Trích “Nội Quy
Hội Mẹ Phù Hộ Các Giáo hữu”, của
Thánh Gioan Bosco, Linh mục.
Mẹ
Maria Phù Hộ các Giáo Hữu
Tước
hiệu “Phù Hộ các Giáo hữu” được đặt cho Mẹ Đấng Cứu Thế, không phải là điều gì
mới. Trong chính các Sách Thánh Mẹ Maria được nói tới như là Nữ vương đứng bên
phải Con Thần Linh của Ngài, mặc áo vàng ròng và được đính nhiều thứ. Theo tinh
thần Hội Thánh, áo vàng ròng được đính nhiều thứ, là đá và ngọc qúy, hay các
tước hiệu, chúng ta quen dùng để thưa với Mẹ Maria. Vì thế, khi chúng ta kêu
cầu Đức Nữ Trinh là “Phù Hộ các Giáo hữu”, chúng ta dùng một tước hiệu đặc biệt
phù hợp với Ngài, như là một viên ngọc trên áo choàng bằng vàng của Ngài.
Theo
ý nghĩa này, Mẹ Maria được chào như là Phù Hộ của nhân loại ngay từ lúc khởi
đầu của thế giới, ngay từ khi Adam, sau khi sa ngã phạm tội, được hứa ban một
Đấng Giải phóng, sinh ra từ một phụ nữ, sẽ đạp dập đầu con rắn nguy hiểm do
chính bàn chân vô tội của Ngài.
Thực
vậy, Người Nữ vĩ đại này được tượng trưng nơi cây sự sống ở trong vườn địa
đàng; nơi tàu Noe đã cứu những người tôn thờ Thiên Chúa thật, thoát khỏi lụt
đại hồng thủy; nơi cầu thang ông Giacóp cao tới trời; nơi bụi gai Ông Moisen
cháy rực, nhưng không bị thiêu rụi, ám chỉ Mẹ Maria vẫn còn đồng trinh sau khi
sinh con; nơi hòm bia Giao Ước; nơi tháp Đavít chống lại mọi tấn công; nơi hoa
hồng Giêrikhô; nơi dòng suối được niêm phong; nơi vườn được Vua Salomon vun
trồng và chăm sóc tử tế, tượng trưng mọi phúc lành tuôn chảy; nơi tấm len của
Ghiđêon.
Nơi
khác Ngài được gọi là ngôi sao của Giacóp, rạng rỡ như mặt trăng, qúy phái như
mặt trời, cầu vồng hoà bình, con ngươi của mắt Thiên Chúa, vầng đông an ủi, Nữ
Trinh và Mẹ của Chúa mình. Các biểu tượng và cách diễn tả này được Hội Thánh áp
dụng cho Mẹ Maria, biểu lộ kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa : Ngài muốn tỏ lộ
trước khi Mẹ sinh ra, như là con đầu lòng của mọi thụ tạo, là người bảo vệ, phù
hộ và nâng đỡ kỳ diệu, và sửa chữa những sự xấu mà nhân loại dễ xa ngã.
Trong
Tân Ước, không chỉ với biểu tượng và tiên tri mà Đức Mẹ được nói tới như là
Đấng Phù Hộ nhân loại nói chung, nhưng Ngài cũng được gọi là sự phù hộ, nâng đỡ
và bảo vệ các Kitô hữu; và điều này không còn nơi hình ảnh, không còn nơi những
diễn tả biểu tượng; trong Phúc Âm mọi sự đều là thực tại và hoàn tất của qúa
khứ. Đức Maria được Tổng thiên thần Gabriel chào là “Đầy ân sủng”. Thiên Chúa
đoái nhìn sự khiêm tốn sâu thẳm của Đức Maria và nâng Ngài lên địa vị làm Mẹ
Ngôi Lời vĩnh cửu. Chúa Giêsu là Chúa bao la và khôn dò, trở nên Con của Đức
Maria. Từ Mẹ Maria, Ngài được sinh ra; nhờ Mẹ Maria, Ngài được giáo dục và nuôi
dưỡng. Ngôi Lời Vĩnh Cửu làm người vâng phục Mẹ Ngài trong mọi sự. Theo Mẹ yêu
cầu, Ngài đã làm dấu lạ đầu tiên tại Cana, ở Galilê; trên Calvariô, Đức Mẹ được
đặt làm Mẹ tất cả các Kitô hữu. Các Tông đồ đón nhận Mẹ làm người hướng dẫn và
thầy dạy về nhân đức. Cùng với Mẹ, các ngài quy tụ ở Nhà Tiệc Ly để cầu nguyện;
với Mẹ, trong hồi tâm, các ngài chờ đợi Chúa Thánh Thần đến. Với các Tông Đồ,
Mẹ nói lời cuối cùng trước khi lên thiên đàng vinh hiển.
Và
từ toà cao vinh hiển, Mẹ hướng cái nhìn từ mẫu về nhân loại và nói : Từ toà cao
cả và vinh hiển này, Mẹ ban nhiều phúc lành cho những ai yêu mến Mẹ và cùng với
các ơn huệ trên trời, họ tăng cường các kho tàng ơn sủng của họ.
Và từ đó, ngay từ khi Mẹ lên trời hồn xác, các Kitô hữu liên lỉ và không ngừng hướng về Mẹ Maria, như Thánh Bênađô đã nói với chúng ta, không hề có ai nói rằng những người tin tưởng kêu cầu Người Mẹ Yêu Dấu này đã không được nhậm lời. Chính vì thế mỗi thế kỷ, mỗi năm, mỗi ngày, và chúng ta có thể nói rằng, mỗi giây phút trong lịch sử đều được đánh dấu bằng những ơn huệ trọng đại được ban cho những người kêu cầu Mẹ với đức tin. Đây cũng là lý do tại sao mỗi vương quốc, mỗi thành phố, mỗi gia đình đều có nhà thờ, nhà nguyện, bàn thờ, tượng, ảnh hay dấu chỉ nào đó biểu lộ lòng tôn sùng Đức Mẹ, và đồng thời nhắc nhớ nhiều ân sủng được ban cho những người chạy đến với Mẹ trong những nhu cầu của đời sống.