Tuesday, February 5, 2019

KÍNH NHỚ TỔ TIÊN: BIẾT ƠN VÀ HIẾU THẢO




Biết ơn và thảo hiếu
Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý OBACE,
Mấy ngày gần đây, một cụm từ xuất hiện trên các báo đài và nơi môi miệng của nhiều người là “về quê ăn tết”. Khó khăn lắm mới có vé xe, vé tàu, vé máy bay; phải mua từ rất sớm. Rất nhiều người đi xe “honda”, bế theo những đứa con nhỏ, có em đang ngủ trên tay của mẹ, đồ đạc lỉnh kỉnh, lên đường giữa trời nắng nóng. Tất cả chỉ mong muốn về quê ăn tết. Về quê ăn tết, thực sự là về với gia đình, về với ông bà, cha mẹ, với anh chị em của mình; về nơi mình sinh ra và lớn lên, về với nơi chất chứa bao kỷ niệm của cuộc đời con người.
Với ý nghĩa đó, chúng con, những người con xa quê, xa gia đình: linh mục, tu sĩ nam nữ, sinh viên học sinh, công nhân, những người làm ăn xa quê hương, về quê ăn tết, quy tụ nơi đây, cử hành thánh lễ này.
Giáo Hội Việt Nam dành ngày mồng hai tết để kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ. Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, con xin chia sẻ hai điều: Biết ơn và hiếu thảo.

1) Biết ơn
Ông bà, cha mẹ, những bậc cao niên là một ân huệ, một hồng ân.
Biết ơn vì hồng ân sự sống. Cha mẹ cộng tác với Thiên Chúa sinh thành nên chúng ta, cho chúng ta thành người, giúp chúng ta càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và nhân đức.
“Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”
Cù lao chín chữ là những chữ gì? Sinh đẻ, nâng đỡ, dạy dỗ, trìu mến, cho bú sữa, nuôi khôn lớn, trông nom, ôm ấp, bảo vệ. Những chữ này cho thấy công ơn của cha mẹ, ông bà. Chúng ta sinh ra đã là người, nhưng để “trở thành người” chúng ta cần các ngài chăm sóc và dạy dỗ chúng ta.
Các ngài giáo dục chúng ta, giúp chúng ta giáo dục con cái, cho chúng ta những kinh nghiệm sống, chuyển giao lịch sử gia đình, cộng đoàn.
 Biết ơn vì hồng ân đức tin. Làm dấu thánh giá: ai cũng biết là “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Làm dấu thánh giá bằng tay phải, tại sao? Tại sao không làm bằng tay trái, cho dẫu nhiều người thuận tay trái? Tại sao khi đọc “Thánh Thần” chúng ta đưa tay từ bên trái sang bên phải? Chúng ta biết rằng trong Mátthêu chương 25, khi nói về cuộc phán xét chung, Chúa Giêsu ngự đến trong vinh quang, tách người tốt và người xấu; người tốt bên phải và kẻ xấu ở bên trái. Vì thế, cuộc đời của chúng ta là một hành trình trở nên tốt, “trở thành người tốt”; mỗi phút giây, chúng ta xin Thánh Thần thánh hóa chúng ta trở nên tốt, trở thành người tốt, để chúng ta sẽ được hưởng vinh quang sự sống đời đời.
Ông bà cha mẹ chúng ta đã hơn một lần dạy chúng ta làm dấu thánh giá. Khi chúng ta còn thơ bé, nhiều lần cha mẹ nói “làm dấu đi con”; khi chúng ta không biết phải “quơ tay” như thế nào cho đúng, cha mẹ nhiều lần cầm tay chúng ta đặt trên trán, đưa xuống ngực, từ vai trái qua vai phải; đặc biệt khi có người lớn, khi có ai đó viếng thăm, cha mẹ chúng ta khích lệ “con ngoan, làm dấu đi con”, “làm dấu cho ông xem nè, cho bà xem nè”.
Cha mẹ chúng ta dạy chúng ta râm ran cầu nguyện, với những lời kinh đơn sơ. Cha mẹ giúp chúng ta tin vào một Thiên Chúa duy nhất, Đấng yêu thương và quan phòng cho con người (Câu chuyện người mẹ của nhà Macabê).

2) Hiếu thảo
Vì biết ơn, chúng ta được mời gọi thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ.
“Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn trên mắt mẹ nghe không.
Ai còn cha, xin đừng làm cha khổ,
Hãy nhớ lời đạo hiếu làm người”.
Tại một gia đình nọ, sau khi cha mẹ đã tảo tần, dãi nắng dầm sương, hy sinh tất cả cho gia đình, con cái, đến tuổi già, người mẹ ở với đứa con trai. Nhưng tiếc thay, người con trai và cả con dâu luôn khó chịu về tuổi già, về bệnh tật của mẹ, để rồi một ngày, mẹ không còn nữa, anh mới nhận được những dòng chữ của mẹ anh viết, để lại cho anh.
“Con trai yêu quý của mẹ,
Khi mẹ không còn trong cuộc đời, con sẽ đọc những dòng chữ này.
Con có biết, khi con còn nhỏ, mỗi khi thay đồ cho con, khó khăn lắm, có khi mẹ phải chạy vòng vòng quanh nhà theo con, mới thay đồ được cho con. Giờ đây, mẹ nằm một chỗ, con thay đồ cho mẹ, con cằn nhằn tay chân mẹ lọng cọng quá’, thay đồ cho mẹ khó lắm, mẹ tự thay cho mình được không? Mẹ xin lỗi con, mẹ không tự thay đồ được nữa!
Con à, khi con còn nhỏ, mỗi lần cho con ăn, mẹ phải dỗ dành bằng nhiều cách mới đút được cho con, có khi mẹ phải bồng con qua nhà hàng xóm để con có bạn cùng ăn. Khi con bắt đầu tự ăn, cũng là lúc con bắt đầu vung vãi. Vậy mà giờ đây, mẹ nằm một chỗ, con đút cho mẹ chén cơm, rớt một vài hột cơm, con cằn nhằn, la mắng mẹ. Mẹ xin lỗi, mẹ không tự mình ăn cơm được!
Khi con còn nhỏ, mẹ bế con đi khắp xóm làng, chở con đi đây kia dạo chơi. Giờ đây, đỡ mẹ lên một chút từ giường bệnh, con khó chịu mệt nhọc. Mẹ xin lỗi, mẹ không tự đi được nữa!”
....
Ngày xuân chúng ta quây quần bên nhau, xum vầy bên ông bà cha mẹ, không chỉ để chúc xuân, mừng tuổi, nhân phong bì lì xì, gởi tặng chút quà, tấm bánh; nhưng quan trọng là để chúng ta biết ơn và tỏ lòng hiếu thảo, và nhận được sự chúc lành từ các ngài. “Hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta” (Hc 44,1); “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mt 7,13); “Hãy tôn kính và chăm sóc cha mẹ, để ngươi được phần phúc và sống lâu dài” (Ep 6,1-4).
Nguyện xin Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho các bậc sinh thành. Ước gì khi mừng tuổi ông ba cha mẹ, chúng ta cũng biết chăm sóc và hiếu thảo để đền đáp công ơn các ngài. Amen!
Lm. Fx. Phạm Đình Phước SDB
Gx. Vinh An, mồng 2 Tết Kỷ Hợi (05/02/2019)