Monday, September 5, 2016

Sứ điệp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhân ngày hòa bình thế giới, 1.1.1990



Sứ điệp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhân ngày hòa bình thế giới, 1.1.1990
Hòa bình với Thiên Chúa Đấng sáng tạo, Hòa bình với toàn thể công trình tạo dựng.

1. Trong thời đại chúng ta, ý thức ngày càng tăng về nền hòa bình thế giới đang bị đe dọa không chỉ bởi những cuộc chạy đua vũ trang, những xung đột trong các khu vục những bất công giữa các dân tộc và các quốc gia, mà còn đến từ sự thiếu tôn trọng đối với thiên nhiên, từ sự khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên và từ sự giảm dần chất lượng cuộc sống. Tình trạng này tạo nên cảm giác bấp bênh và bất an, thúc đẩy những hình thái của chủ nghĩa cá nhân mang tính tập thể, thiếu tôn trọng người khác và không trung thực.
Đối diện với những suy thoái môi trường, con người hiểu rằng rằng họ không thể tiếp tục sử dụng tài nguyên của trái đất như trong quá khứ. Các chính trị gia và những con người nói chung đều quan tâm đến điều này, trong khi các chuyên gia nghiên cứu đang tìm kiếm những nguyên nhân. Con người đang dần dần ý thức về môi sinh. Điều này nên được khích lệ và kiện cường trong các chương trình và những sáng kiến ​​cụ thể.
2. Nhiều giá trị đạo đức, nền tảng cho sự phát triển của một xã hội hòa bình, có mối tương quan trực tiếp với các vấn đề môi trường. Thực tế là nhiều thách đố trong thế giới ngày nay phụ thuộc lẫn nhau cho thấy sự cần thiết phải có những lý giải phối hợp nhau dựa trên khóe nhìn đạo đức về thế giới.
Đối với Kitô hữu, khóe nhìn như vậy dựa trên niềm tin tôn giáo được rút ra từ sách Khải Huyền. Đó là lý do tại sao cha muốn khởi đầu sứ điệp này bằng cách gợi nhớ những đoạn Kinh Thánh về tạo dựng, và cha hy vọng rằng những người không chia sẻ niềm tin với chúng ta cũng có thể tìm thấy những ý tưởng hữu ích để suy tư và hành động.


 I. “Thiên chúa thấy mọi sự tốt lành”
Trong sách Sáng Thế, chúng ta gặp mặc khải đầu tiên của Thiên Chúa dành cho con người (St 1-3) và có một điệp khúc lặp đi lặp lại: “Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”. Sau khi tạo các tầng trời, biển, đất và tất cả những gì chứa đựng trong đó, Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ, điệp khúc này thay đổi rõ rệt: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Thiên Chúa trao cho con người các tạo vật, và Thiên Chúa “ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St 2,3).
Thiên Chúa mời gọi Adam và Eva tham gia vào công trình sáng tạo của Ngài cùng với những khả năng và ân sủng phân biệt con người với tất cả các sinh vật khác và đồng thời  thành một tương quan có trật tự giữa con người và toàn thể tạo vật. Được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, con người gìn giữ và cai quản thế giới (St 1,28) với sự khôn ngoan và tình yêu.
Nhưng với tội lỗi của mình, con người phá hủy sự hài hòa bằng cách cố tình đi ngược lại kế hoạch của Đấng Tạo Hóa. Điều này không chỉ dẫn đến sự tha hóa của con người dẫn đến xung khắc huynh đệ và dẫn đến sự chết, mà con dẫn đến một cuộc nổi loạn nào đó chống lại trái đất (X. St 3, 17-19; 4,12). Tất cả thụ tạo trở nên phù phiếm, và từ đó chờ đợi được giải thoát để đạt vinh quang cùng với tất cả con cái Thiên Chúa (X. Rm 8, 20-21).
4. Các Kitô hữu tuyên xưng rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô đã hòa giải nhân loại với Chúa Cha, Đấng “muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Col 1,19-20). Tất cả các tạo vật được canh tân, đổi mới (X. Kh 21, 5), và qua đó, các tạo vật sống trong “nô lệ” của cái chết và hư nát (X. Rom 8,21) sẽ có một sự sống mới, trong khi chúng ta “mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” ( 2 Pt3.13).  Như vậy, Chúa Cha “cho chúng ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. (Ep 1, 9-10).
5. Những trang Kinh Thánh soi sáng cho mối tương quan giữa con người và sự toàn vẹn của tạo vật. Khi quay lưng lại với kế hoạch của Đấng Tạo Hóa, con người làm ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới tạo. Nếu con người không hòa giải với Thiên Chúa, trái đất tự nó không sống trong hòa bình: “Chính vì thế mà xứ sở tang thương, dân cư tàn tạ, ngay thú vật ngoài đồng, cũng như chim trời cá biển, tất cả đều chết hết” (Hs 4,3).
Những kinh nghiệm về trái đất đang “đau khổ” cũng làm cảm nghiệm của những người không cùng niềm tin với chúng ta. Thật vậy, con người ngày nay mỗi ngày một tàn phá thế giới thiên nhiên. Đó là kết quả của việc thiếu quan tâm đến trật tự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Vì thế, con người được mời gọi quan tâm và lo lắng cho việc khôi phục các thiệt hại gây ra. Giải pháp thích hợp không thể đơn giản chỉ bao gồm việc quản lý tốt hơn, hoặc qua sử dụng hợp lý hơn các nguồn lực của trái đất. Tất cả các giải pháp đó đều hữu dụng, nhưng cần thiết phải đi đến tận nguồn gốc và đối diện với cuộc khủng hoàn toàn diện về đạo đức, mà khủng hoảng môi trường chỉ là một khí cạnh đáng quan tâm.

II. Khủng hoảng sinh thái: một vấn đề về luân lý
6. Một số yếu tố của cuộc khủng hoảng sinh thái ngày nay cho thấy rõ tính chất luân lý. Trước hết, việc sử dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ. Nhiều khám phá gần đây đã mang lại những lợi ích không thể phủ nhận cho nhân loại; nhất là chúng minh chứng cho sự cao quý của ơn gọi con người trong việc thông dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong thế giới. Tuy nhiên, những áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp lại có ảnh hưởng tiêu cực lâu dài. Chúng ta không thể can thiệp vào một khu vực sinh thái mà lại không quan tâm đến hậu quả nơi các khu vực khác và, nói chung, cho hạnh phúc của các thế hệ tương lai.
Sự suy giảm tầng Ozôn và “hiệu ứng nhà kính” hiện nay rất đáng lo ngại bởi nguyên nhân của các ngành công nghiệp, việc phát triển các đô thị lớn và tiêu thụ năng lượng. Chất thải công nghiệp, khí được sản xuất bởi việc đốt cháy nhiên liệu, nạn phá rừng, sử dụng các loại thuốc và phân bón hóa học, đều làm hại đến khí quyển và môi trường. Những thay đổi về khí tượng và khí quyển sẽ có hại cho sức khoẻ con người.
Trong khi ở một số điều con người gây hại có lẽ là không thể đảo ngược, nhưng trong nhiều trường hợp khác, con người vẫn có thể ngừng lại. Vì thế, toàn thể nhân loại, cá nhân và cộng đồng, các quốc gia và các tổ chức quốc tế, phải có trách nhiệm cách nghiêm túc.
7. Nhưng dấu chỉ sâu xa và nghiêm trọng nhất trong những tác động đạo đức về sinh thái là sự thiếu tôn trọng sự sống, được biểu hiện trong các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Rất nhiều lần, lợi ích sản xuất vượt trên nhân phẩm của người lao động, và lợi ích kinh tế đi trước lợi ích cá nhân, thậm chí hơn cả lợi ích của một dân tộc. Trong những trường hợp này, việc gây ô nhiễm hoặc phá hủy thiên nhiên cho thấy sự thiếu tôn trọng con người.
Tương tự như thế, sự cân bằng sinh thái đang rất mỏng manh do sự tàn phá bừa bãi các giống loài động vật và thực vật, hoặc khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên. Tất cả những điều này ngay cả khi được thực hiện nhân danh tiến bộ và hạnh phúc, thì cũng bất lợi cho nhân loại.
Cuối cùng, không thể không quan tâm sâu xa đến các nghiên cứu sinh học. Có lẽ chưa đủ thể đánh giá các rối loạn sinh học là kết quả của di truyền bừa bãi và sự phát triển vô đạo đức trên những loài thực vật và động vật mới, nếu như chưa muốn nói đến nhưng thử nghiệm không thể chấp nhận được về nguồn gốc sự sống con người. Mọi người đều nhận thức được rằng, trong một lĩnh vực nhạy cảm như vậy, sự thờ ơ hoặc bác bỏ các tiêu chí đạo đức nền tảng sẽ dẫn con người tới ngưỡng cửa của sự tự hủy diệt chính mình.
Tôn trọng sự sống và tôn trọng phẩm giá con người là tiêu chuẩn nền tảng cho sự phát triển kinh tế, công nghiệp và khoa học.
Vấn đề sinh thái là một vấn đề phức hợp. Tuy nhiên, có những nguyên tắc nền tảng là trong khi tôn trọng quyền tự chủ hợp pháp và thẩm quyền cụ thể, thì con người cũng phải nghiên cứu những giải pháp thích hợp và lâu dài. Những nguyên tắc rất cần thiết cho việc xây dựng một xã hội hòa bình, một xã hội tôn trọng sự sống và  tôn trọng tình toàn vẹn của tạo vật.

III. Tìm kiếm giải pháp
8. Thần học, triết học và khoa học có khóe nhìn về một vũ trụ hài hòa, thực sự là “cosmo” – vũ trụ, được phú ban cho tính toàn vẹn của nó, cùng với sự cân bằng nội tại. Trận tự này phải được tôn trọng: con người được mời gọi khám phá nó một cách khôn ngoan cũng như sử dụng và gìn giữ tính toàn vẹn của nó.
Mặt khác, trái đất là một di sản chung, hoa trái của trái đất dành cho tất cả mọi giống loài. Công đồng Vatican II khẳng định rằng “Thiên Chúa thiết lập trái đất và tất cả hoa trái của nó cho tất cả mọi người và mọi dân tộc” (Gaudium et Spes, 69). Thật bất công khi một số ít người tích lũy tài nguyên thiên nhiên, trong khi đa số con người đang ở trong điều kiện sinh sống thấp nhất. Vấn đề sinh thái dạy chúng ta rằng con người, cá nhân hoặc tập thể, tham lam và ích kỷ như thế nào nếu con người chống lại trật tự của thụ tạo được đặc trưng bởi sự phụ thuộc lẫn nhau.
9. Các khái niệm về trật tự của vũ trụ và di sản chung cho thấy rằng cần một hệ thống quản lý tài nguyên thiên nhiên tốt hơn trên bình diện quốc tế. Những chiều kích về vấn đề môi sinh trong nhiều trường hợp đã vượt quá ranh giới quốc gia: vì thế, giải pháp của họ không thể diễn ra ở cấp quốc gia. Gần đây đã có những bước tiến trên bình diện quốc tế, nhưng các công cụ và những tổ chức vẫn hoạt động thiếu một kế hoạch phối hợp hành động. Trở ngại chính trị, hình thức của chủ nghĩa dân tộc và lợi ích kinh tế, chính là những yếu tố làm chậm, hoặc thậm chí ngăn ngừa sự hợp tác quốc tế và áp dụng các sáng kiến ​​hiệu quả lâu dài.
Sự cần thiết hành động phối hợp trên bình diện quốc tế không làm giảm trách nhiệm của từng quốc gia. Quả vậy, nhứng quốc gia này không chỉ phải áp dụng các quy tắc đã được phê chuẩn cùng với các quốc gia khác, mà còn phải  khuyến khíc một cơ cấu kinh tế-xã hội thích hợp, với sự quan tâm đặc biệt đến những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Nhà nước trong lãnh thổ của mình được kêu mời ngăn chặn sự ô nhiễm bầu khí quyển và sinh quyển, bằng cách cẩn thận theo dõi những tác động của tiến bộ công nghệ và khoa học, đồng thời kêu gọi các công dân không được tiếp xúc với các chất ô nhiễm hoặc chất thải độc hại. Ngày nay, chúng ta bàn đến nhiều hơn về quyền lợi để có một môi trường an toàn, chẳng hạn như một luật để đưa vào hiến chương về nhân quyền.

IV. Tính khẩn thiết về sự liên đới
10. Khủng hoảng sinh thái nêu lên vấn đề đạo đức cấp thiết cho một sự liên đới mới, đặc biệt trong tương quan giữa các quốc gia đang phát triển và các nước công nghiệp hóa cao. Các quốc gia ngày càng phải liên đới, chia sẻ trách nhiệm và bổ sung cho nhau trong việc thúc đẩy sự phát triển môi trường tự nhiên và xã hội hòa bình lành mạnh. Các nước đang phát triển chẳng hạn không thể yêu cầu áp dụng cho các ngành công nghiệp non trẻ của họ những tiêu chuẩn môi trường nghiêm khắc, nếu các nước công nghiệp và hiện đại không áp dụng trước tiên.
Về phần mình, các nước công nghiệp hóa không được tự do về mặt đạo đức để lặp lại những sai lầm của người khác trong quá khứ, tiếp tục làm tổn hại đến môi trường với việc tạo ra những chất ô nhiễm công nghiệp, phá rừng, khai thác vô tận các nguồn tài nguyên. Trong bối cảnh này, thật khẩn thiết và quan trọng tìm một giải pháp cho vấn đề xử lý chất thải độc hại.
Tuy nhiên, không kế hoạch nào và tổ chức nào có thể thực hiện những thay đổi cần thiết, nếu các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới không thực sự xác tín về sự cần thiết tuyệt đối về sự liên đới mới này, sự liên đới đến từ khủng hoảng sinh thái và là nền tảng cho hòa bình. Điều này cần phải có những cơ hội mới cho việc tăng cường quan hệ hợp tác và hòa bình giữa các quốc gia.
11. Cũng cần nói thêm rằng chúng ta sẽ không có được cân bằng sinh thái, nếu chúng ta không trực tiếp giải quyết các hình thái nghèo đói trên thế giới. Chẳng hạn, nghèo đói tại nông thôn và phân phối đất đai ở nhiều nước không đủ đất canh tách cho nông dân. Khi trái đất không sản xuất thêm, nhiều nông dân chuyển sang các khu vực khác, do đó tình trạng phá rừng tăng nhanh không kiểm soát được, hoặc họ di chuyển đến sống ở các trung tâm đô thị thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ.
Ngoài ra, một số quốc gia nợ nần chồng chất đang hủy hoại di sản thiên nhiên trong đất nước họ kéo theo sự mất cân bằng sinh thái, cho dẫu có những phát triển sản phẩm xuất khẩu mới. Nếu chỉ cho rằng sự nghèo đói là nguyên nhân cho những tác động môi trường, thì đó là một cách lẫn tránh trách nhiệm. Vì thế, đúng hơn nên giúp đỡ người nghèo vượt qua đói nghèo của họ, và điều này đòi hỏi một sự canh tân táo bạo của các dân tộc và các quốc gia.
12. Nhưng có một mối đe dọa nguy hiểm đó là chiến tranh. Thật không may, khoa học hiện đại khiến thay đổi môi trường, và sự can thiệp có thể có ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng hơn. Mặc dù quốc tế thỏa thuận cấm chiến tranh hóa học, vi sinh và sinh học, nhưng thực tế là trong các phòng thí nghiệm tiếp tục nghiên cứu phát triển vũ khí tấn công mới có khả năng làm thay đổi cân bằng sinh thái.
Ngày nay bất kỳ hình thức chiến tranh trên quy mô toàn cầu cũng dẫn đến thiệt hại sinh thái khôn lường. Ngay cả các cuộc chiến tranh sắc tộc hoặc chiến tranh khu vực, không chỉ phá hủy cuộc sống của con người và cấu trúc xã hội, mà còn làm tổn hại đất đai, phá hoại mùa màng và cây cối và làm ô nhiễm nguồn nước và đất đai. Những người sống sót sau cuộc chiến buộc phải bắt đầu một cuộc sống mới trong điều kiện môi trường rất khó khăn, do đó sẽ tạo ra những tình huống bất ổn xã hội, với những hậu quả tiêu cực cho vấn đề môi trường.
13. Xã hội hiện đại sẽ không tìm thấy giải pháp cho các vấn đề sinh thái, trừ khi nghiêm túc xem xét lối sống của mình. Ở nhiều nơi trên thế giới cuốn theo chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu dùng, trong khi thờ ơ với thiệt hại xảy ra. Như cha đã lưu ý, mức độ nghiêm trọng của tình hình sinh thái tỏ lộ khủng hoảng đạo đức của con người. Nếu không ý thức về giá trị của con người và của đời sống con người, chúng ta mất đi sự quan tâm đến người khác và đến trái đất. Lối sống đơn giản, tiết độ, tính kỷ luật và tinh thần hy sinh, phải đi vào cuộc sống hàng ngày, để mọi người không phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực của những thói quen bất cẩn của một ít người.
Vì thế, cần có một nhu cầu cấp thiết để giáo dục về trách nhiệm sinh thái: trách nhiệm đối với những người khác; trách nhiệm môi trường. Một nền giáo dục không thể dựa vào cảm giác hay của một lối tư duy mơ tưởng. Mục đích của giáo dục không hệ tại ở ý thức hệ hay chính trị, và không thể dựa trên sự chối bỏ thế giới hiện đại hay trên ước muốn mơ hồ về sự trở lại của “thiên đường đã mất”. Nền giáo dục chân thật hướng đến trách nhiệm đòi hỏi phải hoán cải thực sự trong cách suy nghĩ và hành động. Về vấn đề này, các giáo hội và các tổ chức tôn giáo khác, các cơ quan chính phủ, và nhất là tất cả các thành viên của xã hội đều đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, môi trường đầu tiên vẫn là gia đình, nơi con trẻ học biết tôn trọng người khác và yêu mến thiên nhiên.
14. Sau cùng, chúng ta không thể bỏ qua giá trị thẩm mỹ của tạo vật. Kinh Thánh thường nói về sự tốt lành và vẻ đẹp của tạo vật, được kêu mời để làm vinh danh Thiên Chúa (X. St 1, 4; Tv 8, 2; Tv 104 [103], 1; Kn 13, 3-5; Sir 39,16.33; 43, 1.9).
Có lẽ khó khăn hơn, nhưng không kém phần sâu sắc, là việc chiêm ngưỡng các tác phẩm của thiên tài con người. Các thành phố và các đô thị đều có một vẻ đẹp rất riêng biệt, giúp mọi người phải bảo vệ môi trường xung quanh. Quy hoạch đô thị tốt là một khía cạnh quan trọng của bảo vệ môi trường. Không nên bỏ qua mối tương quan giữa giáo dục thẩm mỹ và việc gìn giữ môi trường lành mạnh.

V. Vấn đề sinh thái: trách nhiệm của mọi người
15. Ngày nay, vấn đề sinh thái là trách nhiệm của tất cả mọi người. Những chiều kích khác nhau của nó cho thấy cần phải hình thành những nhiệm vụ tương ứng và nghĩa vụ của cá nhân, của các dân tộc, các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Điều này không chỉ được thực hiện bằng nỗ lực xây dựng hòa bình thật sự, nhưng còn  khẳng định và củng cố hòa hình. Vấn đề sinh thái được đưa vào trong bối cảnh rộng lớn của hòa bình trong xã hội con người, giúp chúng ta phải ý thức hơn về tầm quan trọng về những gì trái đất và bầu khí quyển tỏ lộ cho chúng ta: trong vũ trụ có một trật tự phải được tôn trọng; con người, với tự do lựa chọn, có trách nhiệm lớn lao đối với việc gìn giữ trật tự này, vì hạnh phúc và lợi ích cho các thế hệ tương lai. Cuộc khủng hoảng sinh thái - cha nhắc lại một lần nữa - nó là một vấn đề đạo đức.
Ngay cả những người không có niềm tin tôn giáo, với tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung, cũng nhận thấy nhiệm vụ góp phần gìn giữ môi trường. Những ai tin vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, và do đó tin rằng trên thế giới có một trật tự xác định rõ mục đích và cảm thấy được kêu mời là đối diện với vấn đề này. Đặc biệt, các Kitô hữu nhận ra nhiệm vụ của họ như một thụ tạo, đối với thiên nhiên và với Đấng Tạo Hóa. Họ ý thức về mối tương quan đại kết và liên tôn trong lãnh vực này.
16. Kết thúc sứ điệp này, cha muốn trực tiếp hướng đến các anh chị em Giáo hội Công giáo để nhắc nhớ họ về nghĩa vụ quan trọng phải chăm sóc mọi tạo vật. Nhiệm vụ của các tín hữu với một môi trường lành mạnh bắt nguồn trực tiếp từ đức tin của mình vào Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa, từ những ảnh hưởng của tội nguyên tổ và tội lỗi cá nhân, và từ sự chắc chắn được cứu chuộc nhờ Đức Kitô. Tôn trọng sự sống và phẩm giá của con người cũng bao gồm sự tôn trọng và chăm sóc các tạo vật, tất cả tôn vinh Thiên Chúa (x. Tv 148 [147] và Tv 96 [95]).
Thánh Phanxicô Assisi, người mà vào năm 1979 cha đã đặt làm quan thầy của những ai gìn giữ hệ sinh thái, là mẫu gương cho các Kitô hữu về sự tôn trọng sự toàn vẹn của tạo vật. Là bạn của người nghèo, thánh nhân đã mời tất cả mọi thụ tạo - động vật, thực vật, anh chị mặt trời, mặt trăng - tôn vinh và ngợi khen Chúa. Thánh Phanxicô Assisi minh chứng rằng một khi sống hòa hợp với Thiên Chúa, chúng ta có thể dâng hiến chính mình để xây dựng hòa bình với tất cả tạo vật; điều này không thể tách rời hòa bình giữa các dân tộc.
Cha hy vọng rằng cảm hứng của thánh nhân sẽ giúp chúng ta làm sống lại cảm giác “tình anh em” với tất cả những tạo vật tốt đẹp và tốt lành được tạo dựng bởi Thiên Chúa toàn năng, đồng thời cũng nhắc nhớ chúng ta về nhiệm vụ phải tôn trọng và gìn giữ các tạo vật, trong bối cảnh rộng lớn hơn và cao cả hơn về tình huynh đệ con người.
Vatican, 8 tháng 12 năm 1989
Gioan Phaolô II

No comments:

Post a Comment