DẪN NHẬP
Với tự sắc “Porta Fidei” - “Cánh cửa Đức Tin”, Đức
Giáo Hoàng Biển Đức XVI kêu mời toàn thể Giáo Hội sống Năm Đức Tin, một thời
gian ân sủng và là lời mời gọi trở về với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ duy nhất, Đấng
biểu lộ tình yêu cho con người. Ngài cũng mời gọi cho các tín hữu tuyên xưng đức tin của mình được
chất chứa trong Kinh Tin Kính với
niềm tín thác và hy vọng (Porta fidei,
số 8-9). Bên cạnh đó, những hướng dẫn
của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin khích lệ chúng ta suy tư những giáo huấn của Đức
Giáo Hoàng Biển Đức XVI;[1] những
bài giáo lý, các bài giảng và những diễn từ của ngài là một kho tàng quý giá
cho đời sống đức tin của các Ki-tô hữu.
Là con người, đặc biệt là những Ki-tô hữu,
chúng ta ai cũng mơ ước và đi tìm niềm vui sống. Niềm vui xuất phát từ một tâm
hồn có đức tin mạnh mẽ, bởi vì niềm vui này xuất phát từ Đức Ki-tô, là Tin Mừng
được loan báo cho chúng ta. Tin Mừng luôn là một lời mời gọi con người sống vui
tươi. “Những điều này, chúng tôi viết ra, để niềm vui của chúng ta được nên trọn
vẹn” (1Ga 1,4). Đức tin làm cho cuộc sống của chúng ta tươi trẻ,[2] mở
ra cho chúng ta niềm hy vọng. Niềm hy vọng cao cả và thật sự vững vàng của con
người, ngay cả trong mọi nỗi tuyệt vọng, chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng đã yêu
thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta đến cùng (x. Ga 13,1).
Niềm vui đức tin khởi sự từ tình yêu và chân
lý, là đức tin vào Thiên Chúa, Đấng là Cha toàn năng, tạo thành trời đất muôn vật;
Đấng là nguồn mạch của mọi chân lý con người, là Đấng mà con người đón nhận ý
nghĩa cuộc sống và là cùng đích của con người, cũng như là niềm hy vọng của họ
trong cuộc đời. Chỉ
một mình Thiên Chúa mới khiến cho con người hạnh phúc.[3] Tất cả thụ tạo, kể cả con người, phải quy hướng về Ngài,
là Thiên Chúa duy nhất, Đấng tạo thành mọi sự. “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn”
(Tv 37,4), có như thế “Anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh
quang” (1Pr 1,8).
Thiên Chúa không ai thấy bao giờ (x. Ga 1,18),
nhưng Ngài trở nên hữu hình trong Người Con duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng
mạc khải và tỏ lộ Tình Yêu, Đấng đã đến để đưa con người trở về với Chúa. Niềm
vui của chúng ta thể hiện trong đức tin vào Đức Giê-su, là Tình Yêu. Vì yêu
thương Người đã tự hạ mình, chia sẻ thân phận con người của chúng ta; Người giảng
dạy, chữa lành, nâng đỡ, chạnh lòng thương xót và mang ơn cứu cho nhân loại. Chúng ta cũng hân hoan vui sướng bởi vì
chúng ta ý thức rằng chỉ có Chúa Ki-tô mới có thể làm thỏa mãn hoàn toàn những
khát vọng sâu xa của con người và chỉ có Người mới có thể đáp ứng những vấn nạn
nhức nhối nhất về đau khổ, về bất công, về sự dữ, về sự chết và sự sống đời sau.[4]
Vì thế, cần nỗ lực mạnh mẽ để mỗi một Ki-tô hữu trở nên chứng nhân, có khả năng
và sẵn sàng trả lời cho bất
cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình (x. 1 Pt 3,15). Để thực hiện điều này,
chúng ta cần phải hân hoan loan truyền biến cố tử nạn và Phục Sinh của Chúa
Ki-tô, tâm điểm của Ki-tô giáo và là vẽ đẹp của đức tin, là điểm qui chiếu cho
niềm xác tín và cho đức tin của chúng ta.
Niềm vui của chúng ta còn thể hiện nơi đức
tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng là Sự Sống và là Tình Yêu. Đấng sáng tạo và “thổi
sinh khí” mang lại cho chúng ta sự sống. Chúa Thánh Thần là hồng
ân cao cả nhất của Thiên Chúa dành cho con người, và như thế là lời chứng cao
cả nhất của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta, một tình yêu được diễn tả cách cụ
thể qua “lời thưa vâng đón nhận sự sống”[5]
mà Thiên Chúa muốn cho mỗi tạo vật của Ngài. Chúa Thánh Thần canh tân nội tâm và
ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta dũng cảm rao giảng Chúa Ki-tô và Tin Mừng
của Người. Chúa Thánh Thần là “Ðấng an ủi” sẽ đến và sứ mạng của Ngài là làm
chứng và trợ giúp cho những kẻ tin, vừa dạy họ và hướng dẫn họ đến Sự Thật toàn
vẹn (x. Ga 14,16-17). Chúng ta sẽ thăng tiến đời sống đức tin, “được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa,
và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9,31).
Các Ki-tô hữu sẽ cảm nghiệm được niềm vui khi
tuyên xưng cùng một đức tin duy nhất trong Giáo Hội, Thân Thể nhiệm mầu của Đức
Ki-tô. Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền là một dân mới,
dân Thiên Chúa và dân này trở thành một dân tộc phổ quát, là Giáo Hội của Đức
Ki-tô. Chúng ta trở thành anh chị em với nhau trong đại gia đình Giáo Hội. Niềm
vui sẽ lan tỏa trong Giáo Hội, vì trong Giáo Hội chúng ta biểu lộ sự hiệp
thông, phục vụ và yêu thương mọi người. Ai sống yêu thương, thì người đó quên
mình và phục vụ tha nhân. Thế giới sống trong sự đa biệt, nhưng trong Giáo Hội
chúng ta diễn tả một tâm hồn, cùng một lời rao giảng, cùng một giáo huấn, cùng
một truyền thống, dường như thể phát xuất từ cùng một môi miệng.[6]
Ngôn ngữ trên thế giới thật khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và
một đức tin duy nhất.
Đức tin sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, vì
chúng ta có một người mẹ trong đức tin: Mẹ Ma-ri-a. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ Ma-ri-a kết hiệp với Chúa Giê-su. Là “Ðấng được Thiên Chúa yêu thương”, Mẹ tín thác vào Thiên Chúa, vào Người Con. Trong biến cố Truyền Tin, sứ thần gọi Đức Ma-ri-a
là “Đấng đầy ân sủng”; trong tiếng Hy Lạp hạn từ “charis - ân sủng” có cùng một căn ngữ với từ “niềm vui”.[7] Như
thế, nguồn gốc niềm vui của Mẹ Ma-ri-a cũng được làm sáng tỏ thêm: niềm vui đến
từ ân sủng, nghĩa là, từ sự hiệp thông với Thiên Chúa. Với tiếng “xin vâng”, Mẹ đã mở cửa thế giới chúng ta
cho chính Thiên Chúa. Mẹ
là “ngôi sao của niềm hy vọng”, soi chiếu và đồng hành với chúng ta. Mẹ nói chúng ta: “Hãy can đảm trao hiến cho
Thiên Chúa! Hãy cố gắng! Đừng sợ hãi! Hãy can đảm liều mình sống đức tin! Hãy
can đảm liều mình sống tốt lành! Hãy can đảm liều mình sống bằng một con
tim tinh tuyền, trong sạch! Hãy dấn thân cho Thiên Chúa, và các con sẽ thấy rằng
chính nhờ làm thế mà cuộc sống của các con mới trở nên phong phú và nhẹ nhàng,
không tẻ nhạt, nhưng tràn đầy niềm hân hoan, bởi vì lòng tốt vô biên Thiên Chúa
không bao giờ cạn kiệt”.[8]
Niềm vui của chúng ta còn tỏ hiện rõ rệt hơn
qua ân sủng của các bí tích, là cánh cửa của đức tin. Các bí tích nuôi dưỡng
linh hồn và đời sống thiêng liêng của chúng ta, đời sống không bao giờ hư mất,
đời sống vĩnh cửu. Qua các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và bí tích Thánh Thể, Chúa
Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa, trở thành anh chị
em của Chúa Giê-su, là thành viên của Giáo Hội, có khả năng trở thành những chứng
nhân đích thực của Tin Mừng, và có thể nếm hưởng niềm vui và niềm hân hoan
trong đức tin.[9]
Khi thường xuyên tham dự Thánh Lễ, khi dành thời gian để tôn sùng bí tích
Thánh Thể, thì chúng ta sẽ hân hoan dâng hiến cuộc sống cho các giá trị Tin Mừng.
Đồng thời, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được rằng khi sức lực của chúng ta không
đủ, thì Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi chúng ta, sẽ lấp đầy chúng ta bằng sức mạnh
của Ngài và làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân đầy nhiệt huyết của Đức
Ki-tô Phục sinh.
Đức tin mang lại cho chúng ta niềm vui, vì
chúng ta mang một niềm hy vọng, niềm hy vọng về đời sống vĩnh cửu cùng với
Thiên Chúa. Thánh Âu-tinh cho rằng tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta chỉ muốn một
điều duy nhất: “cuộc sống đầy ơn phúc”, ước muốn “hạnh phúc”.[10]
Đó là điều mà chúng ta xin Chúa ban trong những lời kinh nguyện của chúng ta.
Cuộc lữ hành trần thế của chúng ta không có mục tiêu nào khác, tất cả chỉ nhằm
mục đích đó. Sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu là niềm hy vọng phổ quát, chung
cho tất cả mọi người, mọi nơi mọi lúc. Một sự sống và niềm vui trọn vẹn: đây là
điều mà chúng ta hy vọng và chờ đợi từ sự hiện hữu của chúng ta với Chúa Ki-tô.[11]
Đức Giê-su dẫn chúng ta bước qua biển Chết của thời đại này và dẫn chúng ta đến
sự sống vĩnh cửu, sự sống công chính và đích thật. Chúng ta hãy nắm chặt lấy
bàn tay của Người! Cho dẫu bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta cũng không lìa bỏ
đôi bàn tay này! Chúng ta hãy tiến bước trên con đường dẫn tới sự sống.[12]
Ước chi Mẹ Ma-ri-a, Đấng diễm
phúc vì đã tin (x. Lc 1,45) đồng hành và giúp mỗi người chúng ta cảm nghiệm
được rằng “niềm vui đời con là Chúa” (Tv 104,34) và giúp chúng ta khám phá niềm
vui đức tin và hăng say thông truyền đức tin.
Ngày 11
tháng 02 năm 2013, lễ Đức Mẹ Lộ Đức
FX.
Phạm Đình Phước SDB
[1] Thánh Bộ
Giáo Lý Đức Tin, Những hướng dẫn mục vụ
trong năm Đức Tin, phần I, số 7, 06.01.2012.
[2] Triết gia Soren Kierkergaard trong tác phẩm Sợ hãi và tôn kính ca ngợi đức tin của
Áp-ra-ham, khẳng định rằng đức tin chính là niềm vui và sự tươi trẻ thiêng
liêng: “Áp-ra-ham đã tin, vì thế ông có một tâm hồn trẻ trung, tràn đầy hy vọng
[...]; người tín thác và tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ gìn giữ con người mình
tươi trẻ luôn mãi” (Soren Kierkegaard, Timore
e tremore, Bur, Milano 1998, tr. 40)
[3] X. Raniero Cantalamessa (Giảng viên Phủ
Giáo Hoàng), Bài giảng Chúa Nhật,
16.12.2007.
[4] X.
ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giảng tại sân vận
động Bentegodi thành phố Verona (Ý), 19.10.2006.
[5] ĐTC
Bê-nê-đíc-tô XVI, Sứ điệp ngày quốc tế giới
trẻ, 20.07.2007.
[6] X.
I-rê-nê thành Ly-on, Adv. haereses, I, 10,2: ĐTC
Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giảng trong thánh lễ
Phê-rô và Phao-lô tông đồ, 29.06.2005.
[7] X.
ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giáo lý trong
buổi tiếp kiến thứ tư hàng tuần, 19.12.2012.
[8] X.
ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giảng trong
thánh lễ Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội, 08.12.2005.
[9] X. ĐTC
Bê-nê-đíc-tô XVI, Sứ điệp ngày quốc tế giới
trẻ, 20.07.2007.
[10] X.
Thánh Âu-tinh, Ep. 130 Ad Probam 14,25-15,28: ĐTC
Bê-nê-đíc-tô XVI, Kinh truyền tin,
02.11.2008.
[11] X.
ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Spe Salvi, số 12.
[12] X. ĐTC
Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giảng trong đêm
canh thức Phục Sinh, 22.03.2008.