Saturday, June 25, 2011

TÔN GIÁO LÀ MỘT CHIỀU KÍCH HIỆN SINH THIẾT YẾU CỦA CON NGƯỜI

Tôn giáo là một chiều kích hiện sinh thiết yếu của con người. Hãy giải thích dựa vào hiện tượng luận về tôn giáo và nền tảng nhân học của chiều kích này?

NHẬP ĐỀ
Con người có niềm tin và hy vọng: niềm tin vào cuộc sống, niềm tin lẫn nhau, niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Hơn nữa, tín ngưỡng tôn giáo xuất hiện đồng thời với con người. Bất cứ nơi đâu có con người, ở đấy có dấu vết của niềm tin. Ngay từ cuối thời tiền sử, thời con người Néanderthal, người chết đã được chôn táng với đồ dùng và vật quý. Đó chính là bằng chứng của niềm tin vào một linh hồn bất tử! Bằng chứng của một ý tưởng tôn giáo đã dần rõ rệt: người chết đã thuộc về thế giới khác hẳn, thế giới thiêng liêng, thế giới của một sức mạnh vô hình. Từ đó, tín ngưỡng ngày càng phát triển ở bất cứ nơi đâu tìm thấy dấu vết con người. Thời con người Cro-Magnon của thời Hậu Cổ thạch khí, bùa phép đã được vẽ trên vách hang, vách mồ và cả những đồ trang sức cũng có khả năng bùa phép. Đến thời Tân thạch khí, vì đời sống được tập thể hóa nên xuất hiện những hình thức tín ngưỡng cao hơn như đồng bóng, pháp vũ, đại tế với trống chiêng và các tế sư.
Thế giới siêu nhiên được bố trí và phân cấp rõ rệt: ma quỷ, thần, tiên, thánh, thiên đường và địa ngục. Tất cả được thống nhất và hợp lý hóa để những tôn giáo và giáo lý xuất hiện ngay sau thời đại này.
 Mặt khác, trong cuộc sống hàng ngày của thời đại văn minh hiện nay, chúng ta gặp nhiều hành vi phụng thờ, cúng tế, nhiều nghi lễ của nhiều người, nhiều giáo phái và nhiều tôn giáo khác nhau.
Phải chăng “Tôn giáo là một chiều kích hiện sinh thiết yếu của con người”. Chúng ta cùng tìm hiểu nhận định trên thông qua hiện tượng luận về tôn giáo và nền tảng nhân học để rõ hơn về nhận định này. Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu xem tôn giáo là gì? Thứ đến, chúng ta sẽ giải thích chiều kích tôn giáo của con người trên hai bình diện hiện tượng luận về tôn giáo nền tảng nhân học.

1. TÔN GIÁO LÀ GÌ?
Dựa vào nguyên ngữ của từ religare trong tiếng Latin là liên kết, nối kết con người với thần linh, họăc những thực tại siêu nhiên và thiêng liêng. Hay nói một cách khác, tôn giáo là liên kết và bó buộc với Đấng (Thượng Đế) bằng sợi dây của lòng thành kính. M. Thilollier viết rằng: “Tôn giáo một đàng đòi hỏi sự truy tầm chân lý, truy tầm nguồn gốc, cứu cánh, mục đích của vũ trụ, hay nguồn gốc con người cùng những tương quan của nó đối với thần linh; đàng khác nó đòi hỏi một toàn bộ tín ngưỡng, một nhu cầu yêu thương và cảm kích, một tương quan hòa điệu giữa tiểu thế giới với đại thế giới; tôn giáo là diễn nghĩa của linh thánh và định chế những nghi lễ có tính cá nhân cũng như  cộng đồng”1
Ý nghĩa thứ hai của tôn giáo xuất phát từ hạn từ religere  có nghĩa là chú ý, quan sát, đọc lại2. Con người tôn giáo theo ý nghĩa này không chấp nhận đời sống có sẵn đấy, nhưng mong muốn đi tìm sức mạnh, đi tìm chân lý, tìm ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời3. Có thể nói rằng đây là định nghĩa tôn giáo theo chiều ngang, khác với định nghĩa một là theo chiều dọc, hướng thượng. Vì thế, theo định nghĩa này, con người tôn giáo không nhất thiết phải là con người hữu thần, nghĩa là tin tưởng vào một thần linh nào đó, mà chỉ cần là người có một ý hướng tâm linh, đi tìm một ý nghĩa, một giá trị cho cuộc đời.
Ý nghĩa thứ ba của tôn giáo là một sự tái chọn lựa: reeligere. Theo nghĩa này con người tôn giáo là chọn hướng đời mình về phía những thực tại hay giá trị khác hơn là thế giới vật chất, với tất cả những gì mình có. Nghĩa thứ ba này dung hòa cả religare và religere: chọn hướng về Thượng Đế hay Thần Linh, họăc chọn tìm về chiều sâu hay đi xa hơn hiện hữu, cũng là một thái độ tôn giáo.
Giáo sư E. Yandell đã đề nghị một định nghĩa về tôn giáo như sau: tôn giáo là một hệ thống các ý tưởng nhằm giải thích về thế giới và vị trí con người hiện hữu trong đó; nhằm  đặt nền tảng trên sự mô tả về cuộc sống nên được sống thế nào, và nhằm diễn tả sự giải thích cũng như  lối sống được thể hiện trong những nghi lễ, thể chế và những thực hành4. Đây là một định nghĩa mang tính chức năng. Nó coi tôn giáo như một nguồn cung cấp  cho con người những bảng thống kê về thế giới và con người trong đó, những lời giải thích đối với cuộc sống hằng ngày và được thể hiện ra trong cuộc sống với những thể chế, thực hành và nghi lễ. Nó nhận ra tầm quan trọng của hoạt động tôn giáo cũng như nhận ra tầm quan trọng của yếu tố học thuyết trong các tôn giáo.

2.  HIỆN TƯỢNG LUẬN VỀ TÔN GIÁO
Tôn giáo, theo như những ý nghĩa và định nghĩa trên mang nhiều hình thái khác nhau. Bài viết này nêu lên bốn chủ điểm đặc thù về hiện tượng luận tôn giáo: Lối diễn tả tôn giáo [kinh nghiệm tôn giáo], cách thức tôn giáo, mục đích của tôn giáo và vấn đề hướng đến thực tại tuyệt đối. Bốn chủ điểm này xoay quanh bốn tôn giáo nổi bật là tín ngưỡng sơ khai, Ấn giáo, Phật giáo và Công giáo.
3.1. Những lối diễn tả tôn giáo.
Tôn giáo sơ khai. Tôn giáo sơ khai gắn liền với những nghi lễ biểu tượng, xuất hiện hàng ngàn năm trước ngay từ buổi bình minh của kinh nghiệm tôn giáo. Khởi đầu với những người Néandertal, qua kinh nghiệm săn bắt và ăn thịt các thú vật, đã có ý nghĩ rằng mình có thể tồn tại nhờ cái chết của người khác. Rồi đến homo sapiens và các giống người tiến bộ hơn, chúng ta thấy dấu vết của việc thờ cúng người chết: nhân loại bắt đầu tin tưởng vào thế giới bên kia, và ý thức về sự liên đới của mình với thế giới đó. Quả thật, cái chết và người chết đưa chúng ta tới ngưỡng cửa của linh thiêng. Một số đặc điểm nổi bật của tôn giáo sơ khai là: tính biểu tượng: điều này thể hiện trên các hình vẽ, bùa chú. Tính huyền thoại, thể hiện ở những câu chuyện huyền thoại về các vị thần thánh được lưu truyền trong các bộ tộc, trong con người thời đó. Tính nghi lễ, biểu hiện ở sự tế tự, đó cũng chính là sự biểu lộ ra bên ngoài của con người đối với thực tại được quan niệm là tối hậu. Cầu nguyện và thánh hiến, đây là thành tố quan trọng trong đời sống tôn giáo thời này, con người tế tự và cúng tế để cầu xin và phụng thờ đối với các thần thánh.
Ấn giáo. Đối tượng sùng bái của Ấn giáo là Braman, Visnu va Silva. Ấn giáo suy tư và tìm kiếm sự giải thoát (Moska). Giải thoát nghĩa là ra khỏi cái thế giới này mà họ cho là huyền cảnh (Maya), chỉ toàn là đau khổ và giả dối. Họ muốn đạt tới cõi vĩnh hằng là một cảnh giới siêu việt, an lạc, bất sinh và bất diệt. Khát vọng giải thoát được con người thể hiện duới muôn vàn hình thức của đời sống hằng ngày: bố thí, ăn mày, ngồi thiền, tắm rửa, khổ tu, cúng lễ…. Mặt khác, Ấn giáo rất chú trọng thuyết luân hồi, cho rằng người chết chỉ thể xác thôi, còn linh hồn vẫn còn mãi mãi và linh hồn đó sẽ đầu thai. Như vậy con người sung sướng hay cực khổ hơn kiếp trước tùy thuộc vào việc làm của kiếp trước. Kinh thánh của Ấn giáo ngoài các tập Veda và Upanishad còn có Mahabharata, Bhagavad Gita, Ramayana và Purana. Mahabharata, Bhagavad Gita và Ramayana là những tập trường ca, còn Purana là tập truyện nói về sự sáng tạo, sự biến chuyển và hủy diệt của thế giới. Ấn giáo phát triển mạnh mẽ ở Ấn độ với 84% dân số là tín đồ, ngoài ra Ấn giáo còn vươn ra các quốc gia như Nepal, Băngladet, Bali và Sriklanca.
Phật giáo. Chử Phật là tiếng dùng để phiên âm danh từ Bouddha trong tiếng Ấn Độ. Bouddha có nghĩa là người giác ngộ, là người suy tư  và thấu đáo về chính mình và về các hiện tượng thuộc thế giới này. Từ đó, họ giải thoát chính mình khỏi sự đau khổ. Nội dung chủ yếu của học thuyết Phật giáo là lý giải và nêu ra cái chân lý về nỗi đau khổ và sự giải thoát khỏi nỗi đau khổ. Đó cũng chính là việc chấm dứt ái dục, đem đến cho con người vĩnh viễn hết đau khổ, đạt đạo quả giải thoát. Chân lý về nỗi khổ và sự giải thoát khỏi nỗi khổ ấy được thể hiện trong “Tứ Diệu Đế” [tứ thánh đế] mà Phật thích ca giảng lần đầu tiên [kinh chuyển pháp luân] ở vườn lộc uyển ở gần thành Bénarès bên Ấn độ sau khi phật mới đắc đạo. Đó cũng là nội dung mà đức Phật nhắc lại trước khi tịch. Tứ thánh đế bao gồm khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.
Công giáo. Đạo Công giáo được Đức Kitô sáng lập vào thế kỷ I . Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, là Đấng đã mặc khải cho loài người về một Thiên Chúa Cha hằng yêu thương con người và cho con người hưởng hạnh phúc đời đời với Ngài. Các tín hữu tin vào Thiên Chúa bởi Ngôi Lời là Đức Kitô.  Đức Kitô, trong giáo lý của giáo hội, là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng sẽ hoàn thành lời hứa trong thời sau hết. Sự phục sinh của Ngài là cao điểm trong niềm tin của các tín hữu. Đối với người công giáo, thì cái chết của Đức Kitô là khởi đầu của một niềm hy vọng mới. Niềm hy vọng này được diễn tả trong những lần xuất hiện của Ngài sau khi phục sinh. Đây chính là lối diễn tả sự phục sinh của con người trông chờ vào niềm hy  vọng trong tương lai, mặc lấy đời sống mới và hưởng hạnh phúc cùng Thiên Chúa.
3.2. Những cách thức tôn giáo.
Tế tự [chiều kích dấu chỉ] Con người thời đầu sử dụng việc tế tự trong các lễ nghi tôn giáo. Cũng giống như tất cả các tôn giáo khác, qua những việc tế tự này, con người khám phá ra sự hữu hạn và mỏng dòn của mình. Họ sử dụng các biểu tượng để thực hiện hành vi tôn giáo. Qua những biểu tượng này, con người diễn tả cách tiếp cận với thiên nhiên, với trời đất, ông trăng, các vì sao và với những thực tại siêu nhiên. Trong những biểu tượng hay những nghi lễ này, các tư tế đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, việc tế tự này cũng biểu hiện một niềm vui của con người đối với thiên nhiên, điều này được diễn tả trong sự chia sẻ với người khác, qua tình cảm hay trong những sản phẩm con người làm ra trong thế giới này. Con người qua việc tế tự thể hiện thái độ tạ ơn, tuần phục vì những ơn lành họ nhận được, chẳng hạn như việc có con cái, hay mùa màng thu hoạch được dồi dào.
Mầu nhiệm. Hiện tượng thần nghiệm là một khía cạnh khác để thực hiện những hành vi tôn giáo. Mầu nhiệm là gì, thật khó để đưa ra một định nghĩa, tuy nhiên điều này có thể hiểu được như là một trực giác hiển nhiên của một sự kết hợp của con người với thực tại tối hậu. Đó là sự tương quan và cũng chính là sự đối diện của cá nhân đối với thực tại tối hậu. Đây chính là kinh nghiệm nội tâm và tràn đầy sự hiện diện của tình yêu. Kinh nghiệm này là một ân ban và không vượt quá tầm tay của con người. Con người có thể dùng nó để thông hiệp với các vị thần mình tôn thờ, chẳng hạn như Yoga hay suy gẫm, suy niệm…. Thái độ của con người đối với Thực Tại tối hậu là suy gẫm và nhìn xem những ơn huệ và những điều tốt lành của cuộc sống con người. Vì thế, thái độ của con người với thế giới là tương quan hóa với chính mình.
Thinh lặng. Thinh lặng là một trong những chiều kích trong các tôn giáo. Đây là thái độ chẳng dùng lời nói, biểu tượng hay hình ảnh, mà đi vào một chiều kích suy tư đối với mầu nhiệm siêu việt. Lời nói và hình ảnh là những phương tiện hữu hiệu để con người tiếp cận với thực tại, thế nhưng thinh lặng là một phương thế tốt giúp con người đi sâu vào kinh nghiệm tôn giáo. Giống như  ông Gióp trong kinh thánh của đạo công giáo, con người cũng có thể suy niệm những sự kiện và những dấu chỉ được trao gởi đến cho mình. Con người sẽ có cơ hội tốt trong kinh nghiệm thần linh, cho phép Thượng Đế vào trong con người, nếu họ dành cho ngài một chổ xứng đáng trong con tim. Trong Phật giáo, chúng ta tìm thấy những sự nhấn mạnh và những nét nổi bật trên khía cạnh thinh lặng này, chẳng hạn trường phái thiền.
Hoạt động. Đây là khía cạnh đặc biệt nổi bật trong các tôn giáo, chẳng hạn như việc bố thí, cúng dường trong Phật giáo; việc bác ái trong Công giáo. Đây cũng là chiều kích thuộc bản chất nơi các tôn giáo là khát khao phục vụ tha nhân. Việc bác ái là một đặc thù trong đạo Công giáo, đó chính là sự trao hiến bản thân mình trong việc phục vụ tha nhân. Thánh Phaolô nói rằng nếu không có đức ái, thì tôi cũng chỉ là chũm chọe chập cheng hay thanh la vang vảng (1 Cor 13, 1). Cũng thế, chúng ta có thể tìm thấy nơi các tôn giáo những chứng cớ về đời sống yêu thương và cảm thông với những con người đau khổ. Hành động yêu thương là lối diễn tả và là yêu sách của tôn giáo để được coi là đang sống thực tạo tôn giáo.
3.3. Mục Đích của Tôn giáo
Sự an bài [bảo đảm trước]. Khát mong an toàn và bảo đảm là đặc điểm gắn liền với bản tính con người và là khuynh hướng tự nhiên của con người. Điều này đi với việc hướng đến sự tin tưởng và phó thác. Sự tín thác là một sự cần thiết, nếu không có nó thì có lẽ con người chẳng thể tương quan với người khác, với thế giới và cả với thực tại siêu nhiên được. Sự tín thác căn bản chính là thái độ tri ân đối với sự hiện hữu của mình. Một ví dụ là sự che chở của người mẹ đối với đứa con: đứa bé thức dậy trong đêm, với một cơn ác mộng, chỉ thấy xung quanh mình là bóng tối, đơn độc và sợ hãi. Đứa bé bật khóc, và người mẹ choàng tay qua đứa con, ru con và nói những lời êm ái, sau đó theo lẽ tự nhiên, đứa bé lại chìm vào trong một giấc ngủ ngon. Sự bảo đảm tối hậu tức là bảo đảm cho con người đời sống hậu kết là một trong những điều quan trọng trong đời sống tôn giáo. Các hành vi cư xử của con người sẽ được thưởng hay bị phạt do lối sống của con người, và tôn giáo luôn hướng con người đến những hành động tốt.
Sự thánh thiện. Xuất phát từ những hạn từ holy hay Sacred, ý nghĩa chính là cảm giác bị bảo phủ hay ngập bởi sự  sự thánh thiện của Thực Tại Siêu Việt. Từ đó, con người cảm thấy và ao ước sống trong sự thánh thiện, sống tốt. Cho dẫu ngày nay hiện tượng tục hóa đang lan tràn dưới nhiều hình thức khác nhau [Tục hóa là một xác tín rằng thế giới này là tất cả thực tại, và vì thế chủ trương tục hoá chối bỏ ý tưởng về Thượng Đế hay thực tại tối hậu. Đây là một phản ứng tự nhiên đối với truyền thống tôn giáo], ao ước này vẫn đều hiện diện ở hầu hết mọi con người từ cổ chí kim, trong mọi thời đại. Đây chính là cảm thức thần thiêng, thuộc kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Trong các tôn giáo có thể tìm thấy những ví dụ về cảm giác này nơi các tiên tri… . Cảm thức thánh thiện này thuộc bản tính sâu xa của con người: nó nói lên nhu cầu và khuynh hướng của bản tính đó. Chính vì thế mục đích hướng đến của cảm thức thần thiêng là Sự Thiện tối cao, thực sự say mê siêu nhiên giới, là sự chiếm hữu siêu việt thể bằng một kinh nghiệm sống, huyền bí và cao siêu.
Hạnh phúc: hành trình mạo hiểm. Sự mạo hiểm được hiểu như việc tìm kiếm sự vĩnh cửu và mục đích của mạo hiểm đó chính là vẻ đẹp và sự bình an. Đây chính là hành trình hướng đến việc hưởng hạnh phúc của con người. Phật giáo hứa cho con người Niết Bàn [nirvana], Ấn giáo hứa cho moksha là sự giải thoát để đạt siêu nhiên giới, Công giáo có Thiên Đàng. Con người khát khao và mong muốn thành toàn chính mình và chỉ có thể an nghỉ trong Đấng tuyệt đối. Ngài đã kiến tạo chúng con, lạy Chúa, nên chúng con chỉ có thể yên nghỉ khi ở trong Ngài (st. Augustine). Những thí dụ trong các tôn giáo cho thấy những hành trình này: Đức Phật sau những năm tháng dài mới giác ngộ, Abraham nghe theo tiếng Thiên Chúa gọi và ra đi đến một nơi mình chưa hề biết và chỉ được hứa nơi đó sẽ hưởng hạnh phúc…
Đời sống luân lý. Các tôn giáo tìm kiếm một sự thiện hảo. Qua bao nhiêu thế kỷ, các tôn giáo ngày càng rõ rệt gắn kết với kinh nghiệm thiện hảo được thể hiện một cách sâu đậm là tình yêu vô vị lợi. Các tín hữu cảm nhận lòng từ ái khôn tả trong mầu nhiệm tôn giáo của mình, đồng thời Thực Tại Tối Hậu được cảm nhận như là yêu thương, hơn nữa giáo lý các tôn giáo mời gọi con người thể hiện thiện hảo trong đời sống của họ. Khát vọng sâu xa của con người là hướng đến sự thiện hảo, được biểu lộ trong tình yêu thương. Chúng ta thường bị hấp dẫn bởi những ai yêu quí và săn sóc chúng ta. Cũng thế, tôn giáo nảy sinh từ khả năng  con người có thể yêu thương và được tình yêu thu hút. Nhưng chúng ta không đồng hóa điều này, bởi lẽ có rất nhiều người đã có tình yêu và thu hút nhưng họ vẫn không đến với tôn giáo. Tuy nhiên, khi nói đến tôn giáo thì yêu thương là một chiều kích thiết yếu để diễn tả tôn giáo. Tình yêu thương đó không gì khác hơn là đáp trả lại sự thiện. Trong những tôn giáo lớn, thiện hảo tối hậu được quả quyết là hiện hữu và bao trùm cũng như củng cố khả năng yêu thương của con người.
3.4. Cầu nguyện chính là trung tâm và là thành tố thiết yếu của đời sống tôn giáo. Đó cũng chính là mối dây kết chặt con người với Thượng Đế, và không chỉ với Thượng đế mà cả con người với nhau nữa. Thần học gia người Đức Schleiermacher cho rằng “trở thành kitô hữu và cầu nguyện, thật ra chỉ là một mà thôi”. Vì thế, khi phân tích hiện tượng của đời sống cầu nguyện, chúng ta tiếp chạm đến cốt tủy của tôn giáo. Cầu nguyện là hoạt động và là hoạt động duy nhất qua đó tôn giáo biểu tỏ cách cụ thể nhất.  Thật ra thì tôn giáo có những cách biểu tỏ khác như công thức tuyên xưng đức tin, lễ nghi, đền thờ, giáo hội, nhưng việc cầu nguyện sẽ sinh động toàn thể đời sống tôn giáo. Có những cách thức cầu nguyện như sau: cầu nguyện tế tự, đây chính là cầu nguyện được nghi lễ hóa; cầu nguyện mầu nhiệm, nghĩa là các tôn giáo đều biểu lộ một khuynh hướng như thế, đây chính là contemplation, là chỉ tìm kiếm một mình Thượng Đế mà thôi; cầu nguyện vô ngôn chính là sự thinh lặng; và cầu nguyện trong hoạt động là lối đường của các tôn giáo thiên về hoạt động như Công giáo.

3. NỀN TẢNG NHÂN HỌC
Con người là xác quyết và muốn. Xác quyết và muốn là một hành vi duy nhất nội tâm sâu thẳm nơi con người, họ xác quyết điều mình muốn và muốn điều mình xác quyết. Con người xác quyết và muốn chính mình như một chủ thể, như một ngôi vị, nhưng không là ngôi vị đơn độc mà trải rộng tới vô biên. Con người là hữu thể hướng tới vô biên. Con người vươn tới ngôi vị và hữu thể tuyệt đối là sự THIỆN tuyệt đối và vĩnh cửu, bởi lẽ chẳng có gì ở trần gian này có thể làm thỏa mãn được con người.
Quả vậy, con người như sở hữu một bản chất tinh thần. Tự bản chất, tinh thần được đặt định để hiện hữu mãi mãi vì nó không sở hữu một tiềm thể để không hiện hữu. Mọi tinh thần đều được tạo dựng từ đời đời, bản tính bất tử. Hơn thế nữa, tinh thần mở rộng cho toàn thể thực tại. Nó mở rộng ra tới vô hạn thể. Khả năng của nó không giới hạn. Không một hữu thể nào xa lạ với tinh thần cả, không gì tuyệt đối nằm ngoài tầm của nó. Nó sở hữu một chân trời vô hạn. Tinh thần ôm ấp tất cả, chân trời của nó là vô biên. Điều này hiển nhiên khi ta đã nghiên cứu trí năng con người hoặc ý chí con người:
Trí năng có khả năng nhận thức mọi thực tại, nó liên tục hướng tới tri thức về Thực Tại Vô Hạn. Ngay khi nó nhận thức một hữu thể hữu  hạn nào đó thì nó biết hữu thể đó chỉ là giới hạn, như là không tự giải thích được, như đòi hỏi của một bổ túc cho khả niệm tính. Ngay khi nó tìm được sự an nghỉ tạm thời trong sự sở hữu bất kỳ một thực tại hữu hạn nào, nó tức thời đòi hỏi thêm và ngày càng thêm nhiều hơn nữa. Sự giới hạn, tự thân thì xúc phạm đến tinh thần và khiến nó thao thức, chỉ có Hữu Thể Vô Biên mới thật sự thỏa mãn  nó được.
Ý chí con người nỗ lực hướng tới sự thiện vô hạn, vô biên, hoàn hảo. Chính do nỗ lực này, vốn dẫn nó vượt xa bất kỳ thực tại hữu hạn nào, mà nó không bao giờ có thể bị sự thiện hữu hạn nào thu hút đến nỗi nó không thể đề kháng được sự hấp dẫn của nó. Ý chí con người là tự do vì nó nỗ lực hướng về cái toàn thể.
Đây là một đặc tính có ý nghĩa nhất của tinh thần con người. Nó được tạo nên để nhận thức và yêu thương những đối tượng hữu hạn, nhưng năng động tính khơi động tri thức và tình yêu này lại đem cả tri thức và tình yêu vượt xa mọi đối tượng hữu hạn nào một cách không thể chống cưỡng, dù vô thức. Điều này biểu lộ khả năng vô hạn và sự khao khát của tinh thần con người trước chân lý, và thiện tính khả năng siêu việt trong  khi sở hữu này, sở hữu trong khi siêu vượt, khả năng khẳng định cái vô hạn trong khẳng định hữu hạn, khả năng yêu thương  cái vô hạn trong bất cứ một tình yêu hữu hạn nào, là một đặc tính cốt yếu của tinh thần con người. Vì thế mà tinh thần con người có thể được định nghĩa như một khẳng định yêu thương được nhập thể vào Vô Hạn Thể.
KẾT LUẬN
Nói tóm lại, con người là một tạo vật cao cả trong vũ trụ này, không chỉ hệ tại ở thân xác mà còn ở một điều gì đó hơn nữa. Sự cao cả của con người hệ tại ở trí năng và ý chí. Trí năng xét như một khả năng năng động thì nó sẽ không dừng lại ở tạo vật bất tất này, vì tạo vật chưa làm nó thỏa mãn được. Trí thức tạo vật là phương tiện phải qua để đạt tới Thiên Chúa. Trong tri thức này ta mặc nhiên quy hướng về Thiên Chúa, mà không cần phải biết trước và nó chỉ an nghỉ khi đạt tới cái tuyệt đối. Và một khi trí năng nhận biết được điều này thì nó sẽ giới thiệu cho ý chí và ý chí chọn và hướng về cái tuyệt đối ngay lập tức.
Cái tôi nguyên thủy của con người cốt yếu là khẳng định và ước muốn. Điều con người ước muốn một cách tối hậu trong hành vi ước muốn là hạnh phúc của nó, hạnh phúc này trên bình diện ý thức, có thể hệ tại nhiều thực tại khác nhau, nhưng xét một cách vô thức và chân thực thì nó chẳng là gì khác là sự thiện vô biên, hữu thể vô biên. Vì thế, con người được định nghĩa là một khẳng định và ước muốn được nhập thể hóa về Tuyệt Đối Thể. Con người là hữu thể hướng tới vô biên. Đây là đặc  tính có ý nghĩa nhất của tinh thần con người, nó chứa đựng nhận thức và yêu thương  những đối tượng hữu hạn, để biểu lộ tình yêu vô hạn. Đó là sự khao khát của tinh thần trước chân lý, trước thiện tính, cũng chính là khả năng yêu thương cái vô hạn trong bất cứ tình yêu hữu hạn nào.
Với những minh chứng và giải thích dựa trên hiện tượng luận về tôn giáo và nền tảng nhân học như đã trình bày, có thể khẳng định rằng tôn giáo là một chiều kích hiện sinh thiết yếu của con người, hay tự bản chất, con người mang chiều kích tôn giáo.
Fx. Phạm Đình Phước SDB
24 tháng 5 năm 2003 


1  Dictionnaire des Religions, Larousse, (Paris 1966), p.214.
2  x. W. E. Otto, Religio und Superstitio, A. R 12, 1909; 14, 1911; Felix Harrtmann. Glota 4, 1913, 368. conts.
3  x. G. Van der Leuuw, La religion dans son essense et ses manifestations, (Payot, Paris 1955), p. 662.
4 Keith. E. Yandell, Philosophy of Religion, (Lon Don and New York, 1999), p. 16.

No comments:

Post a Comment