừng đôi ba tháng sau đó anh sẽ bỏ đi và tôi dám chắc rằng chị ta sẽ phải đau khổ suốt đời, vì lúc đó không còn ai phục dịch chị ta như một bà hoàng nữa.
Anh nông dân nghe lời, về nhà làm y như lời bạn khuyên. Anh đối xử rất tốt với vợ và bất cứ điều gì chị vợ muốn, anh ta đều mau mắn thực hiện, cứ như cô hầu đối với bà hoàng của mình.
Thời gian qua đi, 2 tháng rồi 3 tháng. Người bạn của anh nông dân chờ mãi không thấy anh đến cho biết quyết định ra đi, liền đến tận nhà thăm hỏi và được anh ta trả lời:
- Làm sao tôi có thể rời bỏ nàng được, bởi vì từ ngày tôi đối xử với nàng như với một bà hoàng, thì ngược lại, nàng cũng đối xử với tôi như với một ông vua ? Không, tôi không thể nào xa rời người bạn đời đã đối xử với tôi quá tốt như thế! (Góp nhặt 4, tr 122).
Vì thế, Trinh và Trâm thân mến,
Hai cháu hãy đối xử tốt với nhau, để những đứa con và các thành phần trong gia đình cảm nghiệm và thốt lên, như ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI, khi kể về gia đình mình, “Cha cảm thấy tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa nơi cha mẹ và anh chị em. Cha tưởng tượng về Thiên Đàng như gia đình cha, nơi đó chan hòa tình yêu, niềm vui, sự tin tưởng và hạnh phúc”.
Chúc mừng hai cháu trong ngày thành hôn, và xin Thiên Chúa hiện diện trong gia đình hai cháu luôn mãi. Amen!
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)

No comments:

Post a Comment