Sunday, June 26, 2011

CON NGƯỜI LÀ HỮU THỂ HƯỚNG TỚI VÔ BIÊN?


Là một động vật cao cả trong vũ trụ, là một tổng hợp vật chất và tinh thần, là tột đỉnh của dòng tiến hóa, con người là tóm kết của vũ trụ và có một vị trí  đặc biệt cao cả hình thành nên chính mình và cho chính mình. Con người dường như hòa mình vào trong vũ trụ năng động này. Thế nhưng con người không ở yên, không dừng lại mà luôn luôn thăng tiến để nâng cao vũ trụ, thúc đẩy dòng tiến hóa mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể con người luôn tiến triển  trong cuộc sống. Lịch sử nhân loại đã minh chứng sự thăng tiến và tiến triển không ngừng của con người: sự tiến  bộ của khoa học kỹ thuật, kỷ nguyên ánh sáng, nền công nghệ thông tin, công nghiệp hóa, việc khám phá bản đồ gen nơi con người, sự bùng nổ kỷ nghệ nguyên tử, việc tìm tòi những qui luật mới vận hành trong thế giới ngày nay … càng thúc đẩy con người tiến lên và vươn tới khát vọng hiểu biết của con người. [1]
Thế nhưng, con người dường như không thể thỏa mãn đủ về tất cả những gì họ đã bàn luận, đã khám phá và đã vươn tới. Do vì con người không chỉ là một hữu thể vật chất, mà đôi khi họ còn phủ nhận cả vật chất, dám liều mình vì lẽ phải, vì tự do, vì sự thật, vì lý tưởng nhân đạo hay thiêng liêng. Nhất là niềm say mê tuyệt đối khiến nó có thể hy sinh cả cuộc đời, hy sinh cả của cải, danh vọng, hy sinh khoái lạc và hạnh phúc, dù là hạnh phúc của tình yêu, hy sinh cả những thành tựu mà họ khám phá và nỗ  lực đặt kỳ vọng.
Hy sinh vì sự thật, vì lẽ phải, vì tuyệt đối, hẳn con người tự thấy mình xứng đáng như một con người. Vì tuyệt đối, con người có thể đạt tới huyền nhiệm sâu xa nhất. Vậy, phải chăng con người là kẻ yêu mênh mông và khát vọng vô cùng hay nói một cách khác, phải chăng con người là hữu thể hướng tới Vô Biên? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu vấn đề này kỹ hơn trước hết bởi con người là tạo vật cao cả trong vũ trụ do con người sở hữu tri thức, tri năng và ý chí, và bởi qua trí năng và ý chí, con người hướng tới vô biên.
Trước hết, con người là gì? Con người là ai? Là những câu hỏi muôn đời đặt ra cho chính con người. Sự xuất hiện con người trên trái đất là một vấn đề được các triết gia bàn cãi qua bao thế kỷ. Cả khoa học lẫn triết học đều chấp nhận là có giả thuyết tiến hóa. Có phải con người chỉ là một hữu thể sống động, một cơ thể sống không? hay còn là một điều gì đó cao cả hơn. Theo triết truyền thống; từ thú vật bước sang con người là một “bước nhảy vọt”. Điều này được giải thích là Thượng Đế tạo dựng linh hồn con người khác biệt cách cốt yếu với hồn động vật cao nhất, hay ta nói có một nguyên nhân vô biên tác động đến.
Con người là một tạo vật cao cả trong vũ trụ này. Sự kiện con người xuất hiện trong vũ trụ, con người với lý trí, ý chí tự do, và cảm tính biết chia sẻ cho nhau và hướng về Thượng Đế nói lên sự ưu đẳng của con người trong vũ trụ này. Dù một cách thiếu thốn và thu hẹp nào đó, câu định nghĩa: con người là con vật có lý trí của Aristote nói lên điều này.
1.    Tri thức nơi con người
Để nêu bật tri thức của con người, chúng ta cùng dừng lại đôi chút nơi tri thức nơi thú vật. Nơi thú vật cũng có tri thức thực sự, song tri thức này bất toàn vì mức độ vô chất tính của thú vật vẫn còn bất túc. Một con vật biết đối tượng nhưng lại không biết chính mình. Hữu thể của nó mang nặng vật chất nên không thể phát sinh ra sự sở hữu, tự thức hay tự tri thức. Có nguyên lý căn bản: “tri thức càng hoàn hảo thì càng tiên thiên” và ngược lại “tri thức càng tiên thiên thì càng hoàn hảo”
Nguyên lý trên được áp dụng cách đặc biệt cho tri thức hoàn hảo vô hạn nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa biết mọi sự cách hoàn hảo mà chẳng cần nhìn ra bên ngoài mình. Ngài biết mọi thụ tạo nên chính mình ngài. Bước xuống bậc thang hữu thể, triết học cổ truyền cho thấy rằng nếu có các tinh thần thuần thì tri thức của họ cũng phát xuất từ tính tự nội. Họ không thể thụ động trong tương quan với thụ tạo bên ngoài. Họ phải biết nó qua những ý tưởng trực tiếp từ Thiên Chúa, nghĩa là họ tìm thấy trong trí khôn mình một hình ảnh toàn hảo về nó.
Một câu hỏi được nêu lên: có gì tương ứng như thế trong tri thức của con người không? Trong tri thức con người có yếu tố nào phát xuất tự nội không? Nơi con người mô thể mới trồi hiện đầy đủ trên trên chất thể để có thể sinh ra tự tri thức. Tuy nhiên, tự tri thức nơi con người vẫn bất toàn, bởi những yếu tố chất thể nơi con người. Triết học cổ truyền dạy rằng: “không có gì xuất hiện trong trí năng mà trước đó không đi qua giác quan”. Mọi tri thức của chúng ta đều đi qua giác quan, xuất phát tự ngoại, vậy là hậu nghiệm? Trong hành vi của tri thức trí năng có những yếu tố tiên thiên và hậu nghiệm. Ta không bao giờ có một trí tuệ mà không có sự đóng góp của trí năng và giác quan .
Đóng góp của trí năng hệ tại ở những nguyên  lý đệ nhất, những khẳng định cơ bản. Những nguyên lý này hiện diện “tiềm mặc” trong trí năng ta, nó trực tiếp xuất phát từ Thiên Chúa cho dù tri thức minh nhiên về chúng đòi hỏi phải có một sự cộng tác nào đó của giác quan. Những nguyên lý má trí năng sở hữu cho dù tiềm mặc này là những căn bản cho siêu hình học và hữu thể học. Điều này khẳng định địa vị cao đẳng và tầm quan trọng của con người trong vũ trụ.
Quả vậy, chính  vì trong những khẳng định hữu thể học căn bản này trong đó trí năng tự hiện  diện cách sáng tỏ mà con người biết mỗi sự vật này như đối tượng  phân biệt với chính mình. Chính việc thiếu sự phân biệt như thế giải thích cho sự thiếu vắng ngôn ngữ, văn hóa nơi thú vật. Trong khi đó nơi con người, tri thức được được chuyển thành ngôn ngữ, và đạt đến chóp đỉnh trong văn hóa và văn minh.
2.    Trí năng con người
Trí năng con người là vô chất, hay còn được gọi là tinh thần tính, được chứng minh qua: jviệc thành lập ý tưởngktất yếu tính của phán đoán. jTrước hết, từ sự vật bên ngoài tác động vào trong giác quan, tạo nên hình ảnh. Hình ảnh cụ thể theo sự vật cụ thể. Hình ảnh đó (màu sắc, âm thanh…) được đưa vào trong trí năng, tạo thành các ý tưởng, ý tưởng ở đây manh tính phổ quát. Xét theo nguyên nhân và hậu quả thì nguyên nhân phải có hậu quả theo sau. Cụ thể ở đây hình ảnh cá thể, nhưng ý tưởng lại phổ quát, cho nên từ vật chất không thể tạo nên tinh thần được. Vì thế, trí năng của chúng ta là một năng lực tinh thần. k Thứ  đến, tất cả phán đoán của chúng ta đều dựa trên  những bất tất, nhưng tất cả phán đoán của chúng ta lại là tất yếu, vì chúng ta khẳng định S là Q chẳng hạn. Chủ thể thuần là xác quyết và muốn. Cái tôi nguyên thủy của con người cốt yếu  là khẳng định và muốn. Như vậy, tại sao dưạ vào sự kiện là bất tất, nhưng phán đoán của chúng ta lại là tất yếu? Bởi vì trí năng của chúng ta là một năng lực tinh thần.
Như vậy, rõ ràng là khi dựa vào nguyên lý nhân quả, hậu quả tinh thần thì phải đến từ nguyên nhân tinh thần, chúng ta khẳng định trí năng con người là vô chất, hay là tinh thần tính. Từ đây chúng ta đi xa hơn một bước nữa là xét xem trí năng của chúng ta hoạt động như thế nào? Theo Thomist, giác quan thu lượm những dữ kiện của đối tượng và được gom lại với nhau trong hình ảnh, hình ảnh này của đối tượng thuộc về tri thức giác quan (cụ thể, cá biệt). Nhờ hoạt động trừu xuất qua trí năng tạo nên ý tưởng phổ quát. Hơn thế nữa, khi tri thức sự vật, yếu tố mô thể thuộc về trí năng, còn yếu tố chất thể thuộc về giác quan. Thêm vào đó, cả trí hiểu và trí năng đều là những khía cạnh của cùng một tri thức con người. Trí tuệ là khả năng tri thức của linh hồn con người. Nhưng linh hồn con người là mô thể bản thể của thân xác vật chất. Khi ta xét nó trong tư cách khả năng tri thức của mô thể bản thể, của một thân xác vật chất thì ta nói đến trí năng. Đối tượng chất thể của trí hiểu là bất cứ thực tại nào, bất cứ điều gì ảnh hưởng đến giác quan ta. Đối tượng mô thể  của nó là niệm tính “là cái gì” của những hữu thể này.
Mặc dù cần đến sự hợp tác của giác quan, trí năng con người là siêu vượt lãnh vực của giác quan, và có thể đạt tới thực tại siêu giác quan. Nó có khả năng suy tư phản tỉnh hoàn toàn theo ý nghĩa trên. Nó không nghiên cứu cách thực nghiệm được. Nó không tiến triển cùng tuổi tác, nó cùng chung cho mọi hữu thể nhân linh, chẳng hạn đã là người thì trí năng như nhau, cả anh thông minh lẫn người không bình thường. Hơn nữa, qua trí năng ta biết được sự vật tự thân chúng là quan điểm của trí năng không tương đối mà tuyệt đối, vì đó là một quan điểm của tinh thần.
Trí năng con người trùng với “chủ tri”, vì chủ tri luôn luôn hiện diện cho chính mình cách sáng tỏ, thế nên con người “trở về với chính mình” mỗi khi nó tri thức một đối tượng. Đối tượng mô thể của trí năng là chân tính hay khả niệm tính của những sự vật này. Vì thế, trí năng có thể tri thức bất cứ hữu thể nào xét trong mức độ là nó chân thật và khả niệm.
Hơn nữa, khi loại suy về thực tại vô chất, đơn nhất tính cao nhất mà trí hiểu của ta có thể đạt tới được chính là khi ta xét trí tuệ con người trong tương quan trực tiếp của nó với giác quan thì nó không thể vượt xa hữu thể định lượng được. Nhưng đơn nhất tính cao nhất của trí năng ta lại trương diễn ở trên và vượt xa hữu thể định lượng, trên tất cả mọi nẻo đường dẫn tới đơn nhất tính tối cao của hữu thể, của chính Thiên Chúa. Nói cách khác, trí tuệ con người chúng ta, xét như một khả năng tinh thần, đều qui chiếu mọi đối tượng mà nó nhận thức về hữu thể vô biên.
Về điểm này, thánh Tôma thường có một phân biệt quan trọng giữa: điều mà các khái niệm của ta hình dung và cái là nghĩa của chúng. Các khái niệm của ta chỉ có thể hình dung những hữu thể vật chất nhưng chúng lại có thể chỉ nghĩa về những đối tượng vô chất. Ta có thể nói về Thượng Đế rằng ngài là một hữu thể, rằng ngài không thể là một hữu thể và rằng ngài là siêu hữu thể. Trong một ý nghĩa nào đó, ba mệnh đề này rất chân thật và chúng mô phỏng lại ba bước trong tri thức của ta về những thực tại vô chất: khẳng định, phủ định và siêu việt tính. Điều được hình dung trong khái niệm của ta về Thượng Đế là một thực tại vật chất, điều có ý  nói tới là siêu vượt mọi thực tại vật chất, hình dung của ta về Thượng Đế  thì còn xa mục tiêu, nhưng điều ta có ý nói tới thì thực sự là hữu thể vô hạn.
Khi xét trí năng như một khả năng năng động, chúng ta nhận thấy rằng mỗi chuyển động chân thật đều có một cùng đích. Vậy đâu là cùng đích tối hậu mà trí năng ta tìm kiếm? Nếu ta chỉ xét thị dục này của trí khôn ta, ta sẽ ghi nhận rằng: bất cứ một đối tượng hữu hạn nào cũng đều không thỏa mãn nó. Nhưng nếu sự thỏa mãn tự thân làm cho trí khôn ta luôn luôn nỗ lực hơn nữa thì chỉ vô biên mới thỏa mãn hoàn toàn được. Chính sự kiện trí khôn ta, mặc dù chỉ có thể hình dung những thực tại hữu hạn, nó vẫn luôn ý thức về sự hữu hạn của chúng, chứng tỏ nó bị cưỡng bách vượt xa những giới hạn này. Vì thế, thị dục sâu xa nhất của trí khôn ta luôn mang nó vượt qua một giới hạn không gian và thời gian nào, vượt quabất cứ một giới hạn tính nào để hướng đến hữu thể vô hạn mà ta gọi là ý chí và đây là cách thức mà ta tri thức về Thiên Chúa.
3.    Ý chí con người
Trí năng con người là tất yếu tính của linh hồn, còn ý chí là tất yếu trong một thân xác bất tất. Quả vậy, xét trên bình diện triết học, con người có một tri thức khác biệt cốt yếu và ưu việt hơn  tri thức giác quan và tri thức đó là vô chất và chỉ phụ thuộc vào vật chất một cách ngoại khởi. Như vậy, nếu con người có một khả năng tri thức vô chất thì nó cũng phải có một năng lực thị dục vô chất nữa. Vì ta đã chứng minh được sự hiện hữu của  trí năng vô chất, nên ta cũng biện chứng để kết luận  rằng nơi con người có một khuynh hướng vô chất, không phụ thuộc chất thể cách nội khởi mà ta gọi là ý chí. Chính qua kinh nghiệm thường nhật cũng cho ta một xác nhận thường nghiệm về  lý chứng triết học này. Mỗi hành vi tự chủ chân thật đều là khuynh hướng nơi ta một biểu lộ ý chí. Trong một vài hành vi như thế, ta ý thức về sự kiện là một vài khuynh hướng nơi ta được kiểm soát bởi một khuynh hướng cao đẳng, khuynh hướng cao đẳng này là ý chí.
Năng lực của ý chí là năng lực tinh thần, con người tất yếu phải hướng về sự thiện tối cao – thượng đế. Bởi lẽ, Mỗi hành vi tự chủ, ước muốn chú ý…của con người đều giả định có một tri thức, một khẳng định, một xác quyết đi trước. Thế nên con người không chỉ khẳng định và phán đoán, mà nó còn chọn lựa và ước muốn nữa. Trong hành vi ước muốn thì tôi hiện diện và sở hữu. Điều này hàm ý rằng: mặc dù con người tất yếu phải ước muốn, bởi vì nó cốt yếu ở một “con người ước muốn”, con người vẫn có năng lực ước muốn điều nó thích, quyết định điều nó muốn. Điều con người ước muốn thì tất nhiên phải là sự thiện. Thiện tính hoặc sự thiện chẳng là gì khác hơn hữu thể, xét như nó là đối tượng ước muốn của con người. Vì vậy, con người tất yếu hướng về sự thiện toàn hảo. Thiên Chúa là thiện tính hoàn hảo, thế nên con người tất yếu hướng tới Thiên Chúa.
4.    Qua trí năng và ý chí, con người hướng tới vô biên
Con người như sở hữu một bản chất tinh thần, chính vì thế ngã vị là một cá thể sở hữu một bản chất tinh thần, là một hữu thể cá biệt, và chính là một hữu thể đơn nhất trong chính mình và phân biệt với hữu thể khác. Thiên chúa thì đơn nhất trong chính mình và phân biệt với  mọi hữu thể khác qua chính sự sung mãn và vô hạn tính của hữu thể Ngài. Mặt khác, một tinh thần không chỉ hiện hữu trong chính mình (tự thân là một bản thể) và do chính nó (nó có ý thức phản tỉnh) mà còn bởi chính mình nữa (nó tự định đặt)với sự lệ thuộc vào Thiên Chúa nơi các tinh thần hữu hạn. Tinh thần thì cốt yếu tự tri thức, tự ước muốn, tự ý thức định đặt. Nó là bản ngã hoặc cái tôi.
Tự bản chất, tinh thần được đặt định để hiện hữu mãi mãi vì nó không sở hữu một tiềm thể để không hiện hữu. Mọi tinh thần đều được tạo dựng từ đời đời, bản tính bất tử. Hơn thế nữa, tinh thần mở rộng cho toàn thể thực tại. Nó mở rộng ra tới vô hạn thể. Khả năng của nó không giới hạn. Không một hữu thể nào xa lạ với tinh thần cả, không gì tuyệt đối nằm ngoài tầm của nó. Nó sở hữu một chân trời vô hạn. Tinh thần ôm ấp tất cả, chân trời của nó là vô biên. Điều này hiển nhiên khi ta đã nghiên cứu trí năng con người hoặc ý chí con người:
Trí năng có khả năng nhận thức mọi thực tại, nó liên tục hướng tới tri thức về Thực Tại Vô Hạn. Ngay khi nó nhận thức một hữu thể hữu  hạn nào đó thì nó biết hữu thể đó chỉ là giới hạn, như là không tự giải thích được, như đòi hỏi của một bổ túc cho khả niệm tính. Ngay khi nó tìm được sự an nghỉ tạm thời trong sự sở hữu bất kỳ một thực tại hữu hạn nào, nó tức thời đòi hỏi thêm và ngày càng thêm nhiều hơn nữa. Sự giới hạn, tự thân thì xúc phạm đến tinh thần và khiến nó thao thức, chỉ có Hữu Thể Vô Biên mới thật sự thỏa mãn  nó được.
Ý chí con người nỗ lực hướng tới sự thiện vô hạn, vô biên, hoàn hảo. Chính do nỗ lực này, vốn dẫn nó vượt xa bất kỳ thực tại hữu hạn nào, mà nó không bao giờ có thể bị sự thiện hữu hạn nào thu hút đến nỗi nó không thể đề kháng được sự hấp dẫn của nó. Ý chí con người là tự do vì nó nỗ lực hướng về cái toàn thể.
Đây là một đặc tính có ý nghĩa nhất của tinh thần con người. Nó được tạo nên để nhận thức và yêu thương những đối tượng hữu hạn, nhưng năng động tính khơi động tri thức và tình yêu này lại đem cả tri thức và tình yêu vượt xa mọi đối tượng hữu hạn nào một cách không thể chống cưỡng, dù vô thức. Điều này biểu lộ khả năng vô hạn và sự khao khát của tinh thần con người trước chân lý, và thiện tính khả năng siêu việt trong  khi sở hữu này, sở hữu trong khi siêu vượt, khả năng khẳng định cái vô hạn trong khẳng định hữu hạn, khả năng yêu thương  cái vô hạn trong bất cứ một tình yêu hữu hạn nào, là một đặc tính cốt yếu của tinh thần con người. Vì thế mà tinh thần con người có thể được định nghĩa như một khẳng định yêu thương được nhập thể vào Vô Hạn Thể.
Con người là một tinh thần trong chất thể, nó là tinh thần và thân xác [corpore et anima unus]. Điều này mang đến một sự hòa hợp tuyệt diệu, cho dẫu Mouroux gọi là những nghịch lý của nhân vị con người. Bởi lẽ, Xét như một thân xác, con người lệ thuộc một định luật vật chất, nó ở trong không gian phân biệt với mọi hữu thể và mặc dù nó là một toàn thể hiệp nhất, những đơn nhất tính của nó không hoàn hảo, song hàm chứa nhiều yếu tố. Xét như một tinh thần, con người ở bên trên không gian và thời gian, hiện diện hoàn toàn cho chính mình, có khả năng tiếp thu tất cả phần còn lại của vũ trụ và làm cho nó thành một với chính mình. Tinh thần và thân  xác này là một hữu thể.
Hơn thế nữa, nhân vị con người vừa là lập hữu vừa là mở rộng. Lập hữu là hiện hữu trong chính mình và cho chính mình. Nhưng nhân vị còn là một hòn đảo nhỏ cô đơn trong đại dương hữu thể. Cùng một nhân vị, con người hướng về hai chiều. Chiều dọc, con người hướng tới Thiên Chúa, nơi ngài, nó nhận được hữu thể nơi mình.
Mặt khác, nhân vị là hiện hữu và vẫn còn phải được kiện toàn. Nhân vị thì hiện hữu, nhưng không hiện hữu như một cái gì bất di bất dịch. Ta không nói ở đây tới sự tăng trưởng tâm lý hay thể lý, nhưng ta muốn nói tới sự phát triển luân lý tự do, nhờ đó mà nhân vị quyết định cho chính mình, mình sẽ phát triển trong chiều hướng nào. Chính Thiên Chúa tôn trọng sự độc lập tối cao của nhân vị đó. Thiên Chúa mời gọi nhân vị, ngài hấp dẫn trí năng và ý chí nó về với Ngài, nhưng không ép buộc. Nhưng cách thức mà nhân vị ấy đáp trả  sự lôi kéo này lại quyết định ý nghĩa cho đời sống, giá trị chân thực và định mệnh vĩnh cữu của nó.

Nói tóm lại, con người là một tạo vật cao cả trong vũ trụ này, không chỉ hệ tại ở thân xác mà còn ở một điều gì đó hơn nữa. Sự cao cả của con người hệ tại ở trí năng và ý chí. Trí năng xét như một khả năng năng động thì nó sẽ không dừng lại ở tạo vật bất tất này, vì tạo vật chưa làm nó thỏa mãn được. Trí thức tạo vật là phương tiện phải qua  để đạt tới Thiên Chúa. Trong tri thức này ta mặc nhiên quy hướng về Thiên Chúa, mà không cần phải biết trước và nó chỉ an nghỉ khi đạt tới cái tuyệt đối. Và một khi trí năng nhận biết được điều này thì nó sẽ giới thiệu cho ý chí và ý chí chọn và hướng về cái tuyệt đối ngay lập tức.
Cái tôi nguyên thủy của con người cốt yếu là khẳng định và ước muốn. Điều con người ước muốn một cách tối hậu trong hành vi ước muốn là hạnh phúc của nó, hạnh phúc này trên bình diện ý thức, có thể hệ tại nhiều thực tại khác nhau, nhưng xét một cách vô thức và chân thực thì nó chẳng là gì khác là sự thiện vô biên, hữu thể vô biên. Vì thế, con người được định nghĩa là một khẳng định và ước muốn được nhập thể hóa về Tuyệt Đối Thể.
Con người là hữu thể hướng tới vô biên. Đây là đặc  tính có ý nghĩa nhất của tinh thần con người, nó chứa đựng nhận thức và yêu thương  những đối tượng hữu hạn, để biểu lộ tình yêu vô hạn. Đó là sự khao khát của tinh thần trước chân lý, trước thiện tính, cũng chính là khả năng yêu thương cái vô hạn trong bất cứ tình yêu hữu hạn nào.
Fx. Phạm Đình Phước SDB
(24 tháng 5 năm 2003)

[1]  Bài Nghiên Cứu được tổng hợp từ: J. F. Donceel sj, Philosophical Anthropology, New York, Sheed And Ward, 1961; và John Macquarrie, In search of Humanity, SCM Press LTD, 1982.

3 comments: