Thursday, October 1, 2015

NGUỒN GỐC CON NGƯỜI: KHOA HỌC, TRIẾT HỌC VÀ ĐỨC TIN



NGUỒN GỐC CON NGƯỜI
 KHOA HỌC, TRIẾT HỌC VÀ ĐỨC TIN

Vấn nạn về con người là một trong những vấn nạn lớn của nghiên cứu khoa học, triết học và tôn giáo. Con người là ai? Con người bắt nguồn từ đâu và sẽ đi về đâu? Ý nghĩa của cuộc đời con người là gì? Đó là những câu hỏi khiến con người suy tư, tra vấn, chứ không chỉ dừng lại ở những vấn đề và những nhu cầu trước mắt. Đó cũng là lý do mà khoa học, triết học và đức tin được mời gọi để nghiên cứu về vấn nạn nguồn gốc con người.
Tiến hóa vẫn còn là một vấn đề mở ra cho đối thoại giữa khoa học và đức tin. Jacques Monod quan niệm trong tác phẩm Ngẫu nhiên và tất yếu rằng: "Quan niệm trước đây không còn đứng vững, cuối cùng con người biết rằng con người xuất hiện cách ngẫu nhiên trong vũ trụ".[1] Còn ĐTC Biển Đức XVI khẳng định ngay từ khởi đầu triều đại Giáo Hoàng của ngài rằng: "Chúng ta không phải là sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa của tiến hóa. Mỗi người chúng ta là kết quả của một sự suy tư của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta được mong đợi, mỗi người chúng ta được yêu mến".[2] Đây là hai khóe nhìn khác biệt và trái ngược nhau khiến chúng ta không thể bàng quan.

1. Tiến hóa: khoa học và đức tin
Vấn nạn về nguồn gốc con người do tiến hóa xem ra khiến cho khoa học và đức tin mâu thuẫn với nhau. Nhiều tác giả đã viết về vấn đề này. Thuyết tiến hóa của Charles Darwin, giống như trường hợp của Galilê, cho thấy rõ ràng có sự mâu thuẫn giữa khoa học và đức tin. Trong cả hai trường hợp, chúng ta thấy một lý thuyết khoa học trái ngược với đức tin công giáo: Galilê miêu tả vũ trụ khác với Kinh Thánh, còn Darwin miêu tả nguồn gốc con người khác với tường thuật Kinh Thánh về việc tạo dựng. Tuy nhiên, có những khác biệt giữa hai trường hợp này. Cho dẫu mang tính phổ quát hơn, nhưng trường hợp của Galilê vẫn có những giới hạn: dư âm của nó chỉ ảnh hưởng trong thế giới Công Giáo bảo thủ, chống lại phong trào cải cách, và khoảng giữa thế kỷ XVIII khi lý thuyết của Newton được Châu Âu đón nhận, thì vũ trụ học của Copernic cũng được chấp nhận. Vào năm 1757, những tác phẩm của Copernic cấm xuất bản từ năm 1616 đã được đưa ra ngoài danh mục những quyển sách không được xuất bản, cho dẫu những tác phẩm của Copernic, Kepler và Galileo vẫn còn trong danh mục đó suốt một thế kỷ.
Những vấn nạn liên quan đến thuyết tiến hóa có ảnh hưởng rất lớn trong thế giới Kitô giáo và Tin Lành và ngay cả trong thế giới Hồi Giáo. Thuyết tiến hóa ngày nay vẫn khiến cho con người tranh cãi với nhau. Trường hợp Galileo làm nổi lên vấn đề về vị trí con người trong vũ trụ (trái đất không còn là trung tâm của vũ trụ nữa), nhưng thuyết tiến hóa tiếp chạm gần chúng ta nhất: liên quan trực tiếp đến con người chúng ta, đến sự hiện hữu của con người chúng ta.

2. Giáo Hội đón nhận thuyết tiến hóa
Có phải chúng ta đang bàn đến một sự mâu thuẫn thực sự không? Có sự đối nghịch thực sự giữa giáo huấn của Giáo Hội đối với những lý giải của thuyết tiến hóa về nguồn gốc con người không? Nếu khởi đầu có một phản ứng thực sự mạnh mẽ của Giáo Hội Công Giáo chống lại thuyết tiến hóa, thì những nghiên cứu của Giáo Hội về vấn đề này ngày ngay đã có những bước tiến rõ rệt.[3] Quả đúng là ngay từ đầu có phản ứng của các thần học gia, những mục tử và giáo dân chống lại thuyết tiến hóa của Darwin, là lý thuyết được xem như trái ngược với giáo lý về việc Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo con người. Nhưng cũng có không ít tác giả công giáo ngay từ đầu cũng bảo vệ sự tương hợp giữa thuyết tiến hóa và thần học về sáng tạo.[4] Những đối kháng đến từ những quan niệm trái ngược nhau, và cũng đến từ việc thuyết tiến hóa được trình bày như là một học thuyết chống tôn giáo thời bấy giờ. Tuy nhiên, cũng nên biết rằng những nghiên cứu tiên khởi về vấn đề này được trình lên Tòa Thánh và được Tòa Thánh nghiên cứu cách cẩn thận và khôn ngoan, và không có một kết án trực tiếp công khai nào đối với thuyết tiến hóa của Darwin.
Việc Thiên Chúa sáng tạo trực tiếp con người (còn gọi là sáng tạo đặc biệt) là vấn đề chính trong những thảo luận và tranh cãi. Vào đầu thế kỷ XX, xuất hiện những nghiên cứu và suy tư thần học về vấn đề này cách sâu xa và nghiêm túc. Vào khoảng thập niên 30 nhiều ý kiến cho rằng thuyết tiến hóa không có gì trái ngược với đức tin về việc tạo dựng.[5] Chúng ta cũng cần nhớ rằng trong những năm này xuất hiện sự tổng hợp về thuyết tiến hóa có khả năng hòa hợp thuyết tiến hóa của Darwin và quan niệm sinh học của Mendel (và sau đó là quan niệm sinh học phân tử), và vì thế bước đầu mở ra con đường đối thoại và vượt qua thời gian dài ảnh hưởng của thuyết Darwin.[6]
Khoảng giữa thế kỷ XX chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã vượt qua hoàn toàn những trái ngược về mặt tín lý. Vào năm 1950, ĐTC Piô XII khẳng định rằng "Giáo Hội không ngăn cấm việc nghiên cứu và tranh luận về học thuyết tiến hóa, nghĩa là về nguồn gốc thân xác con người từ sinh vật có sẵn trước".[7] Đây chính là tuyên bố chính thức của Giáo Hội khẳng định rằng có sự tương hợp giữa tiến hóa con người và việc sáng tạo. Nhưng ĐTC Piô XII cũng đưa ra một điều kiện: "Đức tin công giáo dạy phải tin linh hồn con người do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng".[8] Điều này không được hiểu như là một định luật tiến hóa sinh học, bởi vì linh hồn con người không thể được hiểu như một "thành tố" vật chất hay một cơ quan, cũng không phải là một nguyên lý "sự sống" theo đó những hoạt động của nó hệ tại ở những nguyên nhân thực nghiệm. Không chỉ linh hồn của "Ađam", con người đầu tiên, mà mỗi một linh hồn con người đều do Thiên Chúa tạo dựng trực tiếp; có nghĩa là linh hồn của mọi đứa trẻ đều do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng, cho dẫu thân xác đến từ cha mẹ theo định luật vật lý sinh học để duy trì sự tiếp nối trong sinh học.
ĐTC Piô XII thêm rằng thuyết tiến hóa chỉ là một lý thuyết, một giả thuyết, chứ không phải là một định lý khoa học đã được chứng minh. Tiếp theo đó, sự phát triển của nền sinh học phân tử đã giúp hiểu rõ hơn nền tảng khoa học của thuyết tiến hóa. Vào năm 1996, ĐTC Gioan Phaolô II trong bài nói chuyện với Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học, sau khi trích dẫn lời của ĐTC Piô XII, thêm rằng "Một nửa thế kỷ sau khi Thông Điệp ra mắt công chúng, những sự hiểu biết mới dẫn tới rằng thuyết tiến hóa không chỉ là một giả thuyết",[9] và ĐTC giải thích thêm: "Điều đáng chú ý là thuyết tiến hóa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, và theo đó hàng loạt những khám phá mới do những ngành khoa học khác nhau. Sự tương đồng của những khám phá này có lợi cho thuyết tiến hóa".[10] Theo như lời của ĐTC Gioan Phaolô II, chúng ta có thể nói rằng thuyết tiến hóa được chấp nhận giống như những lý thuyết khoa học khác, như thuyết vạn vật hấp dẫn, thuyết tương đối hay thuyết cơ học lượng tử. Dĩ nhiên, chúng ta cũng cần tránh những lý giải và cắt nghĩa vật chất về những chiều kích thiêng liêng và siêu hình, và về Thiên Chúa Đấng sáng tạo, theo như lối cắt nghĩa của thuyết tiến hóa.

3. Một sự khủng hoảng mới?
Ngày nay rõ ràng có một sự tương hợp giữa nguồn gốc tiến hóa của con người và giáo huấn của Giáo Hội về sáng tạo. Nhưng những tranh luận lại nổi lên trong thời gian gần đây, đặc biệt khi Hồng Y Christoph Schönborn viết một bài tham luận ngắn trên New York Times vào ngày 7 tháng 7 năm 2005, làm nghi ngờ rằng thuyết tiến hóa, theo như ngài gọi là "thuyết tân Darwin", có tương hợp được với đức tin Kitô giáo hay không? "Có thể thuyết tiến hóa đúng theo nghĩa là có một nguồn gốc chung, nhưng tiến hóa theo nghĩa tân - Darwin, là một tiến trình biến thái ngẫu nhiên và chọn lọc tự nhiên không được hướng dẫn và không có một kế hoạch thì không thể".[11]
Mục đích nền tảng của bài tham luận, như chính HY Schönborn khẳng định sau này,[12] là bảo vệ khả năng của lý trí con người thụ tạo có thể hướng đến Thiên Chúa. Nếu tiến hóa được hiểu như là lý giải duy nhất khả thể về thực tại, bỏ qua những chiều kích thiêng liêng và siêu nghiệm, đồng thời cho rằng ngẫu nhiên thuần túy là nguyên nhân duy nhất của con người, thì rõ ràng chúng ta đang đứng trước một quan niệm trái ngược với đức tin công giáo. Tuy nhiên, HY Schönborn cũng đưa ra một ý kiến chung về thuyết Thiết Kế Thông Minh (Intelligent Design). Thuyết này nảy sinh ở USA từ cuối thập niên 80, chấp nhận hiện tượng tiến hóa, cho rằng thuyết tổng hợp về tiến hóa hay tân - Darwin dựa trên sự chọn lọc tự nhiên do biến thái ngẫu nhiên thì thiếu chắc chắn.[13] Theo thuyết Thiết Kế Thông Minh, những dữ kiện sinh học cho thấy có sự hiện hữu một kế hoạch đòi hòi một nguyên nhân tác thành. Vì thế, sự lý giải khoa học về tiến hóa phải giả định một kế hoạch thông minh.
Chúng ta không thể dành nhiều thời gian thảo luận vấn đề này ở đây, là vấn đề đã được những học giả đối lập xem như sự phục hưng của thuyết duy tạo dựng trường phái USA nổi lên từ thập niên 20 cho rằng quan điểm sáng tạo khoa học đối nghịch với thuyết tiến hóa. Quan điểm sáng tạo khoa học đòi hỏi phải kiểm chứng những dữ kiện thực nghiệm của việc sáng tạo trực tiếp của những giống loài động vật và cả việc hình thành nên vũ trụ địa lý theo như những gì đã viết ra trong sách Sáng Thế. Thuyết Thiết Kế Thông Minh cho thấy những vấn nạn lớn về nhận thức luận. Có khi họ khẳng định sự hiện hữu của một sự "ngắt quãng" trong tiến trình sinh học không thể giải thích được chỉ với những định luật tự nhiên, nhưng đòi hỏi một sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa. Nói một cách khác, thuyết Thiết Kế Thông Minh xem ra muốn trình bày sự sáng tạo sự sống cách "thông minh" theo lý trí thực nghiệm (mang tính khoa học), mà không cần hiểu rằng họ đang trình bày sai ý nghĩa của sự sáng tạo và Đấng Tạo Hóa.

4. Khái niệm "sáng tạo" và việc nghiên cứu về nguồn gốc.
Trong suy tư về nguồn gốc con người cũng cần nhắc nhớ rằng khái niệm "tạo dựng" phải được hiểu theo nghĩa thần học. Khẳng định rằng vũ trụ này được tạo dựng có nghĩa là tất cả những gì hiện hữu đều lệ thuộc vào Thiên Chúa: lý do tối hậu của hữu thể chính là Thiên Chúa. Thế giới là kết quả bởi "Lời" Thiên Chúa phán ra, nghĩa là do lòng yêu thương nhân hậu, chứ không phải do tất yếu tính, cũng không phải do một tiến trình thiết kế và sản sinh khó khăn. Vì thế, chúng ta khẳng định vũ trụ được tạo dựng từ hư vô (ex nihilo). Đàng khác, sự kiện được tạo dựng bởi "Lời" khiến vũ trụ trở thành một thực tại trật tự và hợp lý.
Trong quan niệm Kitô giáo về tạo dựng, Thiên Chúa siêu vượt trên thế giới, và không hòa lẫn với thế giới. Chúng ta có thể nói rằng tạo dựng thế giới, Thiên Chúa để cho vũ trụ trở thành một thực tại độc lập. Thiên Chúa là Thiên Chúa ngôi vị, tạo dựng cách tự do và tạo dựng người nam và người nữ giống hình ảnh Ngài.
Như vậy, trong khái niệm "tạo dựng" này, chúng ta không được hiểu như một ý tưởng của sự bắt đầu hay hiểu "nguồn gốc theo thời gian". Khẳng định rằng vũ trụ được tạo dựng bởi Thiên Chúa, hay con người được Thiên Chúa tạo dựng, không có nghĩa là chỉ ra nguyên nhân của nguồn gốc theo thời gian của sự hiện hữu con người chúng ta, nhưng sự hiện hữu của con người chúng ta cần một lý do, cần một nền tảng tối hậu. Thiên Chúa tạo dựng nên muôn vật muôn loài và làm cho vũ trụ hiện hữu: "Nơi Ngài chúng ta sống, chúng ta cử động và chúng ta hiện hữu" (Cv 17, 28). Điều này rất quan trọng, bởi vì ngày nay khi thảo luận về nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc con người, có những khuynh hướng hiểu vấn đề này theo nghĩa có một khởi đầu về thời gian. Quan niệm đó cho rằng nguồn gốc con người đòi hỏi có một giây phút nào đó bắt đầu loài người, xác định cách thức nào chúng ta có thể khám phá "việc tạo dựng con người" nhờ những tiến trình khảo cổ học địa chất và sinh học. Chúng ta cần lưu tâm đến nguồn gốc con người trong tất cả các chiều kích của nó: làm cách nào trong quá trình tiến hóa, cơ thể con người không chỉ có khả năng tự hình thành, mà còn dưới chiều kích giá trị cao cả của hữu thể con người cá vị và tự do; làm cách nào một hữu thể lại lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa.

5. Ba thái độ đối với thuyết tiến hóa
Vấn đề nguồn gốc con người theo thuyết tiến hóa thuộc về chiều kích lịch sử con người, nghĩa là tìm cách nghiên cứu và khám phá những bước khác nhau và những tiến trình qua đó vũ trụ như chúng ta biết hiện nay có một xuất xứ và có một khởi đầu. Cũng cần lưu ý rằng trong nhiều thế kỷ khóe nhìn về lịch sử của chúng ta thiếu đi chiều kích tiến hóa. Khóe nhìn về vũ trụ thiên về vật lý, theo đó lịch sử, theo chiều dài thời gian hay luân hồi thời gian, cho thấy vũ trụ được hình thành bởi những thực thể bất biến như trái đất, những vì sao và các giống loài sinh vật.
Chắc chắn rằng Kinh Thánh và thần học cũng có một cách nhìn như thế về vũ trụ: đó là ngôn ngữ duy nhất của tác giả và của thính giả lắng nghe và đọc Kinh Thánh. Tuy nhiên, trong thời hiện đại khóe nhìn về vũ trụ này tiếp chạm với những dữ kiện khoa học. Cách đặc biệt với Georges Couvier nền sinh học mô tả những giống loài sinh vật được cấu tạo bởi những thực thể chắc chắn bất biến và vĩnh cửu, gọi là "archetype". Những quan sát phải xác định trong những biến thái cá biệt của archetype mô tả đích thực mỗi giống loài biệt loại và bất biến.
Trong thế giới hiện đại, khóe nhìn về vũ trụ theo chiều kích tiến hóa được tiếp cận dần dần. Vào thế kỷ XVII, Niels Steensen nói trong ngành địa chất học có một lịch sự tiến hóa. Chúng ta thấy lần đầu tiên lịch sử thế giới được nhìn theo khóe nhìn động, là kết quả của một tiến trình biến đổi lâu dài. Đầu thế kỷ XIX, Lamarck đưa ra thuyết tiến hóa trong sinh học. Nửa thế kỷ sau đó, thuyết chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin làm một cuộc cách mạng trong cách nhận thức lịch sử sinh học của thế giới. Từ Darwin trở đi, thuyết tiến hóa trở thành một trong những chìa khóa nền tảng của sinh học. Vào thế kỷ XX, khóe nhìn tiến hóa về vũ trụ đi vào trong cả lãnh vực vật lý: tất cả thực tại vật lý xuất hiện như là kết quả của một tiến trình tiến hóa từ vụ nổ "Big Bang" cho đến hiện trạng thực tế như vũ trụ ngày nay.
Cũng không hiếm khi khóe nhìn tiến hóa về vũ trụ mặc lấy chiều kích vật chất, cho rằng tiến hóa vật lý và sinh học của thế giới là cách giải thích duy nhất khả thể cho thực tại. Đây là quan niệm mà chúng ta tìm thấy trong nhiều tác phẩm của Richard Dawkins. Theo Dawkins, khoa học sẽ phá hủy những con đường hướng đến Thiên Chúa, và vì thế, dựa trên nền tảng khoa học và sinh học thì ngày nay con người phải mặc lấy thái độ vô thần. Chủ thuyết tạo dựng và một cách nào đó thuyết Thiết Kế Thông Minh hòa hợp cách nghịch lý với quan niệm vật chất khi khẳng định rằng giải thích tiến hóa trái ngược với việc chấp nhận có một nguyên nhân thần linh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, họ kết luận rằng không thể chấp nhận thuyết tiến hóa như một sự kiện (thuyết duy tạo dựng) hay ít nhất như cơ học (thuyết Thiết Kế Thông Minh).
Thái độ thứ ba đối với thuyết tiến hóa: chấp nhận tiến hóa như một lý thuyết sinh học, một lý thuyết muốn tái tạo và giải thích những tiến trình hình thành của các giống loài động vật khác nhau, ngay cả con người; đồng thời chấp nhận đức tin về tạo dựng mặc khải cho chúng ta ý nghĩa tối hậu và sâu xa của thực tại con người: được hình thành do tình yêu Thiên Chúa. Giống như những lý thuyết khoa học, thuyết tiến hóa tìm cách suy tư và lý giải thực tại tự nhiên dựa trên những định luật và những tiến trình mà chúng ta có thể khám phá. Theo đó khởi đi từ hai giả định nền tảng là sự hiện hữu của con người và đặc tính lý trí của con người. Nền sinh học tiến hóa không tìm cách giải thích lý do nền tảng của hữu thể sự sống, nhưng với những nguyên lý sinh động hay những định luật - chẳng hạn như sự chọn lọc tự nhiên hay các định luật khác - muốn khám phá ra cách thế và lý do tại sao những giống loài lại được hình thành như chúng ta có thể thấy hiện nay nhờ những loài đã có trước. Xét cho cùng, theo cấp độ khoa học, chúng ta phải xây dựng một lý thuyết hình thành sự sống và hình thành vũ trụ. Thuyết tiến hóa không thể đối nghịch với đức tin, bởi vì hoạt động thần linh cho thấy một cấp độ khác: nền tảng tối hậu của mọi thực tại. Đức tin không lý giải cách thế những cơ thể được hình thành như thế nào, mà chỉ làm cho sự hiện hữu của chúng trong vũ trụ có ý nghĩa và có giá trị.

6. Những dữ kiện khảo cổ học
Ngày nay chúng ta có rất nhiều dữ kiện về thuyết tiến hóa con người, cho dẫu những dữ kiện này thiếu tính hệ thống, trong số đó dữ liệu hóa thạch đóng một vai trò khá quan trọng. Sự tiến hóa của những con người đầu tiên khởi đầu từ 20 triệu năm trước với proconsul, là một loại động vật có vú nhỏ giống như loài động vật gặm nhấm sống trên cây. Từ đây hình thành nên những hướng tiến hóa khác nhau làm cho những động vật này trở thành loại khỉ hiện nay, tinh tinh và ngay cả loài người. Tuy nhiên, chúng ta lại có một khoảng trống lớn trong "cây" tiến hóa: thời kỳ Miocene từ 12 đến 6 triệu năm trước có một khoảng trống nơi những phát hiện hóa thạch. Rất có thể đó là những động vật có vú sống tại những vùng đất rất ẩm ướt khó hóa thạch. Mặt khác, chúng ta có rất ít những dữ kiện về tiến hóa của những loài khỉ lớn. Ngày nay có quan niệm cho rằng việc hiểu được sự tiến hóa của các loài khác đặc biệt những loài gần gũi với con người thì rất quan trọng cho việc hiểu sự tiến hóa của loài người.
Dù sao đi nữa thì cũng chấp nhận rằng khoảng cách giữa dòng tiến hóa của các sinh vật đầu tiên và con người diễn ra trong một thời gian khoảng 12 triệu năm trước cho loài vượn, 6 triệu năm cho loài khỉ đột (loài tinh tinh khoảng 9 triệu năm trước). Tuy nhiên, chúng ta đang nói đến khoảng thời gian mà loài động vật có vú dường như không hiện hữu.
Từ 4 hoặc 5 triệu năm trước vào đầu thời kỳ Pliocene xuất hiện những loài mang những đặc điểm gần giống với con người. Tuy nhiên, cũng cần nhắc nhớ rằng trong thời gian đó khoảng cách của dòng tiến hóa của các sinh vật đầu tiên đã được kiểm chứng. Những loài này có tên gọi chung chung là Australopithecus. Nguồn gốc của chúng không chắc chắn lắm, và cũng không thể biết chính xác tương quan giữa chúng và các loài mang đặc tính vượn được tìm thấy trong khoảng thời gian giữa khoảng trốngMiocene. Từ thời gian này ở nhiều nơi khác nhau xuất hiện loài có vú, chẳng hạn động vật có hai chân, là loài động vật có những đặc điểm khác biệt rõ ràng với những loài trước. Thật không dễ dàng để xác định rằng đó chỉ là một loài với nhiều giống loại khác nhau (chẳng hạn như A. africanus, A. afarensis, A. bosei, A. robustus ...), hay là nhiều loài khác nhau: ngày nay chúng ta phân biệt giữa Australopithecus (africanus, afarensis ...)Paranthropus (bosei, robustus ...). Những loài sau cùng này dường kéo dài khá lâu cho đến 1,5 đến 2 triệu năm trước.
Khoảng 2 triệu năm trước đã bắt đầu dòng tiến hóa hướng đến loài người như ngày nay. Loài người Homo bắt đầu với Homo habilis sống vào khoảng thời gian này vào cuối thời kỳ Pliocene. Trong thời kỳ này xuất hiện việc sử dụng các phương tiện và việc tìm kiếm nơi ở theo môi trường sống: những nơi sản xuất những dụng cụ, phân chia vùng để săn mồi, những căn nhà tạm bợ, vân vân. Nếu Homo habilis dường như sống cùng thời với Paranthropus, thì vẫn có những khác biệt rõ ràng về hình thái lẫn văn hóa. Một nhánh khác mang những đặc điểm gần với con người hơn xuất hiện vào khoảng 1,5 triệu năm trước: Homo erectus. Loài mới này dường như là hậu duệ của Homo habilis, có lẽ nhờ Homo ergaster. Trong trường hợp này chúng ta không chỉ tìm thấy việc sử dụng những phương tiện và công cụ, mà còn khả năng sử dụng lửa nữa, một tương quan mới với môi trường sống chung quanh - giống loài này không chỉ "ở" tại một vùng đất, mà còn biết sử dụng và cải tạo đất đai - cũng như thực hành việc chôn cất người chết. Ngoài ra, dường như cũng có sự xuất hành của con người từ Phi Châu sang Á Châu và Âu Châu.
Homo sapiens (loài người thông minh) xuất hiện vào khoảng 500 ngàn năm trước. Chúng ta tìm thấy những kiểu khác nhau: Homo heidelbergensis khoảng 600 000 đến 300 000 năm trước, Homo neanderthalensis khoảng 400 000 năm trước và sống đến khoảng 40 000 ngàn năm trước ít nhất trong những vùng đất Châu Âu, Homo florensis được tìm thấy mới đây tại bán đảo Java không quá 100 000 năm trước. Cuối cùng, khoảng 150 000 năm trước xuất hiện Homo sapiens  hiện đại.

7. Loài người xuất hiện khi nào?
Chúng ta đã trình bày một cách ngắn gọn về sự tiến hóa loài người. Nhưng điểm cốt yếu theo khóe nhìn triết học và tôn giáo chính là đặc tính của những giống loài khác biệt này. Những loài khác nhau mà ngày nay chúng ta cho rằng thuộc loài người có sở hữu những đặc tính cần thiết gọi là đặc tính người thực sự, nghĩa là những cá thể được phú ban cho chiều kích thiêng liêng, có khả năng tri thức và suy tư phản tỉnh cũng như có ước muốn tự do hay không?
Trước hết, chúng ta xem xét những khác biệt về sinh học giải phẫu. So với các loài trước không phải là loài người, chúng ta nhận thấy những loài này có hộp sọ lớn hơn nhiều. Điều này cho thấy chúng có sự phát triển về bộ não. Rồi, chúng ta nhận thấy khuôn mặt cũng không giống loài khỉ, cái đầu nhô ra phía trước và có những đặc điểm khác với con người hiện đại như kích thước hộp sọ, vòm xung quanh não, vùng hàm, vùng xương chẩm. Phần còn lại khoa sinh học giải phẫu học cho thấy rất gần với con người.
Nhưng đâu là tiêu chuẩn đích thực để xác định căn tính con người? Những tiêu chuẩn sinh học giải phẫu chắc chắn là rất quan trọng đối với động vật đi hai chân do hệ thống tay chân và xương chậu, do sự phát triển của bộ bão và những cơ quan liên hệ đến ngôn ngữ (vỏ não và thanh quản) nơi mà bộ não có khả năng hình thành ngôn ngữ. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng trong tiến hóa những đặc điểm này xuất hiện một cách tiệm tiến và không có bước nhảy vọt nào.
Tính liên tục này xét theo chiều kích sinh học không loại bỏ một bước nhảy vọt cần thiết giúp chúng ta nhận biết căn tính con người. Là thành phần của thiên nhiên, con người mang trong mình cách tất yếu những điều kiện vật lý sinh học, nghĩa là trong chiều dài lịch sử hình thành nên loài người, thân xác con người dần dần được hình thành bởi những cơ cấu vật lý sinh học theo dòng tiến hóa của những giống loài khác. Xét theo chiều kích nhân học, một bước nhảy vọt vượt quá những định luật vật lý sinh học sẽ không có ý nghĩa. Chúng ta cũng là những hữu thể được cấu thành bởi vật chất và cùng với tất cả những hữu thể khác, chúng ta là thành phần trong vũ trụ, trong thiên nhiên. Vì thế, theo khoa cổ sinh vật học thì những dữ kiện sinh học giải phẫu không xác định được thời gian của một cuộc nhân loại hóa. Jean Piverteau, một trong những nhà cổ sinh vật của thế kỷ XX, cho rằng: "Làm cách nào một nhà cổ sinh vật học cho thấy loài vượn nhân hình trở thành người? Một nghiên cứu về tiêu chuẩn giải phẫu sinh học chỉ mang lại một sự kiện thiếu chắc chắn; tiêu chuẩn tâm sinh lý sẽ có giá trị hơn".[14]

8. Những nẻo đường văn hóa: homo faber
Để xác định thời điểm xuất hiện con người thì cần thiết quan tâm đến những biểu hiện về thái độ, về xã hội và văn hóa riêng biệt trong đời sống tâm sinh lý của mỗi loài hoặc một nhóm loài. Khả năng tinh thần của con người được biểu hiện trong các nền văn hóa, trong cấu trúc xã hội qua việc sử dụng các công cụ, các phương tiện, sử dụng lửa và các kỹ thuật khác. Tôi muốn trưng dẫn ra đây một ví dụ đã được Fiorenzo Facchini đề cao: hoạt động khoa học kỹ thuật như biểu hiện cho việc sử dụng các biểu tượng ở cấp độ tinh thần.[15] Nơi con người, chúng ta tìm thấy sự phát triển của biểu tượng cho các chức năng xã hội và tinh thần giúp cho con người không chỉ hoạt động bởi những kích thích trực tiếp từ bên ngoài, mà còn đưa ra một biểu tượng cho thế giới. Thế giới bên ngoài được biến đổi do những gì bên trong con người, được "trừu xuất", được "nhận biết". Điều này cho thấy trong những cá thể con người có khả năng nhận biết, khả năng suy tư phản tỉnh và tự do.
Homo faber (con người lao động) cho thấy họ không chỉ biết sử dụng và sản xuất ra những công cụ, mà còn biết xây dựng và tổ chức đời sống xã hội. Ở đây, chúng ta có thể một sự biểu hiện rõ ràng về chiều kích thiêng liêng. Quả vậy, không phải nói đến việc dùng cây khều thức ăn. Rất nhiều động vật có khả năng sử dụng những phương tiện cho việc nuôi dưỡng, phát triển và cho các mục đích khác. Homo faber không chỉ sử dụng các công cụ, mà còn sáng chế ra chúng nữa: con người có khả năng sử dụng các phương tiện và công cụ để làm nên những công cụ khác, có khả năng dự phóng và nhìn thấy trước để làm những công cụ thích hợp cho mục đích của họ. Điều này biểu tỏ một trình độ cao trong trí tưởng tượng: cần thiết diễn tả nội tâm những gì mình muốn sở hữu. Hơn nữa, cũng biểu lộ một nhận thức đặc thù về thời gian: biết sẽ phải dùng công cụ gì để đối diện với một hiện trạng cụ thể trong tương lai. Các động vật sử dụng những phương tiện và công cụ rất khác nhau: loài khỉ dùng những cây gậy nhỏ để kiếm thức ăn, và sau khi đã dùng thức ăn rồi, thì cây gậy này không cần thiết nữa, vì thế chúng chẳng làm hoàn hảo cây gậy này để cho một mục hoàn hảo hơn.
Hoạt động kỹ thuật mà chúng ta thấy nơi người Homo habilis tỏ hiện sự vươn ra đối với những hoạt động trong tương lai, là những hoạt động mang chiều kích tự do và ý thức. Hơn nữa, với khả năng dự phóng, những công cụ có một ý nghĩa đặc thù cho cá nhân và xã hội. Chúng ta tìm thấy có những người được chôn cất cùng với những công cụ và vũ khí của họ. Vì thế, những công cụ không phải là thứ yếu, nhưng rất cần thiết cho sự sống con người. Ngay từ khi khám phá ra lửa, con người cũng khám phá ra rằng có thể sản xuất ra vũ khí và những công cụ khác như những chiếc búa, rìu, con dao. Những sản phẩm này trở nên cần thiết và nền tảng cho cuộc sống con người và nếu không có những công cụ này con người cũng khó có thể duy trì cuộc sống của mình. Con người tất yếu phải sản xuất chúng.
Một cách nào đó, khoa cổ sinh vật học giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa siêu việt của con người. Quả thật xét theo chiều kích thực nghiệm, những dữ kiện không nói cách trực tiếp đến chiều kích tinh thần của con người; nhưng xét theo chiều kích hiện tượng luận, nhờ những dữ kiện này, chúng ta có thể hiểu rằng có những cách hành xử siêu việt chiều kích sinh học. Đây là một bước nhảy vọt cho thấy sự xuất hiện của con người. Những học giả tân - Darwin, chẳng hạn như Theodosius Dobzhansky hay Francisco Ayala, nêu lên nghịch lý rằng: nếu con người tiếp tục tiến trình sinh học của các loài động vật khác, thì con người tỏ hiện điều đó qua văn hóa và hành xử, chứ không phải qua những gì thuần túy sinh học.
Xét theo khóe nhìn nhân học, chúng ta có thể khẳng định rằng có sự hiện hữu của một bước nhảy vọt rõ ràng mà chúng ta gọi là bước nhảy trên bình diện hữu thể học. ĐTC Gioan Phaolô khẳng định rằng: "Đối với con người, chúng ta đứng trước một sự khác biệt trên bình diện hữu thể, chúng ta có thể nói rằng đó là một bước nhảy siêu hình".[16] Bước nhảy hữu thể học biểu hiện ở tinh thần con người, ở sự hiện hữu của linh hồn thiêng liêng. "Có phải khi chúng ta nói đến bước nhảy trên bình diện hữu thể học thì không có nghĩa là nó trái ngược với tính liên tục trên bình diện vật lý, là bình diện cần một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong việc nghiên cứu sự tiến hóa theo chiều kích vật lý và hóa học?".[17] Ngày nay những học giả chủ trương thuyết tiến hóa tiếp tục nghi ngờ rằng: việc khẳng định một bước nhảy vọt hữu thể học không làm mất tính liên tục vật lý sinh học? Cần thiết phải phân biệt 2 cấp độ không mâu thuẫn nhau, và hai cấp độ này không phải là kết quả của một sự "chọn lựa mang tính siêu hình": như chúng ta đã thấy, đó là những lưu tâm của hiện tượng cổ sinh vật học đã vạch ra.
ĐTC Gioan Phaolô II kết luận rằng: "Việc lưu tâm đến phương pháp trong các lãnh vực nghiên cứu khác nhau cho phép chúng ta dung hòa hai khóe nhìn dường như tương phản với nhau. Khoa học thực nghiệm mô tả và kiểm chứng cách chính xác những hiện tượng khác nhau của sự sống và mô tả sự sống trong tiến trình thời gian. Giây phút chuyển tiếp sang đời sống tinh thần không phải là đối tượng của khoa học thực nghiệm, cho dẫu điều này có thể được nhìn thấy qua một loạt những dấu chỉ quý giá trong tính đặc thù của hữu thể nhân linh. Kinh nghiệm về siêu hình, về tự thức và tự suy tư phản tỉnh, ý thức luân lý, tự do, về vẻ đẹp và về tôn giáo, đều thuộc lãnh vực của suy tư triết học; trong khi đó, thần học sẽ tiếp cận kế hoạch của Đấng Tạo Hóa".[18]
Đây chính là con đường có thể giúp hiểu được tính đặc thù của hữu thể con người trong tiến trình tiến hóa qua đó loài người có một nguồn gốc, đồng thời cũng hiểu biết nguồn gốc thần linh của con người như một thụ tạo được Thiên Chúa yêu mến.


Fx. Phạm Đình Phước SDB 
chuyển ngữ từ Rafael A. Martínez, "L'origine dell'uomo. Scienza, filosofia, fede", trong: Mauro Mantovani - Marilena Amerise (ed.), Fede, cultura e scienza, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 2008, pp. 135-148.


[1] Jacques Monod, Il caso e la necessità. Saggio sulla filosofia naturale della biologia contemoranea, Mondadori, Milano 1971, p. 143.
[2] ĐTC Biển Đức XVI, Bài giảng trong thánh lễ khai mạc sứ vụ Giáo Hoàng (24.04.2005).
[3] X. M. Artigas - Th. F. Glick - R. A. Martinez, Negotiating Darwin: The Vatican confronts evolution, 1877-1902, The John Hopkins University Press, Baltimore 2006.
[4] Chúng ta có thể liệt kê ra đây một số học giả: Nhà sinh học người Anh, George J. Mivart với tác phẩm The generis of Species xuất bản năm 1871, chấp nhận thuyết tiến hóa, nhưng cũng phê bình những lý giải của Darwin về cơ cấu tiến hóa, đồng thời cũng chấp nhận có sự tương hợp hoàn toàn giữa thuyết tiến hóa và giáo huấn của Giáo Hội công giáo. Darwin đã thêm vào một chương trong lần xuất bản thứ sáu của cuốn Nguồn gốc các loài để trả lời những phê bình của Mivart. Trong lãnh vực triết học và thần học chúng ta có Raffaello Caverni, Dalmace Leroy, John A. Zahn, HY Zeferino González, Juan González Arintero, Ambroise Gardeil và những tác giả khác.
[5] X. E Messenger, Evolution and Theology. The problem of man's origin, The Macmillan Company, New York 1932.
[6] X. P. J. Bowler, The eclipse of Darwinism: Anti-Darwinian evolution theories in the decades around 1900, Johns Hopkins University Press, Baltimore 1983.
[7] Piô XII, Thông điệp Humani generis (22.08.1950), số 36.
[8] Ibidem.
[9] Gioan Phaolô II, Bài nói chuyện với Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học (22.10.1996).
[10] Ibidem.
[11] Christoph Schönborn, "Finding Design in Nature", in New York Times (07.07.2005).
[12] Christoph Schönborn, "The designs of science", in First Things 159 (1) 2006, p. 34-36; một loạt các bài giáo lý tại nhà thờ Chính Tòa Vienna với tựa đề Schopfung und Evolution trong những năm 2005-2006;  và S. O. Horn - S. Wiedenhofer (a cura di), Creazione ed Evoluzione, Edizioni Dehoniane, Bologna 2007, p 5-18, 75-76.
[13] M. Behe, Darwin's black box: the biochemical challenge to evolution, Free Press, New York 1996.
[14] Jean Piveteau, La comparse dell'uomo. Il punto di vista della scienza, Jaca Book, Milano 1993, p. 75.
[15] X. Fiorenzo Facchini, Origine dell'uomo ed evoluzione culturale. Profili scientifichi, filosofici, religiosi, Jaca Book, Milano 2002.
[16] Xem trong Fiorenzo Facchini, Origine dell'uomo ed evoluzione culturale. Profili scientifichi, filosofici, religiosi, Jaca Book, Milano 2002.
[17] Ibidem.
[18] Gioan Phaolô II, Bài nói chuyện với Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học (22.10.1996).