Friday, May 24, 2019

DON BOSCO VỚI MẸ MARIA: MẸ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU



Don Bosco với Mẹ Maria: Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu

Gioan Bosco mang trong tâm hồn tình yêu đối với Mẹ Maria. Cậu đã bắt đầu các trò chơi hay công việc bằng lời kinh Kính Mừng Maria hay các lời nguyện tắt như “Mẹ Maria mến yêu, xin hãy giúp con”, “Ngai tòa của Sự Khôn ngoan, xin cầu cho chúng con”…
Nói về sự hiện diện của Đức Maria trong cuộc đời Don Bosco là nói đến toàn bộ đời sống của ngài và chúng ta không thể làm việc này chỉ trong vài hàng chữ. Hiến Luật, khoản 8, cống hiến cho chúng ba từ ngữ cốt yếu (chìa khóa): chỉ cho thấy, hướng dẫn, và nâng đỡ. “Mẹ Maria chỉ cho Don Bosco cánh đồng làm việc của ngài giữa giới trẻ và liên lỉ hướng dẫn và nâng đỡ ngài, nhất là trong việc sáng lập Tu Hội chúng ta” (HL 8).
Với hai hạn từ “hướng dẫn và nâng đỡ”, chúng ta liên hệ đến hai chiều kích nền tảng của con người: lý trí và ý chí. Đức Maria là Mẹ và là Bà Giáo soi sáng lý trí của cậu bé Gioan, để tiệm tiến và mỗi lần một chút sâu hơn (intus-legere) có thể hiểu sứ mệnh của mình hệ tại ở điều gì (“Đúng lúc, con sẽ hiểu mọi sự”), mãi tới khi thời khắc cảm động đến, Don Bosco sẽ thú nhận: “Bây giờ cha hiểu mọi sự”. Đàng khác, Đức Maria nâng đỡ ngài suốt cuộc đời, kiện cường ý chí ngài để ngài có thể trở nên ngày càng “mạnh mẽ và nghị lực” hơn. Bằng không, ngài sẽ không thể đương đầu với những gánh nặng và khó khăn của sứ mệnh đó.
Don Bosco đáp trả sự hướng dẫn và nâng đỡ của Đức Maria bằng lòng sùng kính đặc biệt: Mẹ Maria phù hộ các giáo hữu. Chúng biết rằng khi Don Bosco bắt đầu suy tư cách nghiêm túc về tước hiệu “Phù Hộ các Giáo hữu”, ngài đã gần 50 tuổi (trước đó là người nữ mục tử [khởi đầu công cuộc] và Mẹ Vô Nhiễm [trong việc sáng lập 2 dòng tu).[1]
Tước hiệu “Phù Hộ các giáo hữu” rất quan trọng với Don Bosco (tước hiệu này xuất hiện trong Lumen Gentium, được liên kết với tước hiệu “Mẹ Giáo hội”). Cha Egidio Viganò viết: “Lý do cho lòng sùng kính này, ngay tự bản chất, dành cho những thời đại khủng hoảng”. Chính Don Bosco diễn tả điều ấy cho cha Cagliero khi xác quyết: “Đức Mẹ muốn chúng ta tôn kính Mẹ dưới tước hiệu Phù Hộ các Giáo hữu, thời đại thật buồn thảm đến nỗi chúng ta thực sự cần đến Đức Nữ Trinh cực thánh phù giúp trong việc bảo tồn và bảo vệ đức tin Kitô hữu”.[2]
Trải qua những khó khăn và những giây phút gian nan thử thách, Don Bosco đã cảm nghiệm sâu sắc hơn nữa tình yêu thương thiêng liêng từ mẫu của Mẹ Maria. Niềm an ủi lớn lao mà ngài có được trong những thiếu thốn, nghèo khó, nhọc mệt, căng thẳng, lo âu chính là Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu.
Quả vậy, Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu luôn ở bên cạnh Don Bosco. Mẹ chỉ cho Gioan cách thức chuẩn bị sứ mệnh (MB I, 96), hướng dẫn bước đi của cậu trong giai đoạn đầu của công cuộc (MB II, 190-191), hướng dẫn các công cuộc phát triển cách vững chắc (MB II, 232-234), chỉ cho Don Bosco phương pháp đào luyện các cộng sự viên và thanh thiếu niên (MB II, 25-27).
Có một sự tương quan tuyệt vời giữa Don Bosco và Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu: Mẹ mãi mãi là “Mẹ của Don Bosco” và Don Bosco là “Vị Thánh của Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Cách khiêm tốn, Don Bosco nhìn nhận rằng “Không phải cha là tác giả của những công trình tuyệt diệu mà các con nhìn thấy. Tác giả chính là Thiên Chúa; là Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã tỏ mình cho vị linh mục nghèo hèn này. Chính Mẹ Maria đã thực hiện tất cả”.
Ngày 16 tháng 5 năm 1887, Don Bosco dâng thánh lễ tại nhà thờ Thánh Tâm Rôma, Ngài dâng Thánh Lễ này tại bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Phù Hộ, có linh mục thư ký của ngài là cha Viglietti giúp lễ. Hơn mười lăm lần trong Thánh Lễ, cảm xúc và nước mắt đã làm cho Don Bosco ngừng lại, không đọc tiếp kinh lễ được: “Cha đã nhìn lại, đã gợi ra trước mắt Cha giấc chiêm bao 9 tuổi. Các con biết, ai đã quyết định cả đời cha; nhất là cha vẫn nghe văng vẳng bên tai cha lời nói của Bà Giáo, khi cha năn nỉ Bà cho cha biết ý nghĩa của giấc mơ kỳ lạ đó. Bà nói: ‘Một ngày kia, khi tới thời gian đó, con sẽ hiểu tất cả’. Từ đó đến nay, đã qua sáu mươi năm. Bây giờ cha đã hiểu. Cha thấy tất cả là Đức Mẹ cùng Don Bosco thực hiện, nhất là Đức Mẹ đã thực hiện”. Tất cả những gì Don Bosco đã làm, ngài đã làm được với sự trợ giúp và ơn soi sáng của Nữ Vương Trên Trời.
Yếu tố quyết định cho lòng sùng kính của Don Bosco đối với Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu có điểm quy chiếu tại ngôi thánh đường ở Valdocco. Cha Edigio Viganò viết “Điều này sẽ vẫn là sự lựa chọn dứt khoát. Đức Trinh Nữ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu là điểm quy chiếu cho sự cổ võ và phát triển ơn gọi, cũng như là trung tâm quảng bá đặc sủng của Đấng Sáng Lập. Don Bosco đón nhận dung mạo của Mẹ Maria với tước hiệu Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, là Đấng đã khởi sự ơn gọi của mình và là Bà Giáo hướng dẫn cuộc đời Don Bosco”.[3]
Fx. Phạm Đình Phước SDB

Trích “Nội Quy Hội Mẹ Phù Hộ Các Giáo hữu”, của Thánh Gioan Bosco, Linh mục.

Mẹ Maria Phù Hộ các Giáo Hữu

Tước hiệu “Phù Hộ các Giáo hữu” được đặt cho Mẹ Đấng Cứu Thế, không phải là điều gì mới. Trong chính các Sách Thánh Mẹ Maria được nói tới như là Nữ vương đứng bên phải Con Thần Linh của Ngài, mặc áo vàng ròng và được đính nhiều thứ. Theo tinh thần Hội Thánh, áo vàng ròng được đính nhiều thứ, là đá và ngọc qúy, hay các tước hiệu, chúng ta quen dùng để thưa với Mẹ Maria. Vì thế, khi chúng ta kêu cầu Đức Nữ Trinh là “Phù Hộ các Giáo hữu”, chúng ta dùng một tước hiệu đặc biệt phù hợp với Ngài, như là một viên ngọc trên áo choàng bằng vàng của Ngài.

Theo ý nghĩa này, Mẹ Maria được chào như là Phù Hộ của nhân loại ngay từ lúc khởi đầu của thế giới, ngay từ khi Adam, sau khi sa ngã phạm tội, được hứa ban một Đấng Giải phóng, sinh ra từ một phụ nữ, sẽ đạp dập đầu con rắn nguy hiểm do chính bàn chân vô tội của Ngài.

Thực vậy, Người Nữ vĩ đại này được tượng trưng nơi cây sự sống ở trong vườn địa đàng; nơi tàu Noe đã cứu những người tôn thờ Thiên Chúa thật, thoát khỏi lụt đại hồng thủy; nơi cầu thang ông Giacóp cao tới trời; nơi bụi gai Ông Moisen cháy rực, nhưng không bị thiêu rụi, ám chỉ Mẹ Maria vẫn còn đồng trinh sau khi sinh con; nơi hòm bia Giao Ước; nơi tháp Đavít chống lại mọi tấn công; nơi hoa hồng Giêrikhô; nơi dòng suối được niêm phong; nơi vườn được Vua Salomon vun trồng và chăm sóc tử tế, tượng trưng mọi phúc lành tuôn chảy; nơi tấm len của Ghiđêon.

Nơi khác Ngài được gọi là ngôi sao của Giacóp, rạng rỡ như mặt trăng, qúy phái như mặt trời, cầu vồng hoà bình, con ngươi của mắt Thiên Chúa, vầng đông an ủi, Nữ Trinh và Mẹ của Chúa mình. Các biểu tượng và cách diễn tả này được Hội Thánh áp dụng cho Mẹ Maria, biểu lộ kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa : Ngài muốn tỏ lộ trước khi Mẹ sinh ra, như là con đầu lòng của mọi thụ tạo, là người bảo vệ, phù hộ và nâng đỡ kỳ diệu, và sửa chữa những sự xấu mà nhân loại dễ xa ngã.

Trong Tân Ước, không chỉ với biểu tượng và tiên tri mà Đức Mẹ được nói tới như là Đấng Phù Hộ nhân loại nói chung, nhưng Ngài cũng được gọi là sự phù hộ, nâng đỡ và bảo vệ các Kitô hữu; và điều này không còn nơi hình ảnh, không còn nơi những diễn tả biểu tượng; trong Phúc Âm mọi sự đều là thực tại và hoàn tất của qúa khứ. Đức Maria được Tổng thiên thần Gabriel chào là “Đầy ân sủng”. Thiên Chúa đoái nhìn sự khiêm tốn sâu thẳm của Đức Maria và nâng Ngài lên địa vị làm Mẹ Ngôi Lời vĩnh cửu. Chúa Giêsu là Chúa bao la và khôn dò, trở nên Con của Đức Maria. Từ Mẹ Maria, Ngài được sinh ra; nhờ Mẹ Maria, Ngài được giáo dục và nuôi dưỡng. Ngôi Lời Vĩnh Cửu làm người vâng phục Mẹ Ngài trong mọi sự. Theo Mẹ yêu cầu, Ngài đã làm dấu lạ đầu tiên tại Cana, ở Galilê; trên Calvariô, Đức Mẹ được đặt làm Mẹ tất cả các Kitô hữu. Các Tông đồ đón nhận Mẹ làm người hướng dẫn và thầy dạy về nhân đức. Cùng với Mẹ, các ngài quy tụ ở Nhà Tiệc Ly để cầu nguyện; với Mẹ, trong hồi tâm, các ngài chờ đợi Chúa Thánh Thần đến. Với các Tông Đồ, Mẹ nói lời cuối cùng trước khi lên thiên đàng vinh hiển.

Và từ toà cao vinh hiển, Mẹ hướng cái nhìn từ mẫu về nhân loại và nói : Từ toà cao cả và vinh hiển này, Mẹ ban nhiều phúc lành cho những ai yêu mến Mẹ và cùng với các ơn huệ trên trời, họ tăng cường các kho tàng ơn sủng của họ.

Và từ đó, ngay từ khi Mẹ lên trời hồn xác, các Kitô hữu liên lỉ và không ngừng hướng về Mẹ Maria, như Thánh Bênađô đã nói với chúng ta, không hề có ai nói rằng những người tin tưởng kêu cầu Người Mẹ Yêu Dấu này đã không được nhậm lời. Chính vì thế mỗi thế kỷ, mỗi năm, mỗi ngày, và chúng ta có thể nói rằng, mỗi giây phút trong lịch sử đều được đánh dấu bằng những ơn huệ trọng đại được ban cho những người kêu cầu Mẹ với đức tin. Đây cũng là lý do tại sao mỗi vương quốc, mỗi thành phố, mỗi gia đình đều có nhà thờ, nhà nguyện, bàn thờ, tượng, ảnh hay dấu chỉ nào đó biểu lộ lòng tôn sùng Đức Mẹ, và đồng thời nhắc nhớ nhiều ân sủng được ban cho những người chạy đến với Mẹ trong những nhu cầu của đời sống. 



[1] X. Chrys Saldanha, Khám phá đời thánh hiến Salêdiêng, 188.
[2] X. Egidio Viganò, “Mary is renewing the Salesian Family of Don Bosco”, ACS n. 289 (1978), p. 10-11.
[3] Egidio Viganò, Mary is renewing the Salesian Family of Don Bosco, in ACS 289 (1978), 12.