Tuesday, September 18, 2012

LỄ CƯỚI TRUNG - THU

 
 Lễ thành hôn của Đình Trung - Kiều Thu,
ngày 18 tháng 9 năm 2012, giáo xứ Vinh An, Dakmil, Ban Mê Thuột
Mt 2, 13-23
Để giới thiệu gia đình hạnh phúc, người ta thường vẽ các bức tranh có hình hai vợ chồng, với một hai đứa con, trước căn nhà xinh xắn, cao rộng, đẹp đẽ. Đó là điều mà lẽ thường tình ai cũng mong muốn, và chúng ta cũng muốn cầu chúc cho đôi bạn đây, được sống êm ấm, hòa thuận thương yêu nhau, cuộc sống thành đạt, con cái khôn lớn, ngoan ngoãn và hiếu thảo.
Hôm nay, để giới thiệu gia đình hạnh phúc, Tin Mừng trình bày cho chúng ta gia đình Thánh Gia, sinh con trong máng cỏ khó nghèo, và đang đêm phải trốn chạy sang Ai-Cập. Khi trình bày hoàn cảnh của Thánh Gia như thế, Tin Mừng muốn nói với chúng ta rằng cuộc sống của các gia đình cũng lắm gian nan và khó khăn, đầy thử thách. Muốn đạt hạnh phúc phải có bí quyết.
Trung và Thu thương mến,
Để xây dựng một tình yêu đẹp và một gia đình hạnh phúc, hai em hãy noi gương và sống bí quyết của gia đình Thánh Gia: đó là mở lòng đón nhận.
Trước hết, mở lòng đón nhận nhau. Thánh Giu-se đón nhận Đức Mẹ về nhà mình, dù chưa hiểu gì nhiều về mầu nhiệm cao cả trong cuộc đời Đức Mẹ. Đức Mẹ đón nhận lời Thiên Thần truyền tin, dù muốn giữ mình trinh trắng. Chúa Giê-su sẵn sàng đón nhận và vâng lời Thánh Cả Giu-se và Mẹ Maria. Gia đình Thánh Gia đã đón nhận nhau trong tình yêu.
Cũng vậy, hai em hãy đón nhận nhau trong tình yêu, và với tất cả tâm tình. Trước đây, hai em là hai thế giới khác biệt, giời đây hai em là một. Hai thế giới được hòa quyện vào nhau, thành một xương một thịt, một tâm hồn, chia sẻ một cuộc sống, một gia đình. Hãy đón nhận những khác biệt của nhau, cả ưu điểm và khuyết điểm, từ tính tình cho đến lối suy nghĩ, đón nhận và yêu thương, yêu thương và trung thành cho đến suốt đời.
Thứ đến, mở lòng đón nhận mọi người. Tình yêu của gia đình Thánh Gia không đóng khung trong gia đình nhỏ bé, nhưng mở ra đến với mọi người. Mở rộng tới gia đình tiệc cưới Ca-na, mở rộng vươn đến toàn thể nhân loại, nên chúng ta là con cái Thiên Chúa trong đại gia đình những người theo Chúa Giê-su. Mở rộng đến tận cùng trái đất, khi Đức Mẹ đón nhận Gio-an dưới chân Thánh Giá, và khi Gio-an đón nhận Đức Mẹ là mẹ của mình.
Cũng vậy, hai em cũng hãy đón nhận mọi người. Khi cưới nhau, hai em không chỉ đón nhận nhau, mà còn đón nhận đại gia đình hai họ, và mọi người trong dòng tộc. Việc của dòng tộc cũng là việc của gia đình hai em, và hai em cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng dòng họ. Hơn nữa, hai em cũng đón nhận đại gia đình các Ki-tô và xóm giềng. Đón nhận để sống hòa thuận và bác ái. Lời kinh của Thánh Phan-xi-cô Assisi giúp hai em sống điều này: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm […]. Đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, và đem niềm vui vào chốn u sầu”.
Sau cùng, là mở lòng đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Gia đình Thánh Gia đã sống điều này cách trọn hảo. Hãy nhìn cảnh thánh Giu-se đang đêm thức giấc dắt lừa đưa Chúa Giê-su và mẹ Maria trốn sang Ai-Cập. Hãy nhìn cảnh Đức Mẹ, dưới chân thánh giá, đau đớn nhìn đứa con mình cưu mang nuôi nấng, chết trên thánh giá. Hãy nhìn cảnh Chúa Giê-su đón nhận thánh ý Chúa Cha, vâng lời hiến thân mạng sống mình để chúng ta được ơn cứu rỗi. Vì mở lòng đón nhận thánh ý, nên các ngài được Thiên Chúa hướng dẫn từng bước đi trong cuộc đời, và tạo thành một gia đình hạnh phúc, thánh thiện và gương mẫu cho mọi gia đình.
Cũng vậy, hai em hãy đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời hai em: khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi đau yếu cũng như lúc mạnh khỏe. Đón nhận mọi công việc dù khó khăn vất vả. Đón nhận mọi hoàn cảnh dù thuận lợi hay không thuận lợi. Để đạt được điều ấy, hai em phải có một tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, qua đời sống cầu nguyện. Như thế, những chuyện vui, chuyện buồn, những niềm hy vọng hay sầu khổ, ngày sinh ngày cưới, những biến cố trong đời sống … đều có sự hiện diện của Thiên Chúa. Những biến cố đó phải là dịp để hai em biết tạ ơn, khấn nguyện và tin tưởng tín thác vào Thiên Chúa.
Trung – Thu thương mến,
Chúc mừng hai em trong ngày thành hôn, một gia đình hạnh phúc đang chờ đón hai em. Hãy đón nhận nhau, đón nhận mọi người, và đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Ba của chúng ta ở trên trời đang mỉm cười và giang tay chúc lành cho hai em.
Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria chúc phúc cho hai em và gia đình hai em luôn mãi. Amen!
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)

Monday, September 17, 2012

LỄ CƯỚI TRINH - TRÂM

 Lễ thành hôn của Trinh - Trâm,
ngày 22 tháng 9 năm 2012, giáo xứ Vinh An, Dakmil, Ban Mê Thuột.
 
Ga 5, 46-54
Khi còn nhỏ ở làng quê, mỗi lần có đám cưới thì đám con nít chúng tôi, thường hay lân la những tiệc cưới, khi rước dâu, đưa dâu, chủ yếu là xem xem cô dâu có đẹp không. Lớn hơn một chút, mỗi khi tham dự tiệc cưới, thì cũng giống như mọi người, tôi cũng chia vui và nâng chén rượu, chúc mừng cho hai họ, đặc biệt cho cô dâu chú rể.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Thánh Gioan cho chúng ta biết Đức Giêsu và các môn đệ Người được mời đến dự tiệc cưới ở Cana, cả Mẹ Maria cũng được mời đi dự. Có lẽ tiệc cưới này là người bà con của Chúa Giêsu. Chỗ họ hàng, bà con nên Đức Maria phục vu ở dưới bếp, gọi là đi giúp đám, và với sự quan tâm và cõi lòng của một người Mẹ, Mẹ Maria biết những việc gì xảy ra: hết rượu rồi.
Trình thuật tiệc cưới Cana tuy ngắn gọn với phép lạ đầu tiên Chúa thực hiện trong tiệc cưới “nước hóa thành rượu” nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria, nhưng lại là một minh họa cả một cuộc đời hôn nhân, một đời vợ chồng. Chén rượu giao ước ngày tân hôn nồng nàn lắm, ý vị vô cùng, và cũng ngất ngây hạnh phúc. Đôi bạn đắm mình trong một thế giới mới, thế giới của hòa tan, tinh thần và thể xác; thế giới của mầu nhiệm sáng tạo mà Thiên Chúa đã dọn sẵn trong mỗi tạo vật của Ngài, để nối dài công trình mà Ngài cho là “thật tốt đẹp”.
Trinh và Trâm thân mến,
Chum đầy rượu ngon là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu mặn nồng giữa đôi vợ chồng. Ai cũng mong giữ được mãi cho chum đầy rượu hạnh phúc.
Tuy nhiên, chum rượu hạnh phúc có thể cạn, chum rượu hạnh phúc có thể trở nên nhạt nhẽo, chén rượu ân tình có thể phai nhạt theo thời gian. Hạnh phúc vơi dần theo tuổi đời, theo năm tháng. Sự nồng nàn vì hương sắc cũng không còn nữa. Và tình yêu sôi nổi của một thưở ban đầu nhường chổ cho một chuỗi ngày trách nhiệm đầy nhàm chán.
Tôi có nhớ một bài hát, của Nhạc Sĩ Phạm Duy “Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu”. Rồi khi đã “lấy được người mình yêu”, thì nên cầu nguyện như thế này, “Con quì lạy Chúa trên trời, sao cho con yêu được người con đã lấy”. “Lấy được người mình yêu” đã khó, nhưng “yêu được người mình đã lấy” thì càng khó hơn. Ai đã sống trong đời sống hôn nhân đều hiểu rõ điều nầy.
Điều quan trọng là đôi vợ chồng có biết “biến nước lã thành rượu nồng khi cần thiết”, để sống bền vững và trung thành, sống  nhiệt tình, khao khát hạnh phúc ban đầu, khám phá ra được sự hiện diện kỳ diệu của nhau.
Khi con người yêu nhau thì con người hạnh phúc, khi con người hạnh phúc thì con người tỏ lộ niềm vui. Đó không chỉ là niềm vui chóng qua, mà là hạnh phúc lâu bền. Hạnh phúc này chỉ có thể đến từ một tình yêu chân thật, một tình yêu làm hấp dẫn con người và ước ao cho người yêu được thịnh đạt và hạnh phúc.
Không có tình yêu nào được mua bằng sự dễ dãi mà phải mua được bằng hy sinh, càng hy sinh nhiều thì thình yêu càng bền chặt, và tình yêu cao cả nhất là chết cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Hãy đổi mới tình yêu như một danh nhân nói: “Hãy rửa tội cho tình yêu mỗi buổi sáng và hãy cưới lại nhau mỗi ngày”.
Thứ đến, để đạt đến hạnh phúc thì vợ chồng phải “đối xử tốt” với nhau. Trong tiệc cưới Cana, đôi hôn phối đang nhởn nhơ vui say, không biết rượu sắp hết. May sao có Mẹ Maria là người tinh tế, khám phá kịp thời và tận tâm giúp đỡ. Mẹ Maria là một cố vấn kỳ diệu, vừa tinh tế, vừa khôn ngoan, vừa đảm đang, khéo léo, vừa mau mắn, vừa kín đáo hữu hiệu, vừa quan tâm và chăm lo cho người khác.
Hai cháu hãy bắt chước Mẹ Maria như thế trong cuộc sống. Người ta thường nói: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”, nếu chồng biết xử tốt với vợ, thì ngược lại, vợ cũng phải xử tốt với chồng. Cả hai biết cư xử tốt với nhau thì gia đình sẽ hạnh phúc.
Có anh nông dân kia đã lập gia đình hơn 10 năm nay, nhưng hầu như ngày nào cũng phải gặp cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vợ chồng anh cứ cãi lộn với nhau hoài. Một hôm, quá buồn lòng, anh nông dân tìm đến một người bạn thân gần đó và xin anh ta góp ý kiến:
- Làm thế nào để tôi không những ly dị được con mụ vợ ưa gây sự này mà còn làm cho mụ ta phải khổ tâm suốt đời.
Người bạn của anh ta hiến kế như sau:
- Nếu anh quả tình muốn bỏ đi và muốn làm cho chị ta phải khổ tâm, thì bây giờ anh hãy về và cố gắng cư xử với chị ta như với bà hoàng hậu. Chừng đôi ba tháng sau đó anh sẽ bỏ đi và tôi dám chắc rằng chị ta sẽ phải đau khổ suốt đời, vì lúc đó không còn ai phục dịch chị ta như một bà hoàng nữa.
Anh nông dân nghe lời, về nhà làm y như lời bạn khuyên. Anh đối xử rất tốt với vợ và bất cứ điều gì chị vợ muốn, anh ta đều mau mắn thực hiện, cứ như cô hầu đối với bà hoàng của mình.
Thời gian qua đi, 2 tháng rồi 3 tháng. Người bạn của anh nông dân chờ mãi không thấy anh đến cho biết quyết định ra đi, liền đến tận nhà thăm hỏi và được anh ta trả lời:
- Làm sao tôi có thể rời bỏ nàng được, bởi vì từ ngày tôi đối xử với nàng như với một bà hoàng, thì ngược lại, nàng cũng đối xử với tôi như với một ông vua ? Không, tôi không thể nào xa rời người bạn đời đã đối xử với tôi quá tốt như thế! (Góp nhặt 4, tr 122).
Vì thế, Trinh và Trâm thân mến,
Hai cháu hãy đối xử tốt với nhau, để những đứa con và các thành phần trong gia đình cảm nghiệm và thốt lên, như ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI, khi kể về gia đình mình, “Cha cảm thấy tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa nơi cha mẹ và anh chị em. Cha tưởng tượng về Thiên Đàng như gia đình cha, nơi đó chan hòa tình yêu, niềm vui, sự tin tưởng và hạnh phúc”.
Chúc mừng hai cháu trong ngày thành hôn, và xin Thiên Chúa hiện diện trong gia đình hai cháu luôn mãi. Amen!
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)

Saturday, September 8, 2012

TRUNG TÍN VÀ THÁNH THIỆN


Kính thưa cha quản hạt, cha chánh xứ, các bề trên trong giáo phận, quí cha,
Quí soeur tổng phụ trách, quí tu sĩ nam nữ,
toàn thể tang quyến và quí ông bà anh chị em,

Là người, ai cũng phải chết. Đó là điều quá rõ ràng, không cần phải minh chứng. Xưa nay chưa ai đã thoát chết. Cái chết vẫn hằng theo dõi, ám ảnh tâm trí mọi người, dù người ta muốn quên hay chối bỏ nó. Nhưng càng xa tránh, càng chối bỏ, thì  dường như nó lại càng theo sát chặt chẽ. “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong" (Tv 103, 15).
Chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, thực hiện thánh ý Chúa Cha; trọn cuộc đời Ngài đã hiến mình vì tình yêu nhân loại. Ngài đã vâng phục Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập giá. Ngài đã yêu thương nhân loại cho đến cùng. Ngài đã chết, nhưng cái chết của Ngài là một chiến thắng, là vinh quang, mang lại ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại, cho từng người chúng ta.
Giống như Đức Kitô, ông cố Giacôbê đây đã chết, nhưng cái chết của ông cố là một chiến thắng, là vinh quang, vì ông đã hoàn thành cuộc sống cách tốt đẹp. Cuộc đời ông có thể tóm gọn trong hai hạn từ: trung tín và thánh thiện.
Trước hết, ông cố Giacôbê là người trung tín với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Ông đã bắt đầu cuộc sống phần xác ngày mở mắt chào đời. Chúa ban cho ông sự sống siêu nhiên qua bí tích Rửa Tội, để ông thuộc về Chúa Giêsu (x. Rm 6,3). Đó cũng là lúc ông bắt đầu chết đi cho tội lỗi, để chuẩn bị cho cuộc sống trường sinh sau này.
Suốt cuộc đời 78 năm làm con Chúa, ông cố Giacôbê đã chấp nhận đi vào con đường hẹp, con đường thập giá, trong vài trò làm chồng, làm cha trong một gia đình công giáo. Với 8 đứa con phải nuôi dưỡng, một gánh nặng lớn, nhưng ông đã cùng với người vợ đảm đang đã nuôi sống và giáo dục con cái nên người.
Ông cố ra đi để lại bao thương tiếc cho con cháu và thân quyến, bà con hàng xóm, nhưng chắc chắn ông đã không hối tiếc, vì ông đã chu toàn và trung tín với bổn phận và trách nhiệm mà Chúa đã trao phó cho ông trong cuộc sống trần gian này.
Thứ đến, cuộc sống của ông, tuy âm thầm, nhưng chất chứa sự thánh thiện. Chính sự thánh thiện của ông, mà con cháu và xóm giềng nhận thấy nơi ông một người cha, một người ông, và một người bạn hiền hành và tốt bụng. Chính sự thánh thiện của ông đã khai mở tinh thần dấn thân phục vụ nơi con cháu, để gia đình ông dâng cho Thiên Chúa và cống hiến cho Giáo Hội 4 nữ tu phục vụ trong 3 hội dòng khác nhau (Soeur Nguyên, Quyền, Lành, Linh: Đaminh Tam Hiệp, Nữ Vương Hòa Bình Ban Mê Thuột và Đaminh Monteil Pháp). Chính sự thánh thiện đã khiến ông, ngay trong tuần cuối cùng trên giường bệnh, vẫn râm ran lời kinh mân côi với tràng hạt trên tay, và chính sự thánh thiện đã giúp ông ra đi bình an.
Hôm nay chắc chắn Chúa sẽ nói với ông: “Hỡi đầy tớ tốt lành, thánh thiện và trung tín, vì ngươi đã trung tín và tốt lành trong việc nhỏ, Ta sẽ đặt ngươi coi sóc các việc lớn. Hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Và Chúa cũng sẽ thêm: “Thật, Ta bảo thật, hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta”.
Bên linh cữu của ông cố Giacôbê trong thánh lễ an táng này, con cháu, bà con, thân nhân xa gần, cũng như cộng đoàn hiện diện, không thể che dấu được nỗi xúc động và thương tiếc sự ra đi của ông. Nhưng đối với người có đức tin, chết không phải là hết. Chết là con đường đưa đến sự sống. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắn gởi chúng ta: “ Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy thì dù chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).
Cử hành với ông cố Giacôbê trong thành lễ cuối cùng của cuộc đời, chúng ta hãy noi gương ông cố: luôn sống trọn ơn nghĩa với Chúa, tốt làn, thánh thiện và trung tín. Như thế, chúng ta sẽ không than van khóc lóc khi cái chết đến. Những người đã chết một cách hạnh phúc và bình an, là những người từng nỗ lực để sống, và sống trọn vẹn từng giây phút Thiên Chúa ban tặng.
Nguyện xin Mẹ Maria, Đấng mà ông cố yêu mến, đón nhận và dẫn đưa ông vào Thiên Đàng với Chúa Giêsu. Amen!
Lm. Fx. Phạm Đình Phước SDB
Lễ an táng của Ông Cố Giacôbê Trần Trọng Uyên,

Gx. Vinh An, Dakmil, Ban Mê Thuột, 07/09/2012