Mục
lục
Dẫn
nhập
Mở đầu
CHƯƠNG I - CONFESSIO TRINITATIS
I. CA NGỢI
THIÊN CHÚA BA NGÔI
II. TỪ PHỤC
SINH ĐẾN THỜI VIÊN MÃN
III. TRONG
GIÁO HỘI VÀ CHO GIÁO HỘI
IV. ĐƯỢC
TINH THẦN THÁNH THIỆN HƯỚNG DẪN
CHƯƠNG II - SIGNUM FRATERNITATIS
I. NHỮNG GIÁ TRỊ THƯỜNG HẰNG
II. TIẾP
TỤC CÔNG TRÌNH CỦA THÁNH THẦN : TRUNG THÀNH
TRONG ĐỔI MỚI
III. NHÌN
VỀ TƯƠNG LAI
CHƯƠNG III - SERVITIUM CARITATIS
I. YÊU
THƯƠNG TỚI CÙNG
II. MỘT
CHỨNG TÁ MANG TÍNH NGÔN SỨ TRƯỚC NHỮNG THÁCH ĐỐ LỚN
III. VÀI
LÃNH VỰC TRUYỀN GIÁO
IV. DẤN
THÂN ĐỐI THOẠI VỚI MỌI NGƯỜI
KẾT LUẬN
Phần Chú Thích
1.
Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Ki-tô,
là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội Người qua trung gian của Thánh
Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng, các nét đặc trưng của Đức
Giê-su - khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục - trở thành hữu hình giữa lòng thế
giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về
mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới
viên mãn ở trên trời.
Qua
các thời đại, luôn có những người nam nữ, sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Chúa
Cha và sự thúc đẩy của Thánh Thần, đã chọn con đường đặc biệt để bước theo Đức
Ki-tô, sequela Christi, để tự hiến cho Chúa với một trái tim "không chia
sẻ" (x. 1 Cr 7,34). Như các thánh Tông Đồ, họ cũng đã từ bỏ mọi sự để ở
với Người và giống như Người, ra tay phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình. Như
thế họ đã góp phần vào việc biểu lộ mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo Hội bằng muôn
vàn đoàn sủng thuộc đời sống thiêng liêng và tông đồ mà Chúa Thánh Thần đã ban
cho họ, và nhờ đó, họ cũng đã góp phần vào việc canh tân xã hội.
Tạ
ơn về đời sống thánh hiến
2.
Vai trò của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội quan trọng đến nỗi tôi đã quyết
định triệu tập một Thượng hội đồng giám mục để đào sâu ý nghĩa và các viễn
tượng tương lai của đời sống này, hướng về thiên niên kỷ mới đã gần kề. Cùng
với các nghị phụ, tôi muốn có nhiều người tận hiến hiện diện tại Thượng hội
đồng giám mục, ngõ hầu họ có thể đóng góp vào việc suy tư chung.
Tất
cả chúng ta đều ý thức về sự phong phú mà ân huệ đời thánh hiến mang lại cho
cộng đồng Giáo Hội, do các đoàn sủng và các định chế đa dạng của đời sống này.
Cùng nhau, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì các hội dòng và các tu hội hiện
đang tận tuỵ sống đời chiêm niệm hoặc dấn thân trong việc tông đồ, vì các tu
đoàn tông đồ, các tu hội đời và các nhóm khác đang sống đời thánh hiến, cũng
như vì tất cả những người, tận đáy lòng, đang dâng đời mình cho Thiên Chúa qua
một sự thánh hiến đặc biệt.
Thượng
hội đồng giám mục đã cho thấy rõ tính cách phổ quát của đời sống thánh hiến
đang hiện diện trong các Giáo Hội tại khắp nơi trên thế giới. Đời sống này kích
thích và đi theo công cuộc truyền bá Tin Mừng tại các miền khác nhau trên thế
giới ; và tại những nơi đó, người ta không chỉ bằng lòng với việc đón nhận với
lòng biết ơn những tu hội từ bên ngoài đến, nhưng người ta còn thiết lập những
tu hội mới, đa dạng trong các hình thái cũng như cách thức diễn tả.
Vì
vậy, cho dù tại một số miền trên trái đất, các tu hội sống đời thánh hiến dường
như đang trải qua một giai đoạn khó khăn, nhưng tại các miền khác, các tu hội
lại đang phát triển với một sinh lực dồi dào lạ lùng : Điều này cho thấy việc
lựa chọn hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa trong Đức Ki-tô không hề tương phản
với nền văn hoá và lịch sử của mỗi dân tộc. Tình trạng nở rộ này không chỉ liên
quan đến Giáo Hội Công Giáo, nhưng cũng đặc biệt sống động trong nếp sống đan
tu của các Giáo Hội Chính Thống, nơi mà đời đan tu là một nét cốt yếu của Giáo
Hội. Đời sống thánh hiến đang được bén rễ hay phục hồi trong các Giáo Hội và
các giáo đoàn Tin Lành như là dấu chỉ của một ân huệ chung được ban cho tất cả
các môn đệ của Đức Ki-tô. Nhận xét này thúc đẩy thêm công cuộc đại kết đang ao
ước đạt tới sự hiệp thông ngày càng sâu rộng hơn giữa các Ki-tô hữu, "ngõ
hầu thế gian tin" (Ga 17,21).
Đời
sống thánh hiến, ân huệ Thiên Chúa ban cho Giáo Hội
3.
Sự hiện diện phổ quát và chứng tá Tin Mừng của đời sống thánh hiến cho thấy rõ
rằng đời sống này không phải là một cái gì lẻ loi và bên lề, nhưng là một thực
tại liên hệ đến toàn thể Giáo Hội. Tại Thượng hội đồng giám mục, các giám mục
đã nhiều lần nhắc lại : De re nostra agitur, "đây là một vấn đề liên hệ
đến chúng ta" (1). Trong thực tế, đời sống thánh hiến nằm ngay giữa lòng
Giáo Hội như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo Hội, bởi vì đời
sống này "biểu thị rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Ki-tô giáo" (2)
và tình trạng toàn thể Giáo Hội-Hiền Thê đang ra sức vươn tới chỗ được kết hiệp
với Đấng Phu Quân duy nhất (3). Thượng hội đồng giám mục nhiều lần khẳng định
rằng đời sống thánh hiến không chỉ đóng vai trò trợ giúp và nâng đỡ Giáo Hội
trong quá khứ, nhưng còn là một ân huệ quý báu và cần thiết cho hiện tại và
tương lai của Dân Thiên Chúa, bởi vì đời sống này là một phần sâu xa của nếp
sống, sự thánh thiện và sứ mạng của Dân Thiên Chúa (4).
Các
khó khăn mà hiện nay một số tu hội đang gặp phải tại nhiều nơi trên thế giới
không cho phép nghi ngờ chút nào về việc tuyên khấn các lời khuyên Tin Mừng là
một thành phần cơ bản của đời sống Giáo Hội, và thôi thúc Giáo Hội ngày càng
phải trung thành hơn với Tin Mừng (5). Trong lịch sử, người ta có thể sẽ còn
thấy những hình thức khác nữa của đời thánh hiến, nhưng sẽ không bao giờ thay
đổi bản chất của một chọn lựa được diễn tả ra bằng sự hiến mình triệt để vì yêu
mến Chúa Giê-su và vì yêu thương mỗi thành viên của gia đình nhân loại trong
Người. Dân Ki-tô hữu tiếp tục có sự đảm bảo này, một đảm bảo từng làm phấn khởi
vô số người qua các thời đại, vì biết rõ rằng họ có thể được các tâm hồn quảng
đại nâng đỡ mạnh mẽ trong cuộc hành trình tiến về quê hương trên trời.
Thâu
hoạch các hoa trái của Thượng hội đồng giám mục
4.
Đáp lại nguyện vọng của khoá họp thường kỳ của Thượng hội đồng giám mục, được
triệu tập để suy nghĩ về đề tài "đời sống thánh hiến và sứ mạng của đời
sống này trong Giáo Hội và trong thế giới", tôi dự định giới thiệu trong
tông huấn này những hoa trái của Thượng hội đồng (6), và trình bày cho tất cả
các tín hữu, - các giám mục, linh mục, phó tế, những người được thánh hiến và
giáo dân, cũng như cho tất cả những người quan thiết -, những điều kỳ diệu mà
Chúa còn muốn thực hiện hôm nay qua đời sống thánh hiến.
Các
phiên họp trước đây của Thượng hội đồng đã bàn về giáo dân và linh mục ; lần
này Thượng hội đồng bổ túc việc cứu xét có hệ thống những dữ kiện đặc thù tiêu
biểu cho các bậc sống Chúa Giê-su đã muốn cho Giáo Hội của Người. Quả vậy, đang
khi Công Đồng Va-ti-ca-nô II đề cao thực tại quan trọng là sự hiệp thông trong
Giáo Hội, và tất cả các đoàn sủng đều quy về việc xây dựng Thân Thể Đức Ki-tô
và chu toàn sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới ; vào những năm gần đây, người
ta cảm thấy nhu cầu cần phải giải thích rõ ràng hơn căn tính của những bậc sống
khác nhau, ơn gọi và sứ mạng của các bậc sống ấy trong Giáo Hội. Quả thế, trong
Giáo Hội, hiệp thông không có nghĩa là đơn dạng, nhưng là một ân huệ của Thánh
Thần, Đấng tác động với các đoàn sủng và các bậc sống đa dạng. Các bậc sống
càng được tôn trọng căn tính bao nhiêu thì sẽ càng hữu ích cho Giáo Hội và cho
sứ mạng của Giáo Hội bấy nhiêu. Thực vậy, bất cứ ân huệ nào Thánh Thần ban đều
nhằm để ta làm sinh hoa kết quả cho Chúa (7), giúp tăng triển tình huynh đệ và
hoạt động truyền giáo.
Công
trình của Thánh Thần trong các hình thái sống thánh hiến khác nhau
5.
Làm sao không nhớ lại với lòng biết ơn Thánh Thần những hình thái phong phú đời
sống thánh hiến đã được Người khơi lên qua dòng lịch sử và hôm nay còn đang
hiện diện trong lòng Giáo Hội ? Các hình thái ấy có thể ví như một cây nhiều
cành (8), cắm rễ sâu vào trong Tin Mừng và sản sinh hoa quả dồi dào cho tất cả
các thời đại Giáo Hội. Quả là phong phú biết mấy ! Khi kết thúc Thượng hội
đồng, chính tôi cảm thấy cần phải nêu bật sự hiện diện thường hằng của yếu tố
này trong lịch sử Giáo Hội : đó là đoàn các đấng sáng lập nam nữ, các vị thánh
nam nữ đã chọn Đức Ki-tô bằng cách chọn sống Tin Mừng triệt để và phục vụ anh
chị em mình, đặc biệt những người nghèo khổ và bị bỏ rơi (9). Công việc phục vụ
ấy cho thấy rõ ràng đời sống thánh hiến thật đang biểu lộ được tính duy nhất
của điều răn yêu thương, nhờ dây liên kết bất khả phân ly giữa tình yêu đối với
Thiên Chúa và tình yêu với tha nhân.
Thượng
hội đồng giám mục đã nhắc đến Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động không ngừng qua
các thời đại, bung mở những hoa trái phong phú do việc thực thi các lời khuyên
Tin Mừng nhờ các đoàn sủng khác nhau. Nhờ đó, Thánh Thần làm cho mầu nhiệm của
Đức Ki-tô mãi mãi hiện diện trong Giáo Hội và trong thế giới, trong thời gian
và không gian.
Đời
sống đan tu bên Đông Phương và Tây Phương
6.
Các nghị phụ thuộc các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương và các đại biểu của các
Giáo Hội khác bên Đông Phương đã nêu bật những giá trị Tin Mừng của đời sống
đan tu (10) xuất hiện từ những buổi đầu của Ki-tô giáo và hôm nay còn đang nở
rộ trên lãnh thổ của họ, nhất là trong các Giáo Hội Chính Thống.
Kể
từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, có những người nam nữ cảm thấy được kêu
gọi noi theo thân phận tôi tớ của Ngôi Lời Nhập Thể. Qua việc tuyên khấn tu
trì, họ bước theo Người bằng cách sống chuyên biệt và triệt để các đòi hỏi phát
xuất từ bí tích thánh tẩy, đó là sự tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua, của cuộc
Thương Khó và Phục Sinh. Nhờ mang Thập Giá trên mình (staurophóroi), họ đã cố
gắng trở thành những người mang Thánh Thần (pneumatophóroi), những con người
thần khí có khả năng làm cho lịch sử được phồn thịnh cách bí nhiệm, nhờ việc ca
ngợi và chuyển cầu thường xuyên, nhờ những lời khuyên bảo tu đức và những công
tác bác ái.
Nhằm
biến đổi bộ mặt của thế giới và cuộc đời, trong khi chờ đợi được hưởng kiến
vĩnh viễn dung nhan Thiên Chúa, truyền thống đan tu Đông Phương dành ưu tiên
cho việc hoán cải, từ bỏ bản thân và thống hối, tìm kiếm hésychia (nghĩa là sự
bình an nội tâm), và cầu nguyện thường xuyên, chay tịnh và canh thức, chiến đấu
thiêng liêng và thinh lặng, niềm vui phục sinh trong sự hiện diện với Đức Chúa
và trong niềm chờ mong Người đến vĩnh viễn, trao hiến bản thân và tài sản của
mình, hoặc trong sự hiệp thông thánh thiện của đan viện, hoặc trong đời ẩn tu
cô tịch (11).
Tây
Phương cũng đã thực hành đời sống đan tu ngay vào những thế kỷ đầu của Giáo Hội
và có kinh nghiệm về những lối diễn tả rất đa dạng trong các hình thức cộng
đoàn hay ẩn tu. Trong hình thái hiện nay, nếp sống đan tu Tây Phương đặc biệt
cảm hứng từ thánh Biển Đức, thừa hưởng gia sản của đông đảo những người nam nữ
đã từ bỏ lối sống theo thế gian, tìm kiếm Thiên Chúa và hiến mình cho Người,
"không ưa chuộng gì khác ngoài tình yêu Đức Ki-tô" (12). Ngày nay,
các đan sĩ vẫn còn cố gắng nối kết hài hoà đời sống nội tâm với việc làm khi
cam kết theo Tin Mừng là sẽ hoán cải đời sống, vâng phục và vĩnh cư, cũng như
khi chuyên cần thực thi việc suy gẫm Lời Chúa (lectio divina), cử hành phụng
vụ, cầu nguyện. Ở giữa lòng Giáo Hội và thế giới, các đan viện đã và còn đang
là một dấu chỉ hùng hồn về sự hiệp thông, nơi ân cần tiếp đón những người đi
tìm Thiên Chúa và những thực tại thiêng liêng, những trường học về đức tin và
những trung tâm đích thực về học vấn, đối thoại và văn hoá nhằm xây dựng đời
sống Giáo Hội và chính thành đô trần thế, trong thời gian mong đợi thành đô
thiên quốc.
Hàng
các trinh nữ, các ẩn sĩ, các quả phụ
7.
Thật là có lý do để vui mừng và hy vọng khi thấy ở thời đại chúng ta lại xuất
hiện hàng ngũ cố cựu của các trinh nữ, với những vết tích được ghi lại trong
các cộng đoàn Ki-tô hữu kể từ thời các tông đồ (13). Các trinh nữ được giám mục
giáo phận thánh hiến, họ kết nối một quan hệ mật thiết với Giáo Hội. Họ cam kết
phục vụ Giáo Hội, tuy vẫn sống ngoài đời. Dù ở một mình hoặc kết đoàn với nhau,
họ trở thành một hình ảnh cánh chung của Hiền Thê thiên giới và của đời sống
mai hậu, thời sau cùng khi Giáo Hội sẽ sống trọn tình yêu dành cho Đức Ki-tô là
Phu Quân mình.
Các
ẩn sĩ, nam nữ, dù thuộc về các dòng cổ truyền hoặc thuộc về các tu hội mới lập,
hoặc trực tiếp lệ thuộc giám mục, tất cả đều làm chứng về tính chóng qua của
thời hiện tại bằng việc tách biệt khỏi thế giới về tâm hồn và về nếp sống bên
ngoài : Bằng chay tịnh và kinh nguyện, họ làm chứng rằng con người không chỉ
sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời Thiên Chúa nữa (x. Mt 4,4). Đời sống
"nơi sa mạc" này là một lời mời gọi những người đồng loại và chính
cộng đồng Giáo Hội đừng bao giờ để mất hút ơn gọi tột đỉnh, đó là mãi mãi ở kề
bên Chúa.
Ngày
nay người ta thấy tái hiện việc thánh hiến các quả phụ (14), đã có từ thời các
tông đồ (x. 1 Tm 5,5.9-10 ; 1 Cr 7,8), cũng như việc thánh hiến các người goá
vợ. Bằng lời khấn khiết tịnh vĩnh viễn vì Nước Thiên Chúa, những người ấy tự
hiến mình theo thân phận hiện tại để sống đời cầu nguyện và phục vụ Giáo Hội.
Các
dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm
8.
Các dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm, gồm những người nữ hoặc nam, là một lý
do hãnh diện cho Giáo Hội và một nguồn mạch đưa lại những ân sủng thiên quốc.
Nhờ nếp sống và sứ mạng của họ, những phần tử thuộc các dòng ấy bắt chước Đức
Ki-tô cầu nguyện trên núi, họ làm chứng về quyền chủ tể của Thiên Chúa trên
lịch sử, họ tiên báo vinh quang mai ngày sẽ đến.
Trong
cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Thiên Chúa, cử hành phụng vụ,
khổ chế cá nhân, kinh nguyện, hãm mình và hiệp thông vào tình yêu huynh đệ, họ
hướng toàn thể đời sống và toàn thể sinh hoạt vào việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa.
như thế họ cống hiến cho cộng đồng Giáo Hội một chứng tá độc đáo về tình yêu
của Giáo Hội dành cho Chúa, và góp phần với sức phong nhiêu tông đồ huyền diệu
vào sự tăng trưởng của Dân Thiên Chúa (15).
Vì
vậy, thật hợp lý khi ước mong rằng các hình thái khác nhau của nếp sống chiêm
niệm sẽ càng ngày càng được phổ biến trong các Giáo Hội trẻ, như là dấu hiệu
cho thấy Tin Mừng đã bén rễ sâu, đặc biệt là tại các miền mà các tôn giáo khác
đã bành trướng hơn. Đó cũng là cơ hội để cho thấy sinh lực của các truyền thống
khổ chế và thần bí của Ki-tô giáo cũng như hỗ trợ cho cuộc đối thoại liên tôn
giáo nữa (16).
Đời
sống tu trì tông đồ
9.
Bên Tây Phương, trải qua các thế kỷ người ta thấy nở rộ nhiều hình thức đời
sống tu trì, trong đó vô số người đã từ bỏ thế gian, hiến mình cho Thiên Chúa
bằng việc công khai tuyên khấn các lời khuyên Tin Mừng theo một đoàn sủng
chuyên biệt và một hình thức sống chung bền vững, nhằm thực hiện những hoạt
động tông đồ khác nhau phục vụ Dân Thiên Chúa (17). Đó là lối sống của nhiều
gia đình kinh sĩ dòng, các dòng hành khất, các giáo sĩ dòng, và nói chung các
hội dòng nam nữ hiến mình hoạt động tông đồ và truyền giáo và nhiều công tác do
đức bác ái Ki-tô giáo thúc đẩy.
Đây
là một chứng tá đa dạng tuyệt diệu, phản ánh các ân sủng khác nhau được Thiên
Chúa ban cho các đấng sáng lập nam nữ. Do biết mở lòng đón tác động của Chúa
Thánh Thần, các vị đã biết minh giải các "dấu chỉ của thời đại" và
đáp trả sáng suốt những đòi hỏi dần dà xuất hiện. Theo vết chân các vị, rất
nhiều người khác dùng lời nói và hành động làm cho Tin Mừng nhập thể vào cuộc
sống của họ, để biểu lộ trong thời đại của họ sự hiện diện sống động của Đức
Giê-su, Đấng được thánh hiến ưu việt và là Tông Đồ của Chúa Cha. Các tu sĩ nam
nữ phải tiếp tục lấy Chúa Ki-tô làm gương mẫu ở bất cứ thời nào, bằng cách cầu
nguyện để duy trì sự hiệp thông tâm tình sâu xa với Người (x. Pl 2,5-11), hầu
toàn thể đời sống họ được thấm nhuần tinh thần tông đồ và toàn thể hoạt động
tông đồ của họ thấm nhuần tinh thần chiêm niệm (18).
Các
tu hội đời
10.
Chúa Thánh Thần, Đấng kiến tạo lỗi lạc các đoàn sủng khác nhau, đã khơi lên
trong thời đại chúng ta nhiều cách thức mới diễn tả đời sống thánh hiến. Theo
kế hoạch của Chúa quan phòng, điều này dường như đáp ứng những nhu cầu mới mà
Giáo Hội hôm nay đang phát hiện khi muốn chu toàn sứ mạng của mình trong thế
giới.
Trước
tiên, người ta nghĩ đến các tu hội đời, có các thành viên muốn sống sự thánh
hiến cho Thiên Chúa ở trong thế gian, bằng việc tuyên khấn các lời khuyên Tin
Mừng trong khung cảnh những cơ cấu trần thế. Như thế họ muốn trở nên men khôn
ngoan và chứng tá về ân sủng giữa lòng nếp sống văn hoá, kinh tế và chính trị.
Bằng một đường lối kết hợp đời sống trần thế với sự thánh hiến của riêng họ, họ
muốn đưa vào trong xã hội những năng lực mới của Nước Chúa Ki-tô, khi tìm cách
biến đổi gương mặt của thế giới từ nội tại nhờ sức mạnh của các mối phúc. Nhờ
vậy, một đàng họ thuộc trọn về Thiên Chúa, hiến mình trọn vẹn để phục vụ Người,
đàng khác hoạt động của họ trong hoàn cảnh sống giáo dân thông thường, dưới tác
động của Thánh Thần, góp phần vào việc chiếu dọi ánh sáng Tin Mừng vào các thực
tại trần thế. Như thế, các tu hội đời, theo đặc tính riêng của mỗi tu hội, đảm
bảo cho Giáo Hội được hiện diện hữu hiệu trong xã hội (19).
Các
tu hội đời của các giáo sĩ cũng thực thi một chức năng hữu ích : các linh mục
thuộc hàng giáo sĩ giáo phận, cho dù có một số vị được phép nhập tịch vào tu
hội của họ, hiến mình cho Đức Ki-tô qua việc thực thi các lời khuyên Tin Mừng
thể theo một đoàn sủng chuyên biệt. Họ tìm thấy trong các hoa trái thiêng liêng
phong phú của tu hội mà mình làm thành viên, một sự hỗ trợ quan trọng để sống
sâu đậm linh đạo riêng của chức linh mục và như thế, làm men hiệp thông và
quảng đại hoạt động tông đồ giữa các anh em đồng nghiệp.
Các
tu đoàn tông đồ
11.
Các tu đoàn tông đồ hay còn gọi là tu đoàn giữ đời sống chung, dành cho nam
giới và nữ giới, cũng đáng được nhắc đến. Họ theo đuổi với phong cách riêng một
mục tiêu chuyên biệt tông đồ hoặc truyền giáo. Trong nhiều tu đoàn, các thành
viên cam kết tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng bằng những dây ràng buộc thánh mà
Giáo Hội chính thức nhìn nhận. Tuy nhiên, ngay trong trường hợp này, sự thánh
hiến đặc biệt của họ mang tính cách khác với các dòng tu và các tu hội đời. Cần
phải bảo vệ và thăng tiến căn tính của lối sống này ; trong các thế kỷ vừa qua,
lối sống này đã sản sinh ra biết bao hoa trái về đời sống thánh thiện và tông
đồ, nhất là trong lãnh vực bác ái và truyền bá Tin Mừng tại các miền truyền
giáo (20).
Những
hình thức mới mẻ của đời sống thánh hiến
12.
Ngày này vẻ trẻ trung trường cửu của Giáo Hội vẫn còn được biểu lộ : trong các
thập niên vừa qua, sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II, người ta đã thấy xuất hiện
những hình thái mới mẻ hoặc được đổi mới của đời thánh hiến phần lớn là những
tu hội cũng giống như các tu hội đã có trước đây song mang theo những hướng đi
mới về linh đạo hay hoạt động tông đồ. Sinh lực của họ cần được quyền bính Giáo
Hội chuẩn nhận ; Giáo Hội có nhiệm vụ tiến hành những lượng định cần thiết, vừa
để đánh giá tính trung thực của mục tiêu đã gợi hứng cho họ, vừa để tránh nhân
thêm quá mức những định chế tương tự, đưa đến nguy cơ phân mảnh tai hại thành
những nhóm quá nhỏ. Trong những trường hợp khác, phải nói là những kinh nghiệm
độc đáo đang đi tìm một căn tính riêng trong Giáo Hội và đang chờ đợi sự nhìn
nhận chính thức về phía Toà Thánh, vì là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết
định trong lãnh vực này (21).
Các
hình thái mới của đời thánh hiến, cộng thêm vào những hình thái cũ, đang làm
chứng cho thấy việc dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa, lý tưởng của cộng đoàn
các thánh tông đồ và những đoàn sủng của các vị sáng lập vẫn còn có khả năng
thu hút thế hệ hiện tại. Các hình thái này cũng là dấu chỉ cho thấy các ân điển
của Chúa Thánh Thần bổ túc lẫn cho nhau.
Tuy
nhiên trong sự mới mẻ, Thánh Thần không thể nào mâu thuẫn với chính mình đâu !
Bằng chứng là các hình thái mới của đời thánh hiến đã không thay thế các hình
thái có trước. Mặc dầu có sự đa dạng như thế, nhưng tính duy nhất vẫn được duy
trì, bởi vì chỉ có một tiếng gọi duy nhất mời bước theo Đức Giê-su khiết tịnh,
nghèo khó và vâng phục, để tìm kiếm đức ái toàn hảo. Tiếng gọi ấy, cũng như đã
đánh dấu các hình thái tận hiến trước đây, cần phải biểu hiện nơi các hình thái
được coi là mới nữa.
Mục
tiêu của tông huấn
13.
Thu lượm hoa trái của Thượng hội đồng trong tông huấn này, tôi muốn ngỏ lời với
toàn thể Giáo Hội, để giới thiệu không những cho các người sống đời thánh hiến,
mà còn cho cả các vị mục tử và các tín hữu, những thành quả của một cuộc trao
đổi sôi nổi, được Chúa Thánh Thần dẫn dắt nhờ linh ân chân lý và tình yêu của
Người.
Trong
những năm canh tân này, đời sống thánh hiến trải qua một giai đoạn tế nhị và
khó khăn, thật ra cũng y như các hàng ngũ khác của Giáo Hội. Đó là một giai
đoạn phong phú đầy hy vọng, những thử nghiệm và những đề nghị canh tân nhằm đưa
lại một sức mạnh tươi trẻ cho việc tuyên khấn các lời khuyên Tin Mừng. Nhưng
cũng là một thời đầy căng thẳng và thử thách, thời mà những kinh nghiệm quảng
đại không phải lúc nào cũng thu hoạch được kết quả tích cực.
Tuy
nhiên các khó khăn không được làm cho thất vọng. Trái lại, cần phải dấn thân,
bởi vì Giáo Hội cần có sự đóng góp về thiêng liêng và tông đồ của một đời thánh
hiến được đổi mới và củng cố. Qua tông huấn hậu Thượng hội đồng giám mục đây,
tôi muốn ngỏ lời với các cộng đoàn tu sĩ và với những người đang sống đời thánh
hiến dựa theo tinh thần đã từng hướng dẫn bức thư mà Công Đồng Giê-ru-sa-lem
gửi đến các Ki-tô hữu An-ti-ô-khi-a, và tôi hy vọng rằng ngày hôm nay, kinh
nghiệm thời xưa đó lại được tái diễn : "Đọc thư xong, họ vui mừng vì lời
khích lệ đó" (Cv 15,31). Hơn nữa tôi cũng nuôi hy vọng gia tăng niềm vui
của toàn Dân Thiên Chúa, vì được giúp hiểu biết rõ hơn về đời sống thánh hiến,
họ sẽ có ý thức hơn khi tạ ơn Đấng Toàn Năng về ân huệ lớn lao ấy.
Với
một thái độ cởi mở chân tình đối với các nghị phụ của Thượng hội đồng, tôi đã
quyết tâm có mặt thường xuyên tại phiên họp, và theo dõi các cuộc đóng góp quý
giá diễn ra qua các buổi làm việc của Thượng hội đồng. Trong thời gian ấy, tôi
đã cố gắng cống hiến cho toàn Dân Thiên Chúa những huấn giáo có hệ thống về đời
sống thánh hiến trong Giáo hội. Trong các bài ấy, tôi đã nhắc lại giáo huấn hàm
chứa trong các bản văn của Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Công Đồng trở thành một
điểm quy chiếu rạng ngời cho những triển khai giáo lý về sau, và cho công việc
suy tư của Thượng hội đồng giám mục trong những tuần lễ làm việc bận rộn (22).
Tôi
tin tưởng rằng các con cái Giáo Hội, đặc biệt những người sống đời thánh hiến,
sẽ sẵn sàng đón tiếp tông huấn này với cả tâm hồn. Tôi ước mong công việc suy
tư sẽ còn được tiếp tục, nhằm giúp đào sâu ân huệ lớn lao là đời sống thánh
hiến, trong ba chiều kích thánh hiến, hiệp thông, và sứ mạng. Tôi ước mong rằng
những người nam nữ sống đời thánh hiến, nhờ nhất trí hoàn toàn với Giáo Hội và
huấn quyền, sẽ thấy phấn khởi thêm để đối đầu với các thách đố của thời đại,
với tinh thần siêu nhiên và tông đồ.
Bức
hoạ Đức Ki-tô biến hình
14.
Ta phải tìm nền tảng Tin Mừng của đời sống thánh hiến trong tương quan đặc biệt
mà Đức Giê-su, suốt cuộc sống trần thế, đã thiết lập với một số môn đệ. Người
mời các ông không những đón tiếp Nước Thiên Chúa vào trong đời sống các ông, mà
còn dùng đời sống các ông để phục vụ sự nghiệp ấy, bằng cách bỏ mọi sự và bắt
chước sát kiểu sống của Người.
Suốt
dòng lịch sử, nhiều người được thánh tẩy đã được mời gọi sống cuộc đời
"giống hình ảnh Chúa Ki-tô". Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được
nhờ một ơn gọi đặc biệt và nhờ một ơn huệ đặc biệt của Thánh Thần. Trong đời
sống này, sự thánh hiến trong phép rửa trở thành một lời đáp trả triệt để khi
bước theo Đức Ki-tô - sequela Christi, bằng việc thực thi các lời khuyên Tin
Mừng, mà lời khuyên đầu tiên và lớn nhất là dây liên kết thánh thiêng của đức
khiết tịnh vì Nước Trời (23). Hình thức theo Đức Ki-tô, sequela Christi, luôn
luôn bắt nguồn từ sáng kiến của Chúa Cha, có một chiều kích chủ yếu mang tính
Ki-tô và Thần Khí ; điều này diễn tả cách đặc biệt sống động đặc tính Ba Ngôi
của đời sống Ki-tô hữu, và có thể nói đó là sự tiên báo cuộc hoàn tất cánh
chung mà toàn thể Giáo Hội đang hướng tới (24).
Trong
Tin Mừng, nhiều cử chỉ và lời nói của Đức Ki-tô có thể soi sáng ý nghĩa của ơn gọi
đặc biệt này. Tuy nhiên, để nắm bắt được những nét cốt yếu của ơn gọi này trong
một cái nhìn tổng quát, nên chiêm ngắm dung nhan rạng rỡ của Đức Ki-tô trong
mầu nhiệm biến hình. Có cả một truyền thống thiêng liêng cổ xưa quy về bức hoạ
này, truyền thống nối kết đời sống chiêm niệm với việc Đức Giê-su cầu nguyện
"ở trên núi" (25). Ngoài ra, các chiều kích "hoạt động" của
đời sống thánh hiến cũng được hàm chứa trong đó, bởi vì cuộc biến hình không
chỉ mạc khải vinh quang của Đức Ki-tô, nhưng còn chuẩn bị chấp nhận thập giá
của Người. Biến cố này giả thiết một cuộc "lên núi" và một cuộc
"xuống núi" : các môn đệ đã từng hưởng tình nghĩa thiết của Thầy,
trong khoảnh khắc được bao trùm trong ánh huy hoàng của đời sống Ba Ngôi và bởi
sự hiệp thông các thánh, cảm thấy như được đưa vào thế giới vĩnh cửu. Thế rồi
bất chợt họ phải trở lại với thực tế thường nhật ; họ chỉ còn thấy một mình Đức
Giê-su trong tình trạng khiêm nhường của bản tính nhân loại và họ được mời trở
xuống thung lũng, để chia sẻ những nỗ lực của Người trong việc thực hiện chương
trình của Thiên Chúa và can đảm đi vào con đường thập giá.
"Rồi
người biến đổi hình dạng trước mặt các ông ..."
15.
"Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em
ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn
núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói
lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và kìa các
ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô
thưa với Đức Giê-su rằng : ÀLạy Ngài, chúng con ở đây thật là đẹp ! Nếu Ngài
muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Mô-sê một cái, và ông
Ê-li-a một cái.' Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các
ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng : ÀĐây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng
về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.' Nghe vậy các môn đệ kinh hoàng,
ngã sấp mặt xuống đất. Bầy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo :
ÀChỗi dậy đi, đừng sợ !' Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một
mình Đức Giê-su mà thôi." (Mt 17,1-9)
Biến
cố biến hình đánh dấu một thời điểm quyết định trong sứ vụ của Đức Giê-su. Đây
là một biến cố mạc khải nhằm củng cố niềm tin trong tâm hồn các môn đệ, chuẩn
bị họ đi vào tấn bi kịch thập giá và báo trước vinh quang Phục Sinh. Giáo Hội
vẫn thường xuyên ôn lại mầu nhiệm này, vì Giáo Hội là đoàn dân đang tiến về
cuộc gặp gỡ cánh chung với Chúa của mình. Cũng như ba môn đệ được tuyển chọn,
Giáo Hội chiêm ngưỡng gương mặt được biến hình của Đức Ki-tô, để được củng cố
trong niềm tin và để khỏi hoang mang trước dung nhan tan nát của Người trên
thập giá. Trong cả hai trường hợp, Giáo Hội là Hiền Thê đối diện với Đức Lang
Quân, Giáo Hội thông dự vào mầu nhiệm của Người và được vây bọc trong ánh sáng
của Người.
Ánh
sáng này soi sáng tất cả mọi con cái Giáo Hội, được kêu gọi theo Đức Ki-tô khi
chọn Người làm ý nghĩa tối hậu của đời sống họ, đến độ có thể nói với thánh
Tông Đồ : "Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô" (Pl 1,21). Những người
được gọi sống đời thánh hiến, chắc chắn có một kinh nghiệm có một không hai về
ánh sáng phát xuất từ Ngôi Lời nhập thể. Quả thế, việc tuyên giữ các lời khuyên
Phúc Âm biến họ trở thành những dấu chỉ mang tính ngôn sứ cho cộng đoàn anh em
họ và cho thế giới ; họ nhất thiết phải rung động cách đặc biệt khi nghe những
lời đầy hứng khởi của ông Phê-rô : "Chúng con ở đây, thật là đẹp !"
(Mt 17,4). Những lời ấy biểu lộ định hướng quy Ki-tô của toàn thể đời sống
Ki-tô hữu. Tuy nhiên chúng còn diễn tả mạnh mẽ đặc tính triệt để của ơn gọi vào
đời tận hiến : đối với chúng con, thật là đẹp khi được ở với Thầy, khi được
hiến mình cho Thầy, khi dồn hết cuộc đời chúng con cho một mình Thầy. Quả thế,
người nào nhận được ân sủng hiệp thông tình yêu đặc biệt với Đức Ki-tô, thì cảm
thấy như sửng sốt bởi ánh sáng chói loà : "Người là Đấng tuyệt mỹ giữa thế
nhân" (Tv 45 (46),3), là Đấng vô song.
"Đây
là Con yêu dấu của Ta, các con hãy vâng nghe lời Người !"
16.
Trong cơn xuất thần, ba môn đệ nhận ra tiếng Chúa Cha kêu gọi lắng nghe Đức
Ki-tô, đặt tất cả niềm tin tưởng nơi Người, coi Người là trung tâm đời mình.
Tiếng nói từ trên cao lại đào sâu thêm lời gọi mà chính Đức Giê-su, khi khởi
đầu cuộc đời công khai, đã ngỏ với họ, mời họ hãy theo Người, hãy từ bỏ cuộc sống
bình thường, và hãy vào sống trong tình nghĩa thiết với Người. Chính do ơn đặc
biệt là được sống trong tình thân thiết với Chúa mà phát xuất, trong đời sống
thánh hiến, khả năng và đòi hỏi hiến mình trọn vẹn bằng việc tuyên giữ các lời
khuyên Phúc Âm. Các lời khuyên Phúc Âm còn là cái gì vượt xa hẳn sự từ bỏ ;
chúng mang ý nghĩa như là đón tiếp mầu nhiệm Đức Ki-tô một cách đặc biệt, được
sống giữa lòng Giáo Hội.
Quả
thế, trong một đời sống Ki-tô hữu duy nhất, có nhiều ơn gọi khác nhau, ví như
những tia sáng phát xuất từ ánh sáng duy nhất của Đức Ki-tô, "phản chiếu
trên dung nhan Giáo Hội" (26). Các giáo dân, do đặc tính trần thế của ơn
gọi họ, phản ánh mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, đặc biệt về điểm Người là An-pha
và Ô-mê-ga (Nguyên thuỷ và Cùng đích) của thế giới, là nền tảng và mức đo lường
giá trị của tất cả các thực tại thụ tạo. Còn các giáo sĩ là những hình ảnh sống
động của Đức Ki-tô thủ lãnh và mục tử, đang dẫn dắt dân Người trong thời gian
của Nước Chúa "đã có đó rồi và chưa đến", trong khi chờ đợi Người đến
trong vinh quang. Đời sống thánh hiến có bổn phận cho thấy Con Thiên Chúa làm
người là đích điểm cánh chung của hết mọi sự, là ánh huy hoàng làm mờ nhạt mọi
ánh sáng khác, là vẻ đẹp vô biên duy nhất có thể lấp đầy trái tim con người.
Trong đời sống thánh hiến, vấn đề không phải chỉ là theo Chúa Ki-tô với cả con
tim, bằng cách yêu mến Người hơn cha mẹ mình, hơn con trai hay con gái
mình" (x. Mt 10,37), như mỗi môn đệ đều phải làm, nhưng còn là sống và
diễn tả điều đó bằng việc biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, bằng
một cuộc gắn bó triệt để, báo trước sự hoàn thiện cánh chung, tuỳ theo các đoàn
sủng khác nhau và trong mức độ có thể đạt được trong thời gian.
Quả
thế, qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, người được thánh hiến không chỉ
bằng lòng với việc đã chọn Đức Ki-tô làm ý nghĩa đời mình, nhưng còn tìm cách
diễn lại nơi chính mình, trong mức độ có thể, "nếp sống Con Thiên Chúa đã
sống khi Người xuống thế" (27). Khi ôm ấp sự trinh khiết, họ nhận tình yêu
khiết trinh của Đức Ki-tô làm của mình và tuyên xưng với thế giới rằng Người là
Con Một, đồng nhất với Chúa Cha (x. Ga 10,30 ; 14,11) ; khi bắt chước sự nghèo
khó của Người, họ tuyên xưng rằng Người Con đón nhận mọi sự từ Chúa Cha và dâng
mọi sự lại cho Chúa Cha vì yêu thương (x. Ga 17,7.10) ; khi gắn bó với mầu
nhiệm vâng phục hiếu thảo của Người bằng lễ hy sinh tự do của mình, họ tuyên
xưng Người là Đấng được yêu thương và Đấng yêu thương vô biên, là Đấng chỉ vui
thoả khi ở trong ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4,34), vì Người hoàn toàn kết hợp
với Chúa Cha và tuỳ thuộc Chúa Cha trong mọi sự.
Do
việc trở nên "đồng hình đồng dạng" với mầu nhiệm Đức Ki-tô như thế,
đời sống thánh hiến thể hiện theo một danh nghĩa đặc biệt việc tuyên xưng Chúa
Ba Ngôi (confession Trinitatis), đặc điểm của toàn thể đời sống Ki-tô hữu ; đó
là nhìn nhận với lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp tuyệt vời của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần, và vui sướng làm chứng về sự hạ cố đầy yêu thương của Thiên Chúa
dành cho hết mọi sinh linh.
I. CA NGỢI THIÊN CHÚA BA NGÔI
A
Patre ad Patrem : Sáng kiến của Thiên Chúa
17.
Việc chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa Giê-su trong bức hoạ cuộc biến hình,
trước hết bộc lộ Chúa Cha cho những người sống đời thánh hiến. Người là Đấng
tạo dựng và ban phát mọi điều thiện hảo, đã lôi kéo về với mình (x. Ga 6,44)
một thụ tạo bởi một tình yêu đặc biệt và nhằm một sứ mạng đặc biệt : "Đây
là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người
!" (Mt 17,5). Để đáp trả tiếng gọi kèm theo một sự lôi kéo bên trong, kẻ
được gọi ký thác mình cho tình yêu Thiên Chúa đã muốn dành riêng mình để phục
vụ Người, và họ hiến mình hoàn toàn cho Người và cho chương trình cứu độ của
Người (x. 1 Cr 7,32-34).
Đó
là ý nghĩa của ơn gọi sống đời thánh hiến : nó là một sáng kiến hoàn toàn phát
khởi từ Chúa Cha (x. Ga 15,16), Đấng muốn những kẻ Người đã tuyển chọn đáp trả
bằng việc hiến mình trọn vẹn và tuyệt đối (28). Kinh nghiệm về tình yêu nhưng
không của Thiên Chúa mang tính cách thâm sâu và mạnh mẽ đến nỗi họ hiểu rằng
mình phải đáp trả bằng việc hiến dâng cuộc đời vô điều kiện, bằng cách trao
dâng mọi sự cho Người, ngay bây giờ và trong tương lai. Chính vì thế, nói theo
thánh Tô-ma, ta có thể hiểu được căn tính của người tận hiến căn cứ vào việc
hiến dâng trọn vẹn ví được như hy lễ toàn thiêu (29).
Per
Filium : theo dấu chân Đức Ki-tô
18.
Là con đường dẫn đến Chúa Cha (x. Ga 14,6), Chúa Con kêu gọi tất cả những ai
Chúa Cha ban cho Người (x. Ga 17,9) hãy lấy việc đi theo Người làm mục tiêu của
cuộc đời. Nhưng đối với một số người, cụ thể là những người được thánh hiến,
Người yêu cầu một cuộc dấn thân trọn vẹn gồm việc từ bỏ mọi sự (x. Mt 19,27) để
sống thân tình với Người (30) và theo Người đến bất cứ nơi nào Người đi (x. Kh
14,4).
Nơi
ánh mắt của Đức Giê-su (x. Mc 10,21), "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình"
(Cl 1,15), phản ánh của vinh quang Chúa Cha (x. Dt 1,3), ta đọc ra chiều sâu
của một tình yêu vĩnh cửu và vô biên thâm nhập tới tận gốc rễ của cuộc sống
(31). Ai đã để cho Chúa chiếm hữu thì chỉ còn cách từ bỏ mọi sự và bước theo
Người (x. Mc 1,16-20 ; 2,14 ; 10,21.28). Như ông Phao-lô, họ coi mọi sự còn lại
là "thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô
Giê-su" ; sánh với điều ấy họ không ngần ngại coi mọi sự như "đồ bỏ,
để giành được Đức Ki-tô" (Pl 3,8). Họ khao khát được đồng hoá với Người,
mang cũng những tâm tình và cùng một lối sống. Việc từ bỏ mọi sự và bước theo
Chúa (x. Lc 18,28) làm thành một chương trình có giá trị cho tất cả mọi người
được kêu gọi, ở hết mọi thời.
Qua
các lời khuyên Phúc Âm, Đức Ki-tô mời gọi một số người chia sẻ kinh nghiệm của
Người như là kẻ khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục. Việc chấp nhận các lời
khuyên đó đòi hỏi và biểu lộ nguyện ước minh nhiên được hoàn toàn nên đồng hình
đồng dạng với Người. Khi sống "vâng phục, không có của riêng và khiết tịnh"
(32), những người tận hiến tuyên xưng rằng Đức Giê-su là Mẫu Mực, nơi Người mọi
nhân đức đạt tới mức hoàn hảo. Thực vậy, lối sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng
phục của Người xuất hiện như một cách sống Tin Mừng triệt để nhất trên trái đất
này, một cách thức có thể gọi là thần linh, bởi vì chính Đấng vừa là con người
vừa là Thiên Chúa đã chấp nhận lối sống đó để diễn tả mối quan hệ của Con Một
đối với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đó là lý do khiến cho truyền thống Ki-tô
giáo luôn nói rằng, xét theo mặt khách quan, đời tận hiến trổi vượt hơn tất cả.
Ngoài
ra người ta không thể phủ nhận rằng việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm là một
cách thức thông dự sâu đậm và phong phú đặc biệt vào sứ mạng của Đức Ki-tô,
theo gương Đức Ma-ri-a Na-da-rét, người môn đệ đầu tiên chấp nhận hiến mình
phục vụ chương trình của Thiên Chúa bằng việc dâng hiến trọn vẹn bản thân. Bất
cứ sứ mạng nào cũng khởi đầu với chính thái độ của Đức Ma-ri-a vào dịp truyền
tin : "Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ
thần nói !" (Lc 1,38)
In
Spiritu : được thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần
19.
"Có đám mây sáng ngời bao phủ các ông" (Mt 17,5). Một lối giải thích
việc biến hình, mang đầy ý nghĩa thiêng liêng, cho thấy đám mây là hình ảnh của
Chúa Thánh Thần (33).
Cũng
như trọn cuộc sống Ki-tô hữu, tiếng gọi sống đời tận hiến có quan hệ mật thiết
với hoạt động của Chúa Thánh Thần. Qua các thời đại, chính Thánh Thần luôn luôn
thúc đẩy những con người mới nhận ra sức thu hút của một chọn lựa cam go. Dưới
tác động của Người, những con người ấy lại trải qua kinh nghiệm của ngôn sứ
Giê-rê-mi-a : "Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến
rũ" (20,7). Chính Thánh Thần gợi lên nguyện ước đáp trả trọn vẹn ; chính
Người tháp tùng cuộc tăng trưởng của nguyện ước này, giúp người ta thuận theo
đến cùng, và nâng đỡ người ta trung thành thực hiện lời đáp trả ; chính Người
đào tạo và củng cố tinh thần của những người được kêu gọi, bằng cách làm cho họ
nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, và bằng
cách thúc đẩy họ nhận lấy sứ mạng của Người làm của mình. Khi để cho Thánh Thần
hướng dẫn hầu tiến đi không ngừng trên hành trình thanh luyện, ngày qua ngày,
họ trở thành những con người mang danh Đức Ki-tô, nối dài trong lịch sử sự hiện
diện đặc biệt của Chúa Phục Sinh.
Với
một trực giác sâu sắc, các giáo phụ đã gọi con đường thiêng liêng này là
philocalie, tức là yêu thích vẻ đẹp thần linh, là một phản ánh sự tốt lành của
Thiên Chúa. Quyền năng Chúa Thánh Thần dẫn dắt con người từng bước cho đến khi
đạt được tình trạng hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, phản chiếu một
tia của ánh sáng chói loà và, trong cuộc lữ hành trần thế, người ấy tiến đến
tận nguồn ánh sáng không bao giờ cạn. Như thế đời thánh hiến trở thành một cách
thức diễn tả đặc biệt mạnh mẽ về Giáo Hội - Hiền Thê, đang được Thánh Thần dẫn
dắt hầu tạo lại nơi mình những nét của Phu Quân, xuất hiện trước nhan Người
"lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào,
nhưng thánh thiện và tinh tuyền" (Ep 5,27).
Thánh
Thần không hề rút ra ngoài lịch sử nhân loại những kẻ được Chúa Cha kêu gọi,
nhưng lại khiến họ hiến thân phục vụ anh em thể theo những cách thức riêng của
bậc sống họ. Người thúc đẩy họ chu toàn những sứ mạng riêng hầu đáp ứng những
nhu cầu của Giáo Hội và thế giới, qua những đoàn sủng riêng của các tu hội khác
nhau. Đây là nguồn gốc của nhiều lối sống đời thánh hiến, nhờ đó Giáo Hội được
"con cái tô thắm bằng những ân huệ khác nhau như một hiền thê trang điểm
xinh xắn ra mắt lang quân mình" (x. Kh 21,2) (34) và có vô số phương tiện
để hoàn tất sứ mạng trong thế giới.
Những
lời khuyên Phúc Âm, ân huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi
20.
Vậy trước hết, các lời khuyên Phúc Âm là một ân huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi chí
thánh. Đời thánh hiến loan báo những gì Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Thánh
Thần đã thực hiện do tình yêu, do lòng nhân lành, do vẻ đẹp của Người. Quả thế,
bậc sống tu trì đặc biệt cho thấy Nước Thiên Chúa vượt lên trên mọi sự trần thế
và những đòi hỏi cao cả biết bao ; nó cũng cho mọi người thấy quyền lực cao
trọng tuyệt vời của Đức Ki-tô và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần đang
hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội (35).
Bổn
phận đầu tiên của đời thánh hiến là làm hiển hiện những kỳ công Thiên Chúa thực
hiện nơi nhân tính mỏng dòn của những kẻ được Người kêu gọi. Họ làm chứng về
những kỳ công không bằng lời nói cho bằng ngôn ngữ hùng hồn của một cuộc sống
đã được biến hình đổi dạng, có khả năng làm cho thế giới phải ngạc nhiên. Đứng
trước sự kinh ngạc của loài người, họ đáp lại bằng cách loan báo những kỳ công
Thiên Chúa thường thực hiện nơi những kẻ Người yêu thương. Trong mức độ con
người tận hiến để cho Thánh Thần hướng dẫn đi đến tận những đỉnh cao của sự
hoàn thiện, người ấy có thể kêu lên : "Con đang thấy vẻ đẹp của ân sủng
Ngài, con đang được chiêm ngưỡng ánh huy hoàng, con đang phản ánh sức sáng của
ân sủng Ngài, con phải sững sờ trước vẻ rực rỡ của nó ; khi nghĩ đến mình, con
thấy được lôi ra khỏi con, con thấy được trước đây con như thế nào và nay con
đã ra sao, ôi kỳ diệu thay ! Con cứ chăm chú, con đầy trân trọng đối với chính
mình con, đầy kính cẩn và sợ hãi, như thể đứng trước chính Ngài ; con chẳng còn
biết phải làm gì, mà bởi vì con đã ra nhút nhát, con chẳng biết phải ngồi đâu,
phải đi đâu, phải đặt các chi thể thuộc về Ngài đây vào chỗ nào, phải dùng các
điều kỳ diệu này vào việc chi, vào công tác nào" (36). Như thế đời sống
thánh hiến trở thành một trong những dấu vết hữu hình mà Thiên Chúa Ba Ngôi để
lại trong lịch sử, để cho loài người có thể nhận ra được sức hấp dẫn của vẻ đẹp
thần linh và lưu luyến nó.
Phản
ánh của đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi trong các lời khuyên Phúc Âm
21.
Ý nghĩa sâu xa nhất của các lời khuyên Phúc Âm được vén mở khi được đặt trong
tương quan Ba Ngôi Thiên Chúa nguồn mạch mọi sự thánh thiện. Quả thế, các lời
khuyên ấy diễn tả tình yêu Chúa Con đối với Chúa Cha trong sự hiệp nhất với
Thánh Thần. Khi thực hành các lời khuyên ấy, người được thánh hiến sống với một
cường độ đặc biệt đặc trưng Ba Ngôi và Ki-tô đánh dấu toàn thể đời sống Ki-tô
hữu.
Sự
khiết tịnh của những người độc thân trinh khiết, biểu lộ một con tim không chia
sẻ dâng hiến cho Thiên Chúa (x. 1 Cr 7,32-34), là phản ảnh của tình yêu vô biên
đang nối kết Ba Ngôi Vị Thần Linh trong chiều sâu nhiệm mầu của đời sống Ba
Ngôi ; tình yêu mà Ngôi Lời nhập thể làm chứng cho đến hy sinh mạng sống ; tình
yêu "đã được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần" (Rm 5,5), tình yêu
thúc bách chúng ta đáp trả với trọn tình thương dành cho Thiên Chúa và anh em.
Sự
nghèo khó tuyên xưng rằng Thiên Chúa là kho tàng đích thực duy nhất của con
người. Sống theo gương Đức Ki-tô, Đấng "vốn giàu sang phú quý, đã tự ý trở
nên nghèo khó" (2 Cr 8,9), sự nghèo khó trở thành một cách diễn tả việc Ba
Ngôi Vị Thần Linh trao ban trọn vẹn cho nhau. Việc trao ban dạt dào ấy trào ra
trong công cuộc sáng tạo và được biểu lộ viên mãn trong cuộc Nhập Thể của Ngôi
Lời và trong cái chết cứu chuộc của Người.
Sự
vâng phục, thực hành theo gương Đức Ki-tô, lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực
(x. Ga 4,34), biểu lộ vẻ đẹp giải phóng của sự lệ thuộc như con cái chứ không
phải như nô lệ, một sự lệ thuộc chất chứa tinh thần trách nhiệm và được sống
động bởi một niềm tin tưởng hỗ tương, phản ánh ra lịch sử mối hoà hợp tình yêu
của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Do
đó, đời thánh hiến được kêu gọi hãy không ngừng đào sâu ân huệ các lời khuyên
Phúc Âm nhờ một tình yêu ngày càng chân thành hơn và mạnh mẽ hơn trong chiều
kích Ba Ngôi : tình yêu của Chúa Thánh Thần, Đấng mở rộng tâm hồn đón nhận
những linh ứng của Người ; tình yêu của Chúa Cha, là nguồn mạch đầu tiên và mục
tiêu tối hậu của đời sống thánh hiến (37). Như thế đời thánh hiến tuyên xưng và
biểu lộ Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm được tỏ bày cho Giáo Hội làm mẫu mực và
nguồn mạch cho hết mọi hình thức sống Ki-tô hữu.
Đời
sống huynh đệ, nhờ vậy những người được thánh hiến cố gắng sống "một lòng
một ý" trong Đức Ki-tô (Cv 4,32), cũng là một lời tuyên xưng về Ba Ngôi
đậm đà ý nghĩa. Đời sống huynh đệ tuyên xưng Chúa Cha, Đấng muốn cho mọi người
thành một gia đình duy nhất ; tuyên xưng Chúa Con nhập thể, Đấng quy tụ những
người được cứu chuộc, và chỉ cho thấy con đường hợp nhất bằng gương sáng, kinh
nguyện, lời nói và nhất là bằng cái chết của Người, là nguồn mạch ban ơn hoà
giải cho nhân loại đã bị chia rẽ và phân tán ; tuyên xưng Chúa Thánh Thần là
nguyên lý hiệp nhất trong Giáo Hội, nơi mà Người không ngừng khởi xướng những
gia đình thiêng liêng và những cộng đoàn huynh đệ.
Được
thánh hiến như Đức Ki-tô vì Nước Thiên Chúa
22.
Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, đời thánh hiến "hoạ lại cách chính xác và thực
hiện liên tục trong Giáo Hội" (38) lối sống mà Đức Giê-su, Đấng đầu tiên
được Chúa Cha thánh hiến và sai đi phục vụ Nước Thiên Chúa. Đức Giê-su mời các
môn đệ đi theo Người cũng sống như Người đã sống (x. Mt 4,18-22 ; Mc 1,16-20 ;
Lc 5,10-11 ; Ga 15,16). Nhờ cuộc thánh hiến của Đức Giê-su soi dẫn, chúng ta có
thể thấy nguồn gốc của đời thánh hiến nơi sáng kiến của Chúa Cha, nguồn mạch
mọi sự thánh hiến. Quả thế, chính Đức Giê-su là Đấng "Thiên Chúa thánh
hiến bằng Thánh Thần và quyền năng" (Cv 10,38), là "Đấng Chúa Cha đã
thánh hiến và sai đến thế gian" (Ga 10,36). Một khi đón nhận ơn thánh hiến
của Chúa Cha, Chúa Con lại hiến dâng bản thân cho Chúa Cha để phục vụ nhân loại
(x. Ga 17,19) : đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục của Người diễn tả
lòng gắn bó thảo hiếu và trọn vẹn của Người với chương trình của Chúa Cha (x.
Ga 10,30 ; 14,11). Chính vì cuộc hiến dâng hoàn hảo của Đức Ki-tô mà hết mọi
biến cố trong cuộc đời tại thế của Người đều được thánh hiến.
Người
là Đấng vâng phục tuyệt hảo, từ trời xuống không phải để làm theo ý mình, nhưng
để làm theo ý Đấng sai phái Người (x. Ga 6,38 ; Dt 10,5.7). Người ký thác bản
thân và hành động vào tay Chúa Cha (x. Lc 2,49). Bởi sự vâng phục thảo hiếu,
Người chọn thân phận nô lệ : "Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc
lấy thân nô lệ [...], vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây
thập tự" (Pl 2,7-8). Chính trong thái độ tuân phục đối với Chúa Cha, Đức
Ki-tô đã chọn sống trinh khiết, tuy vẫn chuẩn nhận và bảo vệ phẩm giá và sự
thánh thiện của đời sống hôn nhân, và như thế, cho thấy cái giá phi thường và
sự phong phú nhiệm mầu của sự trinh khiết. Vì hoàn toàn gắn bó với chương trình
của Chúa Cha, Đức Ki-tô có thái độ siêu thoát đối với của cải trần thế :
"Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó, để lấy cái nghèo
của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có" (2 Cr 8,9). Chiều sâu của sự
nghèo khó của Người được tỏ bày trong việc Người dâng trọn vẹn cho Chúa Cha tất
cả những gì thuộc về Người.
Đời
sống thánh hiến thật sự là một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức
Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, trong tương quan với Cha và với anh em Người. Đời
sống thánh hiến là truyền thống sống động về cuộc sống và sứ điệp của Đấng Cứu
Thế.
II. TỪ PHỤC SINH ĐẾN THỜI VIÊN MÃN
Từ
núi Ta-bo đến núi Sọ
23.
Biến cố lẫy lừng của cuộc biến hình chuẩn bị cho một biến cố khác, dẫu bi
thương nhưng không kém phần vinh quang, ở núi Sọ. Ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và
ông Gio-an được chiêm ngưỡng Chúa Giê-su có ông Mô-sê và ông Ê-li-a vây quanh ;
theo Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su đàm đạo với hai ông "về cuộc xuất hành
Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem" (9,31). Do đó cái nhìn của các
Tông Đồ nhắm vào Đức Giê-su đang nghỉ đến thập giá (x. Lc 9,43-45). Chính trên
thập giá mà tình yêu khiết trinh của Người đối với Chúa Cha và đối với nhân
loại sẽ được diễn tả mạnh mẽ nhất ; sự nghèo khó của Người sẽ đi đến chỗ lột bỏ
hoàn toàn, sự vâng phục của Người sẽ đi đến chỗ hiến dâng mạng sống.
Các
môn đệ được mời chiêm ngưỡng Đức Giê-su giương cao trên thập giá, nơi mà
"Ngôi Lời xuất thân từ cõi thinh lặng" (39), đã khẳng định trong
thinh lặng và cô đơn, theo kiểu các ngôn sứ, sự siêu việt tuyệt đối của Thiên
Chúa trên mọi tạo vật, nơi mà Đức Giê-su đã chiến thắng tội lỗi của chúng ta,
trong thân xác của Người, và nơi mà Người lôi kéo mọi người lên với mình, ban
cho mỗi người sự sống mới của Phục Sinh (x. Ga 12,32 ; 19,34.37). Việc chiêm
ngưỡng Đức Ki-tô chịu đóng đinh là một nguồn cảm hứng cho tất cả các ơn gọi là
khởi điểm của mọi ân điển, tiên vàn là ơn Thánh Thần được trao ban, cũng như ơn
sống đời thánh hiến.
Sau
Đức Ma-ri-a, Thân Mẫu của Đức Giê-su, người nhận được ơn này là thánh Gio-an,
môn đệ được Đức Giê-su yêu mến, chứng nhân đã đứng dưới chân thập giá cùng với
Đức Ma-ri-a (x. Ga 19,26-27). Quyết định tự hiến hoàn toàn của ông là hoa trái
của tình yêu Chúa đang bao trùm, nâng đỡ, và tràn ngập trái tim ông. Bên cạnh
Đức Ma-ri-a, ông Gio-an thuộc số những người đầu tiên trong đoàn người nam nữ
đang nối nhau bước tới, kể từ thời khai nguyên Giáo Hội cho đến thời cuối cùng,
họ là những người được tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu, đang cảm thấy được kêu
gọi bước theo Con Chiên đã bị sát tế và nay đang sống, để đến bất cứ nơi nào
Người đi (x. Kh 14,1-5) (40).
Chiều
kích vượt qua của đời sống thánh hiến
24.
Qua những dạng thức sinh sống khác nhau do Thánh Thần gợi lên theo dòng lịch
sử, người tận hiến khám phá ra rằng họ càng gần thập giá Đức Ki-tô thì càng
nghiệm được chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu một cách trực tiếp và sâu xa. Trên
thập giá, Đấng khi chết đã bị tan nát mặt mày, không còn gì là đẹp đẽ trước mắt
người đời, đến nỗi những người trông thấy phải che mặt đi (x. Is 53,2-3), lại
biểu lộ trọn vẹn vẻ tuyệt đẹp và quyền năng của tình yêu Thiên Chúa. Thánh
Âu-tinh đã ca tụng Người như sau : "Ngôi Lời ở kề cận Thiên Chúa thật là
tuyệt đẹp [...]. Người tuyệt đẹp khi ở trên trời ; tuyệt đẹp khi ở dưới đất
[...] ; tuyệt đẹp khi làm các phép lạ, tuyệt đẹp khi chịu khổ hình ; tuyệt đẹp
khi kêu gọi đến với sự sống và tuyệt đẹp khi không ngại gì cái chết [...] ;
tuyệt đẹp khi ở trên thập giá, tuyệt đẹp khi ở trong mộ, tuyệt đẹp khi lên trời
[...]. Bạn đừng để cho xác thịt yếu ớt quay mặt đi không thấy được vẻ đẹp rực
rỡ của Người !" (41).
Đời
sống thánh hiến phản ánh vẻ rực rỡ của tình yêu đó, bởi vì do lòng trung thành
với mầu nhiệm Núi Sọ, họ tuyên xưng rằng họ tin và sống cho tình yêu của Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Như thế, họ giúp Giáo Hội ý thức mạnh mẽ rằng
: Thập giá là tình yêu vô cùng dồi dào phong phú của Thiên Chúa được đổ chan
hoà trên thế giới. Thập giá là dấu chỉ lớn lao cho thấy sự hiện diện cứu độ của
Đức Ki-tô, nhất là trong các khó khăn và thử thách. Một số lớn những người tận
hiến đang thường xuyên làm chứng về điều này cách can đảm đáng phục, khi họ
thường phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn, cho đến mức bị bách hại và tử
đạo. Lòng trung thành của họ đối với Tình Yêu duy nhất được biểu lộ và củng cố
qua một nếp sống ẩn mình khiêm tốn, qua việc chấp nhận những đau khổ để bổ túc
nơi chính thân xác họ "những gì còn thiếu nơi những gian nan thử thách Đức
Ki-tô phải chịu" (Cl 1,24), qua hy sinh thầm lặng, qua sự ký thác cho
thánh ý của Thiên Chúa, qua sự trung thành thanh thản ngay cả khi sức lực và
ảnh hưởng cá nhân đang suy giảm. Lòng trung thành với Thiên Chúa cũng đưa đến
lòng tận tuỵ đối với tha nhân ; những người tận hiến chấp nhận hy sinh khi
thường xuyên chuyển cầu cho những nhu cầu của anh em họ, khi phục vụ quảng đại
những người nghèo khổ và những người đau ốm, khi chia sẻ những khó khăn của
những người khác, khi tích cực tham dự vào các mối bận tâm và những thử thách của
Giáo Hội.
Những
chứng nhân của Đức Ki-tô trong thế giới 25. Mầu nhiệm vượt qua cũng là nguồn
mạch của chiều hướng truyền giáo, gắn liền với bản chất đời sống Giáo Hội.
Chiều hướng truyền giáo này được thực hiện đặc biệt trong đời thánh hiến. Quả
thế, đừng kể những đoàn sủng riêng của các tu hội dấn thân cho sứ mạng truyền
giáo cho dân ngoại - ad gentes - hoặc hoạt động tông đồ, người ta có thể nói
rằng chiều hướng truyền giáo nằm ngay trong lòng mọi hình thức tận hiến. Trong
mức độ người tận hiến sống một cuộc đời hoàn toàn hướng về Chúa Cha (x. Lc 2,49
; Ga 4,34), chịu Đức Ki-tô chiếm hữu (x. Lc 24,49 ; Cv 1,8 ; 2,4), họ cộng tác
hữu hiệu vào sứ mạng của Chúa Giê-su (x. Ga 20,21), góp phần sâu sắc đặc biệt
vào việc canh tân thế giới.
Bổn
phận truyền giáo tiên khởi của những người tận hiến nhắm tới bản thân họ, và
được thực hiện bằng cách mở tâm hồn đón lấy tác động của Thần Khí Đức Ki-tô.
Chứng tá của họ giúp toàn thể Giáo Hội nhớ lại rằng công tác đứng hàng đầu là
việc phục vụ Thiên Chúa cách nhưng không, và điều này có thể làm được nhờ ân
sủng của Đức Ki-tô được Thánh Thần thông ban cho người tín hữu. Chính nhờ đó mà
thế giới được loan báo về sự bình an đến từ Chúa Cha, về sự tận tuỵ mà Đức
Ki-tô đã nêu gương, và niềm vui là hoa trái của Chúa Thánh Thần.
Những
người tận hiến sẽ trở thành những nhà truyền giáo trước tiên bằng việc thường
xuyên ý thức sâu xa rằng họ đã được Thiên Chúa kêu gọi và chọn lựa, nên phải
quy hướng và dâng hiến cho Người toàn thể cuộc đời của họ và tất cả những gì họ
có, bằng cách tự giải thoát khỏi những trở ngại làm trì trệ việc đáp trả trọn
vẹn trong tình yêu. Như thế họ sẽ trở thành một dấu chỉ trung thực về Đức Ki-tô
trong thế giới. Lối sống của họ phải phản ánh lý tưởng họ tuyên xưng, khi xuất
hiện như là những dấu chỉ sống động của Thiên Chúa và là những nhà rao giảng
Tin Mừng đầy sức thuyết phục, cho dù họ thường im hơi lặng tiếng.
Giáo
Hội phải luôn luôn quan tâm đến việc hiện diện hữu hình trong đời sống hằng
ngày, đặc biệt trong nền văn hoá hiện đại, thường tuy đã bị tục hoá nhưng vẫn
nhạy cảm với ngôn ngữ dấu chỉ. Muốn thế, Giáo Hội có quyền chờ đợi sự góp phần
đặc biệt từ phía những người được thánh hiến, được kêu gọi làm chứng tá cụ thể
rằng họ đã thuộc về Đức Ki-tô trong hết mọi hoàn cảnh.
Bởi
vì tu phục là dấu chỉ của việc tận hiến, của sự nghèo khó và của thành viên của
một hội dòng nhất định, cho nên cùng với các nghị phụ của Thượng hội đồng, tôi
tha thiết khuyến cáo các tu sĩ nam nữ hãy mặc tu phục, được thích nghi xứng hợp
với thời đại và nơi chốn (42). Khi các đòi hỏi hợp lý của đời sống tông đồ đòi
buộc, họ có thể, tuỳ theo các luật lệ của tu hội, mặc một bộ áo đơn giản và
xứng đáng, với một huy hiệu thích hợp, sao cho người ta có thể nhận ra tư cách
thánh hiến của họ.
Những
tu hội nào từ thuở khai nguyên hoặc do những quy định của hiến chương, không
tiên liệu tu phục riêng, phải liệu sao cho y phục của thành viên họ mang tính
cách đoan trang và đơn giản xứng với bản chất của ơn gọi (43).
Chiều
kích cánh chung của đời thánh hiến
26.
Bởi vì ngày nay, các mối ưu tư hoạt động tông đồ ngày càng có vẻ cấp bách hơn
và sự dấn thân vào các công việc trần thế ngày càng thu hút hơn, nên cần đặc
biệt lưu ý về bản chất cánh chung của đời thánh hiến.
"Kho
tàng của bạn ở đâu, thì lòng bạn cũng ở đó" (Mt 6,21) : kho tàng duy nhất
là Nước Trời gợi lên nguyện ước, chờ mong, dấn thân và chứng tá. Trong Giáo Hội
tiên khởi, người ta sống cao độ niềm chờ mong Đức Chúa ngự đến. Qua các thời
đại, Giáo Hội không ngừng duy trì lòng trông mong đó : Giáo Hội tiếp tục mời
gọi các tín hữu đưa mắt hướng về ơn cứu độ sắp tới lúc được biểu lộ rồi,
"vì bộ mặt thế gian này đang biến đi" (1 Cr 7,31 ; 1 Pr 1,3-6) (44).
Trong
viễn tượng này, ta hiểu rõ hơn vai trò của đời thánh hiến là làm dấu chỉ cánh
chung. Quả thế, giáo lý vẫn trình bày đời sống này như là sự tiên báo về vương
quốc đang đến. Công Đồng Va-ti-ca-nô II lấy lại giáo huấn này khi khẳng định
rằng sự thánh hiến "tiên báo cuộc phục sinh tương lai và vinh quang của
Nước Trời" (45). Điều này được áp dụng trước tiên cho lời khấn trinh khiết,
được truyền thống luôn luôn hiểu như là một hé mở thực tại của cuộc đời vĩnh
cửu, ngay từ bây giờ đang hoạt động và biến đổi toàn thể con người.
Những
người hiến dâng cuộc đời cho Đức Ki-tô chỉ còn sống trong niềm ước mong được
gặp Người, ngõ hầu được sống với Người mãi mãi. Từ đó lòng họ nôn nao, khát
mong được "ngụp lặn trong Lò Lửa tình yêu đang cháy trong họ, và Lò Lửa đó
không là gì khác ngoài Chúa Thánh Thần" (46), nỗi niềm chờ mong và ước
vọng ấy được nâng đỡ bởi những ân huệ mà Chúa ban dồi dào cho những ai đi tìm
những gì thuộc thượng giới (x. Cl 3,1).
Với
cái nhìn gắn chặt vào những thực tại của Chúa, người tận hiến nhắc nhở rằng
"trên đời này, chúng ta không có đô thành bền vững" (Dt 13,14), bởi
vì "quê hương chúng ta ở trên trời" (Pl 3,20). Điều cần thiết duy
nhất là tìm kiếm "Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người" (Mt
6,33), cùng với lời khẩn cầu không ngừng xin Chúa ngự đến.
Một
sự chờ đợi tích cực : dấn thân và tỉnh thức
27.
"Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến !" (Kh 22,20). Niềm chờ mong này không
hề thụ động : tuy hướng về Nước Chúa sẽ đến, nhưng nó được diễn tả bằng việc
làm và sứ vụ, bởi vì Nước Chúa hiện diện ngay từ bây giờ, qua việc thiết lập
tinh thần các mối phúc, hầu khơi lên trong xã hội loài người những khát vọng
đích thực muốn đạt tới công lý, hoà bình, tình liên đới và tha thứ.
Điều
này thấy rõ trong lịch sử đời sống thánh hiến, xưa nay vốn sản sinh nhiều hoa
trái cho thế giới. Do các đoàn sủng của họ, những người tận hiến trở thành dấu
chỉ của Thánh Thần, hướng về một tương lai mới được soi sáng bởi đức tin và
niềm hy vọng Ki-tô giáo. Chiều hướng cánh chung được diễn tả ra sứ vụ, ngõ hầu
Nước Chúa được củng cố và tiến triển ngay ở đây và bây giờ. Lời khẩn cầu :
"Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến !" đi đôi với lời cầu nguyện khác nữa :
"Xin cho Nước Cha mau đến !" (Mt 6,10).
Kẻ
nào tỉnh thức chờ đợi những lời Đức Ki-tô hứa được thực hiện thì cũng có khả
năng thông truyền niềm hy vọng cho anh chị em mình, những người thường bị nản
chí và bi quan trước tương lai. Niềm hy vọng của người ấy dựa vào Lời Chúa hứa
theo mạc khải : lịch sử của loài người đang tiến về "trời mới đất
mới" (Kh 21,1), trong đó Chúa "sẽ lau sạch nước mắt họ ; sẽ không còn
sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã
biến mất" (Kh 21,4).
Đời
thánh hiến có nhiệm vụ chiếu toả mãi mãi vinh quang Thiên Chúa, khi mọi phàm
nhân được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (x. Lc 3,6 ; Is 40,5). Ki-tô giáo Đông
Phương nhấn mạnh khía cạnh này, khi gọi các đan sĩ là những thiên thần của
Thiên Chúa trên mặt đất, loan báo cuộc canh tân thế giới trong Đức Ki-tô. Bên
Tây Phương, truyền thống đan tu cử hành việc tưởng niệm và canh thức : tưởng
niệm những kỳ công Thiên Chúa thực hiện, canh thức chờ mong niềm hy vọng được
thực hiện vĩnh viễn. Sứ điệp của truyền thống đan tu và của đời sống chiêm niệm
không ngừng nhắc nhở rằng quyền tối thượng của Thiên Chúa mang lại cho cuộc
sống con người ý nghĩa và niềm vui tràn đầy, bởi vì con người được tạo dựng cho
Thiên Chúa và nó không được yên nghỉ bao lâu chưa được nghỉ yên trong Người
(47).
Đức
Trinh Nữ Ma-ri-a, mẫu mực cho việc thánh hiến và đi theo Chúa, sequela Christi
28.
Ngay khi thành thai không mắc nguyên tội, Đức Ma-ri-a là Đấng phản ánh hoàn hảo
nhất vẻ đẹp của Thiên Chúa. Giáo Hội kêu cầu Mẹ dưới danh hiệu "Tuyệt
Mỹ". Do việc kết hợp với Đức Ki-tô, người tín hữu nào cũng có liên hệ với
Đức Ma-ri-a rất thánh. Điều này còn rõ ràng hơn nữa trong cuộc sống những người
tận hiến (...). Tất cả các dòng tu đều xác tín rằng sự hiện diện của Đức
Ma-ri-a có một tầm quan trọng cơ bản cho đời sống thiêng liêng của mỗi tâm hồn
được thánh hiến, và cho sự bền vững, hợp nhất và tiến triển của toàn thể cộng
đoàn (48).
Quả
thật, Đức Ma-ri-a là một gương mẫu tuyệt vời về việc thánh hiến hoàn hảo, vì Mẹ
hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và hiến dâng trọn vẹn bản thân. Được Thiên Chúa
tuyển chọn vì muốn thực hiện nơi Mẹ mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ nhắc lại cho người
được thánh hiến rằng Thiên Chúa luôn nắm phần chủ động. Đồng thời, khi đã ưng
thuận để Lời Thiên Chúa xuống thế làm người nơi Mẹ, Đức Ma-ri-a là mẫu mực cho
việc con người thụ tạo đón tiếp ân sủng của Thiên Chúa.
Gần
gũi Đức Ki-tô, cùng với thánh Giu-se, trong đời sống ẩn dật tại Na-da-rét, hiện
diện bên Con trong những lúc quyết liệt của cuộc đời công khai của Người, Đức
Trinh Nữ là thầy dạy cách bước theo Đức Ki-tô vô điều kiện và chuyên cần phục
vụ Người. Nơi Mẹ "đền thờ của Chúa Thánh Thần" toả rạng vẻ huy hoàng
của tạo vật mới. Đời thánh hiến nhìn nhận Mẹ là gương mẫu tuyệt vời cho việc
tận hiến cho Chúa Cha, kết hợp với Chúa Con và ngoan ngoãn nghe theo Chúa Thánh
Thần, ý thức rằng nhận lấy "lối sống trinh khiết và nghèo khó" của
Đức Ki-tô đồng thời cũng có nghĩa là bắt chước lối sống của Đức Ma-ri-a (50).
Ngoài
ra, người tận hiến tìm được nơi Đức Trinh Nữ một người Mẹ với một danh nghĩa
hoàn toàn đặc biệt. Thực vậy, nếu một tình mẹ mới đã được ban cho Đức Ma-ri-a
trên Núi Sọ là một ân huệ cho tất cả các Ki-tô hữu, thì mẫu tính này có giá trị
đặc biệt đối với những người dâng hiến trọn cuộc đời cho Đức Ki-tô. "Đây
là Mẹ của anh" (Ga 19,27) : lời Đức Giê-su nói với "người môn đệ
Người thương mến" (Ga 19,26) thật sâu sắc trong đời sống của người tận
hiến. Quả thế, cũng như thánh Gio-an, họ được mời đón nhận Đức Trinh Nữ Ma-ri-a
rất thánh về nhà mình (x. Ga 19,27) : họ sẽ yêu mến và bắt chước Mẹ một cách
triệt để, theo ơn gọi riêng của mình, và bù lại, họ sẽ cảm nghiệm tình mẫu tử
êm ái thật đặc biệt. Đức Trinh Nữ thông ban tình yêu để họ có thể hiến dâng
cuộc sống cho Đức Ki-tô mỗi ngày, cộng tác với Người để cứu độ thế giới. Chính
vì thế, lòng thảo hiếu với Đức Ma-ri-a là nẻo đường ưu tiên giúp trung thành
với tiếng gọi đã nhận và là một trợ giúp rất hữu hiệu để tiến tới trong việc
đáp trả và sống sung mãn ơn gọi của mình (51).
III. TRONG GIÁO HỘI VÀ CHO GIÁO HỘI
"Chúng
con ở đây thật là đẹp" : đời thánh hiến trong mầu nhiệm Giáo Hội.
29.
Vào lúc Chúa biến hình, thánh Phê-rô đã nhân danh các tông đồ khác mà thốt lên
: "Chúng con ở đây thật là đẹp" (Mt 17,4). Việc cảm nghiệm vinh quang
của Đức Ki-tô dù đã khiến tâm trí và trái tim ông bị hoàn toàn thu hút nhưng đã
không cô lập ông ; trái lại còn liên kết ông với "chúng con", nghĩa
là với các môn đệ kia.
Chiều
kích của tiếng "chúng con" dẫn đưa chúng ta suy nghĩ về vị trí của
đời thánh hiến trong mầu nhiệm Giáo Hội. Trong những năm gần đây, công cuộc suy
tư thần học về bản chất của đời thánh hiến đã đào sâu những viễn tượng mới,
phát xuất từ giáo lý của Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Dưới ánh sáng của giáo lý
này, người ta nhận thấy rằng việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm là một điều
không thể chối cãi được thuộc về đời sống và sự thánh hiến của Giáo Hội (52).
Điều đó có nghĩa là đời thánh hiến, đã hiện hữu từ buổi sơ khai, sẽ không bao
giờ được thiếu vắng trong Giáo Hội, bởi vì nó là một yếu tố cấu tạo và đặc
trưng, diễn tả chính bản tính của Giáo Hội.
Điều
đó rõ ràng, vì việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm được liên kết mật thiết
với mầu nhiệm Đức Ki-tô, có phận sự diễn lại cách nào đó lối sống Đức Ki-tô đã
chọn, và cho thấy rằng lối sống ấy có một giá trị tuyệt đối và cánh chung.
Chính Đức Giê-su, khi kêu gọi một số người từ bỏ mọi sự mà bước theo Người, đã
khai mào một nếp sống được phát triển dần dần qua các thời đại, sống dưới tác
động của Thánh Thần, thành những hình thức tận hiến khác nhau. Vậy quan niệm về
một Giáo Hội chỉ gồm có giáo sĩ và giáo dân mà thôi thì không phù hợp với những
ý hướng sáng lập của Chúa, như thấy được trong các sách Tin Mừng và những tác
phẩm khác trong Tân Ước.
Sự
thánh hiến mới và đặc biệt
30.
Trong truyền thống Giáo Hội, việc tuyên khấn tu trì được coi như việc đào sâu
độc đáo và phong phú sự thánh hiến đã lãnh nhận trong bí tích thánh tẩy ; nhờ
việc tuyên khấn ấy, sự kết hiệp thâm sâu với Đức Ki-tô đã khai mào trong bí
tích rửa tội được phát triển thành hồng ân trở nên đồng hình đồng dạng với
Người một cách rõ rệt và trọn vẹn hơn bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc
Âm (53).
Tuy
nhiên sự thánh hiến do việc tuyên khấn tu trì có một đặc điểm khác biệt so với
sự thánh hiến do bí tích thánh tẩy ban cho, bởi vì nó không hẳn là hậu quả
thiết yếu (54). Thực vậy, phàm ai đã được tái sinh trong Đức Ki-tô thì đều được
kêu gọi nhờ sức mạnh Thánh Thần ban, sống khiết tịnh tương ứng với bậc sống
mình, vâng phục Thiên Chúa và Giáo Hội, dứt bỏ lòng quyến luyến của cải vật
chất, bởi vì mọi người đều được mời gọi sống thánh hiến trong việc đạt tới mức
hoàn hảo của đức ái (55). Nhưng bí tích thánh tẩy tự nó không hàm chứa lời kêu
gọi sống độc thân hoặc trinh khiết, từ bỏ sở hữu của cải, vâng phục một bề
trên, dưới dạng cụ thể của các lời khuyên Phúc Âm. Vậy việc tuyên giữ các lời
khuyên Phúc Âm giả thiết một ân huệ đặc biệt mà Thiên Chúa không ban cho tất cả
mọi người, như chính Đức Giê-su đã nêu bật trong trường hợp độc thân tự nguyện
(x. Mt 19,10-12).
Hơn
nữa, khi Chúa gọi thì Người cũng ban ơn đặc biệt của Thánh Thần, ngõ hầu người
được thánh hiến có thể đáp trả ơn gọi và chu toàn sứ mạng của mình. Chính vì
thế, theo Phụng vụ Đông Phương và Tây Phương, trong nghi lễ tuyên khấn đan tu
hoặc tu trì và trong nghi lễ thánh hiến trinh nữ, Giáo Hội kêu cầu Thánh Thần
ban ơn xuống trên những người được chọn và liên kết lễ dâng của họ với hy tế
của Đức Ki-tô (56).
Việc
tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm cũng là một việc triển khai ân sủng của bí
tích Thêm sức, nhưng điều này vượt quá những đòi hỏi thông thường của việc
thánh hiến nhận trong bí tích Thêm sức. Cần có một ơn đặc biệt của Chúa Thần để
phát triển những khả năng mới và sản sinh những hoa trái thánh thiện và tông
đồ, như lịch sử đời thánh hiến đã chứng tỏ.
Đối
với các linh mục tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm ; kinh nghiệm cho thấy rằng bí
tích Truyền chức thánh thêm phong phú hơn nhờ sự tận hiến tu trì, bởi vì nó đòi
hỏi và nâng đỡ việc sống liên kết mật thiết hơn với Chúa. Vị linh mục nào tuyên
giữ các lời khuyên Phúc Âm thì được trợ giúp đặc biệt để hoạ lại trọn vẹn mầu
nhiệm Đức Ki-tô trong cuộc sống, cũng như nhờ linh đạo riêng và nhờ chiều kích
tông đồ do đoàn sủng của tu hội. Quả thế, ơn gọi chức linh mục và ơn gọi đời
tận hiến kết hợp chặt chẽ với nhau nơi con người linh mục tạo ra một sự thống
nhất sâu xa và năng động trong cuộc sống.
Các
tu sĩ linh mục chuyên sống đời chiêm niệm, cũng mang lại cho Giáo Hội một ơn
ích khôn lường. Đặc biệt khi cử hành Thánh Thể, họ chu toàn một hành vi của
Giáo Hội và cho Giáo Hội ; họ liên kết việc dâng hiến bản thân với Thánh Thể,
hiệp thông với Đức Ki-tô, Đấng dâng mình cho Chúa Cha để cứu độ toàn thể thế
giới (57).
Các
tương quan giữa các bậc sống khác nhau của người Ki-tô hữu
31.
Đức Giê-su đã muốn có những bậc sống khác nhau trong đời sống của Giáo Hội.
Giữa các bậc sống đó : có những mối tương quan hỗ tương cần được cứu xét.
Tất
cả các tín hữu, do việc được tái sinh trong Đức Ki-tô, đều có chung cùng một
phẩm giá ; tất cả đều được kêu gọi nên thánh ; tất cả đều tham dự vào việc xây
dựng Thân Thể duy nhất của Đức Ki-tô, mỗi người tuỳ theo ơn gọi của mình và
những ân huệ Thánh Thần ban cho (x. Rm 12,3-8) (58). Sự bình đẳng về phẩm giá
giữa tất cả các thành viên trong Giáo Hội là công trình của Thánh Thần, đặt
trên nền tảng là bí tích Rửa tội và Thêm sức, và được củng cố nhờ bí tích Thánh
Thể. Nhưng sự đa dạng cũng là công trình của Thánh Thần. Chính Người làm cho
Giáo Hội thành một mối hiệp thông hữu cơ, giữa những đa dạng về các ơn gọi, các
đoàn sủng và các thừa tác vụ (59).
Các
ơn gọi vào đời sống giáo dân, vào hàng giáo sĩ và vào đời tận hiến đều có thể
coi là kiểu mẫu, bởi lẽ tất cả các ơn gọi đặc thù - dù xét riêng rẽ hay tập thể
- đều bắt nguồn và quy tụ về đó, thể theo ân huệ dồi dào của Thiên Chúa. Ngoài
ra, chúng phục vụ lẫn nhau, để làm cho Nhiệm Thể Đức Ki-tô được tăng trưởng
trong lịch sử và chu toàn sứ mạng trong thế giới. Trong Giáo Hội, mọi người đều
được thánh hiến nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức, còn thừa tác vụ do truyền chức
và đời tận hiến giả thiết là một ơn gọi riêng và một hình thái thánh hiến đặc
biệt, nhằm chu toàn một sứ mạng riêng.
Sứ
mạng của các giáo dân, những người "có nhiệm vụ tìm kiếm Nước Thiên Chúa
bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo kế hoạch Thiên
Chúa" (60), đặt nền tảng trên sự thánh hiến do bí tích Rửa tội và Thêm
sức, chung cho tất cả các thành phần của Dân Thiên Chúa. Ngoài sự thánh hiến
căn bản ấy, các giáo sĩ được thánh hiến bằng bí tích Truyền chức thánh để nối
tiếp sứ vụ tông đồ qua dòng thời gian. Những người tận hiến cam kết sống các
lời khuyên
Phúc
Âm, được thánh hiến một cách mới mẻ và đặc biệt ; sự thánh hiến này, tuy không
mang tính bí tích, nhưng ràng buộc khiến họ chấp nhận lối sống độc thân, khó
nghèo, vâng phục đã được Đức Giê-su đích thân thể hiện và đề nghị cho các môn
đệ. Cho dù cả ba bậc sống khác nhau đều biểu lộ mầu nhiệm duy nhất của Đức
Ki-tô, nhưng các giáo dân thì có đặc tính riêng biệt tuy không độc hữu là sinh
hoạt giữa trần thế ; còn các mục tử thì mang trách nhiệm về tác vụ, còn những
người tận hiến thì cố gắng nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô khiết tịnh,
nghèo khó và vâng phục.
Giá
trị đặc biệt của đời thánh hiến
32.
Trong bối cảnh hài hoà của các ân sủng, mỗi bậc sống chủ yếu diễn tả, theo cách
của mình, một chiều kích nào đó thuộc mầu nhiệm duy nhất của Đức Ki-tô. Nếu đời
sống giáo dân có một sứ mạng đặc biệt là loan báo Tin Mừng trong các thực tại
trần thế, thì những người đã lãnh nhận các chức thánh, đặc biệt các giám mục,
thực thi một tác vụ không thể thay thế được trong khuôn khổ của sự hiệp thông
Giáo Hội. Các giám mục có bổn phận hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng việc giảng dạy
Lời Chúa, phân phát các bí tích và thi hành quyền bính thánh thiêng, để phục vụ
sự thông hiệp Giáo Hội, là một hiệp thông hữu cơ, được xếp đặt theo phẩm trật
(61).
Còn
khi xét tới sứ mạng của Giáo Hội là phải biểu lộ sự thánh thiện, thì phải công
nhận, với cái nhìn khách quan, là đời thánh hiến đứng ở một bình diện ưu việt,
bởi vì phản ánh chính lối sống của Đức Ki-tô. Chính vì thế, đời thánh hiến biểu
lộ phong phú những giá trị của Tin Mừng và làm sáng tỏ trọn vẹn hơn mục tiêu của
Giáo Hội là thánh hoá nhân loại. Đời thánh hiến loan báo và ra như sống trước
thời mai hậu, thời mà Nước Trời đang hiện diện ở dạng mầm mống và trong mầu
nhiệm (62), sẽ đạt mức viên mãn ; thời mà các con cái của sự phục sinh sẽ không
cưới vợ lấy chồng nữa, nhưng sẽ nên như các thiên thần của Thiên Chúa (x. Mt
22,30).
Quả
thế, một điều mà Giáo Hội vốn hằng dạy là tính ưu việt của đức khiết tịnh toàn
hảo vì Nước Trời (63), và có lý khi coi đó như là "cánh cửa" của đời
thánh hiến (64). Đàng khác, Giáo Hội hết sức trân trọng ơn gọi hôn nhân, trong
đó đôi vợ chồng "làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo
Hội", Mẹ chúng ta ; họ trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu của Đức
Ki-tô đối với Hiền Thê Người, "bởi yêu thương mà Người đã hiến mạng sống vì
Hiền Thê" (65).
Trong
viễn ảnh vừa rồi, chung cho toàn thể đời thánh hiến, đã có những nẻo đường khác
nhau nhưng bổ túc cho nhau. Các tu sĩ nam nữ hoàn toàn hiến mình cho đời sống
chiêm niệm là những hình ảnh đặc biệt của Đức Ki-tô cầu nguyện trên núi (66).
Những người tận hiến sống đời hoạt động diễn lại nếp sống của Người "loan
báo Nước Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành những kẻ đau yếu tàn tật, hay
hoán cải các tội nhân trở lại đời sống lương thiện, hoặc đang chúc phúc cho trẻ
em và ban ơn lành cho mọi người" (67). Những người tận hiến trong các tu
hội đời đóng góp theo cách thức riêng vào công cuộc làm cho Nước Thiên Chúa đến
; họ tổng hợp một cách đặc biệt những giá trị của sự thánh hiến và những giá
trị của trần thế. Khi sống đời thánh hiến ở giữa trần gian và từ trần gian
(68), họ "cố gắng [...] thấm nhuần mọi sự bằng tinh thần Phúc Âm để củng
cố và phát triển Thân Thể Đức Ki-tô" (69). Vì mục tiêu này, họ tham dự vào
sứ mạng giữa Giáo Hội loan báo Tin Mừng bằng chứng tá cá nhân của một đời sống
Ki-tô hữu, bằng những cuộc dấn thân nhằm quy hướng các trật tự trần thế theo ý
Thiên Chúa, bằng sự cộng tác vào việc phục vụ cộng đoàn Giáo Hội, theo cách
thức riêng biệt của nếp sống giữa đời (70).
Làm
chứng về Tin Mừng các mối phúc 33. Một vai trò đặc biệt của đời thánh hiến là
nhắc nhớ cho những người đã được rửa tội về các giá trị cơ bản của Tin Mừng,
nhờ "chứng tá rạng rỡ và cao vời rằng thế giới không thể được biến hình
đổi dạng và dâng hiến cho Thiên Chúa nếu thiếu tinh thần của các mối phúc"
(71). Như thế đời thánh hiến làm cho Dân Thiên Chúa luôn ý thức rằng họ phải
dùng đời sống thánh thiện để đáp trả tình yêu Thiên Chúa đã được Chúa Thánh
Thần đổ chan hoà vào lòng (x. Rm 5,5), làm sao cho cung cách xử sự phát lộ sự
thánh hiến Thiên Chúa đã thực hiện nơi họ qua bí tích Thánh tẩy, Thêm sức hay
Truyền chức. Thực vậy, ơn thánh hoá do các bí tích truyền ban cần phải được
chuyển thành ơn thánh trong cuộc sống hằng ngày. Đời thánh hiến, được sống
trong Giáo Hội, cần phải giúp cho sự thánh hoá đời sống của các tín hữu, giáo
dân và giáo sĩ.
Đàng
khác ta không được quên rằng, những người tận hiến cũng cần được nâng đỡ nhờ
chứng tá của các ơn gọi khác để sống trọn vẹn việc gắn bó với mầu nhiệm Đức
Ki-tô và Giáo Hội trong những chiều kích đa dạng. Do khả năng làm phong phú lẫn
nhau như thế, sứ mạng của đời tận hiến càng trở nên hùng hồn và hữu hiệu hơn ;
đó là nhắc nhở cho các anh chị em khác hãy đưa mắt chăm chú tìm kiếm hoà bình
tương lai, và cố gắng đạt tới hạnh phúc vĩnh viễn ở bên Thiên Chúa.
Hình
ảnh sống động của Giáo Hội - Hiền Thê
34.
Ý nghĩa hôn ước của đời sống thánh hiến mang một tầm quan trọng đặc biệt vì nó
nhắc cho Giáo Hội phải tận tâm tận tình phục vụ Đức Lang Quân của mình, Đấng đã
ban cho Giáo Hội mọi điều thiện hảo. Chiều kích hôn ước là một nét đặc thù của
hết mọi đời thánh hiến, nhưng nó có ý nghĩa riêng cho người phụ nữ, vì có thể
nói là chị khám phá ra giá trị đặc biệt của nữ tính trong mối tương quan liên
kết chị với Đức Ki-tô.
Về
điều này, trong Tân Ước, có một trang rất súc tích trình bày Đức Ma-ri-a ở nhà
Tiệc Ly với các Tông Đồ đang cầu nguyện chờ đợi Thánh Thần (x. Cv 1,13-14). Ta
có thể thấy ở đó một hình ảnh sống động về Giáo Hội - Hiền Thê, đang chú ý đến
những tín hiệu Đức Lang Quân gửi đến và sẵn sàng đón tiếp Người như một ân huệ.
Thánh Phê-rô và các Tông Đồ tiêu biểu cho đặc tính phong nhiêu, được diễn tả
qua thừa tác vụ Giáo Hội, được Thánh Thần sử dụng để sinh ra những con người
mới, bằng cách giảng dạy Lời Chúa, cử hành các bí tích và hoạt động mục vụ. Đức
Ma-ri-a tiêu biểu cho thái độ đón nhận của người hiền thê ; nhờ đó đời sống
thần linh của Giáo Hội sinh hoa kết trái do một mối tình khiết trinh và trọn
vẹn.
Đời
thánh hiến luôn được đặt bên cạnh Đức Ma-ri-a, Trinh Nữ Hiền Thê. Tình yêu
khiết trinh này mang một sức phong phú đặc biệt, góp phần vào việc sinh ra và
gia tăng đời sống thần linh trong các tâm hồn (72). Theo chân Đức Ma-ri-a, bà
E-và mới, người tận hiến thực hiện sự phong nhiêu thiêng liêng bằng cách sẵn
sàng đón tiếp Lời Chúa, cộng tác vào việc xây dựng nhân loại mới nhờ việc xả
thân vô điều kiện và chứng tá sống động của họ. Như thế, Giáo Hội biểu lộ đầy
đủ mẫu tính của mình, vừa qua việc truyền thông tác động mà Chúa đã ký thác cho
thánh Phê-rô, vừa qua việc đón tiếp ân huệ của Thiên Chúa với tinh thần trách nhiệm,
theo gương của Đức Ma-ri-a.
Còn
dân Thiên Chúa, họ tìm thấy nơi các giáo sĩ những phương tiện mang ơn cứu độ,
và nơi đời thánh hiến một sức kích thích thúc đẩy họ sẵn sàng đáp lại tình yêu
bằng mọi hình thức phục vụ (73).
IV. ĐƯỢC TINH THẦN THÁNH THIỆN HƯỚNG DẪN
Một
cuộc đời "được biến hình" : lời gọi nên thánh
35.
"Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất" (Mt 17,6).
Trong bài tường thuật cuộc biến hình, các Tin Mừng nhất lãm, tuy với đôi chút
dị biệt nhưng đều cho thấy nỗi sợ hãi tràn ngập các môn đệ. Sự thu hút mà dung
nhan biến hình của Đức Ki-tô tác động trên các ông đã không ngăn cản được các
ông cảm thấy sợ hãi trước vẻ uy nghi thần linh đang bao trùm các ông. Mỗi khi
con người hé thấy vinh quang của Thiên Chúa, thì luôn luôn ý thức về sự nhỏ bé
của mình và cảm thấy sợ hãi. Nỗi sợ hãi này mang tính chất cứu độ. Nó nhắc con
người nhớ tới sự hoàn thiện của Thiên Chúa và đồng thời đòi con người nhận
tiếng gọi thúc bách tiến tới "sự thánh thiện".
Tất
cả các con cái của Giáo Hội, được Chúa Cha kêu gọi "lắng nghe" Đức
Ki-tô, tất nhiên cảm thấy đòi hỏi sâu xa là phải hoán cải và nên thánh. Tuy
nhiên Thượng hội đồng giám mục đã nhấn mạnh rằng đòi hỏi hoán cải và nên thánh
trước tiên liên hệ đến đời thánh hiến. Quả thế, ơn gọi của những người tận hiến
hãy đi tìm kiếm Nước Thiên Chúa trên hết mọi sự, tiên vàn là một lời mời gọi
hoán cải hoàn toàn, từ bỏ chính mình để sống hoàn toàn cho Chúa, ngõ hầu Thiên
Chúa có toàn quyền trên mọi loài. Vì đã được kêu gọi chiêm ngưỡng và làm chứng
cho dung nhan biến hình của Đức Ki-tô, những người tận hiến cũng được kêu gọi
sống một cuộc đời "được biến hình".
Về
điểm này, bản báo cáo chung kết của phiên họp bất thường thứ hai của Thượng hội
đồng đã có nhận xét chí lý như sau : "Suốt dòng lịch sử của Giáo Hội, các
thánh nam nữ luôn luôn là một nguồn mạch từ đó phát ra bao đổi mới trong những
hoàn cảnh khó khăn nhất. Ngày hôm nay, chúng ta rất cần những vị thánh và chúng
ta không ngừng cầu xin Thiên Chúa ban những vị thánh. Các tu hội đời thánh
hiến, khi tuyên khấn lời khuyên Phúc Âm, phải ý thức về sứ mạng đặc biệt của họ
trong Giáo Hội ngày hôm nay, và chúng ta phải khuyến khích họ thi hành sứ mạng
ấy" (74). Trong phiên họp thường lệ lần thứ chín của Thượng hội đồng giám
mục, các nghị phụ đã làm vọng lại ý kiến đó khi tuyên bố : "Trải qua lịch
sử Giáo Hội, đời thánh hiến vốn là nơi hiện diện sống động của Thánh Thần tác
động, như thể đó là chỗ ưu tiên dành để yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha
nhân, làm chứng về kế hoạch Thiên Chúa muốn là quy tụ toàn thể nhân loại trở
thành đại gia đình con cái Thiên Chúa, trong nền văn minh tình thương"
(75).
Giáo
Hội luôn luôn coi việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm là một con đường đặc
biệt đưa tới sự thánh thiện. Chính những kiểu nói Giáo Hội dùng để chỉ định nó
- như trường dạy phụng sự Chúa, trường dạy yêu thương và sống thánh thiện,
đường hoặc bậc hoàn thiện -, cho thấy lối sống Tin Mừng này rất có hiệu năng và
dồi dào phương tiện, đồng thời cũng cho thấy nghĩa vụ đặc biệt của những người
cam kết gia nhập đời sống này (76). Không phải vô cớ mà qua các thời đại, một
số lớn những người tận hiến đã để lại những chứng tá hùng hồn về sự thánh thiện
và đã hoàn thành những công tác truyền giáo và phục vụ rất quảng đại và cam go.
Trung
thành với đoàn sủng
36.
Trong việc đi theo làm môn đệ Đức Ki-tô, sequela Christi, và trong tình yêu
dành cho bản thân Người, cần nêu lên một số điểm liên quan đến việc phải nên
thánh trong đời thánh hiến vào ngày hôm nay.
Trước
tiên trong mỗi tu hội, cần phải trung thành với đoàn sủng sáng lập và với gia
sản thiêng liêng được gầy dựng lên tiếp sau. Việc trung thành với linh ứng của
các đấng sáng lập, một ân huệ của Chúa Thánh Thần, giúp tìm lại và sống nhiệt
thành những yếu tố cốt yếu của đời thánh hiến.
Quả
thế, căn bản đoàn sủng nào cũng gồm ba chiều hướng : trước tiên, hướng về Chúa
Cha, với lòng con thảo muốn tìm kiếm thánh ý Người qua việc hoán cải thường
xuyên, nơi mà vâng phục là nguồn mạch đưa tới tự do đích thực, khiết tịnh diễn
tả niềm thao thức của một con tim mà không một tình yêu hữu hạn nào thoả mãn
được, nghèo khó nuôi dưỡng cơn đói khát công lý mà Thiên Chúa hứa làm no đầy
(x. Mt 5,6). Trong viễn tượng này, đoàn sủng của bất cứ tu hội nào cũng thúc
bách người tận hiến thuộc trọn về Thiên Chúa, nói với Thiên Chúa hoặc nói về
Thiên Chúa, như người ta thường hay nhắc đến khi nói về thánh Đa-minh (77), để
cảm nghiệm xem Thiên Chúa ngọt ngào dường bao (x. Tv 34 (33),9) trong hết mọi
hoàn cảnh.
Các
đoàn sủng của đời thánh hiến cũng hướng về Chúa Con ; chúng mời duy trì một sự
hiệp thông với Người trong cuộc sống thân tình và vui tươi, học gương quảng đại
của Người khi phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em. "Cái nhìn dần dần
được Ki-tô hoá, nhờ đó mà học biết tách mình khỏi những dáng vẻ bề ngoài, khỏi
cơn lốc các giác quan, khỏi tất cả những gì ngăn cản con người trở nên nhẹ
nhàng để cho Thánh Thần có thể nắm bắt" (78), và thúc đẩy họ ra đi chu
toàn sứ mạng với Đức Ki-tô, làm việc và chịu đau khổ với Người, để cộng tác vào
việc loan báo Vương Quốc của Người.
Sau
cùng, bất cứ đoàn sủng nào cũng hướng về Chúa Thánh Thần, mời con người để cho
Thánh Thần hướng dẫn và nâng đỡ trên con đường thiêng liêng cũng như trong đời
sống hiệp thông và hoạt động tông đồ, ngõ hầu sống trong thái độ phục vụ, là
thái độ phải soi dẫn mọi chọn lựa của người Ki-tô hữu chân chính.
Quả
thế, cho dù các kiểu sống khác nhau có những đường nét riêng đi nữa, nhưng các
đoàn sủng sáng lập vẫn luôn có ba chiều hướng vừa nói, bởi lẽ đoàn sủng nào
cũng "nổi bật ước muốn sâu xa của tâm hồn là được nên đồng hình đồng dạng
với Đức Ki-tô, dầu làm chứng về một nét nào đó thuộc mầu nhiệm của Người"
(79) ; nét độc đáo đó được cụ thể hoá và triển khai trong truyền thống trung
thực nhất của tu hội, sao cho phù hợp với các quy luật, hiến chương và quy chế
(80).
Trung
thành và sáng tạo
37.
Vì vậy, các tu hội được mời gọi hãy can đảm tìm lại tinh thần xông xáo dám nghĩ
dám làm, óc sáng tạo và sự thánh thiện của các đấng sáng lập, để đáp trả những
"thời điềm" đang xuất hiện trong thế giới ngày nay (81). Lời mời gọi
này tiên vàn nhắm đến việc kiên trì trên đường nên thánh, giữa những khó khăn
vật chất và tinh thần gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng đó cũng là lời
mời gọi hãy thủ đắc cho được một khả năng chuyên môn trong việc làm và trung
thành năng động trong sứ mạng của mình, bằng cách khi cần, biết thích nghi các
hình thái với những hoàn cảnh mới và những nhu cầu khác nhau, trong thái độ
hoàn toàn tuân phục sự soi sáng của Thiên Chúa và sự biện phân của Giáo Hội. Dù
sao, phải xác tín vững chắc rằng việc cố gắng càng ngày càng nên đồng hình đồng
dạng với Chúa hơn là điều kiện chân thực của mọi cuộc canh tân trung thành với
linh ứng nguyên thuỷ của mỗi tu hội (82).
Trong
tinh thần này, ngày nay mọi tu hội phải canh tân lối nhìn của họ về luật dòng,
bởi vì, trong luật dòng và trong hiến chương, một lộ trình đã được phác hoạ để
thực hiện việc đi theo Đức Ki-tô - sequela Christi - tương ứng với một đoàn
sủng riêng đã được Giáo Hội chuẩn nhận. Càng trân trọng luật dòng, những người
tận hiến càng có những tiêu chuẩn chắc chắn để tìm ra những phương thức thích
đáng để làm chứng, đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mà không xa rời linh ứng
nguyên thuỷ.
Cầu
nguyện và khổ chế : cuộc chiến đấu thiêng liêng
38.
Lời gọi nên thánh chỉ có thể nghe được và nuôi dưỡng trong thái độ thinh lặng
thờ phượng trước Thiên Chúa siêu việt vô biên : "Chúng ta phải thú nhận
rằng tất cả chúng ta đều cần đến thứ thinh lặng chất chứa sự hiện diện của Đấng
mời ta tôn thờ : thinh lặng cần cho thần học để đề cao cái hồn khôn ngoan và
tâm linh của nó ; thinh lặng cần cho kinh nguyện, để không bao giờ quên rằng
nhìn thấy Thiên Chúa có nghĩa là xuống núi với một gương mặt chói lọi đến nỗi
phải che mặt bằng một tấm khăn (x. Xh 34,33) [...] ; thinh lặng cần cho kẻ dấn
thân, để từ chối không để cho mình bị giam hãm trong một cuộc đấu tranh không
có tình yêu cũng không có tha thứ [...]. Tất cả mọi người, dù có tín ngưỡng hay
không, đều phải học biết giá trị của thinh lặng để cho Vị Kia lên tiếng vào lúc
nào và như thế nào tuỳ Người ; cũng như để cho chúng ta hiểu nổi lời
Người" (83). Trong thực tế, điều này giả thiết phải hết sức trung thành
với việc cầu nguyện phụng vụ và cầu nguyện cá nhân, trung thành với thời gian
dành cho tâm nguyện và chiêm niệm, thờ phượng Thánh Thể, tĩnh tâm hàng tháng và
linh thao.
Cũng
cần phải khám phá lại những phương thế khổ chế điển hình trong truyền thống
thiêng liêng của Giáo Hội và của mỗi tu hội. Các phương thế này đã và còn tiếp
tục nâng đỡ vững vàng cuộc hành trình chân thực tiến đến sự thánh thiện. Khổ
chế giúp chế ngự và sửa chữa những khuynh hướng của bản tính nhân loại đã bị
tổn thương vì tội lỗi, khổ chế rất cần thiết để người tận hiến trung thành với
ơn gọi của mình và bước theo Đức Giê-su trên con đường thập giá.
Ngoài
ra cũng cần phải vạch trần và lướt thắng những chước cám dỗ đôi khi xuất hiện,
do mưu mô ma quỷ, dưới những dáng vẻ bề ngoài của sự thiện. Chẳng hạn như nhu
cầu chính đáng tìm hiểu xã hội đương thời để ứng phó với những thách đố của
thời đại có thể đi tới chỗ chiều theo thời trang nhất thời, giảm bớt lòng nhiệt
thành thiêng liêng hoặc sờn lòng nản chí. Vì được huấn luyện thiêng liêng kỹ
càng hơn, nên những người tận hiến có thể có cảm giác mình khá hơn các tín hữu
khác ; cũng thế, nhu cầu cấp bách phải đạt tới trình độ chuyên môn có thể trở
thành một ưu tư quá độ về hiệu năng, như thể công tác tông đồ chỉ tuỳ thuộc vào
những phương tiện con người chứ không tuỳ thuộc vào Thiên Chúa. Ước muốn gần
gũi những con người thời đại chúng ta, nam và nữ, có tín ngưỡng hoặc vô tín
ngưỡng, người nghèo và người giàu, là điều đáng khen, nhưng có thể dẫn đến một
lối sống tục hoá, hoặc cổ võ những giá trị nhân bản hoàn toàn theo chiều ngang.
Việc chia sẻ những khát vọng hợp pháp của dân tộc mình, hay của nền văn hoá
mình có thể đưa đến chỗ chủ trương một số hình thức chủ nghĩa ái quốc cực đoan
hoặc chấp nhận những phong tục lẽ ra phải được thanh lọc và hoàn chỉnh dưới
sánh sáng của Tin Mừng.
Vì
thế, con đường nên thánh bao hàm việc chấp nhận chiến đấu thiêng liêng. Đây là
một đòi hỏi mà hiện nay không phải lúc nào người ta cũng quan tâm đúng mức.
Truyền thống vẫn thường nhìn cuộc chiến đấu thiêng liêng qua hình ảnh ông
Gia-cóp vật lộn với mầu nhiệm Thiên Chúa, ông đã phải đối đầu để được Người
chúc lành và để được thấy Người (x. St 32,23-31). Những người tận hiến có thể
coi câu chuyện này, xảy ra vào buổi nguyên sơ lịch sử Kinh Thánh, là một biểu
tượng của việc khổ chế cần thiết cho việc mở rộng trái tim cho Chúa và anh chị
em.
Cổ
võ sự thánh thiện
39.
Ngày nay hơn bao giờ hết, những người tận hiến cần phải cam kết hướng đến sự
thánh thiện hơn nữa, hầu trợ giúp và nâng đỡ bất cứ Ki-tô hữu nào đi tìm kiếm
sự hoàn thiện. "Vậy cần phải khơi lên trong lòng các tín hữu một khát vọng
chân thành đạt tới sự thánh thiện, một ước muốn mạnh mẽ hoán cải và canh tân
bản thân, trong một bầu khí cầu nguyện càng ngày càng sâu đậm hơn, và trong
tình liên đới tiếp đón tha nhân, đặc biệt những kẻ túng cực nhất" (84).
Càng
sống mật thiết với Thiên Chúa, những người tận hiến càng sẵn sàng trợ giúp anh
chị em mình nhờ có những sáng kiến tốt trên bình diện thiêng liêng, như những trường
dạy cầu nguyện, những khoá linh thao hoặc những cuộc tĩnh tâm, những ngày cô
tịch, lắng nghe và linh hướng. Nhờ thế họ giúp cho anh chị em mình tiến tới
trên con đường cầu nguyện, có khả năng nhận ra ý Chúa đối với mình, và can đảm,
đôi khi anh dũng, dấn thân vào sự lựa chọn mà đức tin đòi hỏi. Quả vậy,
"từ cấp độ thâm sâu nhất của hữu thể của họ, những người tận hiến được gắn
chặt vào đời sống năng động của Giáo Hội, một Giáo Hội khao khát Thiên Chúa
tuyệt đối và được mời gọi nên thánh. Chính họ đang làm chứng về sự thánh thiện
ấy" (85). Sự kiện tất cả mọi người đều được kêu mời trở thành những vị
thánh, lại càng thôi thúc hơn nữa những con người đã chọn sống sứ mạng nhắc nhớ
lời mời ấy cho anh chị em mình.
"Chỗi
dậy đi, đừng sợ" : một sự tin tưởng mới mẻ
40.
"Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : "Chỗi dậy đi, đừng
sợ" (Mt 17,7). Cũng như ba Tông Đồ vào dịp biến hình, những người tận hiến
đều kinh nghiệm rằng đời sống của họ không phải lúc nào cũng sáng rực nồng nàn
đến nỗi thốt lên được : "Chúng con ở đây, thật là đẹp" (Mt 17,4). Tuy
nhiên, đó vẫn là một cuộc đời luôn được bàn tay Đức Ki-tô "chạm đến",
được tiếng nói của Người nhắn nhủ, được ân sủng của Người nâng đỡ.
"Chỗi
dậy đi, đừng sợ". Dĩ nhiên, lời khuyến khích của Thầy chí thánh được ngỏ
với bất cứ Ki-tô hữu nào. Nhưng nó lại càng có giá trị đối với những người được
kêu gọi "từ bỏ mọi sự", tức là "liều mọi sự" vì Đức Ki-tô.
Điều này đặc biệt có giá trị mỗi lần ta xuống núi cùng với Thầy để đi theo con
đường từ núi Ta-bo đến núi Sọ. Khi nói rằng ông Mô-sê và ông Ê-li-a đàm đạo với
Đức Ki-tô về mầu nhiệm Vượt qua của Người, thánh Lu-ca đã sử dụng một từ rất
súc tích, "cuộc xuất hành" (exodos) : hai vị : "nói về cuộc xuất
hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem" (Lc 9,31). "Xuất
hành", là một từ ngữ then chốt của mạc khải ; nó gợi lên toàn bộ lịch sử
cứu độ và diễn tả ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Vượt qua. Đề tài này được linh
đạo đời thánh hiến ưa thích cách riêng, vì bộc lộ rõ ràng chiều hướng của đời
sống này. Chắc chắn nó bao hàm những gì thuộc về mầu nhiệm thập giá, mysterium
Crucis. Nhưng đặt trong viễn tượng Ta-bo, "con đường xuất hành" cam
go được lồng giữa hai luồng ánh sáng : ánh sáng báo trước của cuộc biến hình và
ánh sáng vĩnh viễn của cuộc Phục Sinh.
Nhìn
trong viễn tượng của toàn thể đời sống Ki-tô hữu, ơn gọi sống đời thánh hiến
mặc dù có những từ bỏ và những thử thách, hoặc đúng hơn chính nhờ những từ bỏ
và thử thách, là một con đường "ánh sáng", trên đó Đấng Cứu Chuộc
hằng đưa mắt trông chừng : "Chỗi dậy đi, đừng sợ".
CHƯƠNG II - SIGNUM FRATERNITATIS
ĐỜI THÁNH HIẾN, DẤU CHỈ HIỆP THÔNG TRONG GIÁO HỘI
I. NHỮNG GIÁ TRỊ THƯỜNG HẰNG
Theo
hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi
41.
Trong cuộc sống trần thế, Chúa Giê-su đã kêu gọi những ai Người muốn, để giữ họ
lại bên Người và chuẩn bị cho họ theo gương Người sống cho Chúa Cha và cho sứ
mạng Người đã nhận lãnh (x. Mc 3,13-15). Như vậy, Người đã tạo ra gia đình mới,
gia đình sẽ quy tụ qua dòng thời gian hết những ai sẵn sàng "thi hành ý
muốn của Thiên Chúa" (x. Mc 3,32-35). Sau khi Đức Giê-su lên trời, nhờ ân
ban Thánh Thần, một cộng đoàn huynh đệ đã thành hình quanh các Tông Đồ, họ tụ
họp lại để ca ngợi Thiên Chúa và sống kinh nghiệm hiệp thông cụ thể (x. Cv
2,42-47 ; 4,32-35). Đời sống của cộng đoàn này, và hơn nữa, kinh nghiệm của
Nhóm Mười Hai đã chia sẻ mọi sự với Đức Ki-tô, luôn luôn là khuôn mẫu cảm hứng
cho Giáo Hội mỗi khi Giáo Hội muốn sống với lòng sốt sắng của thời nguyên thuỷ
và kín múc thêm sức lực Tin Mừng cho cuộc hành trình của mình trong lịch sử
(86).
Trong
thực tế, Giáo Hội chủ yếu là mầu nhiệm hiệp thông, "đoàn dân được kết hiệp
nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (87). Đời
sống huynh đệ nhằm phản ánh chiều sâu và sự phong phú của mầu nhiệm này, bằng
cách tạo ra một nơi cư ngụ cho Thiên Chúa Ba Ngôi giữa môi trường nhân loại,
nhằm tiếp tục đưa vào lịch sử những ân huệ hiệp thông mà chỉ duy Ba Ngôi Thiên
Chúa mới có. Trong đời sống Giáo Hội hẳn có nhiều cơ chế và hình thức diễn tả
tình hiệp thông huynh đệ. Chắc hẳn đời thánh hiến đã có công duy trì trong Giáo
Hội đời sống huynh đệ như một cách tuyên xưng Thiên Chúa. Khi thường xuyên cổ
võ tình yêu huynh đệ, nhất là dưới dạng đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy
rằng việc tham dự vào tình hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những mối tương
quan nhân loại, và tạo ra một kiểu tình liên đới mới. Nhờ thế, đời thánh hiến
làm cho loài người thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ và của những con
đường cụ thể đưa tới đó. Quả thế, những con người tận hiến sống "cho"
Thiên Chúa và sống "bởi" Thiên Chúa, và chính vì thế, họ có thể tuyên
xưng quyền năng hoà giải của ân sủng, là tiêu diệt các lực lượng gây chia rẽ
nằm trong trái tim con người và trong những tương quan xã hội.
Đời
sống huynh đệ trong tình yêu
42.
Đời sống huynh đệ, hiểu như là một đời sống chia sẻ trong tình yêu, là một dấu
chỉ hùng hồn về sự hiệp thông Giáo Hội. Nó được vun trồng kỹ càng trong các
dòng tu và các tu đoàn tông đồ, những nơi mà đời sống cộng đoàn mang một ý
nghĩa đặc biệt (88). Nhưng chiều kích hiệp thông huynh đệ cũng không thiếu nơi
những tu hội đời, hoặc những hình thái cá nhân của đời thánh hiến. Các ẩn sĩ
lắng chìm trong cô tịch không đứng ngoài sự hiệp thông Giáo Hội, nhưng họ phục
vụ sự hiệp thông này bằng đoàn sủng chiêm niệm chuyên biệt của họ ; các trinh
nữ tận hiến giữa đời sống ơn thánh hiến của họ trong mối tương quan đích thực
hiệp thông với Giáo Hội địa phương và phổ quát. Điều này cũng đúng với các quả
phụ và người goá vợ được thánh hiến.
Khi
sống thân phận làm môn đệ theo Tin Mừng, tất cả những con người ấy dấn thân
thực thi "điều răn mới" của Chúa, bằng cách yêu thương nhau như Người
đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34). Tình yêu đã đưa Đức Ki-tô đến trao hiến
thân mình, hy sinh tận cùng trên thập giá. Giữa các môn đệ cũng thế, không có
sự hiệp nhất đích thực nếu không có tình yêu hỗ tương vô điều kiện ấy, một tình
yêu đòi hỏi phải sẵn sàng phục vụ không tính toán, sẵn sàng đón tiếp người khác
dù họ thế nào đi nữa, không "xét đoán" họ (x. Mt 7,1-2), có khả năng
tha thứ dù cả tới "bảy mươi lần bảy" (Mt 18,22). Những người tận
hiến, hợp nhau nên "một lòng một ý" (Cv 4,32) nhờ tình yêu đã được
Chúa Thánh Thần đổ chan hoà vào trong các tâm hồn (x. Rm 5,5), cảm thấy trong
lòng yêu sách là đặt mọi sự làm của chung : những tài sản vật chất và những
kinh nghiệm thiêng liêng, những tài năng và những cảm hứng, kể cả những lý
tưởng tông đồ và việc phục vụ bác ái : "Trong đời sống cộng đoàn, sức mạnh
Thánh Thần tác động trong một người, thì cũng được chuyển thông cho hết mọi
người [...]. Mỗi người không những chỉ được hưởng những ân ban riêng cho mình
nhưng còn gia tăng chúng lên bằng cách thông chia với những người khác, và như
thế mỗi người được hưởng những ân huệ của kẻ khác như là những ân huệ của chính
mình" (89).
Trong
đời sống cộng đoàn, người ta phải xác tín rằng sự hiệp thông huynh đệ không chỉ
là một phương tiện giúp thi hành một sứ mạng nào đó, mà còn là nơi Thiên Chúa
ngự, nơi mà người ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện bí nhiệm của Chúa
phục sinh (x. Mt 18,20) (90). Điều này được thực hiện nhờ tình yêu hỗ tương của
các phần tử trong cộng đoàn, tình yêu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh
thể, được thanh luyện nhờ bí tích Hoà giải, được nâng đỡ nhờ lời nguyện xin ơn
hiệp nhất, là một ân huệ Thánh Thần ban cho những ai biết sẵn sàng lắng nghe
Tin Mừng với lòng vâng phục. Chính Thánh Thần là Đấng dẫn đưa tâm hồn vào trong
sự hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Chúa Cha là Đức Giê-su Ki-tô (x. 1 Ga
1,3), sự hiệp thông này là nguồn mạch của đời sống huynh đệ. Nhờ Thánh Thần,
các cộng đoàn sống đời thánh hiến được hướng dẫn trong nỗ lực chu toàn sứ mạng
của họ, là phục vụ Giáo Hội và toàn thể nhân loại theo linh ứng nguyên thuỷ của
mình.
Trong
viễn tượng này, các "tu nghị" toàn dòng, hoặc các "tu nghị"
riêng (hoặc các cuộc hội họp tương tự), mang một tầm quan trọng đặc biệt ;
trong những buổi họp đó, mỗi tu hội được kêu gọi bầu chọn những bề trên, thể
theo những quy tắc được hiến chương xác định, và biện phân, dưới ánh sáng của
Thánh Thần, những hình thái nào tốt nhất để bảo tồn và thích nghi đoàn sủng và
gia sản thiêng liêng riêng của mỗi tu hội cho hợp với những hoàn cảnh xã hội và
văn hoá khác nhau (91).
Trách
nhiệm của quyền bính
43.
Trong đời thánh hiến, vai trò của các bề trên nam nữ, trung ương cũng như địa
phương, luôn luôn có một tầm quan trọng lớn đối với đời sống thiêng liêng cũng
như đối với sứ vụ. Trong những năm thử nghiệm và thay đổi gần đây, đôi khi
người ta cảm thấy cần kiểm điểm về chức năng này. Nhưng phải nhìn nhận rằng
những người hành sử quyền bính không thể từ khước bổn phận của họ, là những
người hữu trách đầu tiên trong cộng đoàn giữ vai trò hướng dẫn anh chị em trên
con đường thiêng liêng và tông đồ.
Trong
những khung cảnh quá nặng chủ nghĩa cá nhân, không dễ gì giúp người ta nhìn
nhận và đón tiếp vai trò quyền bính phải có nhằm mưu ích cho mọi người. Dù vậy,
phải tái khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ này, rất cần thiết để củng cố
sự hiệp thông huynh đệ, và để đừng cho lời khấn vâng phục trở nên vô nghĩa. Nếu
quyền bính trước hết phải có tính huynh đệ và thiêng liêng, và do đó, nếu những
ai giữ quyền bính phải biết dùng đối thoại để đưa anh chị em mình vào trong
tiến trình quyết định, thì cũng nên nhớ rằng, lời nói cuối cùng thuộc về quyền
bính, và sau đó quyền bính có nhiệm vụ giúp người ta tôn trọng những điều đã
quyết định (92).
Vai
trò của những người cao niên
44.
Việc chăm sóc những người già cả bệnh tật mang tầm quan trọng trong đời sống
huynh đệ, nhất là vào thời đại chúng ta, khi tại một số miền trên thế giới, con
số những người tận hiến cao niên ngày càng gia tăng. Họ đáng được trân trọng và
ân cần săn sóc không phải chỉ vì do một bổn phận công bằng bác ái và do lòng
tri ân, nhưng những cử chỉ đó muốn diễn tả niềm xác tín là chứng tá của những
vị cao niên rất có ích cho Giáo Hội và tu hội, và sứ mạng của họ vẫn còn đáng
giá và đầy công đức, cho dù vì tuổi tác và bệnh tật, họ đã phải rời bỏ việc
làm. Chắc chắn các vị đó có nhiều kho tàng khôn ngoan và kinh nghiệm để cống
hiến cho cộng đoàn, nếu cộng đoàn biết gần gũi, ân cần săn sóc họ và lắng nghe
họ.
Trong
thực tế, sứ mạng tông đồ, trước khi là hoạt động, phải là một chứng tá phó thác
toàn thân cho ý muốn cứu độ của Chúa, kín múc nơi những nguồn mạch của kinh
nguyện và sám hối. Do đó những người cao niên có thể được kêu mời sống ơn gọi
của họ theo nhiều cách : chuyên cần cầu nguyện, kiên nhẫn chịu đựng hoàn cảnh,
sẵn sàng phục vụ trong tư cách linh hướng, cha giải tội hoặc hướng dẫn cầu
nguyện (93).
Theo
hình ảnh cộng đoàn tông đồ
45.
Đời sống huynh đệ là một yếu tố cơ bản trong hành trình thiêng liêng của những
người tận hiến, để họ tự canh tân thường xuyên và để họ hoàn tất trọn vẹn sứ
mạng của họ trong thế giới. Xác tín này dựa trên những nền tảng thần học, và đã
được chính kinh nghiệm củng cố. Vậy tôi khuyến khích những người tận hiến hãy
nhiệt thành vun trồng đời sống huynh đệ, theo gương các Ki-tô hữu tiên khởi
Giê-ru-sa-lem, chuyên cần trong việc lắng nghe giáo huấn của các Tông Đồ, cầu
nguyện chung, tham dự bí tích Thánh Thể, chia sẻ của cải vật chất và thiêng
liêng (x. Cv 2,42-47). Tôi đặc biệt khuyến khích các thành viên của các tu đoàn
tông đồ, hãy sống cho trọn tình yêu hỗ tương, diễn tả tình yêu ấy theo cách phù
hợp với bản tính của mỗi tu hội, ngõ hầu mỗi cộng đoàn là một dấu chỉ sáng ngời
của thành Giê-ru-sa-lem mới, "nhà của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại"
(Kh 21,3).
Toàn
thể Giáo Hội trông chờ nhiều nơi chứng tá của các cộng đoàn tràn ngập
"niềm hoan lạc và Thánh Thần" (Cv 13,52). Giáo Hội ước muốn giới
thiệu cho thế giới gương sáng của những cộng đoàn, trong đó việc quan tâm giúp
đỡ nhau giúp vượt thắng cảnh cô đơn. Sự thông hảo thúc đẩy mỗi người cảm thấy
đồng trách nhiệm, sự tha thứ giúp hàn gắn những vết thương, và quyết tâm sống
hiệp thông của mỗi người được kiện toàn. Trong các cộng đoàn như vậy, bản chất
các đoàn sủng đang điều động các năng lực, nâng đỡ lòng trung thành và hướng
dẫn công việc tông đồ của mọi người nhắm tới một sứ mạng duy nhất. Để giới
thiệu cho nhân loại hôm nay gương mặt đích thực của mình, Giáo Hội thực sự cần
có những cộng đoàn huynh đệ như thế ; bằng chính cuộc sống của mình, họ đang
góp phần vào công cuộc tái tuyền giảng Tin Mừng, bởi vì họ đang cho thấy cách
cụ thể những hoa trái của "điều răn mới".
Sentire cum
Ecclesia : Đồng cảm với Giáo Hội
46. Một nhiệm
vụ quan trọng được giao phó cho đời sống thánh hiến, dưới ánh sáng của đạo lý
về Giáo Hội xét như là hiệp thông đã được Công Đồng Va-ti-ca-nô II khẳng định.
Những người tận hiến được yêu cầu trở thành thực sự những chuyên viên về hiệp
thông và thực hành linh đạo hiệp thông (94), như "những chứng nhân và
những người kiến tạo kế hoạch hiệp thông, đỉnh cao của lịch sử nhân loại theo ý
muốn của Thiên Chúa" (95). Cảm thức về hiệp thông trong Giáo Hội, khi trở
thành linh đạo hiệp thông, cổ võ một lối suy nghĩ, nói năng và hành động giúp
cho Giáo Hội tiến về chiều sâu và chiều rộng. Quả thật, đời sống hiệp thông
"trở thành một dấu chỉ cho thế giới và một sức mạnh thu hút người ta tin
vào Đức Ki-tô [...]. Như thế, sự hiệp thông đưa tới sứ vụ, và biến thành sứ
mạng, hoặc đúng hơn "sự hiệp thông sinh ra sự hiệp thông và chủ yếu của nó
là hiệp thông sứ vụ" (96).
Các đấng sáng
lập dòng luôn tỏ ra một cảm thức nhạy bén về Giáo Hội, cảm thức này được biểu
lộ bằng việc họ tham dự trọn vẹn vào đời sống Giáo Hội trong mọi chiều kích và
bằng sự vâng phục mau mắn đối với các vị mục tử, đặc biệt với Đức thánh cha
Rô-ma. Chính vì tình yêu đối với Hội Thánh, "cột trụ và điểm tựa của chân
lý" (1 Tm 3,15), mà ta hiểu được lòng sùng kính của thánh Phan-xi-cô
Át-xi-di đối với "ngài giáo hoàng" (97), sự táo bạo đầy tình con thảo
của thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na đối với đấng mà nữ thánh gọi là "Đức Ki-tô
hiền lành trên mặt đất" (98), lòng vâng phục tông đồ và đồng cảm với Giáo
Hội, sentire cum Ecclesia, của thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la (99), việc hân hoan
tuyên xưng đức tin của thánh Tê-rê-xa Giê-su : "Tôi là con của Giáo
Hội" (100). Chúng ta cũng có thể hiểu được ước ao mãnh liệt của thánh
Tê-rê-xa Lisieux : "Trong lòng Giáo Hội, Mẹ của con, con sẽ là tình yêu
..." (101). Những chứng từ này nói lên sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội
mà các thánh nam nữ, các đấng sáng lập dòng, đã sống vào những thời đại và
trong những hoàn cảnh khác nhau và thường rất khó khăn. Đó là những gương sáng
mà những người tận hiến phải thường xuyên quy chiếu, để kháng cự lại những sức
ly tâm và huỷ hoại đang hoành hành ngày nay.
Một khía cạnh
nổi bật của sự hiệp thông với Giáo Hội là gắn bó bằng cả trí tuệ và con tim với
huấn quyền của các giám mục ; tất cả những người tận hiến, đặc biệt những ai
dấn thân trong công việc nghiên cứu thần học, trong việc giảng dạy, trong việc
xuất bản sách vở, trong huấn giáo, trong việc sử dụng các phương tiện truyền
thông xã hội (102), phải nghiêm chỉnh thi hành và minh chứng rõ ràng điều này
trước mắt Dân Thiên Chúa. Bởi vì những người tận hiến giữ một vị trí đặc biệt
trong Giáo Hội, cho nên thái độ của họ đối với huấn quyền có một tầm quan trọng
lớn trước toàn thể Dân Thiên Chúa. Chứng tá của lòng mến yêu hiếu thảo của họ
mang lại sức mạnh và sinh khí cho hoạt động tông đồ của họ. Trong khuôn khổ của
sứ mạng ngôn sứ chung cho hết mọi tín hữu, đặc điểm chung của hoạt động tông đồ
là những hình thức hợp tác chặt chẽ với hàng giáo phẩm (103). Như thế, với
những đoàn sủng phong phú, các người tận hiến giúp Giáo Hội thể hiện ngày một
sâu xa hơn bản tính của mình là bí tích của "sự kết hợp mật thiết với
Thiên Chúa và sự hợp nhất toàn thể nhân loại" (104).
Tình huynh đệ
trong Giáo Hội phổ quát
47. Những người
tận hiến được kêu gọi trở thành chất men hiệp thông sứ vụ trong Giáo Hội phổ
quát, vì các đoàn sủng khác nhau của các tu hội khác nhau được Chúa Thánh Thần
ban cho là để mưu ích cho toàn Nhiệm Thể, nên họ phải phục vụ công việc xây
dựng Nhiệm Thể (x. 1 Cr 12,4-11). Theo lời thánh Tông Đồ, "con đường trổi
vượt hơn cả" (1 Cr 12,31), điều "cao trọng hơn cả" (1 Cr 13,13)
là đức mến, vì đức mến dung hoà mọi khác biệt, thúc đẩy mọi người nâng đỡ nhau
để hăng hái dấn thân trong công việc tông đồ. Chính là để đạt tới lòng mến mà
đời thánh hiến dưới nhiều hình thức khác nhau và các tu đoàn tông đồ, muốn được
liên kết trong tình hiệp thông đặc biệt với đấng kế vị thánh Phê-rô trong tác
vụ kiến tạo sự hiệp nhất và thúc đẩy công cuộc truyền giáo phổ quát. Lịch sử
linh đạo cho thấy mối liên kết này đã có một vai trò quan phòng trong việc bảo
đảm chân tính đời thánh hiến và phát triển công cuộc loan báo Tin Mừng. Như các
nghị phụ Thượng hội đồng đã nhận xét, nếu không có sự đóng góp của các tu hội
tận hiến và các tu đoàn tông đồ, thì khó mường tượng được làm sao Tin Mừng có
thể được phổ biến rộng rãi, Giáo Hội bén rễ vững chắc tại nhiều nơi trên thế
giới, làm sao có được mùa xuân Ki-tô giáo nở rộ tại các Giáo Hội trẻ như vậy.
Qua các thời đại, các tu hội giữ vững sự hiệp thông với các đấng kế vị thánh
Phê-rô, và các ngài luôn tìm gặp nơi họ những người quảng đại mau mắn tận tuỵ
truyền giáo và sẵn sàng hy sinh đến mức anh hùng khi hoàn cảnh đòi hỏi.
Như thế có thể
thấy rõ đặc tính phổ quát và hiệp thông của các tu hội tận hiến và các tu đoàn
tông đồ. Do bản tính không bị ràng buộc vào một giáo phận, dựa trên tương quan
đặc biệt với tác vụ của thánh Phê-rô, họ cũng sẵn sàng phục vụ công cuộc hợp
tác giữa các Giáo Hội địa phương (105) ; nhờ khả năng cổ võ hữu hiệu việc
"trao đổi các ân sủng" và góp phần vào việc hội nhập Tin Mừng vào văn
hoá, nhờ vậy các giá trị phong phú của các dân tộc được Phúc Âm thanh lọc, đánh
giá và hấp thụ (106). Ngày nay, trong các Giáo Hội trẻ, hiện tượng nở rộ các ơn
gọi đời thánh hiến cho thấy rằng đời thánh hiến diễn tả được những khát vọng
của các dân tộc và các nền văn hoá khác biệt trong sự duy nhất của Giáo Hội
Công Giáo.
Đời thánh hiến
và Giáo Hội địa phương
48. Giữa lòng
các Giáo Hội địa phương, những người tận hiến cũng có một vai trò đầy ý nghĩa.
Khởi đi từ đạo lý của Công Đồng về Giáo Hội như hiệp thông và mầu nhiệm, về các
Giáo Hội địa phương như là những phần của Dân Thiên Chúa trong đó "Giáo
Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của Đức Ki-tô hiện diện và
hành động thực sự" (107), sự kiện này đã được đào sâu và quy định thành
luật trong nhiều văn kiện. Các bản văn này nêu rõ tầm quan trọng cơ bản của sự
cộng tác giữa những người tận hiến với các giám mục, để phát triển hài hoà công
việc mục vụ giáo phận. Các đoàn sủng của đời thánh hiến có thể góp phần đắc lực
vào việc xây dựng đức mến trong Giáo Hội địa phương.
Quả vậy, những
hình thái đa dạng của việc sống các lời khuyên Phúc Âm biểu lộ và kết tụ các ân
huệ thiêng liêng mà các đấng sáng lập nam nữ đã nhận được. Như vậy, các hình
thái ấy làm nên "một cảm nghiệm Thần Khí được trao lại cho các đồ đệ để họ
sống, gìn giữ, đào sâu, triển khai thường xuyên hoà nhịp với Thân Thể Đức Ki-tô
đang tăng tưởng không ngừng" (108). Bản sắc của mỗi tu hội bao hàm một
linh đạo và hoạt động tông đồ riêng, quy định dần dần trong một truyền thống
nhất định, với những yếu tố khách quan (109). Theo chiều hướng này, Giáo Hội
quan tâm lo cho các tu hội được tăng trưởng và phát triển trong sự trung thành
với tinh thần của các đấng sáng lập và với những truyền thống lành mạnh của họ
(110).
Do đó, mỗi tu
hội vẫn có một quyền tự trị chính đáng, nhờ vậy họ có thể duy trì một kỷ luật
riêng và bảo toàn một gia sản thiêng liêng và tông đồ. Các đấng bản quyền có
bổn phận bảo toàn và che chở quyền tự trị này (111). Vậy các giám mục được yêu
cầu đón tiếp và trân trọng các đoàn sủng của đời thánh hiến, dành cho chúng một
chỗ trong các kế hoạch mục vụ giáo phận. Các ngài phải đặc biệt quan tâm đến
các tu hội thuộc quyền giáo phận, được giao phó cho giám mục sở tại chăm sóc
đặc biệt. Một giáo phận không có đời thánh hiến hẳn sẽ thiếu mất nhiều ân huệ
thiêng liêng, thiếu những nơi dành cho việc tìm kiếm Thiên Chúa, thiếu những
hoạt động tông đồ và những phương pháp mục vụ chuyên biệt ; hơn nữa giáo phận
ấy có thể suy yếu đi rất nhiều bởi thiếu vắng tinh thần truyền giáo là đặc
trưng của đa số các tu hội (112). Vậy cần biết đón nhận hồng ân đời thánh hiến
mà Thánh Thần khơi lên trong Giáo Hội địa phương, bằng cách quảng đại tiếp nhận
với tâm tình quảng đại và tri ân.
Hiệp thông
phong phú và quy mô trong Giáo Hội
49. Giám mục là
cha và mục tử của toàn thể Giáo Hội địa phương. Người có nhiệm vụ nhìn nhận và
tôn trọng những đoàn sủng khác biệt, thăng tiến và phối hợp chúng. Vậy trong
tình bác ái mục vụ, người phải đón tiếp đoàn sủng đời thánh hiến như một ân
huệ, không phải chỉ liên hệ đến một tu hội, mà còn có lợi cho toàn thể Giáo
Hội. Như thế người phải tìm cách nâng đỡ và trợ giúp những người tận hiến, hầu
họ sống hiệp thông với Giáo Hội, mở ra những viễn tượng thiêng liêng và mục vụ
đáp ứng những đòi hỏi của thời đại chúng ta, mà vẫn trung thành với đoàn sủng
sáng lập của họ. Phần họ, những người tận hiến đừng quên quảng đại cộng tác với
Giáo Hội địa phương, tuỳ theo sức lực của họ và tôn trọng đoàn sủng của họ,
hoạt động trong tinh thần hiệp thông trọn vẹn với giám mục ở các lãnh vực
truyền giảng Phúc Âm, huấn giáo, sinh hoạt giáo xứ.
Nên nhắc lại
rằng khi điều phối việc phục vụ Giáo Hội phổ quát với việc phục vụ Giáo Hội địa
phương, các tu hội không thể nại đến quyền tự trị chính đáng của mình, và thậm
chí quyền miễn trừ (113) mà nhiều tu hội được hưởng, để biện minh cho những
chọn lựa đi ngược lại những đòi hỏi của sự hiệp thông hữu cơ cần thiết cho đời
sống lành mạnh của Giáo Hội. Ngược lại, phải làm sao cho các sáng kiến mục vụ
của những người tận hiến được quyết định và thực hành trong một cuộc đối thoại
thân ái và cởi mở giữa các giám mục và các bề trên của các tu hội khác nhau.
Thái độ quan tâm của các giám mục đối với ơn gọi và sứ mạng của các tu hội và
thái độ kính trọng của các tu hội đối với thừa tác vụ của các giám mục, được
diễn tả qua việc mau mắn đón nhận những chỉ thị cụ thể về mục vụ giáo phận,
diễn tả hai hình thái liên kết chặt chẽ của một đức ái duy nhất trong Giáo Hội,
đức ái đòi hỏi mỗi bên phải phục vụ sự hiệp thông hữu cơ - vừa mang tính đoàn
sủng, vừa được kết cấu theo phẩm trật - của toàn Dân Thiên Chúa.
Liên lỉ đối
thoại nhờ đức ái linh hoạt
50. Việc đối
thoại liên lỉ giữa các bề trên các hội dòng tận hiến và tu đoàn tông đồ với các
giám mục là điều rất hữu ích. Hiểu biết nhau là điều kiện cần thiết để hợp tác
hữu hiệu, nhất là trong lãnh vực mục vụ. Nhờ các cuộc trao đổi thường xuyên như
vậy, các bề trên nam nữ có thể thông báo cho các giám mục biết những dự án tông
đồ mình đang nhắm đến trong các giáo phận của các ngài, để cùng đi tới những
thoả thuận cần thiết cho việc thực hiện. Cũng thế, nên mời những đại biểu của
các Hiệp hội các bề trên nam nữ thượng cấp tham dự các cuộc họp của Hội đồng
giám mục và ngược lại, nên mời những đại biểu của các Hội đồng giám mục tham dự
các Hội nghị của bề trên nam nữ thượng cấp, dựa theo những thể thức cần được
xác định. Trong viễn tượng đó, một điều rất có lợi là thành lập - tại những nơi
nào chưa có - những uỷ ban hỗn hợp gồm các giám mục và các bề trên thượng cấp ở
bình diện quốc gia (114), để làm việc và sẽ cùng nhau cứu xét những vấn đề đem
lại lợi ích chung. Cũng vậy, nhằm phát động việc hiểu biết giữa đôi bên, nên
đưa thần học và linh đạo đời thánh hiến vào chương trình thần học của các linh
mục giáo phận, cũng như nên tiên liệu trong chương trình huấn luyện những người
tận hiến việc nghiên cữu kỹ càng nền thần học Giáo Hội địa phương và linh đạo
giáo sĩ giáo phận (115).
Sau cùng, thật
là an ủi khi nhắc lại rằng tại Thượng hội đồng đã có nhiều tham luận về đạo lý
hiệp thông, và người ta vui sướng chứng kiến các giám mục và các nam nữ tu sĩ
hiện diện đã đối thoại với nhau trong một bầu không khí tin tưởng và cởi mở.
Ước gì kinh nghiệm thiêng liêng này, về hiệp thông và cộng tác, được mở rộng ra
toàn thể Giáo Hội, (116) cả sau phiên họp Thượng hội đồng nữa. Đó cũng là
nguyện vọng của tôi : mong sao mọi người tấn tới trong thái độ hiệp thông và
linh đạo hiệp thông.
Tình huynh đệ
trong một thế giới chia rẽ và bất công
51. Giáo Hội ký
thác cho các cộng đoàn sống đời thánh hiến bổn phận đặc biệt : đó là phát triển
linh đạo hiệp thông trước tiên trong chính cộng đoàn của họ, kế đến trong cộng
đồng Giáo Hội và vượt cả biên giới này nữa, bằng cách kiên trì theo đuổi cuộc
đối thoại bác ái, nhất là tại những nơi hiện đang bị xâu xé bởi sự hận thù
chủng tộc hay nạn bạo lực điên rồ. Được tháp nhập vào trong những xã hội của
thế giới, - những xã hội thường bị cày xới bởi những đam mê và quyền lợi xung đột
nhau, đang khao khát hiệp nhất nhưng lại ngập ngừng về những đường lối phải
theo -, các cộng đoàn sống đời thánh hiến, nơi mà những con người khác nhau về
tuổi tác, ngôn ngữ và văn hoá lại gặp nhau như những anh em chị em, trở thành
những dấu chỉ chứng minh rằng luôn luôn có thể đối thoại được với nhau, và có
thể hài hoà được nhờ có hiệp thông.
Các cộng đoàn
sống đời thánh hiến được sai đi để qua chứng tá đời sống, loan báo giá trị của
tình huynh đệ Ki-tô giáo và sức mạnh biến đổi của Tin Mừng (117), nhìn nhận mỗi
người là con cái Thiên Chúa, và thúc đẩy đi tới tình yêu dâng hiến đối với hết
mọi người, cách riêng với những người thấp kém nhất. Các cộng đoàn này là những
nơi sống niềm hy vọng và khám phá ra các mối phúc, những nơi mà tình yêu được
bồi dưỡng nhờ kinh nguyện, nguồn hiệp thông, được kêu gọi trở thành khuôn mẫu
của cuộc sống và nguồn mạch niềm vui.
Vào thời đại
chúng ta, với đặc điểm là các vấn đề mang tính toàn cầu và các thần tượng của
chủ nghĩa quốc gia lại xuất hiện, các tu hội quốc tế có trách nhiệm đặc biệt là
duy trì cảm thức về sự hiệp thông giữa các dân tộc, các màu da, các nền văn
hoá, và làm chứng về các điều đó. Trong một bầu khí huynh đệ, thái độ cởi mở
với chiều kích toàn cầu của các vấn đề sẽ không bóp nghẹt những nét phong phú địa
phương, và việc khẳng định một sắc thái địa phương không xung khắc với các sắc
thái khác hoặc với sự hiệp nhất. Các tu hội quốc tế có thể thực hiện điều đó
cách hữu hiệu, bởi vì chính họ phải chấp nhận thách đố hội nhập văn hoá bằng
cách vừa chứng tỏ có óc sáng tạo vừa vẫn bảo toàn được căn tính của mình.
Hiệp thông giữa
các tu hội khác nhau
52. Các mối
quan hệ thiêng liêng huynh đệ và sự cộng tác giữa các hội dòng tận hiến và tu
đoàn tông đồ khác nhau được củng cố và nuôi dưỡng bởi cảm thức về sự hiệp thông
trong Giáo Hội. Những con người hiệp nhất với nhau vì đã cùng cam kết bước theo
Đức Ki-tô - sequela Christi - và được thúc đẩy bởi cùng một Thánh Thần, không
thể nào không biểu lộ cách hữu hình sự viên mãn của Tin Mừng tình yêu, như là
những cành của một Cây Nho duy nhất. Khi nhắc lại gương các đấng lập dòng nam
nữ, lúc còn sống ở trần gian, đã kết thân với nhau trong một tình bạn thiêng
liêng mà vẫn trung thành với bản tính của tu hội mình, thì những người tận hiến
cũng được kêu mời sống trong một tình huynh đệ gương mẫu, có sức khích lệ các
thành phần khác nhau trong Giáo Hội làm chứng cho Tin Mừng trong việc dấn thân
hằng ngày.
Lời của thánh
Bê-na-đô về các hội dòng khác nhau vẫn luôn luôn mang tính hiện đại : "Tôi
thán phục tất cả các dòng [...]. Tôi thuộc về một trong các dòng đó do kỷ luật,
nhưng thuộc về tất cả do đức mến. Tất cả chúng ta đều cần đến nhau : điều thiện
hảo thiêng liêng mà tôi không có, hay không chiếm hữu, thì tôi nhận được từ
những dòng khác [...]. Trong cuộc lưu đày này, khi mà Giáo Hội còn đang lữ
hành, có thể nói rằng tính duy nhất của Giáo Hội thì đa dạng và tính đa dạng
của Giáo Hội thì duy nhất [...]. Và tất cả những khác biệt của chúng ta, biểu
lộ các ân huệ phong phú của Thiên Chúa, sẽ còn tồn tại trong nhà Cha, vì nơi
đây có nhiều chỗ ở. Ngày nay thì có sự phân phối các ân sủng, ngày ấy sẽ có sự
phân biệt các vinh dự. Sự hiệp nhất, ở dưới thế này cũng như ở trên đó, là do
cùng một đức mến" (118).
Các cơ quan
điều phối
53. Những Hiệp
hội bề trên nam nữ thượng cấp và Hiệp hội các tu hội đời có thể góp phần đáng
kể vào sự hiệp thông. Được Công Đồng Va-ti-ca-nô II (119) và các văn kiện sau
này (120) khích lệ và ra những quy tắc, các cơ quan ấy có mục tiêu chính là cổ
võ đời sống thánh hiến tháp nhập vào toàn thể sứ mạng của Giáo Hội.
Do trung gian
các Hiệp hội kể trên, các tu hội biểu lộ sự hiệp thông giữa các tu hội và tìm
kiếm những phương tiện để củng cố sự hiệp thông này mà vẫn tôn trọng và nêu bật
giá trị các đặc điểm riêng của những đoàn sủng khác nhau, phản ánh mầu nhiệm Giáo
Hội và sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa (121). Tôi khuyến khích
các tu hội tận hiến cộng tác với nhau, nhất là tại những quốc gia vì gặp những
khó khăn riêng, nên dễ bị cám dỗ co quắp lại chính mình, làm hại cho chính đời
thánh hiến và cho Giáo Hội. Trái lại, họ phải giúp nhau tìm hiểu chương trình
của Thiên Chúa trong những thăng trầm hiện tại của lịch sử (122), hầu đáp trả
trọn vẹn hơn bằng những sáng kiến tông đồ thích hợp. Trong viễn tượng hiệp
thông và cởi mở trước những thách đố của thời đại chúng ta, các bề trên nam nữ,
"trong khi làm việc hài hoà với hàng giám mục", hãy "biết sử
dụng những cộng sự viên khá nhất của mỗi tu hội và hãy tạo ra những chương
trình không chỉ nhằm giải quyết những giới hạn tạm thời mà còn nhằm tạo ra một
kiểu huấn luyện đời thánh hiến cho có phẩm chất" (123).
Tôi mời các
Hiệp hội bề trên nam nữ thượng cấp tìm cách tiếp xúc thường xuyên và đều đặn
với Bộ hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, để biểu lộ sự hiệp thông của
họ với Toà Thánh. Cũng nên duy trì những quan hệ tích cực và tin tưởng với các
Hội đồng giám mục của mỗi quốc gia. Trong tinh thần của văn kiện "Các liên
hệ hỗ tương", Mutuae relationes, nên thiết lập một hình thức liên hệ bền
vững, ngõ hầu có thể duy trì một sự điều phối thường xuyên và thích hợp mỗi khi
nảy ra sáng kiến mới. Nếu kiên trì làm đúng những điều này trong tinh thần gắn
bó trung thành với các chỉ thị của Huấn quyền, thì các cơ quan điều phối và
hiệp thông sẽ rất hữu ích, giúp tìm ra những giải pháp tránh được bao hiểu lầm
và căng thẳng cả trên bình diện lý thuyết lẫn thực hành (124) : Như vậy các cơ
quan ấy sẽ góp phần vào việc phát huy sự hiệp thông giữa các hội dòng tận hiến
và các giám mục, cũng như vào việc hoàn tất chính sứ mạng của các Giáo Hội địa
phương.
Hiệp thông và
cộng tác với các giáo dân
54. Vào những
năm gần đây, đạo lý về Giáo Hội là hiệp thông đã giúp hiểu rõ hơn rằng các
thành phần khác nhau trong Giáo Hội có thể và phải hiệp lực, trong tinh thần
cộng tác và trao đổi các ân huệ, để tham gia hữu hiệu hơn vào sứ mạng Giáo Hội.
Chúng ta sẽ có một hình ảnh đúng đắn và đầy đủ hơn về Giáo Hội, và nhất là
chúng ta sẽ vững mạnh hơn để giải đáp những thách đố lớn của thời đại chúng ta,
nhờ sự góp phần hài hoà của các ân huệ khác nhau.
Đối với các
dòng đan tu và chiêm niệm, mối quan hệ với các giáo dân chủ yếu nằm ở bình diện
thiêng liêng, còn đối với các tu hội dấn thân vào việc tông đồ thì mối quan hệ
ấy được diễn tả qua sự hợp tác mục vụ. Những thành viên các tu hội đời, giáo
dân hoặc giáo sĩ, duy trì những quan hệ với các tín hữu khác, trong những hình
thức thông thường của cuộc sống hằng ngày. Ngày nay, nhiều tu hội, thường là do
những hoàn cảnh mới, xác tín rằng đoàn sủng của họ có thể được chia sẻ với giáo
dân ; do đó, các giáo dân được mời gọi tham dự nhiều hơn vào linh đạo và sứ
mạng của chính tu hội. Ta có thể nói rằng, dựa trên kinh nghiệm lịch sử tựa như
kinh nghiệm của các dòng ba hoặc huynh đoàn giáo dân khác nhau, một chương mới,
đầy hy vọng, đang được mở ra về những tương quan giữa những người tận hiến và
giáo dân.
Để đi tới một
năng động thiêng liêng và tông đồ mới mẻ
55. Những kinh
nghiệm mới về hiệp thông và cộng tác này đáng được khuyến khích vì nhiều lý do.
Thật vậy, tiên vàn chúng giúp phổ biến linh đạo đưa tới hoạt động vượt qua biên
giới của tu hội : nhờ đó mà tu hội có thêm nhân lực mới, có thể bảo đảm tiếp
tục trong Giáo Hội những sinh hoạt tiêu biểu của tu hội. Một hiệu quả nữa rất
tích cực là những người tận hiến và giáo dân sẽ dễ hợp tác với nhau chặt chẽ
hơn, dựa trên sứ mạng của tu hội ; nhờ gương thánh thiện của những người tận
hiến, giáo dân sẽ có kinh nghiệm trực tiếp về tinh thần của các lời khuyên Phúc
Âm, và được khích lệ sống và làm chứng cho tinh thần các mối phúc (125), hầu có
thể biến đổi thế giới theo chương trình của Chúa.
Việc tham gia
của các giáo dân thường mang lại một số cái nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn về một
vài khía cạnh của đoàn sủng, đưa tới việc giải thích nó một cách thiêng liêng
hơn và rút ra những hướng đi mới cho sinh hoạt tông đồ. Khi tham gia bất cứ
hoạt động hoặc tác vụ nào, những người tận hiến nên nhớ rằng, trước hết họ phải
là những người có khả năng hướng dẫn đời sống thiêng liêng, do đó, họ phải làm
sao vun trồng cho "tài năng quý báu nhất : đó là tinh thần" (126). Về
phần mình, giáo dân mang lại cho các dòng tu một phần đóng góp quý báu của họ
là sống giữa đời và phục vụ chuyên biệt.
Các giáo dân
tình nguyện và hội viên
56. Một hình
thức rất ý nghĩa để giáo dân tham gia vào sự phong phú của đời thánh hiến là
cho các tín hữu giáo dân được kết nạp vào các tu hội dưới hình thức mới gọi là
"hội viên", hoặc tuỳ theo nhu cầu của từng bối cảnh văn hoá, có thể
là một hình thức tham gia trong một thời gian vào đời sống cộng đoàn và một cam
kết đặc biệt tham gia vào việc chiêm niệm hay hoạt động tông đồ của tu hội. Dĩ
nhiên với điều kiện là những hình thức vừa nói không được làm phương hại bản
chất đời sống nội bộ của tu hội (127).
Thật đáng trân
trọng thể thức tình nguyện này phát sinh từ sự phong phú của đời thánh hiến :
tuy nhiên phải quan tâm đến việc huấn luyện những người tình nguyện, để ngoài
sự đóng góp bằng khả năng chuyên môn, họ luôn có những động lực thiêng liêng
sâu sắc trong ý hướng và một cảm thức sắc bén về cộng đoàn và Giáo Hội trong
các dự phóng của họ (128). Cũng nên nhớ rằng, nếu những sáng kiến trong đó giáo
dân tham gia ở cấp quyết định muốn được công nhận là những công việc của một tu
hội nào đó, thì sáng kiến ấy phải theo sát mục tiêu của tu hội và phải được
thực hiện dưới sự trách nhiệm của tu hội. Vì thế, nếu giáo dân đảm nhận điều
hành những công việc đó thì họ phải báo cáo với các bề trên nam nữ có thẩm
quyền. Tất cả các điều này cần được cứu xét rõ ràng và quy định thể theo những
hướng dẫn riêng của mỗi tu hội, được quyền bính thượng cấp chuẩn nhận. Trong
các văn bản đó, cần xác định thẩm quyền của tu hội, của cộng đoàn, và thẩm
quyền của các hội viên hoặc của những người tình nguyện.
Những người tận
hiến, được các bề trên phái đi và luôn vẫn tuỳ thuộc các ngài, có thể cộng tác
theo các thể thức thích hợp với những sáng kiến của giáo dân, đặc biệt trong những
tổ chức và những định chế đang phục vụ những người ở bên lề, và có mục tiêu xoa
dịu nỗi đau khổ của nhân loại. Nếu sự cộng tác này được thúc đẩy và hỗ trợ bởi
một bản sắc Ki-tô hữu trong sáng và mạnh mẽ, và nếu tôn trọng những đặc tính
của đời thánh hiến, thì sự cộng tác này có thể chiếu toả sức mạnh và ánh sáng
của Tin Mừng vào những hoàn cảnh tăm tối nhất của cuộc sống con người.
Trong những năm
gần đây, nhiều người tận hiến đã tham gia vào một vài phong trào Giáo Hội hiện
nay đang thịnh hành. Nói chung, những người ở trong các phong trào đó cũng được
hưởng nhiều điều tốt qua kinh nghiệm này, đặc biệt là một sự đổi mới thiêng
liêng. Tuy vậy, cũng không thể chối cãi là có những trường hợp, việc tham gia
đó đã gây phiền toái, khiến cho có những cá nhân và cộng đoàn đi lạc hướng,
nhất là khi có những xung đột với đời sống cộng đoàn và linh đạo của tu hội.
Vậy phải làm sao để cho việc tham gia các phong trào Giáo Hội được thực hiện
trong sự tôn trọng đoàn sủng và kỷ luật của tu hội (129), với phép của các bề
trên và vẫn hoàn toàn đón nhận những quyết định của các ngài.
Phẩm giá và vai
trò của người phụ nữ tận hiến
57. Giáo Hội
chứng tỏ sự phong phú thiên hình vạn trạng của mình về mặt thiêng liêng, khi
biết vượt lên mọi thứ kỳ thị và biết đón nhận như một hồng phúc đích thực những
ân huệ Thiên Chúa ban cho những người nam và người nữ, bởi vì đôi bên đều bình
đẳng về nhân phẩm. Những phụ nữ tận hiến được mời một cách rất đặc biệt hãy
sống đời thánh hiến thật viên mãn và vui tươi. hầu trở nên dấu chỉ của lòng âu
yếm Thiên Chúa dành cho loài người và làm chứng một cách đặc biệt về mầu nhiệm
Giáo Hội là trinh nữ, hiền thê, hiền mẫu (130). Sứ mạng của phụ nữ tận hiến
được nêu lên tại Thượng hội đồng, tại đây một số đông đã tham gia, đã lên tiếng
và được mọi người trân trọng lắng nghe. Nhờ những đóng góp của họ mà có thêm
những đề nghị hữu ích cho đời sống Giáo Hội và cho sứ mạng loan báo Tin Mừng
của Giáo Hội. Không thể chối cãi tính cách hợp lý của nhiều đòi hỏi liên quan
đến vị trí của người nữ trong nhiều môi trường xã hội và Giáo Hội. Cũng nên ghi
nhận rằng ý thức mới của các phụ nữ về chính mình đã giúp những người nam xét
lại não trạng, cách hiểu biết về chính bản thân họ, cách họ tự định vị trong
lịch sử và cách họ giải thích lịch sử, tổ chức đời sống xã hội, chính trị, kinh
tế, tôn giáo và đời sống Giáo Hội.
Đức Ki-tô đã
trao cho Giáo Hội một sứ điệp có sức giải phóng, vậy Giáo Hội có sứ mạng ngôn
sứ là phổ biến sứ điệp ấy, bằng cách khuyến khích người ta có những đường lối
suy nghĩ và xử sự phù hợp với ý muốn của Chúa. Trong bối cảnh này, người phụ nữ
tận hiến có thể khởi đi từ kinh nghiệm của mình về Giáo Hội và từ đời sống phụ
nữ của mình trong Giáo Hội, mà góp phần loại trừ một số quan niệm một chiều
không giúp nhìn nhận trọn vẹn phẩm giá của người nữ, nhìn nhận phần đóng góp
chuyên biệt của họ vào đời sống, vào hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo
Hội. Như thế, thật là hợp pháp khi người nữ tận hiến khao khát muốn thấy căn
tính của mình, khả năng chuyên môn, sứ mạng và trách nhiệm của mình được nhìn nhận
rõ ràng hơn, cả trong tâm thức của Giáo Hội lẫn trong đời sống hằng ngày.
Không thể nào
nghĩ đến tương lai của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, cũng như của tất cả
hình thái hoạt động truyền giáo khác, nếu không có phần đóng góp mới mẻ của các
phụ nữ, đặc biệt của những phụ nữ tận hiến.
Những viễn
tượng mới về hiện diện và hoạt động
58. Bởi vậy,
cần có ngay một vài hành động cụ thể, bắt đầu bằng cách mở cho phụ nữ những cơ
hội tham gia những lãnh vực khác nhau và trên mọi bình diện, kể cả tham gia vào
tiến trình quyết nghị quyết định, và đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến
phụ nữ.
Việc huấn luyện
những phụ nữ tận hiến, ngang với việc huấn luyện những người nam, cần phải được
thích nghi với những đòi hỏi khẩn cấp mới xuất hiện, và phải tiên liệu một thời
gian và một cơ chế đầy đủ để thực hiện một sự đào tạo có hệ thống, bao trùm mọi
lãnh vực, từ lãnh vực thần học và mục vụ đến lãnh vực nghề nghiệp. Việc huấn
luyện mục vụ và huấn giáo vốn dĩ rất quan trọng, lại càng hữu dụng cho cuộc tái
truyền giảng Tin Mừng, đang chờ mong phụ nữ tham gia một cách mới mẻ.
Dĩ nhiên, một
sự đào tạo vững chắc sẽ giúp người phụ nữ được thánh hiến hiểu rõ những ơn huệ
họ đã lãnh nhận, đồng thời sẽ khích lệ một sự trao đổi hai chiều trong lòng
Giáo Hội. Trong lãnh vực suy tư thần học, văn hoá và tâm linh, người ta chờ đợi
nhiều ở thiên tài của người nữ, không những liên quan đến những khía cạnh
chuyên biệt của đời tận hiến nữ giới, mà còn trong mọi hiểu biết về những
phương thức diễn tả đức tin. Về điểm này, lịch sử linh đạo rất mang ơn các
thánh nữ như Tê-rê-xa Giê-su và Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, hai phụ nữ đầu tiên được
tôn phong danh hiệu tiến sĩ Giáo Hội, và biết bao nhà thần bí khác đã đào sâu
mầu nhiệm Thiên Chúa và phân tích đường lối Thiên Chúa hành động nơi các tín hữu
! Giáo Hội trông chờ nhiều vào phần đóng góp độc đáo của các phụ nữ tận hiến để
phát triển đạo lý, phong hoá, đời sống gia đình và xã hội, đặc biệt trong những
gì liên quan đến phẩm giá phụ nữ và việc tôn trọng đời sống con người (131).
Quả thế, "các phụ nữ đóng một vai trò độc đáo và hẳn là quyết định cả về
tư tưởng lẫn về hành động : họ có nhiệm vụ thăng tiến một phong trào nữ quyền
mới, không bị cám dỗ hoạ lại những mẫu điển hình trọng nam, ngõ hầu nhìn nhận
và diễn tả thiên tài chân thực của nữ giới qua phong cách sống trong xã hội,
biết chống lại mọi hình thức kỳ thị, bạo động và bóc lột" (132).
Có những lý do
để hy vọng rằng, một khi sứ mạng của người nữ được công nhận rõ ràng hơn, thì
đời thánh hiến của nữ giới sẽ ý thức sống động hơn về chính vai trò của mình,
và sẽ tận tâm tận lực sống cho Nước Thiên Chúa hơn. Điều này được minh hoạ qua
nhiều công trình, như dấn thân vào việc truyền giảng Phúc Âm, hoạt động giáo
dục, tham gia vào việc huấn luyện các linh mục tương lai và những người tận
hiến, linh hoạt các cộng đoàn Ki-tô hữu, đồng hành thiêng liêng, thăng tiến
những điều thiện cơ bản của đời sống và hoà bình. Ngỏ lời với các phụ nữ tận
hiến với khả năng tận tâm phi thường của họ, tôi nói lên một lần nữa sự thán
phục và lòng biết ơn của toàn thể Giáo Hội ; Giáo Hội nâng đỡ họ bởi vì họ đang
sống viên mãn và vui tươi ơn gọi của họ và họ đang cảm thấy được kêu mời chu
toàn một nhiệm vụ cao cả, đó là huấn luyện người phụ nữ hôm nay.
II. TIẾP TỤC CÔNG TRÌNH CỦA
THÁNH THẦN : TRUNG THÀNH TRONG ĐỔI MỚI
Các nữ đan sĩ
sống trong dòng kín
59. Đời sống
đan tu nữ giới và nội vi của các đan sĩ đáng được quan tâm đặc biệt, vì cộng
đoàn Ki-tô giáo vẫn rất trân trọng lối sống ấy, là dấu chỉ về sự hiệp nhất
tuyệt đối của Giáo Hội - Hiền Thê với Chúa của mình, Đấng được yêu mến trên hết
mọi sự. Quả thật, các nữ đan sĩ dòng kín chủ yếu sống đời cầu nguyện, khổ chế
và ra sức tiến lên trong đời sống thiêng liêng, "là một con đường đưa về
Giê-ru-sa-lem thiên quốc và một sự tiền dự vào Giáo Hội cánh chung, khi được sở
hữu và chiêm ngưỡng Thiên Chúa" (133). Dưới ánh sáng của ơn gọi và sứ mạng
ấy trong Giáo Hội, nội vi đáp lại đòi hỏi được nhìn nhận là ưu tiên, đó là được
ở với Chúa. Khi chọn một không gian giới hạn làm nơi sống, các nữ tu dòng kín
tham dự vào sự tự huỷ của Đức Ki-tô, trong một sự nghèo khó triệt để, không
những từ bỏ các sự vật vật chất, mà cả "không gian", cả những cuộc
tiếp xúc và những điều thiện hảo của công trình sáng tạo nữa. Việc hiến dâng
"thân xác" mình một cách chuyên biệt như thế đưa các chị đi vào mầu
nhiệm Thánh Thể cách khả giác hơn. Các nữ tu dòng kín cùng dâng mình với Đức
Giê-su để cứu độ thế giới. Ngoài chiều kích hy lễ và đền tạ, lễ dâng của các
chị cũng mang ý nghĩa một lễ tạ ơn dâng lên Chúa Cha, trong sự tham dự vào lễ
tạ ơn của Chúa Con yêu dấu.
Bám rễ trong
một khát vọng thiêng liêng sâu xa như thế, nội vi không chỉ là một phương thế
khổ chế có giá trị vô song, nhưng cũng là một cách sống cuộc vượt qua của Đức
Ki-tô (134). Từ kinh nghiệm là "cái chết", nội vi trở thành sự sống
vô cùng dồi dào, và xuất hiện như một lời loan báo vui tươi và một cuộc tiền
dự, mang tính ngôn sứ, vào khả năng được ban cho mọi người và cho toàn thể nhân
loại, đó là sống chỉ riêng cho một mình Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki-tô (x.
Rm 6,11). Vậy nội vi gợi lên phòng kín của con tim trong đó mỗi người được kêu
gọi sống kết hợp với Chúa. Được đón nhận như một ân huệ và được lựa chọn như
một đáp trả tự do trong tình yêu, nội vi là nơi sống hiệp thông thiêng liêng
với Thiên Chúa và với anh chị em, nơi mà không gian và các tiếp xúc bị giới hạn
nhằm cổ võ việc nội tâm hoá các giá trị Tin mừng (x. Ga 13,34 ; Mt 5,3.8).
Các cộng đoàn
dòng kín, được đặt như một thành phố trên núi và như một ngọn đèn trên giá đèn
(x. Mt 5,14-15), dù trong nếp sống đơn giản, vẫn gợi lên cách hữu hình mục tiêu
toàn thể cộng đoàn Giáo Hội đang hướng đến, một Giáo Hội "vừa nhiệt thành
hoạt động vừa chuyên cần chiêm niệm" (135), đang tiến trên những nẻo đường
của đời này, mắt đăm đăm hướng về cuộc chung kết tương lai của tất cả mọi sự trong
Đức Ki-tô, khi Giáo Hội "xuất hiện với Đức Lang Quân của mình để hưởng
phúc vinh quang" (x. Cl 3,1-4), và khi Đức Ki-tô "trao vương quyền
lại cho Thiên Chúa là Cha, sau khi đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền
thần và mọi dũng thần [...], và như vậy Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn
loài" (1 Cr 15,24.28).
Vậy tôi xin tỏ
lòng biết ơn đối với các chị em rất thân yêu này và tôi khuyến khích chị em
trung thành với đời sống dòng kín theo đoàn sủng riêng biệt của chị em. Nhờ
gương sáng của chị em, lối sống này vẫn còn nhận được nhiều ơn gọi, vì được lôi
cuốn bởi tính triệt để của một cuộc sống "hôn ước" hoàn toàn dành cho
Thiên Chúa trong chiêm niệm. Đời sống chiêm niệm là một cách diễn tả tình yêu
thuần tuý có giá trị hơn mọi hoạt động, phát sinh hiệu năng tông đồ và truyền
giáo phi thường (137).
Các nghị phụ
Thượng hội đồng rất trân trọng giá trị của nội vi, đồng thời các ngài quan tâm
cứu xét những thỉnh cầu chỗ này chỗ kia nêu lên về kỷ luật cụ thể của nội vi.
Các góp ý của Thượng hội đồng về vấn đề này và, đặc biệt, nguyện ước trao trách
nhiệm bao quát hơn cho các bề trên thượng cấp về những liên hệ đến việc huỷ bỏ
nội vi vì những lý do nghiêm trọng và chính đáng (138), sẽ được cứu xét kỹ
càng, trong chiều hướng cuộc canh tân được thực hiện kể từ Công Đồng Va-ti-ca-nô
II (139). Theo chiều hướng này, nội vi được phân thành hình thức khác nhau và
mức độ khác nhau - từ nội vi giáo hoàng, và theo hiến chương cho tới nội vi đan
viện - sẽ phù hợp hơn với các tu hội chiêm niệm và các truyền thống đan viện
rất khác nhau.
Như Thượng hội
đồng nhắc lại, cần cổ võ các hiệp hội và liên hiệp giữa các đan viện, điều mà
Đức Pi-ô XII và Công Đồng Va-ti-ca-nô II khuyến khích (140), nhất là tại những
nơi không có những hình thức hữu hiệu để điều phối và tương trợ, hầu bảo toàn
và thăng tiến những giá trị của đời sống chiêm niệm. Tuy vẫn bảo vệ tính tự trị
hợp pháp của các đan viện, các cơ chế đó giúp giải quyết thoả đáng các vấn đề
chung, chẳng hạn như công việc canh tân thích hợp, huấn luyện sơ khởi và huấn
luyện thường xuyên, việc tương trợ về mặt kinh tế, và cả việc tổ chức lại các
đan viện nữa.
Các tu huynh
60. Thể theo
đạo lý truyền thống của Giáo Hội, đời thánh hiến do bản tính không mang tính
giáo dân hoặc giáo sĩ (141) và, do đó, "sự thánh hiến giáo dân" nam
giới hoặc nữ giới, tự nó là một bậc sống đầy đủ với việc tuyên giữ các lời
khuyên Phúc Âm (142). Vì vậy, đời sống thánh hiến có một giá trị chuyên biệt
cho cá nhân cũng như cho Giáo Hội, không gắn liền với tác vụ chức thánh.
Theo giáo huấn
Công Đồng Va-ti-ca-nô II (143), Thượng hội đồng rất trân trọng lối sống đời
thánh hiến của các tu huynh. Các anh em đang chu toàn những việc phục vụ quý
báu và đa dạng ở trong hay ngoài các cộng đoàn ; như thế là tham gia vào sứ
mạng loan báo Tin Mừng và làm chứng về sứ mạng ấy bằng đức mến trong đời sống
hằng ngày. Quả thế, một số những việc phục vụ ấy đã được coi như những thừa tác
vụ Giáo Hội thực thụ, mà quyền bính hợp pháp ký thác cho họ. Điều này đòi hỏi
được huấn luyện thích hợp và toàn diện : huấn luyện nhân bản, thiêng liêng,
thần học, mục vụ và nghề nghiệp.
Theo từ ngữ
hiện hành, các tu hội, do ý hướng của đấng sáng lập và một truyền thống hợp
pháp, có đặc tính và mục tiêu không hàm chứa việc thi hành chức thánh, được gọi
là các "dòng giáo dân" (144). Tuy nhiên, tại Thượng hội đồng, người
ta cho thấy là các từ ngữ này không diễn tả thích hợp đặc tính riêng của ơn gọi
các thành viên thuộc các tu hội ấy. Quả thế, cho dù vẫn thực hiện nhiều hoạt
động giống như các tín hữu giáo dân, các tu sĩ làm theo căn tính của họ là
những người tận hiến và như thế họ diễn tả một tinh thần hiến dâng trọn vẹn cho
Đức Ki-tô và cho Giáo Hội, thể theo đoàn sủng chuyên biệt của họ.
Vì lý do đó, để
tránh hàm hồ và lẫn lộn với đặc tính trần thế của các tín hữu giáo dân (145),
các nghị phụ tại Thượng hội đồng muốn đề nghị từ ngữ các dòng anh em (dòng các
tu huynh) (146). Đề nghị này thật ý nghĩa, nhất là khi người ta nhận rằng từ
ngữ "anh em" cũng gợi lên một nội dung thiêng liêng phong phú.
"Các tu sĩ này được kêu gọi trở thành những anh em của Đức Ki-tô, kết hợp
sâu xa với Người, "trưởng tử giữa một đoàn anh em đông đúc" (Rm 8,29)
; trở thành anh em với nhau, trong tình yêu mến nhau và trong sự cộng tác vào
cùng một công việc phục vụ để mưu ích cho Giáo Hội ; trở thành anh em của từng
người bằng việc làm chứng về đức mến của Đức Ki-tô đối với tất cả mọi người,
đặc biệt đối với những người nhỏ bé và những người nghèo túng nhất ; trở thành
anh em để đạt tới một tình huynh đệ lớn lao hơn trong Giáo Hội" (147). Khi
sống cách đặc biệt đặc điểm chung của đời Ki-tô hữu và đời thánh hiến, "tu
huynh" nhắc nhở cho các tu sĩ linh mục cách hữu hiệu về chiều kích căn bản
của tình huynh đệ trong Đức Ki-tô, vì họ phải sống với nhau và với bất cứ người
nào, và họ công bố cho mọi người lời của Chúa : "Tất cả các con đều là anh
em với nhau" (Mt 23,8).
Trong các dòng
tu huynh, khi tu nghị toàn dòng đã biểu quyết, thì không có gì cấm cản một số
thành viên nhận các chức thánh để phục vụ cộng đoàn tu sĩ trong tư cách linh
mục (148). Tuy nhiên, Công Đồng Va-ti-ca-nô II không minh nhiên khuyến khích
theo chiều hướng này, nhất là bởi vì Công Đồng ước muốn các dòng anh em cứ
trung thành với ơn gọi và với sứ mạng của họ. Điều này rõ ràng khi nói tới tư
cách để đảm nhận nhiệm vụ bề trên, lý do vì nhiệm vụ này phản ánh cách đặc biệt
bản tính của chính tu hội.
Ơn gọi của các
tu huynh trong các dòng gọi là "giáo sĩ" thì khác ; bởi vì, theo dự
phóng của đấng sáng lập hoặc theo một truyền thống hợp pháp, các tu hội này
tiên liệu việc thi hành các chức thánh, trao quyền cai quản cho các giáo sĩ và
quyền bính của Giáo Hội công nhận như thế (149). Trong các tu hội này, tác vụ
chức thánh cấu thành yếu tố của đoàn sủng, xác định bản tính, mục tiêu và tinh
thần của đoàn sủng. Các tu huynh hiện diện trong tu hội tham gia một cách khác
vào sứ mạng của tu hội, bằng việc đảm nhận những việc phục vụ bên trong cộng
đoàn hoặc những công tác tông đồ, họ cộng tác những người thi hành tác vụ linh
mục.
Các tu hội hỗn
hợp
61. Có vài tu
hội, theo dự định nguyên thuỷ của đấng sáng lập, là những huynh đệ đoàn, trong
đó mọi thành viên, linh mục và không linh mục, được coi như bình đẳng ; nhưng
qua dòng thời gian, họ đã mang một hình thái khác. Các tu hội ấy mang danh là
"hỗn hợp", cần phải đào sâu đoàn sủng sáng lập, để cứu xét có nên và
có thể trở lại với cảm hứng nguyên thuỷ chăng.
Các nghị phụ
tại Thượng hội đồng bày tỏ nguyện ước là trong các tu hội ấy, tất cả các tu sĩ
được nhìn nhận là có những quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, ngoại trừ những
quyền lợi và nghĩa vụ xuất phát từ chức thánh (150). Để cứu xét và giải quyết
các vấn đề liên hệ đến điều này, một uỷ ban đặc biệt đã được thiết lập, chúng
ta nên chờ kết luận của uỷ ban này để chọn lựa cho thích hợp, thể theo những gì
sẽ được xác định cách hợp pháp.
Những hình thái
mới của đời sống Phúc Âm
62. Nếu ở những
thời đại trước đây, Thánh Thần đã luôn luôn khơi dậy nhiều hình thức đời thánh
hiến, thì ngày nay Người cũng vẫn không ngừng trợ giúp Giáo Hội, hoặc là khích
lệ các tu hội hiện hành quyết tâm tự canh tân đời sống để trung thành với đoàn
sủng nguyên thuỷ, hoặc là ban dồi dào những ân sủng mới cho những người nam nữ
thuộc thời đại này để họ làm nảy sinh những định chế đáp ứng được những thách
đố của ngày hôm nay. Một dấu chỉ của việc Thiên Chúa can thiệp có thể nhận thấy
nơi cái được gọi là những cơ sở mới, với điểm độc đáo khác so với những gì đã
có từ trước tới nay.
Tính độc đáo
của những cộng đoàn mới mẻ thường hệ tại chỗ họ gồm người nam và nữ, giáo sĩ và
giáo dân, người đã lập gia đình và những người độc thân, chọn một nếp sống đặc
biệt, có khi thì dựa theo một nếp sống cổ truyền nào đó, có khi thì thích ứng
nếp sống cho phù hợp với những đòi hỏi của xã hội hiện đại. Họ cam kết sống Tin
Mừng dưới những hình thức khác nhau, nhưng ý hướng chung là khao khát mãnh liệt
sống cộng đoàn, khó nghèo và cầu nguyện. Giáo sĩ và giáo dân tham gia vào việc
quản lý các cộng đoàn này, tuỳ theo khả năng chuyên môn của họ. Các công việc
tông đồ của các cộng đoàn này chú trọng đến những đòi hỏi của việc tái truyền
giảng Tin Mừng.
Dưới một mặt
nào đó thì đáng vui mừng vì thấy Thánh Thần hoạt động, còn dưới mặt khác thì
thấy cần phải sử dụng việc biện phân các đoàn sủng. Để có thể gọi là đời thánh
hiến, điều căn bản là những nét chuyên biệt của các cộng đoàn mới và các nếp
sống mới ra đời cần phải căn cứ trên những yếu tố thần học và giáo luật chính
yếu thuộc đời thánh hiến (151). Cần phải biện phân ở cấp độ địa phương lẫn cấp
độ toàn cầu, nhằm đi tới chỗ cùng vâng phục một Thánh Thần duy nhất. Trong mỗi
giáo phận, giám mục sẽ cứu xét tính chính thống và chứng tá đời sống của các vị
sáng lập các cộng đoàn ấy, linh đạo của họ và cách họ cảm thức về Giáo Hội khi
họ thực hiện sứ mạng, các phương pháp huấn luyện và cách gia nhập cộng đoàn ;
người phải khôn ngoan lượng định những nhược điểm nếu có, trong khi kiên nhẫn
chờ đợi hoa trái (x. Mt 7,16), để có thể xác nhận tính trung thực của đoàn sủng
(152). Cách riêng, căn cứ trên những tiêu chuẩn rõ ràng, người phải xác định
được khả năng của những thành phần trong các cộng đoàn này muốn lãnh chức thánh
(153).
Đời thánh hiến
là một thể loại chuyên biệt, vậy thể theo nguyên tắc biện phân vừa nói, người
ta không thể xếp vào loại đời thánh hiến những hình thức dấn thân rất đáng ca
ngợi của những cặp vợ chồng tìm gia nhập một hiệp hội hay một phong trào. Vì
muốn đưa tình yêu đã được "thánh hiến" một cách nào đó trong bí tích
hôn nhân đến mức toàn hảo của đức ái (154), nên họ xác nhận ý muốn đó bằng một
lời khấn sống đức khiết tịnh trong đời hôn nhân, rồi tuy không sao nhãng bổn
phận đối với con cái, họ tuyên khấn khó nghèo và vâng phục (155). Việc xác định
bản chất những thử nghiệm này không nhằm đánh giá thấp con đường nên thánh đặc
biệt trong đó chắc hẳn có sự can thiệp của Thánh Thần, Đấng ban muôn vàn ân huệ
và cảm hứng.
Trước hiện
trạng các ân huệ và đà tiến canh tân đang nở rộ, thiết tưởng nên lập ra một uỷ
ban đặc trách các vấn đề liên quan đến những hình thái mới sống đời thánh hiến,
hầu nêu lên những tiêu chuẩn xác nhận tính trung thực, giúp cho việc biện phân
và quyết định (156). Một trong số những công tác phải làm là, sau khi rút kinh
nghiệm của những thập niên vừa qua, uỷ ban phải nhận định những hình thức thánh
hiến nào có thể được giáo quyền chính thức công nhận, với sự cẩn trọng mục vụ
và nhằm ích lợi chung, để giới thiệu cho các tín hữu đang khao khát sống một
đời Ki-tô hữu hoàn hảo hơn.
Các hiệp hội
mới xuất hiện để sống theo Tin Mừng không thay thế những tu hội đã có từ trước
đến nay ; các định chế này vẫn giữ một vị trí cao mà truyền thống đã dành cho
chúng. Dù vậy, các hình thái mới cũng là ân huệ của Thánh Thần, giúp cho Giáo
Hội đi theo Chúa với tâm tình quảng đại, chăm chú lắng nghe lời mời gọi của
Thiên Chúa được diễn tả qua những dấu chỉ của thời đại. Như thế, Giáo Hội tỏ
mình ra cho thế giới, với vô vàn những lối sống thánh thiện và phục vụ khác
nhau, như là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của
sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" (157). Các tu hội cổ điển, trong số đó nhiều
tu hội đã trải qua những thử thách rất đau đớn mà vẫn can đảm chịu đựng qua các
thời đại, có thể được trau dồi kinh nghiệm nhờ đối thoại và trao đổi ân huệ với
các tu hội mới chào đời trong thời đại chúng ta.
Như thế, sinh
lực của những hình thức khác nhau thuộc đời thánh hiến, từ những hình thái cổ
nhất cho đến những hình thái mới nhất, cũng như sức năng động của những cộng
đoàn mới, sẽ duy trì được lòng trung thành với Chúa Thánh Thần, là nguyên lý
hiệp thông và ban sự sống đổi mới thường xuyên.
Những khó khăn
và viễn tượng
63. Trong nhiều
vùng trên thế giới, đời thánh hiến phải đương đầu với những đổi thay hiện nay
của xã hội và sự giảm sút số ơn gọi. Các công cuộc tông đồ của nhiều tu hội và
ngay cả sự hiện diện của họ tại một vài Giáo Hội địa phương cũng bị đe doạ. Như
đã từng xảy ra trong lịch sử, thậm chí một số tu hội còn có cơ nguy bị xoá sổ.
Giáo Hội phổ quát rất biết ơn các tu hội đó đã góp phần lớn lao vào việc xây
dựng Giáo Hội, bằng chứng tá và việc phục vụ của họ (158). Những gian truân
hiện nay của họ không xoá bỏ các công lao và kết quả đạt được nhờ cố gắng của
họ.
Đối với một số
tu hội khác thì vấn đề lại là tổ chức lại các công việc. Việc này khó khăn và
thường gây đau khổ, đòi hỏi phải tìm kiếm và biết biện phân, dựa vào một số
tiêu chuẩn. Chẳng hạn, nên bảo toàn ý nghĩa của đoàn sủng riêng, thăng tiến đời
sống huynh đệ, quan tâm tới những nhu cầu của Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa
phương, chú trọng tới những gì mà thế gian xao lãng, đáp lại một cách quảng đại
và táo bạo, ngay cả bằng những hành động dĩ nhiên là có giới hạn, những hình
thức mới của nghèo khó, nhất là ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất (159).
Các khó khăn đủ
loại, phát xuất do việc giảm bớt nhân sự và công tác không bao giờ được làm mất
niềm tin vào sức mạnh Tin Mừng của đời thánh hiến, một đời sống luôn luôn có ý
nghĩa và không ngừng tác động trong Giáo Hội. Nếu không một tu hội nào dám nghĩ
mình sẽ sống mãi, đời thánh hiến không vì thế mà không tiếp tục nuôi dưỡng nơi
các tín hữu lời đáp trả của tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em. Vì
vậy, cần phân biệt giữa định mệnh lịch sử của một tu hội nhất định, hay của một
hình thức đời thánh hiến, với sứ mạng Giáo Hội của đời thánh hiến xét như đời
thánh hiến. Hình thức có thể đổi theo hoàn cảnh nhưng sứ mạng vẫn tồn tại.
Điều này đúng
cho hình thức chiêm niệm cũng như cho hình thức dấn thân vào các công cuộc tông
đồ. Cách chung, dưới tác động luôn luôn mới mẻ của Thần Khí, đời thánh hiến
luôn luôn làm chứng xán lạn về sự kết hiệp bất khả phân ly giữa tình yêu Thiên
Chúa và tình yêu anh em. Đời thánh hiến tỏ ra là ký ức sống động của sự phong
nhiêu của tình yêu Thiên Chúa, kể cả trên bình diện nhân bản và xã hội. Nhưng
hoàn cảnh khan hiếm cần được giải quyết với thái độ bình thản của những người
biết rằng Thiên Chúa đòi nơi mỗi người sự trung tín dấn thân hơn là sự thành
công. Tuyệt đối phải tránh sự thất bại thực sự của đời thánh hiến, tức là thất
bại không phải do số ơn gọi giảm sút mà do việc kém gắn bó với Thiên Chúa, với
ơn gọi riêng và với sứ mạng. Ngược lại, khi trung tín bền đỗ trong sự gắn bó
nói trên, người ta công bố rõ ràng, trước mặt thế giới, niềm trông cậy vững
vàng nơi Đấng là Chủ lịch sử. Người nắm trong tay thời gian và định mệnh con
người, các cơ chế và các dân tộc và do đó, Người sắp đặt việc ban ơn vào những
thời điểm khác nhau. Các tình trạng khủng hoảng đau khổ thúc đẩy người tận hiến
tuyên xưng một cách mạnh mẽ niềm tin vào sự chết và sống lại của Đức Ki-tô, để
trở nên những dấu chỉ hữu hình của cuộc vượt qua từ sự chết đến sự sống.
Những nỗ lực
mới cho mục vụ ơn gọi
64. Sứ mạng của
đời thánh hiến và sức sống của các tu hội hẳn là tuỳ thuộc vào sự hăng say
trung tín của những người tận hiến đáp lại ơn gọi của họ, nhưng tương lai của
họ tuỳ thuộc vào sự kiện là cần có những người nam nữ khác sẵn sàng đón nhận
tiếng Chúa gọi. Vấn đề ơn gọi là một thách thức trực tiếp cho các tu hội, nhưng
cũng liên quan tới toàn thể Giáo Hội. Nhiều sức lực tinh thần và vật chất quan
trọng đã được đem dùng vào mục vụ ơn gọi, nhưng kết quả không luôn luôn đáp ứng
những mong đợi và cố gắng. Mặc dầu có sự gia tăng trong những Giáo Hội trẻ và
trong những Giáo Hội đã bị các chế độ độc tài bách hại, các ơn gọi sống đời
thánh hiến đôi khi trở nên hiếm hoi tại các nước mà theo truyền thống vẫn có
nhiều ơn gọi, nhất là ơn gọi truyền giáo.
Hoàn cảnh khó
khăn trên làm các người tận hiến đôi khi tự hỏi : có lẽ chúng ta không còn khả
năng thu hút được các ơn gọi mới nữa chăng ? Phải tin vào Chúa Giê-su, Người
vẫn còn tiếp tục gọi người ta theo Người, và phải trông cậy nơi Chúa Thánh Thần
là nguồn mạch và là Đấng ban phát các đoàn sủng của đời thánh hiến. Vì thế,
đang khi vui sướng khi thấy tác động của Thần Khí làm trẻ lại Hiền Thê của Đức
Ki-tô bằng cách cho đời thánh hiến nảy nở trong nhiều nước, chúng ta phải dâng
lên lời tha thiết khẩn cầu Chủ gặt, xin Người sai thợ tới cánh đồng Giáo Hội,
hầu đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của việc tái truyền giảng Phúc Âm (x. Mt
9,37-38). Ngoài việc cổ võ cầu nguyện cho ơn gọi, còn phải cấp thời trình bày
rõ ràng và huấn giáo thích hợp để khuyến khích những ai được gọi vào đời thánh
hiến, biết đáp lại một cách tự do, mau mắn và quảng đại, nhờ vậy ơn gọi đạt
được kết quả.
Lời mời của Đức
Giê-su "Hãy đến mà xem" (Ga 1,39) vẫn còn là quy luật vàng cho mục vụ
ơn gọi. Theo gương các đấng sáng lập, mục vụ ơn gọi nhằm cho thấy sức thu hút
của bản thân Chúa Giê-su và vẻ đẹp của việc tận hiến vì Tin Mừng. Như vậy,
nhiệm vụ đầu tiên của tất cả mọi người tận hiến là can đảm công bố bằng lời nói
và gương sáng lý tưởng theo Chúa Ki-tô, sequela Christi, và tiếp đó nâng đỡ lời
đáp trả những thôi thúc của Thần Khí trong lòng các người được gọi.
Sau những giây
phút phấn khởi của lần gặp gỡ đầu tiên với Đức Ki-tô, dĩ nhiên cần phải cố gắng
kiên trì đáp trả mỗi ngày hầu biến ơn gọi thành một mối tình bằng hữu với Chúa.
Để đạt mục đích đó, mục vụ ơn gọi phải dùng các phương tiện thích hợp, như linh
hướng, để nuôi dưỡng lời đáp trả yêu thương của mỗi người với Chúa, điều kiện
chính yếu để trở thành môn đệ và tông đồ của Nước Chúa. Nếu việc gia tăng số ơn
gọi trong nhiều vùng trên thế giới cho phép lạc quan, thì việc giảm sút tại một
số vùng khác không được đưa tới chỗ ngã lòng, hay bị cám dỗ chiêu mộ cách dễ
dàng và thiếu thận trọng. Nhiệm vụ cổ võ ơn gọi cần được thực hiện sao cho
người ta thấy rõ hơn, đây là công việc chung của cả Giáo Hội (160). Cho nên
nhiệm vụ này đòi hỏi sự cộng tác tích cực của các chủ chăn, các tu sĩ, các gia
đình, các nhà giáo dục, bởi vì nó tương ứng với một việc phục vụ nằm trong toàn
bộ chương trình mục vụ của mỗi Giáo Hội địa phương. Trong mỗi giáo phận, nên có
một tổ chức chung để phối hợp và tăng cường năng lực, không những không gây
thiệt hại mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động cổ động ơn gọi
của từng tu hội (161).
Sự cộng tác
tích cực của toàn thể Dân Thiên Chúa, được Chúa Quan Phòng nâng đỡ, thế nào
cũng thu hút dồi dào ơn huệ của Thiên Chúa. Tình liên đới Ki-tô hữu giúp giải
quyết các nhu cầu đào tạo ơn gọi trong các nước nghèo về kinh tế. Việc cổ võ ơn
gọi tại các nước này phải được các tu hội thực hiện trong sự hoà hợp với các
Giáo Hội địa phương, khởi đầu bằng sự hội nhập tích cực và bền bỉ vào sinh hoạt
mục vụ của các Giáo Hội địa phương (162). Cách trung thực nhất để góp phần vào
công việc của Chúa Thánh Thần là đầu tư rộng rãi các tài lực xuất sắc nhất vào
công tác cổ động ơn gọi, và đặc biệt là tận tình quan tâm tới mục vụ giới trẻ.
Đào tạo sơ khởi
65. Thượng hội
đồng đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo những người muốn hiến mình cho Chúa
(163) vì Thượng hội đồng nhận thấy việc này có tầm quan trọng quyết định. Mục
tiêu chính của tiến trình đào tạo là chuẩn bị một người dâng trót mình cho
Thiên Chúa trong việc theo Chúa Ki-tô, để phục vụ sứ mạng của Giáo Hội. Trả lời
"xin vâng" đáp lại tiếng Chúa gọi bằng cách chính mình dấn thân làm
cho ơn gọi của mình ngày một trưởng thành thêm, việc này thuộc trách nhiệm
không thể thoái thác được của những người được gọi, họ phải mở lòng cho Chúa
Thánh Thần tác động ; điều này giả thiết quảng đại theo lộ trình đào tạo, đón
nhận, trong đức tin, các trung gian mà Chúa và Giáo Hội đề nghị (164).
Do đó, việc đào
tạo phải thấm nhập sâu xa chính con người, sao cho toàn bộ cách ăn ở, trong
những lúc quan trọng và trong những lúc bình thường của cuộc sống, cho thấy
người đó vui sướng thuộc về Chúa cách trọn vẹn (165). Do cứu cánh của đời thánh
hiến là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su trong lễ dâng trọn vẹn của
Người (166), việc đào tạo phải hướng về đó. Đây là một lộ trình giúp từ từ có
được những tâm tình của Đức Ki-tô đối với Chúa Cha.
Nếu mục đích
của đời thánh hiến là vậy, thì quy trình đưa tới đó cần phải có và cho thấy
tính toàn diện : việc đào tạo phải bao trùm toàn diện con người (167) trong mọi
khía cạnh nhân cách người đó, trong cách ăn ở cũng như trong các ý hướng. Vì nó
nhằm biến cải toàn bộ con người, nên nhiệm vụ đào tạo không bao giờ chấm dứt.
Thật vậy, nên luôn luôn tạo cho những người tận hiến những cơ hội củng cố sự
gắn bó của họ với đoàn sủng và sứ mạng của tu hội họ.
Việc đào tạo
toàn diện phải bao gồm mọi lãnh vực của đời sống Ki-tô hữu và đời sống thánh
hiến. Do đó phải tiên liệu việc chuẩn bị nhân bản, văn hoá, thiêng liêng, mục
vụ, sao cho các yếu tố đó được hội nhập hài hoà với nhau. Phải dành cho việc
đào tạo sơ khởi một thời gian khá dài, vì đây là một tiến trình tiệm tiến, trải
qua tất cả các giai đoạn trưởng thành của con người, - từ trưởng thành tâm lý
và thiêng liêng đến trưởng thành thần học và mục vụ -. Đối với các ứng sinh
tiến lên chức linh mục, thời gian này sẽ trùng hợp và hoà hợp với một chương
trình học chuyên môn, đặt vào trong một quy trình đào tạo rộng hơn.
Nhiệm vụ của
các người phụ trách đào tạo
66. Qua việc
không ngừng ban phát Đức Ki-tô và Thánh Thần, Chúa Cha là Đấng đào tạo siêu
việt những người tận hiến cho Người. Nhưng trong một tiến trình như thế, Người
dùng trung gian con người và đặt bên cạnh những người được Người gọi, một vài
anh, chị từng trải. Như vậy, đào tạo là tham gia vào công việc của Chúa Cha ;
qua Thánh Thần, Chúa Cha phát huy trong lòng người trẻ, thanh niên, thiếu nữ,
những tâm tình Người Con. Các người phụ trách đào tạo phải là những người có
bước đi vững chắc trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, để có thể đồng hành với
những người khác trong cuộc hành trình. Quan tâm tới tác động của ơn sủng, họ
chỉ cho thấy các trở ngại kín đáo nhất, nhưng nhất là họ cho thấy vẻ đẹp của
việc theo Chúa Ki-tô và giá trị của đoàn sủng thể hiện việc theo Chúa. Các kiến
thức do sự khôn ngoan thiêng liêng được liên kết với những kiến thức do các
phương tiện loài người cung cấp, sẽ giúp biện phân ơn gọi và đào tạo con người
mới thành một con người thực sự tự do. Việc gặp gỡ riêng là một phương tiện đào
tạo căn bản cần được sử dụng một cách đều đặn theo một nhịp độ nào đó, vì đây
là một việc làm được coi là hữu hiệu và không thể thay thế được.
Trước những
nhiệm vụ tế nhị như vậy, cần phải chuẩn bị những người phụ trách đào tạo có khả
năng, biết lo thi hành nhiệm vụ một cách hài hoà, cùng một nhịp bước với toàn
thể Giáo Hội. Nên có những cơ chế thích hợp để đào tạo các vị đào tạo, nếu
được, tại những nơi có thể tiếp xúc với môi trường văn hoá trong đó các nhà đào
tạo sẽ phải thi hành công tác mục vụ. Trong nhiệm vụ đào tạo, các tu hội đã có
nền tảng vững vàng phải giúp các tu hội mới lập, bằng cách cho mượn một vài
thành phần ưu tú của mình (168).
Một việc đào
tạo có tính cộng đoàn và tông đồ
67. Nếu việc
đào tạo cũng phải có tính cộng đoàn, thì cộng đoàn là nơi đào tạo chính đối với
các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ. Cộng đoàn tập cho biết cố gắng và
hưởng niềm vui của đời sống chung. Trong đời sống huynh đệ, mỗi người học sống
với những người mà Thiên Chúa đặt bên cạnh mình, chấp nhận những tính tình cùng
với những khác biệt và giới hạn của họ. Cách riêng, mỗi người tập chia sẻ các
ân huệ đã lĩnh nhận, hầu xây dựng mọi người, vì "Thần Khí tỏ mình ra nơi
mỗi người một cách, là vì ích chung" (1 Cr 12,7) (169). Đồng thời, đời
sống cộng đoàn, ngay bước đầu đào tạo, phải cho thấy chiều kích truyền giáo tất
yếu của việc thánh hiến. Để được vậy, trong các hội dòng tận hiến, trong thời
kỳ đào tạo sơ khởi, nên có những thử nghiệm cụ thể, với sự đồng hành thận trọng
của người phụ trách, hầu phát huy tinh thần tông đồ, các khả năng thích nghi và
óc sáng tạo, tuỳ theo khung cảnh văn hoá địa phương.
Một điều quan
trọng là người tận hiến phải dần dần tạo cho mình một trí phán đoán dựa vào Tin
Mừng, để phê phán những giá trị tích cực và tiêu cực trong nền văn hoá của họ,
và trong những nền văn hoá họ sẽ tiếp xúc trong môi trường hoạt động tương lai.
Mặt khác, họ phải luyện tập nghệ thuật khó khăn là thống nhất đời sống của họ,
biết kết hợp chặt chẽ lòng yêu mến Thiên Chúa với lòng yêu mến anh chị em mình,
cần ý thức rằng cầu nguyện là linh hồn của công việc tông đồ, còn công việc
tông đồ lại thêm sức sống cho cầu nguyện và thúc đẩy cầu nguyện.
Cần có một
chương trình đào tạo đầy đủ và cập nhật hoá
68. Trong các
dòng nữ cũng như các dòng tu huynh, nên sắp đặt một thời kỳ dành cho việc đào
tạo, kéo dài cho tới khi khấn trọn. Điều này về cơ bản cũng áp dụng cho những
cộng đoàn dòng kín ; phải soạn một chương trình thích hợp để thực sự đào tạo
sống đời tu chiêm niệm và thi hành sứ mạng đặc thù của đời chiêm niệm trong
Giáo Hội.
Các nghị phụ ân
cần mời gọi tất cả các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ hãy sớm soạn
một chương trình đào tạo dựa theo đoàn sủng sáng lập, trình bày rõ ràng và năng
động con đường phải theo để được thấm nhuần linh đạo tu hội. Chương trình đào
tạo đáp ứng một nhu cầu khẩn cấp ngày nay : một đàng nó cho thấy cách truyền
đạt tinh thần tu hội để các thế hệ mới sống tinh thần ấy một cách trung thực,
trong sự khác biệt về văn hoá và hoàn cảnh địa lý ; đàng khác, giới thiệu cho
các người tận hiến những phương tiện sống tinh thần này trong những giai đoạn
khác nhau của cuộc sống, tiến dần tới một niềm tin thật trưởng thành vào Đức
Ki-tô.
Như vậy, nếu
quả là cuộc đổi mới đời thánh hiến tuỳ thuộc vào việc đào tạo thì cũng đúng là
việc đào tạo lại tuỳ thuộc vào khả năng đưa ra được một phương pháp đầy khôn
ngoan thiêng liêng và sư phạm, dẫn đưa dần dần những ai khao khát tận hiến đến
chỗ thấm nhuần tâm tình Chúa Ki-tô. Đào tạo là những quy trình sống đưa người
ta tới chỗ hoán cải, trở về với Ngôi Lời Thiên Chúa từ trong thâm tâm, và đồng
thời học được nghệ thuật nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa giữa các thực tại trần
thế. Vào một thời mà văn hoá ngày một tách khỏi các giá trị tôn giáo, quy trình
đào tạo đó quan trọng gấp đôi : nhờ đó, người tận hiến có thể không những tiếp
tục "thấy" Thiên Chúa với cặp mắt đức tin trong một thế giới không
nhận ra sự hiện diện của Người, mà còn làm cho người khác, một cách nào đó,
"cảm nhận" được sự hiện diện của Thiên Chúa, nhờ một chứng tá tuỳ
theo đoàn sủng của mỗi dòng.
Thường huấn
69. Đối với các
tu hội tông đồ cũng như những tu hội chiêm niệm, thường huấn là một đòi hỏi của
việc thánh hiến tu trì. Tiến trình đào tạo, như đã nói, không bị giới hạn vào
giai đoạn sơ khởi : Do các giới hạn của con người, người tận hiến không bao giờ
có thể coi là đã hoàn tất nơi mình việc thai nghén "con người mới",
con người mà trong mọi hoàn cảnh sống đều phải mang chính những tâm tình của
Đức Ki-tô. Do đó, việc đào tạo sơ khởi phải được củng cố bằng việc thường huấn,
đặt người tận hiến trong thế sẵn sàng để được đào tạo mỗi ngày trong đời mình
(170).
Vì thế điều rất
quan trọng là mỗi tu hội phải tiên liệu trong khuôn khổ của chương trình đào
tạo, việc ấn định - càng chính xác và càng có hệ thống càng tốt - dự phóng
thường huấn mà mục đích chính là hướng dẫn tất cả mọi người tận hiến bằng một
chương trình liên tục, kéo dài suốt cuộc đời. Không ai có thể miễn cho mình
khỏi phải quan tâm tới việc tăng trưởng về mặt nhân bản và về mặt tu trì ; cũng
vậy, không ai có thể tự mãn và muốn sống cô lập được. Không giai đoạn nào trong
cuộc đời người ta có thể tự coi như đủ tự tin, đủ sốt sắng để không cần có
những cố gắng cụ thể nhằm bảo đảm sự trung tín bền đỗ, cũng như không có tuổi nào
mà người ta có thể coi là mình đã hoàn toàn trưởng thành.
Trong
sự trung tín năng động
70.
Có một sự trẻ trung của tinh thần mà thời gian không thể xoá được : đó là khi
đương sự tìm và thấy được trong mọi giai đoạn của cuộc sống, một nhiệm vụ mới
cần thực hiện, một phong cách riêng biệt khi sống phục vụ và yêu mến (171).
Trong
đời thánh hiến, những năm đầu của việc hội nhập trọn vẹn vào hoạt động tông đồ
là một thời kỳ đầy khó khăn, vì chuyển từ một đời sống được hướng dẫn sang một
đời sống mà mình phải lãnh trách nhiệm hoàn toàn về công việc. Người trẻ tận
hiến cần được nâng đỡ và đồng hành với một người anh hay một người chị giúp họ
sống trọn vẹn mối tình tươi trẻ và lòng hăng say nồng nhiệt đối với Đức Ki-tô.
Giai
đoạn tiếp theo có thể có nguy cơ sống theo thói quen và do đó, bị cám dỗ chán
nản trước những kết quả sơ sài. Lúc đó cần giúp những người tận hiến ở tuổi
trung niên, xét lại sự lựa chọn ban đầu của họ dưới ánh sáng của Tin Mừng và
của đoàn sủng, không lẫn lộn cái tuyệt đối của tận hiến với cái tuyệt đối của
kết quả. Điều này sẽ giúp tìm lại một đà tiến mới và những động lực mới cho
việc chọn lựa cá nhân. Đây là thời gian tìm kiếm cái cốt yếu.
Cùng
với việc tăng trưởng bản lĩnh, giai đoạn đứng tuổi có thể có nguy cơ rơi vào
một nếp sống cá nhân chủ nghĩa nào đó, kèm theo sự lo sợ không thích nghi được
với thời thế ; hoặc tật cứng cỏi, khép kín và buông thả. Việc thường huấn ở đây
có mục đích không những giúp sống đời thiêng liêng và tông đồ sốt sắng hơn, mà
còn khám phá ra tính đặc thù của giai đoạn này trong cuộc sống. Thật vậy, nhờ
một vài khía cạnh của nhân cách được thanh luyện, việc tận hiến cho Thiên Chúa
trở nên trong sáng hơn, quảng đại hơn ; và tuôn trào ra cho anh em chị em mình
một cung cách an bình hơn, kín đáo hơn, và dồi dào ơn Chúa hơn. Đó là hồng ân
và là kinh nghiệm của sự làm cha làm mẹ thiêng liêng.
Với
tuổi cao niên, một số vấn đề mới sẽ được đặt ra, và cần được chuẩn bị đối phó,
nhờ một chương trình hỗ trợ thiêng liêng khôn ngoan. Việc bớt dần sinh hoạt và,
trong một số trường hợp, bệnh tật và bị buộc ngưng hoạt động, là một kinh
nghiệm có thể có tính cách giáo dục sâu xa. Giai đoạn này thường là một giai
đoạn đau khổ, nhưng người tận hiến cao niên được tôi luyện bởi kinh nghiệm vượt
qua này (172) để nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Đấng làm
theo ý Chúa Cha đến mức trao cho Người hơi thở cuối cùng. Sự đồng hình với Đức
Ki-tô là một cách mới mẻ để sống việc tận hiến lúc này không còn gắn liền với
tính hữu hiệu của một trách nhiệm quản trị hay một công tác tông đồ nữa.
Khi
tới lúc kết hiệp với giờ cao điểm của cuộc thương khó Đức Ki-tô, người tận hiến
biết rằng từ nay Chúa Cha hoàn tất nơi mình con đường đào tạo nhiệm mầu đã bắt
đầu từ lâu. Cái chết lúc đó sẽ được chờ đón và chuẩn bị như hành vi tối hậu của
tình yêu và dâng hiến.
Nên
thêm rằng người ta có thể gặp những hoàn cảnh khó khăn trong mọi giai đoạn của
cuộc sống, do những yếu tố bên ngoài - như chuyển công tác, khó khăn trong công
việc hay thất bại trong công cuộc tông đồ, bị hiểu lầm hay bị đặt ra ngoài lề
...-, hoặc do những nguyên nhân có tính cách cá nhân hơn, - như bệnh hoạn thể
lý hay tinh thần, khô khan thiêng liêng, tang tóc, các vấn đề thuộc phạm vi
tương giao nhân bản, cơn cám dỗ mạnh mẽ, khủng hoảng đức tin hay khủng hoảng
căn tính, cảm thấy mình vô dụng ... - Khi người nào thấy khó giữ lòng trung tín
thì họ phải được nâng đỡ bằng một sự tin cậy lớn hơn, một tình yêu đặm nồng
hơn, ở bình diện cá nhân cũng như ở bình diện cộng đoàn. Lúc ấy, sự gần gũi âu
yếm của bề trên rất cần, sự giúp đỡ đầy kinh nghiệm của một người anh hay một
người chị sẽ là một trợ lực quý báu. Sự hiện diện ân cần và thái độ sẵn sàng
của họ có thể giúp tìm lại được ý nghĩa của giao ước mà Thiên Chúa đã có sáng
kiến và Người không muốn từ bỏ. Nhờ đó, người bị thử thách sẽ đi tới chỗ chấp
nhận được thanh luyện và lột xác, như con đường ưu việt để đi theo Đức Ki-tô bị
đóng đinh. Chính thử thách cũng sẽ hiện ra như một phương tiện đào tạo trong
tay Chúa Cha an bài sắp đặt, như một chuộc chiến không chỉ có tính cách tâm lý
của cái tôi đối diện với chính mình và với những yếu đuối của mình, mà còn có
tính cách đạo đức, vì hàng ngày mang dấu hiện diện của Thiên Chúa và quyền năng
của thập giá.
Chiều
kích của thường huấn
71.
Nếu trong mọi giai đoạn của cuộc sống, con người phải chủ động trong việc đào
tạo mình, thì cứu cánh của việc đào tạo phải nhắm tới toàn thể con người, được
mời gọi tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa "hết lòng, hết linh hồn và hết sức
lực" (Đnl 6,5) và yêu tha nhân như chính mình (x. Lv 19,18 ; Mt 22,37-39).
Tình yêu Thiên Chúa và anh em là một sức mạnh năng động, luôn luôn có thể làm
nguồn cảm hứng cho tiến trình tăng trưởng và trung tín.
Đời
sống trong Thần Khí hiển nhiên phải được đặt lên hàng đầu. Sống trong Thần Khí,
người tận hiến tìm lại được căn tính của mình và một sự thanh thản sâu xa, quan
tâm nhiều hơn tới những lời mời gọi thường nhật của Lời Thiên Chúa, và để cho
trực giác nguyên thuỷ của tu hội hướng dẫn. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần,
các buổi nguyện gẫm, thinh lặng và cô tịch phải được kiên trì bảo toàn, khẩn
khoản nài xin Đấng Tối Cao ơn khôn ngoan trong công việc mỗi ngày (x. Kn 9,10).
Chiều
kích nhân loại và huynh đệ bao hàm sự biết mình và biết giới hạn của mình, để
được khích lệ và nâng đỡ trên đường giải phóng hoàn toàn. Trong bối cảnh ngày
nay, phải đặc biệt quan tâm đến tự do nội tâm của người tận hiến, sự trưởng
thành tình cảm, khả năng thông đạt với mọi người, đặc biệt trong chính cộng
đoàn của mình, sự thanh thản của tinh thần, sự thông cảm với những người đau
khổ, lòng yêu mến sự thật và sự hoà hợp giữa lời nói và việc làm.
Chiều
kích tông đồ mở lòng mở trí người tận hiến và chuẩn bị cho họ liên tục cố gắng
trong hoạt động tông đồ, đó là dấu chỉ của tình yêu Đức Ki-tô thúc đẩy (x. 2 Cr
5,1-4). Trên thực tế, điều này có nghĩa là phải cập nhật hoá các phương pháp và
các mục tiêu hoạt động tông đồ, trong sự trung tín với tinh thần và ý định của
đấng sáng lập và với những truyền thống đã được thành hình sau này, nhưng cũng
biết để ý tới những thay đổi trong các điều kiện lịch sử và văn hoá phổ quát
hay địa phương tại môi trường làm việc.
Dựa
trên một huấn luyện thần học vững chắc giúp biện phân, chiều kích văn hoá và
nghề nghiệp cần được cập nhật hoá liên tục và quan tâm đặc biệt tới những lãnh
vực khác nhau, tuỳ theo mỗi đoàn sủng. Vì thế, cần phải giữ tinh thần cởi mở và
sẵn sàng học hỏi, để việc phục vụ được quan niệm và thực hiện theo những đòi
hỏi của thời nay, biết dùng những phương tiện mà tiến bộ văn hoá cung cấp.
Sau
hết, xét theo chiều kích đoàn sủng của mỗi tu hội, tất cả các yếu tố khác được
kết lại, làm thành một tổng hợp, tổng hợp này đòi không ngừng đào sâu việc
thánh hiến riêng, trong những chiều kích tông đồ, tu đức và thần bí. Điều này
có nghĩa là mọi phần <%7>tử phải chuyên cần học hỏi về tinh thần tu hội
mình, về lịch sử sứ mạng của tu hội, để cá nhân và cộng đoàn cùng thấm nhuần
(173).
Được
thánh hiến cho sứ mạng
72.
Theo hình ảnh Đức Giê-su, Con yêu dấu "mà Chúa Cha đã thánh hiến và sai
đến thế gian" (Ga 10,36), những người Thiên Chúa gọi theo Người, cũng được
thánh hiến và sai đến thế gian để bắt chước gương Người và tiếp tục sứ mạng của
Người. Điều này được áp dụng cho mọi môn đệ nói chung. Tuy nhiên, nó được áp
dụng cách riêng cho những ai được mời gọi theo Chúa Ki-tô "sát hơn"
trong hình thức đặc thù là đời thánh hiến và lấy Người làm "tất cả"
của đời mình. Như vậy, lời mời gọi, đối với họ, bao hàm cam kết dâng hiến toàn
thân cho sứ mạng ; hơn nữa, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, nguồn gốc mọi ơn
gọi và mọi đoàn sủng, chính đời thánh hiến trở thành một sứ mạng, như cả cuộc
đời Đức Giê-su đã là một sứ mạng. Nhìn từ góc độ đó, chúng ta càng thấy rõ tầm
quan trọng của việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, giúp cho con người hoàn
toàn tự do để phục vụ Tin Mừng. Vì vậy, phải khẳng định rằng sứ mạng là thiết
yếu cho mọi tu hội, không những cho những tu hội hoạt động tông đồ mà còn cho
cả những tu hội chiêm niệm nữa. Thật vậy, trước khi được thể hiện bằng những
công việc bề ngoài, sứ mạng cốt ở việc làm cho chính Đức Ki-tô hiện diện bằng
chứng tá bản thân. Đó là thách đố, đó là mục đích đầu tiên của đời thánh hiến !
Càng để cho mình đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, người tận hiến càng làm cho
Người hiện diện và hành động trong thế giới, để cứu độ nhân loại.
Do
đó, có thể nói rằng người tận hiến "được sai đi" do chính sự thánh
hiến của mình, người ấy làm chứng cho sứ mạng theo lý tưởng của tu hội mình.
Khi đoàn sủng sáng lập tiên liệu có những hoạt động mục vụ, hiển nhiên là chứng
tá đời sống và chứng tá hoạt động tông đồ hay thăng tiến con người đều cần
thiết : cả hai đều nhằm làm cho Đức Ki-tô hiện diện, Người là Đấng vừa được
thánh hiến cho vinh quang của Chúa Cha, vừa được sai đến với thế gian nhằm cứu
độ anh chị em mình (174).
Hơn
nữa, đời tu lại còn tham gia vào sứ mạng của Đức Ki-tô bằng một yếu tố khác,
riêng của mình, đó là đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, hướng về sứ mạng. Như
vậy, việc hiến dâng cho Chúa Giê-su càng đi vào nội tâm, cách sống cộng đoàn
càng đậm tình huynh đệ, sự dấn thân vào sứ mạng đặc thù của tu hội càng hăng
say, thì đời tu càng có giá trị tông đồ.
Phục
vụ Thiên Chúa và con người
73.
Đời thánh hiến nhận lãnh sứ mạng ngôn sứ là nhắc nhở và phục vụ ý định của
Thiên Chúa đối với loài người, như được Kinh Thánh loan báo và như việc chăm
chú đọc dấu chỉ của hoạt động Chúa Quan Phòng trong lịch sử cho thấy. Đó là kế
hoạch của một nhân loại được cứu thoát và giải hoà (x. Cl 2,20-22). Để chu toàn
nhiệm vụ đó, những người tận hiến phải có một kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa
và ý thức được các thách đố của thời đại mình, khám phá ra ý nghĩa thần học sâu
xa của chúng, nhờ biết biện phân với sự trợ lực của Thần Khí. Thật vậy, trong những
biến cố lịch sử, thường ẩn giấu tiếng Thiên Chúa mời gọi làm việc theo ý định
của Người, bằng việc quan tâm một cách năng động và hữu hiệu tới những vấn đề
của thời đại chúng ta (175).
Như
Công Đồng đã nói, việc biện phân các dấu chỉ thời đại phải được thực hiện dưới
ánh sáng của Tin Mừng để có thể "giải đáp những thắc mắc muôn thuở của con
người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu, cũng như về mối tương quan giữa
hai cuộc sống ấy" (176). Cho nên cần mở tâm hồn đón nhận những lời khuyên
bảo bên trong của Chúa Thánh Thần, Người mời gọi đi sâu vào những ý định của
Chúa Quan Phòng. Chúa Thánh Thần kêu gọi các người tận hiến đưa ra những câu
giải đáp mới cho những vấn đề mới của thế giới hôm nay. Đó là những lời mời gọi
của Thiên Chúa mà chỉ những tâm hồn quen tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa mới
biết đón nhận cách trung tín và rồi can đảm đem ra thực thi, bằng những lựa
chọn phù hợp với đoàn sủng nguyên thuỷ và với những đòi hỏi của hoàn cảnh lịch
sử cụ thể.
Trước
bao nhiêu vấn đề và những tình trạng khẩn cấp đôi khi ra như gây thiệt hại và
đe doạ đời thánh hiến, những người có ơn gọi này không thể không cảm thấy cần
phải dấn thân, mang theo trong lòng và trong lời cầu nguyện những nhu cầu đa
dạng của toàn thể thế giới, tuy vẫn hoạt động hăng say trong những lãnh vực hạn
chế bởi đoàn sủng sáng lập. Dĩ nhiên là lòng nhiệt thành tông đồ của họ phải
được hướng dẫn bởi việc biện phân siêu nhiên, biết phân biệt cái gì đến từ Thần
Khí và cái gì nghịch với Thần Khí (x. Gl 5,16 - 17,22 ; 1 Ga 4,6). Trung thành
với tu luật và hiến chương, sự biện phân phải được thực hiện trong mối hiệp
thông trọn vẹn với Giáo Hội (177).
Như
vậy, đời thánh hiến sẽ không chỉ tìm đọc các dấu chỉ thời đại mà còn góp phần
soạn và đem ra thi hành những dự phóng mới cho việc truyền giảng Phúc Âm ở
những hoàn cảnh hiện tại. Tất cả những điều đó được làm với xác tín của niềm
tin rằng Chúa Thánh Thần biết đem lại những giải đáp thích hợp cho những vấn đề
tế nhị nhất. Về việc này, nên nhớ điều mà các bậc thầy về hoạt động tông đồ vẫn
dạy, đó là phải tin cậy vào Thiên Chúa như thể mọi sự đều tuỳ thuộc vào Người,
và đồng thời phải hết mình hoạt động như thể tất cả tuỳ thuộc vào ta.
Sự
cộng tác trong Giáo hội và linh đạo tông đồ
74.
Tất cả mọi việc phải được làm trong hiệp thông và trong đối thoại với những
thành phần khác trong Giáo Hội. Các thách đố của sứ mạng quan trọng đến nỗi
không thể đương đầu hữu hiệu được nếu không có sự hợp tác của tất cả các thành
phần của Giáo Hội, khi biện phân cũng như lúc hành động. Cá nhân khó mà có được
những câu trả lời thích đáng ; trái lại những giải đáp có thể nảy sinh từ chỗ
so sánh quan điểm, trao đổi. Cách riêng, sự hiệp thông tích cực giữa các đoàn
sủng khác nhau không những làm cho đôi bên thêm phong phú mà còn bảo đảm cho sứ
mạng thêm hữu hiệu. Kinh nghiệm những năm vừa qua xác nhận rộng rãi rằng
"đối thoại là danh hiệu mới của đức ái" (178) nhất là đức ái sống
trong Giáo Hội ; đối thoại giúp cho thấy những vấn đề trong những chiều kích
đích thật và khi phải đương đầu thì có nhiều cơ may thành công nhất. Nhờ vun
trồng đời sống huynh đệ, đời thánh hiến là một kinh nghiệm đặc biệt về đối
thoại. Như vậy nó có thể góp phần tạo nên một bầu khí chấp nhận lẫn nhau, trong
đó các thành phần của Giáo Hội, khi cảm thấy con người mình được kính nể, sẽ
tới gặp nhau cách xác tín hơn trong sự hiệp thông của Giáo Hội, sẵn sàng nhắm
tới sứ mạng phổ quát lớn lao.
Do
đó, các tu hội dấn thân vào những hình thức phục vụ tông đồ khác biệt cần phải
vun trồng một linh đạo vững chắc về hành động, bằng cách thấy Thiên Chúa trong
mọi sự và mọi sự trong Thiên Chúa. Thật vậy, "cần phải biết rằng nếu muốn
sống cho có trật tự thì cần biết chuyển từ đời sống hoạt động sang đời sống
chiêm niệm ; nhiều khi cũng nên từ đời chiêm niệm trở lại đời sống hoạt động,
để cho ngọn lửa thắp lên trong tâm trí nhờ chiêm niệm sẽ toả lan trọn vẹn trong
hành động. Như thế đời sống hoạt động phải đưa tới đời sống chiêm niệm và từ đó
đời sống chiêm niệm, dựa trên những gì tâm trí chúng ta đã nhận biết, đưa chúng
ta trở lại hành động một cách chắc chắn hơn" (179). Chính Đức Giê-su đã
cho chúng ta thấy rõ làm thế nào để có thể sống kết hợp với Chúa Cha, đồng thời
lại có một đời sống với nhiều hoạt động tông đồ. Nếu không liên tục tìm kiếm sự
thống nhất nói trên thì luôn có nguy cơ bị suy sụp bên trong, hoang mang và
chán nản. Sự kết hợp mật thiết giữa chiêm niệm và hành động, ngày nay cũng như
ngày xưa, giúp người ta đương đầu với những sứ mạng khó khăn nhất.
Yêu
thương với trái tim của Đức Ki-tô
75.
"Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu
thương họ đến cùng. Trong bữa ăn tối, Người đứng dậy [...] và bắt đầu rửa chân
cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau" (Ga 13,1-2.4-5).
Trong
khi rửa chân, Đức Giê-su hé cho thấy Thiên Chúa thương yêu con người đến mức độ
nào : nơi Người, chính Thiên Chúa đã muốn phục vụ loài người. Đồng thời, Người
mạc khải ý nghĩa của đời sống Ki-tô hữu và tất nhiên của đời thánh hiến, đó
phải là một đời sống yêu thương trao hiến, một cuộc đời phục vụ cụ thể và quảng
đại. Khi muốn theo chân Con Người, Đấng "đã đến không phải để được phục vụ
nhưng để phục vụ" (Mt 20,28), đời thánh hiến có một lịch sử thật dài, và
trong những thời kỳ tốt đẹp nhất của lịch sử này, người ta quen nhận biết đời
thánh hiến qua việc "rửa chân" nghĩa là qua việc phục vụ, ưu tiên cho
những người nghèo khổ và thiếu thốn nhất. Nếu một bên, đời thánh hiến chiêm
ngưỡng mầu nhiệm cao cả của Ngôi Lời trong lòng Chúa Cha (x. Ga 1,1) thì bên
kia, đời thánh hiến cũng theo gót Ngôi Lời trong mầu nhiệm làm người (x. Ga
1,14), hạ mình để phục vụ loài người. Ngày hôm nay, những người theo Đức Ki-tô
trên con đường các lời khuyên Phúc Âm cũng muốn đi tới nơi Người đã đi và làm
điều Người đã làm.
Người
không ngừng mời gọi những người nam nữ và đổ Thần Khí xuống trên họ (x. Rm 5,5)
và nhờ đó, thông ban cho họ lòng mến - agape - của Thiên Chúa, tức là cách
Thiên Chúa yêu mến, và thúc đẩy họ phục vụ người khác trong sự hiến mình khiêm
hạ không tính toán ích kỷ. Thánh Phê-rô, xuất thần trước ánh sáng của cuộc Biến
Hình, đã kêu lớn tiếng "Lạy Chúa, chúng con ở đây thật đẹp" (Mt 17,4)
nhưng ông đã được mời trở lại con đường trần thế, để tiếp tục phục vụ Nước
Thiên Chúa. "Hãy xuống đi, Phê-rô ! Anh cứ muốn nghỉ lại trên núi, nhưng
xin hãy xuống. Hãy công bố Lời Chúa, hãy can thiệp lúc nghịch như lúc thuận,
hãy răn bảo, dạy dỗ, khuyến khích với đầy lòng nhân hậu và bằng mọi kiểu giáo
huấn ! Hãy làm việc, hãy chịu khó, hãy nhẫn nhục trong đau khổ, ngõ hầu nhờ vẻ
trắng đẹp của hành động chân chính do lòng mến thúc đẩy, anh có thể đạt được
điều được tượng trưng qua tấm áo trắng tinh của Chúa" (180). Vị tông đồ
không ngớt ngắm dung nhan Chúa, nhưng không vì thế mà ông giảm bớt việc dấn
thân mưu ích cho con người ; trái lại, việc chiêm ngắm tăng cường sự dấn thân,
tăng thêm khả năng tác động trên lịch sử, giải thoát nó khỏi những gì làm nó ra
méo mó.
Việc
tìm kiếm vẻ đẹp của Thiên Chúa thúc đẩy người được thánh hiến chăm sóc hình ảnh
Thiên Chúa đã bị bóp méo trên bộ mặt anh chị em mình, những bộ mặt hốc hác vì
đói khổ, những bộ mặt thất vọng vì những lời hứa hẹn chính trị, những bộ mặt
tủi hổ vì thấy văn hoá của mình bị chà đạp, những bộ mặt kinh đảm vì bạo lực mù
quáng xảy ra thường ngày, những bộ mặt lo âu của người trẻ, những bộ mặt của
những phụ nữ bị xúc phạm và hạ giá, những bộ mặt mệt mỏi của những người di dân
không được ai tiếp nhận, những bộ mặt u buồn của những người có tuổi không có
những điều kiện tối thiểu để sống cho ra sống (181). Đời thánh hiến dùng ngôn
ngữ của việc làm để nói rằng lòng mến Thiên Chúa là nền tảng và là thuốc kích
thích một tình yêu nhưng không và ân cần. Thánh Vinh Sơn Phao-lô đã xác tín
điều đó khi mở cho các nữ tử bác ái chương trình sống sau đây : "Tinh thần
của dòng cốt ở việc hiến mình cho Thiên Chúa để yêu mến Chúa Ki-tô và phục vụ
Người trong bản thân những người nghèo, thể xác và tinh thần, tại nhà họ hay ở
nơi khác, để dạy dỗ những thiếu nữ nghèo túng, những trẻ nhỏ và, nói chung, tất
cả những ai mà Chúa Quan Phòng gửi tới cho chị em" (182).
Thời
nay, trong số nhiều lãnh vực để thực thi lòng mến, lãnh vực tỏ bày cho thế giới
một cách đặc biệt lòng yêu thương "đến cùng" hẳn phải là việc say mê
loan báo Chúa Giê-su Ki-tô cho những ai chưa biết Người, cho những ai đã quên
Người, và một cách ưu tiên cho người nghèo.
Đóng
góp đặc thù của đời thánh hiến vào việc truyền giảng Phúc Âm
76.
Những người tận hiến có nhiệm vụ đặc biệt đóng góp vào việc Phúc Âm hoá, trước
hết bằng chứng tá một cuộc đời hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và cho anh chị em
mình, bằng cách bắt chước Chúa là Đấng vì yêu thương con người đã muốn hạ mình
làm kẻ nô lệ. Thật vậy, trong công trình cứu độ, tất cả đều bắt nguồn từ sự
thông phần vào lòng mến của Thiên Chúa - agapê. Các người tận hiến, nhờ việc
thánh hiến và việc hoàn toàn hiến mình, làm cho người khác thấy được sự hiện
diện yêu thương và cứu độ của Đức Ki-tô, Đấng được Chúa Cha thánh hiến và sai
đi (183). Khi để Đức Ki-tô chiếm đoạt (x. Pl 3,12) họ chuẩn bị trở thành, cách
nào đó, nhân tính kéo dài của Chúa Ki-tô (184). Đời thánh hiến cho thấy cách
hùng hồn rằng, càng sống trong Đức Ki-tô, người ta càng phục vụ người khác tốt
hơn, sẵn sàng đi tới những tiền trạm truyền giáo và dám đương đầu với những
nguy cơ lớn nhất.
Việc
loan truyền Tin Mừng : loan báo Đức Ki-tô cho muôn dân
77.
Khi người ta yêu mến Thiên Chúa, Đấng là Cha của mọi người, thì người ta không
thể không yêu mến đồng loại, nhận ra họ là anh em chị em mình. Vì vậy, khi thấy
nhiều người chưa được biết tình yêu Thiên Chúa tỏ bày trọn vẹn trong Đức Ki-tô
thì người ta không thể ngồi yên. Chính từ chỗ đó mà, vâng lệnh Đức Ki-tô, xuất
phát phong trào truyền giáo cho dân ngoại - ad gentes - mọi Ki-tô hữu có ý thức
đều chia sẻ với Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Nỗi thao thức này được
nuôi dưỡng đặc biệt nơi các người tận hiến, dù là thành viên tu hội chiêm niệm
hay hoạt động (186). Thật vậy, các người tận hiến phục vụ sứ mạng làm cho Đức
Ki-tô khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, cầu nguyện và truyền giáo (187) được
hiện diện ngay cả giữa những người không phải là Ki-tô hữu (188). Tuy vẫn trung
thành gắn bó với đoàn sủng riêng, nhưng bởi vì được tận hiến cho Thiên Chúa
(189) nên họ có thể cảm thấy được đặc biệt thúc đẩy cộng tác vào hoạt động
truyền giáo của Giáo Hội. Có thể thấy nơi nhiều vị thánh nhiệt tình truyền giáo
cao độ vốn là đặc tính và niềm vinh dự của đời thánh hiến : người ta còn nhớ
thánh nữ Tê-rê-xa Lisieux năng nói tới ước nguyện được "yêu mến Ngài và
làm cho Ngài được yêu mến", thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e nôn nóng vì thấy
"nhiều người nghĩ tới việc tính sổ với Chúa và cách mình đã dùng những nén
bạc Người ban, nên bằng nhiều phương tiện và nhờ linh thao, lo tìm kiếm thánh ý
Thiên Chúa và nghe <%5>những gì Người nói trong tâm hồn. Ước gì họ làm
như Chúa muốn thay vì làm theo ý riêng ; chớ gì họ nói : "Này con đây, lạy
Chúa, Chúa muốn dùng con làm gì ? Xin Chúa sai con đi nơi Ngài muốn"
(190).
Hiện
diện khắp nơi trên mặt đất
78.
"Tình yêu Chúa Ki-tô thúc đẩy chúng ta" (2 Cr 5,14) : các thành viên
của mỗi tu hội phải có thể lập lại lời trên của vị Tông Đồ, bởi vì đời thánh
hiến có sứ mạng làm việc ở mọi nơi trên trái đất, để củng cố và mở rộng Nước
của Chúa Ki-tô, rao giảng Tin Mừng khắp nơi, cả ở những vùng xa xôi nhất (191).
Thực vậy, lịch sử truyền giáo làm chứng rằng những người tận hiến đã đóng góp
nhiều vào việc loan truyền Phúc Âm cho các dân tộc : từ những gia đình đan viện
xưa tới những tổ chức được thành lập gần đây, chuyên đi truyền giáo cho dân
ngoại - ad gentes - từ những tu hội sống đời hoạt động tới các tu hội chiêm
niệm (192), bao nhiêu người đã hy sinh cho "hoạt động cơ bản của Giáo Hội,
hoạt động chính yếu và không bao giờ kết thúc" (193), bởi vì nhắm vào đám
đông ngày một gia tăng những người không biết Đức Ki-tô.
Ngày
hôm nay, các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ vẫn có bổn phận thực thi
một cách khẩn trương điều đó ; người ta trông chờ họ dấn thân hết mình vào việc
rao giảng Tin Mừng của Đức Ki-tô. Các tu hội đang nảy sinh hay đang hoạt động
trong các Giáo Hội trẻ cũng được mời gọi hướng về sứ mạng giữa những người
ngoài Ki-tô giáo, tại quê hương họ hay ở ngoại quốc. Mặc dù những khó khăn có
thể gặp phải, vẫn nên nhắc cho mọi người biết rằng, cũng như "đức tin được
củng cố khi được chia sẻ" (194) thì việc truyền giáo củng cố đời thánh
hiến, đem lại cho nó một nguồn hăng say mới và những động cơ mới, thúc giục
sống trung thành. Đối lại, hoạt động truyền giáo cung cấp một cánh đồng bao la
trong đó các hình thức khác nhau của đời thánh hiến đều có chỗ đứng và phát
triển.
Sứ
mạng truyền giáo cho dân ngoại ad gentes cống hiến những cơ hội đặc biệt hăng
say dấn thân làm việc tông đồ cho những phụ nữ tận hiến, những tu huynh và
những thành viên các tu hội đời. Những thành viên các tu hội đời, do sự có mặt
của họ trong nhiều lãnh vực khác nhau dành cho ơn gọi giáo dân, có thể thực
hiện một công cuộc cao quý nhằm Phúc Âm hoá các môi trường, các cơ cấu và ngay
cả các luật lệ chi phối đời sống xã hội. Ngoài ra, họ có thể làm chứng về các
giá trị Tin Mừng cho những người chưa biết Đức Giê-su ; bằng cách đó họ đóng
góp đặc biệt cho sứ mạng truyền giáo.
Phải
nhấn mạnh rằng tại những quốc gia có các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo đã ăn sâu,
sự hiện diện của đời thánh hiến có một tầm quan trọng rất lớn, vừa do các hoạt
động giáo dục, từ thiện và văn hoá, vừa do chứng tá của đời chiêm niệm. Cho nên
trong những giáo hội mới thành lập, phải đặc biệt khuyến khích việc lập các
cộng đoàn chuyên lo chiêm niệm vì "đời sống chiêm niệm thuộc về sự hiện
diện đầy đủ của Giáo Hội" (195). Kế đó, cần cổ võ, bằng những phương tiện
thích hợp, một sự phân phối quân bình đời sống thánh hiến trong những hình thức
khác nhau, để khơi lên một phong trào mới đi truyền giáo, hoặc cắt cử các thừa
sai nam nữ, hoặc nhờ các hội dòng tận hiến đến giúp cho các giáo phận thiếu
thốn (196).
Loan
báo Đức Ki-tô và hội nhập văn hoá
79.
Việc loan báo Đức Ki-tô "được thường xuyên dành chỗ ưu tiên trong sứ mạng
của Giáo Hội" (197), với mục đích nhắm tới việc hoán cải, nghĩa là gắn bó
hoàn toàn và thật lòng với Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người (198). Tiến trình
hội nhập văn hoá và cuộc đối thoại liên tôn cũng nằm trong khuôn khổ của hoạt
động truyền giáo. Các người tận hiến phải coi việc hội nhập văn hoá như một lời
mời gọi cộng tác hữu hiệu với ơn Chúa trong việc tiếp xúc với các nền văn hoá
dị biệt. Điều này giả thiết đương sự được chuẩn bị nghiêm túc, có ơn biện phân
đã được chứng thực, gắn bó trung thành với những tiêu chuẩn phải có : giáo lý
chính thống, luân lý nguyên tuyền, hiệp thông với Giáo Hội (199). Được nâng đỡ
bởi đoàn sủng của các đấng sáng lập, nhiều người tận hiến đã đến gặp gỡ những
nền văn hoá khác nhau với thái độ của Đức Giê-su là Đấng "huỷ mình đi,
mang lấy thân phận tôi đòi" (Pl 2,7). Nhờ cố gắng đối thoại kiên trì và
táo bạo, họ đã tạo được những quan hệ hữu ích với các dân tộc khác nhau, loan
báo cho mọi người con đường cứu độ. Ngày nay cũng vậy, có bao nhiêu người tận
hiến biết tìm ra, trong lịch sử của các cá nhân và của các dân tộc, những vết
tích sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng muốn đưa toàn thể nhân loại tới chỗ nhận
ra các dấu chỉ của ý định cứu độ của Người. Việc tìm kiếm này có lợi cho chính
người tận hiến : thật vậy, các giá trị khám phá được trong các nền văn hoá khác
nhau có thể thúc đẩy họ đào sâu truyền thống Ki-tô giáo về chiêm niệm và cầu
nguyện, trung thành hơn với việc chia sẻ cộng đoàn và đón tiếp khách lạ, mau
mắn quan tâm tới con người và tôn trọng thiên nhiên.
Để
đạt được một sự hội nhập văn hoá đích thực, cần phải có thái độ giống như Chúa,
Đấng đã làm người và sống giữa chúng ta, đầy tình thương và khiêm hạ. Theo
nghĩa đó, đời thánh hiến làm cho người ta đặc biệt có khả năng đối phó với công
việc hội nhập phức tạp, vì nó tập cho người ta thanh thoát với các thực tại vật
chất và thanh thoát cả với nhiều khía cạnh của chính nền văn hoá của mình. Khi
cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu các nền văn hoá như thế, những người tận hiến có
thể nhận biết rõ hơn đâu là những giá trị trung thực của chúng và thấy phải đón
nhận và kiện toàn chúng nhờ đoàn sủng riêng như thế nào (200). Dẫu sao không
nên quên rằng trong nhiều nền văn hoá cổ, cách biểu thị tôn giáo đã được hội
nhập sâu xa đến mức độ tôn giáo thường biểu lộ chiều kích siêu việt của chính
văn hoá. Trong trường hợp đó, sự hội nhập đích thực nhất thiết phải đi kèm với
một cuộc đối thoại liên tôn, cuộc đối thoại này "không nghịch với sứ mạng
truyền giáo ad gentes" và "không chuẩn miễn việc loan truyền Phúc
Âm" (201).
Hội
nhập đời thánh hiến
80.
Đời thánh hiến mang sẵn những giá trị Tin Mừng, cho nên khi sống đời thánh hiến
một cách trung thực, thì quả là góp phần độc đáo vào việc chấp nhận những thách
đố của việc hội nhập. Thật vậy, vì đời thánh hiến là dấu chỉ của địa vị tối
thượng của Thiên Chúa và của Nước Thiên Chúa, nó hiện ra như một sự thách thức
có thể làm lung lay lương tâm con người đang khi đối thoại. Nếu đời thánh hiến
duy trì được sức mạnh ngôn sứ của mình, nó sẽ trở nên một thứ men Phúc Âm bên
trong một nền văn hoá, có khả năng thanh luyện và biến đổi nền văn hoá. Lịch sử
nhiều vị thánh nam nữ thuộc các thời đại khác nhau đã cho thấy điều đó ; các
ngài đã biết trầm mình vào thời đại của mình mà không bị nhận chìm, nhưng lại
vạch ra những con đường mới cho thế hệ đương thời. Một kiểu sống theo Tin Mừng
là một nguồn cảm hứng quan trọng cho một khuôn mẫu văn hoá mới. Bao nhiêu đấng
sáng lập nam nữ đã đón nhận một số đòi hỏi của thời đại các ngài, nhưng cũng
nhận biết giới hạn của chúng, nên đã đưa ra được một câu trả lời, và câu trả
lời đã trở thành một đề xuất văn hoá có sức đổi mới.
Thật
vậy, những cộng đoàn của các dòng tu và các tu đoàn tông đồ có thể đưa ra cách
cụ thể những đề xuất văn hoá có ý nghĩa, khi họ làm chứng cho lối sống theo
tinh thần Phúc Âm, đón nhận lẫn nhau trong sự khác biệt và cách thi hành quyền
bính, việc chia sẻ của cải vật chất lẫn tinh thần, chiều kích quốc tế, sự hợp
tác giữa các dòng, việc lắng nghe những con người nam nữ của thời đại chúng ta.
Thật vậy, cách suy tư và hành động của những người theo Đức Ki-tô sát hơn tạo
nên một chuẩn mực văn hoá, làm sáng tỏ cái gì không phù hợp với con người, làm
chứng rằng chỉ có Thiên Chúa mới làm cho các giá trị được củng cố và kiện toàn.
Đối lại, một sự hội nhập văn hoá đích thực sẽ giúp những người tận hiến sống
tính triệt để của Tin Mừng, theo đoàn sủng riêng của tu hội và bản sắc của dân
tộc mình tiếp xúc. Quan hệ phong phú sẽ làm nảy sinh các kiểu sống và những
phương pháp mục vụ, chúng sẽ là một kho tàng cho toàn thể tu hội, nếu chúng phù
hợp với đoàn sủng sáng lập và với hành động thống nhất của Chúa Thánh Thần.
Trong tiến trình đó, - bao hàm biện phân, táo bạo, đối thoại và chấp nhận những
thách thức của Tin Mừng -, Toà Thánh giữ vai trò hướng đạo, khuyến khích việc
Phúc Âm hoá các nền văn hoá cùng kiểm nhận việc tiến triển, phê chuẩn các kết
quả đã đạt được nhờ việc hội nhập (202) : Công việc "thật khó khăn và tế
nhị, vì liên quan tới sự trung tín của Giáo Hội đối với Tin Mừng và truyền
thống các tông đồ, trong sự tiến hoá không ngừng của các nền văn hoá"
(203).
Việc
tái truyền giảng Phúc Âm
81.
Để đáp lại cách hữu hiệu những thách đố lớn lao mà lịch sử cận đại đặt ra cho
việc tái truyền giảng Phúc Âm, trước nhất, đời thánh hiến phải không ngừng để
cho lời mặc khải và những dấu chỉ thời đại chất vấn (204) Chúng ta hãy nhớ lại
những nhà rao giảng Phúc Âm nam nữ nổi tiếng. Trước khi đi loan truyền Phúc Âm,
họ đã được Phúc Âm hoá. Điều này cho thấy rằng để nói với thế gian hôm nay,
phải có những con người tha thiết gắn bó với Chúa và Tin Mừng của Người.
"Do ơn gọi riêng, những người tận hiến được mời gọi thống nhất việc Phúc
Âm hoá chính mình với chứng tá, thống nhất việc đổi mới nội tâm và việc canh
tân tông đồ, thống nhất đời sống và hoạt động, bằng cách cho thấy rằng trong
những cặp yếu tố trên, sức mạnh năng động luôn luôn tới từ yếu tố thứ
nhất" (205).
Việc
tái truyền giảng Phúc Âm, cũng như việc truyền giảng Phúc Âm ở các thời khác,
sẽ chỉ hữu hiệu nếu biết công bố cho mọi người điều mà trước đó mình đã sống
trong tình thân với Chúa. Nó cần những con người có bản lĩnh vững chắc, có lòng
nhiệt thành của các thánh. Công cuộc tái truyền giảng Phúc Âm đòi những con
người tận hiến ý thức đầy đủ về ý nghĩa thần học của những thách đố thuộc thời
đại chúng ta. Các thách đố đó phải được phân tích kỹ trong một biện phân chung,
nhằm canh tân sứ mạng. Phải can đảm loan báo Chúa Giê-su đồng thời tin tưởng
vào hành động của Chúa Quan Phòng, Đấng hành động trong thế giới và "sắp
đặt mọi sự vì ích lợi của Giáo Hội, ngay cả những biến cố trái nghịch"
(206).
Trong
số các yếu tố quan trọng giúp các tu hội hội nhập một cách hữu hiệu vào tiến
trình tái truyền giảng Phúc Âm, cần kể tới sự trung tín với đoàn sủng sáng lập,
sự hiệp thông với những ai trong Giáo Hội đang dấn thân phục vụ cùng một chính
nghĩa, cách riêng các chủ chăn, và sự hợp tác với tất cả mọi người thiện chí.
Điều này đòi hỏi phải biện phân nghiêm túc các tiếng gọi Thần Khí gởi cho từng
tu hội, dù tại những vùng không thể thấy ngay được những tiến bộ quan trọng
hoặc tại những vùng đang chứng kiến sự hồi sinh đáng khích lệ. Ở mọi nơi và
trong mọi hoàn cảnh, ước gì các người tận hiến hãy nhiệt thành loan báo Chúa
Giê-su, sẵn sàng trả lời với sự khôn ngoan của Tin Mừng cho những câu hỏi do
lòng trí lo âu của con người và các vấn đề cấp bách đặt ra cho họ ngày hôm nay.
Dành
ưu tiên cho người nghèo và cổ võ công lý
82.
Khởi đầu sứ vụ, trong hội đường Na-da-rét, Đức Giê-su công bố là Thánh Thần đã
thánh hiến mình để đem Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo ơn giải thoát cho
kẻ tù đày, mở mắt cho người mù, trả tự do cho kẻ bị áp bức và rao giảng một năm
hồng ân của Thiên Chúa (x. Lc 4,16-19). Bởi đã nhận sứ mạng của Chúa làm của
mình nên Giáo Hội loan báo Tin Mừng cho hết mọi người nam nữ, dấn thân phục vụ
việc cứu độ toàn diện con người. Tuy nhiên, với một sự quan tâm đặc biệt, một
"lựa chọn ưu tiên", Giáo Hội hướng về những ai ở trong một hoàn cảnh
nghèo khó yếu kém hơn, do đó có nhu cầu hơn. Những "người nghèo" dưới
những chiều kích đa dạng, là những người bị áp bức, những người bị gạt ra ngoài
lề, những người già cả, những người bệnh hoạn, những trẻ em, tất cả những ai bị
coi và bị đối xử như những "kẻ rốt hết" trong xã hội.
Sự
lựa người nghèo nằm trong chính bản chất của tình yêu sống theo Chúa Ki-tô. Tất
cả các môn đệ Đức Ki-tô phải theo sự lựa chọn này ; nhưng những ai muốn theo
Chúa Ki-tô sát hơn bằng cách bắt chước cách sống của Người, lại càng không thể
không cảm thấy bị lôi cuốn vào sự lựa chọn đó. Việc thành thật đáp lại tình yêu
của Đức Ki-tô sẽ dần dần đưa họ tới chỗ sống như người nghèo và bênh vực chính
nghĩa của người nghèo. Điều này đòi hỏi mỗi tu hội, tuỳ theo đoàn sủng riêng,
phải chọn một kiểu sống, cá nhân cũng như cộng đoàn, khiêm tốn và khắc khổ. Với
chứng tá đời sống phù hợp với sự lựa chọn do ơn gọi và không để mình bị chi
phối bởi các ý thức hệ chính trị, các người tận hiến có thể tố cáo những bất
công mà bao con cái Thiên Chúa phải chịu đựng, và dấn thân cổ võ cho công lý
trong lãnh vực xã hội nơi họ đang làm việc (207). Nhờ thế, ngay cả trong hoàn
cảnh hiện nay, người ta sẽ thấy diễn lại, qua chứng tá của bao người tận hiến,
sự xả thân của các đấng sáng lập đã dâng trót cuộc đời để phục vụ Chúa hiện
diện nơi người nghèo. Thật vậy, "ở dưới thế này, Chúa Ki-tô nghèo trong
con người kẻ nghèo ... là Thiên Chúa tuy giàu có, nhưng khi làm người, Người
trở nên nghèo. Thực ra, cũng con người đó đã nên giàu có, nay lên trời, ngự bên
hữu Chúa Cha. Nhưng đồng thời, Người vẫn ở lại dưới thế như người nghèo, đói,
khát, không áo che thân" (208).
Tin
Mừng trở thành thiết thực nhờ tình bác ái, là vinh quang của Giáo Hội, là dấu
chỉ cho thấy Giáo Hội trung tín với Chúa. Tất cả lịch sử đời thánh hiến cho
thấy điều đó, một lịch sử có thể được coi như một cách chú giải sống động lời
của Đức Giê-su : "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em
bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40).
Nhiều tu hội nhất là trong thời hiện đại, đã được lập nhằm để đáp ứng một nhu
cầu nào đó của người nghèo. Và ngay cả khi mục đích đó không được nêu như là
chủ yếu, thì mối quan tâm tới những người thiếu thốn, diễn tả qua lời cầu
nguyện, việc đón tiếp, cho trú ngụ, vẫn thường có trong mọi hình thức của đời
thánh hiến, kể cả hình thức chiêm niệm. Làm sao có thể khác được khi Đức Ki-tô
được chiêm ngắm trong cầu nguyện cũng là chính Đấng đang sống và khổ đau nơi
người nghèo ? Theo nghĩa đó thì lịch sử đời thánh hiến đầy những gương lạ lùng
và đôi khi thần kỳ. Thánh Pau-li-nô Nô-la sau khi phân phát hết của cải cho
người nghèo để có thể hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, lại cho xây những
phòng của đan viện mình ở trên một viện tế bần. Người lấy làm vui mừng khi nghĩ
tới cuộc "trao đổi quà tặng" lạ lùng đó : những người nghèo được
người cấp dưỡng lại củng cố, bằng những lời cầu nguyện, "nền móng"
đan viện của người, một cộng đoàn chuyên lo ngợi khen Thiên Chúa (209). Thánh Vinh
Sơn Phao-lô thì thích nói rằng khi buộc phải gián đoạn cầu nguyện để giúp một
người nghèo trong cơn quẫn bách, thì thực ra ta không gián đoạn cầu nguyện bởi
vì đó chỉ là "rời Thiên Chúa để gặp Thiên Chúa" (210).
Đối
với đời thánh hiến, phục vụ người nghèo là một hành động truyền giảng Phúc Âm,
và đồng thời đóng ấn trung tín với Tin Mừng và mời gọi hoán cải thường xuyên,
bởi vì như thánh Ghê-gô-ri-ô Cả nói : "Lòng mến bay vút tới đỉnh cao khi
sẵn sàng mở lòng nhân hậu để cho nỗi khốn cùng của người đồng loại kéo xuống,
và càng trìu mến xuống sâu tới những người yếu hèn thì lại càng thêm sức để bay
bổng lên cao" (211).
Chăm
sóc các bệnh nhân
83.
Dựa theo một truyền thống xán lạn, một số đông người tận hiến, nhất là nữ giới,
đã làm việc tông đồ trong các cơ sở y tế, theo đoàn sủng riêng của tu hội. Theo
dòng thời gian, nhiều người thánh hiến đã hy sinh mạng sống khi chăm sóc những
người mắc bệnh truyền nhiễm, cho thấy việc hiến mình tới độ anh hùng nằm trong
tính ngôn sứ của đời thánh hiến.
Giáo
Hội nhìn, với lòng cảm phục và biết ơn, đông đảo những người tận hiến đang chăm
sóc các bệnh nhân và những người đau khổ. Họ đóng góp vào sứ mạng của Giáo Hội
một cách có ý nghĩa : họ kéo dài sứ vụ nhân lành của Đức Ki-tô, Đấng "đi
tới đâu thì thi ân giáng phúc và chữa lành tới đó" (Cv 10,38). Theo bước
chân của người Sa-ma-ri từ trời xuống, vị lương y của tâm hồn và thể xác (212),
và theo gương các đấng sáng lập nam nữ, chớ gì những người tận hiến mà đoàn
sủng tu hội hướng về tác vụ này, hãy bền đỗ trong chứng tá yêu thương đối với
những người đau ốm, phục vụ họ với một lòng cảm thông sâu xa và chia sẻ nỗi đau
khổ của họ. Chớ gì trong các chọn lựa của họ, chỗ ưu tiên được dành cho những
bệnh nhân nghèo khổ và bị bỏ rơi nhất, như những người già cả, những kẻ tật
nguyền, những người phải sống bên lề, những người bệnh chờ chết, những nạn nhân
của ma tuý và những bệnh truyền nhiễm mới. Hãy giúp những người bệnh dâng nỗi
đau khổ của mình, hiệp cùng Đức Ki-tô bị đóng đinh và được tôn vinh cho mọi
người được cứu độ (213), hãy ý thức rằng họ là những chủ thể tích cực của mục
vụ, nhờ đoàn sủng riêng của thập giá, khi họ cầu nguyện và làm chứng bằng lời
nói và lối sống (214).
Ngoài
ra, Giáo Hội nhắc nhở những người tận hiến rằng nhiệm vụ Phúc Âm hoá các môi
trường y tế nơi họ làm việc cũng là sứ mạng của họ, bằng cách phổ biến các giá
trị Phúc Âm, nhờ đó soi sáng cách sống, đau khổ và chết của con người thời đại
chúng ta. Họ có bổn phận phải nhân đạo hoá y học và đào sâu ngành luân lý sinh
học, nhằm phục vụ Tin Mừng sự sống. Tiên vàn họ hãy cổ võ cho mọi người tôn
trọng con người và sự sống, từ lúc thụ thai cho tới lúc cuộc sống chấm dứt một
cách tự nhiên, phù hợp với giáo huấn luân lý của Giáo Hội (215), bằng cách lập
ra các trung tâm đào tạo (216) và bằng cách hợp tác huynh đệ với những tổ chức
của Giáo Hội chuyên lo mục vụ y tế.
II. MỘT CHỨNG TÁ MANG TÍNH NGÔN SỨ
TRƯỚC NHỮNG THÁCH ĐỐ LỚN
Tính
ngôn sứ của đời thánh hiến
84.
Các nghị phụ tại Thượng hội đồng đã nhấn mạnh nhiều đến tính ngôn sứ của đời
thánh hiến, được trình bày như một cách tham gia đặc biệt vào chức vụ ngôn sứ
của Đức Ki-tô mà Thánh Thần đã ban cho toàn thể Dân Thiên Chúa. Tính ngôn sứ đó
gắn liền với đời thánh hiến, bởi lẽ nó thúc bách bước theo Chúa Ki-tô đến cùng,
và được kêu mời dấn thân thi hành sứ mạng đặc thù của người tận hiến. Công Đồng
Va-ti-ca-nô II công nhận đời tận hiến có phận sự làm dấu chỉ (217), chứng tá có
tính ngôn sứ về vị thế tối thượng của Thiên Chúa và của những giá trị Tin Mừng
trong đời sống Ki-tô hữu. Chính do vị thế trổi vượt đó, không có gì đáng kể hơn
là mối tình dành riêng cho Đức Ki-tô và cho những người nghèo mà Đức Ki-tô đang
sống trong họ (218).
Truyền
thống giáo phụ đã nhìn nhận nơi ông Ê-li-a, vị ngôn sứ can trường và bạn hữu
của Thiên Chúa, khuôn mặt của đời đan tu (219). Ông Ê-li-a sống trong sự hiện
diện của Thiên Chúa. Ông chiêm ngưỡng Thiên Chúa đi ngang qua trong thinh lặng.
Ông chuyển cầu cho toàn dân và can đảm công bố thánh ý của Người. Ông đấu tranh
cho quyền lợi của Thiên Chúa và đứng ra bảo vệ những người nghèo chống lại người
quyền thế (x. R 18-19). Trong lịch sử Giáo Hội, bên cạnh những Ki-tô hữu khác,
vẫn luôn có những người nam nữ tận hiến cho Thiên Chúa, nhờ đặc ân riêng của
Thần Khí, thi hành tác vụ ngôn sứ chân chính, khi họ nhân danh Thiên Chúa để
nói cho mọi người và cho cả những mục tử trong Giáo Hội nữa. Lời ngôn sứ chân
chính đến từ nơi Thiên Chúa, nhờ sống trong tình thân với Thiên Chúa, chăm chú
lắng nghe Lời Người trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Ngôn sứ cảm
thấy trong lòng mình sôi sục niềm đam mê đối với vẻ thánh thiện của Thiên Chúa,
và sau khi đã đón nhận Lời Chúa trong đối thoại và cầu nguyện, ngôn sứ công bố
lời đó bằng cuộc sống của mình, trên môi miệng và bằng hành động của mình ; họ
trở thành phát ngôn viên của Thiên Chúa chống lại sự dữ và tội lỗi. Chứng tá
ngôn sứ đòi hỏi phải liên lỉ và say sưa tìm ý Thiên Chúa, nhất thiết và quảng
đại hiệp thông với Giáo Hội, thực hành biện phân thiêng liêng và yêu mến sự
thật. Chứng tá ngôn sứ cũng được thể hiện khi biết tố giác những điều trái
ngược với ý Thiên Chúa, và biết khai mở những con đường mới đem Tin Mừng vào
lịch sử, cho Nước Thiên Chúa mau đến (220).
Tầm
quan trọng của tính ngôn sứ trong thế giới hiện thời
85.
Trong thế giới của chúng ta, những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xoá
nhoà, nên người ta cảm thấy nhu cầu khẩn trương của một chứng tá ngôn sứ thật
mãnh liệt từ phía những người thánh hiến. Tiên vàn chứng tá đó công bố vị thế
tối thượng của Thiên Chúa và của những điều thiện hảo sắp tới, biểu lộ qua việc
bước theo Đức Ki-tô - sequela Christi - và trở nên giống Đức Ki-tô trinh khiết,
khó nghèo và vâng phục, hoàn toàn tận hiến cho vinh quang Chúa Cha và yêu
thương anh chị em mình. Chính đời sống huynh đệ là một lời ngôn sứ sống động
trong một xã hội khao khát sâu xa tình huynh đệ không biên giới, cho dù đôi khi
người ta không nhận ra điều đó. Trung thành với đoàn sủng của mình, những người
tận hiến dám làm chứng tá cách hiên ngang, không sợ phải hy sinh mạng sống.
Lời
ngôn sứ có sức thuyết phục phi thường khi lời loan báo khớp với cách sống.
Những người tận hiến sẽ trung thành với sứ mạng của họ trong Giáo Hội và trong
thế giới nếu họ dám thường xuyên tự vấn canh tân dưới ánh sáng Lời Thiên Chúa
(221). Nhờ đó, họ có thể chuyển đạt cho các tín hữu khác sự phong phú của các
đoàn sủng mình đã lãnh nhận, đồng thời vẫn để cho những thành phần khác trong
Giáo Hội có thể chất vấn họ với những lý chứng cũng mang tính ngôn sứ. Như vậy,
cuộc trao đổi các ân sủng, được chứng thực nhờ hoà hợp hoàn toàn với huấn quyền
và kỷ luật của Giáo Hội, sẽ biểu dương tỏ tường tác động của Thánh Thần
"Đấng làm cho Giáo Hội hợp nhất trong hiệp thông và phục vụ, Đấng cung cấp
cho Giáo Hội những ân huệ khác nhau, cả nơi hàng giáo phẩm lẫn nơi các đặc
sủng, dẫn dắt Giáo Hội bằng những ân huệ đó" (222).
Trung
thành cho đến chết
86.
Trong thế kỷ này, cũng như nhiều thời đại khác trong lịch sử, nhiều người nam
nữ tận hiến đã làm chứng cho Đức Ki-tô đến hy sinh mạng sống. Hàng ngàn người
đã phải trốn tránh trong các hang toại đạo khi bị các chính quyền độc tài hoặc
những nhóm khủng bố bách hại, họ đã bị sách nhiễu vì hoạt động truyền giáo,
phục vụ người nghèo, săn sóc bệnh nhân và những người ngoài lề xã hội ; họ đã
và đang phải trả giá cao để được sống đời thánh hiến, phải anh dũng chịu khổ
cực lâu dài, nhiều khi phải đổ máu đào, như vậy họ được nên hoàn toàn đồng dạng
với Chúa chịu đóng đinh. Hội Thánh đã chính thức tuyên dương sự thánh thiện của
một số người tận hiến, tôn phong các ngài lên hàng chứng nhân tử đạo của Đức
Ki-tô. Các ngài soi sáng chúng ta nhờ gương sáng, các ngài chuyển cầu cho chúng
ta được trung kiên, các ngài chờ đợi chúng ta trong cõi vinh quang.
Nhiều
người mong ước rằng việc tưởng nhớ bao chứng nhân đức tin sẽ luôn sống mãi
trong ý thức của Hội Thánh như một lời mời gọi mừng kính và noi gương các ngài.
Các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ có thể đáp lại ước mong đó bằng
cách thu thập tên tuổi và chứng từ của tất cả những người tận hiến đáng được
ghi vào danh sách các chứng nhân tử đạo của thế kỷ XX này (223).
Những
thách đố lớn của đời thánh hiến
87.
Sứ mạng ngôn sứ của đời thánh hiến phải đương đầu với ba thách đố quan trọng
đặt ra cho chính Giáo Hội : những thách đố đó vốn đã cũ, nhưng xã hội đương
thời lại tung ra dưới một dạng mới và có thể buộc người tận hiến xét lại triệt
để, ít là tại một vài nơi trên thế giới. Những thách đố đó liên quan trực tiếp
đến những lời khuyên Phúc Âm khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và thúc đẩy
Giáo Hội và, đặc biệt, những người tận hiến hãy làm nổi bật ý nghĩa nhân bản
của những lời khuyên Phúc Âm và minh chứng điều đó. Thực vậy, việc chọn sống
các lời khuyên đó, thay vì giảm thiểu những giá trị nhân bản chân chính, lại
thăng tiến chúng nữa. Không nên coi các lời khuyên Phúc Âm như là sự phủ nhận
những giá trị gắn liền với tính dục, với ước muốn chính đáng được sở hữu và
được tự do định đoạt cho đời mình. Những xu hướng đó, trong mức độ chúng hợp
với bản chất, đều tốt cả. Tuy nhiên, con người đã bị suy yếu bởi tội nguyên tổ
nên có nguy cơ là chiều theo quá trớn các xu hướng đó đến nỗi vi phạm những quy
tắc luân lý. Tuyên giữ khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục là một cách cảnh cáo
đừng coi nhẹ những chấn thương do nguyên tội gây ra ; đồng thời tuy vẫn khẳng
định giá trị những điều tốt lành mà Chúa tạo dựng, nó lại tương đối hoá giá trị
của những thụ tạo khi chứng tỏ rằng chỉ có Thiên Chúa mới là sự thiện tuyệt
đối. Như thế, đang khi những người tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm đi tìm sự
thánh thiện cho bản thân, thì họ như thể đề nghị một thứ "trị liệu thiêng
liêng" cho nhân loại, bởi vì họ khước từ tôn thờ các loài thụ tạo và, một
cách nào đó, họ làm cho Thiên Chúa hằng sống trở nên hữu hình. Đặc biệt trong
những thời buổi khó khăn, cuộc sống thánh hiến là một phúc lành cho đời sống
của nhân loại và của chính Hội Thánh.
Thách
đố của khiết tịnh tận hiến
88.
Thách đố đầu tiên đến từ một nền văn hoá hưởng thụ đang tháo gỡ mọi quy tắc đạo
đức khách quan của tính dục, thường giản lược tính dục thành một thứ trò chơi
và một món hàng tiêu thụ, cũng như tôn thờ bản năng tính dục với sự đồng loã
của các phương tiện truyền thông xã hội. Ai cũng thấy được những hậu quả của
tình trạng này : đủ mọi thứ vi phạm luân lý, kèm theo vô vàn đau khổ về mặt tâm
lý và đạo đức cho nhiều cá nhân và nhiều gia đình. Lời đáp ứng của đời thánh
hiến hệ tại trước tiên ở việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo, như một
chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của thân phận
con người. Người tận hiến chứng nhận rằng điều mà đa số xem như không thể được
lại trở nên có thể và thật sự mang lại tự do, nhờ ơn thánh của Chúa Giê-su.
Đúng vậy, trong Đức Ki-tô, có thể yêu mến Thiên Chúa với hết cả con tim, đặt
Người lên trên mọi mối tình, và yêu thương mọi thụ tạo với sự tự do của Thiên
Chúa ! Đây là một trong những chứng tá cần thiết cho hôm nay hơn bao giờ hết,
chính vì thế giới ít hiểu được điều này. Chứng tá này dành cho mọi người - cho
giới trẻ, cho những người đính hôn, cho những đôi vợ chồng, cho các gia đình
Ki-tô giáo - để minh chứng rằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa có thể thực
hiện những điều phi thường ngay giữa những thăng trầm của tình thương loài
người. Đây là một chứng từ cũng đáp ứng nhu cầu càng ngày càng tăng là thèm
khát sự trong sáng trong mối tương quan giữa người với người.
Đời
thánh hiến cần phải nêu lên cho thế giới ngày nay những gương sáng của những
người nam và người nữ sống đức khiết tịnh mà vẫn quân bình, làm chủ được chính
mình, có sáng kiến, trưởng thành tâm linh và tình cảm (224). Qua chứng tá đó,
tình yêu nhân loại tìm được một điểm tựa vững chắc, mà con người thánh hiến
phát hiện ra khi chiêm niệm tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa được Đức Ki-tô mạc
khải cho chúng ta. Chính vì được nhận chìm trong mầu nhiệm đó, con người tận
hiến có khả năng yêu mến triệt để và phổ quát, có sức mạnh để tự chủ và kỷ luật
cần thiết để khỏi bị nô lệ giác quan và bản năng. Đức khiết tịnh tận hiến trở
thành một kinh nghiệm về niềm vui và tự do. Được soi sáng bởi niềm tin vào Chúa
phục sinh và niềm chờ mong trời mới đất mới (x. Kh 21,1), đức khiết tịnh tận
hiến là một kích thích tố quý báu cho việc giáo dục khiết tịnh, cần cho các bậc
sống khác nữa.
Thách
đố của khó nghèo
89.
Một thách đố khác đến từ một chủ nghĩa vật chất thèm khát chiếm hữu, dửng dưng
với những nhu cầu và đau khổ của những người yếu đuối, cũng chẳng quan tâm gì
đến việc làm quân bình những tài nguyên thiên nhiên. Lời đáp ứng của đời thánh
hiến được tìm thấy trong sự khó nghèo theo Tin Mừng, sống dưới nhiều hình thức
khác nhau, và thường đi đôi với một hoạt động dấn thân để phát huy tình liên
đới và bác ái.
Biết
bao tu hội đã chuyên lo việc giáo dục, huấn luyện và hướng nghiệp, đã giúp
những người trẻ và những người có tuổi trở thành chủ động kiến tạo tương lai
của họ ! Biết bao người tận hiến đã hy sinh mà không tính toán công sức của họ
để phục vụ những người chịu thiệt thòi nhất trên đời này ! Biết bao người tận
hiến đã ra sức đào tạo những nhà giáo dục tương lai và những người lãnh đạo
tương lai trong đời sống xã hội, để những người ấy cố gắng loại trừ những cơ
cấu đàn áp và phát huy những chương trình tương trợ hướng tới người nghèo !
Những người tận hiến đã đấu tranh chống lại nạn đói và những nguyên nhân gây ra
nạn đói, họ linh hoạt những công tác thiện nguyện và những cơ quan nhân đạo, họ
gây ý thức cho những tổ chức công và tư giúp phân phối cách thoả đáng những
viện trợ quốc tế. Các dân tộc mang ơn họ nhiều, họ là những nhân viên bác ái
đầy sáng tạo, có một lòng quảng đại không mệt mỏi, đã tham gia và còn đang làm
cho thế giới này trở nên nhân đạo hơn.
Khó
nghèo Phúc Âm để phục vụ người nghèo
90.
Trong thực tế, trước khi nhắm phục vụ người nghèo, khó nghèo Phúc Âm tự nó đã
là một giá trị rồi, bởi vì nhắc đến mối phúc đầu tiên theo gương Đức Ki-tô khó
nghèo (225). Thật vậy, ý nghĩa tiên khởi của khó nghèo là làm chứng cho Thiên
Chúa, kho tàng đích thực của trái tim con người. Đức khó nghèo phản đối quyết
liệt việc tôn thờ Tiền Tài ; nó như thể một lời ngôn sứ vang lên cho xã hội tại
nhiều nơi thuộc thế giới giàu sang đang có nguy cơ mất ý thức về mực thước và
thậm chí về giá trị của sự vật nữa. Vì vậy mà ngày nay, hơn cả mọi thời đại
khác, đức khó nghèo Phúc Âm thu hút chú ý của những người ý thức tài nguyên của
hành tinh có giới hạn, đang đòi phải tôn trọng và bảo vệ công trình tạo dựng
bằng cách giảm bớt tiêu thụ, biết sống thanh đạm và tự đặt cho mình bổn phận
kìm hãm những ước muốn của mình.
Những
người tận hiến được mời làm chứng cho Tin Mừng một cách mới mẻ và mạnh mẽ về sự
từ bỏ và tiết độ, bằng một nếp sống huynh đệ với nét nổi bật là đơn sơ và hiếu
khách, cũng như làm gương cho những người dửng dưng với nhu cầu của tha nhân.
Chứng tá đó đương nhiên đi kèm theo một mối tình dành ưu tiên cho người nghèo,
và tỏ ra một cách đặc biệt trong cách chia sẻ điều kiện sống của những người
cùng khốn nhất. Biết bao cộng đoàn hiện đang sống và làm việc ở giữa người
nghèo và người ngoài lề xã hội, chấp nhận những điều kiện sống của họ và chia
sẻ nỗi đau khổ, các khó khăn và hiểm nguy của họ.
Những
người tận hiến đã viết lên bao trang sử diệu kỳ về sự liên đới Phúc Âm và anh
dũng xả thân, vào những năm đầy những biến đổi sâu đậm và những bất công lớn,
những hy vọng lẫn những thất vọng, những chinh phục đáng kể và những thất bại ê
chề. Còn những trang sử khác cũng không kém ý nghĩa đã và còn đang được ghi lại
bởi vô số những người tận hiến khác, đang sống phong phú một cuộc đời
"tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa" (Cl 3,3) để thế giới được
cứu độ, mà không cầu lợi lộc nào, vẫn suốt đời dấn thân vì chính nghĩa mà ít ai
biết đến và rất ít ai nhận ra giá trị. Dưới những hình thức khác biệt và bổ túc
cho nhau, đời thánh hiến san sẻ sự nghèo khó cùng cực mà Chúa đã chấp nhận. Đời
thánh hiến chu toàn một vai trò đặc thù trong mầu nhiệm cứu độ của cuộc nhập
thể và thương khó cứu chuộc của Đức Ki-tô (226).
Thách
đố của tự do trong vâng phục
91.
Thách đố thứ ba phát sinh từ những quan niệm về tự do, muốn tách rời đặc trưng
cơ bản nhất của con người ra khỏi tương quan với chân lý và quy tắc luân lý
(227). Thật ra, đề cao tự do quả là một giá trị chân chính, gắn liền với sự tôn
trọng con người. Nhưng ai lại không thấy những bất công trầm trọng và cả những
bạo hành khủng khiếp do việc sử dụng lệch lạc quyền tự do trong đời sống cá
nhân và các dân tộc ?
Đức
vâng phục đặc thù của đời thánh hiến là một lời đáp ứng hữu hiệu cho tình trạng
trên. Đức vâng phục tu trì giới thiệu một cách thật hùng hồn việc Đức Ki-tô
vâng phục Chúa Cha như một gương mẫu điển hình, và khởi đi từ mầu nhiệm Đức
Ki-tô, đức vâng phục tu trì minh chứng rằng vâng phục và tự do không mâu thuẫn
với nhau. Thật vậy, thái độ của Chúa Con biểu lộ cho thấy mầu nhiệm tự do của
con người là một con đường vâng phục ý Chúa Cha, và mầu nhiệm vâng phục là một
con đường để dần dần chinh phục sự tự do chân chính. Người tận hiến muốn diễn
tả mầu nhiệm đó qua lời khấn tuân phục. Như thế người tận hiến muốn cho thấy họ
ý thức mối tương quan nghĩa tử, từ đó họ đón nhận ý Chúa Cha làm lương thực
hằng ngày (x. Ga 4,34), làm đá tảng vững chắc, làm niềm vui, làm thuẫn đỡ, và
nơi trú ẩn cho họ (x. Tv 18 (17),3). Người tận hiến cho thấy họ lớn lên trong
chân lý toàn diện về con người của họ, họ được gắn liền với nguồn mạch hiện hữu
của họ và công bố sứ điệp đầy an ủi này : "Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình
thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào" (Tv 119 (118),165).
Cùng
nhau thực hiện thánh ý Chúa Cha
92.
Chứng tá của những người tận hiến mang một ý nghĩa đặc biệt, vì chiều kích cộng
đoàn là nét đặc thù của đời tu. Đời sống huynh đệ là chỗ tốt nhất để nhận định
và đón nhận ý Thiên Chúa, để cùng nhau tiến bước một lòng một trí với nhau. Nhờ
đức ái truyền thêm sinh khí, đức vâng phục liên kết những thành viên của một tu
hội vào cùng một chứng tá và cùng một sứ mạng, tuy vẫn tôn trọng những hồng ân
khác biệt và cá tính mỗi người. Trong đời sống huynh đệ được Thánh Thần linh
hoạt, mỗi người trân trọng đối thoại với các người khác để tìm ra ý Chúa Cha.
Đồng thời tất cả mọi người đều nhận ra nơi người phụ trách hiện thân tình phụ
tử của Thiên Chúa, và quyền bính Thiên Chúa trao ban là để dùng vào việc biện
phân và hiệp thông (228).
Trong
Giáo Hội và trong xã hội, đời sống cộng đoàn còn là một dấu chỉ đặc biệt của
mối dây liên kết bắt nguồn từ cùng một tiếng gọi và ý định muốn tuân theo tiếng
gọi ấy, cho dù có khác chủng tộc, gốc gác, ngôn ngữ hay văn hoá. Trái ngược lại
với tinh thần bất thuận và chia rẽ, quyền bính và vâng phục trở thành một dấu
chỉ sáng ngời của tình phụ tử duy nhất đến từ Thiên Chúa, của tình huynh đệ
phát xuất từ Thánh Thần, của tự do nội tâm nơi những con người đã phó thác cho
Thiên Chúa, bất chấp những giới hạn của những con người đại diện Thiên Chúa.
Một số người chấp nhận vâng phục làm luật sống, nhờ đó họ kinh nghiệm được mối
phúc Đức Giê-su hứa cho những "kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên
Chúa" (Lc 11,28), và họ công bố điều đó vì lợi ích của mọi người. Hơn nữa,
ai vâng phục thì được bảo đảm là mình đang thi hành sứ mạng, bước theo Chúa chứ
không phải là theo ước muốn hay theo cảm hứng riêng của mình. Như thế, họ có
thể biết rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa dẫn đưa và được bàn tay dũng mãnh
của Người nâng đỡ, ngay giữa lúc gặp những khó khăn gian khổ (x. Cv 20,22-24).
Cương
quyết dấn mình vào đời sống tâm linh
93.
Một trong những ưu tư đã được Thượng hội đồng nhắc tới nhiều lần, đó là đời
thánh hiến cần được nuôi dưỡng tại nguồn cội đời sống tâm linh vững chắc và sâu
xa. Thật ra, đây là yêu sách hàng đầu nằm trong bản chất của đời thánh hiến ;
bởi vì cũng như mọi Ki-tô hữu khác, và thậm chí còn hơn thế nữa, ai đã tuyên
giữ những lời khuyên Phúc Âm có nghĩa vụ phải dồn hết sức lực hướng về sự trọn
lành của đức ái (229). Nghĩa vụ này được đề cao xán lạn qua gương sáng của vô
vàn các thánh lập dòng và của đông đảo những người tận hiến đã trung thành làm
chứng cho Đức Ki-tô cho đến chết.
Hướng
về sự thánh thiện, đó là bản tóm kết chương trình mọi cuộc đời thánh hiến, cách
riêng trong viễn tượng canh tân trước thềm thiên niên kỷ thứ ba. Khởi điểm của
chương trình này là sự kiện phải bỏ tất cả để theo Đức Ki-tô (x. Mt 4,18-22 ;
19,21-27 ; Lc 5,11), không lấy gì làm hơn Đức Ki-tô, để có thể thông phần trọn
vẹn vào mầu nhiệm Vượt Qua.
Thánh
Phao-lô đã hiểu đúng điều đó khi công bố : "Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt
thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi
[...] được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã
phục sinh" (Pl 3,8.10). Đây là con đường mà các Tông Đồ đã mở ra ngay từ
đầu, theo như truyền thống Ki-tô hữu ở Đông Phương và Tây Phương để lại :
"Ngày nay những người theo Đức Giê-su từ bỏ tất cả vì Người làm cho người
ta nhớ đến các tông đồ xưa kia cũng đáp lại lời Chúa gọi, đã bỏ mọi sự mà đi
theo Người. Cũng theo truyền thống đó, đời tu được gọi là một hình thức sống
đời tông đồ, apostolica vivendi forma" (230). Truyền thống đó đã nêu bật
trong đời tận hiến khía cạnh giao ước duy nhất với Thiên Chúa, và cả khía cạnh
hôn ước với Đức Ki-tô nữa, điều mà thánh Phao-lô rao giảng bằng gương sáng (x.
1 Cr 7,7) bằng lời giảng, nhờ được Thần Khí soi sáng (x. 1 Cr 7,40).
Chúng
ta có thể nói rằng đời sống tâm linh, được hiểu như là sống với Đức Ki-tô và do
Thánh Linh hướng dẫn, là một cuộc hành trình mỗi ngày một trung tín hơn, trong
đó người tận hiến được Thánh Thần soi dẫn và biến đổi trở thành Đức Ki-tô, trọn
niềm hiệp thông trong tình yêu và phục vụ trong Giáo Hội.
Tất
cả những yếu tố vừa nói, được hội nhập vào trong những hình thức khác nhau của
đời thánh hiến, kết thành một linh đạo đặc thù, nghĩa là một dự phóng cụ thể
sống tương quan với Thiên Chúa và với môi trường chung quanh, với những nét
nhấn về mặt tinh thần hay về hình thức hoạt động tông đồ, do đó mà một khía
cạnh này hay khía cạnh khác trong mầu nhiệm duy nhất của Đức Ki-tô được biểu
dương hay hoạ lại. Khi công nhận một hình thức đời thánh hiến hay một tu hội,
Giáo Hội công bố rằng trong đoàn sủng thiêng liêng và tông đồ đã hội đủ những
điều kiện khách quan để đạt tới sự toàn hảo theo Tin Mừng cho mỗi người và cho
cộng đoàn.
Đời
sống tâm linh phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình của mọi gia đình
tận hiến, ngõ hầu mọi tu hội và mọi cộng đoàn trở thành những trường học về
linh đạo Phúc Âm chân chính. Từ việc lựa chọn ưu tiên đó mà mỗi người và mỗi
cộng đoàn cương quyết sống, phát sinh một đời sống tông đồ phong phú, một mối
tình quảng đại dành cho người nghèo, và khả năng khai sinh những ơn gọi mới
trong thế hệ trẻ. Chính phẩm chất thiêng liêng của đời thánh hiến mới lay
chuyển được những con người thời đại này đang khao khát những giá trị tuyệt đối
và trở thành một lời chứng hấp dẫn.
Lắng
nghe Lời Thiên Chúa
94.
Lời Thiên Chúa là nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo Ki-tô giáo. Lời Chúa
nuôi dưỡng tương quan thân tình với Thiên Chúa hằng sống, với ý định cứu chuộc
và thánh hoá của Người. Vì thế mà ngay từ buổi khai nguyên của các hội đoàn tận
hiến, và đặc biệt trong các đan viện, việc suy gẫm Sách Thánh - lectio divina -
đã được quý trọng. Nhờ đọc Sách Thánh mà Lời Thiên Chúa thấm vào cuộc sống,
chiếu dọi ánh sáng của sự khôn ngoan, hồng ân của Thánh Thần. Đành rằng trọn
Kinh Thánh đều "có ích cho việc giảng dạy" (2 Tm 3,16). là nguồn mạch
thanh khiết và không bao giờ cạn cho đời sống tâm linh" (231), nhưng các
bản văn Tân Ước đáng được tôn trọng đặc biệt, nhất là các sách Tin Mừng,
"trái tim của toàn bộ Sách Thánh" (232). Những người tận hiến nên
chăm chú suy niệm chính bản văn Tin Mừng và các bản văn Tân Ước khác, vì chúng
diễn đạt lời nói và gương sáng của Chúa Ki-tô và Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, đồng
thời cũng cho thấy hình thức sống đời tông đồ. Các đấng lập dòng luôn luôn quy
chiếu vào đó để đáp trả tiếng gọi và để biện phân đoàn sủng cũng như sứ mạng
của tu hội.
Việc
chung nhau suy niệm Lời Chúa trong Kinh Thánh có một giá trị lớn. Tuỳ theo khả
năng và hoàn cảnh của mỗi cộng đoàn, khi suy niệm Lời Thiên Chúa chung với
nhau, các anh chị em vui sướng chia sẻ cho nhau những kho tàng kín múc từ Lời
Thiên Chúa, nhờ đó họ cùng tiến lên và giúp nhau bước đi trong đời sống tâm
linh. Cũng nên chia sẻ việc chung nhau suy niệm Lời Chúa cho những thành phần
khác trong Dân Thiên Chúa, linh mục cũng như giáo dân. Điều này đưa tới việc
thiết lập, tuỳ theo cách thức hợp với đoàn sủng, những trường dạy cầu nguyện,
dạy linh đạo, và cách đọc và suy niệm Lời Chúa, trong đó "Thiên Chúa ngỏ
lời với loài người như với bạn hữu" (x. Xh 33,11 ; Ga 15,14-15), đối thoại
với họ (Br 3,88) để mời gọi và đón nhận họ hiệp thông với Người (233).
Suy
niệm Lời Thiên Chúa và đặc biệt suy niệm các mầu nhiệm Đức Ki-tô, như truyền
thống chỉ dạy chúng ta, dẫn tới chiêm niệm sâu thẳm và nhiệt tâm hoạt động tông
đồ. Trong đời đan tu cũng như trong đời hoạt tu, luôn luôn những người nào biết
cầu nguyện mới làm được những công việc lớn, bởi vì họ biết nhận ra đúng ý
Thiên Chúa và đem ra thực hành. Nhờ năng tiếp xúc với Lời Thiên Chúa, họ được
soi sáng để biện phân cho chính bản thân và cho cộng đoàn, để tìm ra đường lối
của Chúa trong các dấu chỉ của thời đại. Nhờ có một thứ bản năng siêu nhiên, họ
không rập theo não trạng thế tục, mà đổi mới tâm thần để "nhận ra đâu là ý
Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo"
(Rm 12,2).
Hiệp
thông với Đức Ki-tô
95.
Để thực sự hiệp thông với Chúa, phụng vụ thánh hẳn là một phương tiện chính
yếu, đặc biệt là việc cử hành Thánh lễ và Các giờ kinh phụng vụ. "Thật
vậy, việc cử hành Thánh Thể chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội,
đó chính là Đức Ki-tô, lễ Vượt Qua của chúng ta, Người là Bánh hằng sống, ban
sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã được sống động nhờ
Thánh Thần và làm cho người ta được sống" (234). Bí tích Thánh Thể là tâm
điểm của đời sống Giáo Hội và cũng là tâm điểm của đời sống thánh hiến. Khi
tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm, làm sao một người đã được kêu mời chọn Đức
Ki-tô là Đấng duy nhất có thể đem lại ý nghĩa cho cuộc đời mình, lại không ao ước
hiệp thông sâu xa với Người, nhờ tham gia mỗi ngày vào bí tích làm cho Người
hiện diện, vào hy lễ làm cho tình yêu dâng hiến của Người trên đồi Gôn-gô-tha
tái diễn, vào bữa tiệc nuôi dưỡng và nâng đỡ Dân Thiên Chúa suốt cuộc lữ hành ?
Do tự bản chất, bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống thánh hiến của mỗi
người và mỗi cộng đoàn. Đó là của ăn đường mỗi ngày và nguồn mạch linh đạo cho
những cá nhân và các tu hội. Trong bí tích Thánh Thể, mỗi người tận hiến được
mời gọi sống mầu nhiệm vượt qua của Đức Ki-tô, hợp nhất với Người trong cuộc
hiến dâng mạng sống lên cho Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần. Chuyên cần chiêm ngắm
lâu dài Đức Ki-tô hiện diện trong Thánh Thể cho chúng ta được sống phần nào
kinh nghiệm của thánh Phê-rô trong cuộc Biến Hình : "Chúng con ở đây thật
là đẹp". Và việc cử hành mầu nhiệm Mình và Máu Chúa củng cố và phát triển
sự hiệp nhất và tình yêu thương của những người đã dâng hiến cho Thiên Chúa
trót cả cuộc đời.
Cùng
với bí tích Thánh Thể, và nối kết chặt chẽ với bí tích này, Các giờ kinh phụng
vụ được cử hành hoặc chung hoặc riêng tuỳ bản chất của mỗi tu hội, trong sự
hiệp thông vào lời cầu nguyện của Giáo Hội, diễn tả ơn gọi ca ngợi và chuyển
cầu là đặc trưng của những người tận hiến.
Bí
tích Thánh Thể cũng liên hệ chặt chẽ với quyết tâm hoán cải liên lỉ và nhu cầu
được thanh luyện : đó là điều mà những người tận hiến thi hành trong bí tích
Hoà Giải. Nhờ thường xuyên gặp gỡ Thiên Chúa khoan dung, những người tận hiến
thanh tẩy và canh tân tâm trí và, nhờ khiêm tốn ý thức tội lỗi của mình, những
tương quan của họ với Thiên Chúa trở nên trong sáng hơn : trên con đường cùng
đi với anh chị em mình, kinh nghiệm hạnh phúc được tha thứ trong bí tích, khiến
lòng họ trở nên ngoan ngoãn hơn và thúc giục họ tiến hơn trong lòng trung tín.
Để
tiến trên con đường Tin Mừng, đặc biệt trong thời gian huấn luyện hay trong vài
giai đoạn của cuộc sống, người ta được nâng đỡ nhiều, khi tin tưởng và khiêm
tốn tìm đến việc linh hướng, nhờ đó con người được nâng đỡ để quảng đại đáp trả
những thôi thúc của Thánh Thần và quyết tâm đạt tới sự thánh thiện.
Cuối
cùng, tôi khích lệ mọi người tận hiến tuỳ theo truyền thống riêng của mình,
hằng ngày hãy đổi mới việc kết hợp thiêng liêng với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, khi
cùng với Mẹ ôn lại những mầu nhiệm của Con Mẹ, đặc biệt nhờ việc lần chuỗi Mân
Côi.
III. VÀI LÃNH VỰC TRUYỀN GIÁO
Hiện
diện trong môi trường giáo dục
96.
Giáo Hội vẫn luôn luôn xác tín rằng giáo dục là một yếu tố chính yếu trong sứ
mạng của Giáo Hội. Thầy nội tâm là Chúa Thánh Thần, Đấng dò thấu những nơi thẳm
sâu không thể đạt tới nhất trong lòng người, cũng là Đấng thấu suốt chuyển động
thầm kín của lịch sử. Toàn thể Giáo Hội được Thánh Thần linh hoạt và cùng với
Người chu toàn sứ vụ giáo dục.
Tuy
vậy, trong lòng Giáo Hội, những người tận hiến giữ một vai trò đặc biệt, vì
được mời đem vào môi trường giáo dục chứng tá triệt để về những của cải Nước
Trời, được đề nghị cho hết mọi người trong khi chờ đợi gặp gỡ vĩnh viễn vị Chủ
Tể của lịch sử. Nhờ ơn thánh hiến đặc biệt, nhờ kinh nghiệm đặc biệt về những
ân huệ của Thánh Thần, nhờ việc chuyên cần lắng nghe Lời Chúa và thực hiện biện
phân thiêng liêng, nhờ hưởng gia tài phong phú của những truyền thống giáo dục
mà tu hội đã tích luỹ được với thời gian, nhờ hiểu biết uyên thâm về những chân
lý thiêng liêng (x. Ep 1,17), những người tận hiến có khả năng tiến hành một
công trình giáo dục đặc biệt hữu hiệu, đóng góp một cách chuyên biệt vào công
trình mà những nhà giáo dục khác đã thực hiện.
Được
trang bị vững chắc nhờ đoàn sủng như vậy, những người tận hiến có thể tạo ra những
cơ cấu giáo dục thấm nhuần tinh thần tự do và bác ái Phúc Âm, nơi đây các thanh
thiếu niên trẻ được giúp trưởng thành về mặt nhân bản dưới sự hướng dẫn của
Thánh Thần (235). Cộng đoàn giáo dục được trở thành một kinh nghiệm hiệp thông
và một lãnh vực cho ân sủng, nơi đây dự phóng sư phạm liên kết hài hoà tôn giáo
với nhân bản, Tin Mừng với văn hoá, đức tin với cuộc sống.
Lịch
sử Giáo Hội xưa nay đầy dẫy những gương sáng tuyệt vời của những người tận hiến
đã sống và đã nên thánh qua việc dấn thân vào công việc dạy dỗ, nêu lên sự
thánh thiện như một mục tiêu của việc giáo dục. Thật vậy, rất nhiều vị đã đạt
tới đức mến hoàn hảo qua công tác giáo dục. Đó là một trong những tặng phẩm quý
hoá nhất mà những con người tận hiến có thể trao cho giới trẻ ngày nay, qua tác
vụ giáo dục đầy yêu thương, theo như lời nhắn nhủ khôn ngoan của thánh Gio-an
Bốt-cô : "Làm sao cho những người trẻ không những được yêu thương mà còn
cảm nghiệm là họ được yêu thương" (236).
Cần
phải canh tân việc dấn thân trong lãnh vực giáo dục
97.
Với thái độ vừa nhạy cảm tinh tế lại vừa táo bạo truyền giáo, những người tận
hiến cần minh chứng rằng niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô soi sáng lãnh vực giáo
dục, không những không coi nhẹ những giá trị nhân bản mà còn củng cố và thăng
tiến chúng nữa. Những người tận hiến trở thành chứng nhân và khí cụ biểu dương
quyền năng của Nhập Thể và sức mạnh của Thánh Thần. Hoạt động này là một trong
những cách biểu hiện có ý nghĩa nhất tình mẫu tử mà Giáo Hội dành cho mọi con
cái, theo gương Đức Ma-ri-a (237).
Vì
vậy mà Thượng hội đồng khẩn khoản khuyến khích những người tận hiến hãy quyết
tâm trở về với sứ mạng giáo dục, ở những nơi nào còn có thể làm được, trong
những loại trường khác nhau, cho nhiều cấp lớp, các trường đại học và các viện
cao học (238). Tôi hoàn toàn tán đồng chỉ thị của Thượng hội đồng, và tôi tha
thiết khuyên những thành viên các tu hội có ơn gọi giáo dục, hãy trung thành
với đoàn sủng tiên khởi và những truyền thống của họ, hãy ý thức rằng tình yêu
dành ưu tiên cho người nghèo cũng được thể hiện cách riêng khi chọn lựa những
phương tiện đặc biệt nhằm giải phóng con người khỏi hình thức tồi tệ của cảnh
bần cùng, tức là thiếu đào tạo về văn hoá và tôn giáo.
Xét
vì các đại học và phân khoa Công Giáo và Giáo Hội có một tầm quan trọng lớn
trong lãnh vực giáo dục và loan báo Tin Mừng, nên các tu hội phụ trách các cơ
sở đó phải ý thức trách nhiệm của mình, và phải làm sao cho các cơ chế đó, ngay
trong cuộc đối thoại sôi nổi với nền văn hoá hiện đại, vẫn giữ được nét Công
Giáo đặc thù, vẫn trung thành với giáo huấn của Hội Thánh. Hơn nữa, tuỳ theo
hoàn cảnh, những thành viên của các dòng tu và của các tu đoàn cũng phải sẵn
sàng gia nhập vào những cơ cấu giáo dục của Nhà Nước. Những thành viên của các
tu hội đời, vì ơn gọi chuyên biệt của họ, được đặc biệt mời tham gia vào những
cơ cấu đó.
Phúc
Âm hoá nền văn hoá
98.
Các hội dòng tận hiến luôn có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành và truyền đạt
nền văn hoá. Vào thời Trung Cổ, các đan viện đã trở thành nơi tích trữ kho tàng
văn hoá của quá khứ, và nơi phát triển nền văn hoá nhân bản và Ki-tô giáo. Điều
này vẫn tái diễn mỗi khi ánh sáng Tin Mừng lan đến những dân tộc mới. Biết bao
người tận hiến đã góp phần phát triển nền văn hoá, họ đã nghiên cứu và bảo vệ
những nền văn hoá bản xứ. Ngày nay trong Giáo Hội, người ta đặc biệt cảm thấy
nhu cầu tham gia vào việc thăng tiến các nền văn hoá, mở rộng cuộc đối thoại
giữa văn hoá và đức tin.
Hẳn
là những người tận hiến cảm thấy bị thôi thúc trước nhu cầu đó. Để loan báo Lời
Thiên Chúa, những người tận hiến cũng được mời chọn những phương pháp thích hợp
nhất với nhu cầu của các nhóm và của các môi trường nghiệp vụ khác nhau, ngõ
hầu ánh sáng của Đức Ki-tô lọt được vào mọi lãnh vực đời sống con người và
những mầm mống cứu độ biến đổi từ bên trong đời sống xã hội, phát huy sự hình
thành một nền văn hoá thấm nhuần các giá trị Tin Mừng (240). Trước ngưỡng cửa
thiên niên kỷ Ki-tô giáo thứ ba, đời thánh hiến cũng có thể dấn thân canh tân
cách thực hiện ý Thiên Chúa, Đấng đến gặp gỡ hết mọi người đang dò dẫm đi tìm
chân lý và sự sống (x. Cv 17,27), dù cách có ý thức hay vô thức.
Dù
sao, ngoài việc giúp đỡ tha nhân, chính ngay trong đời sống thánh hiến cũng có
nhu cầu canh tân sự miệt mài với sinh hoạt trí thức, bởi vì sự chuyên cần học
tập là một phương thức giáo dục toàn diện con người và là một con đường khổ chế
rất hiện đại, nhất là phải đối diện với những nền văn hoá đa dạng khác. Sự lơ
là học tập có thể có những hậu quả trầm trọng ngay cả trên hoạt động tông đồ,
đưa tới mặc cảm bị gạt ra lề và tự ti, hoặc đưa tới những sáng kiến nông cạn và
hời hợt.
Dù
vẫn tôn trọng tính đa dạng của các đoàn sủng và những khả năng thực thụ của các
tu hội, sự quan tâm dành cho việc học tập không chỉ thu hẹp vào việc huấn luyện
khởi đầu hay lãnh được những bằng cấp chuyên khoa và chuyên nghiệp. Quan tâm
học hỏi biểu lộ lòng ao ước không bao giờ thoả, muốn hiểu biết sâu xa hơn nữa
về Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng thẳm sâu và là nguồn mạch mọi chân lý về con
người. Quan tâm học hỏi không chỉ giản lược vào việc thu thập một mớ kiến thức
trừu tượng, không được khép kín người tận hiến trong một vòng đai tự mãn ngột
ngạt ; trái lại, quan tâm học hỏi cổ võ đối thoại và chia sẻ, phát huy óc phán
đoán, thúc đẩy chiêm niệm và cầu nguyện, luôn luôn tìm kiếm Thiên Chúa và nhận
ra hoạt động của Người ngay giữa thực tại phức tạp của thế giới đương thời.
Nhờ
để cho Chúa Thánh Thần biến đổi, người tận hiến có khả năng nới rộng chân trời
những ước muốn phàm trần hẹp hòi, và đồng thời cũng nắm bắt được những chiều
sâu thẳm nơi mỗi cá nhân và nơi lịch sử, biết lướt qua những hình thức bên
ngoài thường chỉ có nghĩa thứ yếu. Rất nhiều thách đố mọc lên trong những nền
văn hoá khác nhau : vì vậy, cần phải duy trì sự trao đổi phong phú với những
môi trường mới nẩy sinh, hay với những truyền thống quá quen thuộc của đời tận
hiến, nhờ một óc phán đoán sắc sảo, tuy vẫn biết tin tưởng những người phải đối
đầu với những khó khăn của công cuộc nghiên cứu trí thức, nhất là những lúc
phải cố gắng phân tích và tổng hợp những vấn đề mới xuất hiện vào thời đại này
(241). Người ta không thể loan báo Tin Mừng một cách nghiêm túc và đáng giá cho
những môi trường mới hình thành và lưu truyền một nền văn hoá mới, nếu không có
sự hợp tác tích cực của những giáo dân đang dấn thân trong những môi trường đó.
Hiện
diện trong lãnh vực truyền thông xã hội
99.
Trong quá khứ, những người tận hiến đã biết đem mọi phương tiện có trong tay
phục vụ việc loan báo Tin Mừng, đã biết khôn khéo ứng phó với những trở ngại,
thì ngày nay, những người tận hiến cũng phải làm chứng cho Tin Mừng với những
phương tiện truyền thông xã hội tân tiến. Nhờ những tiến bộ kỹ thuật đại tài,
các phương tiện truyền thông có khả năng đạt tới tận những vùng xa xôi nhất
trên mặt đất. Những người tận hiến, nhất là thuộc các tu hội có đặc sủng hoạt
động trong lãnh vực này, lại càng phải đào luyện để hiểu biết vững vàng về ngôn
ngữ đặc thù của các phương tiện truyền thông, để nói về Đức Ki-tô cách thuyết
phục cho con người ngày nay, để diễn tả được "niềm vui mừng và hy vọng, ưu
sầu và lo lắng của con người ngày nay" (242) và để góp phần xây dựng một
thế giới trong đó mọi người đều cảm nhận được họ là anh chị em với nhau, cùng
đi trên con đường tiến đến Thiên Chúa.
Tuy
vậy, cũng vẫn phải đề cao cảnh giác trước sự sử dụng lệch lạc những phương tiện
truyền thông, nhất là vì khả năng thu hút phi thường. Không nên che dấu những
vấn đề chúng đặt ra cho chính đời thánh hiến : thà nhìn thẳng vào vấn đề với óc
phán đoán sáng suốt còn hơn (243). Lời giải đáp của Giáo Hội tiên vàn mang tính
giáo dục : nó muốn giúp thấu đạt những lý luận ẩn tàng, và biết lượng giá tính
chất luân lý của các chương trình, đồng thời cũng tạo cơ hội để luyện những tập
quán tốt trong việc sử dụng chúng (244). Trong công tác giáo dục nhằm đào tạo
những khán thính giả thành thạo và những chuyên viên về truyền thông, những
người tận hiến được kêu mời làm chứng đặc biệt về tính cách tương đối của mọi
thực tại thụ tạo. Nhờ vậy họ giúp anh chị em mình biết đánh giá các phương tiện
truyền thông theo kế hoạch Thiên Chúa, và đồng thời không để cho mình bị ám ảnh
bởi "bộ mặt thế gian này đang biến đi" (x. 1 Cr 7,31).
Phải
khuyến khích mọi nỗ lực trong lãnh vực quan trọng và mới mẻ này để làm việc
tông đồ, ngõ hầu Tin Mừng của Đức Ki-tô được loan báo bằng những phương tiện
hiện đại. Các tu sĩ hãy sẵn sàng hợp tác bằng cách đầu tư sức lực, phương tiện
và nhân sự, để thực hiện những dự án chung trong những lãnh vực khác nhau của
truyền thông xã hội. Hơn nữa, những người tận hiến, và đặc biệt những thành
viên của các tu hội đời, tuỳ theo nhu cầu mục vụ, nên nhiệt tình tham gia vào
việc đào tạo về mặt tôn giáo cho những người phụ trách và nhân viên trong ngành
truyền thông xã hội dù công hay tư. Nhờ vậy, sẽ vừa hạn chế được những tai hại
do việc sử dụng lệch lạc những phương tiện truyền thông, vừa gia tăng phẩm chất
các chương trình với nội dung biết tôn trọng luật lệ luân lý và giá trị nhân
bản và Ki-tô giáo.
IV. DẤN THÂN ĐỐI THOẠI VỚI MỌI NGƯỜI
Phục
vụ sự hiệp nhất các Ki-tô hữu
100.
Lời cầu của Đức Ki-tô trước cuộc thương khó, xin Chúa Cha cho các môn đệ được
hiệp nhất (x. Ga 17,21-23), được tiếp nối trong lời cầu nguyện và hoạt động của
Giáo Hội. Làm sao những người được kêu mời sống đời thánh hiến lại không cảm
thấy có liên can đến điều đó ? Vết thương từ sự chia rẽ giữa các Ki-tô hữu và
nhu cầu khẩn trương phải cầu nguyện và hoạt động cho sự hiệp nhất hết mọi Ki-tô
hữu là điều được cảm nhận sâu sắc tại Thượng hội đồng. Cảm quan đại kết của
những người tận hiến được tăng thêm khi biết rằng trong những Giáo Hội khác và
những cộng đoàn Giáo Hội, đời sống đan tu đã và còn phát triển mạnh mẽ, như tại
các Giáo Hội Đông Phương, hay việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm được phục
hồi, như trong Giáo Hội Anh Quốc hay tại những cộng đoàn Cải cách.
Thượng
hội đồng đã nêu lên mối liên hệ sâu xa giữa đời thánh hiến với công trình đại
kết và sự cần thiết có một chứng tá rõ rệt hơn trong lãnh vực này. Bởi vì linh
hồn của đại kết là cầu nguyện và hoán cải (245), nên chắc hẳn các hội dòng tận
hiến và những tu đoàn tông đồ có bổn phận đặc biệt phải vun trồng việc dấn thân
này. Điều cấp thiết là những người tận hiến phải dành nhiều chỗ hơn trong cuộc
sống cho lời cầu nguyện đại kết và cho chứng tá chân thật về Tin Mừng, nhờ vậy
với sức mạnh Chúa Thánh Thần, những bức tường chia rẽ và những thành kiến giữa
các Ki-tô hữu sẽ được hạ xuống.
Các
hình thức đối thoại đại kết
101.
Chia sẻ việc đọc và suy niệm lời Chúa - lectio divina - trên đường tìm chân lý,
họp nhau cầu nguyện chung vì Chúa đã hứa hiện diện ở giữa những anh chị em họp
lại với nhau (x. Mt 10,20), đối thoại trong tình thân hữu và bác ái giúp cảm nghiệm
được anh em sống chung với nhau dịu ngọt dường nào (x. Tv 133 (132)), thân ái
tiếp đón những anh chị em thuộc các hệ phái Ki-tô giáo, tìm hiểu và trao đổi ân
huệ cho nhau, hợp tác trong những sáng kiến chung để phục vụ và để làm chứng :
đó là một vài hình thức của việc đối thoại đại kết, đẹp lòng Cha chung, và là
dấu chỉ của ý muốn cùng tiến tới sự hiệp nhất toàn hảo trên con đường dẫn đến
chân lý và yêu thương (246). Đồng thời sự hiểu biết về lịch sử, về đạo lý, về
phụng vụ, về công việc bác ái và tông đồ của các Ki-tô hữu khác chắc chắn sẽ
giúp cho công cuộc đại kết ngày càng mang lại nhiều kết quả (247).
Tôi
muốn khích lệ các tu hội, hoặc ngay từ nguyên thuỷ hoặc mới nhận được ơn gọi
phát huy sự hiệp nhất Ki-tô hữu, tổ chức những chương trình học tập và hành
động cụ thể trong chiều hướng đó. Thật ra thì không tu hội nào được cảm thấy
mình được miễn hoạt động cho công trình đại kết. Hơn nữa tôi nghĩ đến Giáo Hội
Công Giáo Đông Phương và mong rằng chính vì nơi đây đời đan tu nam nữ đang phát
triển (đó là một hồng ân cứ phải khấn xin luôn mãi), mà các Giáo Hội Công Giáo
Đông Phương có thể đóng góp vào sự hiệp nhất với các Giáo Hội chính thống, nhờ
đối thoại với lòng yêu thương, chia sẻ một linh đạo chung, di sản của Hội Thánh
bất phân ly của thiên niên kỷ đầu tiên.
Tôi
đặc biệt ký thác cho các đan viện chiêm niệm công trình đại kết thiêng liêng
của cầu nguyện, của hoán cải trái tim, của tình bác ái. Nhằm mục đích này, tôi
khích lệ họ hiện diện ở những nơi có nhiều cộng đoàn Ki-tô hữu có những danh
xưng khác nhau, ngõ hầu việc họ hiến dâng trọn vẹn cho "một điều cần thiết
duy nhất" (x. Lc 10,42) qua việc thờ phượng Thiên Chúa và chuyển cầu cho
nhân loại được cứu độ, qua chứng tá đời sống Tin Mừng theo đoàn sủng riêng, họ
thúc giục mọi người sống hiệp nhất theo hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa, sự hiệp
nhất mà Đức Giê-su đã muốn và đã cầu xin Chúa Cha cho tất cả môn đệ của Người.
Đối
thoại giữa các tôn giáo
102.
Chính vì "đối thoại liên tôn là một phần sứ mạng loan báo Tin Mừng của
Giáo Hội" (248) mà các hội dòng tận hiến không thể không dấn thân trong
lãnh vực này, mỗi tu hội theo đoàn sủng của mình và theo hướng dẫn của giáo
quyền. Hình thức đầu tiên loan báo Tin Mừng cho các anh chị em thuộc tôn giáo
khác là chứng tá đơn sơ của một đời sống khó nghèo, khiêm nhu và khiết tịnh,
thấm nhuần tình yêu huynh đệ dành cho mọi người. Đồng thời, tinh thần tự do,
đặc điểm của đời thánh hiến, sẽ hỗ trợ cho "cuộc đối thoại từ cuộc
sống" (249), khuôn mẫu điển hình của việc truyền giáo và việc loan báo Tin
Mừng Đức Ki-tô. Để giúp hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau và yêu thương nhau hơn,
các dòng tu có thể theo đuổi những hình thức đối thoại thích hợp, đượm tình
thân ái và chân thành, với các đan sĩ của các tôn giáo khác.
Một
lãnh vực khác nữa để cộng tác với những người thuộc những truyền thống tôn giáo
khác nhau là sự cùng quan tâm đến đời sống con người, đi từ lòng thương cảm
trước nỗi đau khổ của thân xác và linh hồn đến việc dấn thân vì công lý, hoà
bình và bảo vệ môi sinh. Trong những lãnh vực này, các tu hội hoạt động sẽ tìm cách
trao đổi với những thành viên các tôn giáo khác, qua "cuộc đối thoại của
hoạt động" (250) mở đường cho một sự chia sẻ sâu xa hơn.
Việc
phục hồi và thăng tiến phẩm giá người phụ nữ cũng là một lãnh vực đặc biệt để
những người thuộc những truyền thống tôn giáo khác nhau có cơ hội chung nhau
hoạt động. Để đạt tới cái nhìn bình đẳng và hỗ tương chính đáng giữa người nam
và người nữ, những phụ nữ tận hiến có thể mang lại những đóng góp đáng giá
(251).
Dù
trong lãnh vực nào, những ai dấn thân vào cuộc đối thoại liên tôn phải được
chuẩn bị thích hợp trong thời gian huấn luyện khởi đầu và thường huấn, cũng như
trong việc học tập và nghiên cứu (252), vì đây là một lãnh vực khá phức tạp,
đòi hỏi một sự hiểu biết sâu xa về Ki-tô giáo và các tôn giáo khác, đồng thời cũng
cần có một niềm tin vững chắc và một sự trưởng thành về mặt thiêng liêng và
nhân bản.
Một
giải đáp tâm linh cho những ai tìm kiếm điều linh thiêng và những ai hoài niệm
Thiên Chúa
103.
Tất cả những ai đã ôm ấp đời sống thánh hiến thì, tự bản chất của lựa chọn đó,
đều trở thành những tác nhân ưu tiên trong việc tìm kiếm Thiên Chúa, một điều
mà lòng người từ bao đời vẫn khát khao và dẫn con người tới biết bao con đường
khổ hạnh và tu đức. Ngày nay, tại nhiều nơi, việc tìm kiếm Thiên Chúa nổi lên
như một lời giải đáp hùng hồn cho những nền văn hoá nào nếu chưa phủ định thì
ít nhất cũng đã gạt chiều kích tôn giáo ra ngoài cuộc sống.
Khi
sống kiên trung và trọn vẹn những điều đã tự do cam kết, những người tận hiến
có thể đưa ra những lời giải đáp cho những chờ mong của con người đương thời,
và tránh cho họ đi tìm những giải pháp hầu như hoang tưởng và thường phủ nhận
sự Nhập Thể cứu chuộc của Đức Ki-tô (x. 1 Ga 4,2-3) như các giáo phái bày vẽ ra
cho họ. Khi thực hành khổ chế cá nhân và cộng đoàn, giúp thanh luyện và biến
đổi toàn thể cuộc sống, những người tận hiến làm chứng về những điều kiện để
tìm Thiên Chúa một cách chân thực, ngược hẳn với cám dỗ chỉ tìm bản ngã và cảm
khoái. Những người tận hiến cũng nhắc nhở đừng đồng hoá việc tìm Thiên Chúa với
việc đi tìm chính mình hoặc trốn vào ý tưởng cao siêu. Mỗi người tận hiến phải
hình thành con người nội tâm, không tìm thoát ra ngoài lịch sử và cũng không
thu lại chính mình. Khi chăm chú lắng nghe và tuân theo Lời Chúa được Hội Thánh
bảo vệ và giải thích, người tận hiến cho thấy nơi Đức Ki-tô mà họ yêu mến trên
hết mọi sự, và nơi mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, điều mà lòng người mong ước
sâu xa nhất đã được đáp ứng, và mọi cuộc hành trình tôn giáo chân thành hướng
về cõi siêu việt đã tìm được đích điểm.
Vì
vậy, những người tận hiến có bổn phận quảng đại đón tiếp và đồng hành thiêng
liêng với những ai đến tìm họ, vì được thúc đẩy do lòng khao khát Thiên Chúa và
ước ao sống những đòi hỏi của lòng tin (253).
Quảng
đại cho đi không tính toán
104.
Ngày nay có nhiều người thắc mắc tự hỏi : đời tận hiến có ý nghĩa gì ? Tại sao
lại chọn đời sống đó đang khi có biết bao nhu cầu cấp bách trong lãnh vực bác
ái và cả trong việc loan báo Tin Mừng nữa, có thể đáp ứng được mà không cần
phải chấp nhận những cam kết đặc biệt của đời thánh hiến ? Đời thánh hiến lại
chẳng phải là một cách "phung phí" những năng lực có thể sử dụng có
hiệu năng cao hơn, có lợi hơn cho nhân loại và cho Giáo Hội đó sao ?
Những
câu hỏi đó được đặt ra thường xuyên hơn ở thời đại chúng ta, do ảnh hưởng một
nền văn hoá thực dụng và trọng kỹ thuật, chỉ muốn đánh giá tầm quan trọng của
sự vật và cả con người nữa trong mức độ "hữu ích" tức thời. Nhưng
những câu hỏi đó vẫn có từ lâu rồi, như trong đoạn văn nói về việc xức dầu tại
Bê-ta-ni-a trong Tin Mừng : "Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng
nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi
thơm" (Ga 12,3). Khi Giu-đa cằn nhằn vì sự phung phí đó, lấy cớ là phải lo
cho người nghèo, thì Đức Giê-su nói : "Hãy để cô ấy yên" (Ga 12,7).
Đó
là câu trả lời luôn luôn có giá trị cho những ai đặt câu hỏi, cho dù là ngay
tình, về ích lợi của đời tận hiến. Tại sao lại không thể dấn thân cách hữu hiệu
và hợp lý hơn cho công cuộc cải tiến xã hội ? Và đây là câu trả lời của Chúa
Giê-su : "Hãy để họ yên".
Ai
đã được ban hồng ân vô giá là theo Chúa Giê-su sát hơn tất nhiên hiểu rằng
Người phải được yêu mến với một trái tim không chia sẻ, và mình phải dâng hiến
cho Người tất cả cuộc sống chứ không phải chỉ vài cử chỉ, vài mảnh thời gian
hay vài công việc. Xức dầu thơm quý giá là một hành động yêu thương nguyên
tuyền, hoàn toàn ngoài mục đích cầu lợi, là dấu chỉ của sự quảng đại cho đi
không tính toán ; điều này được diễn tả qua một cuộc sống dành riêng để yêu mến
và phụng sự Chúa, dâng hiến cho chính Chúa và cho Nhiệm Thể của Người. Một cuộc
sống "được cho đi" mà không tính toán khiến cho cả nhà sực mùi thơm.
Ngày hôm nay, không thua kém gì ngày hôm qua, nhà Thiên Chúa là Giáo Hội vẫn
được trang điểm và thêm phong phú nhờ sự hiện diện của đời thánh hiến.
Đối
với người được thu hút trong thâm tâm cõi lòng bởi vẻ đẹp và lòng nhân hậu của
Chúa, thì điều mà mắt người đời coi là phung phí lại là một cách đáp trả tất
nhiên cho một mối tình, một niềm tri ân phấn khởi vì được chọn một cách đặc
biệt để được biết Chúa Con và được chia sẻ sứ mạng của Người trong thế giới.
"Giả
như một người con cái Thiên Chúa được biết và nếm tình yêu Thiên Chúa, Thiên
Chúa tự hữu, Thiên Chúa nhập thể, Thiên Chúa chịu thương khó, Thiên Chúa là sự
thiện tối hậu, ắt là người đó sẽ hoàn toàn dâng trót mình cho Người, không
những người đó rút ra khỏi mọi tạo vật khác, mà còn rút ra khỏi chính mình nữa,
để yêu mến Thiên Chúa Tình Yêu với tất cả hữu thể của mình, để được biến đổi
hoàn toàn trong Thiên-Chúa-làm-người, Đấng đáng được yêu mến trên hết mọi
sự" (254).
Đời
thánh hiến phục vụ Nước Thiên Chúa
105.
"Thế giới sẽ ra sao nếu không có các tu sĩ ?" (255) Ngoài những cách
đánh giá nông cạn về chức năng hữu ích cho đời, đời sống thánh hiến còn quan
trọng chính bởi vì nó quảng đại cho đi không tính toán và với tình yêu, và điều
này lại càng cần thiết ở giữa một thế giới có nguy cơ chết ngộp trong cơn lốc
của cải phù du. "Không có dấu chỉ cụ thể đó, thì đức ái của toàn thể Giáo
Hội có nguy cơ nguôi lạnh đi, nét nghịch lý của ơn cứu độ theo Tin Mừng không
còn sắc bén, chất muối mặn của đức tin sẽ phai lạt trong một thế giới đang bị
tục hoá" (256). Đời sống của Giáo Hội, và của cả xã hội nữa, đang cần
những người dám dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân vì lòng mến
Thiên Chúa.
Giáo
Hội không thể nào từ bỏ đời thánh hiến được, bởi vì nó biểu hiện cách hùng hồn
bản chất "hiền thê" thâm sâu của Giáo Hội. Nhờ đời sống thánh hiến,
mà việc loan báo Tin Mừng cho thế giới có thêm nhiệt tình và nghị lực. Đúng
vậy, người ta cần đến những con người giới thiệu gương mặt người cha là Thiên
Chúa và gương mặt người mẹ là Giáo Hội, những con người dám liều cuộc sống mình
để cho người khác nhận được sự sống và niềm hy vọng. Trong Giáo Hội, cần có
những con người được ơn Thiên Chúa biến đổi và được Phúc Âm hoá trọn vẹn, trước
khi họ dấn thân phục vụ một lý tưởng cao đẹp này nọ.
Toàn
thể Giáo Hội đã lãnh nhận hồng ân cao quý đó, và với lòng tri ân, Giáo Hội làm
mọi cách để kính cẩn phát huy hồng ân đó, bằng lời cầu nguyện và bằng cách lớn
tiếng mời gọi đón nhận ơn đó. Các giám mục, linh mục và phó tế, xác tín về sự
cao cả Phúc Âm của đời thánh hiến, cần phải khám phá và nâng đỡ những mầm ơn
gọi qua lời giáo huấn, bằng cách nhận định và bằng sự đồng hành thiêng liêng
khôn ngoan. Tất cả các tín hữu được kêu mời không ngừng cầu nguyện cho những
người tận hiến, để họ gia tăng lòng sốt sắng và khả năng yêu thương, và góp
phần làm toả lan hương thơm Đức Ki-tô trong xã hội này (x. 2 Cr 2,15). Toàn thể
cộng đoàn Ki-tô hữu - các mục tử, giáo dân và người tận hiến - đều có trách
nhiệm về đời thánh hiến, về sự tiếp nhận và nâng đỡ những ơn gọi mới (257).
Với
giới trẻ
106.
Tôi nói với các bạn trẻ là : nếu các con nghe được tiếng Chúa gọi, thì đừng đẩy
lui ! Hãy can đảm tham gia những trào lưu nên thánh mà các bậc đại thánh, nam
và nữ, đã khơi dậy theo chân Đức Ki-tô. Hãy nuôi dưỡng nơi các con những khát
vọng đặc biệt của tuổi trẻ, nhưng đừng trì hoãn thực hiện ý định của Thiên Chúa
nếu Người mời gọi các con nên thánh trong đời thánh hiến. Hãy thán phục mọi kỳ
công Thiên Chúa làm trong thế giới, nhưng hãy biết ngắm nhìn những thực tại
không bao giờ qua đi.
Thiên
niên kỷ thứ ba đang mong chờ sự đóng góp của lòng tin và óc sáng tạo của nhiều
người trẻ tận hiến, để cho thế giới sống an bình hơn và có khả năng tiếp đón
Thiên Chúa, và trong Thiên Chúa, biết tiếp đón mọi con cái của Người.
Với
các gia đình
107.
Tôi ngỏ lời với các gia đình Công Giáo. Hỡi các bậc cha mẹ, hãy tạ ơn Chúa nếu
Người đã kêu gọi một người con của quý vị vào sống đời thánh hiến. Cũng như
xưa, hãy cảm thấy vinh dự vì Thiên Chúa đã đoái nhìn một gia đình và chọn một
thành viên để mời đi con đường các lời khuyên Phúc Âm. Hãy nuôi dưỡng ước mong
dâng cho Chúa một người con của quý vị để tình yêu Thiên Chúa lớn lên trong thế
giới. Còn hoa trái nào của tình yêu vợ chồng tốt đẹp hơn nữa không ?
Cũng
nên nhắc lại rằng, nếu cha mẹ không sống những giá trị Tin Mừng, thì người
thanh niên thiếu nữ rất khó nhận ra tiếng Thiên Chúa gọi, khó hiểu được là cần
phải chấp nhận những hy sinh hoặc khó có thể thưởng thức vẻ đẹp của mục đích
phải đạt tới. Vì chính trong gia đình mà những người trẻ lần đầu tiên kinh
nghiệm được những giá trị Tin Mừng, tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha
nhân. Những người trẻ cần được huấn luyện để sử dụng tự do có trách nhiệm, để
có thể sẵn sàng sống những giá trị thiêng liêng cao thượng, thể theo ơn gọi của
họ.
Tôi
cầu nguyện cho các gia đình Ki-tô giáo, nhờ kết hiệp với Chúa bằng cầu nguyện
và năng đón nhận các bí tích, trở thành những trung tâm đón nhận các ơn gọi.
Với
những người nam nữ thiện chí
108.
Tôi muốn ngỏ lời với mọi người nam nữ thiện chí : xin hãy đi tìm những con
đường dẫn đến Thiên Chúa hằng sống và chân thật, cách riêng là con đường do đời
thánh hiến vạch ra. Những người tận hiến làm chứng rằng : "Ai theo Chúa
Ki-tô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn" (258). Biết
bao người tận hiến đã và đang cúi mình săn sóc vô vàn vết thương của anh chị em
gặp thấy trên đường đi của họ, tựa như những người Sa-ma-ri nhân hậu !
Hãy
nhìn vào những con người đã được Đức Ki-tô chiếm đoạt. Bằng việc chế ngự bản
thân nhờ ơn Chúa giúp và do lòng mến yêu Thiên Chúa, họ giới thiệu liều thuốc
chữa lành lòng tham muốn chiếm đoạt, hưởng thụ, thống trị. Đừng quên những đặc
sủng đã hình thành những con người tuyệt diệu "đi tìm Thiên Chúa" và
những ân nhân của nhân loại, các vị đó mở những lối đi an toàn cho những ai đi
tìm Thiên Chúa với lòng thành. Hãy xem con số đông đảo các vị thánh triển nở
trong nếp sống đó, hãy nhận ra bao điều tốt lành những người tận hiến cho Thiên
Chúa thực hiện được, trong quá khứ và trong hiện tại. Thế giới ngày nay chẳng
cần những chứng nhân vui tươi, những ngôn sứ minh chứng quyền năng nhân lành
của tình yêu Thiên Chúa hay sao ? Thế giới chẳng cần những người nam nữ biết
gieo mầm mống hoà bình và huynh đệ bằng cuộc sống và hoạt động của họ hay sao ?
(259)
Với
những người tận hiến
109.
Ở cuối tông huấn này, tôi tin tưởng ngỏ lời cách riêng với những người nam nữ
tận hiến : Các con hãy sống trọn cuộc hiến dâng cho Thiên Chúa, để cho thế giới
này đừng mất đi một tia sáng chiếu ngời vẻ đẹp của Thiên Chúa trên đường đời
của nhân loại. Những Ki-tô hữu, chìm ngập trong những bận rộn và lo âu của thế
gian này nhưng vẫn được mời gọi nên thánh, đang cần thấy được nơi các con những
trái tim thanh khiết đang "nhìn thấy" Thiên Chúa trong đức tin, những
con người ngoan ngoãn để Thánh Thần hướng dẫn, vui vẻ tiến bước, trung thành
với đặc sủng của ơn gọi và sứ mạng của mình.
Các
con đã bước vào con đường hoán cải trường kỳ, con đường trao hiến dành riêng
cho tình yêu Thiên Chúa và anh chị em, để luôn làm chứng cách tuyệt đẹp về ân
sủng đang biến đổi cuộc đời Ki-tô hữu. Thế giới và Giáo Hội đang đi tìm những
chứng nhân chân chính về Đức Ki-tô, và đời thánh hiến là một hồng ân Thiên Chúa
ban ngõ hầu "điều cần thiết duy nhất" (x. Lc 10,42) được tỏ hiện
trước mắt mọi người. Trong Giáo Hội và trong thế giới, đời thánh hiến có sứ
mạng đặc biệt là làm chứng cho Đức Ki-tô bằng cuộc sống, bằng việc làm và lời
nói.
Các
con đã biết các con đặt trót niềm tin vào ai (x. 2 Tm 1,12) : hãy cho Người tất
cả ! Những người trẻ không bị lừa đâu. Khi đến với các con, họ muốn thấy điều
họ không thấy được nơi khác. Các con có một trách nhiệm lớn đối với tương lai :
đặc biệt những người tận hiến trẻ tuổi, nhờ chứng tá bằng sự dâng hiến của
mình, có thể giúp người đương thời canh tân cuộc sống của họ (260). Tình yêu
nồng nàn dành cho Đức Giê-su Ki-tô có sức lôi cuốn mạnh mẽ những người trẻ
khác, mà Người vẫn có nhã ý kêu mời bước theo Người thật sát và mãi mãi. Những
người thời đại này muốn thấy được nơi những người tận hiến niềm vui họ cảm nhận
được khi ở với Chúa.
Hỡi
những người tận hiến, dù già hay trẻ, hãy sống trung thành với điều đã cam kết
với Thiên Chúa, bằng cách làm gương sáng cho nhau, nâng đỡ nhau. Dù đôi khi các
con gặp nhiều khó khăn hay dù tại vài nơi đời thánh hiến không còn được kính
trọng đi nữa, các con có phận sự mời gọi những người thời đại này hãy ngước
nhìn lên cao, đừng để mình bị ngụp lặn trong công chuyện hàng ngày, nhưng hãy
để cho Thiên Chúa và Tin Mừng của Con Thiên Chúa thu hút. Đừng bao giờ quên
rằng, các con là những người một cách đặc biệt có thể và phải nói rằng không
những các con thuộc về Đức Ki-tô, mà các con "đã trở nên Đức Ki-tô"
nữa (261).
Nhìn
về tương lai
110.
Các con không những phải nhớ và kể lại một lịch sử huy hoàng, mà còn phải kiến
tạo một lịch sử vĩ đại nữa ! Hãy hướng về tương lai, tới chỗ mà Thánh Thần đang
sai các con đi để cùng với các con làm những việc trọng đại.
Hỡi
những người tận hiến yêu quý, các con hãy biến cuộc đời thành cuộc sốt sắng
trông đợi Đức Ki-tô ; hãy đi đón Người như những trinh nữ khôn ngoan đi đón
Lang Quân. Hãy sẵn sàng luôn luôn, hãy trung thành với Đức Ki-tô, với Giáo Hội,
với tu hội của mình và với con người thời đại này (262). Nhờ thế, ngày qua
ngày, các con sẽ được Đức Ki-tô đổi mới, và nhờ Thánh Thần trợ giúp, các con sẽ
kiến tạo những cộng đoàn huynh đệ, để cùng với Đức Ki-tô, rửa chân cho người
nghèo, và đóng góp phần độc đáo của các con vào sự biến hình của thế giới.
Vào
lúc bước sang một thiên niên kỷ mới, mong sao cho thế giới đã được trao vào tay
con người sẽ luôn được nhân đạo hơn, công bằng hơn, trở nên dấu chỉ và hình ảnh
báo trước thế giới sắp đến, trong đó Thiên Chúa khiêm hạ và vinh hiển, khó
nghèo và được siêu tôn, sẽ trở thành niềm hoan lạc sung mãn và trường tồn cho
chúng ta, cho anh chị em chúng ta, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Lời
khấn cầu Ba Ngôi
111.
Lạy Ba Ngôi chí thánh diễm phúc và là nguồn hạnh phúc của mọi người, xin đổ
tràn hạnh phúc xuống con cái của Chúa, mà Chúa đã chọn lựa để tuyên xưng tình
yêu cao cả, lòng nhân hậu xót thương và vẻ đẹp của Chúa.
Lạy
Chúa Cha chí thánh, xin hãy thánh hiến các con cái đã tận hiến cho Cha, để làm
vinh danh Cha. Bởi quyền năng của Cha, xin nâng đỡ họ để họ có thể làm chứng
cho Cha là nguồn của mọi sự, suối nguồn độc nhất của tình yêu và tự do. Chúng
con cảm tạ Cha vì hồng ân của đời thánh hiến, đời của những kẻ trong đức tin,
tìm kiếm Cha, và trong sứ mạng phổ quát của mình, mời gọi toàn thể nhân loại
tiến đến với Cha.
Lạy
Chúa Giê-su Cứu Thế, Ngôi Lời nhập thể, Chúa đã ký thác lối sống của Chúa cho
những ai được Chúa mời gọi, xin tiếp tục lôi kéo tới Chúa những người sẽ đóng
vai trò làm người phân phát lòng thương xót cho con người thời đại chúng con,
tiên báo ngày Chúa trở lại, làm dấu chỉ sống động những phúc lợi của sự phục
sinh mai sau. Xin đừng để thử thách nào khiến họ xa lìa Chúa và tình yêu của
Chúa !
Lạy
Chúa Thánh Thần là Tình Yêu đổ xuống tâm hồn chúng con. Chúa là Đấng ban ơn
sủng và thần hứng cho các linh hồn, là suối nước hằng sống giúp hoàn thành sứ
mạng của Chúa Ki-tô bằng nhiều đặc sủng, chúng con cầu khẩn Chúa cho mọi người
tận hiến. Xin đổ đầy tâm hồn họ niềm thâm tín mình đã được chọn để yêu mến, ca
ngợi và phục vụ. Xin cho họ nếm hưởng tình bạn với Chúa, được tràn ngập niềm
vui của Chúa và được Chúa an ủi. Xin giúp họ vượt qua được những lúc khó khăn
và tin tưởng chỗi dậy sau khi sa ngã. Xin cho họ trở nên tấm gương phản chiếu
vẻ đẹp thần linh của Chúa. Xin cho họ can đảm đương đầu với những thách đố của
thời đại này và biết tỏ cho mọi người thấy lòng nhân hậu và lân ái của Chúa
Giê-su Cứu Thế (x. Tt 3,4).
Khẩn cầu Đức
Trinh Nữ Ma-ri-a
112. Lạy Đức
Ma-ri-a, là hình ảnh của Giáo Hội, là Hiền Thê không vết nhăn và không tì ố,
khi noi gương Mẹ "bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy
vững bền và một đức mến chân thành" (263), xin nâng đỡ những người tận
hiến trên con đường hướng tới chân phúc độc nhất và vĩnh cửu.
Lạy Nữ Trinh
Thăm Viếng, chúng con trao phó họ cho Mẹ để họ biết mau mắn tìm gặp những người
lâm cảnh khốn cùng để mang lại sự trợ giúp và nhất là để mang Chúa Giê-su đến.
Xin Mẹ dạy họ biết công bố những kỳ công Thiên Chúa đang thực hiện trong thế
giới ngõ hầu muôn dân đều ca ngợi danh Người. Xin nâng đỡ họ trong những công
tác phục vụ người nghèo khó, kẻ đói ăn, người thất vọng, kẻ hèn mọn và hết mọi
người đang thành tâm tìm kiếm Con của Mẹ.
Lạy
Mẹ, Mẹ muốn con cái của Mẹ đổi mới đời sống tâm linh và hoạt động tông đồ, bằng
lời đáp yêu thương và tận hiến cho Chúa Ki-tô, chúng con tin tưởng dâng lên Mẹ
lời nguyện cầu. Xưa Mẹ đã thi hành ý Chúa Cha, đã mau mắn khi vâng phục, can
đảm khi khó nghèo, tiếp nhận trong sự trinh khiết phong phú của Mẹ, hãy xin Con
chí thánh của Mẹ ban cho những kẻ nhận được hồng ân đi theo Người trong đời
thánh hiến, biết làm chứng cho Người bằng một cuộc sống được biến hình, bằng
cách vui vẻ tiến lên, cùng với mọi anh chị em, tới quê hương thiên quốc và tới
ánh sáng không bao giờ tàn lụi.
Chúng
con xin Mẹ điều đó để Thiên Chúa cao cả, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh
Thần, được tôn vinh chúc tụng và yêu mến trong mọi người và trong mọi sự.
Rô-ma,
cạnh đền thánh Phê-rô, ngày 25 tháng 3 năm 1996, lễ Truyền Tin,
năm thứ mười tám tôi làm Giáo hoàng.
Gio-an Phao-lô II
(1) X. Kiến Nghị 2.
(2) TG s. 18.
(3) X. GH số 44 ; CT số 7 ; LB s. 69.
(4) X. GH số 44.
(5) X. Đức Gio-an Phao-lô II, diễn từ cho buổi tiếp kiến chung (28-9-1994), s.
5.
(6) X. Kiến Nghị 1.
(7) X. Thánh Phan-xi-cô Sa-lê, Introduction à la vie dévote (Dẫn nhập vào đời
sống sùng kính), phần I, chương 3.
(8) GH s. 43.
(9) X. Đức Gio-an Phao-lô II, bài giảng trong thánh lễ đồng tế trọng thể kết
thúc đại hội thường lệ lần thứ IX của Thượng hội đồng giám mục (29-10-1994), s.
3.
(10) X. Thượng hội đồng giám mục, đại hội thường lệ lần thứ IX, sứ điệp kết
thúc (27-10-1994).
(11) X. Kiến Nghị 5, B.
(12) X. Thánh Biển Đức, Règle (Quy luật) 4,21 và 72,11.
(13) X. Kiến Nghị 12.
(14) X. GLĐP điều 570.
(15) DT s. 7 ; TG s. 40.
(16) X. Kiến Nghị 6.
(17) X. Kiến Nghị 4.
(18) X. Kiến Nghị 7.
(19) X. Kiến Nghị 11.
(20) X. Kiến Nghị 14.
(21) X. GL điều 605 ; GLĐP điều 571 ; X. Kiến Nghị 13.
(22) X. Kiến Nghị 3 ; 4 ; 6 ; 7 ; 8 ; 10 ; 13 ; 28 ; 29 ; 30 ; 35 ; 48.
(23) X. Kiến Nghị 3, A và B.
(24) X. Kiến Nghị 3, C.
(25) X. Cassien : "Secessit tamen solus in monte orare, per hoc scilicet
nos instruens sua secessionis exemplo [...] ut similiter secedamus" -
"Người một mình tới chỗ thanh vắng trên núi để cầu nguyện, Người làm gương
đi tới chỗ thanh vắng cho chúng ta để chúng ta cũng đi đến chỗ thanh vắng"
(Collat 10,6 : SC 54, tr. 80-81) ; Thánh Giê-rô-ni-mô : "Et Christum
quaeras in solitudine et ores solus in monte cum Jesu" - "Hãy tìm Đức
Giê-su nơi thanh vắng và hãy một mình cầu nguyện với Người trên núi" (Ep.
ad Paulinum 58,4,2 ; PL 22, 582) ; Guillaume de Saint-Thierry : "[Vita
solitaria] ab ipso Domino familiarissime celebrata, ab eius discipulis ipso praesente
concupita : cuius transfigurationis gloriam cum vidissent qui cum eo in monte
sancto erant, continuo Petrus ... optimum sibi indicavit in hoc semper
esse" - "Chúa đã thực hành rất thường xuyên [đời sống cô tịch], và
các môn đệ Người cũng ước muốn [đời sống ấy] ngay cả khi có mặt Người ; những
ai ở cùng với Người trên núi thánh đã được thấy vinh quang của Người khi Người
biến hình. Phê-rô liền nghĩ rằng ... tốt nhất là ông nên luôn luôn ở với Người
tại đó" (Ad fratres de Monte Dei 11-12 : SC 223, tr. 150-153).
(26) GH s. 1.
(27) GH s. 44.
(28) X. YT s. 5 :
(29) X. Tổng luận thần học II-II, q. 186,1.1.
(30) X. Kiến
Nghị 16.
(31) X. HA s. 3.
(32) Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, Regula bullata, ch I,1.
(33) Tota Trinitas apparuit : Pater in voce, Filius in homine, Spiritus in nube
clara - "Cả Ba Ngôi xuất hiện, Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong
con người, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng rực" : Thánh Tô-ma A-qui-nô,
Tổng luận thần học III, q.45, a.4, ad 2.
(34) DT s. 1.
(35) GH s. 44.
(36) Si-mê-on nhà thần học mới, Hymnes (Thánh Ca), II, cc. 19-27.
(37) X. Đức Gio-an Phao-lô II, diễn từ cho buổi tiếp kiến chung (28-9-1994), s.
4.
(38) GH s. 44.
(39) Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, Thư gửi tín hữu Ma-nhê-xi-a 8.2.
(40) X. Kiến nghị 3.
(41) Thánh Âu-tinh, Diễn giải Tv 44,3 : PL 36,495-496.
(42) X. Kiến Nghị 25 ; DT s. 17.
(43) X. Kiến Nghị 25.
(44) X. GH s. 42.
(45) GH s. 44.
(46) B. Élisabeth de la Trinité, Le ciel dans la foi, Traité spirituel 1,14.
(47) X. Thánh Âu-tinh, Confessions 1,1.
(48) Đức Gio-an Phao-lô II, diễn từ cho buổi tiếp kiến chung (29-3-1995), s.1.
(49) GH s. 53.
(50) GH s. 46.
(51) X. Kiến Nghị 55.
(52) GH s. 44.
(53) X. HA s. 7.
(54) GH s. 44 ; Đức Gio-an Phao-lô II, diễn từ cho buổi tiếp kiến chung
(26-10-1994), s. 5.
(55) X. GH s. 42.
(56) X. Sách Nghi thức Rô-ma, Nghi thức tuyên khấn : Kinh chúc phúc hay thánh
hiến, của nam tu, s. 67, và của nữ tu, s. 72 ; Sách Nghi thức giáo chủ Rô-ma,
Nghi thức thánh hiến các trinh nữ, s. 38 : lời nguyện thánh hiến trọng thể :
Eucologion sive Rituale Graecorum, Officium parvi habitum id est Mandiae tr.
384-385 ; Pontificale iuxta Ritum Ecclesiae Syrorum occidentalium id est
Antiochiae, Ordo rituum monasticorum, Typis Polyglottis Vaticanis (1942), tr.
307-309.
(57) X. Thánh Phê-rô Đa-miêng, Liber qui appelatur "Dominus vobiscum"
ad Leonem eremitam : PL 145,231-252.
(58) GH s. 32 ; GL điều 208 ; GLĐP điều 11.
(59) X. TG s. 4 ; GH s. 4 ; 12 ; 13 ; MV s.32 ; TĐ s.3 ; Đức Gio-an Phao-lô II,
tông huấn sau THĐ-GM Christifideles laici (30-12-1988), ss. 20-21 ; Bộ giáo lý
đức tin, thư gửi các giám mục Giáo Hội Công Giáo về một vài khía cạnh của Giáo
Hội xét như là sự hiệp thông, Communionis notio (28-5-1992), s. 15.
(60) GH s. 31.
(61) GH s. 12 ; Đức Gio-an Phao-lô II, tông huấn hậu THĐ-GM Christifideles laici
(30-12-1988), s. 20-21.
(62) X. GH s. 5.
(63) X. Công Đồng Tren-tô, khoá XXIV, can. 10 : Dz.Sch 1810 : Đức Pi-ô XII,
thông điệp Sacra Virginitas (25-3-1954).
(64) X. Kiến Nghị 17.
(65) GH s. 41.
(66) X. GH s. 46.
(67) Ibid.
(68) X. Đức Pi-ô XII, Tự sắc Primo feliciter (12-3-1948), s. 6.
(69) GL, điều 713, §1 ; GLĐP, điều 563, §2.
(70) GL, điều 713, §2. Cũng trong điều 713, ở §3, có một chỉ dẫn đặc biệt cho
các "giáo sĩ thành viên" của các tu hội đời.
(71) GH s. 31.
(72) Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, Manuscrits autobiographiques (Thủ bản tự
thuật), B, 2 v : "Làm hôn thê của Chúa, Ôi Giê-su [...] nhờ con kết hợp
với Chúa, mà làm mẹ các linh hồn."
(73) X. DT ss. 8 ; 10 ; 12.
(74) Thượng hội đồng giám mục, đại hội bất thường lần thứ II, Báo cáo chung kết
: Ecclesia sub Verbo Dei mysteria Christi celebrans pro salute mundi
(7-12-1985), II A, s. 4.
(75) Thượng hội đồng giám mục, đại hội thường lệ lần thứ IX, Sứ điệp kết thúc
(27-10-1994), VII.
(76) X. Thánh
Tô-ma A-qui-nô, Tổng luận thần học II-II, q. 184, a.5, ad 2 ; II-II, q.186,
a.2, ad 1.
(77) X. Libellus de pricipiis Ordinis Praedicatorum. Acta Canonizationis Sancti
Dominici : Monumenta Ordinis Praedicatorum historica 16 (1935), tr. 30.
(78) Đức Gio-an Phao-lô II, tông thư Orientale Lumen (2-5-1995), s. 12.
(79) LH s. 51.
(80) X. Kiến Nghị 26.
(81) X. Kiến Nghị 27.
(82) X. DT, s. 2.
(83) Đức Gio-an Phao-lô II, tông thư Orientale Lumen (2-5-1995), s. 16.
(84) Đức Gio-an Phao-lô II, tông thư Tertio Millennio Adveniente (10-11-1994),
s. 42.
(85) LB s. 69.
(86) DT s. 15 ; thánh Âu-tinh, Regula ad servos Dei, 1, 1.
(87) Thánh Xýp-ri-a-nô, De Oratione Dominica, 23. X. GH s. 4.
(88) X. Kiến Nghị 20.
(89) Thánh Ba-xi-li-ô, Les Grandes Règles (luật dài), Quest. 7,2.
(90) X. Thánh Ba-xi-li-ô, Les petites Règles (luật ngắn), Quest. 225.
(91) YT s. 51 ; GL điều 631, §1 ; GLĐP điều 512, §1.
(92) X. HĐ ss. 47-53 ; GL điều 618 ; Kiến Nghị 19.
(93) X. HĐ s. 68 ; Kiến Nghị 21.
(94) X. Kiến Nghị 28.
(95) TT II s. 24.
(96) Đức Gio-an Phao-lô II, tông huấn sau THĐ-GM Christifideles laici
(30-12-1988), s. 31-32.
(97) Regula Bullata, I, 1.
(98) Các thư 109, 171, 196.
(99) X. Quy luật số 13 ở cuối cuốn Linh Thao (Exercices spirituels).
(100) Dichos, s. 217.
(101) Thủ bản tự thuật B, 3v.
(102) X. Kiến Nghị 30, A.
(103) X. HA s. 15.
(104) GH s. 1.
(105) Bộ Giáo lý đức tin, thư gửi các giám mục Giáo Hội Công Giáo về một vài
khía cạnh của Giáo Hội xét như là sự hiệp thông, Communionis notio (28-5-1992),
s. 16.
(106) GH s. 13.
(107) GM s. 11.
(108) LH s. 11.
(109) X. Ibid.
(110) X. GL điều 576.
(111) X. GL điều 586 ; LH s. 13.
(112) X. TG s. 18.
(113) X. GL điều 586, §2 ; 591 ; GLĐP điều 412, §2.
(114) X. Kiến Nghị 29, 4.
(115) X. Kiến Nghị 49, B.
(116) Kiến Nghị 54.
117) X. HĐ ss. 47-56.
(118) Apologie à Guillaume de Saint-Thierry, IV, 8 : PL 182, 903-904.
(119) X. DT s. 23.
(120) X. LH ss. 21 ; 61 ; GL điều 708-709.
(121) X. DT s. 1 ; GH s. 46.
(122) X. MV s. 4.
(123) Đức Gio-an Phao-lô II, sứ điệp gửi cho đại hội tu sĩ lần thứ XIV của
Brazil (11-7-1986), s. 4 ; X. Kiến Nghị 31.
(124) X. LH ss.
63 ; 65.
(125) GH s. 31.
(126) Thánh An-tôn M.Da-ca-ri-a, Scritti. Sermone II, Roma (1975), tr. 129.
(127) X. Kiến Nghị 33, A và C.
(128) X. Kiến Nghị 33, B.
(129) X. HĐ s. 62 ; HL ss. 92-93.
(130) X. Kiến Nghị 9, A.
(131) X. Kiến Nghị 9.
(132) Đức Gio-an Phao-lô II, thông điệp Evangelium vitae (25-3-1995), s. 99.
(133) Bộ các dòng tu và các tu hội đời, huấn thị về đời sống chiêm niệm và nội
vi các nữ tu, Venite seorsum (15-8-1969), V.
(134) X. Ibid, I.
(135) PV, s.2.
(136) GH s. 6.
(137) X. Thánh Gio-an Thánh Giá, Cantique Spirituel, str. 29,1.
(138) X. GL, điều 667, §4 ; Kiến Nghị 22,4.
(139) X. Đức Phao-lô VI, Tự sắc, Ecclesiae Sanctae (8-6-1966), II, ss. 30-31 ;
DT ss. 7 ; 16 ; Thánh bộ các dòng tu và các tu hội đời, huấn thị về đời sống
chiêm niệm và nội vi các nữ tu Venite seorsum (15-8-1969), VI.
(140) X. Đức Pi-ô XII, tông hiến Sponsa Christi (21-11-1950), VII ; DT s. 8 ;
10.
(141) X. GL điều 588, §1.
(142) X. DT s. 10.
(143) X. DT ss. 8 ; 10.
(144) GL điều 588, §3 ; x. DT s. 10.
(145) X. GH s. 31.
(146) X. Kiến Nghị 8.
(147) Đức Gio-an Phao-lô II, diễn từ cho buổi tiếp kiến chung (22-2-1995), La
Documentation Catholique 92 (1995), tr. 306.
(148) X. DT s. 10.
(149) X. GL điều 588, §2.
(150) X. Kiến Nghị 10 ; DT s. 15.
(151) X. GL điều 573 ; GLĐP điều 410.
(152) X. Kiến Nghị 13, B.
(153) X. Kiến Nghị 13, C.
(154) X. MV s. 48.
(155) X. Kiến Nghị 13, A.
(156) X. Kiến Nghị 13, B.
(157) GH s. 1.
(158) X. Kiến Nghị 24.
(159) X. HĐ s. 67.
(160) X. Kiến Nghị 48, A.
(161) X. Kiến Nghị 48, B.
(162) X. Kiến Nghị 48, C.
(163) X. Kiến Nghị 49, A.
(164) X. HL s. 29.
(165) X. Kiến Nghị 49, B.
(166) X. YT s. 45.
(167) X. GL điều 607, §1.
(168) X. Kiến Nghị 50.
(169) X. HĐ ss. 32-33.
(170) X. Kiến Nghị 51.
(171) X. HĐ ss. 43-45.
(172) X. HL s. 70.
(173) X. HL s. 68.
(174) X. GH s. 46.
(175) X. Kiến Nghị 35, A.
(176) MV s. 4.
(177) X. GH s. 12.
(178) Đức Phao-lô VI, thông điệp Ecclesiam Suam (6-8-1964).
(179) Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, Diễn giảng sách Ê-dê-ki-en, II, II, 11 : SC 360,
tr. 113.
(180) Thánh Âu-tinh, Bài giảng 78, 6 : PL 38, 492.
(181) X. Đại hội IV của Hội đồng giám mục Mỹ châu La-tinh, văn kiện việc Phúc
Âm hoá mới, việc thăng tiến con người và văn hoá Ki-tô giáo, kết luận, s. 178,
CELAM (1992).
(182) Correspondance, Entretiens, Documents (thư tín, đàm đạo, tư liệu). Bài
nói chuyện "Về tinh thần của tu đoàn" (9-2-1653) : Ed. Coste IX,
Paris (1923), tr. 592.
(183) X. YT ss. 23-24.
(184) X. B. Élizabeth de la Trinité, O mon Dieu, Trinité que j'adore (Lạy Thiên
Chúa Ba Ngôi con tôn thờ) : Oeuvres complètes, Paris 1991, tr. 199-200.
(185) X. LB s. 69.
(186) X. Kiến Nghị 37, A.
(187) X. GH s. 46 ; LB s. 69.
(188) X. GH ss. 44 ; 46.
(189) X. TG ss. 18 ; 40.
(190) Lettre à ses compagnons résidant à Rome (Thư gửi các bạn bè ở Rô-ma)
(Cochin, 15-1-1544) : Monumenta Historica Societatis Iesu 67 (1944), tr.
166-167.
(191) X. GH s. 44.
(192) X. SV s. 69 ; Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, s. 927.
(193) SV s. 31.
(194) SV s. 2.
(195) TG s. 18 ; SV s. 69.
(196) X. Kiến Nghị 38.
(197) SV s. 44.
(198) X. SV s. 46.
(199) X. SV ss. 52-54.
(200) X. Kiến Nghị 40, A.
(201) SV s. 55 ; X. Hội đồng Toà Thánh về đối thoại liên tôn và bộ truyền giảng
Phúc Âm, Huấn thị đối thoại và loan truyền (19-5-1991) số 45-46.
(202) X. Kiến Nghị 40, B.
(203) Đức Gio-an Phao-lô II, tông huấn hậu THĐGM Ecclesia in Africa, s. 62.
(204) X. LB s. 15.
(205) Thượng hội đồng giám mục, đại hội thường lệ lần thứ IX, Relatio ante
disceptationem (Báo cáo trước khi thảo luận) s. 22.
(206) Đức
Gio-an XXIII, diễn từ khai mạc Công Đồng Va-ti-ca-nô II (11-10-1962).
(207) X. Kiến Nghị 18.
(208) Thánh Âu-tinh, Bài giảng 123,3-4 : PL 38,685-686.
(209) X. Bài ca XXI, cc. 386-394 : PL 61,587.
(210) Correspondance, Entretiens, Documents (Thư tín, đàm đạo, tư liệu). Bài
nói chuyện "về luật lệ" (30-5-1647) : Ed. Coste IX, Paris (1923), tr.
319.
(211) Règle pastorale (quy luật mục vụ) 2,5.
(212) X. Đức Gio-an Phao-lô II, tông thư Salvifici doloris (11-2-1984), ss.
28-30.
(213) X. Ibid., s. 18 ; Đức Gio-an Phao-lô II, tông huấn hậu THĐGM
Christifideles laici (30-12-1988), ss. 52-53.
(214) X. Đức Gio-an Phao-lô II, tông
huấn hậu THĐGM Pastores dabo vobis (25-3-1992), s. 77.
(215) X. Đức Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Evangelium Vitae (25-3-1995), ss.
78-101.
(216) X. Kiến Nghị 43.
(217) X. GH s. 44.
(218) X. Đức Gio-an Phao-lô II, bài giảng trong thánh lễ đồng tế trọng thể kết
thúc đại hội thường lệ lần thứ IX của thượng hội đồng giám mục (29-10-1994), s.
3.
(219) X. Thánh A-tha-na-xi-ô, Hạnh thánh An-tôn, 7. PG.
(220) X. Kiến Nghị 39, A.
(221) X. Kiến Nghị 15, A và 39, C.
(222) GH s. 4 ; X. LM s. 2.
(223) X. Kiến Nghị 53 ; Đức Gio-an Phao-lô II, tông thư Tertio Millennio
Adveniente (10-11-1994), s. 37.
(224) X. DT s. 12.
(225) X. Kiến Nghị 18, A.
(226) X. DT s. 13.
(227) X. Đức Gio-an Phao-lô II, thông điệp Veritatis Splendor (6-8-1993), ss.
31-35.
(228) X. Kiến Nghị 19, A ; DT s. 14.
(229) X. Kiến Nghị 15.
(230) Đức Gio-an Phao-lô II, diễn từ cho buổi tiếp kiến chung (8-12-1995).
(231) MK s. 21 ; x. DT s. 6.
(232) Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, s. 125 ; x. MK s. 18.
(233) MK s. 2.
(234) LM s. 5
(235) X. GD s. 8.
(236) Scritti pedagogici e spirituale, Rome (1987), tr. 294.
(237) X. Đức Gio-an Phao-lô II, Tông hiến Sapientia Christiana (15-4-1979), II
: AAS 71 (1979), tr. 471.
(238) X. Kiến Nghị 41.
(239) X. Đức Gio-an Phao-lô II, Tông hiến Sapientia Christiana (15-4-1979), II
: AAS 71 (1979), tr. 470.
(240) X. Kiến Nghị 36.
(241) X. MV s. 5.
(242) MV s. 1.
(243) X. HĐ s. 34.
(244) X. Đức Gio-an Phao-lô II, sứ điệp cho ngày thế giới truyền thông xã hội
thứ XXVIII (24-1-1994).
(245) X. Đức Gio-an Phao-lô II,
thông điệp Ut Unum Sint (15-5-1995), s. 21.
(246) X. Ibid., s. 28.
(247) X. Kiến Nghị 45.
(248) SV s. 55 : AAS 83 (1991), tr. 302.
(249) Hội đồng Toà Thánh về đối thoại liên tôn và truyền giảng Phúc Âm, huấn
thị Đối thoại và loan truyền (19-5-1991), s. 42, a.
(250) Ibid., s. 42,b.
(251) X. Kiến Nghị 46.
(252) X. Hội đồng Toà Thánh về đối thoại liên tôn và truyền giảng Phúc Âm, huấn
thị Đối thoại và loan truyền (19-5-1991), s. 42, a.
(253) X. Kiến Nghị 47.
(254) B. Angela
de Foligno, Il libro della Beata Angela da Foligno, Grottaferrata (1985), tr.
683.
(255) Thánh Tê-rê-xa Giê-su, Libro de la Vida, ch. 32,11.
(256) CT s. 3.
(257) X. Kiến Nghị 48.
(258) MV s. 41.
(259) CT s. 53.
(260) X. Kiến Nghị 16.
(261) Thánh Âu-tinh, Bình luận Tin Mừng thánh Gio-an, XXI, 8 ; PL 35 ; 1568.
(262) X. TT ss. 13-21.
(263) GH s. 64.
Tông
huấn Vita consecrata do Đức thánh cha Gio-an Phao-lô II ban hành ngày
25-3-1996, đúc kết những thành quả của Thượng hội đồng giám mục họp vào tháng
10 năm 1994. Cũng như những khoá họp trước đây, sau những phiên nhóm để phát
biểu và thảo luận, các nghị phụ thảo ra các kiến nghị (53) để góp ý cho Đức
thánh cha soạn văn kiện hậu Thượng hội đồng. Trong tông huấn, Đức Gio-an
Phao-lô II đã trích dẫn các kiến nghị đó và sứ điệp Thượng hội đồng gửi Dân
Thiên Chúa.
Sau
nhập đề, tông huấn được chia thành ba chương, tương ứng với ba chiều kích của
đời tu (x. số 13) : "Thánh hiến - hiệp thông - sứ mạng", (hay có thể
nói : "Hướng thượng - hướng nội - hướng ngoại").
Trong
phần nhập đề, sau khi giải thích lý do và mục đích của tông thư (số 1-4), Đức
thánh cha đã rảo qua những hình thức tu trì trải qua lịch sử : đời đan tu (số
6), các trinh nữ, ẩn sĩ, quả phụ (số 7), các dòng chiêm niệm (số 8), các dòng
hoạt động tông đồ (số 9), tu hội đời (số 10), tu đoàn tông đồ (số 11). Mỗi hình
thức được mô tả với vài nét đại cương về linh đạo.
Chương
một, dưới tựa đề "Confessio Trinitatis" (tuyên xưng Thiên Chúa Ba
Ngôi), bao gồm nội dung thần học rất phong phú về đời thánh hiến, được phân
tích dưới nhiều khía cạnh.
1.
Khía cạnh Ki-tô
Đời thánh hiến được trình bày như là cuộc "biến hình" (số 14), trở
nên "đồng hình đồng dạng" với Đức Ki-tô (assimilatio conformativa :
số 16), đi theo Đức Ki-tô (sequela Christi) bằng việc hoạ lại nếp sống tại thế
của Người (khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục : số 14 ; 18 ; 22), tận hiến cho sứ
mạng phục vụ Nước Thiên Chúa (số 22), thông dự vào mầu nhiệm Vượt Qua (số
23-24).
2.
Khía cạnh Ba Ngôi
Sự đồng hình với nếp sống Đức Ki-tô đương nhiên bao hàm tương quan với Ba Ngôi
Thiên Chúa : Đức Ki-tô đã sống trọn tình con thảo với Chúa Cha. Tông thư đã đề
cập tới Ba Ngôi khi xét tới nguồn gốc sự thánh hiến (số 17-19), ba lời khuyên
Tin Mừng (số 20-21), đoàn sủng (số 36), sự thông hiệp cộng đoàn (số 41), huấn
luyện (số 66), sứ mạng (số 72). Trước khi kết thúc, tông huấn đã dành số 111 để
dâng lời khẩn cầu lên Chúa Ba Ngôi.
3.
Giáo Hội
Đời sống thánh hiến nằm trong bản chất thánh thiện của Giáo Hội (số 3 ; 29).
Giáo Hội có sứ mạng chuyển thông Đức Ki-tô cho nhân loại ; nhưng Đức Ki-tô
không thể nào chỉ được chuyển thông bằng lời lẽ ý niệm mà còn bằng nếp sống
nữa. Thêm vào đó, đời thánh hiến còn tượng trưng cho mối tình duy nhất mà Giáo
Hội phải dành cho Đức Lang Quân (số 3 ; 34). Như vậy, đời thánh hiến gắn liền
với chiều kích truyền giáo (số 25) và cánh chung của toàn thể Giáo Hội (số 26).
4.
Thánh Mẫu
Đức Ma-ri-a được trình bày như mẫu gương của đời thánh hiến (số 28) :
a. Mẫu gương trong việc đáp lại tiếng Chúa gọi ;
b. Mẫu gương trong việc đi theo Chúa ;
c. Mẫu gương trong việc thông dự vào mầu nhiệm Vượt Qua (số 23) ; mẫu gương cho
tình yêu phong phú (số 34). Ngoài ra Đức Ma-ri-a còn là Mẹ của các người tận
hiến, cầu bầu cho họ trung thành với ơn gọi. Tông thư kết thúc với lời nguyện
dâng lên Đức Ma-ri-a (số 112).
Ngoài
ra, còn nhiều khía cạnh thần học được đề cập tới, chẳng hạn :
Sự
thánh hiến tu trì, tuy dựa trên sự thánh hiến do bí tích thánh tẩy, nhưng là
một sự thánh hiến mới, do hậu quả của một ơn gọi mới (số 30). Do đó, đây là một
bậc sống riêng biệt trong Giáo Hội (số 31-32).
Sự
liên hệ chặt chẽ giữa tận hiến và sứ vụ (số 18 ; 22 ; 25 ; 27 ; 72).
Đoàn
sủng của đời tận hiến nói chung và của mỗi tu hội nhận được qua vị sáng lập (số
19 ; 32 ; 36). Cần phải biết duy trì sự trung thành sáng tạo với đoàn sủng (số
36 ; 37 ; 74), khi canh tân việc huấn luyện (số 68) và hoạt động tông đồ (số 48
; 63 ; 72).
Ba
lời khuyên Tin Mừng nhằm hoạ lại nếp sống của Đức Ki-tô (số 18), mang giá trị
tuyên xưng Đức Ki-tô trong tương quan với Chúa Cha (số 16) và biểu lộ tình yêu
san sẻ của Ba Ngôi (số 21). Chúng cũng thăng tiến các xu hướng tự nhiên của con
người (số 87-92).
Sau
cùng thiết tưởng không thể bỏ qua một điểm mới của tông thư, đó là trình bày
đời tu như là nỗ lực đi tìm cái đẹp (philocalia : số 19). Các tu sĩ bị thu hút
bởi vẻ đẹp của Chúa ; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt
rạng rỡ của Người (số 27), và đồng thời cố gắng tu bổ hình ảnh Thiên Chúa đã
méo mó trên khuôn mặt của anh chị em đồng loại (số 75).
Chương
hai trình bày đời tận hiến như là dấu chỉ huynh đệ, dựa theo khuôn mẫu thông
hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự thông hiệp được xét tới dưới nhiều cấp độ :
Thông hiệp huynh đệ trong cộng đoàn (số 42-45).
Thông hiệp với Giáo Hội phổ quát và địa phương (số 46-51).
Thông hiệp giữa các dòng tu với nhau (số 52-53).
Thông hiệp với giáo dân (số 54-56).
Tiếp
đó, tông huấn bàn tới ba vấn đề mà Thượng hội đồng đã nêu lên, đó là : nội vi
dòng kín (số 59), các dòng hỗn hợp (số 61), các hình thức tu trì mới (số 62).
Trên thực tế, Đức thánh cha chỉ cho thấy những góc cạnh của các vấn đề vừa nói,
còn những giải pháp cụ thể thì được trao cho các uỷ ban chuyên môn cứu xét.
Ngoài
ra trong chương này, chúng ta thấy vài đề tài khác không kém phần quan trọng,
đó là : vai trò của phụ nữ (số 57-58) ; mục vụ tuyển mộ ơn gọi (số 64) ; việc
đào tạo khởi đầu và liên tục (số 65-71).
Chương
ba được dành cho sứ mạng của đời thánh hiến. Cũng như Đức Ki-tô được thánh hiến
và sai vào thế gian, các người tận hiến cũng được sai đi vào đời để phục vụ
tình yêu (số 72-75). Sau khi đã nhấn mạnh rằng sứ mạng quan trọng hơn cả mà
Giáo Hội và nhân loại chờ mong ở các người tận hiến là đời sống thánh thiện (số
25) và đời sống huynh đệ của họ (số 72), tông huấn lược qua vài môi trường hoạt
động tông đồ cố cựu hay cận đại của các tu hội, chẳng hạn : truyền giáo cho dân
ngoại (số 75-80), phục vụ người nghèo (số 82) và người bệnh (số 83), môi trường
giáo dục (số 96-97), truyền thông xã hội (số 99), công cuộc đối thoại đại kết
hoặc liên tôn (số 100-103).
Các
số 84-95 đã được dành để nói về đặc tính ngôn sứ của đời tận hiến, với những
yêu sách của nó, đứng đầu là sự kết hiệp thân tình với Chúa (số 74 ; 84). Từ đó
nảy sinh nhu cầu phải củng cố đời sống tâm linh, đặc biệt là khổ chế và cầu
nguyện (số 38), và các phương thế tu đức cổ điển : suy niệm Lời Chúa (lectio
divina), lãnh các bí tích đứng đầu là Thánh Thể, cử hành các giờ kinh phụng vụ,
sám hối (số 94-95 ; 103).
Thiết
tưởng cũng nên ghi nhận định nghĩa về "đời sống tâm linh" (vie
spirituelle, spiritual life), "linh đạo" (spiritualité, spirituality)
ở số 93 (xc. số 71), cũng như những đoạn mô tả linh đạo của các hình thức tu
trì (6-11), hoặc những nét linh đạo của đời tận hiến nói chung : dâng hiến hoàn
toàn (số 3 ; 17) ; thông hiệp (số 46 ; 51) ; đối thoại (số 74) ; tông đồ (số 67
; 74) ; phục vụ (số 75). Sự "biện phân" (phân định : discernement)
cũng được nói tới nhiều lần, cách riêng khi cần nhận ra những dấu chỉ thời đại
(số 62 ; 73) và khi hội nhập văn hoá (số 80 ; 85).