Tuesday, January 31, 2012

DON BOSCO LINH MỤC

 
TÔI MUỐN TRỞ THÀNH LINH MỤC VÀ SỐNG PHÙ HỢP VỚI CÁCH SỐNG CỦA MỘT LINH MỤC
Ơn gọi và động cơ ơn gọi của Don Bosco[1]
Trong giấc mơ khi lên chín tuổi, người Nữ (Mẹ Maria) đã nói với cậu bé Gioan Bosco: “Đó là cánh đồng làm việc của con! Hãy trở nên khiêm tốn, can trường và dũng mãnh; con sẽ biến cho bầy thú ấy trở thành hiện thực với các con cái của ta”. Sau khi nghe Gioan kể lại giấc mơ, Mẹ Magarita đã phát biểu: “Biết đâu con lại chẳng trở thành linh mục”.
Trong thời gian đi học, cậu bé Gioan Bosco kể lại rằng cậu thường gặp cha xứ hay cha phó. Cậu thường chào các ngài từ xa, và cúi đầu chào khi các ngài đi qua. Nhưng các ngài dáng nghiêm nghị và lễ phép chào đáp lại, rồi tiếp tục đi đường của các ngài. Nhiều lần Gioan Bosco đã khóc và nói với mình hay với những người khác: “Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ làm khác; tôi muốn lại gần cùng các trẻ em và thanh thiếu niên, tôi muốn nói chuyện với chúng những lời tốt lành, trao cho chúng những lời khuyên bảo”.[2]
Với Cha Gioan Calosso, cậu bé Gioan Bosco đã khẳng định mục tiêu của việc đi học của mình: “Thưa cha, con muốn đi học để trở nên linh mục”. Sau đó, cậu cũng xác định việc làm tương lai của mình: “Con muốn làm linh mục để gần gũi, nói chuyện, dạy dỗ biết bao nhiêu bạn trẻ về đạo giáo. Họ không xấu, nhưng đã trở nên như vậy, vì chẳng có ai chăm lo cho họ”.
Để đi học, Gioan Bosco vất vả rất nhiều: vì gia đình nghèo, ngài phải đi bộ hằng chục cây số, ngài phải đi xin bố thí, đi làm thuê, đi ở đợ, cố gắng học giỏi để có học bổng, v.v.
Từ quyết tâm học để làm linh mục, Don Bosco đã quyết tâm học vì giới trẻ: “Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng cả đến mạng sống”.[3]
Ngày 25-10-1835, Gioan Bosco được mặc áo chùng thâm. Lúc bấy giờ, ngài xác quyết rằng: “Tôi đang nuôi ý định làm linh mục và sống phù hợp với cách sống của một linh mục”.
Mẹ Magarita đã khuyên nhủ Thầy Gioan Bosco: “Mẹ cảm thấy hoàn toàn vui mừng như một người mẹ có thể vui mừng vì sự thành công của một người con. Tuy nhiên con hãy nhớ rằng không phải chiếc áo con mặc trên người con đem lại cho con vinh dự, nhưng là sự nghiêm túc theo đó con sống sự cam kết con đã lãnh lấy. Nếu một ngày nào đó con nghi ngờ về ơn gọi của con, mẹ xin con đừng làm ô danh chiếc áo này, nhưng tốt hơn con hãy cởi bỏ nó ngay. Mẹ thích con là một nông dân nghèo hơn là một linh mục thất bại. Khi con sinh ra, mẹ đã dâng con cho Đức Mẹ, con hãy yêu mến những người bạn yêu mến Đức Mẹ và khi nào trở nên linh mục, con hãy thông truyền chung quanh con lòng yêu mến Đức Mẹ”.
Lúc bấy giờ Gioan Bosco đã thưa với Mẹ Magarita :  Mẹ, con xin cảm ơn mẹ vì tất cả những gì mẹ đã làm cho con. Con sẽ không bao giờ quên những gì mẹ vừa nói với con”.
Cậu bắt đầu dùng các thời gian rảnh rỗi để phục vụ các bạn trẻ: “Nhiều em trong số chúng không biết gì về đức tin cả. Tôi cảm thấy một niềm vui lớn khi được dạy giáo lý cho các em. Tôi dạy cho những đứa trẻ này đọc và viết; dạy hết mọi em, bất kể tuổi tác. Các lớp học luôn miễn phí, nhưng tôi có đặt một điều kiện: phải chăm chỉ, bền bỉ, chú tâm và hằng tháng đi xưng tội”.
Linh Mục của Thiên Chúa[4]
Ngày 05-06-1841, trong Nhà Nguyện Tòa Tổng Giám mục Tôrinô, Don Bosco được truyền chức Linh mục. Nhân dịp trọng đại này, Don Bosco đã lấy một số quyết định (ngày nay được gọi là Kế hoạch Đời sống Cá nhân):
1.  Không bao giờ đi dạo, trừ phi vì các lý do quan trọng như đi thăm kẻ liệt, v.v.
2.  Sẽ rất nghiêm nhặt trong việc sử dụng thời giờ của mình.
3.  Chịu đau đớn, làm việc, hạ mình trong mọi sự, khi đó là vấn đề cứu các linh hồn.
4.  Đức ái và sự dịu dàng của Thánh Phanxicô Salê phải hướng dẫn tôi.
5.  Tôi sẽ bằng lòng với bất cứ của ăn nào được dọn, miễn là không nguy hại cho sức khỏe.
6.  Tôi sẽ chỉ uống rượu pha nước lã và chỉ trong mức nó có lợi cho sức khỏe.
7.  Làm việc là một vũ khí mạnh mẽ chống lại các kẻ thù của linh hồn. Do đó tôi sẽ ngủ không hơn 5 tới 6 giờ. Ban ngày tôi sẽ không ngủ, nhất là sau bữa ăn trưa. Chỉ khi nào bệnh tật, tôi mới áp dụng luật trừ cho điều luật này.
8.  Tôi sẽ dành thời giờ mỗi ngày để suy gẫm và đọc sách thiêng liêng. Trong ngày tôi sẽ đi viếng Thánh Thể trong một lúc ngắn, hay ít nhất nâng lòng tôi lên trong kinh nguyện. Tôi sẽ qua ít nhất một khắc chuẩn bị cho Thánh Lễ, và một khắc nữa để cám ơn sau Thánh Lễ.
9.  Tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn mình trong chuyện vãn với phụ nữ, trừ khi để nghe xưng tội, hay khi vì cần thiết cho lợi ích thiêng liêng của họ.
Nhân dịp này Mẹ Magarita cũng đã khuyên dạy ngài (như đã khuyên dạy ngài khi ngài rước lễ lần đầu, chọn ơn gọi và mặc áo giáo sĩ): “Con bây giờ là Linh mục và con cử hành Thánh Lễ. Cho nên con gần Chúa Giêsu Kitô. Nhưng con hãy nhớ, bắt đầu cử hành Thánh Lễ là bắt đầu chịu đau khổ. Con không nhận ra điều này ngay bây giờ, nhưng dần dần con sẽ hiểu là mẹ con nói đúng. Mẹ chắc chắn rằng con sẽ luôn cầu nguyện cho mẹ mỗi ngày, dù là khi mẹ sống hay chết, và điều đó là đủ cho mẹ. Từ nay trở đi, con phải nghĩ duy về một điều là cứu rỗi các linh hồn; đừng bao giờ con phải lo lắng cho mẹ”.
“Don Bosco là một linh mục nơi bàn thờ, là một linh mục trong tòa giải tội, là một linh mục giữa thanh thiếu niên, là một linh mục trên bục giảng hay giữa sân chơi với giới trẻ” (Don Bosco, MB VIII, 534)
 Ơn gọi của tu sĩ Sa-lê-diêng được đánh dấu bằng một đặc ân của Thiên Chúa. Đặc ân đó là lòng ưu ái đối với thanh thiếu niên: “Chỉ cần các con là người trẻ là đủ để cha hết lòng thương yêu các con” (Don Bosco). Tình yêu này, biểu hiện của đức ái mục tử, làm cho cả cuộc sống của tu sĩ Sa-lê-diêng có ý nghĩa.
Vì lợi ích của các em, người tu sĩ Sa-lê-diêng sẵn sàng quảng đại cống hiến thời giờ, tài năng và sức khỏe: “Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng cả đến mạng sống” (Don Bosco).
(Fx. Phạm Đình Phước SDB)


[1] Xem Giovanni Bosco, Memorie dell’Oratorio, LAS, Roma 2011, 62-116.
[2] Giovanni Bosco, Memorie dell’Oratorio, LAS, Roma 2011, 75.
[3] Don Ruffino, Cronaca dell' Oratorio, ASC 110, tập 5, trang 10.
[4] Xem Giovanni Bosco, Memorie dell’Oratorio, LAS, Roma 2011, 119-134.

Friday, January 27, 2012

DON BOSCO - BÚT TÍCH TINH THẦN



 
Trích tuyển một số bút tích của Cha thánh Bosco, Đấng Sáng Lập Dòng Sa-lê-diêng Don Bosco, được các Tổng Tu nghị 20, 21, 22 coi là có ý nghĩa đặc biệt cho việc trung thành sống ơn gọi thánh hiến tu sĩ Sa-lê-diêng.



I. GỞI CÁC HỘI VIÊN SALÊDIÊNG*
 Các con rất thân ái trong Chúa Giêsu Kitô!
Hiến luật chúng ta đã được Tòa Thánh chính thức châu phê ngày 03 tháng 4 năm 1874.
Chúng ta phải đón chào sự kiện này như một trong những sự kiện vinh quang nhất của Tu Hội chúng ta, và khiến ta vững tin rằng khi tuân giữ Tu luật của mình, chúng ta dựa trên những cơ sở vững chắc, bảo đảm và có thể nói là không sai lầm, vì chính vị Thủ lãnh Tối cao của Giáo Hội, bằng một phán quyết bất khả ngộ, đã châu phê Tu luật đó.
Việc châu phê này tự nó có giá trị rất lớn, nhưng nếu hội viên không am tường và trung thành tuân giữ Tu luật, việc châu phê đó chỉ mang lại rất ít hiệu quả. Vậy để giúp hội viên dễ dàng am hiểu, đọc và suy gẫm, rồi đem ra thực hành, cha thiết tưởng dịch Tu luật từ nguyên bản để cống hiến cho chúng con, quả là hữu ích.
Cha cũng nghĩ là ích lợi khi ghi lại đây vài điểm thực hành hầu giúp các con dễ dàng am tường tinh thần đã cấu tạo nên Tu luật, và giúp các con ân cần tuân giữ và ái mộ luật đó. Cha dùng tiếng lòng nói với các con, và cha trình bày vắn tắt những gì kinh nghiệm cho cha thấy có thể đem lại lợi ích thiêng liêng cho các con và giúp ích cho toàn thể Tu Hội chúng ta.

Các lời khấn
Lần đầu tiên khi đề cập tới Tu Hội Salêdiêng, Đức Thánh Cha Piô IX đã nói những lời sau đây: "Trong một Hội dòng hay Tu Hội, lời khấn là cần thiết để mọi phần tử liên kết với Bề trên bằng sợi dây lương tâm, và Bề trên cùng với người mình coi sóc liên kết với vị Thủ Lãnh Giáo Hội, nghĩa là liên kết với chính Thiên Chúa".
Vì thế các lời khấn của chúng ta có thể là những sợi dây thiêng liêng, nhờ đó chúng ta hiến thánh mình cho Chúa và trao phó ý chí, của cải, năng lực thể xác và tinh thần trong tay Bề Trên, để chúng ta nên đồng tâm nhất trí lo việc sáng danh Chúa như Hiến luật chúng ta dạy. Chính vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta làm vinh danh Chúa qua những lời cầu nguyện này: " Xin cho chúng con có cùng một đức tin trong tâm trí và cùng một lòng đạo đức trong hành động".
Lời khấn là lễ vật đại lượng, nhờ đó những việc ta làm được tăng công phúc rất nhiều. Thánh Anselmô dạy: một việc lành không lời khấn thì giống như hoa trái của một cây. Ai làm việc lành vì lời khấn, thì chẳng những dâng cho Chúa hoa trái mà cả cây nữa. Theo thánh Bonaventura: làm việc lành mà không có lời khấn đi kèm, tức là dâng lời lãi chứ không dâng vốn. Còn với lời khấn, ta dâng cho Chúa cả vốn lẫn lãi. Hơn nữa, các thánh Giáo phụ đều dạy: mỗi việc làm vì lời khấn có hai công phúc, một do việc lành, và một do chu toàn lời khấn.
Theo thánh Tôma: hành vi tuyên khấn tu trì trả lại cho ta sự vô tội của phép Thánh Tẩy, tức là đặt chúng ta trong một trạng thái giống như lúc chúng ta vừa lãnh bí tích Rửa Tội vậy. Các tiến sĩ Giáo Hội quen so sánh lời khấn tu trì với việc tử đạo. Các ngài dạy: công phúc của người tuyên khấn không khác gì công phúc của người tử đạo; bởi vì theo các ngài, hình khổ trong lời khấn tuy không dữ dằn bằng, nhưng lại lâu dài hơn.
Bởi thế, nếu lời khấn tu trì gia tăng công phúc những việc ta làm, và làm vui lòng Chúa, thì ta lại càng phải ra sức tuân giữ cho chu đáo. Ai thấy mình không đủ sức tuân giữ, thì không nên tuyên khấn, hay ít ra phải hoãn lại việc tuyên khấn cho tới khi từ đáy lòng mình cảm thấy quyết chí tuân giữ lời khấn; bằng không, họ sẽ thưa với Chúa lời hứa hão huyền và thất trung, và như thế không thể không làm phật lòng Ngài. Chúa Thánh Thần phán: "Lời hứa thất trung và hão huyền làm phật lòng Chúa" . Vậy chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng việc tận hiến anh hùng này; và một khi đã tận hiến, ta phải cố gắng trung thành cho dù phải hy sinh trường kỳ và gian khổ, vì chính Chúa đã truyền dạy: "Con phải vuông tròn lời khấn hứa cùng Thiên Chúa chí tôn" .

Vâng phục
Thánh Hiêrônimô dạy: vâng phục đích thực bao gồm mọi nhân đức. Thánh Bonaventura cũng nói: Tất cả sự trọn lành tu trì hệ tại việc từ bỏ ý riêng, tức là thực hành vâng phục. Chúa Thánh Thần phán: người vâng phục sẽ ca khúc khải hoàn . Và Thánh Grêgôriô Cả kết luận: vâng phục giúp ta thực hành và duy trì được mọi nhân đức .
Tuy nhiên sự vâng phục này phải được rập theo gương Chúa Cứu Thế, Đấng đã thực hành vâng phục cả trong những việc khó khăn nhất, cho tới chết trên thập giá ; và mỗi khi Chúa đòi hỏi ta tới mức đó vì vinh danh Người, ta cũng phải vâng phục cả đến hy sinh mạng sống mình.
Vì thế ta hãy vui lòng thi hành những lệnh truyền rõ ràng của Bề trên, Qui luật của Tu Hội và những tập quán riêng của mỗi nhà. Nếu đôi khi lỗi đức vâng phục, ta hãy vui lòng đến xin lỗi Bề trên mà ta đã bất tuân. Hành vi khiêm tốn này sẽ là nguồn trợ giúp lớn lao cho ta được tha thứ lỗi lầm, lại được Chúa ban ơn cho sau này, cũng như giúp ta tự giác để không tái phạm nữa.
Khi Thánh Phaolô Tông đồ khuyên thực hành nhân đức này, ngài nói: Anh em hãy vâng phục các người Bề trên của anh em, hãy biết tùng phục vì họ phải canh giữ như những người sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về những gì liên quan đến lợi ích linh hồn của anh em. Hãy vâng lời tự nguyện và mau mắn, để họ có thể chu toàn bổn phận Bề trên cách vui vẻ, chứ không phải than van phiền trách .
Các con nên nhớ kỹ điều này: chỉ làm những gì vừa ý và hợp với sở thích mà thôi, thì không phải là vâng phục thật, mà là dung dưỡng ý riêng. Vâng phục thật làm ta được Thiên Chúa và Bề trên yêu quí hệ tại ở chỗ biết vui lòng làm bất cứ điều gì Hiến luật hay Bề trên truyền làm, và như lời Thánh Phaolô, Thiên Chúa yêu thích người biết vui lòng dâng hiến . Vâng phục thật còn hệ tại ở chỗ biết tỏ ra luôn sẵn lòng kể cả trong những việc thật khó khăn và trái ý riêng ta, cũng như biết can đảm chu toàn các việc đó, cho dù phải hy sinh gian khổ. Trong những trường hợp như thế, vâng phục quả là cam go, nhưng lại càng đem đến nhiều công phúc, và giúp ta chiếm được Nước Trời, đúng như lời Chúa Cứu Thế phán dạy: Nước Trời phải cưỡng đoạt và ai dũng mạnh mới chiếm được nó .
Nếu các con thực hành vâng phục theo cách cha chỉ trên đây, cha dám nhân Danh Chúa quả quyết rằng các con sẽ sống một cuộc sống thật an bình hạnh phúc trong Tu Hội. Nhưng đồng thời cha phải lưu ý các con, ngày nào các con không muốn vâng phục mà chỉ thích hành động theo ý riêng thì từ ngày ấy các con sẽ bắt đầu thấy bất mãn về cuộc sống mình. Và nếu trong các Dòng tu cũng có những kẻ bất mãn và cho cuộc sống chung là một gánh nặng, thì suy cho cùng, ta sẽ thấy là tại họ thiếu vâng phục và không biết bắt ý riêng mình suy phục. Ngày nào các con thấy không hài lòng, các con cứ suy điều cha vừa nói, và sẽ tìm được phương thuốc chữa trị.

Nghèo khó
Nếu chúng ta không tự ý từ bỏ thế gian, có ngày chúng ta bó buộc phải lìa bỏ nó. Đàng khác, trong cuộc sống tạm gửi này, ai tự ý từ bỏ thế gian, thì ngay đời này được Chúa ban ơn gấp trăm và đời sau được lãnh phần thưởng vĩnh cửu. Trái lại, ai không tự ý chấp nhận hy sinh này, sẽ phải bó buộc chấp nhận nó vào giờ chết, nhưng không được phần thưởng chi hết, lại còn phải thanh toán cặn kẽ với Chúa về tất cả của cải mình có.
Thật ra Hiến luật chúng ta cho phép giữ và sử dụng các quyền công dân, nhưng một khi đã gia nhập Tu Hội, ta không còn quyền quản trị hay định đoạt các của mình có, trừ khi được Bề trên chấp thuận, và trong mức độ ngài ấn định. Vì thế trong Tu Hội, ta đúng là người không có của gì hết, vì đã nên nghèo khó để thành giàu có với Chúa Giêsu Kitô. Ta noi gương Chúa Cứu Thế, Đấng đã sinh ra trong nghèo khó, sống thiếu thốn mọi sự, và chết trần truồng trên thập giá.
Ta hãy nghe Thày Chí Thánh nói: "Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, người ấy không xứng với Ta, và không thể làm môn đệ Ta".
Với chàng trai muốn theo làm môn đệ Ngài, Ngài nói: "Anh hãy đi, bán hết gia tài, đem bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta, và Ta sẽ bảo đảm cho anh một kho báu trên trời".
Ngài dạy các môn đệ Ngài khi đi rao giảng đừng mang theo hai áo cũng đừng lo nghĩ tới những gì họ cần đến cho đời sống. Quả thực ta không hề thấy có chỗ nào nói Chúa Kitô và các Tông đồ hay một môn đệ nào của Ngài mua tậu ruộng vườn, nhà cửa, đồ đạc, quần áo, thức ăn hay các của giống thế. Và thánh Phaolô nói rõ ràng, ai theo Chúa Kitô, thì bất luận đi đâu hay làm gì, họ phải bằng lòng với của ăn đủ để nuôi xác và áo che thân: Một khi có của ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ .
Ngoài của ăn áo mặc, tất cả các cái khác đối với ta đều là dư thừa và trái với ơn gọi tu sĩ. Thật ra đôi khi ta phải chịu đôi chút bất tiện khi đi đường hay làm việc, lúc mạnh khỏe hay khi đau yếu; cũng có lúc ta phải chịu những đồ ăn, quần áo hay những điều không hợp sở thích ta; nhưng chính lúc ấy ta phải nhớ mình đã khấn nghèo khó, và nếu ta muốn có công thưởng, ta phải chấp nhận những hậu quả của nó. Ta hãy cẩn thận xa tránh thứ nghèo khó từng bị thánh Bênađô nặng lời trách mắng. Ngài nói: có những người tự hào vì được gọi là nghèo khó, song lại không muốn chấp nhận hậu quả của cái nghèo. Lại có những kẻ bằng lòng trở nên nghèo khó, miễn là họ không thiếu gì.
Nếu cảnh nghèo của ta là dịp gây bất tiện hay đau khổ cho ta, ta hãy vui mừng với thánh Phaolô, vị Tông đồ đã từng tuyên bố mình hoan hỷ tột độ trong những gian truân . Chúng ta cũng hãy bắt chước các Tông đồ, các ngài tràn ngập hân hoan khi ra khỏi Hội Đường, vì thấy mình xứng đáng được chịu xỉ nhục vì Danh Chúa Giêsu . Chúa Cứu Thế không những hứa mà còn bảo đảm thiên đàng cho hạng nghèo khó ấy. Ngài phán: Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ . Hơn nữa, sống cảnh nghèo, vui lòng ở căn phòng thiếu tiện nghi hay trang bị tồi tàn, mặc quần áo cũ kỹ, hay ăn những thức ăn rẻ tiền, tất cả những thứ ấy đem lại vinh dự lớn lao cho người khấn nghèo khó, vì làm họ nên giống Chúa Giêsu Kitô.
Đức nghèo khó cũng đòi hỏi không lãng phí, biết gìn giữ sách vở, quần áo, dầy dép, cũng không nên hổ thẹn khi phải dùng những đồ vật hay quần áo cũ, vá víu hay không còn tươm tất.

Thanh khiết
Nhân đức thanh khiết là nhân đức tối cần, nhân đức cao cả, nhân đức thiên thần, chói lòa trên mọi nhân đức khác. Ai có nhân đức này có thể gán cho mình lời Chúa Thánh Thần: M ọi điều thiện hảo cùng nhân đức ấy đến với tôi. Chúa Cứu Thế quả quyết với chúng ta: Ai được kho tàng quí báu ấy thì ngay đời tạm này đã nên giống các thiên thần của Chúa .
Nhưng bông huệ trắng ngần, hoa hồng quí báu, viên ngọc vô giá này lại là đích để thù địch tấn công, vì hắn biết, nếu phá hoại mà thành công, thì có thể nói việc thánh hóa của chúng ta sụp đổ. Ánh sáng biến thành bóng tối, lửa hồng thành than đen, Thiên Thần thành Ma Quỉ, và thế là mọi nhân đức tiêu tan. Các con thân mến, ở đây cha tin là vô cùng hữu ích cho linh hồn các con, khi cho các con đôi lời khuyên dạy, mà nếu đem ra thực hành, các con sẽ thu được lợi ích lớn lao, và cha còn dám quả quyết các con sẽ giữ được nhân đức này cũng như mọi nhân đức khác. Vậy các con hãy ghi lòng tạc dạ các điểm sau:
1. Không nên vào Tu Hội khi chưa bàn hỏi với người khôn ngoan, họ sẽ xét các con có đủ lực gìn giữ nhân đức này không.
2. Tránh thân mật với người khác phái, và không bao giờ kết nghĩa riêng với những thanh thiếu niên được Chúa Quan Phòng trao phó cho ta coi sóc. Hãy đối xử tử tế bác ái với mọi người, nhưng đừng bao giờ luyến ái tình cảm cùng một người nào. Thánh Hiêrônimô nói về vấn đề này: hoặc không yêu ai cả, hay yêu mọi người bằng nhau.
3. Sau kinh tối hãy đi nghỉ ngay và đừng nói chuyện với ai cho tới sáng, sau khi xong Thánh lễ.
4. Hãy chế ngự giác quan. Chúa Thánh Thần phán rõ: thân xác uy hiếp linh hồn . Bởi thế thánh Phaolô đã cố gắng dùng những hình khổ phạt xác nghiêm nhặt, dù ngài đã làm việc cực nhọc. Ngài viết  : Tôi phạt xác mình, và bắt nó lụy phục .
Cha khuyên các con nên hết sức tiết độ trong việc ăn uống. Rượu chè và thanh khiết không thể đội trời chung với nhau.
5. Những nguy hiểm đáng sợ cho đức thanh khiết là những nơi chốn, con người và những điều thế tục. Các con phải hết sức xa tránh những thứ đó, xa tránh không những nơi thân xác mà cả nơi lòng trí nữa. Cha nhớ chưa hề đọc hay nghe người ta nói có tu sĩ nào về thăm quê mà thu được lợi ích thiêng liêng nào. Ngược lại, có hàng ngàn và hàng ngàn tu sĩ không tin điều đó, họ muốn thử, nhưng đã bị phỉnh gạt một cách chua cay, cũng không ít người đã là nạn nhân vô phước của tính bất cẩn và liều lĩnh.
6. Để chiến thắng mọi nết xấu và trung thành giữ đức thanh khiết, không gì hiệu lực bằng tuân giữ xác đáng Qui luật thánh của chúng ta, nhất là các lời khấn và các việc đạo đức. Kitô giáo có thể được ví rất đúng với một thành trì kiên cố như lời tiên tri Isaia : Sion là thành vững chắc của ta, được Cứu Chúa làm tường trong lũy ngoài . Thật thế, lời khấn và qui luật của một dòng tu chẳng khác nào những tiền đồn nho nhỏ. Tường lũy bên trong hay pháo đài của tôn giáo chính là Luật Chúa và Luật Giáo Hội. Ma quỉ thường dùng mọi mưu thâm chước độc và thủ đoạn xảo trá để làm người ta vi phạm các luật đó. Nhưng để làm các tu sĩ vi phạm, trước hết nó triệt hạ tiền đồn và lũy ngoài, tức là các Qui luật hay Hiến luật của các Tu Hội ấy. Khi kẻ thù linh hồn muốn quyến rũ một tu sĩ và thúc đẩy họ vi phạm Luật Chúa, nó bắt đầu làm họ khinh thường những điều nhỏ, rồi đến những điều trọng, sau đó mới dễ đưa họ tới chỗ vi phạm luật Chúa, đúng như lời Chúa Thánh Thần phán: Ai khinh thường việc nhỏ, dần dần sẽ ngã vào điều trọng .
Vậy các con thân mến, chúng ta hãy trung thành giữ cặn kẽ Tu luật chúng ta, nếu chúng ta muốn trung thành với các giới răn Chúa, nhất là giới răn thứ sáu và thứ chín. Ta hãy bền tâm và chuyên cần lo giữ các việc đạo đức cho xác đáng, vì đó là nền tảng và cột trụ của mọi Dòng Tu, và chúng ta sẽ sống trong sạch như các Thiên Thần.

Bác ái huynh đệ
Ta không thể mến Chúa, mà không yêu đồng loại. Vì cùng một giới răn dạy ta mến Chúa, thì cũng dạy ta yêu thương anh em. Thật vậy, ta đọc trong thư thứ nhất của thánh Gioan Thánh Sử những lời này : Đây là lệnh truyền ta lãnh nhận nơi Thiên Chúa, là ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải yêu thương anh em mình. Và trong cùng đoạn đó, vị Tông đồ đã cảnh giác chúng ta là ai khoe mình yêu Chúa mà lại ghét anh em, thì người ấy là kẻ nói láo: Nếu có ai nói, tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét bỏ anh em mình, người ấy là kẻ nói láo .
Khi bác ái huynh đệ thống trị một cộng thể, mọi hội viên thương yêu nhau, và mỗi người cùng chung hưởng cái hay cái tốt của người khác như của riêng mình, thì lúc đó nhà này trở thành một Thiên đàng, đúng như lời tiên tri Đavít : Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau . Nhưng vừa khi lòng tự ái thống trị nhà ấy, và có những mối bất hòa đố kị giữa các hội viên, nhà đó tức khắc trở nên giống như hỏa ngục. Chúa rất hài lòng khi thấy các anh em trong nhà sống in unum (hiệp nhất với nhau) nghĩa là đồng tâm nhất trí phụng sự Chúa và giúp đỡ lẫn nhau trong tình bác ái. Đây là lời thánh Luca khen ngợi các kitô hữu tiên khởi : Mọi người yêu mến nhau, đến nỗi như chỉ có một lòng một trí thôi .
Điều rất nguy hại cho các cộng thể tu trì là những tiếng xì xầm, trực tiếp nghịch với bác ái. Người xì xầm làm hoen ố linh hồn mình, lại bị Chúa và người ta ghét bỏ . Ngược lại, thật xây dựng chừng nào khi một tu sĩ biết nói tốt cho anh em mình và biết tùy cơ chữa lỗi cho họ! Vậy các con hãy tránh xa mọi lời nói xầm xì, đặc biệt nhắm đến đồng bạn và nhất là đến các Bề trên. Còn một thứ xầm xì khác tệ hơn nữa là cắt nghĩa xấu cho các hành động nhân đức hay nói những hành động đó được làm với ý xấu.
Các con cũng hãy thận trọng đừng nói lại cho đồng bạn những điều bàn tán mà người khác đã nói không hay về họ, bởi có khi do đó mà phát sinh những xáo trộn và oán giận có thể kéo dài nhiều năm tháng. Ôi những kẻ nói xấu trong cộng thể sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa thế nào! Ai gieo bất bình, đáng Chúa ghét bỏ . Nếu người ta nói xấu kẻ khác trước mặt các con, các con hãy nghe lời Chúa Thánh Thần dạy : Con đã nghe người ta nói xấu anh em con ư? Hãy để lời đó chết đi trong lòng con .
Hãy ý tứ chớ nên châm chọc ai trong anh em con, dù chỉ là vui đùa thôi. Nói đùa mà làm mất lòng hay xúc phạm đến tha nhân, cũng là phản bác ái. Con có muốn người ta chế diễu và châm chọc con trước mặt người khác, như con làm cho anh em con không?
Cũng nên tránh những cuộc cãi vã. Nhiều khi chỉ vì những chuyện cỏn con không đâu mà sinh ra xung đột, đưa tới cãi vã lăng mạ nhau, làm băng hoại tình đoàn kết và gây tổn thương cách thật nặng nề đến đức ái.
Hơn nữa, nếu các con yêu chuộng đức ái, các con hãy tỏ ra đáng yêu và nhã nhặn với hết mọi người. Hiền lành là nhân đức Chúa Kitô rất quí; Ngài nói: Hãy học nơi Ta, vì Ta hiền lành . Trong lời nói hay cách đối xử, các con hãy tỏ ra dịu hiền không những với Bề trên, mà còn với hết mọi người, nhất là những ai trước đây đã xúc phạm đến các con, hay hiện còn nhìn các con với cặp mắt đố kị. Đức ái chịu đựng mọi sự : bởi thế ai không biết chịu đựng nết xấu người khác, không bao giờ có đức ái thật. Trên trần này, không có ai dù đạo đức đến đâu lại không có khuyết điểm. Vậy nếu các con muốn người khác chịu đựng khuyết điểm của các con, các con hãy tập chịu đựng khuyết điểm người khác. Cứ thực hành như thế, các con sẽ giữ trọn Luật Chúa Giêsu Kitô; như lời thánh Phaolô: Anh em hãy vác gánh nặng của nhau, và như thế anh em sẽ giữ trọn Luật Chúa Kitô .
Bây giờ ta bước sang thực hành. Trước hết, hãy kìm hãm nóng giận, vì mỗi khi bất bình nó rất dễ bùng nổ. Tránh nói những lời làm mất lòng kẻ khác, nhất là những thái độ cứng cỏi kiêu kỳ, vì đôi khi cách đối xử cộc cằn làm tổn thương hơn chính những lời nhục mạ.
Nếu đôi khi xảy ra có hội viên nào đến xin lỗi vì đã xúc phạm đến các con, các con đừng tiếp nhận họ với vẻ mặt cau có hay trả lời họ cách cộc cằn; trái lại, các con hãy tỏ ra tử tế, thân ái và nhân hậu.
Nếu chẳng may các con xúc phạm đến ai, hãy mau mắn đi làm hòa ngay, và làm cho lòng họ trút bỏ được nỗi oán hờn đối với các con. Và hãy theo lời thánh Phaolô dạy : Anh em hãy vui lòng tha thứ và làm hòa với nhau trước khi mặt trời lặn . Hãy đi làm hòa càng sớm càng hay, và cố lướt thắng sự ngại ngùng các con cảm thấy trong lòng.
Đừng yêu đồng bạn các con chỉ bằng lời nói suông, nhưng hãy giúp đỡ họ trong tất cả những việc các con có thể làm được, như lời thánh Gioan Tông đồ đức ái dạy: Ta đừng thương yêu bằng môi bằng miệng, nhưng bằng việc làm và bằng sự thật .
Bác ái cũng còn là biết chiều ý người khác trong những đòi hỏi hợp lý; nhưng hành vi cao đẹp nhất của bác ái là nhiệt thành lo cho lợi ích thiêng liêng của tha nhân. Khi có cơ hội làm việc thiện, các con đừng bao giờ nói: Việc này không phải nhiệm vụ của tôi, tôi không muốn dây mình vào. Đó chỉ là câu trả lời của Ca-in, kẻ đã dám cả gan thưa Chúa : Nào tôi có phải là người giữ em tôi đâu? . Khi có thể, mọi người phải cứu giúp đồng loại khỏi suy đồi. Chính Chúa đã truyền mọi người phải săn sóc đồng loại . Vậy các con hãy cố gắng giúp đỡ mọi người bao có thể bằng lời nói, hành động và nhất là bằng lời cầu nguyện.
Một khích lệ mãnh liệt để thực thi đức ái là nhìn xem Chúa Kitô nơi con người tha nhân, và nhớ lại rằng việc ta làm cho đồng loại được Chúa Cứu Thế coi như làm cho chính Ngài, như lời Ngài phán: Quả thật, Ta bảo các ngươi, những gì các ngươi làm cho một trong các anh em hèn mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta .
Qua những gì vừa nói, các con thấy bác ái thật cao đẹp và cần thiết biết bao! Vậy các con hãy thực hành nhân đức này, và sẽ được Thiên Chúa chúc phúc dư tràn.

Các việc đạo đức
Như của ăn nuôi dưỡng và bổ sức thể xác thế nào, thì việc đạo đức cũng nuôi dưỡng và làm cho linh hồn cường tráng để giao chiến với cám dỗ như vậy. Bao lâu chúng ta còn hăng hái tuân giữ các việc đạo đức, lòng ta sẽ hòa hợp với hết mọi người, và chúng ta sẽ thấy người Salêdiêng vui vẻ, hài lòng với ơn gọi của mình. Trái lại, một khi bắt đầu chểnh mảng các việc đạo đức, họ sẽ nghi nan về ơn gọi của mình, và sẽ gặp các cám dỗ mãnh liệt. Lần giở lịch sử Giáo Hội, ta thấy tất cả các Tổng Dòng và các Tu Hội, bao lâu còn nhiệt thành thực hành việc đạo đức, bấy lâu còn phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho Giáo Hội. Trái lại, ta cũng nhận thấy không ít các Dòng tu đã sa sút, số khác đã bị tiêu vong, nhưng khi nào? Khi tinh thần đạo đức sa sút, và mỗi phần tử chỉ tìm tư lợi, chứ không tìm lợi ích của Chúa Giêsu Kitô, như thánh Phaolô đã phàn nàn về một số tín hữu .
Vì thế, các con thân mến, nếu chúng ta quan tâm đến vinh quang Tu Hội, nếu muốn Tu Hội phát triển, thịnh vượng, để mưu ích cho linh hồn chúng ta và anh em mình, chúng ta hãy hết sức lo lắng để không bao giờ bỏ nguyện ngắm, đọc sách thiêng, viếng Thánh Thể hằng ngày, xưng tội hằng tuần, siêng năng hiệp lễ cách sốt sắng, lần hạt mân côi kính Đức Mẹ, kiêng bớt chút ít trong ngày thứ sáu, và các việc tương tự. Dầu riêng từng việc đạo đức này xem ra không mấy quan trọng, nhưng lại giúp đắc lực vào việc xây dựng tòa nhà trọn lành và phần rỗi chúng ta. Thánh Augustinô nói: Bạn muốn lớn lên và có công trước mặt Chúa ư? Bạn hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Có thể nói phần căn bản của việc đạo đức và một cách nào đó bao hàm các việc đạo đức khác chính là việc Cấm phòng năm và Dọn mình Chết lành hàng tháng.
Mỗi lần ai bận công việc không thể Dọn mình Chết lành chung được, sẽ làm riêng một mình. Ai bận công việc không thể dùng cả ngày cho việc này, sẽ dành một phần trong ngày và gác các công việc không thật sự cần thiết sang một ngày khác. Nhưng ít ra mọi người nên tuân theo các qui tắc sau:
1. Ngoài giờ nguyện ngắm thường lệ ban sáng, còn thêm nửa giờ nguyện ngắm hay một bài huấn đức ban chiều, nên bàn về bốn sự sau cùng.
2. Mọi người phải xưng tội ngày đó cách kỹ lưỡng hơn thường lệ, tựa như lần xưng tội cuối cùng trong đời, rồi hiệp lễ như Của Ăn Đàng.
3. Dành ít là nửa giờ để xét mình xem trong tháng qua đã tiến thoái trên đường nhân đức thế nào, nhất là trong những gì liên quan đến việc tuân giữ Tu luật, và lấy những quyết định thích đáng.
4. Ngày đó cũng nên đọc tất cả hay ít là một phần Luật của Tu Hội.
5. Trong ngày ấy cũng nên chọn một vị Thánh Bảo trợ cho tháng mới.
Cha thiết tưởng, nếu mỗi tháng một tu sĩ xưng tội và hiệp lễ, thu xếp lương tâm đâu vào đấy tựa như thực sự phải lìa trần về cõi vĩnh cửu, thì phần rỗi người đó có thể nói là được bảo đảm.
Vì thế, nếu chúng ta quan tâm đến vinh dự của Tu Hội chúng ta, và muốn cứu rỗi linh hồn mình, ta hãy tuân giữ luật chúng ta cách xác đáng, cả trong những điều tầm thường nhất, vì ai kính sợ Chúa, sẽ không bỏ qua điều gì có thể đem lại vinh quang cao cả cho Ngài .

Việc bàn hỏi và tầm quan trọng của nó
Tín nhiệm vào Bề trên là một trong những việc giúp cho Dòng Tu tiến triển tốt đẹp và đồng thời đem lại bình an hạnh phúc cho mỗi hội viên.
Với lòng tín nhiệm, các hội viên sẽ cởi mở lòng cho Bề trên, như thế họ vơi nhẹ được những nỗi khổ tâm: những lo âu cảm thấy khi thi hành chức vụ sẽ tan biến, và các Bề trên có thể lo liệu những gì cần thiết để ai nấy khỏi chán nản và bất mãn. Các ngài cũng có thể biết rõ những năng lực thể lý và tinh thần của các hội viên, để nhờ đó trao cho mỗi người những trách nhiệm hợp khả năng của họ; và chẳng may có gì không ổn, ngài có thể phát hiện và tu sửa kịp thời. Bởi thế Luật chúng ta qui định mỗi hội viên phải bàn hỏi với Bề trên mình mỗi tháng ít là một lần. Về việc này, Hiến luật dạy mỗi hội viên phải đơn thành và mau mắn giãi bày những khuyết điểm bên ngoài đã vi phạm Qui luật thánh, những tiến triển trên đường tập đức, những khó khăn mình gặp, và tất cả những điều mình coi là cần bàn đến, để có thể nhận được lời khuyên nhủ khích lệ.
Những điểm chính phải nói khi bàn hỏi là:
1. Sức khỏe.
2. Học hành hay công việc.
3. Có thể chu toàn bổn phận mình không, và đã chuyên cần thi hành ra sao.
4. Có đủ điều kiện thuận lợi thi hành các việc đạo đức tu trì không, và đã tỏ ra chuyên cần hoàn tất những việc đó thế nào.
5. Đọc kinh và nguyện ngắm thế nào.
6. Có siêng năng và nhiệt tâm xưng tội và hiệp lễ không.
7. Đã giữ lời khấn thế nào, và có nghi nan gì về ơn gọi không. Nhưng nên nhớ, chỉ bàn về các việc bên ngoài, chứ không bàn về các điểm thuộc tòa Cáo giải.
8. Có chán nản, lo âu trong lòng, hay lãnh đạm với người nào không.
9. Có hay biết một vài rối trật tự cần phải chấn chỉnh không, nhất là khi phải ngăn ngừa việc xúc phạm đến Thiên Chúa.
Đây là mấy lời thánh Phanxicô Salê nói về bàn hỏi:
"Hàng tháng mỗi người nên ngắn gọn cởi mở lòng mình cho Bề trên, và hết lòng đơn sơ, thành tín tỏ bày với ngài mọi điều thầm kín trong lòng, tựa như một trẻ thơ đơn thật tỏ bày với mẹ nó những chỗ xây sát, mụn nhọt, hay cả những vết ong châm nữa. Theo cách này, mỗi người sẽ báo cáo với ngài không những về các sở đắc và tiến bộ của mình, mà cả những thất bại, khiếm khuyết trong việc cầu nguyện, tập đức và đời sống thiêng liêng; cũng nên tỏ cho ngài những cám dỗ và đau khổ thầm kín, không những để được ủi an mà còn để tập khiêm nhường. Hạnh phúc thay những ai ngay thật và thành tâm thi hành khoản này, vì nó gói ghém một phần con đường thơ ấu thiêng liêng mà Chúa chúng ta thiết tha khuyên dạy, nhờ đó họ sẽ tìm thấy và giữ được bình an thật sự trong tâm trí".
Tha thiết khuyên các Giám đốc chớ bao giờ bỏ tiếp nhận bàn hỏi. Mỗi hội viên nên nhớ rằng: Nếu họ cởi mở và khiêm tốn đi bàn hỏi, họ sẽ thấy lòng vơi nhẹ, và được trợ giúp đắc lực trên đường tiến đức; và nhờ đó cả Tu Hội được lợi ích lớn lao.
Còn một điều cha hết sức chân thành khuyên nhủ, đó là vấn đề ơn gọi. Trong vấn đề này, không nên giấu Bề trên điều gì. Đây là vấn đề quan trọng hơn cả, vì trót cuộc sống ta tùy thuộc vào đó. Thật bất hạnh cho những ai giấu diếm những hoài nghi về ơn gọi mình, hay quyết định bỏ Tu Hội khi chưa bàn hỏi kỹ, và chưa lãnh ý kiến vị linh hướng của mình. Như vậy phần rỗi đời đời của họ rất có thể gặp nguy hiểm.
Lý do thứ nhất khiến việc bàn hỏi thành thật với các Bề trên trở nên quan trọng và cần thiết, đó là vì các ngài có thể điều khiển và hướng dẫn các hội viên tốt hơn. Bề trên có bổn phận cai quản và hướng dẫn họ, vì đó là chức vụ của ngài, chức vụ làm Giám đốc và Bề trên. Nhưng nếu họ không cởi mở với ngài, làm sao ngài hiểu biết họ được, và như thế làm sao có thể hướng dẫn hay giúp đỡ, khuyên nhủ và khích lệ họ?
Lý do thứ hai rõ ràng hơn lý do trước, là vì các Bề trên càng hiểu các vấn đề của hội viên, thì càng có thể săn sóc, tận tâm giúp đỡ, và gìn giữ tâm hồn họ khỏi những khó khăn và nguy hiểm họ có thể gặp, bằng cách xếp đặt họ vào chức vụ này hay chức vụ kia, hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác.
Lý do thứ ba khiến phải thành thật tín nhiệm vào các Bề trên là để các ngài có thể xếp đặt chu đáo hơn và lo liệu thích hợp hơn cho cả Tu hội, mà do chức vụ, các ngài có bổn phận phải lo lắng cho lợi ích và danh dự của Tu Hội, cũng như cho lợi ích và danh dự của từng hội viên. Vì thế khi ai cởi mở với các Bề trên, và báo cáo đầy đủ với các ngài về tình trạng của mình, lúc đó các ngài một đàng vẫn tôn trọng danh dự của họ và không làm tổn thương danh dự họ bằng bất cứ cách nào, đàng khác các ngài có thể nhìn tới lợi ích chung của toàn thể Tu Hội. Nhưng nếu ai không cởi mở như vậy, có thể người ấy sẽ liều gây nguy hại cho danh dự và linh hồn mình, cũng như cho thanh danh của cộng thể, là điều tùy thuộc vào danh dự của mỗi tu sĩ.
Ôi, một tu sĩ hoàn toàn tín nhiệm vào Bề trên mình, và tỏ cho ngài tất cả những gì làm xáo động tâm hồn mình, thì tu sĩ đó sung sướng và thư thái biết bao! Như vậy, khi được trao phó chức vụ gì, họ hết lòng tin cậy vào Chúa, Đấng sẽ nâng đỡ và giải thoát họ khỏi mọi khó khăn. Họ sẽ có thể nói: Lạy Chúa, không phải con tự chọn việc này, chỗ này; vì con đã giãi bày nỗi bất lực và vô tài của con về công việc đó. Lạy Chúa, chính Chúa đã đặt con vào chỗ này và truyền con đảm nhận việc ấy; Vậy xin Chúa bù lại cho sự thiếu sót của con. Với lòng tin cậy đó, họ có thể cùng thánh Augustinô nói: Lạy Chúa, xin ban cho con điều Chúa truyền, và xin truyền cho con điều Chúa muốn. Như thế, chẳng khác nào họ buộc Chúa phải ban cho họ điều họ xin. Nhưng ai không cởi mở lòng mình, cũng không tỏ cho các Bề trên biết những yếu hèn của mình, người đó tìm đâu được sự nâng đỡ ủi an? Vì không phải Chúa hay đức vâng phục truyền khiến họ làm việc đó, nhưng họ tự lao mình vào công việc; họ là kẻ xâm nhập chứ không phải là người được Chúa kêu gọi hay cắt cử, nên việc họ làm sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp.

Năm khuyết điểm phải tránh
Kinh nghiệm cho hay, năm khuyết điểm có thể coi là năm con sâu phá hoại việc tuân giữ tu trì và làm suy đồi các Tu Hội. Năm con sâu đó là: Ham thích Cải cách; Tính Vị kỷ; Tính hay Xầm xì; Xao nhãng Bổn phận và Quên rằng Chúng ta Làm việc Cho Chúa.
1. Ta phải tránh Tính Ham thích Cải cách. Hãy gắng sức tuân giữ Qui Luật của ta, không nên nuôi tư tưởng muốn tu bổ hay cải cách các Qui Luật. Đức Thánh Cha Piô IX, vị đại ân nhân của ta đã nói: "Nếu các tu sĩ Salêdiêng không đòi hỏi tu bổ Hiến luật của họ, một nắm giữ xác đáng Hiến luật, Tu Hội của họ sẽ ngày càng thịnh vượng".
2. Ta hãy từ bỏ Tính Vị kỷ; vì thế, đừng bao giờ đi tìm tư lợi, nhưng nên hết sức nhiệt thành làm việc vì công ích của Tu Hội. Ta hãy thương yêu nhau, giúp đỡ nhau bằng những lời khuyên nhủ và kinh nguyện; phải đề cao danh dự hội viên chúng ta, không phải vì là danh dự của một cá nhân, nhưng vì là gia sản cao quí và cốt yếu chung của mọi người.
3. Không Xầm xì Chỉ trích các Bề trên, không phản đối quyết định của các ngài. Mỗi khi biết có điều gì xét là xấu về phương diện vật chất cũng như luân lý, ta hãy khiêm tốn trình bày cho các Bề trên. Chúa đã trao cho các ngài trách nhiệm trông coi cả con người lẫn sự vật, cho nên chính các ngài, chứ không ai khác sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về việc hướng dẫn và quản trị của mình.
4. Không ai được Xao nhãng Bổn phận của mình. Người Salêdiêng được coi như cùng nhau làm nên một thân thể duy nhất là Tu Hội. Nên nếu mỗi chi thể trong đó chu toàn nhiệm vụ của mình, thì mọi việc sẽ tiến hành ổn thỏa, bằng không, sẽ sinh ra rối loạn, xáo động, chia rẽ, đổ nát, và sau cùng chính thân thể đó sẽ bị hủy hoại. Vì thế, mỗi người nên chu toàn nhiệm vụ đã được trao phó cho mình với lòng nhiệt thành, khiêm tốn và tin cậy nơi Chúa. Không nên ngạc nhiên mỗi khi phải chấp nhận ít nhiều hy sinh xem ra to tát. Cũng nên tự an ủi rằng, lao khổ của mình sẽ giúp ích cho Tu Hội, vì tất cả chúng ta đã tận hiến là để phục vụ lợi ích Tu Hội.
5. Mỗi khi thi hành chức vụ hay công tác, mỗi khi gặp khổ đau hay chán nản, ta đừng bao giờ quên rằng, Ta Đã Tận hiến cho Chúa, ta phải lao nhọc vì một mình Ngài, và chỉ chờ mong một mình Ngài ban thưởng cho ta. Ngài để ý đến từng việc nhỏ mọn ta làm vì Danh Thánh Ngài, và theo đức tin dạy, vào ngày giờ của Ngài, Chúa sẽ thưởng công bội hậu cho ta. Nếu cuối đời, khi ta trình diện trước Tòa Chúa, Ngài sẽ đoái nhìn ta với nét mặt yêu thương, rồi phán với ta: Tốt lắm, hỡi tôi tớ lương hảo và tín nghĩa, vì ít mà ngươi đã tỏ ra trung tín, Ta sẽ cử ngươi cai quản nhiều. Hãy vào hưởng hoan lạc của Chúa ngươi .


















II.
HỆ THỐNG DỰ PHÒNG TRONG VIỆC GIÁO DỤC THANH THIẾU NIÊN*


Nhiều lần cha được yêu cầu nói hay viết ra mấy quan niệm liên quan tới khoa giáo dục gọi là Hệ thống Dự phòng dùng trong các nhà chúng ta. Vì thiếu thời giờ nên tới nay cha vẫn chưa thể đáp ứng được ước nguyện đó. Nay vì muốn ấn hành Bản Qui chế từ trước đến giờ hầu như vẫn được áp dụng theo tập truyền trong các nhà, nên cha nghĩ đây là dịp thuận tiện để phác họa trước một vài nét về Hệ thống Giáo dục trên. Nó có thể được coi như là Bản Sơ thảo cho một Tập Tiểu luận cha đang soạn và hy vọng có thể hoàn thành nếu Chúa để cha sống ít lâu nữa. Làm việc này, cha chỉ nhắm mục đích duy nhất là giúp vào nghệ thuật đầy khó khăn của việc giáo dục thanh thiếu niên. Vì thế, cha sẽ trình bày: Hệ thống Giáo dục Dự phòng hệ tại điều gì và tại sao nó phải được quí chuộng hơn cả. Cách áp dụng thực tiễn và những lợi ích của nó.

1.  Hệ thống Giáo dục Dự phòng hệ tại điều gì và tại sao nó được quý chuộng hơn
Có hai hệ thống đã được dùng trong mọi thời đại để giáo dục thanh thiếu niên: là Dự phòng và Cưỡng bách. Hệ thống Cưỡng bách hệ tại làm cho người dưới mình biết luật, rồi trông coi để xem có ai vi phạm, và nếu có, sẽ ra hình phạt cân xứng. Theo hệ thống này, lời nói và vẻ mặt người trên phải luôn nghiêm nghị và thậm chí có tính cách đe dọa; chính người trên phải tránh mọi thái độ thân mật với những người dưới quyền mình.
Để tăng giá trị quyền bính, Giám đốc phải ít khi có mặt giữa những người dưới mình, và chỉ có mặt khi nào ra hình phạt hay hăm dọa thôi. Hệ thống này dễ dàng, ít khó nhọc, thích hợp cho quân đội nói riêng, cho những người lớn tuổi và có lương tri nói chung, vì tự họ phải hiểu biết và nhớ được điều gì phù hợp với luật và những quy tắc khác.
Ngược lại, Hệ thống Giáo dục Dự phòng hoàn toàn khác biệt và cha có thể nói, tương phản với hệ thống trên. Hệ thống Dự phòng hệ tại cho học sinh biết những Quy tắc và Quy chế của trường, rồi trông coi làm sao để học sinh luôn cảm thấy ở dưới cặp mắt săn sóc của Giám đốc hay Hộ trực viên, các ngài như những người cha âu yếm, chuyện trò với chúng, giúp đỡ, chỉ dẫn chúng trong mọi trường hợp, khuyên nhủ và sửa bảo chúng với đầy tình thương mến, như thế có thể nói là: làm cho học sinh không thể phạm tội được.
Hệ thống này hoàn toàn dựa trên Lý trí, Tôn giáo và nhất là Tình Thương mến; vì thế Hệ thống này loại trừ mọi hình phạt phũ phàng và cũng cố gắng tránh cả những hình phạt nhẹ nữa. Hệ thống này xem ra được quý chuộng hơn vì những lý do sau đây:
I. Theo cách Dự phòng, học sinh đã được cảnh giác sẽ không nản chí vì lỗi đã phạm, cả khi lỗi đó đến tai Bề trên đi nữa. Em không bao giờ tức bực khi bị sửa lỗi hoặc bị đe phạt hay chịu phạt, vì em luôn được nhắc nhở trước cách thân tình, theo lối dự phòng; lời báo trước ấy giúp em ngã lẽ và thường đưa đến kết quả là chiếm được lòng em, đến nỗi em thấy mình cần hình phạt và hầu như muốn có hình phạt nữa.
II. Lý do chính yếu hơn, là tính trẻ bồng bột hay thay đổi; trong chốc lát trẻ đã quên ngay những quy luật và những hình phạt dành cho người lỗi phạm. Vì thế, đứa trẻ thường lỗi phạm và phải phạt mà không bao giờ nghĩ tới, vì không có ai nhắc nhở em khi phạm lỗi, giả như có một tiếng nói của người bạn nhắc bảo, chắc chắn em sẽ tránh khỏi.
III. Hệ thống Giáo dục Cưỡng bách có thể ngăn chặn được rối trật tự, nhưng khó làm cho phạm nhân nên tốt hơn. Kinh nghiệm cho hay thanh thiếu niên không dễ dàng quên những hình phạt đã chịu, và thường chúng giữ những kỷ niệm chua chát đó và ước mong được thoát ách và báo thù nữa. Có khi hồi đó chúng không để ý gì, nhưng ai theo sát chúng, sẽ nhận thấy những ký ức của tuổi trẻ thật là ghê sợ, chúng dễ dàng quên những hình phạt của cha mẹ, nhưng rất khó quên những hình phạt của các nhà giáo dục. Có những người khi về già mới báo thù tàn nhẫn những hình phạt họ đã chịu cách bất công khi còn thụ giáo. Trái lại, Hệ thống Dự phòng biến học sinh trở thành bạn hữu và chúng nhìn thấy nơi Hộ trực viên là vị ân nhân sẵn sàng chỉ bảo chúng, muốn giúp chúng nên tốt, và cứu chúng khỏi những bất mãn, hình phạt và ô nhục.
IV. Nhờ Hệ thống Dự phòng, học sinh hiểu được rằng bất cứ lúc nào nhà giáo dục cũng có thể nói với chúng bằng tiếng lòng, không những trong thời kỳ chúng đang thụ giáo, mà cả thời kỳ sau đó nữa. Một khi đã được lòng tín nhiệm của trẻ, nhà giáo dục sẽ có thể gây ảnh hưởng rộng lớn nơi chúng, có thể chỉ dẫn, khuyên bảo và cũng có thể sửa lỗi chúng, cho dù sau này chúng có địa vị nào trong xã hội. Vì những lý do trên và nhiều lý do khác, xem ra Hệ thống Dự phòng phải được quý chuộng hơn Hệ thống Cưỡng bách.

2. Áp dụng Hệ thống Dự phòng
Thực hành Hệ thống này, ta hoàn toàn dựa vào lời thánh Phaolô: Charitas benigna est, patiens est; omnia suffert, omnia sperat, omnia sustinet. Đức ái hiền hậu và kiên nhẫn; tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Vì thế, chỉ người kitô hữu có thể áp dụng Hệ thống Dự phòng một cách hiệu quả. Lý trí và Tôn giáo là những khí cụ mà nhà giáo dục phải bền tâm sử dụng, phải dạy dỗ những thứ đó, và chính mình phải thực hành, nếu muốn được tuân phục và đạt mục đích của mình.
I. Giám đốc do đó phải hiến toàn thân mình cho những người mình giáo dục, nên không bao giờ đảm nhận những việc làm ngài sao nhãng chức vụ mình. Khi không bận việc gì, ngài nên ở giữa học sinh luôn, trừ khi các em đã được các người khác hộ trực cách thích đáng.
II. Giáo sư, Giám xưởng, Hộ trực viên phải là những người có đời sống luân lý được mọi người thừa nhận. Họ nên cố gắng tránh các thứ tình cảm hay kết nghĩa riêng với học sinh như tránh bệnh dịch vậy, và nên nhớ rằng, một người lầm lỗi thôi cũng có thể làm tổn thương cả trường giáo dục. Phải gắng làm sao để học sinh không bao giờ ở một mình. Các Hộ trực viên nên tới trước chỗ học sinh tập họp bao có thể, và cứ ở đó với chúng cho tới khi có người khác hộ trực thay, đừng bao giờ để học sinh ở nhưng.
III. Nên để học sinh tự do chạy nhảy, kêu la mặc sức. Thể thao, âm nhạc, văn nghệ, kịch trường, đi dạo, là những phương pháp rất hiệu lực để giữ kỷ luật, có lợi cho đạo đức và sức khỏe. Chỉ nên lưu ý sao cho những tiết mục liên hoan, những người tham gia, và những lời nói không có gì đáng trách. Thánh Philip Nê-ri, người bạn thân thiết nhất của tuổi trẻ đã nói: Đối với tôi, các bạn muốn làm gì thì làm, chỉ cần đừng phạm tội là được.
IV. Việc năng xưng tội, năng hiệp lễ và dự thánh lễ hằng ngày là những cột trụ phải nâng đỡ tòa nhà giáo dục nơi chúng ta muốn loại bỏ những đe loi và đòn vọt. Không bao giờ bắt học sinh năng xưng tội và hiệp lễ, nhưng chỉ nên cổ võ chúng và giúp chúng có cơ hội thuận tiện để xưng tội và hiệp lễ thôi. Trong những dịp cấm phòng, tuần ba ngày, tuần chín ngày, bài giảng và lớp giáo lý, nên làm nổi bật vẻ mỹ lệ, cao cả và thánh thiện của đạo Công giáo, vì trong các bí tích, đạo Công giáo đã cống hiến cho mọi người chúng ta những phương pháp rất dễ dàng và hữu ích để lòng được an bình và cứu rỗi linh hồn mình. Theo cách này, học sinh sẵn sàng thi hành các việc đạo đức đó, và chúng sẽ tự ý thực hiện những việc đó một cách vui vẻ và có hiệu quả.
V. Nên săn sóc hết sức cẩn thận để ngăn ngừa khỏi đem vào trường những sách báo xấu, bạn xấu. Chọn được một người canh cổng tốt là một kho tàng của một trường giáo dục.
VI. Mỗi tối, sau kinh nguyện thường lệ và trước khi đi ngủ, Giám đốc hay ai thay ngài sẽ nói chung với học sinh đôi lời âu yếm để chỉ dẫn hoặc khuyên bảo những điều chúng phải làm hay phải tránh. Ngài nên cố gắng rút ra mấy phương châm đạo đức trong những biến cố xảy ra ở trường hay ở ngoài, nhưng không bao giờ nói quá hai hay ba phút. Đó là chìa khóa của đạo hạnh, của bước tiến và thành công trong việc giáo dục.
VII. Nên tránh như tránh bệnh dịch ý kiến của một số người muốn trì hoãn việc rước lễ vỡ lòng cho tới khi khôn lớn, thường là lúc ma quỷ đã chiếm được tâm hồn đứa trẻ, nó gây không biết bao nhiêu thiệt hại cho lòng trong trắng của trẻ. Theo luật Giáo Hội thời xưa, người ta quen cho trẻ nhỏ bánh thánh còn dư lại sau khi rước lễ Phục sinh. Điều đó chứng tỏ Giáo Hội ao ước cho trẻ nhỏ được Rước lễ Vỡ lòng ngay từ lúc chúng còn tấm bé. Khi một trẻ nhỏ biết phân biệt bánh thánh với bánh thường và tỏ ra đủ hiểu biết, nên để Vua Trời tới ngự trong linh hồn đã được chúc phúc đó, không cần để ý tới tuổi.
VIII. Giáo lý khuyên năng hiệp lễ. Thánh Philip Nê-ri khuyên hiệp lễ hằng tuần và còn có thể năng hiệp lễ hơn. Công Đồng Triđentinô nói rõ: Công Đồng hết sức ước ao mọi kitô hữu hiệp lễ khi dự Thánh lễ. Nhưng để được nhiều kết quả hơn nơi lễ hiến tế tôn nghiêm và thánh thiện này, không phải chỉ hiệp lễ thiêng liêng thôi, mà còn hiệp lễ thật nữa (Công Đồng Trentô, khóa XXII, chương VI).


3. Ích lợi của Hệ thống Dự phòng
Có người nói: Hệ thống này khó thực hành. Cha xin trả lời: Đối với học sinh, Hệ thống này dễ dàng hơn, thỏa mãn và ích lợi hơn. Đối với nhà giáo dục, chắc chắn Hệ thống này có ít nhiều khó khăn, tuy nhiên, nếu họ nhiệt thành làm công việc của mình, thì những khó khăn đó sẽ giảm thiểu. Nhà giáo dục là người đã hiến thân vì ích lợi của học sinh mình, nên phải sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, nhọc mệt, để theo đuổi mục đích của mình là giáo dục học sinh về mặt công dân, đạo đức và khoa học.
Ngoài những lợi ích đã nêu trên, còn thêm những lợi ích khác là:
I. Học sinh sẽ luôn tỏ lòng kính trọng các nhà giáo dục của chúng, và sẽ vui sướng nhớ lại những chỉ dẫn các ngài đã cho, chúng sẽ coi các thày dạy như anh, các bề trên như cha. Chúng đi đâu, cũng là niềm an ủi của gia đình, là những công dân hữu ích và là những kitô hữu tốt.
II. Cho dầu tính nết, khuynh hướng, phẩm hạnh của một học sinh lúc mới được nhận vào trường có thế nào đi nữa, thì cha mẹ vẫn có thể tin chắc là con mình sẽ không thể ra tệ hơn. Người ta còn đoan chắc là nó sẽ luôn được cải thiện hơn. Thật thế, một số thanh thiếu niên trước kia đã là gánh nặng cho cha mẹ chúng và đã bị các trại cải huấn từ chối, nay đã thay đổi khuynh hướng, tính nết, và đã bắt đầu sống cuộc đời lương thiện sau khi được huấn luyện theo những nguyên tắc này, nên hiện nay chúng đang giữ những chức vụ danh giá trong xã hội, như thế chúng đã trở thành cột trụ nâng đỡ gia đình chúng, và là vinh dự cho quốc gia chúng đang sống.
III. Nếu chẳng may có thiếu niên nào mang theo những tập quán xấu vào trường, chúng cũng không thể gây hại cho chúng bạn được. Những học sinh tốt cũng không thể bị lây hại khi tiếp xúc với chúng, vì chẳng có thời gian, nơi chốn hay cơ hội, bởi lẽ Hộ trực viên mà chúng ta giả thiết là luôn có mặt, sẽ lập tức có phương thế sửa chữa ngay.

Đôi lời về hình phạt
Khi ra hình phạt phải theo luật nào? Trước hết, nếu có thể, không bao giờ dùng hình phạt. Nhưng nếu cần sửa phạt, nên ghi nhớ những điều sau đây:
I. Nếu nhà giáo dục ở giữa học sinh muốn được chúng kính nể, nên tìm cách làm chúng yêu mến mình. Khi được thế rồi, chỉ cần từ chối tỏ lòng ưu ái đã là hình phạt có sức thúc đẩy ganh đua, tăng thêm can đảm và không bao giờ làm hạ giá chúng.
II. Với học sinh, hình phạt là bất cứ điều gì ta có thể dùng để phạt. Người ta thấy rằng, với một số học sinh, thì một cái nhìn lạnh nhạt có hiệu quả hơn cả một cái tát. Khen ngợi một việc làm tử tế, trách mắng khi chểnh mảng làm việc, như thế đã là phần thưởng hay hình phạt rồi.
III. Không bao giờ được sửa lỗi và phạt nơi công cộng, nhưng ở nơi riêng và xa đồng bạn, trừ những trường hợp rất họa hiếm. Nên nhờ lý trí và tôn giáo để giúp học sinh hiểu lỗi lầm của chúng, nhưng phải hết sức khôn ngoan và kiên nhẫn.
IV. Phải tuyệt đối tránh đánh đập học sinh bằng bất cứ cách nào, hoặc bắt chúng quì một cách khổ sở, hay kéo tai chúng, và các hình phạt tương tự, bởi vì dân luật cấm, và vì các hình phạt như thế làm học sinh rất tức giận và hạ giá nhà giáo dục.
V. Giám đốc nên cho học sinh được biết rõ các luật lệ, các phần thưởng và các hình phạt do kỷ luật ấn định, để chúng không thể chữa mình rằng chúng không biết điều đó đã được truyền hay bị cấm.
Nếu đem Hệ thống Giáo dục này ra thực hành trong các nhà chúng ta, cha tin là chúng ta sẽ có thể thu lượm được nhiều kết quả lớn lao mà không cần dùng đến roi vọt hay những hình phạt dữ dội khác. Trong khoảng bốn mươi năm tiếp xúc với thanh thiếu niên, cha nhớ chưa hề phải dùng tới hình phạt nào như vậy, và nhờ Chúa giúp, không những cha đã luôn nhận được những điều bổn phận buộc phải làm, mà cả những điều cha chỉ mới ước ao thôi, do chuyện đó từ chính những thanh thiếu niên trước kia xem ra như đã mất hết hy vọng thành đạt.




















III.
LÁ THƯ GỬI TỪ ROMA*



Roma, ngày 10 tháng 5 năm 1884

Các con rất yêu mến trong Chúa Giêsu Kitô,
Dù ở xa hay ở gần, cha vẫn luôn nghĩ tới các con. Cha chỉ có một ước ao; đó là thấy được các con sung sướng ở đời này và đời sau. Chính tư tưởng này, chính ước vọng này đã thúc đẩy cha viết lá thư này cho các con. Các con thân mến, cha rất xót xa khi phải xa các con. Cha buồn vì không được thấy các con, nghe tiếng các con. Các con không thể tưởng tượng được lòng cha buồn khổ đến chừng nào. Suốt tuần qua, cha những ao ước viết cho các con lá thư này, nhưng vì bận quá cha không thể viết được. Tuy chỉ còn vài ngày nữa là cha sẽ về với các con, song cha muốn về trước với các con qua lá thư này. Đây là những lời của người đã hết lòng yêu mến các con trong Chúa Giêsu Kitô. Cha thấy có bổn phận phải thành thực nói với các con tất cả những điều cha cảm nghĩ. Chắc chắn các con sẽ cho phép cha làm việc này, phải thế không? Nếu vậy, các con hãy chú ý nghe và đem ra thực hành những lời cha sắp nói.
Như cha đã nói với các con, tâm trí cha luôn nghĩ tới các con. Cách đây mấy hôm, sau khi đọc mấy kinh thường lệ để đi ngủ, kinh mà mẹ cha đã dạy, không biết lúc đó chia trí hay thiu thiu ngủ, cha thấy thình lình có hai cựu học viên trong Nguyện xá hiện ra trước mắt cha. Một trong hai tiến lại và chào cha cách thân ái: - Ôi, Don Bosco! Cha có nhận ra con không?
- Có chứ, con. Cha trả lời.
- Và cha còn nhớ con xưa kia chứ? Người ấy thêm.
- Phải, không chỉ mình con, mà cha còn nhớ tất cả các học sinh khác nữa. Con là Valfrè ở Nguyện xá trước năm 1870.
- Này cha, Valfrè tiếp tục nói, bây giờ cha có muốn gặp các thanh thiếu niên ở Nguyện xá hồi đó không?
- Có chứ, cha trả lời, cha thật sung sướng nếu được gặp lại chúng.
Valfrè liền chỉ cho cha thấy tất cả các học sinh thời đó, với tầm vóc và tuổi tác y hệt lúc bấy giờ. Cha thấy mình như đang tham dự một trò chơi của Nguyện xá thời xưa. Thật là một cảnh linh động, náo nhiệt và vui vẻ. Đứa chạy, đứa nhảy, đứa cò cò. Đây vài em chơi nhảy xa, kia vài em chơi nhảy vòng, hay đá bóng. Chỗ này một nhóm học sinh đang say sưa nghe một cha kể chuyện, chỗ khác một tư giáo đang hăng hái tổ chức một trò chơi cho học sinh. Khắp nơi vang tiếng cười, tiếng hát. Bất cứ nơi nào có các thày các cha đều có thanh thiếu niên vây quanh nô đùa vui vẻ, biểu lộ tình thân mật và tín nhiệm sâu đậm. Cha đang ngây ngất vì sung sướng, thì Valfrè nói với cha:
- Cha thấy không? nếu có tình thân thiện, sẽ có lòng mến, và khi đã có lòng mến, tất nhiên sẽ có tin cậy, và khi đã có tin cậy, thanh thiếu niên sẽ không ngần ngại cởi mở tâm hồn với Thày dạy, Hộ trực viên và Bề trên. Chúng sẽ thành thật khi xưng tội và trong việc giao tiếp hằng ngày, ngoan ngoãn tuân giữ những điều khuyên bảo, vì chúng biết Bề trên yêu mến chúng.
Giữa lúc đó anh cựu học viên có bộ râu trắng đi cùng với Valfrè tiến lại gần cha và nói:
- Thưa cha Bosco, bây giờ cha có muốn xem lại các em hiện đang sống trong Nguyện xá lúc này ra sao không? (anh cựu học viên này tên là Giuse Buzzetti).
- Có chứ! cha trả lời; bởi vì hơn một tháng nay cha chưa thấy chúng.
Và Buzzetti liền chỉ cho cha: Cha thấy Nguyện xá và chúng con đang chơi đùa, nhưng không còn nghe tiếng hò la vui vẻ, tiếng hát xướng của chúng con, không còn thấy bầu khí náo nhiệt như cha đã thấy trong cảnh trước nữa. Cha rất buồn lòng khi thấy nhiều học sinh tỏ ra thái độ và gương mặt chán nản, lơ đãng, khinh bỉ, lãnh đạm. Bên cạnh những học sinh vô tư, vui đùa, chạy nhảy náo nhiệt, cha thấy một số đông ở nhưng, đứng dựa cột, chìm đắm trong những ý nghĩ đen tối; một số khác ở lại cầu thang, hành lang, hay sau vườn để tránh các trò chơi chung; một số khác đi lại chậm chạp, thì thầm với nhau, đưa mắt ranh mãnh nghi ngờ nhìn chung quanh, thỉnh thoảng phá lên cười, nụ cười chứa đựng nhiều bí ẩn khiến người khác hoài nghi, tin chắc rằng nếu thánh Lu-y ở đó, chắc chắn sẽ đỏ mặt vì hổ thẹn. Cả trong số những em chơi đùa, nhiều em tỏ ra uể oải, miễn cưỡng, không thấy hứng thú trong các trò chơi.
- Sao, cha đã thấy hết các học sinh của cha chưa? Anh cựu học viên nói với cha.
- Có, cha đã thấy tất cả! Cha buồn rầu trả lời.
- Các học sinh bây giờ khác xa chúng con ngày xưa quá nhỉ!
- Đúng vậy, học sinh bây giờ chán nản, uể oải và miễn cưỡng trong các giờ chơi.
- Rồi từ đó chúng sẽ dần lạnh nhạt với các phép bí tích, biếng nhác đọc kinh ở nhà thờ, nơi mà Chúa Quan phòng đã ban cho chúng vô số ơn phần hồn, phần xác, cũng như trí tuệ. Đây là lý do tại sao nhiều học sinh đã không đáp lại ơn gọi của chúng, tỏ ra bạc bẽo với Bề trên, kín dạ, lẩm bẩm và nhiều hậu quả đáng khiển trách khác nữa.
- Cha hiểu con muốn nói gì rồi. Nhưng làm sao để có thể lấy lại niềm phấn khởi, hoạt bát, vui vẻ và cởi mở của thời xa xưa ấy?
- Phải dùng tình yêu, cha ạ!
- Tình yêu à? Thế học sinh của cha chưa được yêu mến đầy đủ sao? Con không thấy cha đã yêu mến chúng biết bao nhiêu. Hơn bốn mươi năm cha đã chịu nhiều đau đớn, cực nhọc vì chúng, cho đến bây giờ cha vẫn đang chịu bao đau khổ, lao lực, mệt nhọc, nhục mạ, chống đối, bách hại, chỉ vì để mang lại cơm ăn, nhà ở, thày dạy, và nhất là để lo cho phần rỗi linh hồn chúng. Cha đã làm tất cả những gì cha có thể để yêu thương chúng, và suốt đời cha chỉ có một tình thương duy nhất đó.
- Nhưng, thưa cha, con không có ý nói về cha!
- Thế về ai? Có phải về những người thay mặt cha không? Về các Giám đốc, Quản lý, Giáo sư, Hộ trực viên chăng? Con không thấy họ vất vả dạy học, làm việc, hy sinh những năm tươi trẻ nhất của mình để lo lắng cho các học sinh mà Chúa Quan phòng gởi đến sao?
- Có, con nhận thấy và biết rõ như thế: nhưng còn thiếu một điều quan trọng.
- Điều gì thế con?
- Yêu mến học sinh mà thôi chưa đủ, song còn phải làm thế nào để chúng nhận thấy được rằng chúng ta yêu mến chúng.
- Thế chúng không có mắt à? Chúng không đủ trí khôn sao? Chúng không thấy được rằng tất cả những gì làm cho chúng đều chỉ vì tình yêu mến chúng sao?
- Như thế chưa đủ cha ạ!
- Vậy phải làm sao?
- Phải yêu mến học sinh trong chính những điều chúng ưa thích, phải tham dự vào những điều hợp với sở thích của tuổi trẻ. Có như thế mới giúp chúng học biết yêu thích những điều mà tự nhiên chúng không ưa mấy: như giữ kỷ luật, học hành, hãm mình; chúng sẽ thực hành những điều đó với lòng yêu thương.
- Con hãy cắt nghĩa cho cha rõ hơn.
- Cha hãy quan sát các học sinh đang chơi kìa!
- Quan sát xong, cha đáp: có gì đặc biệt đâu?
- Cha đã từng kinh nghiệm bao nhiêu năm giáo dục thanh thiếu niên mà cha không nhận ra sao? Cha xem kỹ hơn đi! các tu sĩ Salêdiêng đang ở đâu?
Cha quan sát và thấy rất ít các cha và các thày hòa mình với học sinh, còn chơi với chúng lại còn ít hơn nữa. Các Bề trên không còn là linh hồn của trò chơi. Đa số đi đi lại lại, nói chuyện với nhau, không chút bận tâm tới học sinh. Một số khác chỉ biết điềm nhiên nhìn trẻ chơi, không nghĩ gì đến chúng; có những người canh chừng xa xa, xem ai có lỗi phạm, họa hiếm lắm mới có người biết cảnh cáo sửa lỗi, nhưng đầy đe dọa, vài tu sĩ Salêdiêng muốn tới tiếp xúc với một nhóm thanh thiếu niên nào đó, nhưng cha thấy chúng khôn khéo tìm cách xa lánh các thày và các Bề trên của chúng.
Người bạn cha liền nói:
- Ngày xưa, ở Nguyện xá có bao giờ cha xa chúng con đâu, nhất là trong các giờ chơi? Cha còn nhớ những năm hạnh phúc đó chứ? Thật sung sướng như Thiên đàng, một thời kỳ mà chúng con luôn ghi nhớ với biết bao tình mến bởi vì khi ấy tình yêu là luật sống giữa chúng ta, và giữa cha và chúng con nào có gì dấu ẩn.
- Đúng vậy, hồi đó mọi sự đều là nguồn vui đối với cha. Thanh thiếu niên háo hức đến gần cha, muốn nói chuyện cùng cha, và nao nức nghe lời cha khuyên bảo để đem ra thực hành. Nhưng bây giờ con thấy đấy, những cuộc gặp khách liên tục, rồi những công việc bề bộn và sức khỏe yếu kém khiến cha không còn thể nào làm việc ấy được nữa, con hiểu chứ?
- Vâng, con hiểu. Cha không thể, nhưng tại sao các tu sĩ Salêdiêng không bắt chước cha? Tại sao cha không nhấn mạnh, không đòi hỏi các tu sĩ của cha phải đối xử với thanh thiếu niên như chính cha đã đối xử?
- Có chứ, cha đã nói đến vỡ phổi; nhưng tiếc thay, nhiều người không muốn dấn thân hy sinh như trước nữa.
- Vì bỏ qua điều bé nhỏ, nên họ đánh mất điều to tát, điều "to tát" đây chính là công lao vất vả của họ. Hãy yêu thích những gì thanh thiếu niên thích, rồi chúng sẽ thích những gì Bề trên thích. Có như thế, Bề trên mới nhẹ bớt gánh nặng. Nguyên nhân đảo lộn bầu khí hiện tại của Nguyện xá chính là vì có một số thanh thiếu niên mất lòng tín nhiệm nơi Bề trên. Ngày xưa chúng cởi mở, yêu mến và mau mắn vâng phục Bề trên. Nhưng ngày nay, Bề trên chỉ còn là Bề trên chứ không còn là người cha, người anh hay người bạn nữa; vì thế chúng sợ hãi và ít yêu mến các ngài. Vậy, nếu muốn sống một lòng một trí vì yêu mến Chúa Giêsu, thì cần phải phá tan bức tường ngăn cách, đố kị và thay vào đó bằng lòng tin yêu, tín nhiệm. Có như thế, việc vâng phục mới hướng dẫn thanh thiếu niên như người mẹ dìu dắt con mình; Khi ấy hoàn cảnh sống hoà thuận, an vui xưa kia sẽ trở lại trong Nguyện xá.
- Nhưng phải làm sao để có thể phá đổ bức tường ngăn cách đó?
- Phải thân thiết với thanh thiếu niên, nhất là trong giờ chơi. Thiếu thân thiết, sẽ thiếu yêu thương, thiếu yêu thương, tất nhiên sẽ thiếu tín nhiệm. Ai muốn được yêu mến, thì cần phải tỏ ra mình yêu mến. Chúa Giêsu Kitô đã trở nên bé nhỏ với những người bé nhỏ, và đã mang lấy thân phận hèn yếu của chúng ta. Chính Ngài là vị thày của tình thân thiện. Bao lâu thày giáo còn ngồi trên ghế giảng, bấy lâu vẫn còn là một vị thày dạy mà thôi, nhưng một khi hòa mình đi chơi cùng thanh thiếu niên, thày sẽ trở thành như một người anh. Nếu chỉ giảng trên toà giảng, người đó chỉ làm vừa đủ bổn phận không hơn không kém, nhưng nếu nói một lời trong giờ chơi, thì đó là lời của một người có lòng thương mến. Rất nhiều thanh thiếu niên biết cải hóa vì vài lời rỉ tai các em lúc các em đang hăng hái vui chơi. Ai biết mình được yêu sẽ đáp lại tình yêu, và ai được yêu mến sẽ được mọi sự, nhất là nơi thanh thiếu niên.
Tín nhiệm là giòng điện lưu hành giữa thanh thiếu niên và Bề trên. Thanh thiếu niên sẽ cởi mở, giãi bày những ưu tư, lầm lỗi của mình. Chính nhờ có tình yêu đó mà Bề trên chịu đựng mọi lao nhọc, nhàm chán, vô ơn, quấy phá, thiếu sót, lơ đãng của trẻ nhỏ. Chúa Gêsu Kitô đã không bẻ gãy cây sậy dập nát, cũng chẳng dập tắt tim đèn còn leo lét. Ngài là gương mẫu của các con. Chớ gì đừng ai làm việc vì hư danh; phạt để trả thù, vì tự ái bị tổn thương; bỏ việc hộ trực vì ghen tương, sợ người khác trội hơn mình; nói hành người khác; gạt bỏ Bề trên để được trẻ yêu mến và quí trọng. Những người như thế chỉ nhận được khinh bỉ và nịnh bợ giả dối. Đừng ai để lòng dính bén một thụ tạo mà xao nhãng bổn phận hộ trực chính yếu của mình, cả nể không dám sửa bảo những kẻ mình phải sửa bảo. Chỉ khi nào có tình yêu chân thật, ta mới tìm vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Khi tình yêu trở nên nguội lạnh, mọi sự sẽ trục trặc. Tại sao phải thay thế tình yêu bằng những luật lệ lạnh lùng? Tại sao Bề trên xao nhãng việc tuân giữ các qui tắc mà Don Bosco đã răn dạy? Tại sao lại dần dần thay thế hệ thống chủ trương lấy sự tỉnh thức cùng tình yêu mà ngừa trước những lỗi phạm bằng hệ thống dễ dãi, giải quyết vấn đề mau lẹ đối với người sai khiến, bằng cách nêu lên những luật lệ, lấy hình phạt mà áp đặt sự tuân giữ, gia tăng oán ghét và tạo nên nhiều bất mãn; và một khi chểnh mảng áp đặt việc tuân hành luật lệ, những luật này lại càng tạo nên sự khinh khi đối với Bề trên và là cớ cho nhiều lỗi phạm trầm trọng khác.
Thiếu tình thân thiện, chắc chắn sẽ có những hậu quả như thế. Vậy nếu muốn Nguyện xá sống lại những ngày hạnh phúc thuở nào, hãy áp dụng nghiêm chỉnh Hệ thống Giáo dục xưa kia: Bề trên trở nên mọi sự cho hết mọi người, sẵn sàng lắng nghe mọi nỗi nghi ngờ hay than vãn của thanh thiếu niên, mở to đôi mắt của người cha hiền để chăm sóc tính tình con cái, mở rộng cõi lòng tìm kiếm lợi ích thiêng liêng và vật chất cho hết thảy các thanh thiếu niên Chúa Quan phòng trao phó. Có như thế cõi lòng mới không còn khép kín nữa và những giấu diếm độc hại mới không còn ngự trị nữa. Chỉ trong trường hợp vô luân, Bề trên mới cứng rắn, không dung thứ. Thà liều đuổi một em vô tội, còn hơn giữ lại một em gây gương mù. Các Thày Hộ trực có bổn phận lương tâm phải trình báo lên cho Bề trên tất cả những gì mình biết là xúc phạm đến Chúa.
Lúc đó cha hỏi tiếp:
- Nhưng làm sao để có được tình thân thiện, yêu mến và tín cẩn như thế?
- Phải xác đáng tuân giữ các luật nhà.
- Chỉ vậy thôi sao?
- Món ăn ngon lành nhất trong bữa cơm là gương mặt vui vẻ.
Khi anh cựu học viện của cha nói xong, cha đưa mắt nhìn cuộc chơi, lòng cha se lại, nỗi ê chề xâm chiếm tâm trí cha, dần dần lên tới cực độ, không thể chịu được, cha giật mình và thức giấc... Khi tỉnh lại cha thấy mình đang đứng cạnh giường. Đôi chân cha sưng vù, nhức nhối không sao chịu được. Đã quá khuya, nên cha phải lên giường và nhất quyết ghi lại những lời này cho các con.
Cha ao ước đừng bao giờ thấy lại những giấc mơ như thế nữa, vì chúng làm cho cha kiệt sức. Ngày hôm sau cha thấy rụng rời cả thân mình và chiều tối cha không còn muốn nghĩ đến giấc ngủ nữa. Nhưng vừa đặt mình xuống giường, cha lại mơ. Cha thấy mình ở sân chơi với các học sinhh hiện sống tại Nguyện xá và với anh cựu học viên hôm trước. Cha bắt đầu hỏi anh: Cha sẽ nói cho các tu sĩ Salêdiêng về những điều con đã nói cho cha; nhưng cha phải nói gì với các thanh thiếu niên?
Anh cựu học viên đáp: cha hãy dạy chúng biết nhìn nhận những công lao khó nhọc mà các Bề trên, Giáo sư và Hộ trực viên đã hy sinh chịu đựng vì yêu mến chúng. Nếu không vì yêu mến chúng, các ngài đã không hy sinh đến thế. Dạy chúng luôn nhớ rằng khiêm nhường đích thực là nguồn phát sinh mọi sự bình an; cố gắng chịu đựng lầm lỗi của nhau vì trên đời không có gì là hoàn hảo, chỉ trên Thiên đàng mới có mà thôi. Dạy chúng đừng xầm xì, chai đá, và cố gắng sống trong ơn nghĩa Chúa. Ai không sống bình an với Chúa, không thể sống bình an với chính mình và người khác.
- Phải chăng con muốn nói có vài em trong số thanh thiếu niên của cha không có bình an với Chúa?
- Đúng vậy, đó chính là đầu mối của tình trạng chán nản trong Nguyện xá, một trong những nguyên nhân mà cha đã biết, và cha phải tìm cách cứu chữa. Thật vậy, chỉ có kẻ có những bí mật phải giữ kín, những kẻ sợ rằng những bí mật này một khi bị tiết lộ sẽ khiến chúng phải hổ thẹn, nhục nhã, mới là những kẻ không tin vào ai. Ai không sống trong bình an với Chúa, sẽ luôn áy náy, bồn chồn, khó chịu khi phải vâng phục, giận dỗi vô cớ, bất mãn mọi sự vì họ không có tình yêu, nên tưởng là Bề trên cũng không yêu mến họ.
- Thế con không thấy các thanh thiếu niên vẫn thường đi xưng tội, rước lễ đó sao?
- Đúng, nhiều em đi xưng tội thật, nhưng có một khuyết điểm căn bản nơi hầu hết các em là thiếu cương quyết trong điều dốc lòng. Chúng xưng tội, nhưng cứ xưng đi xưng lại cùng một khuyết điểm, một lỗi bổn phận. Cứ như thế kéo dài tháng này qua tháng khác, có khi tới hàng năm, có em tới lúc mãn trường. Xưng tội như thế ích lợi rất ít hay chẳng ích lợi gì, vì thế chúng không có bình an, và nếu phải ra trước Toà Chúa trong tình trạng này, chắc chắn là điều khá nghiêm trọng.
- Có nhiều em như thế trong Nguyện xá không?
- Chỉ có một số ít thôi so với số thanh thiếu niên đông đảo trong nhà. Cha xem đi. Và anh ta chỉ cho cha xem.
Cha để ý nhìn và thấy rõ ràng từng em một trong số những thanh thiếu niên này, cha lấy làm đau xót khi phải nhìn tình trạng tâm hồn chúng. Cha không muốn ghi lại đây tất cả những điều cha thấy, nhưng khi về nhà cha sẽ nói riêng cho từng em đó. Đây cha chỉ khuyên chúng con một điều là phải cầu nguyện, dốc lòng cương quyết, nêu gương sáng không những bằng lời nói mà bằng cả việc làm: để mọi người thấy vẫn luôn còn có những Cômôlô, Đa minh Saviô, Bêsuccô, Sacardi đang sống giữa chúng ta.
Sau cùng, cha hỏi người bạn của Cha: Con còn gì để nói cho cha nữa không?
- Cha hãy giảng dạy cho mọi người, lớn cũng như nhỏ, phải luôn nhớ mình là con của Đức Maria Phù hộ Rất Thánh. Chính Mẹ đã qui tụ họ lại đây, để đem họ rời xa những cạm bẫy thế gian, hầu họ quây quần bên nhau như anh em và tôn vinh Thiên Chúa và Đức Mẹ bằng nếp sống gương mẫu của họ. Chính Đức Mẹ là Đấng đã ban cho họ của ăn, các phương tiện học hành, bằng biết bao ân huệ và những sự lạ lùng khôn kể xiết. Họ hãy nhớ mình đang ở trong những ngày áp lễ người Mẹ Rất Thánh của mình, và nhờ sự trợ lực của Mẹ, họ hãy phá tan hàng rào nghi kị giữa thanh thiếu niên và Bề trên mà ma quỉ đã dựng nên để phá hủy linh hồn của một số người trong họ.
- Liệu chúng ta có thành công trong việc phá tan hàng rào này không?
- Chắc chắn thành công, với điều kiện là mỗi thanh thiếu niên, lớn cũng như bé, phải sẵn sàng làm một vài hy sinh để tỏ lòng yêu mến Mẹ và đem ra thực hành những điều con vừa nói.
Đưa mắt nhìn các thanh thiếu niên đáng thương đang tiến đến bên bờ vực thẳm, lòng cha se thắt lại và đau đớn, đến nỗi giật mình thức giấc. Cha đã thấy nhiều điều quan trọng và muốn kể lại cho các con, nhưng thì giờ và hoàn cảnh không cho phép.
Cha kết thúc bức thư ở đây. Các con có biết người cha già đáng thương này mong đợi điều gì nơi các con sau bao nhiêu năm tiêu hao vì các con không? Chỉ có một điều duy nhất là các con hãy hết sức phục hồi lại những ngày vui sống hạnh phúc thuở xa xưa ở Nguyện xá. Đó là những ngày chan hòa tình thương và lòng tín nhiệm kitô hữu giữa thanh thiếu niên và Bề trên, những ngày thông cảm và chịu đựng lẫn nhau vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô, những ngày tâm tình rộng mở, đơn sơ, ngay thật, yêu thương và vui sống với mọi người. Cha cần sự an ủi của chúng con. Chúng con hãy cho cha niềm hy vọng và hãy hứa cùng cha là sẽ thực hành những gì cha ao ước chúng con làm vì phần rỗi linh hồn chúng con.
Chúng con chưa ý thức được đầy đủ hạnh phúc lớn lao của chúng con là được sống trong Nguyện xá. Trước mặt Chúa, cha có thể đảm bảo với các con rằng chỉ cần bước chân vào một nhà Salêdiêng là tức khắc Đức Trinh Nữ Rất Thánh sẽ phù hộ cách riêng mỗi người chúng con. Chúng ta hãy nhất trí với nhau về điều này: chính tình thương mến của người ra lệnh và tình thương mến của người phải vâng phục, sẽ làm ngự trị giữa chúng ta tinh thần của thánh Phanxicô Salê. Ôi, các con thân ái, cha sắp sửa phải vĩnh biệt các con để về cõi đời đời (Ghi chú của thư ký : Tới đây, cha Bosco ngừng đọc, mắt ngài đẫm lệ, không phải vì hối tiếc, song vì dạt dào yêu thương trào ra từ khóe mắt, nghẹn ngào trong tiếng nói, sau một lúc ngài mới tiếp tục:) vì thế, hỡi các linh mục, các tư giáo, các thanh thiếu niên rất yêu mến, khi giã từ các con, cha muốn để lại cho các con chính con đường mà Chúa muốn mọi người chúng con cùng đi. Chính vì mục đích này mà Đức Thánh Cha đã thương mến ban phép lành đặc biệt của Ngài cho hết thảy các con, khi cha đến gặp Ngài ngày thứ sáu mồng 9 tháng 5 vừa rồi.
Đúng ngày lễ Mẹ Phù hộ các giáo hữu, cha sẽ về với các con và sẽ cùng các con xum vầy trước tượng Mẹ yêu dấu. Cha ao ước lễ Mẹ sẽ được tổ chức hết sức trọng thể; xin Cha Lazzero và cha Marchisio lo liệu để các con được vui vẻ cả ở nhà cơm nữa. Lễ Mẹ phải giúp chúng ta tiên hưởng Lễ vĩnh cửu mà tất cả chúng ta sẽ cùng nhau cử hành một ngày kia trên Thiên đàng.
Người bạn yêu dấu của các con trong Chúa Giêsu Kitô.
Linh mục Gioan Bosco






IV.
LƯU NIỆM CỦA THÁNH GIOAN BOSCO BAN
CHO CÁC VỊ TRUYỀN GIÁO ĐẦU TIÊN

Các lưu niệm Don Bosco trao cho các tu sĩ Salêdiêng ngày 11 tháng 11 năm 1875 lúc họ rời Thánh Đường Đức Mẹ Phù hộ để lên đường sang nước Cộng hòa Achentina.*

1. Hãy tìm kiến các linh hồn, chứ đừng tìm kiếm tiền bạc, danh vọng, chức quyền.
2. Hãy tỏ lòng bác ái và hết sức lịch thiệp với mọi người, nhưng hãy tránh chuyện trò và thân mật với những người khác phái hay người có hạnh kiểm khả nghi.
3. Chỉ đi thăm viếng vì lý do bác ái và cần thiết mà thôi.
4. Không bao giờ nhận lời mời dùng cơm, trừ khi vì lý do rất trọng đại. Trong những trường hợp như thế, nên liệu có hai người cùng đi.
5. Hãy đặc biệt săn sóc người ốm đau, các trẻ nhỏ, người già lão và các kẻ nghèo khó, và các con sẽ được Chúa chúc lành cùng chiếm được từ tâm của người ta.
6. Hãy tỏ lòng kính trọng đối với mọi người có chức quyền, phần đời cũng như phần đạo, địa phương cũng như trung ương.
7. Khi đi đường gặp ai có chức vị, các con hãy mau mắn và kính cẩn chào hỏi.
8. Các con cũng hãy cư xử như thế khi gặp các giáo sĩ hay các vị thuộc các dòng tu.
9. Hãy tránh nhàn rỗi và tranh chấp. Hết sức tiết độ trong việc ăn uống, ngủ nghỉ.
10. Hãy yêu mến, kính nể, tôn trọng các dòng tu khác, và luôn nói tốt về họ. Đó là cách để các con được mọi người quí chuộng và làm ích cho Tu hội.
11. Hãy biết săn sóc sức khỏe. Hãy làm việc nhưng chỉ trong mức độ sức khỏe mình cho phép.
12. Hãy cho thế gian thấy các con nghèo khó trong cách ăn mặc, nhà cửa, như thế các con sẽ trở nên giàu có trước mặt Chúa và sẽ làm chủ cõi lòng người ta.
13. Giữa các con với nhau, hãy yêu mến, khuyên bảo, sửa lỗi nhau, nhưng không bao giờ nuôi lòng ghen tị và hờn giận; hãy coi cái hay của một người như cái hay của mọi người; những khó khăn và đau khổ của một người như khó khăn và đau khổ của mọi người, và mỗi người hãy tìm cách đẩy lui hay ít là làm dịu các mối sầu khổ đó.
14. Hãy tuân giữ Tu luật của các con và đừng bao giờ quên việc thực hành Dọn mình Chết lành hàng tháng.
15. Mỗi sáng các con hãy phó thác các công việc trong ngày cho Chúa, nhất là việc giải tội, dạy học, dạy giáo lý và giảng thuyết.
16. Hãy bền tâm cổ võ lòng sùng kính Mẹ Phù hộ các giáo hữu và Chúa Giêsu Thánh Thể.
17. Các con hãy khuyên nhủ thanh thiếu niên siêng năng xưng tội và rước lễ.
18. Để vun trồng ơn gọi giáo sĩ, các con hãy tỏ ra : 1. Yêu mến đức thanh khiết; 2. Gớm ghét nết xấu phản lại nhân đức này; 3. Xa tránh các bạn xấu; 4. Năng rước lễ; 5. Cư xử bác ái, biểu lộ được lòng thương mến và từ tâm đặc biệt.
19. Trong những chuyện tranh chấp, hãy nghe cả hai bên trước khi xét xử.
20. Lúc mệt nhọc và đau khổ, các con đừng quên rằng chúng ta có một phần thưởng vĩ đại đã được dọn sẵn ở trên trời. Amen.






















V.
DI CHÚC THIÊNG LIÊNG CỦA THÁNH GIOAN BOSCO*

Các con thân mến trong Chúa Giêsu Kitô,
Trước khi từ giã cõi trần để về nơi vĩnh cửu, cha phải chu toàn một vài bổn phận đối với các con, hầu làm trọn ước vọng mãnh liệt của lòng cha. Trước hết, với tấm lòng yêu mến nồng nhiệt nhất, cha cám ơn các con đã tùng phục cha, cám ơn các con đã dày công lao nhọc để xây dựng và làm phát triển Tu hội chúng con.
Cha để các con ở lại trần gian, nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, cha trông cậy lòng nhân từ vô hạn lượng Chúa sẽ cho chúng ta hết thảy một ngày kia được đoàn tụ trên nơi vĩnh phúc. Ở đấy cha đợi các con.
Cha xin các con chớ than khóc khi cha chết. Cái chết là một món nợ ai cũng phải trả, nhưng rồi chúng ta sẽ được ân thưởng bội hậu vì những lao nhọc chúng ta đã chịu vì tình yêu Chúa Giêsu nhân lành, vị Thày của chúng ta.
Thay vì than khóc, các con hãy quyết tâm vững vàng và hăng hái trung thành với ơn gọi cho tới cùng. Các con hãy tỉnh thức canh chừng, đừng để lòng say đắm thế gian, quyến luyến cha mẹ hay ham muốn cuộc sống an nhàn làm lung lạc và dẫn đưa các con tới chỗ tục hóa những lời khấn thánh thiện và như vậy là phản bội đời thánh hiến chúng ta đã cam kết với Chúa. Chớ gì đừng ai trong chúng con đòi lại những gì mình đã dâng cho Chúa.
Các con đã yêu mến cha trong quá khứ, hãy tiếp tục yêu mến cha trong tương lai bằng việc tuân giữ cặn kẽ Hiến Luật của chúng ta.
Bề trên đầu tiên của các con chết đi. Nhưng Bề trên đích thực của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô sẽ không chết. Ngài sẽ mãi mãi là Thày, là Hướng đạo, là gương mẫu của chúng ta; nhưng các con hãy nhớ rằng, tới giờ của Ngài, chính Ngài cũng sẽ là Thẩm phán xét xử và ân thưởng cho chúng ta, nếu chúng ta trung thành phục vụ Ngài.
Bề trên của chúng con chết đi, nhưng sẽ có một Bề trên khác được chọn để lo lắng cho các con và cho phần rỗi đời đời của các con. Hãy biết nghe theo Ngài, yêu mến, vâng phục ngài; hãy cầu nguyện cho ngài như các con đã từng cầu nguyện cho cha.
Vĩnh biệt các con dấu yêu, vĩnh biệt các con. Cha đợi các con ở trên trời. Ở đó chúng ta sẽ ca ngợi Chúa, ca ngợi Đức Maria là Hiền mẫu và là Đấng nâng đỡ Tu hội chúng ta; ở đó chúng ta sẽ tán dương muôn đời Tu hội của chúng ta, vì nhờ tuân giữ Hiến Luật của Tu hội, chúng ta có phương thế hữu hiệu và vững chắc để được cứu rỗi. Sit nomen Domini benedictum ex hoc nunc et usque in saeculum. In te Domino, speravi non confundar in aeternum. (Nguyện Danh Chúa được tán tụng, tự bây giờ và mãi đến thiên thu. Muôn lạy Chúa, nơi Ngài con trông cậy, xin đừng để con phải thất vọng muôn đời).
... Thiên Chúa từ ái và Mẹ Cực thánh hằng giúp chúng ta trong những cơn khốn khó. Chúng ta đã từng nghiệm thấy rõ điều này, đặc biệt mỗi khi lâm cảnh túng quẫn vì phải nuôi nấng trẻ em nghèo khó và bị bỏ rơi, và rõ rệt hơn nữa khi linh hồn chúng lâm nguy.
Đức Nữ Trinh Maria chắc chắn sẽ tiếp tục bảo trợ Tu hội chúng ta và các công cuộc Salêdiêng, nếu ta luôn vững lòng cậy trông nơi Mẹ và tiếp tục cổ võ lòng sùng kính Mẹ.
... Lao động, đời sống tốt lành và gương mẫu của các hội viên chúng ta sẽ chinh phục được thanh thiếu niên và có thể nói là sẽ lôi cuốn chúng noi theo. Chúng ta sẵn sàng hy sinh tiền của và nhân lực, nhưng hãy thực hành Hệ thống Giáo dục Dự phòng và chúng ta sẽ có dồi dào ơn gọi.
... Mọi hội viên trong cùng một nhà phải nên ý hiệp tâm đầu với Giám đốc của mình.
Tuy nhiên, hãy ghi lòng tạc dạ điều này là phải xa tránh như tránh dịch tễ thói xầm xì chỉ trích. Hy sinh nào cũng chịu được; nhưng chớ bao giờ dung túng thói chỉ trích các Bề trên.
... Cha không khuyên các con thực hành những việc hãm mình nào đặc biệt, nhưng nếu các con biết cùng nhau chịu đựng những đau khổ hay trái ý của cuộc sống với lòng nhịn nhục kitô hữu, các con sẽ lập được nhiều công phúc lớn lao và làm vẻ vang cho Tu hội.
... Thay vì bình phẩm về công việc người khác, mỗi người hãy hết sức chu toàn xác đáng các nhiệm vụ được trao phó cho mình.
... Cha thiết tha khuyên dạy và nhắn nhủ tất cả các con trước mặt Chúa và loài người, hãy chăm lo đến nếp sống luân lý nơi các người Salêdiêng và nơi những ai Chúa Quan phòng đã trao phó cho chúng ta dưới bất kỳ hình thức hay danh hiệu nào.
... Hãy lo sao để không ai nói được rằng: những đồ dùng này không cho thấy nghèo khó đâu cả, người nghèo không ăn uống kiểu ấy, không mặc những quần áo như vậy, hay ở trong những căn phòng như thế. Ai gây cớ cho người đời phê phán như vậy, là gây họa cho Tu Hội, một Tu Hội lẽ ra phải luôn được tự hào về lời khấn nghèo khó của mình.
Vô phước cho chúng ta nếu các vị ân nhân của chúng ta có thể thốt lên rằng chúng ta sống an nhàn dư giả hơn họ.
... Các con hãy nhớ rằng ngày nào các con lấy lòng bác ái chinh phục được một địch thù hay lôi kéo thêm được một người bạn, đó sẽ là một ngày vinh quang trong đời các con.
 ... Chúa Quan phòng đã dự bị sẵn cho Tu Hội chúng ta một tương lai tươi sáng. Bao lâu chúng ta còn trung thành tuân giữ các qui luật, bấy lâu Tu Hội chúng ta còn rực rỡ quang vinh.
Lúc nào chúng ta bắt đầu tìm kiếm đời an nhàn hay tiện nghi, lúc đó Tu Hội chúng ta bắt đầu hết lý do tồn tại.
Người đời sẽ luôn niềm nở đón tiếp chúng ta bao lâu chúng ta còn quan tâm đến những người man rợ, những thanh thiếu niên nghèo khó cơ cực, những người đang gặp nguy khốn nhất ngoài xã hội. An nhàn tiện nghi của ta là ở đó, sẽ không ai ganh tị với chúng ta, cũng không ai sẽ giật mất của chúng ta.
... Đừng quên rằng chúng ta sống cho trẻ em nghèo và bị bỏ rơi. Chính giữa những dân ít biết Chúa hay chưa hề biết đến vị Thiên Chúa thật, sẽ diễn ra những sự lạ lùng khó tin, nhưng Thiên Chúa quyền năng sẽ thực hiện trước mặt người đời.
Chúng ta đừng giữ những bất động sản nào ngoài nhà cửa cần thiết.
... Khi có người Salêdiêng nào kiệt sức và gục chết vì lao nhọc cho các linh hồn, khi ấy chúng con nói được là Tu Hội chúng ta đã giành được một chiến thắng vĩ đại, và từ Trời, Chúa sẽ đổ xuống trên Tu Hội những phúc lành dồi dào.