ĐTC
GIOAN PHAOLÔ II
Sứ
điệp của gởi các thành viên phiên họp khoáng đại
của
Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về khoa học, 1986.
Kính gởi các thành viên
của Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về Khoa Học
Với lòng trìu mến Cha gởi đến Vị Chủ Tịch và tất cả các thành
viên trong Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về khoa học nhân cuộc họp khoáng đại mà anh
chị em đang cử hành. Cha gởi lời chào thân ái đến tất cả những ai lần đầu tiên
được mời gọi phục vụ trong Viện này, và cũng chân thành tri ân những nhà trí
thức trong Viện đã qua đời trong năm vừa qua; Cha phó dâng tất cả những linh
hồn đó cho Thiên Chúa hằng sống.
ĐTC đã yêu thích gọi Giáo Hội là Senatus scientificus và yêu cầu Giáo Hội phải phục vụ chân lý.
Đó cũng chính là lời mời gọi của Cha dành cho anh chị em ngày hôm nay, cùng với
sự chắc chắn rằng tất cả chúng ta phải cố gắng làm "triển nở cuộc đối
thoại giữa Giáo Hội và khoa học" (Gioan Phaolô II, Diễn từ cho Viện Hàn
Lâm khoa học, 28.10.1986).
2. Cha cũng rất vui
vì chủ đề mà anh chị em chọn cho phiên họp này: nguồn gốc sự sống và tiến hóa.
Giáo Hội quan tâm đến chủ đề quan trọng này, vì Mặc Khải chứa đựng những
giáo huấn về bản chất và nguồn gốc của con người. Làm thế nào để những kết luận
về chủ đề này có thể dung hòa giữa khoa học và Mặc Khải? Dường như chúng đối
lập với nhau, vì thế, đâu là hướng giải quyết? Chúng ta biết rằng chân lý không
thể nào mâu thuẫn với chân lý được (x. ĐTC Leô XIII, Providentissimus Deus).
Hơn nữa, để làm sáng tỏ chân lý lịch sử, những nghiên cứu của anh chị em về mối
tương quan giữa Giáo Hội và khoa học từ các thế kỷ XVI đến XVIII hết sức quan
trọng.
Trong phiên họp này, anh chị em đã hướng đến "suy tư
khoa học trong thiên niên kỷ thứ ba" và bắt đầu với những vấn đề phổ quát
của khoa học có ảnh hưởng to lớn đến tương lai nhân loại. Anh chị em cũng đã
tập hợp những lý giải hữu ích cho con người. Trong thế giới vô cơ và hữu cơ, sự
tiến hóa khoa học và những áp dụng của nó đã nảy sinh những vấn nạn mới. Giáo
Hội có thể hiểu biết sâu xa hơn tầm quan trọng của nó nếu nhận biết những khía
cạnh nền tảng. Theo đó, với sứ mệnh chuyên biệt, Giáo Hội có thể đưa ra những
tiêu chuẩn để biện phân những hành xử luân lý, qua đó con người được kêu mời
hướng đến ơn cứu độ phổ quát.
3. Trước khi nêu lên một vài suy tư đặc biệt về nguồn gốc sự
sống và tiến hóa, Cha muốn nhắc nhớ Giáo Huấn của Giáo Hội về chủ đề này.
Trong Thông Điệp Humani Generis ĐTC Piô XII đã
khẳng định rằng không có sự tương phản giữa tiến hóa và Giáo Huấn của đức tin
về con người và ơn gọi con người (Pio XII, Humani
Generis,1950: AAS 42 [1950] 575-576).
Về phần Cha, vào ngày 31.10.1992 nhân phiên họp khoáng đại
của Viện Hàn Lâm về vấn đề Galiêô, Cha đã gợi nhắc về sự cần thiết của việc cắt
nghĩa chính xác về những Lời mặc khải. Cần chú giải chính xác Kinh Thánh, và
loại bỏ những cắt nghĩa không phù hợp với Lời Chúa. Để giới hạn lãnh vực và đối
tượng nghiên cứu, các thần học gia và các nhà chú giải phải lưu tâm đến khoa
học tự nhiên (Gioan Phaolô II, Bài nói
chuyện với Viện Hàn Lâm Khoa Học, 31.10.1992; Bài nói chuyện với Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh, 23.04.1993).
4. Lưu tâm đến hiện trạng của những nghiên cứu khoa học vào
thời đại đó và cũng nhấn mạnh đến vai trò của thần học, Thông Điệp Humani
Generis cho rằng học thuyết tiến
hóa là một giả thuyết nghiêm túc, đáng được nghiên cứu và suy tư sâu xa. ĐTC
Piô XII nêu lên hai điều kiện cho phương pháp nghiên cứu: không lấy quan điểm
này như thể một học thuyết chắc chắn và được minh chứng rõ ràng, và cũng không
lấy quan điểm này như thể kín múc hoàn toàn từ Mặc Khải cho những vấn nạn nêu
trên. ĐTC cho rằng điều kiện cần thiết là tiến hóa dung hòa với đức tin Kitô
giáo.
Khoảng một nửa thế
kỷ sau khi Thông Điệp ra mắt công chúng, thì sự hiểu biết khiến chúng ta cho
rằng thuyết tiến hóa không chỉ là một giả thuyết. Điều đáng chú ý là thuyết
tiến hóa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, và theo đó hàng loạt những khám
phá mới do những ngành khoa học khác nhau. Sự tương đồng của những khám phá này
có lợi cho thuyết tiến hóa.
Đâu là tầm quan
trọng cho một lý thuyết như thế? Để trả lời cho vấn nạn này, chúng ta hãy đi
vào lãnh vực khoa học. Một lý thuyết là kết quả của một tiến trình nghiên cứu
khoa học, hình thành từ những quan sát thực nghiệm, và những quan sát thực
nghiệm này được thực hiện như nhau. Nhờ những quan sát mà những dữ kiện có thể
liên kết với nhau và được giải thích. Lý thuyết có giá trị khi tất cả những thí
nghiệm được kiểm chứng, và phải được kiểm chứng liên tục qua những dữ kiện; một
khi những dữ kiện không thể kiểm chứng được, thì lý thuyết bộc lộ những khiếm
khuyết, và vì thế nó phải được kiểm chứng và tái suy tư.
Hơn nữa, tiến trình
hình thành một lý thuyết như thuyết tiến hóa phải liên hệ đến một vài quan niệm
của triết học thiên nhiên.
Thật tình mà nói thì
không chỉ có một thuyết tiến hóa, nhưng tốt hơn nên bàn về những thuyết tiến
hóa. Sự phong phú của nó không chỉ hệ tại ở những lối giải thích khác nhau
về tiến trình tiến hóa, mà còn hệ tại ở những trường phái triết học khác nhau
nữa. Có những quan điểm vật chất hay thiêng liêng về tiến hóa. Vì thế, triết
học và thần học đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đánh giá học
thuyết này.
5. Giáo Huấn của
Giáo Hội quan tâm trực tiếp đến vấn đề tiến hóa, bởi vì nó liên hệ đến khái
niệm về con người, là tạo vật, theo Mặc Khải, được tạo dựng theo hình ảnh của
Thiên Chúa (x. Sáng Thế 1, 28-29). Hiến Chế Gaudium et spes [Vui mừng và
hy vọng] đã bàn về vấn đề này và là một trong những điểm qui chiếu cho Kitô
giáo. Hiến chế nhắc nhớ rằng con người là "tạo vật duy nhất Thiên Chúa
muốn cho chính mình" (Gaudium et spes, số 24). Nói cách khác, mỗi
nhân vị con người không phải là một công cụ hay một phương tiện cho giống người
hay cho toàn thể xã hội. Con người có giá trị nội tại. Con người là một nhân
vị. Nhờ trí khôn và ý chí, con người có khả năng đi vào sự hiệp thông, liên đới
và là quà tặng với tất cả sự hữu hạn của mình. Thánh Tôma cho rằng con người
giống hình ảnh Thiên Chúa hệ tại ở tri thức lý trí, theo nghĩa là tương quan
của con người với đối tượng nhận biết cũng giống như tương quan của Thiên Chúa
với công trình sáng tạo (Summa theologiae, I-II, q. 3, a. 5, ad
1). Hơn nữa, con người được kêu mời vào trong tương quan và trong tình yêu với
Thiên Chúa, một tương quan sẽ được hoàn thành trong thời vĩnh cửu. Ơn gọi sâu
xa và cao cả của con người sẽ được thành toàn trong mầu nhiệm Đức Kitô phục
sinh (x. Gaudium et spes, số 22). Điều đó được thể hiện qua linh hồn
thiêng liêng và trong thân xác con người. ĐTC Piô XII đã nhấn mạnh đến điểm
thiết yếu này: nếu thân xác con người có nguồn gốc từ vật chất, thì linh hồn
thiêng liêng được Thiên Chúa tạo dựng cách trực tiếp - “animas enim a Deo
immediate creari catholica fides nos retinere iubet” (Pio XII, Humani
Generis, AAS 42 [1950] 575).
Theo đó, những thuyết tiến hóa cho rằng tinh thần được hình
thành từ vật chất sống động hay tinh thần như một hiện tượng đơn thuần của vật
chất, thì không thể tương hợp với chân lý về con người. Hơn nữa, những học
thuyết này không thể hình thành phẩm giá con người.
6. Vì thế, với con người chúng ta đứng trước một cấp bậc hữu
thể khác biệt; chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang đứng trước một "bước
nhảy" về hữu thể. Tuy nhiên, việc đưa ra một sự gián đoạn về hữu thể như
thế không có nghĩa trái ngược với tiến trình phát triển về thể lý, là điều được
xem như sợi dây xuyên suốt cho những nghiên cứu về tiến hóa trong lãnh vực vật
lý và hóa học? Lưu tâm đến phương pháp trong những lãnh vực nghiên cứu khác
nhau cho phép chúng ta dung hòa hai khóe nhìn dường như tương phản với nhau.
Khoa học thực nghiệm mô tả và kiểm chứng cách chính xác những hiện tượng khác
nhau của sự sống và mô tả sự sống trong tiến trình thời gian. Giây phút chuyển
tiếp sang đời sống tinh thần không phải là đối tượng của khoa học thực nghiệm,
cho dẫu điều này có thể được nhìn thấy qua một loạt những dấu chỉ quý giá trong
tính đặc thù của hữu thể nhân linh. Kinh nghiệm về siêu hình, về tự thức và tự
suy tư phản tỉnh, ý thức luân lý, tự do, về vẻ đẹp và về tôn giáo, đều thuộc
lãnh vực của suy tư triết học; trong khi đó, thần học sẽ tiếp cận kế hoạch của Đấng
Tạo Hóa.
7. Để kết luận, cha muốn nhắc nhớ rằng chân lý chứa đựng
trong Kinh Thánh có thể soi sáng cho những nghiên cứu của anh chị em về nguồn
gốc và tiến trình phát triển của sự sống. Quả thực, Kinh Thánh chứa đựng một
thông điệp tuyệt vời về sự sống, và ban tặng cho chúng ta viễn cảnh khôn ngoan
về sự sống. Viễn cảnh này đã hướng dẫn cha trong Thông Điệp của cha bàn về việc
tôn trọng sự sống con người với nhan đề "Evangelium Vitae".
Thật là ý nghĩa với sự kiện trong Tin Mừng Gioan sự sống mô
tả ánh sáng thần linh được Chúa Kitô mang đến cho con người. Chúng ta được mời
gọi thông dự vào sự sống vĩnh cửu, là sự sống đời đời của niềm hạnh phúc vĩnh
hằng.
Cho phép cha trích dẫn Lời Chúa để cảnh giác những cám dỗ
trong chúng ta: "Con người sống không nguyên bởi cơm bánh, nhưng còn bởi
mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Dnl 8,3; Mt 4,4).
Sự sống là một trong những hạn từ đẹp nhất mà Kinh Thánh dành
cho Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa hằng
sống.
Cha khẩn cầu phúc lành
của Thiên Chúa xuống trên anh chị em và xuống tất cả những ai gần gũi và thân
thương với anh chị em.
Vatican, 22.10.1996,
Gioan Phaolô II
Fx. Phạm Đình Phước SDB
chuyển ngữ từ www.vatican.va